Hiện có 7 người xem / 2316200 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

Cáo lỗi

Thân gửi các bạn yêu sách - những người bạn đồng hành của CLB sách Xưa và Nay,

Do một vài lý do khách quan nên số bài viết trong Bản tin số 15 không được post lên đầy đủ. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi.

Các bạn có thể liên hệ trực tiếp Ban chủ nhiệm CLB tại:
Nhà thờ Tân Sa Châu
số 387 Lê Văn Sỹ, P2, Quận Tân Bình
để có Bản tin trọn vẹn.

Một lần nữa, rất mong các bạn thông cảm và lượng thứ.

ADMIN CLB

VÀI NÉT VỀ NHÀ THƠ THANH TỊNH

Nhà thơ Thanh Tịnh, tức Trần Thanh Tịnh, sinh ngày 12-12-1911 tại xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Bình Trị Thiên.
Trong phong trào Thơ mới, cùng với những bài thơ của những người mở đầu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… khoảng năm 1935-1936, chúng ta thấy xuất hiện thơ Thanh Tịnh.
Từ năm 1941 đến năm 1944, Thanh Tịnh có 4 tập truyện được xuất bản. Nhưng trước khi ra đời những tập truyện đó, tên tuổi của ông đã quen thân với nhiều độc giả trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội báo, Thanh Nghị… Nhiều sáng tác thơ văn của ông được đưa vào sách giáo khoa, trong đó có bài “Tôi đi học” được nhiều thế hệ học sinh nhớ mãi.
Sau Cách mạng tháng 8, ông gia nhập quân đội và trở thành nhà văn quân đội. Ông nguyên là Đại tá, Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội, là Ủy viên Đoàn cố vấn Hội nhà văn Việt Nam.
Ngày 17-7-1988, ông từ trần tại Hà Nội. Nhân đầu năm học mới, tưởng nhớ nhà thơ Thanh Tịnh, chúng tôi trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm đã gây bao niềm xúc động trong nhiều thế hệ học sinh: “Tôi đi học”, trong tập truyện ngắn “Quê mẹ” của ông.

TÔI ĐI HỌC

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau, hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
- Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt qua trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi qua làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi trường Mỹ Lý trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa An. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim non đứng trên vờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại ruỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trưởng Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông ta đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói:
- Thế là các em được vào lớp năm. Các em phải gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa.
(Các em đều nghe, nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại.)
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò trong lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi còn lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
- Thôi, các em lên đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lưng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi giúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi.
- Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười, đang đón chúng tôi trước cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ.
Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết. Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật.
Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng rồi nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.
Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đánh vần đọc:
Bài viết tập: TÔI ĐI HỌC

---

Những ngày đáng nhớ với Lưu Nhật Quang và Câu Lạc Bộ Người Yêu Sách

Nguyễn Đức Hiệp

Tôi đến dự buổi họp đầu tiên với CLB ở nhà thờ Tân Sa Châu sáng nay. CLB thường tổ chức họp mặt mỗi thứ bảy thứ hai của mỗi tháng. Hôm đó buổi họp có hơn 20 hội viên tham dự. Anh Vũ Anh Tuấn đưa bản tin thứ 8, rất nhiều bài lý thú. Anh Tuấn nói việc viếng thăm nhà lưu niệm Nguyễn Bính được hoãn lại do chị Hồng Cầm, con gái nhà thơ, đang sữa chữa nhà và tầng dưới sẽ là nơi chứa các vật lưu niệm của nhà thơ.
Trong buổi họp anh Tuấn cũng giới thiệu quyển sách Vương Dương Minh với thủ bút của Phan Văn Hùm, ở Tân Uyên, viết tặng bạn tù (Phạm Viết Chánh) bằng tiếng Pháp sau khi ra tù ở khám lớn Saigon. Và 2 quyển của Thiers xuất bản năm 1863 về cách mạng Pháp. Anh Hoàng Minh đề nghị viết nhiều đề tài nghiên cứu dựa vào các tư liệu hiếm có của các hội viên. Tôi có thể thấy trong CLB có một số hội viên trẻ muốn phát triển CLB lớn hơn và làm nhiều chuyện nghiên cứu hơn với nhiều đề nghị rất hay như làm web site, diễn đàn.. Việc này tốt và đáng hoan nghênh khuyến khích nếu có người làm. Minh có nói chuyện riêng về các công việc sắp tới là mang tất cả tư liệu quý lên mạng.
Tháng tới CLB sẽ họp ngày 10/2/2007 và cũng sẽ là bữa họp tất niên với bữa ăn trưa liên hoan. Các hội viên đề nghị sẽ trưng bày một số tư liệu quý và hiếm, và sẽ mời báo chí, truyền thông đến tham dự. Sau buổi họp, tôi có may mắn được viếng thư viện và các phòng chứa cổ vật của hội viên Lm Nguyễn Hữu Triết sau phòng họp của nhà thờ. Không ngờ ông có quá nhiều hiện vật: đồ đồng Đông Sơn, tượng Champa, Óc Eo, đồ gốm Việt Nam (đặc biệt có dĩa gốm Chu Đậu, 2 bình lớn thời Lê - Mạc, gốm Lý-Trần ...), nhiều sách quí (đặc biệt quyển sách cổ nhất "De la vie monastique", second edition, in năm 1586), bộ sưu tập các sách Kiều, các đèn xưa, xe lôi cổ,... Cơ ngơi ông cũng không khác gì của ông Vương Hồng Sễn nhưng phong phú và quý giá hơn nhiều. Tôi có góp ý với Lm Triết là nên có một catalog về xuất sứ các hiện vật trong một tập hướng dẫn về bộ sưu tập.
Hôm đó là lần đầu tôi tiếp xúc và nói chuyện với chú Lưu Nhật Quang. Chú rất vui tính, bình dị, thẳng thắn và rất Nam bộ. Chú trước đây là giáo sư Trung văn, Việt văn và Kinh tế, người Minh Hương, nay đã về hưu. Biết tôi đang tìm hiểu về người Minh hương ở Nam bộ, chú Quang hứa sẽ đưa cho tôi một số tư liệu về người Minh Hương. Tôi có báo cho chú biết về mộ Trần Thượng Xuyên vừa tìm được ở Tân Uyên.
Từ ngày ấy, chú Lưu Hữu Quang và tôi thường liên lạc và nhiều lần tôi có đến nhà chú. Chú Quang là người Việt gốc Hoa (Triều Châu), quê ở Bà Rịa. Hồi còn là học sinh trường Bác Ái, có tham gia đưa đám tang Trần Văn Ơn 9/1/1950 (ngày 9/1 hiện nay là Ngày truyền thống Sinh Viên Học Sinh mỗi năm). Sau đó chú đi tập kết ra bắc và học về kinh tế. Trước đây làm ở bộ ngọai thương và hiện nay đã hưu trí và chuyển qua làm công ty du lịch hợp tác với Thụy Điển (chú có nhiều con cháu nay ở Thụy Điển). Chú cũng thường viết bài cho các báo Hoa ngữ ở Saigon như Saigon Giải phóng (trang cho người Hoa), các tạp chí Hoa văn. Chú rất vui tính và nói chuyện về những người Minh hương nổi tiếng ở Việt Nam trước kia và hiện nay. Chú cho biết Lý Lan, nhà văn nữ viết các truyện ngắn rất tinh tế mà mình đã từng đọc và mến phục trước đây ở Saigon, là người Việt gốc Hoa (cha mẹ đều là người Hoa). Những năm cuối thập niên 1970, có những chính sách đánh tư sản rất sai lầm. Chú làm vui trong tuổi già tham dự những họat động văn hóa như trong CLB người yêu sách. Hai quyển sách chú photocopy tặng rất là quí giá dể viết bài nghiên cứu (1) Tsai Maw Kuey, Người Hoa ở miền Nam Việt Nam (Paris, thư viện quốc gia, 1968) (2) Trần Khánh, Vai trò người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992
Chú có trong hội dòng họ Lưu ở các nước Á châu, trong tập san của hội, bà hoàng hậu Thái Lan là người Hoa dòng họ Lưu và công chúa biết và viết tiếng quan thọai rất rành. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng là người gốc Hoa. Chú cho biết hội tương tế người Hoa cũng vừa thành lập (2006) ở Sóc Trăng. Tôi có cho chú biết thêm về đền Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa và mộ của ông ở Tân Uyên và vị trí của Cù Lao phố trên sông Đồng Nai, nơi người Minh hương định cư đầu tiên ở Gia Định, mà tôi có dịp đến thăm cách đó hơn 1 tuần cùng với nhà văn Võ Đắc Danh và một người bạn. Nhân dịp đến nhà chú Quang, tôi có đưa chú hình quang cảnh mộ tướng Trần Thượng Xuyên.
Cũng qua chú Quang, chúng tôi được Lm Nguyễn Hữu Triết mời đến nhà thờ Tân Sa Châu, viếng lại cổ vật trong bộ sưu tập của Lm cùng với chú Quang, và một số bạn bè mà tôi quen biết ở Saigon. Hôm ấy với sự thịnh tình của Lm Triết, chúng tôi được dịp thăm quan học hỏi kỹ hơn. Trong số các cổ vật, tôi đã xem xét và ghi lại từ thông tin của Lm như sau: Bốn tranh quí Xuân Hạ Thu Đông do họa sĩ Trung quốc Mạc Canh vẽ năm 1911 (từ gia đình một người Hoa giàu trong Chợ Lớn). Các tượng đất thuộc văn hóa Óc Eo: tượng người đàn bà ưỡn người dựa cột, tượng mặt người, tượng nữ thần Uma đứng (đã mất đầu), bình rượu Óc Eo rất lớn còn nguyên vẹn. Bình gốm trạm trỗ nổi rất đẹp đời Mạc, 2 tượng voi có người cỡi với lộng thuộc đời Lê. Tủ sơn mài gỗ mun chắc của bà Từ Cung, mẹ vua Tự Đức (do bị hư nên thải và được một người thợ sữa tủ mua lại 1912). Hai bức ký họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái (một ký họa vẽ nhạc sĩ Văn Cao). Một bức tranh phụ bản trên tạp chí của họa sĩ Nhật Fujita. Quyển sách xưa "Vingt milles lieux sous la mer" của Jule Verne (với gáy sách dos au phare). Trong tủ sách tàu cổ với tích Hồng Lâu Mông có nhiều sách cổ và một bản đồ Saigon-Chợ Lớn làm 24-3-1948 ở Chợ Lớn tựa đề "Tây đô liên khu địa đồ". Một trống làm bằng da nai của người dân tộc Cao Nguyên trên thân cây gỗ đã khoét rỗng, mà lông nai vẫn còn trên da mặt trống.
Qua sự giới thiêu của Lm Triết là Lm có tặng rất nhiều cổ vật cho Nhà truyền thống công giáo ở Quận 1, chúng tôi tò mò rất muốn biết thêm về các sưu tập cổ vật khác mà Lm Triết đã thu thập. Vì thế vài ngày sau, tôi cùng đi với chú Quang, chú Hùng (hội viên CLB) đến nhà truyền thống công giáo (6 Tôn Đức Thắng), nơi Linh mục Triết tặng các cổ vật. Tòa nhà trưng bày to lớn xây kiểu Pháp rất đẹp, có sân vào rất to và các cây cổ thụ rợp mát. Sau tòa nhà là nhà thờ nguyện và vườn tịnh tâm. Chúng tôi được người hướng dẫn cho xem các phòng trưng bày. Đặc biệt là 1 trống đồng Đông Sơn rất đẹp (với 4 cặp con cóc quanh viền trống), các thạp, các mũi tên, dao, kiếm đồng … các tượng Chăm theo phong cách Bình Định. Phòng thư viện có các sách cũ, đa số về đạo Ki tô. Có 1 bức tượng phật gỗ Óc Eo duy nhất trong các hình tượng đạo.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là được chú Quang dẫn đi ăn trưa ở Câu lạc bộ hưu trí ở đường Thi Sách sau khi đi thăm nhà truyền thống. Tôi với chú Quang và chú Hùng lò dò bước lên sạp gác rất xưa củ, hỗn độn đầy thực khách trên và dưới, rất bình dân và truyền thống công nhân bia Saigon. Không khí hoàn toàn khác với các nơi khác, rất đặc thù và không thay đổi từ bao nhiêu năm từ thời Pháp. Nơi đây gần nhà máy bia và nước đá của Tây khi xưa (trước khi chuyển về Nhà máy bia ở Quân 10). Đối với chúng tôi hôm đó là một chuyến đi rất bổ ích và học hỏi rất nhiều.
Chú Quang cho biết quê chú ở Long Điền (Bà Rịa), nơi có nhiều người Triều Châu ở đó từ nhiều đời. Chú có biết nhiều về ông Đại tá Tàu, người Việt gốc Hoa, anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, và nói sẽ có dịp dẫn tôi đến thăm ông ở Saigon. Chú mời tất cả xuống quê chú trong dịp trước tết, nhưng tôi không biết có thể đi dược không vì lúc ấy rất cận ngày về Úc. Sau bữa ăn trưa, lúc chiều tôi đến nhà chú và tặng chú dĩa dvd "Đất Lành" về người Minh hương ở miền Nam trong lịch sử, và đi với chú Quang đến nhà của nhà văn Võ Đắc Danh, tác giả bộ DVD “Đất Lành". Anh Danh đã tặng chú các sách bút ký của anh ấy nói về miền Nam và người Minh hương.
Một buổi đi điền dã lần cuối, là đi cùng với chú Quang và chú Hùng vô Chợ Lớn để tìm hiểu về người Hoa ở Gia Định. Mặc dầu có sự cố rắc rối là tôi bị công an thổi phạt vi cảnh đúng vào lúc vừa khởi hành, nhưng đây là chuyến đi đầy kỷ niệm. Chúng tôi viếng nhà truyền thống, toạ lạc ở góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi (xưa là đường Cây Mai) xem triễn lãm và các hình ảnh xưa ở Chợ Lớn và các sản phẩm mỹ thuật. Chú Quang cho biết nhà Truyền thống trước đây là nhà hát Tam Đa của người Hoa trong vùng. Đi bộ đến số 137 đường Triệu Quang Phục thăm trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc, chủ yếu là của người Hoa. Trụ sở là Hội quán của chùa bà (Thiên Hậu) cho mượn. Chùa Thiên Hậu nằm ở góc đường Nguyễn Trãi và Triệu Quang Phục, nơi có nhiều du khách đến thăm. Chú Quang giới thiệu bác Trần Đại Tân, người Triều Châu, quê ở Sóc Trăng. Bác Tân tặng quyển sách viết về người Hoa ở Nam bộ cho tôi và chú Hùng. Bác Tân nói chuyện về các địa lý và phố xưa cũng như các người Hoa danh tiếng trong lịch sử và hiện nay, như Trịnh Hoài Đức với Gia Định thành thông chí và Lý Ngọc Minh, ngày nay với xưởng gốm ở Bình Dương. Theo bác Tân thì đường Triệu Quang Phục xưa là đường Canton (Quảng Đông) trong thời Pháp và là trung tâm Chợ Lớn. Phim Người Tình được quay ở đường này, nhà Xã Tây ở cạnh đây (gọi là Xã Tây vì là tòa nhà hành chính của Pháp lo chuyện nhập, xuất cảnh và giấy tờ). Vùng này ngày xưa cũng được gọi là Minh Hương xã. Hoạt động của Hội gồm Hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh, xuất bản văn học. Ngoài ra còn có ban bảo trợ văn hóa người Hoa, với chi hội ca múa nhạc với trụ sở là nhà văn hóa Quận 5, gần Đại Thế giới, đường Trần Hưng Đạo.
Từ giã bác Tân, chúng tôi đi bộ đến thăm chùa Thiên Hậu do người Hoa Quảng Đông xây dựng, rất nhiều du khách nước ngoài viếng thăm. Kiến trúc chùa rất đẹp với các tượng trên nóc, mái chùa bằng sành sứ rất công phu và các tranh khắc trên tường là những tuyệt tác rất trang nhã của nghệ thuật người Hoa. Trong chùa, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh, đặc biệt các trang trí bằng sành trên nóc chùa và bên trong chùa. Sau đó là đến đền thờ bà Tam Sơn, trên đường Triệu Quang Phục, của người Phúc Kiến (Phúc Châu), nơi đây thờ Ngọc Hoàng, Quan âm.., không có chữ quốc ngữ chỉ có chữ Hán trong và ngoài đền. Cho nên chúng tôi đều phải nhờ chú Quang đọc hộ dùm các chữ Hán trên các bản chỉ dẫn trong đền. Theo bác Tân, thì kế bên đền Tam Sơn, xưa kia có Thất phủ cổ miếu, nhưng đã bị phá đi, hiện nay là xí nghiệp in. Một mất mác văn hóa to lớn.
Chúng tôi đến Đình Minh Hương Gia Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo, gặp lại bác Vương Quang Tâm (mà năm trước tôi đã có gặp). Đình là tòa nhà cổ nhất Saigon, xây năm 1789. Lần trùng tu cuối cùng của đình là vào năm 1921. Trong đình, bên phải thờ Trần Thượng Xuyên (có 2 ảnh tướng Trần Thượng Xuyên) và Nguyễn Hữu Cảnh, bên trái thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Gia Tịnh. Có 1 chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, và chuyển tên từ làng thành đình. Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16/1. Sau chánh điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời).
Tôi nhớ khoãng đầu thập niên 1970, những sản phẩm dầu gió sản xuất ở Chợ Lớn như dầu Nhị Thiên Đường được ưa chuộng và xuất khẩu qua thị trường Đông Nam Á, nhất là ở Thái Lan, cạnh tranh với những sản phẩm dầu của một công ty Singapore, nay nằm trong tập đoàn Temasek, mà bà chủ hiện nay trở thành có thế lực và giàu có bậc nhất ở nước này. Có thể trong thời buổi lúc ấy ở Saigon là nền kinh tế phồn vinh "giả tạo" không có cơ sở vật chất, do tiền viện trợ nước ngoài đổ vào, nhưng kinh tế ở Chợ Lớn cơ bản là tốt và có thực lực dựa vào sự làm ăn cần cù, chăm chỉ và chuyên tâm của người Hoa.
Nghề làm gốm là nghề tiểu công nghiệp lâu đời, bắt đầu từ khi người Minh hương đến định cư ở xứ Đồng Nai. Hiện nay ở tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, đa số các chủ là gốm là do người Việt gốc Hoa, hay Minh hương đảm trách. Họ đã làm nghề này cha truyền con nối bao nhiều đời cho đến nay. Đây là hai trung tâm gốm sứ lớn nhất Nam bộ với nhiều thợ, nghệ nhân người Hoa. Vào thế kỷ 18, đã tồn tại một trung tâm gốm sứ mang tên Xóm Lò Gốm ở vùng quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (phía Chợ Lớn). Xung quanh vùng này còn có nhiều địa danh như Lò Rèn, Xóm Lò Siêu, xóm Lò Gạch.. Gốm vùng Saigon-Gia Định-Đồng Nai ở thế kỷ 18,19 và 20 nổi tiếng có đặc thù riêng và nổi tiếng tốt mà nhiều nhà văn hóa sử, khảo cổ trước đây gọi là gốm "Cây Mai" nay được xếp loại và gọi chung là gốm Biên Hòa, Saigon.
Tôi rất cám ơn chú Quang đã giúp tôi có nhiều tư liệu và cho tôi thông tin để biên khảo trong th ời gian ở Saigon. Hơn nữa, trong chuyến đi Sóc Trăng, nhờ có sự giới thiệu của chú mà tôi đến được trụ sỡ Hội tương tế người Hoa và học hỏi thêm về cộng đồng người Hoa ở tỉnh này. Trong buổi họp mặt cùng với bạn bè ở nhà hàng Đại Gia trong Chợ Lớn, trước khi tôi trở về Sydney, chú vẫn còn vui khoẻ và cho biết dự định sẽ viết nhiều bài cho bản tin CLB và các báo.
Vậy mà vào cuối tháng 6/2007, tôi nhận đươc tin qua email của anh Trang Dân Kiệt (bạn chú Quang) và anh Minh trong CLB là chú Quang đã ra đi. Tin rất đột ngột và làm tôi rất là bất ngờ. Chỉ cách đấy hơn 2 tháng, tôi còn nói chuyện với chú Quang trên điện thoại. Mặc dù biết chú chỉ từ đầu năm nay nhưng có rất nhiều kỷ niệm vì đã được chú giúp đỡ gặp nhiều người để viết bài và học hỏi trong những ngày ở Saigon và Chợ Lớn đầu năm 2007.
Chú ra đi là một mất mác to lớn cho tất cả những người thân và quen biết chú, cũng như Câu Lạc Bộ mất đi một thành viên sốt sắng có nhiều đóng góp quí giá. Riêng với tôi thì tôi còn luôn nhớ chú là một con người cỡi mỡ, chân thành, vui tính và rất Nam bộ.

Lương Ngọc Quyến - Hành trình cuộc đời 32 năm

(1885-1917)
Chụp tại nhà pha Hỏa Lò Hà Nội 1915
(Lấy từ sở Mật Thám Pháp)
-oOo-
Thái Nguyên khởi nghĩa tàn rồi
Một trang sử Việt muôn đời không quên
Anh hồn Ngọc Quyến linh thiêng
Lâu lâu sống lại Thái Nguyên bẩy ngày

GS. NGÔ GIA HY

Cái chết bi tráng
-Ông bắn hộ tôi một phát vào giữa ngực để tôi khỏi nhìn thấy thực dân dày xéo lên lá cờ cách mạng!
Đó là câu nói cuối cùng của Lương Ngọc Quyến trưa hôm mồng 5-9-1917, lúc Thái Nguyên đang thập phần nguy cấp vì thiếu quân tiếp viện. Quang Phục quân được lệch rút lui sau 7 ngày giành được độc lập cho Thái Nguyên. Đội Cấn đã sắp sẵn cáng võng để đưa ông đi theo, nhưng ông cương quyết từ chối, không muốn để anh em nghĩa quân phải chậm trễ trên đường rút lui mà mỗi bước phải quay lại chống trả với địch. Ông quyết định chết ở Thái Nguyên, lấy hồn tiễn đưa nghĩa quân. Bắt đắc dĩ, Đội Cấn phải làm theo ý nguyện ấy, sau khi sụp xuống lạy vị thủ lãnh 32 tuổi đời, gương mặt thản nhiên, đang chờ đón một cái chết bi tráng.
Đoàng!!! Một tiếng nổ khô khan, lạnh lẽo đến độ làm tê lặng cả những trái tim! Nghĩa quân Quang Phục do Đội Cấn chỉ huy xếp hàng nghiêm chỉnh chào di thể vị anh hùng, lòng bùi ngùi đau xót, xong đào hố chôn lấp cẩn thận, san bằng mặt đất rồi mới bỏ đi.

Tuổi trẻ miệt mài
Lương Ngọc Quyến, hiệu là Lập Nham, sinh năm 1885 tại Hà Nội trong một gia đình khoa cử khá giả. Tổ quán là làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (quê hương Nguyễn Trãi) nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Cha là cụ Cử Ôn Như Lương Văn Can, anh cả là ông Lương Trúc Đàm, những người sáng lập và điều hành Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Thưở nhỏ Ngọc Quyến cũng dùi mài kinh sử, miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ để mong có ngày tranh khôi đoạt giáp cùng các bạn. Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900) vừa tròn 15 tuổi anh hăm hở lều chõng lên đường. Nhưng bị hỏng vì bài phú, anh liền tỉnh ngộ, nhận ra lối học khoa cử từ chương là hủ bại. Chính nó đã làm cho dân mình hèn, nước mình mất. Rồi anh tìm đọc sách tân học của Trung Quốc, rất tâm đắc với tư tưởng duy tân cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, anh sớm nhận ra thanh niên Việt Nam phải mau học tập binh cơ võ bị tân thời mới mong đánh đuổi được kẻ thù, giành lại quyền tự do độc lập cho đất nước.

Tìm đường cứu nước
Năm 1905, vừa tròn 20 tuổi, Lập Nham quả quyết từ bỏ cuộc sống sang giàu chốn Hà thành, bái biệt cha mẹ, làm giấy cho phép vợ hiền cải giá, rời bỏ đứa con gái nhỏ mà đi.
Phan Bội Châu,trong Ngục trung thư có viết về người thiếu niên quả cảm họ Lương như sau:
“Tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tôi đến Hoàng Tân, về nhà trọ cũ đã thấy nói có một thanh niên học sinh ta đã đến ở đó trước, có ý chờ đợi hỏi thăm về tôi… Thì ra là Lương quân Lập Nham, con Cụ Cử Ôn Như. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc, đầu tóc còn để bờm xờm. Một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe nói tôi mới sang Đông mà đã mạnh bạo bỏ nhà ra đi một thân một mình, không kể gì gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà mà được nhiều người có ý chí kiên cường mạo hiểm như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút ngắn được biết bao nhiêu!”.
Thời gian đầu ở Đông Kinh, Lập Nham một mặt học Nhật ngữ để sửa soạn vào trường võ bị Chấn Võ, một mặt viết thơ về động viên các đồng chí gửi người sang du học. Trong vòng hai năm đã có trăm học sinh ta được gửi sang học các trường ở Nhật do các nhà hảo tâm trong nước tài trợ. Nhưng rồi một hiệp định được ký giữa Nhật và Pháp yêu cầu Nhật phải trục xuất những người Việt ra khỏi đất Nhật trong vòng 48 tiếng. Dĩ nhiên hai ông đầu đàn Phan Bội Châu và Cường Để phải đi trước. Như rắn mất đầu, anh em Đông Du chới với. Riêng Lập Nham và em trai là Nghị Khanh nhờ lộn sòng quốc tịch mà được ở lại.

Sau 5 năm theo học trường Chấn Võ (1906-1911) Lập Nham thi tốt nghiệp đậu thủ khoa, được Ban Giám khảo khen ngợi (Ngôi trường này từng đào tạo Tưởng Giới Thạch và nhiều tướng lãnh khác).

Thực hành binh học
Sẵn có quốc tịch và quân tịch Trung Hoa, Lập Nham liền rời Nhật đi Quảng Đông để thực hành võ nghiệp. Với thư giới thiệu của một yếu nhân Trung Quốc từng quen biết ở Nhật, Lập Nham vào yết kiến Đô đốc Quảng Đông Hồ Hán Dân. Hồ niềm nở tiếp đãi, hỏi han sở học, xem bằng cấp, giấy khen rồi tức khắc bổ Lập Nham làm chức Đại úy chỉ huy một cánh quân hơn nghìn người đi diệt bọn thổ phỉ đang nổi loạn phá phách khắp nơi. Ngót một năm xông pha hiểm trở, trải lắm trận kích chiến nguy cơ đến tính mạng, lập nhiều chiến công, Lập Nham được thăng chức Thiếu tá coi cả một Lữ đoàn Lục quân. Anh lại được dịp thực hành sở học ở mức độ cao hơn, mượn trận địa nước người để thao luyện đến chỗ thuần thục hòng sau này về phục quốc.
Giữa năm 1914, lợi dụng tình thế rối ren ở Pháp do cuộc chiến Âu châu đang sôi nổi. Lập Nham bí mật về nước mong cùng các đồng chí nắm lấy thời cơ chuẩn bị hành động. trong một cuộc họp mặt kéo dài 4-5 đêm ở Long Xuyên, nơi Dương Bá Trạc đang an trí, các nhà cách mạng lão thành đã nhất loạt đề cử Lập Nham lãnh trọng trách “Khẩn điền, luyện quân” tại Xiêm, công trình mà trước đây Phan Bội Châu đang làm dở. Nay Lập Nham sẽ mở mang thêm, chiêu tập kiều bào và bản dân để lập thành chiến khu, mua vũ khí của nước ngoài do nguồn tài trợ của các thương gia yêu nước, rèn luyện binh sĩ chờ thời cơ khởi nghĩa.
Trên đường đi Xiêm, Lập Nham lén ghé thăm cha già, Cụ Lương Văn Can đang an trí tại Nam Vang, và em trai Nghị Khanh vừa học ở Nhật lẻn về. Tại đây Lập Nham mới được tin nhà cho biết anh đang bị kết án tử hình vắng mặt và truy tầm ráo riết. Thì ra hành tung của anh đã bị bại lộ do mấy tên bạn phản trắc đã bán đứng Lập Nham cho giặc để mưu cầu phú quý vinh hoa! Anh đành bỏ dở kế hoạch được giao, tức tốc về Sài Gòn rồi xuống tàu trốn sang Hương Cảng. Nhưng số mệnh thật khắt khe, tại đây anh bị mật thám Anh bắt rồi giao trả cho thực dân Pháp. Chúng giam anh tại nhà pha Hỏa Lò – Hà Nội, rồi giải lên Cao Bằng, ra tòa án binh, rồi xuống đề lao Sơn Tây, ngục Phú Thọ, cho nếm mùi cực hình. Chúng vừa dụ dỗ vừa tra khảo nhưng vô hiệu, anh nhất quyết không khai ra các đồng chí và hoạt động của Đảng. Không tìm được bằng chứng cụ thể chúng hành hạ để anh chết dần chết mòn, ngày đêm bị cùm xích ác nghiệt, bàn chân anh bị dùi thủng để xuyên sợi xích qua thay vì xích cổ chân. Chúng lại giải anh về Hỏa Lò – Hà Nội cho tù cầm cố. Trước khi phát vãng lên đề lao Thái nguyên để chịu cực hình khổ sai, chúng cho thân mẫu anh vào thăm, hòng lợi dụng tình mẫu tử làm đòn chính trị, nhưng vô hiệu.
Ở đề lao Thái Nguyên tuy thể xác bị hành hạ tàn nhẫn, chân đã què liệt mà ngày đêm vẫn bị cùm xích đớn đau, nhưng ý chí anh vẫn vươn cao. Nhớ lời mẹ dặn “còn nước còn tát”, anh liên hệ được với Đội Cấn, một Đội lính khố xanh có ý chí và hoài bão phục thù cho đất nước, từng nghe danh Lương Ngọc Quyến và hết lòng kính phục. Hai bên bí mật trao đổi nhờ cô vợ bé của Đội Cấn là người thầu cơm tù được ra vào đề lao hàng ngày. Nhờ thế, trong ngục tù đen tối, Lập Nham đã tìm được một chùm tia sáng soi lại giấc mơ của anh khi còn ở nhà pha Hỏa Lò – Hà Nội.

Thế rồi giấc mơ của Ngọc Quyến đã thành thực! Chỉ có điều hơi khác là không phải giữa thành Thăng Long mà là giữa thành Thái Nguyên. Tuy chỉ có 7 ngày độc lập, nhưng đã gây một ấn tượng lịch sử đẹp đẽ cho người đời sau và một niềm an ủi lớn lao cho anh hồn Lương Ngọc Quyến.
Anh đã ngã xuống dưới viên đạn bất đắc dĩ của Đội Cấn để rồi hiên ngang đứng mãi trong lịch sử, nêu gương sáng cho thanh niên của những thế hệ ngàn sau.

Thùy Dương

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế