Hiện có 15 người xem / 2317392 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VỀ GIÁ TRỊ THỰC TẾ CỦA MỘT SỐ TÁC PHẨM DO CÁC TÁC GIẢ PHÁP (THỜI THUỘC ĐỊA) VIẾT VỀ VIỆT NAM VÀ MIÊN LÀO

Vũ Anh Tuấn

Kể từ bản tin này trở đi, người viết xin trình bày một số những nhận xét ngõ hầu thẩm định giá trị thực tiễn của một số sách thường được những người chơi sách và bán sách cũ gọi là sách “Indochine”, nghĩa là những sách viết về Đông Dương (Indochine) hoặc về các Quốc Gia Liên Kết (les Etats Associés) Việt, Miên, Lào, nhưng chủ yếu là sách viết về Việt Nam, do các tác giả Tây thuộc địa viết. Các tác giả này phần lớn là các quan cai trị, các công chức Pháp thời thuộc địa và một vài giáo sư, nhà nghiên cứu, đã viết về Đông Dương mà chủ yếu là Việt Nam trong khoảng thời gian có thể tính từ 1880 tới 1940, nghĩa là trên một nửa thế kỷ, khi mà người Pháp thiết lập chế độ bảo hộ (le Protectorat) trên đất nước ta.

Trong bản tin này người viết xin đề cập tới tác phẩm nhan đề là “ĐÔNG DƯƠNG HIỆN ĐẠI” (INDOCHINE MODERNE) của hai đồng tác giả Eugène TESTON và Maurice PERCHERON. Maurice PERCHERON là một kỹ sư, đồng thời cũng là một Tiến sĩ Vật Lý, làm việc nghiên cứu cho Cơ Quan Quốc Gia Pháp về Khí Đốt lỏng, còn Eugène TESTON thì là người phụ trách Sở Tuyên Truyền của Pháp ở Hà Nội.

Mùa Thu năm 1931, do sáng kiến và sự cổ vũ nồng nhiệt của Thống Chế Lyautey, tại thành phố Vincennes, một thành phố nằm ở phía Đông thủ đô Paris, một cuộc triển lãm Quốc Tế về Thuộc Địa đã được tổ chức trong gần nửa năm và được coi là một câu chuyện thần tiên quảng bá các cố gắng, các công lao và thành tựu đã được thực hiện bởi người Pháp ở các thuộc địa. Cuốn “Indochine moderne” ra đời vào đúng thời điểm này và được coi như là một thứ bách khoa tự điển thông dụng về Đông Dương sẽ phần nào lưu truyền cho hậu thế những điều kỳ diệu đã diễn ra trong cuộc triển lãm ở Vincennes năm 1931.

Cuốn “Indochine moderne” đã được xuất bản năm 1931, khổ 22 x 27cm, dày 1028 trang và chứa đựng 1005 tranh và hình chụp minh họa. Bìa cuốn sách là bìa cứng màu đỏ và ở hai bên tựa sách là hình hai con rồng được in nổi cực đẹp. Sách được xuất bản với sự cộng tác của Công Ty Thương Mại và Tài Chánh Pháp và dưới sự bảo trợ của Phủ Toàn Quyền Đông Dương, Phòng Thương Mại Pháp, Câu lạc Bộ Du Lịch Pháp quốc và Sở Du lịch Đông Dương.

Cuốn “Indochine moderne” này được coi là một thứ Bách Khoa Tự Điển Thông Dụng về Đông Dương và được chia làm 4 phần:

Phần I có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG ĐÃ ĐƯỢC TỔ CHỨC (L’Indochine organisée) và được chia làm 4 chương. Chương I nói về lịch sử Việt Nam, Miên, Lào. Chương II nói về tổ chức hành chánh cũng ở cả ba nước. Chương III nói về Xã Hội Đông Dương bao gồm đủ mọi lãnh vực như: Lao Động, Giáo Dục, Thể Thao, Vệ Sinh, các Tổ Chức Truyền Giáo, các Tổ Chức Tương Trợ vv... Chương IV nói về Tổ Chức Quân Sự ở Đông Dương.

Phần II có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG GỢI CẢM (Indochine pittoresque) gồm có ba chương V, VI, VII. Chương V nói về Địa Dư, Thủy đạo, Thời tiết, Sắc Dân, Ngôn Ngữ Học, các Tôn Giáo, các Phong Tục vv... ở cả ba nước. Chương VI nói về Du Lịch. Chương VII bàn về Săn Bắn và Ngư Nghiệp.

Phần III có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG NGHỆ THUẬT VÀ THỦ CÔNG NGHỆ gồm hai chương VIII và IX. Chương VIII nói về Nghệ Thuật, Kịch Nghệ, Văn Chương và Hội Họa. Chương IX nói về Thủ Công Nghệ gồm Thủ Công Nghệ của dân bản xứ ở cả ba nước, các trường mỹ nghệ và mỹ thuật vv...

Phần IV mang tựa đề ĐÔNG DƯƠNG KINH TẾ gồm chương X, XI, XII và XIII. Chương X nói về Thương Nghiệp và Hàng Hải. Chương XI dành riêng cho ngành Tuyên Truyền. Chương XII nói về Nông thôn, gồm Nông nghiệp, Chăn nuôi và Trồng rừng. Và sau chót chương XIII nói về Công Nghệ gồm Nông Nghiệp, Trồng Rừng, Hầm Mỏ và Công Chánh.

Mặc dầu cuốn “Indochine moderne” này được coi như là một thứ tự điển bách khoa thường dùng, NHƯNG THỰC TẾ TẤT CẢ MỌI VẤN ĐỀ ĐƯỢC TRÌNH BÀY ĐỀU RẤT ĐƠN GIẢN VÀ CHỈ GỒM PHẦN LỚN LÀ NHỮNG NÉT CHÍNH, KHÔNG ĐI VÀO CHI TIẾT VÀ KHÔNG MANG TÍNH CHẤT NGHIÊN CỨU. Do đó, nếu dùng để xem hình ảnh (mà hình ảnh thì phần lớn là đen trắng chỉ lác đác có một hai phụ bản màu) thì được, để làm một cuộc rong chơi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì được, và đặc biệt là nếu ai thích các tranh vẽ bằng bút sắt thì có thể hài lòng về một số tranh bút sắt rất đẹp. Tuy nhiên sách này không thể coi là một TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU vì nó không CÓ GIÁ TRỊ NGHIÊN CỨU mà chỉ có GIÁ TRỊ GIỚI THIỆU kiểu các sách hướng dẫn du lịch mà ta đang có rất nhiều ngày nay. Về các sự kiện văn học, lịch sử thì cũng tương đối là nhiều, tuy nhiên cần phải so sánh lại với các tài liệu khác để có thể biết rõ về ĐỘ CHÍNH XÁC của các tài liệu cuốn sách này chứa đựng.

Và, theo người viết, để kết luận ta có thể nói đây là một cuốn sách “Indochine” không quá quan trọng như nhiều người nghĩ và đặt ra cho nó một giá tiền “trên trời dưới biển”. Hơn nữa, với một người Việt yêu nước, thì những hình ảnh trong sách cũng chẳng gợi lại cho người đọc những kỷ niệm vui gì khi nó tượng trưng cho một thời kỳ mà cha ông chúng ta đã phải sống kiếp của những con người bị “đô hộ”...

------

PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC RẤT KHOA HỌC CỦA PIERRE BENOÎT (1886-1962)
NHÀ VĂN KIÊM VIỆN SĨ HÀN LÂM VIỆN PHÁP QUỐC

Vũ Anh Tuấn

Pierre Benoît là nhà văn Pháp viết nhiều nhất trong thời kỳ giữa hai Thế Chiến, đồng thời ông cũng là nhà văn có sách bán chạy nhất thời đó. Khi ông được một đồng nghiệp hỏi là ông có bí quyết gì để viết được những thứ mà ngày nay chúng ta gọi là “best seller” (sách bán chạy nhất), nhà văn trả lời:

“Đơn giản lắm ông bạn ạ! Chỉ cần lấy một bi kịch của Racine (Đại văn hào Pháp thế kỷ thứ XVII) đem pha trộn với bài vở trong sách Xanh hướng dẫn du lịch (Guide Bleu) là bạn thành công cái một ngay!”.

Pierre Benoît quả đã chịu khai thác Racine qua các nhân vật nữ đẹp, đầy quyền uy và tàn ác, với những định mệnh éo le, mà ông đã đem cộng thêm tính cách ưa sự mới lạ, ưa thích những thứ ngoại lai của sách chỉ dẫn du lịch (Guide Bleu) để đạt được những thành công vĩ đại với đại đa số các độc giả phái nữ.

Ông sinh ở Albi năm 1886. Không giống các tác giả khác lúc đầu có ít độc giả, rồi dần dần mới có nhiều độc giả, ngay tác phẩm đầu tay (Koenigsmark) ông đã thành công rực rỡ với một số độc giả đông đảo, người nọ truyền tai người kia, khiến sách bán chạy như tôm tươi, số lượng bán ra trên một triệu cuốn, một con số khó tưởng tượng vào thời đó cũng như ngay bây giờ. Tiểu thuyết Koenigsmark ra đời năm 1818, một năm sau (1919) ông cho ra đời tiểu thuyết l’Atlantide còn thành công hơn và cho tới ngày nay vẫn còn được cho là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Pháp. Nếu đem tính gộp tất cả các lần tái bản và những bản dịch (ra cả tiếng Nhật bản và chữ Braille cho người khiếm thị) thì hai tiểu thuyết đầu tay của ông đã đạt tới con số trên 3 triệu bản.

Pierre Benoît có những phương thức làm việc tính toán rất khoa học, rất độc đáo, không giống một nhà văn nào khác như dưới đây:

· Tên nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Koenigsmark của Pierre Benoît là AURORE, còn tên cũng của nhân vật nữ chính trong tác phẩm thứ nhì là cuốn l’Atlantide thì là ANTINEA, hai cái tên bắt đầu bằng chữ A. Kể từ đó trong toàn thể 42 tác phẩm của ông, tên tất cả các nữ nhân vật chính đều bắt đầu bằng chữ A như Allegria, Annabel, Antiope, Athelstane, Agar vv...

Từ 1918 tới 1963, hầu như mỗi năm Pierre Benoît lại cho chào đời một đầu sách, và sau khi tính toán kỹ lưỡng, hoạch định kế hoạch thật khoa học kỹ càng ông đã quyết định:

· Tất cả các cuốn tiểu thuyết của ông, bất kể cuốn nào, đều phải dài đúng 318 trang, không hơn không kém.

· Cảnh yêu đương (trong tất cả mọi tiểu thuyết của ông) và nụ hôn đầu tiên trong truyện bao giờ cũng xảy đến ở nơi trang thứ 100.

· Trong mỗi tác phẩm của ông đều có một câu nhắc tới cựuThủ tướng Pháp Gambette (điều này trừ ông ra, chẳng ai biết là tại sao).

· Tiểu thuyết nào của ông cũng có một câu rút ra từ một tác phẩm của Đại Văn Hào Chateaubriand, mà ông không để trong ngoặc kép, nên chẳng có nhà phê bình văn học nào khám phá ra điều này.

Từ tác phẩm này qua tác phẩm khác, Pierre Benoît đã đưa các độc giả của ông du hành trong mộng tưởng qua xứ Liban, quần đảo Antilles, xứ Zanzibar, sa mạc Gobi, xứ Hoggar, đảo Nouvelles-Hébrides vv...

Ngày 24 tháng Mười Một năm 1931, ở tuối 45, ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc, thay thế chỗ của cố Viện Sĩ Porto-Riche. Tại đây ông được coi là Viện Sĩ trẻ nhất và cũng tếu nhất, nhưng năm 1959 ông từ bỏ ghế Viện Sĩ, vì bênh vực đồng viện là Paul Morand, bị Tổng Thống De Gaulle gạt ra khỏi Hàn Lâm Viện vì lý do bất đồng chính kiến.

Năm 60 tuổi Pierre Benoît cưới một tuyệt thế giai nhân tên là Marcelle, kém ông 20 tuổi, và họ chung sống bên nhau 14 năm thật hạnh phúc, nhưng, hỡi ơi! Marcelle qua đời năm 1960.

Vốn nòi tình, không kham chịu nổi mất mát quá lớn, ông chết theo bà luôn sau hai năm sống trong thương nhớ không bước ra khỏi cửa!

------

4 QUYỂN SÁCH ĐỒNG Ở QUẢNG NAM
DƯỚI THỜI NGUYỄN

Bùi Đẹp

Nói chung tình trạng hiện vật gần như còn nguyên vẹn, những nét khắc còn rõ nét chữ nét, và hoa văn trang trí mặc dù một số chỗ đã bị rỉ xanh.

Quyển thứ nhất gồm 5 lá đồng khổ 23x14cm, nặng 750g với nội dung là “Sách Phong Kiến An Công Nguyễn Phước Hiệu” ghi rõ niên hiệu Gia Long thứ 16, ngày Nhâm Thân, mồng một tháng tám năm Đinh Sửu (12-9-1817) và sách được phong cấp lại ngày 19-6 năm Tự Đức 19 (29-7-1858 Dương lịch).

Quyển thứ hai gồm 5 lá đồng khổ 24x14,1cm nặng 750g với nội dung là “Sách Phong Kiến An Công Nguyễn Phước Hiệu” ghi rõ niên hiệu cấp năm Tự Đức thứ 2, ngày Ất Mão, tháng 9 năm Kỷ Dậu (05-11-1849) và được cấp lại ngày 29-7-1858.

Quyển thứ ba gồm 5 lá đồng khổ 24x14,5cm nặng 800g với nội dung là “Ngự Chế Tự” ghi rõ niên hiệu cấp năm Minh Mạng thứ 4, ngày Nguyên Đán, tháng Giêng (11-02-1823) và được cấp lại ngày17-01-1860 (Tự Đức năm thứ 13).

Quyển thứ tư gồm 8 lá đồng khổ 14x13cm nặng 800g nội dung là “Ngự Chế Tự” ghi rõ niên hiệu cấp năm Minh Mạng thứ 4, ngày Nguyên Đán, Tháng Giêng (11-02-1823) và được cấp lại ngày17-01-1861 (Tự Đức năm thứ 13).

Nói chung tình trạng hiện vật gần như còn nguyên vẹn, những nét khắc còn rõ chữ và hoa văn trang trí mặc dù một số chỗ đã bị rỉ xanh. Bìa một và bìa cuối của mỗi cuốn sách đều được chạm hoa văn hình rồng lượn khá tinh vi, chữ chạm khắc rất đẹp và rõ nét. Nhận xét ban đầu cho thấy có thể những quyển sách này là gia bảo của dòng họ Nguyễn Phước Hiệu chạm khắc lại những sắc phong của vua Tự Đức có niên hiệu muộn nhất là 1864. Ngoài nội dung của ba bản sắc phong, rất đáng chú ý đến cuốn “Ngự Chế Tự” trong đó ghi những điều Minh Mạng quy định về việc đặt tên họ nhằm duy trì và củng cố hoàng tộc Nguyễn. Có dịp chúng tôi sẽ giới thiệu bản dịch văn bản này.

------

10 LỜI KHUYÊN VỚI NGƯỜI YÊU SÁCH

Bùi Đẹp

Một trăm năm trước, tờ Sách đã nêu ra 10 lời khuyên với những người yêu sách như sau:

1. Không mượn sách đọc nếu mình có khả năng mua cuốn sách ấy.

2. Không dùng 10 ngón tay rọc sách, dù tay bạn tuyệt đối sạch.

3. Không thấm nước bọt vào ngón tay để giở trang sách.

4. Của hồi môn có ý nghĩa lâu bền nhất của phận gái là một thư viện nhỏ.

5. Dù đi đâu cũng mang theo sách nhất là đi lâu và đi xa.

6. Người tự trọng không đọc các cuốn sách nhảm nhí rẻ tiền.

7. Không bao giờ mua đọc các cuốn sách bị lấy cắp.

8. Không nhận xét vội vàng một cuốn sách dựa vào ý kiến người khác.

9. Thư viện nhiều sách qúy hơn một hầm rượu đầy nho.

10. bạn luôn có thể mua thêm sách đọc nếu biết tiết kiệm trong tiêu dùng.

------

GIỜ TÂY GIỜ TA

Trần Thúy Nga

Thời trước, khi nước ta chưa dành được độc lập, ông cha ta thuộc các thế hệ rất gần đây thường nói đơn giản là: giờ ta, giờ tây. Nói đến giờ ta, thì có “Đêm năm canh, ngày sáu khắc”.

Đêm năm canh, ngày sáu khắc là cách tính giờ của người Đông phương và của nước ta ngày trước.

Tìm hiểu về câu này, chúng tôi được biết:

Mỗi đêm có 5 canh (người Pháp gọi là veilles).

Canh một bắt đầu từ 7 giờ tới 9 giờ tối.

Canh hai từ 9 giờ tới 11 giờ đêm.

Canh ba từ 11 giờ đêm tới 1 giờ sáng.

Canh tư từ 1 giờ sáng tới 3 giờ: bắt đầu rạng đông (aurore).

Canh năm từ 3 giờ cho tới 5 giờ sáng (tàn canh hay canh tàn).

Như vậy, hai giờ của Tây là 1 canh của ta.

Còn “ngày sáu khắc” thì mỗi khắc gồm hai giờ Việt Nam và mỗi giờ Việt Nam này, được gọi bằng tên 12 con thú (12 con Giáp), lại bằng những hai giờ của Tây. Tóm lại một khắc của Tây (quart d’heure) chỉ có 15 phút, trong khi một khắc của Ta là những 4 tiếng đồng hồ.

Sáu khắc quý giá của chúng ta được chia ra như sau:

Khắc 1 có 2 giờ là:

Giờ Tí từ 11 giờ khuya tới 1 giờ sáng.

Giờ Sửu từ 1 giờ tới 3 giờ sáng.

Khắc 2 có 2 giờ là:

Giờ Dần từ 3 giờ tới 5 giờ sáng.

Giờ Mão từ 5 giờ tới 7 giờ sáng.

Khắc 3 có 2 giờ là:

Giờ Thìn từ 7 giờ tới 9 giờ sáng.

Giờ Tị từ 9 giờ tới 11 giờ trưa.

Khắc 4 có 2 giờ là:

Giờ Ngọ từ 11 giờ trưa tới 1 giờ.

Giờ Mùi từ 1 giờ trưa tới 3 giờ chiều.

Khắc 5 có 2 giờ là:

Giờ Thân từ 3 giờ tới 5 giờ chiều.

Giờ Dậu từ 5 giờ chiều tới 7 giờ tối.

Khắc 6 có 2 giờ là:

Giờ Tuất từ 7 giờ tới 9 giờ đêm.

Giờ Hợi từ 9 giờ đêm tới 11 giờ khuya.

Người nước ta đã dùng 12 con Giáp là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi mà làm mười hai giờ thành ra một ngày. Từ đó 12 giờ chia làm hai thành ra “ngày sáu khắc”.

Thí dụ khi ta nhìn đồng hồ “Seiko” thấy 7 giờ tối, mà ta muốn biết là mấy giờ, ta tra ở khắc 6 và thấy là giờ Tuất; vậy ta có thể lấy giờ tây chuyển ra giờ ta và ngược lại.

Vì ông cha ta lấy 12 con giáp mà đặt cho 24 giờ trong ngày, nên nhiều người mê tín dị đoan, thường tìm cách chọn giờ này tránh giờ kia nhằm tránh né các con thú đó. Trong việc cưới xin còn dò xem tuổi này có hợp với tuổi kia không hay là khắc nhau. Tuy nhiên loài thú thì làm sao mà mang lại phước, họa cho con người, vậy thì tin làm chi?

------

TIÊU NGỮ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
TRÊN THẾ GIỚI

Đặng Minh Quyên

Nước ta, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nước nào cũng có một tiêu ngữ; đó là một câu nói ngắn, gọn, nêu lên một mục tiêu cơ bản trước mắt mà mọi công dân yêu nước phải cố gắng vận dụng hết tài trí, sức lực, khả năng để đạt tới. Nói một cách nôm na, đó là một thứ khẩu hiệu để mọi người trong nước phải cố gắng tuân theo và thực hiện. Mục tiêu của bài viết này là để giới thiệu với các bạn một số tiêu ngữ của các quốc gia khác nhau, do đó, trước nhất xin nêu ra tiêu ngữ của các nước tiêu biểu.

VIỆT NAM Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc (Indépendance, Liberté, Bonheur).

HOA KỲ In God we trust (Chúng ta vững tin nơi Thượng Đế).

LIÊN XÔ (Vô sản trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại).

ANH Dieu et mon droit (không viết bằng Anh ngữ mà viết bằng Pháp ngữ) Thượng đế và quyền chính đáng của tôi.

PHÁP Liberté, Égalite, Fraternité (Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ - khi trước người ta thường dịch chữ “Fraternité” là Bác ái và kể ra nghe chữ này còn thuận tai hơn). Riêng thời kỳ 1940-1944 thì tiêu ngữ của Pháp là “Travail, Famille, Patrie” (Lao Động, Gia Đình và Tổ Quốc).

ĐỨC Einigkeit und Recht und Freiheit (Thống Nhất, Quyền Luật và Tự Do).

Bỉ L’Union fait la force (Hợp quần gây sức mạnh).

THỤY ĐIỂN Mỗi vua có một tiêu ngữ riêng. Hiện tại là:

Tất cả cho Thụy Điển theo nhịp điệu thời gian.

THỤY SĨ Mỗi người cho mọi người, mọi người cho mỗi người.

ẤN ĐỘ Sự thật tất thắng.

TÂY BAN NHA Thống Nhất, Vĩ Đại và Tự Do.

TUNISIE Liberté, Ordre, Justice (Tự Do, Trật Tự, Công Lý).

THỔ NHĨ KỲ An bình trong xứ sở, An bình ngoài biên thùy.

CANADA A mari usque ad mare. Từ đại dương này sang đại dương kia.

CỘNG HÒA TRUNG PHI

Thống Nhất, Phẩm Cách, Lao Động.

HY LẠP Ma force c’est l’amour de mon peuple, La Liberté ou la Mort (Sức mạnh của tôi là tình yêu dân tộc tôi. Tự do hay là chết).

DOTHÁI Résurrection (Phục sinh).

NAM PHI Ex unitate vires: Hợp quần gây sức mạnh.

Patria o Muerte, Venceremos: Tổ quốc hay là chết, chúng ta sẽ thắng.

AI CẬP Im lặng và kiên nhẫn, Tự Do, Xã hội chủ nghĩa, Thống nhất.

HUNGARI Tất cả quyền hành là của Dân chúng

MÊHICÔ Cao hơn nữa và xa hơn nữa

NICARAGOA Dios, Patria y Honor (Thượng Đế, Tổ Quốc và Danh Dự).

TÂN TÂY LAN Onward (luôn luôn thẳng tiến).

PAKISTAN Ittehad, Yaquin-i-Mukham, Tanzim (Thống Nhất, Vững Tin và Kỷ Luật).

HÀ LAN Tôi sẽ đứng vững

BỒ ĐÀO NHA O bem da Nacao: Lợi ích của quốc gia.

SINGAPORE Cầu cho Tân Gia Ba được thịnh vượng.

SYRIE Thống nhất, Tự do, Xã hội chủ nghĩa.

THÁI LAN Tổ quốc, Tôn giáo, Nhà vua.

URUGUAY Được tự do tôi không tấn công ai và cũng không sợ ai.

------

TRISTAN VÀ ISEULT
TRUYỆN TÌNH ĐAM MÊ NHẤT
THỜI TRUNG CỔ

Huỳnh Nguyệt Anh

Truyền thuyết về truyện tình của Tristan và Iseult là một sáng tạo lớn của trí tuệ, được hình thành bởi sự gặp gỡ của nhiều luồng tư tưởng văn minh khác nhau. Truyện tình rất đam mê, ai oán, não nùng, nhưng cũng rất “người” này, cho thấy là khi đụng phải nó, các cổ tục khắc khe, các luật lệ nghiêm khắc đều phải bó tay. Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, mối tình của Tristan và Iseult vẫn làm say mê lòng người cũng như vẫn gây những xúc động mạnh. Sau hàng ngàn vạn đổi thay trong những chi tiết, truyện tình này đến với chúng ta ngày nay như sau:

Tristan, con trai nhỏ của Rivalen, vua xứ Léonois, và của hoàng hậu Blancheafleur, là em gái của vua xứ Cornouailles, Marc, ngay từ khi mới mở mắt chào đời đã gặp nhiều tai họa. Khi cậu ra đời thì cha cậu đã mất ngôi vua, còn mẹ cậu thì đã chết ngay sau khi sanh cậu. Cậu bé mất mẹ được giao cho một thân nhân tên là Gorvenal nuôi nấng. Tên Tristan của cậu có nghĩa là “cậu bé buồn” và đến khi đuợc 15 tuổi, Tristan lưu lạc tới triều đình của chú mình là vua Marc; tại đây cậu bé lúc này đã trở thành một thiếu niên anh tuấn, được tất cả mọi người quý mến, yêu thích vì chàng rất can đảm và chơi đàn hạc (harpe) rất hay. Nhưng, trong một cuộc đụng độ với tên khổng lồ Morholt, em họ của vua xứ Irlande, tuy chàng giết được hắn nhưng bị thương bởi lưỡi dao tẩm chất độc của hắn, bị bỏ vào một cái thuyền cho trôi dạt và cuối cùng chàng lại đến được bờ biển chính xứ Irlande. Tại đây, chàng giả dạng là người làm trò xiếc tên là Tantris và tình cờ gặp được chính bà hoàng hậu xứ Irlande. Bà này chữa cho chàng khỏi bịnh như một phép lạ và giao con gái của mình là Iseult Tóc Vàng cho chàng nhờ chàng dạy nhạc. Khi trở lại xứ Cornouailles chàng bị quần thần của chú chàng tố giác là làm cản trở cuộc hôn nhân của nhà vua. Chàng liền xin được đích thân đi đón người thiếu nữ duy nhất mà vua Marc chịu cưới; đó chính là nàng Iseult mà Tristan đã rất nhiều lần mô tả với chú chàng. Trở lại xứ Irlande, Tristan đánh nhau một trận kịch liệt và hạ được một con rồng rất hung dữ. Sau đó chàng xin cưới Iseult cho vua Marc, chú của chàng. Chẳng may nàng Iseult tình cờ biết rằng chàng chính là thủ phạm đã giết chết tên khổng lồ Morholt, chú họ của nàng, nên nàng muốn hạ sát chàng. Nhưng bà hoàng hậu dàn xếp được ổn thỏa và nàng Iseult chịu theo Tristan trở lại Cornouailles; bà hoàng hậu cũng trao cho Iseult một ve bùa để nàng tăng thêm tình yêu đối với vua Marc. Tuy nhiên, trên đường về, Tristan, do một sự nhầm lẫn tai hại, đã uống nhầm phải ve bùa yêu khiến cho hai người phải yêu nhau đến chết, vô phương rời bỏ.

Đám cưới giữa Iseult và vua Marc được tiến hành, nhưng trong đêm tân hôn, Iseult đem tráo người tùy nữ thân tín là Brangian vào chỗ của mình. Tristan và Iseult tiếp tục yêu thương nhau và các kẻ thù của Tristan (đặc biệt là một người tên là Andret) vận động làm cho chàng bị đuổi khỏi triều đình tuy rằng nhà vua vẫn không chịu tin rằng chàng là kẻ có tội. Tuy nhiên hai kẻ tình nhân vẫn tiếp tục lén lút gặp nhau, họ hẹn nhau ban đêm khi thì trong vườn, khi thì bên suối và mỗi lần như vậy Tristan thả xuống suối những mảnh gỗ để làm hiệu. Hai người lại bị tố giác một lần nữa bởi tên lùn quái ác Frocin nên bị xử phải chết thiêu trên dàn lửa. Nhưng rồi họ được cứu thoát bởi một phép lạ và lang thang sống một cách cực khổ bên nhau trong rừng rậm. Cuối cùng vua Marc và thủ hạ của nhà vua tìm ra họ. Nhưng khi họ nằm bên nhau một cách thánh thiện, vì Tristan để giữa chàng và Iseult thanh kiếm của chàng, vua Marc cảm động để cho họ được tiếp tục ngủ yên; và để đánh dấu sự hiện diện của nhà Vua, vua Marc thay thế thanh kiếm của mình vào chỗ thanh kiếm của Tristan và đeo vào ngón tay Iseult cái nhẫn của mình, rồi lại cẩn thận dùng một bao tay che ánh sáng không cho chiếu vào mắt nàng. Cảm kích trước sự độ lượng vô biên của nhà vua. Iseult trở lại triều đình và Tristan vui vẻ lên đường đi đày ở xứ Bretagne. Tại đây chàng cưới nàng Iseult Tay Trắng, cô con gái xinh đẹp của tử tước Hoel và làm bạn với anh nàng Keherdin. Nhưng dù có vợ; Tristan không bao giờ đụng chạm tới vợ mình và luôn luôn tìm cách gặp lại Iseult Tóc vàng. Để được thấy nàng, chàng cải dạng làm một người cùi, người điên, nhà tu hành, và đôi khi chàng ăn xin trên lộ trình. Khi trở lại chàng giúp Kaherdin trong một cuộc phiêu lưu tình ái nguy hiểm. Kết quả là Kaherdin bị thiệt mạng còn Tristan thì bị thương nặng. Chàng vội cầu cứu Iseult Tóc Vàng là người duy nhất có thể chữa cho chàng khỏi. Được tin, nàng Iseult tức tốc lên đường. Nhưng Iseult Tay Trắng, vì ghen, đã gạt Tristan bảo chàng rằng Iseult Tóc Vàng không tới. Quá thất vọng, Tristan gục chết, và nàng Iseult Tóc Vàng vừa tới nơi cũng gục chết ngay trên mình chàng. Vua Marc khi được biết tin về cái chết của cặp tình nhân lại vừa được biết chuyện họ uống nhầm bùa yêu đã cho chôn cất họ một cách thật tốt đẹp tại Cornouailles; chẳng bao lâu từ hai ngôi mộ nằm cạnh nhau của họ nẩy lên hai cái cây cành lá xoắn chặt lấy nhau không cách nào gỡ ra nổi, và nếu chặt chúng đi thì chúng lại mọc lên to hơn, rậm rạp hơn và còn xoắn xít chặt chẽ hơn nữa.

Từ thế kỷ thứ XII tới nay đã có hàng trăm tác giả khác nhau ở khắp Châu Âu, nhất là ở Pháp, Đức, Ý, đã đưa ra các sách thuật lại truyện tình của Tristan và Iseult khác nhau. Bản xưa nhất người ta được biết là của tác giả Thomas, tựa đề là Tristan được viết vào năm 1170 mà năm đoạn người ta còn lưu giữ được gồm khoảng 3000 câu thơ kể lại những gặp gỡ của cặp tình nhân trong vườn, sự chia ly của họ, đám cưới của Tristan với Iseult tay trắng và cái chết của họ, chứ không nói gì tới những đoạn Tristan giả dạng làm nhà tu, người cùi vv... Ở Đức, bản đáng chú ý nhất là bản Tristan und Iseult của Gottfried de Strasbourg viết năm 1201 bằng thứ tiếng Đức thời trung cổ, vào thế kỷ thứ XIII người ta bắt đầu phân loại các bản truyện Tristan và Iseult khác nhau và khám phá ra rất nhiều dị biệt giữa các bản khác nhau, với đủ mọi cách viết rất bịa đặt và phi lý. Từ thế kỷ XV đến giờ cũng phải có vài chục bản nhưng bản đáng kể nhất là bi nhạc kịch 3 hồi của đại nhạc sĩ Richard Wagner. Ông này cũng có một mối tình với một thiếu nữ 23 tuổi trong những ngày tháng bị lưu đày; chính mối tình này đã cho Wagner cảm hứng để soạn ra bi nhạc kịch nói trên.

Ở nước ta tuy truyện tình Tristan và Iseult không được phổ biến mấy, nhưng không phải là không ai biết tới, vì thời tiền chiến nhà văn Vũ Ngọc Phan đã có một bản dịch mà ông dịch là Tiễu Nhiên và My Cơ. Bản dịch này đã được tái bản lại khoảng năm 1965, và gần đây vào năm 1991 hình như nó cũng đã được tái bản lại.

Ngày nào trên cõi đời này còn những trái tim, những tâm hồn đa sầu, đa cảm, thì những chuyện tình như truyện Tristan và Iseult sẽ vẫn luôn luôn là những truyện hay.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế