Hiện có 7 người xem / 2337891 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14-11-2009
của CLB Sách Xưa & Nay

Trong cuộc họp hôm nay có thêm 3 thành viên mới tham dự, và cả ba là các nhà thơ. Mở đầu phiên họp, các thành viên mới đã được mời tự giới thiệu vắn tắt về mình. Sau phần tự giới thiệu; như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách, một cuốn nhan đề là: “Tám bài học để có cuộc sống Hạnh Phúc” (Le Bonheur en huit leçons) xuất bản năm 1930 của tác giả Eugènne Figuière. Cuốn sách này là một cuốn trong bộ sách được gọi là Trường dạy Hạnh phúc, một loại sách Học làm người của những năm 30 hồi thế kỷ trước. Qua gần 500 trang sách và qua bài học, tác giả đã cung cấp cho độc giả các lời khuyên nên sống ra sao, nên đối mặt với tất cả tình huống trong đời ra sao để có 1 cuộc sống hạnh phúc. Và, kể từ năm 1930 tức là gần 80 năm trước tác giả này cũng đã tin là CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT, một điều mà người viết rất tin. Cuốn sách cổ này còn có một giá trị đặc biệt cho người chơi sách là nó có thủ bút của tác giả, lời đề tặng và chữ ký (được kiểm chứng bằng 1 hình chân dung tác giả ở dưới có chữ ký). Tác giả đã đề tặng cho một người Việt nam tên là Nguyễn Minh Hoan và ngay ở dưới lời đề tặng là 1 chữ ký viết tay y chang với chữ ký nằm dưới bức ảnh chân dung, được đính kèm trang đầu của sách. Đây là một cuốn sách khá quý hiếm dưới mắt người chơi sách.

Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách của tác giả người Pháp, P. Corneille và cuốn sách này được in năm 1692 (M.DC.LXXXXII) tức là 317 năm về trước dưới thời Lê Hy Tông ở nước ta. Tuy đã trên ba thế kỷ cuốn sách vẫn còn tốt nguyên, chữ in rất rõ, giấy sách rất dày và có màu ngà ngà như giấy bổi (bản) ở nước ta. Ngoài số tuổi trên ba kiếp người, cuốn sách còn có một giá trị đặc biệt là 5 bi kịch và 1 hài kịch của P. Corneille mà sách chứa đựng chưa hề nghe thấy tại Việt Nam vì chúng ta chỉ biết có tuồng Lộ Địch (Le Cid) của tác giả người Pháp này mà thôi. Sáu tác phẩm trong sách là: POMPÉE – THEODORE – RODOGUNE – HERACLIUS – ANDROMÈDE và D.SANCHE D’ARRAGON. Với những người yêu thích sách được “gặp mặt” một cuốn sách trên 300 tuổi là 1 điều khá thích thú.

Sau phần giới thiệu 2 cuốn sách nhà giáo Lê Hùng Dương có vài lời nói về buổi nói chuyện của mình ở Cung Văn Hóa Lao Động vào sáng ngày hôm sau 15.11.09 về đề tài “Hòa Bình đến với nàng dâu và mẹ chồng”. Trước đó hai tuần lễ ngày 01.11.09 nhà nghiên cứu Phật giáo Tâm Nguyện cũng đã trình bày tại đây chuyên đề: “Một cái nhìn về Thiền trong đạo Phật”. Kế đó 1 thành viên mới đã đọc một bài thơ rất hay, được các thành viên thích thú thưởng thức. Sau phần ngâm thơ, 1 thành viên khác, nhà thơ nữ Thùy Dương tức Lương y Nguyễn Hải Liên đã có một cuộc thuyết trình có các động tác minh họa về cách “Thử tìm một phương pháp thư giãn”. Một trong ba thành viên mới đã tình nguyện nằm lên một bàn dài để thử nghiệm phương pháp thư giãn này dưới sự chỉ dẫn của thuyết trình viên Thùy Dương. Phương pháp thư giãn này chủ yếu là thở và cứ sau vài giây thở thì lại coi như bỏ bớt một phần cơ thể… để cho tâm hồn được hoàn toàn thư thái sảng khoái tinh thần… Theo thuyết trình viên nếu được thực hiện tốt 15 phút thư giãn kiểu này tương đương với 6 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi bình thường… Thuyết trình viên cho biết đó là theo sách HATHA-YOGA USUEL của tác giả DEVONDEL…

Cuộc họp kết thúc 11 giờ kém 15 cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

CUỐN “Ở BẮC KỲ” (AU TONKIN)
1883-1855 của tác giả DICK DE LONLAY

Người viết có quen một người Việt mang quốc tịch Pháp và sống ở Pháp. Anh nay là một đại trí thức nhưng đồng thời cũng là một trung thương gia vì anh ta thích mỗi lần về đều mang theo nhiều thứ để trao đổi với các thân hữu, nhằm kiếm lời để trả vé tàu…bay. Lần này anh mang về một lô sách cổ, và rủ tôi lại xem có gì thích thì anh để lại cho. Được tin, tôi đã vứt bỏ mọi việc để tới gặp sách và anh ta ngay. Ngồi ở salon đợi anh ta mang lô sách ra, lòng tôi hồi hộp hân hoan như sắp diện kiến nhiều mỹ nhân tuyệt sắc. Trong gần 10 cuốn sách, tôi lập tức bị thu hút bởi cuốn “Ở Bắc Kỳ” này vì bìa sách rất đẹp, ba cạnh lại được mạ vàng, và mặc dầu đã 120 tuổi (1889) nhưng hình dáng sách vẫn duyên dáng, tươi tốt, mảnh mai y như một siêu mỹ nhân mà tôi đã có cơ duyên gặp được trên đời hồi mới đây. Tôi đã không do dự 1 phút nào khi bỏ tiền để có đuợc sách ngay.

Về đến nhà tôi lại tiếp tục vứt bỏ mọi việc để tận dụng các ưu điểm ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC mà thượng đế đã ban tặng cho tôi từ mấy chục năm nay. Tôi đọc ngay và thấy sách khá hay nên xin giới thiệu nó với các bạn.

Cuốn “Ở Bắc Kỳ” (AU TONKIN) này dày 600 trang khổ 16x25 phân, bìa cứng gáy mạ vàng, và còn mới khoảng 80%.

Dưới tựa đề tác già DE LONLAY có ghi thêm là sách kể lại những giai thoại liên quan tới việc Pháp chiếm Bắc Kỳ, tới bọn Giặc Cờ Đen, tới bọn cướp biển ở Vịnh Hạ Long vv… mà tác giả ghi là “RÉCITS ANECDOTIQUES”. Đặc biệt quý là sách có chứa đựng tới 300 hình vẽ do chính tác giả vẽ.

Qua ghi chú này ta có thể biết là tác giả là một họa sĩ, và qua cách viết lách ta có thể thấy là tác giả kể chuyện rất vui, rất hóm hỉnh đồng thời lại rất trong sáng dễ hiểu. Tuy nhiên tìm hiểu về tác giả này thì người viết không tìm được gì vì, người viết xin nhắc lại là hầu như tất cả các tác giả viết về Đông Dương (Indochine) đều bị cấm cửa vào các tự điển văn học. Người viết có đến 3 bộ to đùng mà không tìm ra được 1 tác giả viết về Đông Dương nào kể cả các người danh tiếng như J.Marquet, De Pouvourville, Abel des Michels vv…

Việc đầu tiên là người viết xem ngấu xem nghiến ngay 300 hình vẽ minh họa và thấy là chúng thật dễ thương, thật đẹp.

Sách được chia thành 21 chương:

- Chương I: từ trang 1-18 nói về việc tác giả đi từ Toulou đến Hà Nội.

- Chương II: từ trang 19-44 nói về việc đánh chiếm Thuận An

- Chương III: từ trang 45-56 dành viết về bọn Giặc Cờ Đen khốn kiếp.

- Chương IV: từ trang 57-76 nói về các chuện xảy ra ở Nam Định và Hải Dương mà tác giả viết là Hải-Dzuong.

- Chương V: từ trang 77-92 nói về các chuyện xảy ra ở hai chỗ Phu-Hoai va Palan.

- Chương VI: từ trang 93-116 nói về các chuyện xảy ra ở Quảng Yên và một chỗ gọi là Batan.

- Chương VII: từ trang 117-132 nói về bọn cướp biển ở Vịnh Hạ Long

- Từ chương VIII-XVIII: từ trang 133-462 nói về đủ thứ chuyện của bọn quân viễn chinh Pháp đã xảy đến ở các nơi như: Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Lệ, Fou-Taséou, Lang Kép, Chữ, Tuyên Quang vv…

- Chương XIX: từ trang 463-502 nói về các chuyện ở Lạng Sơn.

- Chương XX: từ trang 503-529 nói về việc rút quân ở Lạng Sơn.

- Chương XXI: từ trang 530-600 nói về các chuện xảy ra ở Formose, Sheipo, và quần đảo Pescadores…

Đây là 1 cuốn sách đẹp và có ích lợi cho các nhà nghiên cứu lịch sử, đồng thời nó là một cuốn sách tương đối cổ và đẹp đối với những người yêu sách…

VŨ ANH TUẤN

(Trích hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI)

Quốc hiệu Đại Việt có từ đời nhà Lý

Trước thời nhà Lý, tên nước (quốc hiệu) của nước ta là Đại Cồ Việt, viết theo chữ Hán là 大 瞿 越 sau thời kỳ Bắc thuộc gần 1.000 năm, tức thời kỳ nước ta giành được độc lập và tự chủ . Quốc hiệu này tồn tại 86 năm (968-1054) từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước đánh thắng 12 Sứ quân cát cứ ở 12 khu vực của cả nước. Quốc hiệu này được sử dụng liên tiếp dưới triều đại của 8 đời vua thuộc ba triều Đinh, Lê và đầu Lý.

Đại Cồ Việt có ý nghĩa như sau: “ Đại ” theo nghĩa chữ Hán là lớn, “ Cồ ” trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Theo ý kiến của nhiều nhà ngiên cứu lịch sử, vua Đinh Tiên Hoàng (tức Đinh Bộ Lĩnh) muốn ghép 2 chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào. Ý nghĩa này còn được thể hiện ở hai câu đối, đến nay vẫn còn trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình)

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Trường An .

n ghĩa là:

Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo;

Kinh đô Hoa Lư như Trường An của nhà Hán.

Đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 (1054), sau thời gian 44 năm kể từ khi kinh đô được dời từ Hoa Lư ra thành Đại La tức Thăng Long thành (nay là thủ đô Hà Nội), vua Lý Thánh Tông (1054-1072) mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Lý Thánh Tông là Thái tử Nhật Tôn, một ông vua nhân từ, có lòng thương dân. Sử sách ghi chép rằng vào một mùa đông rét lạnh, Thánh Tông đang ngồi trong cung đã nói với quần thần rằng: “Trẫm ở trong cung ăn mặc thế này mà còn rét, thì những người tù bị giam trong ngục bị trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Vả lại, có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, lỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm”. Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm và cho ăn mỗi ngày hai bữa.

Một lần khác, vua Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh (nay là Kính Thiên) xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy. Hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau, tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi.” (Việt Nam Sử lược, NXB Văn hóa Thông tin 1999, trang 106-107).

Sử sách cũng ghi lại, vị vua Lý Thánh Tông có lòng nhân như thế nên nhân dân mến thương, trong thời ông ít có giặc giã. Ông lại muốn mở mang văn học nên cho lập văn miếu, còn tồn tại tới ngày nay nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội. Nơi đây tạc tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 tiền hiền (học trò giỏi nổi tiếng) để thờ. Nước ta có văn miếu thờ Khổng Tử và chư hiền bắt đầu từ đấy. (Sđd trang 107).

Nói thêm, nước ta khởi đầu từ thời vua Hùng có tên Văn Lang, tới khi bị triều đại phương Bắc đánh chiếm để cai trị từ nhà Hán đặt tên nước ta là Giao Chỉ bộ (111 trước Công nguyên), tới nhà Đường 618-907 (Trung Quốc) đặt lại là An Nam gồm có 12 châu nên còn gọi Giao Châu từ biên giới phía Bắc trở vào tới Nghệ An ngày nay. Lý Nam Đế tên là Lý Bôn hay Bí nổi lên chống lại nhà Tây Hán (Trung Quốc) lập nên triều đại Nhà Tiền Lý (544-602) đặt tên nước là Vạn Xuân kéo dài tới nhà Ngô (939-965). Sang nhà Đinh (968-980), Đinh Tiên Hoàng mới đặt tên Đại Cồ Việt kéo dài tới nhà Tiền Lê (980-1009).

Quốc hiệu Đại Việt thời Lý Thánh Tông nhà Lý nói trên lại tiếp tục tồn tại xuyên suốt các triều đại Trần (1225-1400), Hậu Lê (1533-1788), nhà Nguyễn Tây Sơn (1788-1802) nhà Thanh (Trung Quốc) lại phong vương cho Nguyễn Huệ đồng thời vẫn coi nước ta thời ấy là An Nam, mặc dù nước ta đã mở rộng từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau gồm Bắc Bộ, Trung bộ và Nam bộ như ngày nay. Tới khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802 mới đặt quốc hiệu là Việt Nam nhưng các tác phẩm văn học, sử liệu lại gọi Đại Nam. Cách mạng tháng Tám thành công (1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong thời kỳ mới vẫn tiếp tục đặt tên nước là Việt Nam cho tới ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi quốc gia, dân tộc lại theo tập quán ngoại giao (protocol) nên tên Quốc hiệu lại được gọi kèm theo chế độ chính trị.

Vương Liêm

“CÁI TA THƯỜNG CÒN”
QUA NHỮNG NGHIÊN CỨU HIỆN ĐỜI

Công cuộc nghiên cứu của một số Bác Sĩ nước ngoài trên hàng ngàn trường hợp “trải qua cái chết” đã hé lộ cho chúng ta thấy phần nào về ‘CÁI TA THƯỜNG CÒN, BẤT SINH BẤT DIỆT” mà Đức Phật Thích Ca đã nói cách đây đã mấy ngàn năm qua. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giải thích cho Vua Ba Tư Nặc là “Cái Thân có thay đổi, có già, chết, nhưng Cái Thấy vẫn không hề già. Cái nào có già thì cái ấy sẽ bị biến đổi, tiêu diệt, còn cái nào không già thì cái đó không biến đổi, sanh diệt. Nó đã không sanh diệt thì đâu có bị làm cho sanh tử luân hồi” - Cái Thấy - đó cũng gọi là CÁI CHÂN TÂM – hay cũng là CÁI TA THƯỜNG CÒN - mà Phật đang chỉ cho Ngài Anan - và mọi người nghe Phật giảng thời pháp lúc đó đều hiểu là “người chết, là CÁI TÂM bỏ thân này thọ thân khác, không phải mất hẳn”.

Theo Reader’s Digest và Pravda được trích đăng trên Kiến Thức Ngày Nay vài năm trước đây, ta thấy kể về nghiên cứu của Bà Babala Luman là Bác sĩ khoa nội ở Florida. Lần đầu tiên bà xác nhận một trường hợp trải qua cái chết. Sau đó bà phỏng vấn trên 600 người khác. Qua phỏng vấn nhiều người, bà tin rằng con người sau khi chềt vẫn tồn tại sinh mệnh. Không riêng gì ở Mỹ, Bác Sĩ Vladimir, lãnh đạo khoa hồi sức ở Bịnh Viện Leningrad cũng tin rằng có nhiều điều mà khoa học chưa giải thích nổi.

Qua lời kể, những người trài qua cái chết đều mô tả giống nhau: Họ thấy tim ngừng đập, không còn cảm giác đau đớn nữa và thấy mình nổi lên trên cái xác của mình. Anh K.Yarmay nói: “Tôi nhìn thấy màu sắc. Nghe được âm thanh xung quanh. Tôi hơi có cảm giác sợ hãi. Tôi tự hỏi vật đang nằm trên giường kia là cái gì vậy? Rồi tôi nhận ra đó là tôi. Sao tôi sợ nhìn vào tôi, bởi đó chẳng phải là tôi, chẳng qua là xác thịt của tôi thôi”.

Họ cũng thấy giống nhau là trong khi ra khỏi thân xác cảm thấy rất nhẹ nhàng, thoải mái. Có người tả lại khi quay lại thân xác có cảm giác “như chui vào băng”. Có một bài báo nước ta đã đăng cách đây vài chục năm, có một bà chết rồi sống lại tả là “giống như chui vào bọng của con trâu chết” nên lúc đó bà đã ngần ngại, không muốn chui vô lại thân xác.

Một trường hợp của vợ người bạn tôi. Vợ chồng họ hiện đang sống ở Mỹ. Người chồng kể lại lời vợ: Lần đó chị bị băng huyết rất nặng, Đang đau đớn rất nhiều, bỗng có cảm giác không còn đau nữa và rất nhẹ nhàng, thoải mái. Chị nhìn lại thấy mình đang ở bên ngoài. Thân thể mình đang nằm trên giường. Mẹ và anh trai đang ngồi khóc. Chị đến ôm vai mẹ và nói: “Má nín đi đừng khóc, con đâu có chết”, nhưng má chị không hề nghe thấy. Chị sang lay gọi người anh, nhưng anh cũng không hề hay biết. Lúc đó chị thấy ông bà và những người thân đã chết kéo đến rất đông. Tất cả đều rất vui vẻ, rủ chị đi. Nhưng chị sực nhớ chưa nấu cơm chiều cho chồng con nên từ chối. Thế là chị tỉnh lại, người đau điếng và thấy đang bị giật tóc mai. Chị có kinh nghiệm hai lần như thế nên không hề sợ chết nữa.

Đó là trường hợp quay lại cái xác chỉ sau ít phút. Cách đây hơn 50 năm, có lần tôi đọc được một bài báo nói về một cô gái trở về cuộc sống sau hơn 2 năm qua đời. Báo có viết rõ địa danh – hình như là ở Sa Đéc - và có nêu rõ tên các nhân vật, nhưng quá lâu nên tôi không còn nhớ chi tiết, chỉ nhớ nội dung câu chuyện vì thấy hấp dẫn, ly kỳ như sau:

Có một cô con nhà khá giả ở quê, được cha mẹ cho lên Saigon học ở trường Gia Long. Kỳ hè đó cô về quê rồi bị bịnh nặng nên qua đời. Hai năm sau, người giúp việc cho gia đình cô chèo ghe đi bán trái cây thu hoạch được trong vườn nhà. Khi ngang qua con Kinh, thấy có cô gái lạ hoắc ngồi trên chiếc cầu bắt ra con Kinh, rối rít ngoắc và gọi đúng tên, thứ của mình, nên anh lấy làm lạ, tắp ghe vô xem chuyện gì.

Cô đưa anh vô nhà, rót nước mời và nói tên quê quán, tên cha mẹ, tên mình, mô tả lúc chết liệm bằng áo màu gì? Chôn ở đâu? Vì anh này là người trong nhà nên xác nhận mọi chi tiết đều đúng.

Cô kể: khi hồn cô xuất ra khỏi xác, vật vờ, bị đám ma cũ ăn hiếp nên phải tìm chỗ ẩn nấp và vì còn thiết tha với cuộc sống nên quyết tâm tìm cơ hội để quay về. Khi thấy hồn cô gái vừa xuất ra, là cô nhào vô để chiếm cái xác và tỉnh ngay dậy. Cha mẹ cô gái thấy con tỉnh lại thì rất mừng. Nhưng cô nói cho cha mẹ cái xác biết cô không phải là con của ông bà, chỉ là người mượn cái xác, và xin cho mình được về sống với cha mẹ cũ. Cô chứng minh bằng cách hát tiếng pháp và làm thơ, vì con gái của ông bà này nhà quê, không biết chữ. Nhưng cha mẹ cái xác cô gái không chịu tin, cho là vì con mình mới hết bịnh nên nói sảng. Thế là ngày ngày cô thơ thẩn ra ngồi ngoài cầu ở bờ Kinh, chờ gặp ai quen để nhắn tin về nhà. Gặp chú người làm cô mừng quá nên hối chú mau về nói với cha mẹ ruột qua để rước cô về.

Theo báo viết: Cha mẹ ruột cô nghe tin vội vã qua để xin rước con gái. Nhưng cha mẹ cái xác không cho. Vụ việc được đưa ra chính quyền, nhưng xử không được, vì rõ ràng thân thể, mặt mày là con của ông bà bên này. Thất vọng, cô bèn nghĩ kế ăn diện lên, hy vọng có người để ý. Sau đó có người đến cưới là cô ưng ngay và yêu cầu chồng đưa mình về ở gần cha mẹ cũ.

Rải rác đó đây vẫn có những câu chuyện hồi sinh tương tự. Các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi. Có người cho là do ảo giác, đại não ngưng hoạt động nhưng ý thức vẫn tồn tại… Nhưng nếu chỉ là ảo giác thì làm sao thấy, nghe được tất cả những diễn tiến trong lúc đó một cách rõ ràng, chính xác được? Những người trải qua cái chết đều kể rất rõ lúc đó họ đã xuất ra khỏi xác trong thân hình giống như ánh sáng hoặc hơi nước và có thể bay xuyên qua tường, thậm chí chỉ cần nghĩ đến gia đình là ngay lập tức đã tới nơi, dù cách xa đến mấy trăm cây số. Họ vô nhà, vào bếp, thấy hình ảnh, ngửi được mùi vị của thức ăn mà người mẹ đang nấu. Về sau kiểm chứng lại thì thấy không sai.

Điều đó nói lên là có một THỂ SỐNG khác, biệt lập với cái Thân, nhưng bình thường cả hai dường như chỉ là một: ý ra lệnh, thân thực hành nên không ai nhận thấy có sự biệt lập đó.

Theo Đức Thích Ca phân tích thì cái thân xác chỉ là một món giả tạm vay mượn của Tứ Đại, chỉ tồn tại chừng trăm năm mà thôi. Trong đó có cái THƯỜNG CÒN, BẤT SINH, BẤT DIỆT. Cái đó mới chính là TA THẬT SỰ. Nhưng vì từ lúc bắt đầu ý thức bản thân thì mọi người đã sống với những cảm giác đói, no, vui, buồn, thương, ghét… theo mắt thấy, tai nghe của cái thân, nên không nhận ra. Tuy nhiên, những người có NGỒI THIỀN đều có thể cảm nhận được cái TA đó, dù chưa biết rõ.

Phải chăng khi ta NGỒI một chỗ. Chân tay xếp lại theo kiểu Kiết Già hay Bán Già, thì cái tư tưởng vẫn phiêu du lung tung. Nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ. Thậm chí còn thấy mình lên cõi Tiên, gặp gỡ, chuyện trò với tiên ông, tiên bà, thấy được những cảnh giới tốt đẹp. Cảnh vật lạ lùng, chưa từng thấy ở cõi trần? Có người còn tiếp xúc cả với ma quỷ vv... Rõ ràng lúc đó họ đâu có giao tiếp bằng ngũ căn? Đâu có nhìn bằng mắt? Không cần miệng mà vẫn trao đổi, chuyện trò được. Trong chiêm bao cũng thế. Thân thì nằm bất động tại giường, nhưng tâm thức đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với đủ thứ người. Làm đủ thứ việc. Mua bán, gây gỗ, giận hờn, thương ghét… đủ thứ. Và rõ ràng hơn nữa khi ta quan sát một xác chết. Thân thể, đầu mặt vẫn còn nguyên mà không còn hoạt động nói năng gì được nữa. Bộ máy điều khiển đã tách ra khỏi nó rồi. Theo Đức Thích Ca, chính bộ máy vừa tách ra đó mới là “chủ nhân ông” điều khiển cho cái Thân nói năng, hoạt động, đi lại, làm đủ thứ việc. Cái Thân chỉ là một thứ tay sai mà thôi, nên khi bộ máy bỏ ra thì cái Thân chỉ còn là đống xương thịt chờ giờ mục rã mà thôi. Bộ máy trước đây đã điều khiển cho cái Thân hoạt động là cái THỂ SỐNG kia.

Điều đó, phối hợp với những lời kể lại của những người từ cõi chết trở về từ nhiều quốc gia cách xa nhau đã chứng minh là Đức Thích Ca đã phân tích đúng. Cái TA THƯỜNG CÒN đó không dính chung với cái Thân, nên khi cái Thân tan rã nó không bị tan rã theo. Nhưng chính nó, trong khi MÊ LẦM, là thủ phạm sai cái Thân tạo bao nhiêu ác nghiệp và lấy làm sung sướng, hả hê với những việc mình làm, nên theo quy luật: khi cái Thân hết nghiệp rồi thì phải nhận cái thân khác để Trả những gì nó đã gây tạo, đã làm tổn hại người khác.

Cái Thân vốn là tứ đại vô tri, nên dù khi đủ duyên mà kết hợp, hay khi hết Duyên mà tan rả nó vẫn không có phản ứng. Chỉ có phần tinh anh núp trong cái thân đó mới vui, buồn, sướng, khổ, thích, ghét với những gì nó đã dùng cái thân có tướng để thực hiện mà thôi. Lúc gieo ác nghiệp thì không hay. Đến khi trả, lại than trời, trách đất cho là ông trời bất công với mình, rồi thay vì sám hối lỗi lầm thì lại nhang đèn khấn vái cầu xin được giảm!

Nhưng việc biết rằng có CÁI TA THẬT TRƯỜNG TỒN thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống? Ta có cần biết hay không?

Thật ra, tin hay không tin thì mỗi người vẫn phải sống hết kiếp của mình. Nhưng người cho MÌNH là CÁI THÂN GIẢ TẠM thì thường vì nó mà THAM LAM, ham thích những thứ của cải, vật chất mà nó cần, nên tìm cách kiếm thật nhiều để cung phụng cho nó. Đôi khi bất chấp lẽ công bằng, gây đau khổ cho người khác mà Đạo Phật gọi là Tạo Nghiệp. Đã vay tất nhiên phải Trả. Mà cái THÂN thì đòi hỏi không biềt chán. Chưa có muốn có. Có rồi muốn thêm. Cứ muốn lấn át người khác để dành phần hơn. Không vừa lòng thì sân si, bực tức, đau khổ. Cả cuộc đời như thế, có khi đến lúc xuôi tay nhắm mắt mới giật mình thấy mình sống chẳng ra chi, nhưng hối hận thì đã muộn! Của cải mình có khi phải dùng đủ thứ mưu mẹo lừa người để chiếm lấy, hay đô mồ hôi, xót con mắt mới có được, nay con cháu tranh dành xâu xé, xài phí vung vít… Vì thế, đã có vài bài viết trong loại sách “Hồi Dương Nhân Quả” ngày trước, kể lại rằng nhiều người muốn làm sao sống lại được – chỉ cần vài hôm thôi – để họ mang hết tài sản để làm việc từ thiện cho đỡ bực. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra. Quay được trở về cuộc sống là chuyện hãn hữu.

Theo Đức Thích Ca, sở dĩ Ngài phải chỉ cho chúng sinh biết rằng các pháp đang “có tướng cuối cùng cũng trở về Không” là để cho con người đừng tiếp tục đeo bám lấy các pháp giả tạm mà ngưng tạo ác nghiệp. Thế nhưng một số người không hiểu, đã vội chấp lấy ý tưởng đó rồi bỏ hết mọi việc đời, chỉ mơ màng đến kiếp sau, đến Tây Phương, Đông Phương, mà quên rằng thực tế thì kiếp sống - dù được cho là giả tạm - nhưng cũng kéo dài cả trăm năm. Cho nên Phật đã gọi THINH VĂN - là những người mới nghe Phật nói “Các pháp rốt ráo là KHÔNG” đã vội chấp lấy, cứ thế mà tin, không suy nghĩ, tìm hiểu gì thêm - là “Chồi khô, mộng lép”, vì sống không thực tế, chẳng làm ích lợi cho bản thân và cho người khác.

Thật vậy. Nói rằng các pháp là “KHÔNG” sao vẫn phải mặc áo, ăn cơm? Vẫn phải sinh hoạt, đi đứng, nằm ngồi, nói năng, tiếp xúc? Vẫn cần phải Có nhà cửa, Có cơm áo, Có thuốc men khi bịnh hoạn, Có tiền bạc để chi dụng? Cho nên, Đạo Phật cho rằng các pháp là TẠM CÓ, không phải hoàn toàn KHÔNG, dạy cho con người phải TỪ, BI, HỈ, XẢ. dạy gây NHÂN THIỆN để gặt QUẢ LÀNH. Như thế, nếu chúng ta không làm ra tiền bạc, của cải thì lấy gì để thể hiện Tâm Từ, Tâm Xả? Do đó, khi còn tại thế, Đức Thích Ca đã phải giảng Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA để khai mở cho hàng THINH VĂN cho họ hiểu mà chuyển qua hành Bồ Tát Đạo để thành Phật. Vì trước kia họ nghe Phật phương tiện ca ngợi những cảnh giới và sự cứu độ của Chư Phật, chư Bồ Tát nên sinh lòng ngưỡng mộ, tôn thờ, không dám nghĩ rằng bản thân mình lúc nào đó cũng sẽ được như các vị, nếu hành đủ Đạo Bồ Tát.

Cuộc sống vẫn còn đang tiếp diễn, trong đó có những con người quá nặng nghiệp mà phải đói nghèo, lầm than, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bịnh không có tiền để chữa trị, dù vẫn làm việc quần quật .Do đó, tại sao chúng ta có điều kiện hơn về mọi mặt, lại không góp sức, chung tay với mọi người để đưa xã hội thăng tiến, tốt đẹp hơn lên? Tại sao tự cho phép mình đứng bên lề cuộc sống mà không làm việc lương thiện theo khả năng của mình để nếu không dùng hết, có dư ra thì giúp phần nào cho những hoàn cảnh đang cần, vì Đạo Phật dạy người tu phải đền TỨ ÂN, trong đó có ÂN ĐẤT NƯỚC là nơi mình đã sinh ra, đang cưu mang mình, bởi Nhân Quả đâu chỉ là mớ lý thuyết suông?

Qua tổng kết nghiên cứu nơi 150 người từ cõi chết trở về, Bác Sĩ Moody kết luận: “Họ hiểu được rằng không phải chết là hết, chết không phải là điều gì đau khổ, đáng sợ, mà là đáng mừng, sung sướng, có cảm tưởng như trở về nhà”. Họ mô tả ánh sáng mà họ gặp bên kia kiếp sống là “cái gì đó ấm áp, đầy tình thương”. Những người đó sau đó đều thay đổi tính tình, từ xấu sang tốt và cho rằng “cuộc sống là một món quà quý giá mà thượng đế ban tặng”.

Các tôn giáo chân chính đều mô tả về một cái chung na ná như nhau: Hoặc cho con người đồng “là con của Thượng Đế”, là “anh em với nhau”. Hoặc cho là “Tiểu linh quang”, “Tiểu Ngã” của một”Đại Linh Quang”, “Đại Ngã”. Hay là “Phật sẽ thành”… Nói lên ý nghĩa là: cuối cùng rồi tất cả sẽ trở về với điểm chung, là đều tốt đẹp, thanh tịnh, trong sáng giống nhau, dù hiện nay hình tướng, hoàn cảnh có vẻ khác biệt. Tất cả tôn giáo đều dùng phương tiện: Hoặc thưởng, phạt, hoặc răn đe, hoặc hứa hẹn… đều nhằm mục đích để con người hoặc sợ, hoặc ham thích mà bỏ đi những tính xấu xa, cải ác, hành thiện để cuộc sống hiện tại được tốt đẹp hơn lên.

Người tu Phật đến giai đoạn “Thấy Tánh” cũng không khác với người bước qua ranh giới của cái Thân hữu tướng để thấy rằng Mình thật sự là Cái Thân Vô Tướng, thanh tịnh, không ô nhiễm, không sống, chết, không khổ, vui, không nhiễm vương các pháp để sau đó cố gắng sống đúng với cái tính chất của cái MÌNH THẬT đó. Do đó, nói theo ngôn ngữ của Đạo Phật thì những người hồi sinh là những trường hợp hy hữu không cần tu hành, học hỏi mà “hoát nhiên đại ngộ” sau một chuyến suýt chết! Trong khi đó, người tu Phật muốn hiểu được điều đó phải qua biết bao nhiêu giai đoạn học, hành, quán, soi, giữ Giới, lập hạnh! Sự kể lại cũng như sự thay đổi cách suy nghĩ, cách sống của bản thân của những người trở về từ thế giới bên kia cho ta thêm tin tưởng vào giáo pháp của Đức Thích Ca. Nhưng dù không tin có kiếp khác đi nữa, lẽ nào cùng là con người với nhau mà ta cứ tiếp tục chỉ nghĩ đến bản thân để chèn ép người khác, trong khi cái Thân vốn là vô tình, là thứ phản bội, có cưng dưỡng nó bao nhiêu! Đổ cho sơn hào, hải vị, cho mặc gấm vóc lụa là, ngọc dát, vàng đeo, cho dùng phương tiện tối tân, nhà lầu, xe hơi… thì nó cũng từ từ mà già, mà chết, chẳng hề nghĩ đến công sức của người đã cung phụng nó!

Các tôn giáo hay những người trở lại đều nhìn nhận rằng cuộc sống như một hành trình để tôi luyện, để tiến hóa. Những công cuộc nghiên cứu ngày càng được quan tâm hơn, chứng tỏ con người đã bắt đầu ý thức về cuộc sống, không thấy rằng nó là điều quan trọng nhất nữa, mà còn có cái gì đó con người chưa hiểu hết. Trong đó, Đạo Phật thì thực tế nhất, vì tất cả những học hỏi là nhằm quy về để thực hành, giải quyết cuộc sống hiện tiền mà lại có liên quan đến những kiếp về sau. Đàng nào thì cũng không bị thiệt thòi. Nếu không có kiếp sau thì kiếp này cũng được hưởng sự an lạc, nhẹ nhàng, chỉ cần cải tạo suy nghĩ, hành động của bản thân. Kiếp sau nếu có - thì sẽ lại tốt đẹp hơn do đã tu sửa, ngưng tạo ác nghiệp ngay từ kiếp này. Và rồi, dù tin vào Thượng Đế, Thần Linh, hay Phật để sống tốt hơn, thì chắc chắn mọi người chúng ta đều mong muốn cho trái đất thêm màu mỡ, an lành, mọi người đều được vui sống ấm no, hạnh phúc, cùng yêu thương, giúp đỡ nhau, không còn cảnh chiến tranh, đói nghèo, tật ách.

Cái lợi ích của người tin có “CÁI TA THƯỜNG CÒN” là sẽ không cho rằng “Chết là hết, mọi việc tốt xấu đã làm đều mất đi”, để bất chấp hậu quả khi hành động. Nhờ biết rằng CÁI TA vẫn phải tiếp tục luân lưu, phải nhận lấy những cái Thân khác để TRẢ QUẢ, mà hạn chế được ác Nghiệp, bớt gây tai họa, phiền não cho mọi người, để cuộc sống của chính họ và những người chung quanh được tốt đẹp hơn. Một cá nhân rồi nhiều cá nhân lương thiện như thế, nếu cứ được nhân lên, thì cõi trần gian sẽ biến thành cõi Địa Đàng vì không còn những hỗn loạn, khổ đau, chèn ép, tranh dành, sâu xé lẫn nhau! “Tát cạn vực nước mắt của chúng sinh”, phải chăng đó không chỉ là mơ ước của Đạo Phật, mà là của tất cả các tôn giáo chân chánh, nên dù mang màu sắc nào, đấng bề trên là ai, tất cả đều đã, đang, và mãi mãi chung sức giáo hóa con người để cùng hướng đến?

Tâm-Nguyện (10/2009)

Chuyện một Ông Vua trẻ hay chữ
của Triều Nguyễn: Vua Duy Tân

Khi người Pháp truất ngôi vua Thành Thái vào năm 1907, Triều thần Việt Nam dưới áp lực của chính phủ bảo hộ, phải kiếm người thay, đưa lên ngôi vua cho có vẻ tôn trọng quân quyền của người bản xứ. Vua Thành Thái rất đông con, lẽ ra phải chọn con trai trưởng lên nối ngôi, nhưng người Pháp không muốn điều đó vì ngại rằng sẽ theo cái “gen” của vua cha thì rất “khó bảo” nên triều thần phải kiếm một Hoàng tử còn nhỏ tuổi. Lúc điểm qua danh sách các ông hoàng, bấy giờ viên Khâm sứ Pháp là Lévecque thấy thiếu mất tên của “mệ”(1) Vĩnh San tức là vua Duy Tân sau này, các quan đại thần hốt hoảng mới đi kiếm khắp nơi trong cung cấm, rốt cuộc mới lôi ra được ông hoàng thiếu nhi đang chui dưới gầm buồng để… bắt dế, mặt mũi lem luốc. Lúc ấy, viên quan bảo hộ nghĩ thầm rằng, quả thật là một đứa bé khờ dại, không biết gì, ngày chọn lên ngôi vua mà lại bỏ đi bắt dế, ông ta rất đắc ý. Lúc đó, Vĩnh San mới 7 tuổi, ngày tức vị, triều bào chưa may kịp, nên vua phải mượn triều phục của vua cha để bận vào, lên ngôi cho triều thần bái mạng và thấy vua còn ít tuổi quá nên cũng đã xin thêm 1 tuổi cho đầy 8 tuổi. Kịp khi lớn lên, triều thần cũng e ngại nhà vua đến tuổi hiểu biết, hay suy nghĩ đến chính sự thì rất khó làm vừa lòng chánh phủ bảo hộ nên quan phụ chính lúc bấy giờ là Nguyễn Hữu Bài mới cho lập một nhà thừa lương ở cửa Tùng(2) thuộc tỉnh Quảng Trị để thỉnh thoảng nhà vua ra đấy nghỉ mát, vui chơi, không nghĩ gì đến việc nước. Tuy vậy, ông Bài vẫn thấy nhà vua thường có vẻ buồn mới bày ra đi câu cá ở biển. Một hôm, vua tôi cùng đi trên thuyền ra biển, vua buông câu, lỡ lưỡi câu mắc phải rong rêu, nhà vua mới hí hoáy gỡ, nhân đó mới ra câu đối:

Ngồi trên nước, không ngăn được nước

Đã buông câu, thì lỡ phải lần

Và bảo Nguyễn Hữu Bài đối lại, quan phụ chánh họ Nguyễn đối lại như sau:

Sống ở đời, mà ngán cho đời

Nhắm mắt lại, đến đâu hay đó

Nhân câu đối lại của ông Bài, vua đã đánh giá được tư tưởng cầu an của vị đại thần đầu triều, nên từ đó về sau, nhà vua thường tỏ thái độ xem thường những vị cân đai áo mão của triều đình. Vua Duy Tân không những giỏi chữ Nho mà ông cũng thông thạo chữ Pháp. Quan “Phụ đạo”(3) của vua chính là Tuần Vũ Quảng Trị Mai Khắc Đôn, người mà sau đó trở thành nhạc phụ của nhà vua. Có một lần, Khâm sứ Huế đãi tiệc có mời nhà vua đến dự. Trong số quan khách phần đông là người Pháp, có cả các nhà truyền giáo(4). Trong bữa tiệc, một nhà truyền giáo nhân sự biến đổi thời cuộc ở nước ta lúc đó, đã ra một câu đối như sau:

Rút ruột vua, tam phân thiên hạ

Trong câu trên, chữ Nho tức là Vương , nếu bỏ sổ dọc ở giữa sẽ thành chữ tam là chữ kế bên, tam phân thiên hạ, ý nói là vua đành cam chịu nước mình đã phân thành ba kỳ Nam, Trung, Bắc theo Hiệp ước 1884. Câu đối ra khó như vậy, vừa có ý nghĩa chính sự, mà vừa thành phần biến đổi của chữ và xin vua đối lại. Trong bàn tiệc, quan khách nghĩ rằng chắc ông vua trẻ An Nam phen này đành phải bí nhưng thật bất ngờ, vị vua trẻ đã ứng khẩu ngay câu đáp lại:

Chặt đầu Tây, tứ hải thái bình

Trong câu này, chữ Tây trong chữ Nho tức cũng là Tây , nếu bỏ đi phần trên đầu sẽ thành chứ tứ là chữ kế bên tứ hải thái bình, ý nói là nước Pháp theo đuổi chánh sách thuộc địa đã đi gây chiến khắp nơi làm xâm hại hòa bình. Khỏi phải nói, thực khách các quan lớn nhỏ đều sửng sốt, không ngờ nhà vua trẻ lại đối được một câu vừa ý nghĩa và vừa cấu tạo chữ chỉnh đến như vậy. Và cũng từ đó, người Pháp rất e dè với Duy Tân nên đã ngầm chờ cơ hội để truất vị vua này như họ đã làm với vua cha, và cơ hội đã đến với họ. Vua Duy Tân ngồi trên ngai vàng nhưng lúc nào cũng ưu tư về nỗi dân chúng đang sống dưới sự thống trị của ngoại bang. Và chính nhà vua cũng thấy mình bị kèm kẹp mà không giải thoát được. Hai nhà yêu nước lúc bấy giờ là Thái Phiên và Trần Cao Vân đã tìm cách liên lạc với nhà vua và sắp đặt đưa vua rời khỏi hoàng thành vào căn cứ ở Quảng Nghĩa; lãnh đạo cuộc cách mạng giành lại chủ quyền đất nước nhưng cơ mưu đã bại lộ do một viên chức của Tòa Khâm sứ có chân trong tổ chức khởi nghĩa vào giờ chót đã phản bội đi tố cáo với Pháp, nhà vua cùng Thái Phiên đã bị bắt ở gần Nam Giao, gần thành phố Huế. Sau đó các bạn đồng chí của Thái Phiên như Trần Cao Vân, Phan Hữu Khánh cũng bị bắt. Chính quyền bảo hộ đem giam vua Duy Tân tại đồn Mang Cá. Khâm sứ Pháp lúc bấy giờ là Le Marchant de Trigon (người kế vị của Khâm sứ Charles) đã buộc triều đình Huế luận tội vua Duy Tân rất khắc nghiệt như sau: vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu chống kẻ thù là Đức, mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội, phải tội tử hình, và giao cho triều đình Huế phải thuyết phục nhà vua, nếu biết ăn năn hối cải thì mới thoát khỏi trọng tội. Nhưng như đã nói ở trên, triều đình Huế đã không còn uy tín đối với nhà vua, kể từ lúc đối đáp với nhà vua nhân vụ đi câu ở cửa Tùng. Các quan chỉ còn một cách là đi mời hai bà hoàng mẫu(5) đang bị an trí trên Khiêm Lăng(6) về để vào đồn Mang Cá khuyên nhủ nhà vua vì họ biết nhà vua là một người con chí hiếu, trong lúc bị giam mà ngày nào vua cũng viết thư lên thỉnh an hai mẹ. Nhưng đạo lý hiếu đễ đã không thắng nổi tình nhà nợ nước. Nhà vua đã cung kính xin hai bà được từ chối những lời khuyên về việc nước. Rốt cuộc Tòa Khâm thấy không xong, phải điện ra Hà Nội nhờ Toàn quyền Đông Dương(7) vào khuyên giải, đem những điều lợi hại ra thuyết phục mong nhà vua trở lại ngai vàng, vua Duy Tân tỏ ý: nếu người Pháp coi vua là người trưởng thành thì phải để cho vua trực tiếp xử sự với Pháp và ngoại quốc, bất tất phải đặt ra vai trò phụ chính. Không làm cách nào được, người Pháp đành đem vụ việc ra xử công khai với tội danh là người lãnh đạo chống lại chánh phủ Bảo Hộ phải bị tội tử hình, và giao cho Thượng thư bộ Học là Hồ Đắc Trung thảo bản án. Ông Hồ Đắc Trung vốn trước kia đã có những điều bất như ý với vua Duy Tân, như có lần ông được cử làm Phụ đạo cho nhà vua nhưng vua không chịu mà chỉ chọn ông Tuần Vũ Quảng Trị là Mai Khắc Đôn. Vả lại, ông Trung cũng có con gái dự định tiến cung trong dịp vua nạp phi(8) nhưng vua cũng từ chối. Tuy đôi phen thất sủng nhưng ông quan đầu ngành giáo dục này trước sau vẫn kính mến nhà vua trẻ, nên đã tìm cách gỡ tội cho vua khỏi tội chết. Ông nói với các bạn đồng liêu rằng nếu kết tội vua theo ý người Pháp thì còn mặt mũi nào để sau này nhìn vua kế vị. Trong lúc này, các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Hữu Khánh, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu đang bị giam ở ngục thất chờ ngày ra pháp trường. Ông Trần Cao Vân nghe tin Thượng thư Hồ Đắc Trung là người được ủy nhiệm thảo bản án vua Duy Tân, ông Vân bèn lấy giấy vấn thuốc ghi 2 câu đối rồi nhờ người bí mật chuyển đến tận tay cụ Hồ Đắc Trung. Câu đối như sau:

Trung là ai, nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai, thà để cô thần tử biệt.

Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc sơn hà còn đó, mong cho Thánh thượng sinh toàn.

Đôi câu đối nói rõ lời thỉnh cầu của hai nhà cách mạng Thái, Trần chịu hết trách nhiệm về mình và chịu tội chết, chỉ yêu cầu ông Hồ Đắc Trung cứu vua khỏi tội tử hình. Ông Hồ Đắc Trung nhân sự nhắn gửi này, mới kết tội đổ dồn hết cho Trần Cao Vân và các đồng chí, là đã thỉnh dụ nhà vua, bỏ ngôi dầm mưa dãi nắng đi theo cuộc khởi nghĩa, nên phải đền tội ở pháp trường, còn vua Duy Tân khỏi tội chết nhưng phải chịu đi đày lúc mới 17 tuổi (1916) ở đảo La Réunion, là nơi vua cha Thành Thái đang phải chịu nạn. Cuối năm 1945, vua Duy Tân lúc đó phục vụ trong quân đội Pháp đã về hưu với cấp bậc thiếu tá trong lúc đi từ Paris về đảo Réunion để thăm gia đình ngày 24-12-1945 thì máy bay chở ông đã đâm vào núi ở Bangui và rồi bốc cháy, khiến ông tử nạn và được an táng ngày 26-12-1945 tại Cộng hòa Trung Phi. Mãi đến năm 1987, hài cốt nhà vua mới được hoàng tộc đưa về Sài Gòn rồi sau đó đưa về cải táng tại An Lăng(9) ở Huế, cạnh vua cha Thành Thái.

Cũng cần nói rõ hai bà hoàng mẫu của vua Duy Tân là bà Nguyễn Thị Vân Anh, tức là bà đích mẫu của vua Duy Tân, còn bà sanh mẫu là bà Nguyễn Thị Định, con gái của Cần Chánh điện Đại học sĩ Nguyễn Thân, người đã từng tiếp tay với Pháp để đàn áp nghĩa quân của Phan Đình Phùng ở vùng Hà Tịnh. Bà Nguyễn Thị Định là vợ của vua Thành Thái, nên khi thân phụ của bà là ông Nguyễn Thân qua đời, khi ấy vua Duy Tân là cháu ngoại đang ở trên ngôi, bèn chỉ dụ cho triều thần đi điếu tang bằng hai câu đối mà chỉ được dùng ẩn từ để khiến hiểu là ông vua cháu đi điếu ông ngoại. Triều thần cử Binh bộ Thượng thư Phạm Liệu, vốn là con chim đầu đàn trong “Ngũ Phụng Tề Phi” đất Quảng Nam viết hai câu như sau:

Ông(10) bỏ đi đâu, bỏ cậu, bỏ dì, bỏ hưu bổng, bỏ lộc điền, đành bỏ trần ai dang dở thế.

Cháu(11) còn ở lại, còn thần, còn dân, còn bách tính, còn giang sơn, hởi còn mở mặt với năm châu.

Bỏ cậu, bỏ dì tức là ông ngoại. Còn thần còn dân tức là vua. Vào năm 1933, người Pháp muốn trao quyền cho vua Bảo Đại nên triều thần gồm 5 vị thượng thư nho học của triều Duy Tân qua Khải Định đã bị cho về hưu để thay thế bằng “lục bộ” gồm các vị tân học, nên trong dân gian đã có bài thơ châm biếm như sau:

Năm cụ khi không rớt cái ình

Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh

Bài không đeo nữa đem dâng lại

Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình

Liệu thế không xong binh chẳng đặng

Liêm đành chịu đói lễ đứng dinh

Công danh như thế là hưu hĩ

Đại sự xin nhường kẻ hậu sinh(12)

Bài là Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại. Đàn là Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ Hình. Liệu là Phạm Liệu, Thượng thư Bộ Binh. Liêm là Võ Liêm, Thượng thư Bộ Lễ. Đại là Vương Tứ Đại, Thượng thư Bộ Công. Lục bộ của Nam triều về sau có thêm Bộ Học và người đứng đầu nội các là Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Lại.

PPT ghi

-------------------

Chú thích:

(1) Mệ: tiếng của người bà con trong hoàng tộc gọi nhau

(2) Cửa Tùng: cửa sông Bến Hải chảy ra biển, ở tỉnh Quảng Trị

(3) Phụ đạo: chức quan dạy học cho Hoàng tử

(4) Nhà truyền giáo: ngày trước khi đi truyền đạo, các giáo sĩ rất chịu khó học tiếng địa phương của các nước họ đến, để dễ tiếp xúc với giáo dân

(5) Hoàng mẫu: mẹ vua

(6) Khiêm Lăng: tức lăng Tự Đức

(7) Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Albert Sarraut

(8) Nạp phi: cưới vợ cho vua

(9) An Lăng: tức lăng Dục Đức

(10) Ông: tức ông ngoại vua Duy Tân

(11) Cháu: tức vua Duy Tân

(12) Bài thơ này theo Nguyễn Quang Thắng trong “Quảng Nam đất nước và nhân vật” là của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn sáng tác.

Phụ Bản I

BỆNH CƯỜI

Có phải tiếng cười chỉ vốn có ở con người! Thế các động vật khác biết cười không?

Các nhà khoa học khẳng định chó “cười” bằng cách ngoe nguẩy đuôi. Một số nhà tập tính học cho rằng tê giác cười khi khẽ cử động tai.

Riêng loài khỉ, đặc biệt là giống Gorilla (khỉ dạng người) và khỉ Chimpanzee, khi đùa giỡn hay khỉ bị “thọc lét” thường trên mõm thể hiện “thái độ” ngay tức khắc. Cộng với bộ dạng này, cơ bắp má kéo căng góc miệng ra hai phía và lên phía trên. Nhưng khác với con người, chỉ những cơ bắp này được tác động, còn hàm răng trên đóng lại. “Răng mở ra” có nghĩa là khỉ Chimpanzee đang lo sợ hay buồn bã.

Đối với khỉ, khỉ “vui” thừng kèm theo hơi thở mạnh ngắt quãng, làm ta liên tưởng đến tiếng cười… không ra tiếng.

Các bậc cha mẹ không thể không xúc động trước những phản xạ do những thay đổi định kỳ của hoạt động não bộ đứa trẻ mới ra đời. Phản xạ này chỉ xuất hiện ở phần dưới mặt. Nhưng sau khi chào đời vài hôm, trên mặt trẻ xuất hiện nụ cười. Dù sao nụ cười “thật” chỉ xuất hiện trên mặt trẻ sơ sinh ở tuần thứ tư khi đáp lại giọng nói quen thuộc. Sang tuần thứ sáu, đứa trẻ sẽ cưới đáp lại nụ cười của người đang nhìn mình. Nụ cười này đã là một biểu hiện của tình cảm. Nhưng hãy thử xem, nếu chúng ta vừa cười vừa tiến gần trẻ mà mắt nhắm lại, thì trẻ sẽ không tủm tỉm đáp lại chúng ta đâu. Trẻ được 5 tháng tuổi mới có thể bật ra tiếng cười. Nhưng nó vẫn mang tính máy móc, phải đợi nhiều tháng và nhiều năm mới có tiếng cười trọn vẹn là tiếng cười như người lớn.

Bệnh cười

Cười không hoàn toàn có nghĩa là “vui quá” đôi khi là “bệnh”. Ví dụ: tác động gây thương tổn các vùng khác nhau của não thể làm phát sinh tiếng cười bệnh lý.

Có một số chất hóa học có khả năng kích thích những tiếng cười không được kiểm soát như marijuana, cocain, oxde azote và các chất trong rượu. Có hàng loạt căn bệnh làm tổn thương thần kinh gây nên trạng thái sảng khoái (euphorie) bệnh lý và các cơn cười từng hồi. Vào đầu thập niên 60 ở vùng Hồ lớn ở Trung Phi xuất hiện một thứ bệnh dịch bí ẩn: bệnh cười ở phụ nữ. hậu quả là có nhiều người chết vì quá kiệt sức. Tiếng cười cũng có thể là triệu chứng của tâm thần. Những người cười vì điên thường ở trong tình trạng sảng khoái. Họ cười trầm trầm và không buông ra những câu đùa. Không thể mô tả những tiếng cười của những người mắc bệnh tâm thần phân lập (schizophren), đó là tiếng cười bất thường như thể họ đến từ thế giới khác. Những người mắc bệnh động kinh cũng cười.

Nhiều kiểu cười

Người bình thường có thể kiểm soát được tiếng cười. Có thể cười nụ, có thể cười nhếch mép, cười mỉa, cười hô hố, cười ruồi, cười mỉm, cười giòn tan… và cười ra nước mắt.

Và, khóc mà là cười

Người ta nhầm lẫn giữa tiếng cười với những giọt nước mắt. Đó không có nghĩa là con người khóc. Những tiếng nức nở thực sự. Mà cơ chế sinh lý của nó giống với tiếng cười cũng thúc đẩy quá trình giải thoát bớt căng thẳng và hòa dịu hơn. Ngoài ra, thường thì tiếng cười và tiếng nức nở liên kết nhau hoặc nối tiếp nhau khi mà tình cảm quá mạnh – dù nói đến sự vui vẻ hay là đau buồn.

Giá trị y học của tiếng cười

Các dân tộc trên thế giới đều coi “cười” lành mạnh là phương thuốc trị bệnh. Cách đây không lâu, ở Luân Đôn đã diễn ra một cuộc hội thảo quốc tế chuyên đề Nụ Cười. Rất nhiều định nghĩa về cười. và dù là cười, không ai không nhớ lại câu nói của người xưa: “Con người, hãy nhận thức bản thân mình!”. Phải chăng từ nhận thức đó đã dẫn đến sự ra đời của môn học mới. Đó là môn ĐIỀU KHIỂN NỤ CƯỜI.

Tòng Nguyên – Đỗ Thiên thư st

ĐÔI ĐIỀU LÝ THÚ VỀ BÀI HÁT
'LONDON BRIDGE'

Trong khi dạy Anh văn cho học sinh, Bài Hát Thiếu Nhi (BHTN) cổ dành cho Thiếu nhi ‘ London Bridge ’ được các em rất thích thú. BHTN này có đôi điều thú vị, người viết xin mạn phép ghi lại sau đây...

Tên đầy đủ của BHTN này là ' London Bridge Is Falling Down ' (Cầu Luân Đôn đang nghiêng). Đó là một Bài hát cổ và Trò chơi dành cho Thiếu nhi tại nước Anh, có nhiều bản dịch lời trên thế giới. BHTN được in vào năm 1744, viết tại nước Anh, bằng tiếng Anh, dưới hình thức Bài hát thiếu nhi.

I.- Ý NGHĨA và NGUỒN GỐC

Ý nghĩa của BHTN thì không được xác định chắc chắn. Nó có thể liên quan tới nhiều khó khăn trải qua trong việc xây Cầu qua sông Thames. Tuy nhiên, người ta đưa ra vài Thuyết sau.

1/ Thuyết Viking Tấn công:

Một Thuyết nguyên thủy liên quan tới dự định phá Cầu Luân đôn do Vua Olaf của Na uy vào năm 1014. Bản dịch của một truyện phiêu lưu Na Uy ‘Heinskringla’ xuất bản vào năm 1844 do Samuel Lang soạn, thì tương tự BHTN.

2/ Thuyết Hy sinh Trẻ em: Thuyết này cho rằng BHTN liên quan tới việc chôn trẻ em, có lẽ còn sống, khi làm nền móng cây Cầu, dựa vào các nền văn hóa thời đại Nguyên thủy tin rằng Cầu có thể bị sụp đổ, nếu không có sự hy sinh của con người- nghĩa là thi hài được chôn trong nền móng của Cầu. Tuy nhiên, người ta không tìm ra chứng cứ khảo cổ học về việc chôn thi hài trong nền móng của Cầu Luân Đôn.

3/ Fair Lady ‘Quý Bà xinh đẹp’ (trong Lời BHTN, sẽ đề cập sau).

Nhiều cố gắng được đưa ra để nhận dạng ‘Fair Lady’ của BHTN, bao gồm:

- Hoàng hậu Matilda of Scotland (1080 - 1118) của vua Henry I, mà vào khoảng giữa năm 1110 - 1118 chịu trách nhiệm xây dựng nhiều cầu tại Luân Đôn.

- Hoàng hậu của vua Henry III, Eleanor of Provence (1223 - 1291) quản lý ngân sách xây dựng Cầu từ 1269 - 1281.

4/ Các Bản dịch khác.

Người ta cũng có thể tìm thấy các Bài hát tương tự bài ‘London Bridge’ - trước khi BHTN được in tại nước Anh, tại khắp Châu Âu, đó là từ Đan mạch, Đức, Pháp, Ý; ngay cả tại Nhật và Hàn quốc. Nhiều người cho rằng các bài hát đó ảnh hưởng từ nguồn gốc của cây cầu nổi tiếng nhất nước Anh.

II-.TRÒ CHƠI ‘LONDON BRIDGE’ Bài hát Thiếu nhi này thường được sử dụng trong trò chơi có ca hát của trẻ em, tồn tại dưới nhiều cách chơi và lời ca bổ sung:

- Cách chơi thông dụng nhất là 2 em chơi làm thành một Vòm cầu, trong khi các em khác cùng nhau đi xuyên qua Vòm cầu thành một hàng dài. Vòm cầu sau đó hạ xuống vào đoạn cuối BHTN để bất ngờ ‘bắt được’ một em, em này sẽ bị thua.

- Tại Mỹ, trẻ em thường chơi ‘Trò kéo co’ gồm có 2 đội chơi với nhau, sẽ có một đội thua nếu không kéo được.

III.- THAM KHẢO VỀ VĂN HÓA.

1/ Trong Văn chương.

Nhà thơ thuộc chủ nghĩa hiện đại T.S. Eliot sử dụng hai câu của BHTN trong bài thơ ‘ The Waste Land ’.

2/ Trong Kịch nghệ Sân khấu.

Tên ca khúc của Alan Jay Lerner ‘ My Fair Lady ’ lấy từ lời của BHTN.

3/ Trong Phim ảnh.

Tên phim ‘ Falling Down ’ năm 1993, lấy cảm hứng từ BHTN và trong phim diễn viên cũng ca BHTN.

4/ Trong Nhạc thịnh hành.

- Thời thế chiến 2, Walter Kaner soạn ca khúc ‘Moshi, Moshi Ano-ne’ và ca cùng với điệu của BHTN, ca khúc này rất phổ biến với trẻ em Nhật và đối với lính Mỹ, tương tự bài quốc ca Mỹ ‘Stars & Stripes’, báo Quân đội Mỹ gọi ca khúc này là ‘bài hát về đề tài Bảo hộ Nhật bản’

- Ban nhạc Rock Punk nước Anh ‘ Anti-Nowhere League ’ sử dụng một đoạn của BHTN trong bản dịch ‘ Streets of London ’, liên quan tới những Người Luân đôn bị áp bức.

- Dàn nhạc giao hưởng Switchblade tại San Francisco , USA sử dụng vài đoạn của BHTN trong ca khúc ‘Gutter Glitter’.

- Nhóm nhạc nữ Đài loan S.H.E hát một ca khúc quốc tế dựa vào BHTN trong album ‘Play’ vào năm 2007.

5/ Trên Truyền hình.

- Vào năm 1966, chương trình đặc biệt ‘Lucy tại Luân Đôn’ có hát BHTN.

- Phim nhiều tập của đài BBC có tên ‘Chuyện ma quỷ Lễ Chúa Giáng sinh’ đã hát BHTN.

6/ Bài hát cổ động Bóng đá.

- Cổ động viên đội Wolverhampton Wanderers thường sử dụng BHTN trong thời gian thi đấu từ 2003 tới 2006

- Cổ động viên bóng đá quá khích hát BHTN, với lời thay đổi, trong một trận đấu, đã làm thiệt mạng 3 cảnh sát Luân Đôn.

IV.LỜI BÀI HÁT THIẾU NHI.

Có rất nhiều lời hát. Sau đây là lời hát thông dụng:

LONDON BRIDGE (Traditional Nursery Song - Bài hát Thiếu nhi Cổ)

1. London Bridge is falling down, Đây cây cầu Luân Đôn đang nghiêng,

Falling down, falling down. Ồ đang nghiêng, ồ đang nghiêng.

London Bridge is falling down, Đây cây cầu LĐ đang nghiêng,

My fair lady. Ân nhân của em.

2. Build it up with iron bars... Cầu LĐ xây bằng thanh sắt

3. Iron bars will bend and break... Thanh sắt sẽ bị cong và gãy

4. Build it up with pins and needles... Cầu LĐ xây bằng nhiều kim

5. Pins and needles rust and bend... Nhiều thứ kim sẽ rỉ và cong

6. Build it up with gold and silver... Cầu LĐ xây bằng vàng bạc

7. Gold and silver I've not got.. Vàng với bạc thì em không có

(Repeat 1) (Hát lại 1)

V.GHI CHÚ THÊM.

1/ London Bridge (Cầu Luân Đôn)

Cây cầu bắc ngang qua sông Thames, Luân Đôn, nối liền Trung tâm cũ của thành phồ với quận Southwark . Cho đến năm 1750, nó là cầu duy nhất qua sông Thames. Cây cầu hiện nay được xây dựng vào năm 1973, thay thế Cầu cũ - mà Cầu này đã được bán cho một doanh nhân người Mỹ mang về Mỹ xây dựng lại tại bang Arizona, USA.

2/ London Bridge Is Falling Down (Cầu LĐ đang nghiêng)

Tên và lời BHTN cổ, trong đó, nhiều vật liệu được đề nghị để xây dựng lại Cầu LĐ, bắt đầu với “nhiều thanh sắt” và kết thúc với “vàng và bạc”.

3/ The Tower of London (Tòa tháp Luân Đôn)

Một trong các tòa nhà nổi tiếng và cổ kính nhất tại Luân đôn (LĐ), Anh. Nó là một tòa thành cổ trên bờ bắc sông Thames, về hướng đông LĐ. và là một điểm du lịch hấp dẫn. Nó được công nhận là Di sản Thế giới năm 1988.

Vua William the Conquerer xây dựng Tòa tháp LĐ từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 13. Vào các thời kỳ khác nhau,nó là Cung điện, Hoàng gia Anh cuối cùng sống ở đó là vua James I vào đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên, nó nổi tiếng nhất vì đã là nhà tù, trong đó nhiều người nổi tiếng bị kết tội chống đối vua hoặc nữ hoàng, đã bị giam giữ tại đây. Đó là hoàng hậu Mary of Scots, Ann Boleyn và Thomas More .

4/ Tower Bridge (Cầu Tòa tháp).

Cây cầu bắc qua sông Thames và là một trong các kiến trúc nổi tiếng nhất của LĐ. Nó được xây dựng vào giữa năm 1886 và 1894 và ở gần Cầu Luân đôn và Tòa tháp LĐ. Các ngọn tháp của Cầu có kiến trúc Gothic và phần Cầu nối với Đường xe chạy, trên đó nó có thể được nâng cao lên để Tàu thủy lớn có thể đi qua gầm cầu.

Hiện nay, mọi người đều gọi lẫn lộn “ London Bridge và Tower Bridge” là một cây Cầu nổi tiếng của thành phố sương mù Luân đôn xinh đẹp.

PHẠM VŨ (Dịch từ Internet)

LUẬT MURPHY
MURPHY'S LAW

Bạn có tin những điều sau đây không ?

- Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.

- Ghét của nào, Trời trao của nấy.

- Ở đời không có gì là dễ dàng cả.

- Các món ăn ngon là những món có hại cho cơ thể.

- Hoa hồng nào đẹp thì đều có chủ, hoặc quá nhiều gai.

- Anh nào đẹp trai thì lại đồng tính luyến ái (Câu này rất đúng ở các nước Âu Mỹ) .

- Cây cỏ ở vườn nhà hàng xóm tươi tốt hơn ở sân nhà mình. Lúa ở ruộng bên cạnh tốt hơn ruộng mình.

- Trời thường mưa vào cuối tuần.

- Cơ hội may mắn thường đến với ta vào lúc ta không thể nắm được.

- Lúc ta càng vội thì chùm chìa khóa càng dễ bị thất lạc, chiếc xe càng dễ bị hư hỏng.

- Lúc thật sự cần dùng máy vi tinh thì nó lại bị hỏng, hoặc điện bị cúp.

- Tô phở của bàn bên cạnh nhiều thịt hơn. Con cá hấp cũng to hơn.

- Với sinh viên/học sinh: Những hôm không thuộc bài thì y như rằng sẽ bị gọi trả bài. Đoạn nào mình không học sẽ có trong đề thi.

- Với người nghiện: Vướng phải thì dễ, thoát ra thì không thể được.

- Với người cờ bạc, đánh số đề: Nuôi mãi một con số cả năm nay, tuần này không có tiền để đánh thì nó lại ra con số đó. Trong sòng bài, kéo mãi một cái máy, đến lúc mình hết tiền, người khác vào kéo một cái là trúng lớn .

- Khi chờ xe bus: Càng trễ giờ làm việc thì xe bus đến càng chậm. Khi xe bus đến thì đến một lúc 2, 3 xe. Xe chạy theo chiều ngược lại (ở bên kia đường) thì chẳng bao giờ thiếu.

- Xếp hàng ở siêu thị: Cái hàng mà minh xếp thì luôn luôn chậm hơn hàng bên cạnh. Cô thu ngân không những chậm chạp mà lại còn bấm sai giá tiền; món hàng không có giá; khách khiếu nại…

- Cô ca sĩ: Những hôm mình hát hay thì khán/thính giả lại không có là bao.

Tất cả những điều trên người Mỹ gọi là Luật Murphy. Tóm tắt, luật ấy nói rằng: “Bất cứ điều gì tệ hại có thể xảy ra, thì nó sẽ xảy ra”. Đầy đủ hơn, phải thêm: “…xảy ra lúc gây thiệt hại nhiều nhất”. Điều trớ trêu là ông Murphy không đặt ra cái luật này, mà cũng không muốn tên của ông dính liền với nó. Cho đến khi chết (1990) ông và con trai ông đã dùng nhiều công sức để thanh minh, cải chính. Nhưng càng cố gắng thì càng nhiều người trêu chọc và biết đến cái luật mang tên ông.

Thế chiến thứ hai, Edward Murphy là kỹ sư và là đại úy trong Không Lực Hoa Kỳ. Dự án MX-981 được đề ra vào năm 1949 để xem con người ta chịu được sự giảm gia tốc (deceleration) đến mức độ nào. Mục đích cuộc thí nghiệm là để chế tạo máy bay với dàn thắng thích hợp. Đại úy Murphy được giao cho nhiệm vụ tổ chức và giám sát cuộc thí nghiệm. Một giai thoại kể lại rằng Bác sĩ Trung Tá John Stapp tình nguyện ngồi trên một chiếc xe gắn động cơ phản lực chạy trên đường rầy xe lửa. Trên xe và người ông được gắn rất nhiều máy móc và đồng hồ đo vận tốc, áp suất… Chiếc xe được đưa lên vận tốc 320km/giờ, một hệ thống thắng thật mạnh làm cho chiếc xe đứng lại trong vòng ngắn hơn một giây đồng hồ. Trung Tá Stapp bị chảy máu ở mũi và mắt vì sự giảm gia tốc này. Ông ta đã chịu sự giảm tốc có sức mạnh lên đến 40G (G là sức mạnh của trọng trường, của một vật rơi bình thường). Thực ra điều này không ai biết chính xác, vì khi Murphy xem các đồng hồ (sensors) thì tất cả 16 cái đều chỉ con số 0. Lý do là sĩ quan phụ tá của Murphy đã gắn nhầm các sợi dây điện, đáng lẽ cực dương thì phải gắn vào lỗ có dấu +, nhưng ông này đã làm ngược lại.

Murphy có dư thì giờ để tổ chức mà đã làm hỏng cuộc thí nghiệm. Chắc là ông ta đã bị khiển trách vì trong đám khán giả thế nào chẳng có các ông tướng nhiều sao của Bộ Quốc Phòng, của Ngũ Giác Đài, và của Không Quân Hoa Kỳ, đó là chưa kể đến các phóng viên của các đài truyền thanh, truyền hình. Bị mất mặt, trong một cuộc họp báo, Murphy đổ lỗi cho ông sĩ quan phụ tá kia và nói một cách tức tối rằng: “Nếu có cách nào để làm sai, ông ấy sẽ tìm ra cách ấy”. Dần dần, câu nói ấy được phổ biến trong giới báo chí và không quân, và được sửa đổi đôi chút để trở thành Luật Murphy.

Luật Murphy khôi hài ở chỗ là nó nghịch với luật xác suất. Luật xác suất là khoa học, nó phải chính xác. Thí dụ thầy giáo gọi 5 học sinh lên trả bài trong một lớp có 50 học sinh thì xác suất mà một học sinh bị gọi là 1/10. Tại sao ta lại cảm thấy khi không thuộc bài thì lại bị gọi nhiều hơn? Đó là bởi vì cái ý nghĩ rằng mình quan trọng hơn người khác, cái “ego” đáng ghét của mình. Cái ego ấy nó làm ta nghĩ rằng mình phải được đối xử đặc biệt hơn người khác. Ta có cái ký ức chọn lựa, nhớ lâu những chuyện ta bị thiệt hại, mau quên những điều may mắn. Trường hợp chờ xe bus, người nhiều ego rất bực mình khi phải chờ lâu. Họ cảm tưởng rằng hãng xe bus đối xử bất công với họ. Họ không nhớ những lần họ may mắn, chỉ phải chờ xe bus 5, 10 giây mà thôi. Thật ra thì số xe bus ở bên này hay bên kia đường đều bằng nhau. Người ta không nhiều thì ít, ai cũng có ego. Trời cho ta nhiều thứ, ta không đếm những cái tốt, chỉ đếm những cái xấu. Than rằng “ghét của nào trời trao của nấy” là thiếu công bằng. Người càng nhiều ego thì càng tin vào Luật Murphy, và càng khổ.

Về triết lý, nhiều người tìm thấy sự trùng hợp giữa Luật Murphy và Luật Nhiệt Động Học số 2 (2nd Law of Thermodynamics). Luật này nói rằng năng lượng chỉ di chuyển từ chỗ tự nó có nhiều đến chỗ có ít, chứ không thể di chuyển theo chiều ngược lại. Một viên đá tự nó chỉ lăn từ đỉnh núi (nơi có tiềm ẩn nhiều năng lượng) xuống chân núi (nơi nó không còn năng lượng tiềm ẩn). Một ly nước nóng sẽ nguội dần. Một cái cầu, cái nhà, con đường sẽ hư hỏng dần trừ khi được tu bổ. Con người sẽ già rồi chết. Trái đất sẽ mất hết tài nguyên, chỉ còn lại là một bãi rác. Vũ trụ rồi cũng bị tiêu hủy. Luật Murphy cũng hàm ý rằng thiên nhiên không chiều ý con người, cái gì tệ hại nhất sẽ phải xảy ra.

N.C.T.

BÀN VỀ VIỆC ĐI TÌM MỘT NGUYÊN TÁC DUY NHẤT CHO TRUYỆN KIỀU

Ai cũng biết truyện Kiều là một kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du đã được UNESCO công nhận và chính tác giả đã được UNESCO công nhận là Đại thi hào năm 1965, một điều đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam. Nhưng có một điều làm cho người yêu thích truyện Kiều vẫn chưa được hài lòng. Đó là có khá nhiều bản Kiều khác nhau, chữ Nôm cũng như chữ Quốc ngữ, có khi khác một vài chữ, có khi khác cả cụm từ hay gần hết cả câu khác cả lời và ý. Lại có khi khác cả đoạn 5-6 câu hay thậm chí trên dưới 10 câu, cả số câu cũng khác nhau! Điều này khiến cho người đọc hoang mang không biết đâu là đúng với bản chính của tác giả. Người đã đọc quen bản này thì bảo bản kia sai, đôi khi còn khó chịu khi thấy ai đọc hay viết khác bản của mình. Có người vô tư hơn thì so sánh rồi bào bản này hoặc chữ này, câu này hợp lý hơn hoặc hay hơn, có thể là đúng. Tuy nhiên, chưa một ai dám khẳng định bản nào là đúng nhất, vì lấy đâu làm chuẩn, làm bằng chứng?

Gần đây, trong một buổi họp của CLB Sách Xưa & Nay, chủ nhiệm Vũ Anh Tuấn, một người hiểu rộng và rất tâm huyết với truyện Kiều, người đã có trong tủ sách riêng của mình đến 4, 5 chục cuốn Kiều khác nhau do những học giả khác nhau chú giải, đã đề xuất ý kiến mà ông ấp ủ từ lâu là: “Chúng ta nên đề nghị các nhà văn học lão thành ngồi lại với nhau để tìm ra một nguyên tác duy nhất cho truyện Kiều, để giữ lại cho mọi người trong nước sử dụng và người nước ngoài muốn tham khảo”.

Có lẽ nhiều người cho rằng sự dị biệt của các bản Kiều chủ yếu là do tam sao thất bản, có nghĩa là từ xưa qua nhiều lần in ấn, người ta đã sắp chữ hoặc đánh máy sai, hoặc khi sao chép vô ý đọc sai, nghe sai, chép sai. Nhất là xưa kia giới phụ nữ nhiều người yêu thích truyện Kiều lại không biết chữ, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ, vì phụ nữ xưa thường không được học, nên nhiều người chỉ thuộc truyện Kiều qua truyền khẩu.

Lý do tam sao thất bản không phải là không đúng, nhưng nó chỉ đúng với trường hợp sai khác một vài từ có âm thanh chữ viết hoặc ý nghĩa na ná nhau, cũng không đáng kể gì cho lắm. Còn trường hợp khác cả cụm từ, cả câu hay cả đoạn nhiều câu thì ta giải thích thế nào đây? Chắc chắn phải có bàn tay nào đó đã chủ động sửa.

Dù sao trong mọi trường hợp dị biệt, người viết nghĩ rằng ta không thể loại trừ khà năng chính tác giả đã sửa thơ của mình. Và như thế mọi sự quyết đoán lựa chọn để lấy một bản của kẻ hậu sinh cũng có thể là một hành động bất kính đối với một bậc Đại thi hào tiền bối!

Sau đây chúng tôi xin nêu một số trường hợp khác biệt từ 2 chữ trở lên, khác cả từ và ý, một số thôi vì nếu tất cả thì chắc phải vài chục trang!

1. Khác 2 từ, cả nghĩa: lúc viếng mộ Đạm Tiên.

Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra

Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra

Có lẽ lúc đầu tác giả để là đặt cỏ, tức là đặt lên mộ một mảng cỏ non tươi tốt thay cho lớp cỏ úa già, như những người tảo mộ thường làm. Nhưng như thế thì phải mang theo xẻng cuốc hay ít nhất 1 con dao để gọt lớp cỏ úa đi, rồi phải đi khá xa mới lấy được cỏ non. Điều này chắc chị em Kiều không định làm vì chỉ định đi du xuân, nên tác giả một thời gian sau đọc lại mới sửa là “vài gật” cho hợp lý hơn.

2. Khác 1-2 câu:

a. Lúc Kim với được chiếc thoa của Kiều vướng trên cành đào.

Liền tay ngắm nghía biếng nằm

Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.

bản khác:

Đêm khuya dằn dọc mừng thầm

Trời như xui khách tri cầm biết nơi

b. Lời Kiều khuyên cha lúc được tam tha về nhà:

Lượng trên dù chẳng thương tình

Gió mưa ân hẳn tan tành nước non

bản khác:

Lòng tơ dù chẳng dứt tình

Gió mưa âu hẳn tan tành nước non

Lượng trên là nói các quan trên

Lòng tơ là nói tình cha con vương vấn.

3. Khác cả đoạn dài nhiều câu:

Lúc Kiều trốn nhà họ Hoạn ăn cắp chuông vàng khánh bạc mang đến xin ở nhờ chùa của sư Giác Duyên.

Rày vâng diện kiến rành rành

Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra

Xem qua sư mới dạy qua:

“Phải nơi Hằng Thủy là ta hận tình

“Chỉn e đường sá một mình

“Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày” (6 câu)

bản khác:

Chuông vàng khánh ngọc bên mình

Kính dâng gọi chút vì tình xin thu

Nguyên xưa sư trưởng vân du

Quen thầt Hằng Thủy ở chùa Bắc Kinh

Thấy người thấy của rành rành

Nói là phải đáp không tình hồ nghi

Dạy rằng: “Thiền hữu tương tri

“Sư dầu chưa đến tiểu thì hãy đây” (8 câu)

Hai đoạn này cùng ý nhưng lời và số câu khác hẳn nhau, đoạn dưới rõ chi tiết hơn.

Sửa được một đoạn dài như vậy chắc chắn phải mất nhiều công phu nên đây có lẽ không phải do bàn tay người ngoài.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bàn tay nào đã sửa những câu thơ khác nhau trong truyện Kiều?

Các câu trả lời có thể là:

a. Những người đọc có trình độ và địa vị, có thể là vua chúa, dù rất thích truyện Kiều nhưng đôi khi gặp những chỗ thấy chưa vừa ý mình, muốn sửa cho hay hơn hoặc hợp tình hợp lý hơn để ngâm nga cùng bè bạn hoặc cho in ra. Nếu có vậy, hành động này quả là ngỗ ngược, dù cho tác giả đã khuất bóng.

b. Sau khi truyện Kiều được in ra lần thứ nhất, một số bằng hữu đến chơi ngợi khen và mừng tác giả rồi cùng ngâm nga đắc ý. Nhưng có vài người thắc mắc ở một số câu họ chưa hiểu rõ ý, có người lại hiểu sai ý tác giả. Do đó tác giả thấy cần chỉnh sửa cho rõ hơn. Có người gợi ý sửa một vài chữ cho hay hơn.

c. Không có ai thắc mắc hay gợi ý gì cả, một thời gian sau khi in lần thứ nhất, có thể là 1 năm, 2 năm sau, tác giả đọc lại và chợt nảy ra ý hay hơn ở một số câu. Ai cấm được tác giả sửa thơ của mình? Và cứ như thế mỗi lần in sau lại có sự sửa đổi. Đó cũng là chuyện rất bình thường. Có điều khó khăn cho chúng ta là mỗi lần in lại, tác giả hoặc ai đó không nói rõ đây là lần thứ mấy, ngày nào để ta biết được đâu là lần in sau cùng và đó là bản chuẩn nhất của tác giả.

Có người bảo ở tuổi Cụ Nguyễn Du khi ông viết truyện Kiều, đâu còn là một nhà thơ trẻ tính tình dễ thay đổi mà ông đã là một nhà thơ lão thành chín chắn đầy kinh nghiệm sống, một khi đã cho ra đời một tác phẩm tầm cỡ như vậy, sao lại còn có những tâm trạng bất định để sửa đi sửa lại nhiều chỗ, nhiều lần? Về điểm này người viết nghĩ rằng tâm lý con người ta không bao giờ cố định mà nó có thể thay đổi theo thời gian, tuổi tác, hoàn cảnh xã hội bên ngoài và nội tâm cá nhân, nên có thể có những câu thơ khi viết ra tác giả hết sức tâm đắc, nhưng một thời gian sau, vì những lý do nội ngoại như ở phần b. Và c. đã nêu ở trên, tác giả thấy bắt buộc phải sửa lại. Nếu chỉ là bài thơ ngẫu hứng đơn lẻ mình làm cho mình thì không quan trọng, nhưng đây là một tác phẩm lớn có tính cách xã hội, giáo dục, thì một tác già chín chắn và kỹ tính càng phải cẩn thận hơn.

Riêng bản thân tôi chơi thơ chỉ có một số tác phẩm ngắn do ngẫu hứng để giao lưu với bạn bè, nhưng cũng đã có nhiều lần phải sửa những câu thơ tâm đắc nhất của mình! Xin mạn phép đơn cử vài trường hợp để quý vị thông cảm tại sao Cụ Nguyễn Du phải sửa tác phẩm lớn của mình. Sau đây là một bài thơ khá tâm đắc của tôi đã được nhiều thi hữu họa lại.

CHIỀU XANH

(Tặng CLB thơ Chiều Xanh, Q PN)

Chiều tà nghe chuyển ráng trời xanh

Ngan ngát hương đưa quyện gió lành

Lả lướt thuyền thơ trôi suối ngọc

Chơi vơi sóng nhạc quyện đàn tranh

Hồn thu lạc bước miền hư ảo

Bến mộng dừng chân cõi tịnh thanh

Một thoáng phiêu du về dĩ vãng

Nghìn sầu ngưng đọng giọt long lanh!

T.D.

Về nhà tôi đưa cho một cô bạn xem. Cô này rất yêu thơ nhưng ít làm thơ. Xem bài thơ cô rất thích và bảo: “Hay lắm, nhưng sao câu chót lại buồn thế?”. Tôi nói: “Vui chứ sao lại buồn?” – “Vui sao lại khóc?”. Thì ra cô hiểu lầm “giọt long lanh” là giọt lệ và nói: “Có gì mà buồn thê thảm đến thế!”. Tôi nói: “Xưa thì là giọt lệ đấy, nhưng nay thì giọt lệ đã thăng hoa, ngưng đọng thành những giọt châu” và tôi tin chỉ có cô không hiểu mà thôi. Nhưng vài tuần sau tôi lại nhận được một lá thơ của một nam thi hữu không quen ở một tỉnh xa, nói rằng ông được bài thơ này do một thi hữu photo cho. Ông rất thích bài thơ và đặc biệt 2 câu chót đã gợi cho ông một sự thương cảm rất sâu sắc, vì thế ông mạn phép họa lại và an ủi tôi. Nguy hiểm quá! Câu thơ mình tâm đắc nhất đã được bạn bè yêu thích, nhưng lại được hiểu ngược nghĩa 1800! Nhưng đã phổ biến rồi làm sao lấy lại? Vì thế khi lên tập thơ của nhóm Chiều Xanh, tôi đã phải đổi lại “giọt long lanh” thành “hạt long lanh”, chắc chắn ai cũng hiểu là hạt châu, hạt ngọc, không thể là hạt lệ!

Trường hợp thứ 2: là một bài thờ khá tâm đắc “Xuân ý” (thuận nghịch độc) với câu thơ tâm đắc nhất:

Vần dệt tứ trao Chung đợi Bá

Đọc ngược:

Bá đợi Chung trao tứ dệt vần.

Sau khi ra bài thơ trong tập thơ của Q.3, một hôm có một em Sinh viên Đại học đi thực tập mang bài thơ đến nói với tôi: “Em rất thích bài thơ này nó rất lạ vì đọc xuôi đọc ngược vẫn có nghĩa, nhưng em chỉ không hiểu “Chung đợi Bá” là gì”. Tôi bèn cắt nghĩa qua cho em và em rất thích. Lại biết tôi biết nhạc nên em đề nghị tôi phổ nhạc dùm để về phổ biến cho các bạn. Biết rằng câu thơ trên nhiều bạn trẻ không hiểu, nên tôi đành phải sửa là:

Vần dệt ý trao duyên ước hẹn

Cho phù hợp với các bạn trẻ trước khi phổ nhạc.

Trường hợp thứ 3 là bài thơ chống HIV Aids: SƯỚNG và HỌA (Ham sướng nào ngờ họa kế bên…) với 2 câu chót dí dỏm nhất để chơi chữ là:

Đường thi xướng họa an toàn nhất

Vừa sướng khỏi lo thật cõi tiên!

Một hôn có người bạn muốn xin bài thơ để phổ biến ở phường trong ngày Quốc tế chống HIV Aids. Sợ ở đây nhiều người không chơi xướng họa thơ Đường nên để cho phù hợp tôi lại phải đổi câu áp chót là:

Một chồng một vợ an toàn nhất

Như thế chắc quý vị sẽ thông cảm vì sao Cụ Nguyễn Du đã phải sửa thơ của mình nhiều chỗ như vậy. Dù cho ai sửa đi nữa, vấn đề còn lại của chúng ta là đi tìm một nguyên bản duy nhất mà ta tin là gần với bản cuối cùng mà tác giả đã chọn nhất. Bằng cách nào đây?

1. Có người đề nghị mỗi trường hợp dị biệt, ta nên chọn lấy tứ nào hay câu nào được nhiều sách sử dụng nhất. Nhưng điều này chưa chắc đúng ý tác giả, vì biết đâu cái mà ít sách sử dụng nhất lại là cái mà tác giả đã sửa lại lần cuối cùng và ưng ý nhất. Khác nào như một người cha chết đi để lại 3, 4 tờ di chúc thừa kế cho các con nhưng chưa đề ngày tờ nào, biết đâu tờ chỉ có 1 người thừa kế lại là tờ cuối cùng? Vậy cách này cũng chưa hợp lý.

2. Có người đề nghị họp hội đồng các danh sĩ rồi lấy biểu quyết mỗi trường hợp. Xem ra hợp lý hơn nhưng đó cũng chỉ là ý kiến tạm thời của một tập thể hậu sinh, không đúng truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, những người tha thiết với truyện Kiều vẫn chưa đồng ý. Và vong hồn tác giả, nếu có chưa chắc đã thừa nhận.

3. Tùy theo ý thích cá nhân, bất cứ dịch giả hay ai muốn sử dụng một phần hay toàn bộ truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, có thể theo bất cứ cuốn Kiều nào có uy tín đã được xuất bản tại Việt Nam, có thể lực chọn từng phần ở nhiều cuốn, không ai có quyền bảo đó là sai và sửa chữa theo ý mình. Cách này có vẻ tự do công bằng hơn. Tuy nhiên, muốn tốt hơn có thể chú thích thêm những chỗ dị biệt phổ biến ở các bản khác. Trường hợp không cần thiết, để tránh rườm rà thì thôi.

4. Còn việc muốn có một cuốn Kiều chính thức để làm tài liệu giáo khoa hay cho người nước ngoài tham khảo là điều rất cần và nên làm. Về điểm nay người viết xin đề nghị một các như sau:

a. Cử ra một hội đồng gồm các danh sĩ để biểu quyết chọn lấy một bản Kiều tốt nhất gọi là bản A sẽ được in ra để mọi người đọc.

b. Bên cạnh đó, thâu thập tất cả những dị bản khác được gọi tên B,C, D, E,… các dị bản đều có giá trị.

c. Thiết lập phần ghi chú những dị bản B,C, D, E,… để riêng sau sách ở phần sau bản A. Mỗi chỗ có dị biệt ở bản A đều được đánh số (1), (2), (3)… ai muốn xem cứ việc xem ghi chú ở cuối mỗi trang hoặc phần ghi chú ở phần cuối của sách.

Thí dụ: ở bản A trang 43 có câu:

Chiếc vành (2) này với tờ bồi ở đây.

Mà bản B và C là: Chiếc thoa này với… thì ghi chú như sau:

Trang 43: (2) B, C thoa vv…

Như thế rất gọn gàng mà ta không bỏ mất dị bản nào cả. (cách này tương tự như cuốn ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH khảo lục của Vũ Văn Kính và Bùi Hữu Sủng, phát hành tại Saigon năm 1971).

Chúng ta ước mong điều này sẽ sớm được thực hiện, để truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du một kiệt tác đã được thế giới công nhận sẽ tránh khỏi những vướng mắc về hình thức không đáng có, để đến gần hơn với mọi người trên thế giới .

THÙY DƯƠNG

12-2009

Phụ Bản II

BẾN ĐỢI

Màu áo tím buồn mãi vấn vương

Tiếng tiêu sầu mộng nhớ chàng Trương

Câu hò Vĩ Dạ nghe tha thiết

Tiếng hát Nam Bình gợi nhớ thương

Thấp thoáng mây trôi trên núi Ngự

Bập bềnh thuyền lướt mặt sông Hương

Bến Vân tàu đợi người tri kỷ

Cuối bãi đầu ghềnh kiếp gió sương.

NGÀN PHƯƠNG

MƠ ƯỚC BÂNG QUƠ

Kính tặng cô Tâm Nguyện

Chợt thèm vị đắng lá sầu đâu

Sương tuyết ưu tư bạc mái đầu

Hạ đến tiếng ve gào khắc khoải

Thu qua nhạc gió rợn canh thâu

Vài câu xướng họa thêm rôm rả

Mấy vận giao lưu bớt giãi dầu

Tâm sự sẻ chia lòng thắm thiết

Mong tình bằng hữu được bền lâu.

NGÀN PHƯƠNG

Chuyện ngày xưa

Em về rồi nhớ mang theo chiếc lá khô

Con đường nào em đi vắng tiếng ngựa thồ

Bao năm lần lửa trên đồi hoang vắng

Tay trong bàn tay giữa nắng nhấp nhô

***

Khi em nhìn mắt nai vàng mà thương

Thong thả người đi vang tiếng guốc trên đường

Tà áo trắng em bay trong chiều duyên dáng

Anh nhìn anh tư lự trong gương

***

Em còn nhớ ngày xưa từng cánh hoa bay

Tỏa khắp trời xanh phiêu lãng tháng ngày

Trong ánh sao rơi và nhiều mơ ước

Chuyện ngày đó chúng mình, trên đôi má hây hây.

Dương Lêh (2009)

Chiếc lá vật vờ

Chợt nhìn qua bức song thưa

Đưa vai gánh lấy cơn mưa rã rời.

Những câu lục bát xa vời

Đón đưa còn lại những lời ăn năn.

***

Say sưa cung nhạc trối trăn

Vớt trong đáy nước nỗi băn khoăn chiều

Ráng mây nào nổi tiêu diêu

Xa dần cơn gió tịch liêu đường về.

***

Đêm qua được những cơn mê

Rơi trong vắng lặng cho thê lương nào

Để cho chìm những ánh sao

Trôi theo ngọn sóng đi vào hư vô

***

Ừ thì như chiếc lá khô

Cố xoay trong gió vật vờ ngủ mê

Đã từng phiêu bạt lê thê

Thôi đừng nhốt bóng đêm về mà yêu.

Dương Lêh (2009)

MÃI YÊU

“Đôi trẻ” xưa, nay tuổi đã nhiều

Trên đầu tuyền muối, chẳng còn tiêu !

Oai phong thưở ấy còn đôi chút !

Diễm lệ năm xưa đọng ít nhiều !

Ánh mắt mơ huyền còn đắm đuối

Nụ cười móm mém vẫn nâng niu

“Bách niên giai lão”, tình thêm thắm

Cháu chắt đầy đàn, chưa hết yêu !

Tâm Nguyện

11/2009

ĐÊM GIÁNG SINH

Vũ trụ mênh mông…

Nặng nề cát bụi!

Nhật nguyệt hai đầu

Trái đất đang quay.

Chốn địa cầu… nơi nào mưa? Nơi nào tạnh?

Ta từ đâu? Mà có mặt nơi đây!

Nước mắt chơi vơi…!

Nụ cười nức nở…

Jésus Maria, lạy Chúa…

Con trầm tư quỳ dưới chân Người!

Cây Thánh giá vẫn ngậm ngùi rớm máu.

Ngửa lòng tay! Trời tuyết lạnh sao rơi!

Giờ phút thiêng liêng cả thế giới loài người

Đợi hồi chuông đêm Giáng Sinh:

MỪNG CHÚA

Ánh hào quang như muôn vàn đuốc lửa.

Dẫn hồn con về cửa động Bethlem.

Bản Thánh ca vừa dứt tiếng Amen.

Giờ phút ưu phiền của con người lắng xuống

Gió chơi vơi… biển mịt mù sóng gợn…

Khép vòng tay sầu muộn thế nhân ơi!

Đêm nay mừng Chúa ra đời

Nguồn thương nhân loại… nụ cười Giáng Sinh.

TRẦN LỮ VŨ

Kính Mừng Sinh Nhật thứ 99
của Đại Lão BS-HS Dương Cẩm Chương

Gần trọn trăm năm tạ đất trời

Chín mươi chín tuổi vẫn vui tươi

Vẫn đem thi họa say tình đạo

Vẫn lấy nguồn thương giúp ích đời

Tranh vẽ phối màu duyên xuất chúng

Lương y cảm hóa biết bao người

Vang danh từ mẫu ngày son trẻ

Hãnh diện tài hoa của một thời.

TRẦN LỮ VŨ

MÂY XUÂN

Muốn làm một áng mây xuân

Khi xa xa lắc, khi gần gần bên

Bụi hồng chẳng lấm áo tiên

Giúp ngày che nắng, thương đêm ủ lòng

Ngao du Nam Bắc, Tây Đông

Vượt trên bão tố, gió dông cuộc đời

Tình chan ăm ắp giếng thơi

Chắt chiu nhân nghĩa, thắp ngời lửa tim

Trót yêu màu tím hoa sim

Nỗi riêng canh cánh bao niềm đấy vơi

Thôi! Mây xin trả lại trời

Vần xuân dành tặng cho đời làm duyên.

XUÂN VĂN

TRUYỆN KIỀU

(Từ câu 1885 - 1966)

1885 - Sớm khuya hầu hạ đài doanh

Tiểu thư chạm mặt dè tình hỏi tra

Lựa lời nàng mới thưa qua

“Phải khi mình lại xót xa nỗi mình.”

Tiểu thư hỏi lại Thúc Sinh:

“Cậy chàng tra lấy thực tình cho nao!”

Sinh đà rát ruột như bào

Nói ra chẳng tiện trông vào chẳng đang

Những e lại lụy đến nàng

Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra

1895 - Cúi đầu quỳ trước sân hoa

Thân cung nàng mới dâng qua một tờ

Diện tiền trình với Tiểu thư

Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình

Day and night, Kiều tried to fulfill her role of a servant

One day Hoạn Thư inquired her about her confidence

Weighing her words, Kiều answered mistress briefly:

“I am afraid to bother you with my doleful story”

Hoạn Thư then asked Thúc to play the role of inquirer

“My dear, I’d like to know about her true life, could you inquire her?

Thúc’s bowels were already torn out painfully,

To tell the truth was not good, but to stand and see, how could he?

But he was afraid something harmful might come to his lover

So he ventured to ask her some questions to get it over

The next morning, setting on her knees on the flowery yard

Kiều showed her mistress an account of her life so hard

After a quick glance through, Hoạn Thư seemed to have some mercy

For the unlucky girl who had stirred her jealousy.

Liền tay trao lại Thúc Sinh

1900 - Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương

“Ví chăng có số giàu sang

“Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên

“Bể trần chìm nổi thuyền quyên

“Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời

Sinh rằng: “Thật có như lời,

“Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay

“Nghìn xưa âu cũng thế này

“Từ bi âu liệu bớt tay mới vừa”

Tiểu thư rằng: “Ý trong tờ

1910 - “Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa Không

“Thôi thì thôi cũng chiều lòng,

“Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.

She handed the paper to Thúc, saying:

“Her talent is worth of respect, her bad lot deserves pitying

Had she come to life with a noble wealthy destiny

She would have mented a golden house to live in actually

A frail female creature bobbing in the dusty ocean!

How pitiful for an unlucky girl with such talent!

Thúc said: “I think what you said is true, actually

“Sweet beauty means ill destiny, no woman can get free

“For thousands of years this eternal law has been verified

“And that’s why you’d better treat her kindly, my dear wife”

Hoạn Thư said: “In this paper, she expressed her aspiration

“To confide her ill fated life to Buddha’s protection.

“I find it a good idea that we may help her realize,

“So she can get out of this situation as she likes .

“Sẵn Quan âm các vườn ta

“Có cây trăm thước có hoa bốn mùa

“Có cổ thụ, có sơn hồ

“Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh”

Tàng tàng trời mới bình minh,

Hương hoa ngũ cúng sắm sanh lễ thường

Đưa nàng đến trước Phật đường

1920 - Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia

Áo xanh đổi lấy cà sa

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền

Sớm khuya tính đủ dầu đèn,

Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên hương trà.

“We have the Quan Yin shrine readily in our garden

“With high foliage trees and flowers for all seasons

“Also centenaries, rocks and pools that may attract her

“She can stay there to keep the temple and recite prayers”

The next morning, at dawn they got ready with everything

Incense sticks, flowers, fruits as ritual offerings

Kiều was led to the Buddha shrine, in front of the altar

A monk was invited from a temple not very far

After a small ceremony, Kiều became a nun

Her blue clothes were changed into a cloak and she was given

A new name Trạc Tuyền as her religious name since then

Also a sum was given for oil and stick incense

As well as flowers, fruit and other ritual offerings

Two servants Xuân and Thu were assigned for incense lighting

1925 - Nàng từ lánh gót vườn hoa

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng

Nhân duyên đâu lại còn mong

Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi

Phật tiền thảm lấp sầu vùi

Ngày pho thủ tự đêm nhồi tâm hương

Cho hay giọt nước cành dương

Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên

Nâu sồng từ trở màu thuyền,

Sân thu trăng đã vài phen đương đầu,

1935 - Quan phòng then nhặt lưới mau

Nói lời trước mặt rơi châu vắng người

Gác kinh viện sách đôi nơi

Trong gang tấc lại gấp mười quan san!

Since she took refuge in this flowery garden

Kiều felt closer to the “Purple wood”(1), the rosy dusted world more distant

There was no more chance to resume any love affair

Free from her dishonoured beauty, no more shame to bear

Under Buddha’s blessing, she could bury all her sufferings

By spending day time copying Buddhist books, night time praying

What a miracle the waterdrops from the willow bough(2) had done!

They made the human lust fire die out and all griefs gone

Since Kiều adopted the brown color for her untroubled life

The autumn yard had witnessed the moon overhead twice

Confined in bolted doors, Thúc was watched by his wife

Outside, he smiled and talked, but alone, tears filled his eyes

From the study room, the Buddha shrine was not so far

Yet it seemed as though frontier gate and mounts set them apart!

---------------

(1) Purple word: Bamboo forest where Quan Yin had lived

(2) On her statue Quan Yin usually holds a willow bough and small vase of water which she uses to heal every worldly pain sprinkling water on it.

Những là ngậm thở nuốt than

1940 - Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà

Thừa cơ sinh mới lẻn ra,

Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng

Sụt sùi dở nỗi đoạn tràng

Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh

“Đã cam chịu bạc với tình

“Chúa xuân để tội một mình cho hoa

“Thấp cơ thua trí đàn bà

“Trông vào đau ruột nói ra ngại lời

“Vì ta cho lụy đến người

1950 - “Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh!

“Quản chi lên thác xuống ghềnh

“Cũng toan sống thác với tình cho xong.

So far Thúc kept on swallowing his bitter complaints

Until one day, Hoạn thư went to visit her mother again

Thúc found it a fine occasion and without wasting a moment

He slipped out and went straight down the flowery garden

Tears overwhelmed his eyes, he poured out his heart breaking sorrows

“I’m so sorry”, said he, “to be forced to betray you, my love

“How could the Spring Queen let a frail flower suffer alone?

“I am ashamed to be failed by a woman’s trick so wisely done!

“I felt deep pain seeing the scene, but to speak out, I found no word!

“I know it’s my fault to make you involved and tortured

“So that white jade stained with sand, thus wasting your youthful life

“Oh, if only I could find a way to get you out of this plight!

“I wouldn’t mind climbing up mounts, going down cascades

“To fly with my love and live with her until death.

“Tông đường chút chửa cam lòng

“Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai

1955 - “Thẹn mình đá nát vàng phai

“Trăm năm dễ chuộc một lời được sao?”

Nàng rằng: “Chiếc bách sóng đào

“Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may

“Chút thân quằn quại vũng lầy

“Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?

“Cũng liều một giọt mưa rào

“Mà cho thiên hạ trông vào cùng hay

“Xót vì cầm đã bén dây

“Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta

1965 - “Liệu bài mở cửa cho ra

“Ấy là tình nặng ấy là nghĩa sâu

“But the pity is that I haven’t achieved my lineage duty (3)

“So I had to clench my teeth breaking out our fidelity

“I am ashamed to let our stone crash, our gold smear (4)

“It’s not easy to redeem our broken word in one hundred years

Kiều said: “I am just a little boat among high billows

“Floating or sinking, depending on ill or good luck, I don’t know.

“This wretched body has been writhing in muddy water,

“A hopeless life, I never expected to survive till to day any longer

“So I just ventured like a drop of heavy rain (5)

“So that everybody can see my life free from pain

“But our guitar’s strings have been vibrating once we’ve played

“Not for a life time but at least for one day

“So if you still keep a deep love or a loyal heart on me

“Please find me a way to get out of this place safely”

-----------------------------

(3) Lineage duty: One of the major filial duties of a man is giving birth to a male infant to keep the family lineage one, especially when the man is the only son i.e. has no brother.

(4) “Stone and gold”: a symbol of true love and faithfullness between a loving or married couple (See footnote on verse 353)

(5) A drop of rain can’t choose a spot to fall on (See footnote on verse 619).

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

HÒA BÌNH ĐẾN VỚI
MẸ CHỒNG VÀ NÀNG DÂU

Người trình bày: Nhà giáo Lê Hùng Dương 15-11-2009

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu đã có từ ngàn xưa và thường là cuộc xung đột kéo dài từ đời này sang đời khác, đã tạo nên một thành kiến ăn sâu vào cuộc sống của hai thành viên này.

Tuy nhiên trong xã hội cũng có những gia đình trong đó mẹ chồng và nàng dâu sống chung rất hòa hợp. Cô dâu lúc nào cũng tôn kính mẹ chồng và đối lại bà mẹ chồng xem cô con dâu như con đẻ của mình. Qua khảo sát chúng tôi đã thấy số lượng những gia đình mà trong đó bà mẹ chồng và nàng dâu chung sống hòa bình ổn định, thì rất hiếm hoi với một tỉ lệ khiêm tốn và hầu hết các thành viên liên quan đều đã đạt tới trình độ văn hóa tương đối.

Dân số càng phát triển, con số một trăm triệu có lẽ không còn xa xăm gì đối với tổng dân số người Việt Nam. Bi kịch phát sinh là tỉ lệ người có trình độ văn hóa ngày càng giảm. Chính cái trình độ văn hóa làm cơ sở giúp cho người ta xóa bỏ những khác biệt giữa mẹ chồng và nàng dâu về đời sống kinh tế, về quan niệm sống. Thế nhưng, rất khó mà có được trình độ văn hóa ngang bằng với nhau, để rồi mẹ chồng và nàng dâu có được mối quan hệ đề huề hạnh phúc.

I. Nguồn gốc

1. Từ bao đời nay, người Việt Nam đã hấp thụ sâu sắc nền văn hóa đông phương có nguồn gốc từ Trung Quốc, với những quy luật có từ đời ông tổ sư Khổng phu tử. Nào là tam cương với 3 cái giềng mối (quân, sư, phụ), ngũ thường với 5 đức tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), nào là tam tùng (tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử), rồi tứ đức bao gồm những khuôn vàng thước ngọc dành cho phụ nữ (công, dung, ngôn, hạnh). Khi nói đến vai trò người phụ nữ thì lại có câu không giống ai “nữ sinh ngoại tộc”. Cha mẹ bà con thân tộc thuộc phía người đàn ông gọi là bên “nội”, phía người đàn bà gọi là “bên ngoại”. Bởi vậy mới có chức vụ hàng “ông”, hàng “bà” như “ông nội, bà nội” và “ông ngoại, bà ngoại”. Rồi tiếp theo là cái tư tưởng phong kiến phát sinh đưa tới chỗ “nam trọng, nữ khinh”.

Ngày xưa, việc cưới vợ cho con trai thường do cha mẹ cùng với con trai đến nhà cha mẹ người con gái để rước người con gái ấy về ở nhà bên chồng. Lúc bấy giờ người ta coi người phụ nữ như là một cái máy sản xuất con nít để nối dòng nối dõi cho cái tông đường nhà chồng vừa làm nhiệm vụ của một ô-shin. Lâu dần chức vụ cao nhất của cô dâu lúc bấy giờ có thể đạt được là quản lý cái đám gia nhân đầy tớ, còn đối với tất cả mọi người, cha mẹ bà con thân tộc trong nhà chồng thì cô dâu đứng hạng bét.

2. Trường hợp cha mẹ tổ chức tảo hôn cho con trai để có người đàn bà phục vụ công việc đồng áng, hay quán xuyến việc nhà. Người phụ nữ được mua về nhà chồng để làm việc như một nô lệ. Một gia đình nọ quá neo đơn, lại có nhiều ruộng rẫy, không quản lý nổi đám gia nhân, đi mua một cô gái chừng 19, 20 tuổi về làm vợ cho anh con trai chừng 10 tuổi. Nói rằng làm vợ cho anh chồng tí hon kia, nhưng cô dâu thực chất là một ô-shin của nhà chồng, chứ không phải là cái máy sản xuất con nít. Thế là trăm cay ngàn đắng cô dâu phải gánh chịu dưới sự hà khắc của cha mẹ chồng. Đến khi anh chồng con nít này lớn lên, gia đình tổ chức cho anh ta cưới vợ. Cô dâu ô-shin phải đứng ra cưới vợ cho chồng để lên chức vợ cả, nhưng cô dâu sau này mới là cái máy sản xuất ra con nít để nối dõi tông đường. Trường hợp này thường thấy ở những gia đình nghèo khó phải chịu bán con gái, cho đi ở đợ để trừ nợ.

3. Trong thời đại phong kiến vai trò người phụ nữ theo một chu kỳ không đổi. Khi còn là con dâu bị đặt dưới sự kềm kẹp hà khắc của mẹ chồng. Khi mẹ chồng về già, cô dâu này lớn lên có con trai đến tuổi lấy vợ. Cô dâu ngày xưa trở thành bà mẹ chồng và tiếp tục đường lối chủ trương chính sách của bà mẹ chồng cô ngày trước.

II. Hình ảnh và kỳ vọng của mẹ chồng, nàng dâu trước ngày đám cưới.

1) Suy nghĩ và kỳ vọng của bà mẹ chồng về con dâu tương lai.

Hầu hết các bà mẹ chồng tương lai đều có suy nghĩ tốt đẹp về con dâu của mình. Các bà thường kết hợp với các đấng ông chồng lo chuẩn bị cho đám cưới được chu đáo. Từ khi ông con trai đưa người yêu về giới thiệu cho bà già, người con gái luôn được bà già chồng tương lai ân cần tiếp đón. Có bà còn khuyên bảo con trai mình không nên bắt nạt cô vợ tương lai của anh ta. Nhiều bà hưởng ứng phong trào thanh niên thời nay tự do chọn lựa người vợ, người chồng.

Ngoài ra bà cũng kỳ vọng về con dâu tương lai của mình. Nếu là cô dâu đầu tiên chắc là giấc mơ sẽ rất lớn. Bà sẽ coi con dâu như con đẻ của mình. Bà hình dung sẽ cùng cô con dâu sớm hôm gần gũi chăm sóc cho con trai bà đang lăn vào xã hội mưu cầu cuộc sống. Bà cũng hình dung khi tuổi về già sẽ được cô con dâu vào ra săn sóc. Nhà cửa sẽ sạch sẽ hơn khi được cô con dâu về lau dọn. Bữa ăn cũng sẽ ngon hơn, đậm đà màu sắc văn hóa ẩm thực hơn khi có thêm một Yan can cook mới là cô dâu.

Tuy nhiên cũng có một trường hợp bà mẹ chồng miễn cưỡng tổ chức đám cưới cho con trai mình với người con gái mà anh ta đã chọn lựa. Nguyên nhân là bà đã chấm một cô gái con một đồng nghiệp của bà rồi, nhưng con trai bà không chịu.

Cô nàng về làm dâu như Tề Thiên Đại Thánh bị nung trong lò bát quái. Không khí trong gia đình rất ngột ngạt. Từ giàn trên anh chị em của bà già đến hàng hậu vệ là anh chị em chồng ai cũng có thái độ không muốn hợp tác với cô dâu. Họ còn cho cô dâu là nguyên nhân đem lại nỗi buồn rầu cho bà già.

Cũng có mẹ chồng khi thấy con dâu tương lai tân thời quá, ăn mặc theo kiểu thời trang rách rưới, quần xệ, áo treo phô bày cái lưng với dấu cạo gió theo hình xương cá, hay dấu giác hơi lốm đốm tím bầm. Lỗ tai thì xâu 4, 5 cái khoẻn cho mỗi bên, và nhai kẹo chewing gum như huấn luyện viên bóng đá Ferguson, hoặc nghe tuổi con dâu là Dần Mão Thìn Tỵ chi đó mà theo thầy mấy bói nói dóc là xung khắc với tuổi của bà. Thế là bà chuẩn bị phương án hành động kỹ càng để sau ngày cưới đem ra sử dụng. Đây cũng có thể là nguyên nhân tạo ra thành kiến giữa mẹ chồng và nàng dâu.

2) Hình ảnh đẹp về mẹ chồng, và kỳ vọng từ phía cô dâu:

Ở thời kỳ tiền hôn nhân cô dâu tương lai thường được mẹ người yêu của mình đối xử rất tử tế, rất lịch sự. Đây chẳng qua là yếu tố tâm lý, bà già chồng tương lai muốn gây cảm tình với người con gái xa lạ để cô ta yên tâm quyết dịnh về làm dâu nhà bà. Cô dâu tương lai cũng ấp ủ bao nhiêu cách cư xử dịu dàng để sau đám cưới sẽ làm người an ủi mẹ chồng, chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột của mình.

Có người nói rằng không có cô dâu nào thoạt đầu có ý tưởng sẽ kinh qua một giai đoạn đấu tranh với mẹ chồng để tìm kiếm một cuộc chung sống hòa bình. Từ đó cô dâu nảy sinh một mối kỳ vọng ở bà già chồng tương lai. Cô nghĩ sau ngày cưới, về ở chung trong một nhà, bà mẹ chồng sẽ chăm lo hạnh phúc của gia đình mới của con trai mình và rồi sẽ chăm lo cho đàn cháu nội sau này. Có nghĩa là cô con dâu kỳ vọng cuộc sống sau khi cưới, mẹ chồng sẽ gánh vác nhiều nghĩa vụ hơn. Cô dâu cũng kỳ vọng sẽ nhanh chóng thiết lập được mối quan hệ thân mật với mẹ chồng để cuộc sống chung được hòa bình êm ấm.

3) Bi kịch từ điểm xuất phát:

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của mẹ chồng và của nàng dâu sẽ trở thành bi kịch khi xung đột bắt đầu mà đa phần đưa tới sự sứt mẻ tình cảm giữa hai người, lý do là thực tế không đúng với kỳ vọng.

Xin hãy nghe lời kể của một cô dâu hai mươi lăm năm về trước. “Ngay trong ngày đám cưới tôi bị hạ đo ván liền. Sau khi rước dâu về đến nhà chồng, mẹ tôi có đôi lời gửi gấm con gái mình cho họ nhà trai dạy dỗ và mong con gái mình được yêu thương như con đẻ. Một người bên họ nhà trai phán liền một câu xanh dờn ‘Chúng tôi có thương mới đi cưới cô dâu này cho con chúng tôi. Một điều chúng tôi muốn ở cô dâu là khi đã về nhà chồng là phải… tuyệt đối nghe lời’.

Cô dâu lúc đó đã bị sốc trước lời tuyên bố đầy tính gia trưởng và hết sức độc tài của người đại diện họ nhà trai.

Ở đây tôi muốn trình bày một khía cạnh tâm lý ở một số lớn người Việt Nam có trình độ văn hóa tương đối kém cỏi, thường tự đồng hóa mình vào vai trò người khác. Ví dụ như người đại diện nhà trai trên đây, chắc là anh em chi đó với bà mẹ chồng tự thấy mình cũng có quyền hạn như cha mẹ chồng cô dâu nên phát biểu thay cho bà mẹ chồng một câu hách dịch như vậy. Ông ta tự cho rằng dâu con của bà chị mình cũng là dâu con của mình. May mà cô dâu, với trình độ văn hóa là một giảng viên đại học, dù bị sốc nhưng vẫn nhịn nhục sống chung với bà già chồng được một năm rồi cùng chồng ra ở riêng với kết luận “trong nhà tôi, mẹ chồng là người bất khả xâm phạm”.

III. Những khoảng chênh lệch giữa mẹ chồng và nàng dâu:

1) Về trình độ văn hóa:

a. Mẹ chồng có trình độ văn hóa cao hơn nàng dâu:

Trường hợp này thường thấy ở các gia đình có bà mẹ chồng là nhà giáo, bác sĩ, cán bộ cấp cao, một viên chức có địa vị trong xã hội, tất cả thường đã có trong tay học vị đại học. Viễn cảnh hòa bình giữa mẹ chồng và nàng dâu rất sáng sủa. Mẹ chồng lúc bấy giờ có thể làm người dạy dỗ cô dâu, hướng dẫn cô dâu bằng kiến thức sẵn có của mình. Cô dâu không thể nào “có cửa” để ngang ngạnh, cãi bướng với mẹ chồng. Tuy nhiên bà mẹ chồng đôi khi không khỏi bực mình vì sự cư xử kém cỏi của nàng dâu. Ví dụ trường hợp Bà X có cô con dâu trông rất dễ thương nhưng cô này mới học hết bậc phổ thông, trong khi Bà X là một giảng viên đại học. Cô dâu này không biết đi thưa về trình. Có lần bà nhắc nhở ông con trai để anh chàng nói lại với vợ. Cô dâu có sửa chữa nhưng được đâu ba bữa, cô nàng lại quên, bà lại nhắc, cô dâu lại sửa chữa rồi lại quên. Riết rồi Bà X không quan tâm đến chuyện đi thưa về trình của cô dâu. Phước chủ may thầy, hôm nào cô dâu trước khi đi đâu thưa cho bà một câu bà sẽ coi như trong ngày đó đã chọn được một niềm vui.

b. Trường hợp cô dâu có trình độ văn hóa cao hơn bà già chồng:

Tự nhiên bà già chồng có cái mặc cảm thua kém về văn hóa nên nhiều khi muốn chứng tỏ uy quyền của một bà Thái Hậu trong gia đình. Bà chi phối đủ thứ để chứng tỏ mình có kiến thức, có kinh nghiệm sống.

Có bà mẹ chồng vừa kém văn hóa vừa nóng nảy ồn ào. Cô dâu làm điều gì khác ý bà một chút thì bà la toáng lên, có bà lại đi phân bua với hàng xóm, có người cà riềng cà tỏi, càm ràm nói đi nói lại cả ngày.

Cũng có nhiều cô dâu có một trình độ văn hóa nhất định, tương đối có cá tính dễ bị bức xúc, kích động, thường tranh cãi lại mẹ chồng. Thế là bà mẹ chồng bù lu bù loa lên, kêu trời kêu đất. Cũng có trường hợp gia đình bên chồng hợp lại đối xử bạo lực với cô con dâu. Như trường hợp một ông chồng ở quận 11 đã bênh mẹ mình, đánh đuổi cô dâu ra khỏi biên giới lãnh thổ gia đình rồi đoạn tuyệt. Trong khi đó một ông chồng khác ở quận 5 thì đưa vợ đi chỗ khác thuê nhà trọ ở riêng.

2) Khoảng cách về đời sống kinh tế.

a. Cô dâu là con nhà đại phú.

Nếu có sự cách biệt phú bần rõ rệt giữa cô dâu và nhà chồng. Có 2 tình huống xảy ra. Một là, nếu cô dâu có một trình độ văn hóa nhất định, cô dâu sẽ đối xử với mẹ chồng rất rõ ràng sòng phẳng, có “chế độ” đối với mẹ chồng và cả gia đình bên chồng. Mọi công việc ở nhà chồng cô dâu lo thuê người chu toàn. Cô dâu sẽ biết tổ chức cuộc sống để vợ chồng có được những giờ phút riêng tư, và cô cũng có giờ phút tâm sự với mẹ chồng. Đối với mẹ chồng, cô dâu này luôn luôn có quà cáp chu đáo, nào là sinh nhật mẹ chồng, ngày Phụ nữ quốc tế (8-3), ngày của Mẹ (Mother Day) vv... Những ngày giỗ của gia đình bên chồng cô dâu thường mua thêm trái cây, trà bánh, đèn nhang cúng kiến. Trong những gia đình như vậy, mẹ chồng có muốn khó khăn cay nghiệt cũng không thực hiện được, dành chỗ cho hòa bình êm thắm đến với hai thành viên này.

Đối với những cô dâu có gốc gia đình hào phú nhưng chữ nghĩa không được nhiều, ít đọc sách, báo, thường có thái độ kiêu hãnh, ỷ lại vào gia đình cha mẹ đẻ. Cô thường đề cao sự giàu có của cha mẹ mình, tình huống này dễ gây cho gia đình bên chồng mặc cảm tự ti, lâu dần gia đình chồng dễ sinh tự ái từ đó kéo theo những xích mích đáng tiếc.

b. Mẹ chồng là đại phú gia.

Ở đây cũng có hai trường hợp xảy ra. Mẹ chồng có trình độ văn hóa và một týp mẹ chồng kém cỏi về trình độ văn hóa. Đối với nhóm mẹ chồng vừa giàu có vừa có trình độ văn hóa thường rất thông cảm với nàng dâu. Vì thương con trai mình nên rất dịu dàng rộng lượng với nàng dâu. Trong trường hợp này cô dâu dù có học vấn cao đến đâu cũng không dám có thái độ đối kháng mà trái lại phải biết mình biết người, luôn luôn giữ lề dâu con để nhận được sự thương yêu lâu dài của mẹ chồng.

Tuy nhiên gặp những bà mẹ chồng đại gia nhưng văn hóa lại kém cỏi hơn cô con dâu thì rắc rối thường xảy ra. Xét về khía cạnh tâm lý, bà mẹ chồng trong trường hợp này thường có mặc cảm thua sút cô con dâu về trình độ văn hóa cho nên các bà thường lấy uy quyền mẹ chồng, sử dụng cái sự giàu có của mình sai bảo, chỉ vẻ cô dâu thế này thế nọ. Có bà mẹ chồng tỏ ra xem thường cha mẹ đẻ của cô dâu. Cô dâu trong trường hợp này thường nhịn nhục, chịu đựng, vô tình tạo điều kiện cho cái cảnh mẹ chồng khó khăn với nàng dâu có cơ phát triển. Đúng ra cái nguyên nhân sâu xa trong trường hợp này chính là cái mặc cảm kém cỏi về trình độ văn hóa của bà mẹ chồng. Các bà nên xóa bỏ mặc cảm để thừa nhận thực tế trong xã hội tiến bộ và hãnh diện khi có con dâu có trình độ văn hóa cao hơn lớp thế hệ trước trong gia đình.

3) Những dị biệt khác

a. Ngôn ngữ địa phương.

Khi mẹ chồng và nàng dâu từ hai vùng khác nhau về ngôn ngữ rõ rệt, dù rằng trong cùng một đất nước, chắc chắn sẽ có tiếng bấc tiếng chì, ai cũng muốn cho là tiếng nói theo giọng địa phương nơi mình đang ở là đúng, là chuẩn, còn tiếng nói của bên kia là quê mùa, là sai trật, không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Bà mẹ chồng miền Bắc cưới dâu từ miền thượng du, hay các vùng “đàng trong” cho tới Nam bộ thường cho rằng cô dâu nói tiếng không chuẩn. Có bà mẹ chồng ở tại Saigon cưới cô dâu quê quán từ Quảng Trị, thôi thì mẹ nói mẹ nghe, dâu nói dâu nghe. Khồ một nỗi là bà già chồng này lại thích đi kể lể với hàng xóm:” Nó bảo tôi giữ một đầu vải để nó cắt mà nó bảo tôi “rị đi, rị cho chắc nghe”.Rồi bà còn nói con dâu của bà không phải người “Việt”. Bảo sao cô dâu không tức?

b. Tập quán địa phương .

Trong tập quán ăn uống vùng này và vùng khác cũng có lắm điều dị biệt. Cô dâu người Huế vô làm dâu trong Saigon đang ngồi cắt sợi miếng cải bắp sú để làm món gỏi gà, bà già chồng người Nam kỳ thấy vậy bước tới đỡ lấy miếng cải bắp sú tay kia cầm dao đưa xuống ba nhát là xong, rồi nói “Để má làm cho mau”. Cô dâu cảm thấy buồn vì bị chê làm việc chậm chạp, còn bà mẹ chồng ở đây không biết rằng ngoài Huế khi làm gỏi gà người ta thường xắt cải bắp sú thành sợi rất nhỏ, món gỏi gà mới ngon.

c. Quan niệm sống .

Cho dù ở trong cùng địa phương, cùng giọng nói nhưng quan niệm sống của hai người lại khác nhau trong nhiều lãnh vực. Cô dâu được nuông chìu từ tấm bé, lớn lên có việc làm tử tế, rồi lấy chồng, rất khó mà chịu đặt dưới sự sai khiến của nhà chồng. Cô tham gia vào công việc dọn dẹp, bếp núc trong nhà với mọi thiện chí, gây thiện cảm với gia đinh bên chồng. Trong trường hợp này bà mẹ chồng muốn chứng tỏ uy quyền, lên lớp với cô dâu về việc cơm không lành canh không ngọt chắc chắn sẽ phát sinh xung đột và chuyện ra riêng là con đường gần nhất.

Có bà mẹ chồng có ôm khư khư cái quan niệm “tôi bỏ tiền ra mua con dâu về để nó phụng dưỡng” để rồi hành hạ cô dâu coi cô dâu là một ô-shin được mua về, và trong thực tế có một cô con dâu của bà mẹ chồng quý hóa này, ở Nha Trang, đã phải vào viện tâm thần điều trị.

Trong khảo sát, để trả lời cho câu hỏi “những gì bạn không đồng ý về mẹ chồng?” Một cô dâu đã trả lời. Tôi không đồng ý với quan niệm bảo thủ của bà: “Con gái là con người ta, con dâu chính thực mẹ cha mua về”. Bà thường dùng câu này nói với tôi. Điều đó không phù hợp với xã hội bây giờ. Bà có những khắt khe dành riêng cho con dâu, không công bằng. Bà không có sự rộng lượng, không luôn luôn thấu hiểu. Do những quan niệm và suy nghĩ của bà bị hạn chế dẫn đến những nhận định không chính xác, hay suy diễn.”

Trong thực tế đã từng có cô dâu tự tử vì mẹ chồng hà khắc chứ chưa thấy có bà mẹ chồng nào đòi tự tử vì cô dâu.

4) Ảnh hưởng về mặt tâm lý, tình thương của con trai không còn nữa.

Một số lớn những bà mẹ chồng, sau khi cưới vợ cho con trai, thường nghĩ rằng tình mẫu tử không còn nữa. Anh con trai chỉ còn biết thương yêu cô vợ mới cưới và đàn con sau này mà thôi. Bà mẹ chồng để tâm nhận xét. Ngày 8-3 anh con trai không còn tặng hoa cho bà nữa mà chỉ dành riêng tặng vợ mà thôi. Ngày lễ, Chủ Nhật, vợ chồng dắt nhau đi chơi biền biệt bỏ bà già thui thủi ở nhà. Khi về chả thấy quà cáp gì cho mẹ. Hôm nào đẹp trời cậu con trai mang về cho bà dăm ba quả hồng để bà ăn cho vui miệng. Tình cảm của cậu con trai đã phai nhạt đến thế, bà dần dần sinh ra ghen tị, rồi đâm khó tính. Bà chê con dâu nấu ăn dở quá, cơm không lành canh không ngọt, nhà cửa bẩn thỉu không dọn, không quét. Trời mới đổ mưa, bà kêu trái gió trở trời, rồi bà kêu cô dâu nấu cháo đun nước chầu hầu phục vụ.

IV. Những xung đột được đã từng xảy ra:

Trong quan hệ đối xử giữa mẹ chồng và nàng dâu, có hằng ngàn chuyện lặt vặt, và chỉ thật sự lặt vặt mà thôi, làm nguyên nhân xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu.

1) Về phía mẹ chồng

a. Muốn chứng tỏ có kinh nghiệm ở đời.

Khi nàng dâu có bầu bà bảo đi coi thầy này bà nọ để sớm biết con trai hay con gái mặc dù nàng dâu nói rằng vài tháng nữa sẽ biết. Bà không tin. Bà bực bội vì con cái không nghe lời.

Khi cô dâu sinh con, bà già chồng bắt cô dâu phải nằm than vì bà cho rằng ông bà tiên tổ ngày xưa đã làm như vậy và bà cũng đã làm như vậy khi sinh con trai mình. Ông con trai cương quyết dẹp cái ông lò bằng đất bà mua về chuẩn bị đốt than.

Cô dâu tắm con bà già nhảy vô thoa phấn cho đứa bé như người ta lăn bột để chiên cá. Cô dâu phải lấy khăn ướt lau bớt phấn để da đứa bé có thể hô hấp được.

Đứa bé bị sốt bà bắt phải cho đứa bé trùm chăn và quấn khăn kín mít. Cô dâu bỏ chăn bỏ khăn ra thì bà nói coi chừng đứa bé bị trúng gió (?). Ban đêm nghe đứa bé khóc hơi nhiều một chút bà bảo đứa bé bị đau bụng và bảo lấy dầu gió xanh thoa cho đứa bé, và dĩ nhiêu yêu cầu của bà không được đáp ứng. Cô dâu còn phải luôn cảnh giác ông chồng cẩn thận không được để bà già xuất chiêu điều trị cho đứa bé.

b. Mẹ chồng coi khinh bố mẹ đẻ của cô dâu.

Nhà chồng làm giỗ đầu cho bố chồng nên bố mẹ đẻ cô dâu có qua nhà ăn cơm. Hôm ấy, do sơ sẩy, mẹ đẻ cô lỡ tay đánh vỡ một chiếc bát trong bữa cơm. Hôm vừa rồi, vì chính cô lỡ tay làm vỡ bát nên bị mẹ chồng so sánh: “Hai mẹ con cô đều vụng về như nhau”.

Một trường hợp khác, quà của cha mẹ cô dâu gửi tặng bà mẹ chồng, nhưng bà mẹ chồng nhanh chóng đem vất vào thùng rác trước mặt con dâu, nói rằng không sử dụng được. Tôi được biết nguyên do là bên cha mẹ chồng có trình độ văn hóa kém cỏi không bằng cha mẹ ruột cô con dâu. Vì mặc cảm thua kém đó bà mẹ chồng muốn làm kèo trên cố tìm một lý do nào đó “hạ bệ” cha mẹ ruột cô dâu.

c. Mẹ chồng nghiện thuốc lá:

Bà nghiện thuốc lá, cô dâu rất khó chịu với mùi khói. Có lần cô đề nghị bà bớt hút thuốc vì sắp có em bé, bà giận dỗi la toáng lên và đòi đuổi cô ra khỏi nhà.

d. Mẹ chồng thích bài bạc, mê tín đị đoan, đồng bóng.

Người con trai làm ăn tương đối có lợi nhuận cao phụ trách mọi chi phí trong gia đình. Cô dâu cũng có việc làm có thu nhập riêng. Nhà có người giúp việc. Bà thường đòi con trai đưa thêm tiền để chi tiêu riêng, có khi bảo cô dâu cung cấp. Chi tiêu riêng của bà là đổ tiền nuôi bác thằng bần. Mỗi ngày bà mua vé số và mua số đuôi có khi lên đến một hai trăm ngàn. Bà cũng hay đi chùa cúng kiến, quà cáp cho mấy ông sư bà vãi, vô đền lên đồng múa bóng. Tiền bạc vô túi bà tự nhiên biến thành rắn thành rết ra đi. Cô dâu cảm thấy xót ruột vì không thực hiện được kế hoạch danh dụm cho tương lai của hai vợ chồng. Sau cùng hai người phải mướn nhà ra riêng.

e. Họp mặt thường xuyên :

Một bà mẹ chồng có mấy người con trai đã lập gia đình và có con nhỏ. Bà mẹ chồng bắt buộc tất cả các con trai và con dâu cùng cháu nội ngày Chủ Nhật, ngày lễ phải về họp mặt với bà suốt ngày ăn uống trò chuyện. Mấy cô con dâu hết sức khó chịu nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Các cô cho rằng vợ chồng đi làm việc suốt cả tuần lễ, thời gian quí báu của ngày Chủ Nhật đáng lẽ được gần gũi bên nhau một cách riêng tư cũng bị bà mẹ chồng lấy mất.

f. Sợ con trai mình bị thiệt thòi.

Có một lần con dâu đang cho con bú, con trai phải đi giặt tã lót của con vừa thay ra, bà mẹ chồng liền hét ầm lên: “Mày để xuống đấy, đàn ông mà đi giặt tã lót, không sợ người ta cười cho!”. Làm cho người con trai ngây ra không biết làm thế nào, người con dâu vừa buồn vừa tức giận. Chúng ta có thể đoán biết, một bà mẹ chồng cứ không muốn để cho con trai bị thiệt như vậy thì không thể giải quyết tốt quan hệ mẹ chồng nàng dâu được.

g. Mẹ chồng sợ cô dâu lén lút tiếp tế, tài trợ gia đình cha mẹ đẻ.

Bà mẹ chồng thấy thỉnh thoảng có một vài người em của cô dâu đến thăm chị. Thế là bà âm thầm theo dõi, một mặt bà cảnh giác con trai của mình, lưu ý vợ anh ta không được viện trợ cho em út hoặc cha mẹ đẻ của cô dâu.

Và còn những thói tật khác của bà mẹ chồng, ví dụ như các tình huống sau đây:

h. Mẹ chồng vào phòng nàng dâu không gõ cửa.

i. Mẹ chồng, anh chị em chồng sử dụng đồ dùng cá nhân của nàng dâu: xà phòng thơm, nước hoa, kem đánh răng, máy vi tính…

j. Ở chung, nhưng con trai và con dâu ăn riêng, mẹ chồng sử dụng vật dụng làm bếp, thực phẩm, gia vị… của cô dâu.

k. Mẹ chồng xưng hô mày tao với con dâu.

l. Mẹ chồng quá cầu kỳ trong cách ăn uống, giỗ chạp, cúng kiến, cô dâu phải vất vả phục vụ.vv…

2) Về phía cô dâu:

a. Trước mặt tôn trọng sau lưng khinh miệt.

Câu chuyện sau đây:

Vợ chồng già có hai người con, một trai, một gái, ở miền Bắc. Cô con gái cả học xong đại học, công tác ở miền Trung và đã lấy chồng ở luôn trong đó nên nhà chỉ có hai vợ chồng già với vợ chồng anh con trai.

Thời gian đầu, cô con dâu đã thể hiện xuất sắc vai trò làm dâu khiến bà thực sự cảm thấy mãn nguyện và thầm cám ơn trời phật giúp bà có con dâu tốt như vậy.

Một hôm, buổi họp phụ nữ khu phố bất ngờ hủy bỏ nên bà già về nhà sớm hơn so với dự định. Chồng và con trai đi thăm người ốm nên trong nhà rất yên tĩnh. Khi đi qua phòng vợ chồng con trai, bà nghe tiếng cười giòn tan của cô con dâu đang nói chuyện điện thoại vang đội ra ngoài: “Ôi, mày tưởng tao sướng lắm đấy! Bà mẹ chồng tử tế với tao chẳng qua là do tao mang về cho nhà họ một đống của cải, chứ tao mà về tay không thì có mà bị họ khinh như cỏ rác...”.

Đã như thế thì bà mẹ chồng tiếp tục nghe lén. Cô con dâu đang ngon trớn nói xấu mẹ chồng rất nhiều thứ với người bạn qua điện thoại: nào trình độ thẩm mỹ thấp, mình mua sắm cái gì thì bà ấy cứ ý cò ý kiến, nào mẹ chồng keo kiệt bủn xỉn, cô có mua sắm cái gì bằng chính tiền của cô mà cũng bị can ngăn, nói không cần thiết... Cô con dâu lại khoe nhà bố mẹ đẻ mình giàu có, và nhà chồng thì toàn “ăn bám” vào cô nên mới phải đối xử tử tế như thế. Nghe tiếng cô con dâu “quý hóa” “chát” trong điện thoại, bà mẹ chồng chỉ biết rùng mình quay gót lặng lẽ trở về phòng.

b. Cô dâu với mưu đồ hưởng lợi chia gia tài.

Gia đình bên chồng có một mảnh đất thuộc diện quy hoạch trong dự án mở rộng đường quốc lộ. Số tiền đền bù lên tới vài trăm triệu. Bố chồng định sẽ chia số tiền ấy ra để chia cho các con, số còn lại sẽ đem gửi ngân hàng lấy tiền lãi dưỡng già. Mới có ý định thế đã thấy các con trong nhà ướm hỏi chuyện tiền nong, rồi đứa này tị nạnh, đứa kia ghen ghét, sợ bố mẹ sẽ cho người khác nhiều hơn mình. Những hiểu nhầm khiến anh em trong nhà bỗng coi nhau như người dưng nước lã, không khí gia đình ngột ngạt đến khó chịu.

Bố chồng âm thầm điều tra và phát hiện ra đầu mối chính là từ cô con dâu nhà mình. Cô ta không ra mặt mà thường kích động chồng gây bất hòa giữa các anh chị em trong nhà còn bản thân thì đặt điều cho người nọ, người kia... để bố mẹ thấy rõ “bản chất xấu xa” của những người con còn lại, và thấy được “lòng hiếu thuận” của vợ chồng cô để ưu ái cho phần hơn.

Ngoài ra còn có những vấn đề lặt vặt sau đây về phía cô dâu:

c. Không biết đi thưa về trình, như một trường hợp đã nói ở trên.

d. Nói năng không lễ phép (không biết “dạ”, cách nói chuyện không được thanh nhã.

e. Không biết nấu ăn đúng cách (tùy theo địa phương)

f. Cách ăn mặc không vừa mắt mẹ chồng, chạy theo thời trang.

g. Thân mật với chồng quá đáng trước mặt mẹ chồng.

h. Cãi vã với chồng trước mặt mẹ chồng vv...

V. Đi tìm hòa bình đến với mẹ chồng nàng dâu:

Để cải thiện mối quan hệ giữa hai thành viên này, sau khi khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi có những ý kiến sau đây về cả hai phía:

1) Về phía mẹ chồng:

a. Tuyệt đối không mua con dâu về làm ô-shin:

Cái câu:“Con gái là con người ta, con dâu chính thực mẹ cha mua về”, hoặc “mẹ thì khó kiếm nhưng vợ thì dễ tìm” xưa lắm rồi hãy xếp vào trong tủ đồ cổ. Thời đại bây giờ người ta quan niệm rõ ràng cưới dâu là tạo dựng cho con trai mình một gia đình riêng biệt cho nó. Bà mẹ chồng cũng khó mà coi con dâu như con đẻ vì con gái là con gái, con dâu là con dâu không thế nào lẫn lộn được. Ngay cả chị hay em chồng rất hiếm khi có được mối cảm tình nồng hậu, nhiều khi còn tạo ra sự mất đoàn kết với cô dâu.

Như vậy, mẹ chồng không thể coi con dâu như con gái thì ngược lại con dâu cũng không thể coi mẹ chồng như mẹ ruột. Nếu con dâu quán xuyến việc gia đình, chăm sóc cha mẹ chồng là do tình thương yêu rất lớn đối với người chồng. Đây là một điều may mắn cho gia đình bên chồng bởi vì không hề có luật pháp nào bắt buộc cô dâu phục vụ gia đình chồng như một ô-shin.

b. Coi con dâu như người bạn tri kỷ của con trai mình:

Khi con trai còn ở tuổi đi học, anh chàng thường dẫn về nhà những người bạn thân, bạn chí cốt để ăn uống, cùng nhau học tập, có khi ở lại trong nhiều ngày. Các bà mẹ thường xem những đứa bạn này cũng như con, nhất là khi thấy con mình chọn được bạn tốt mà giao thiệp. Khi đến tuổi trưởng thành, những người bạn này cũng thường ghé lại thăm, chè chén với con trai. Bà mẹ vẫn một mực thương quí như khi chúng còn nhỏ. Bây giờ con trai mình cưới vợ, có nghĩa là con trai mình đã chọn được một người bạn tri kỷ cho suốt cuộc đời của nó. Bà mẹ nên thương quí con dâu cũng như bà đã thương quý những bạn thân của con trai mình ngày xưa.

c. Trau dồi bản thân:

Học hỏi qua sách báo, TV để bồi dưỡng trình độ văn hóa, trao đổi kinh nghiệm với những tổ chức phụ nữ, đoàn thể tôn giáo để xây dựng quan niệm cuộc sống thích nghi với thời đại tiến bộ, không nên ép uổng con dâu phải tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm của mình. Khi có tranh chấp, không nên dùng phương thức mệnh lệnh đối với con dâu, nên nói với con dâu một cách dịu dàng, hoặc thông qua con trai nói lại cho vợ trong trường hợp cô dâu có những điều sai trái.

d. Giữ quan hệ tốt với thông gia.

Mẹ chồng cần phải đối xử hết sức thân thiện và bình đẳng đối với gia đình và cha mẹ đẻ của cô dâu. Ngoài việc hai nhà thông gia thường xuyên thăm hỏi, đỡ đần trong lúc khó khăn, bà mẹ chồng nên thoải mái khuyến khích cô con dâu về thăm cha mẹ đẻ khi những người này đau yếu, hoặc lâu ngày xa cách. Không nên coi thường gia đình cha mẹ cô dâu.

e. Không coi trọng sự giàu có.

Gia đình bên chồng giàu có, mẹ chồng củng không vì thế mà tỏ ra có uy quyền rồi hống hách, khắc nghiệt với cô dâu. Không nên sợ cô dâu dấu tài sản riêng để chuyển về cho gia đình cha mẹ ruột, hoặc lén lút cho tiền các em cô dâu đến thăm. Chuyện đó, nếu có, để con trai lo. Bà cũng không cần phải nhắc nhở con trai của mình.

f. Không nên bắt con trai hoàn vốn.

Ngày xưa khi sinh con trai bà chính là bầu sữa, rồi công ơn dưỡng dục cù lao, nuôi con khôn lớn. Bây giờ con trai đã thành nhân, có vợ, đi làm việc có thu nhập cao. Bà không nên bắt con trai mình hoàn vốn, cung phụng tiền bạc cho bà tiêu xài tùy thích. Nếu thật sự có thiếu thốn trong cuộc sống, tự nhiên con trai bà sẽ biết và hết lòng phụng dưỡng. Con dâu sẽ dễ dàng thông cảm. Có bà bắt con trai phải cho tiền để bà chơi bài bạc, số đề, rong chơi phung phí. Các bà viện lý do ngày xưa sinh con nuôi nấng khổ cực bây giờ nó phải báo đáp. Các bà quên câu nói “nước mắt chảy xuống”. Ngày xưa bà lo cho con cái thì bây giờ tới lúc con cái của bà lo xuống con cái của nó. Phụng dưỡng là một lẽ, còn vòi vĩnh lấy tiền phung phí thì không chấp nhận được.

g. Không chi phối cuộc sống gia đình riêng tư của con trai.

Khi con trai đã có vợ, mẹ chồng nên ghi nhớ rằng con trai đã có một gia đình riêng tư của nó rồi. Cho dù chung sống trong một nhà nhưng những sinh hoạt riêng tư cần phải được mẹ chồng tôn trọng. Những sinh hoạt riêng tư này bao gồm việc chăm sóc, giáo dục con cái của chúng, vấn đề ăn uống (nếu ăn riêng), vấn đề kinh doanh, vv... Bà mẹ chồng nên nhớ cho rằng, những kiến thức, hoặc những kinh nghiệm của bà ngày nay có thể không còn thích hợp nữa, bà nên rửa tay gác kiếm để mặc chúng nó được tự do thoải mái.

h. Đối xử với các cháu nội.

Hoàn toàn để cho con trai và con dâu đảm trách việc chăm sóc nuôi nấng và giáo dục con cái của họ, không nên can thiệp vào bằng những kinh nghiệm dân gian xưa cũ, không khoa học, hay mê tí dị đoan. Trong trường hợp trình độ con trai và con dâu còn non kém nên dịu dàng hướng dẫn chỉ dạy. Không nên hấp tấp la lối chạm tư ái của hai người này. Họ có thể sẽ tỏ thái độ không hợp tác tự hành động theo ý riêng của họ. Tuy nhiên trong trường hợp cha mẹ đứa bé bị bạo hành, mẹ chồng có quyền ngăn cản, nếu cần có thể nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

i. Quan hệ giữa con gái và con dâu.

Mẹ chồng cần tìm hiểu mức độ tình cảm giữa con gái và con dâu. Nếu vì một lý do nào đó có sự xung đột giữa hai người phụ nữ này, bà mẹ chồng phải hết sức khéo léo tế nhị và khách quan hóa giải mọi bất hòa một cách công bằng hợp lý. Tuyệt đối không nên bênh con gái để trấn áp nàng dâu.

j. Khi có tranh chấp giữa vợ chồng con trai.

Mẹ chồng nên kiên nhẫn đợi khi cơn nóng giận trôi qua rồi dịu dàng khuyên giải từng người một. Không bên con trai cũng không bỏ con dâu. Lập trường phải công bằng tuyệt đối. Cùng nhau tìm rõ nguyên nhân để giải quyết. Cương quyết ngăn cản con trai của bà sử dụng bạo hành đối với cô con dâu.

Phụ Bản III

k. Tạo bầu không khí vui vẻ trong gia đình.

Mỗi khi có đầy đủ mọi người trong gia đình, bà mẹ chồng nên cố gắng kể chuyện vui để mọi người tham gia. Đặt ra những vấn đề này nọ như ăn kiêng, dinh dưỡng, tập thể dục, giải trí vv… để từng người một có thể đóng góp ý kiến. Làm sao để mỗi thành viên đều có trách nhiệm xây dựng một gia đình với nhiều thế hệ cùng sống chung hạnh phúc.

l. Không nên kiếm cách chê bai, châm chọc con dâu.

Nhiều bà mẹ chồng có thành kiến với con dâu thường kiếm mọi cách để chê bai cô dâu. Ví dụ có cô kể chuyện ngày xưa thường đi chùa hái lộc xin xăm cầu phúc với cha mẹ ruột vào ngày Tết. Nhưng mẹ chồng không những không muốn nghe mà còn phê bình là mấy người đó mê tín dị đoan.

m. Khen ngợi, khuyến khích ưu điểm của con dâu.

Mẹ chồng nên kịp thời khen ngợi, trước mặt các thành viên khác, điều gì cô dâu làm tốt mà bà đã nhờ vả. Nhiều bà mẹ chồng rất tiết kiệm lời khen tặng con dâu của mình vì các bà cho rằng “khen nó rồi đây nó lên mặt”. Hoặc khen con dâu có nghĩa là con dâu giỏi hơn bà. Ví dụ cô dâu nấu ăn giỏi, nếu bà khen có nghĩa là bà nấu dở ẹc, sợ người ta chê cười. Đố kỵ như vậy thì làm sao mà không xung đột!

n. Hỏi han, quan tâm khi con dâu lâm bệnh.

Thời tiết thay đổi, cô con dâu đi làm về mắc mưa, qua ngày sau nói giọng mũi, hắt hơi nhiều lần, mẹ chồng nên hỏi xem con dâu uống thuốc gì chưa, hay có phải đi bác sĩ không, hay bảo cô dâu đến cho bà thoa dầu cho ấm, hoặc mua cây lá về làm nước xông, hoặc nấu cháo giải cảm cho cô dâu ăn. Có bà mẹ chồng không những không quan tâm mà còn phân bua với hàng xóm “nó bệnh có chồng nó lo, đâu phải má tui bảo tui lo cho nó”.

o. Nỗi buồn khi con trai không tìm được vợ.

Các bà đừng nghĩ rằng mỗi người đàn ông luôn luôn có nhiều cô gái đeo bám. Hiện nay cũng có nhiều đấng mày râu đến tuổi 40 không tìm đâu ra được một bà vợ. Một số bà mẹ khó khăn chê bai cô gái bạn của con trai mình dẫn về giới thiệu, nào là nhỏ con quá sau này sinh nở khó khăn, nào là cận thị quá nặng sinh con xong chắc hết… thấy đường, nào là tân thời quá, ra mắt bà già chồng tương lai mà mặc quần short, áo hai dây (Việt kiều) vv... Cuối cùng, khi ông con trai bắt đầu sang tuổi tứ tuần, bà mẹ đành phải buông xuôi, con đặt đâu mẹ ngồi đấy cho rồi. Ở tình thế này, cô dâu nào mới về nhà chồng này chắc là dễ thở hơn, vì nếu mẹ chồng ra chiêu khắc nghiệt, cô dâu bỏ đi, con trai bà hết phương nối dõi tông đường.

2) Về phía nàng dâu

Trong việc đi tìm cách hòa giải mậu thuẩn giữa mẹ chồng và nàng dâu, những đề xuất về phía nàng dâu như sau:

a. Không nên tỏ ra trình độ văn hóa cao hơn mẹ chồng.

Thật ra ngày nay con dâu có trình độ văn hóa cao hơn mẹ chồng là quá thường. Con hơn cha là nhà có phúc. Cưới được một cô dâu học giỏi quả là phước lớn cho gia đình. Đối với mẹ chồng, cô con dâu, dù học cao đến mấy cũng không nên chứng tỏ rằng mình là người học rộng hiểu nhiều. Những biểu lộ về sự hiểu biết,về tài năng dễ làm cho bà mẹ chồng bị mặc cảm từ đó phát sinh những phàn ứng tiêu cực. Có bà mẹ chồng văn hóa kém đi phân bua với hàng xóm: “Con dâu tui chê tui dốt”.

b. Nếu giàu có, không nên chứng tỏ.

Đây cũng là một mấu chốt rất nhạy cảm dễ tạo ra mặc cảm cho gia đình bên chồng từ đó phát sinh những đố kỵ vẩn vơ. Cô dâu nên tỏ ra mình cùng chồng tự lực cánh sinh. Đã về nhà chồng cô không bao giờ quay về nhờ vả cha mẹ ruột của mình. Tuy nhiên nếu cha mẹ ruột có tài trợ ít nhiều gì cô con dâu dĩ nhiên không từ chối nhưng tuyệt đối không cho ai biết, nếu có chỉ ông chồng mà thôi.

c. Xóa bỏ thành kiến sẵn có.

Nếu trước đây đã có sẵn thành kiến đối với mẹ chồng mặc dầu xuất phát một cách mơ hồ do từ mối quan hệ với bạn bè, bà con thân thuộc bên gia đình, cô dâu nên loại ra khỏi đầu óc của mình ngay khi bước chân về nhà chồng. Có nhiều cô dâu cứ mải ôm cái thành kiến đó, khi về đến nhà chồng lúc nào cũng thủ thế sẵn sàng đối phó với mẹ chồng bằng cách trả lời nhát gừng, hoặc nói xa xôi, bóng gió, hoặc im lặng hoàn toàn tỏ thái độ bất phục tùng.

d. Tạo sự thân mật, gần gũi với mẹ chồng.

Tôn trọng mẹ chồng là lẽ đương nhiên, cô dâu cũng nên sắp xếp thời gian tạo sự thân mật gần gũi với mẹ chồng bằng cách trao đổi ý kiến về tin tức thời sự trong ngày trên báo, trên TV như vấn đề tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ăn cướp tiệm vàng, các vụ lừa đảo, mua bán đất đai, chơi hụi bị giật tiền vv… Cô dâu cũng nên tâm sự với mẹ chồng về những chuyện riêng tư của phụ nữ, tâm lý gia đình, cách thức giữ chồng, làm sao cho ông chồng mãi mãi trung với vợ, hiếu với mẹ cha, tìm hiểu sở thích của mẹ chồng ở nhiều lãnh vực. Cô dâu cũng có thể trao đổi với mẹ chồng về tin vui vừa mới có và hỏi mẹ chồng những kinh nghiệm chăm sóc em bé sau này, cho dù cô dâu đã đọc hằng tá sách hoặc lên mạng nghiên cứu rất nhiều về sản khoa và dưỡng nhi. Khi trái gió trở trời, mẹ chồng sì sịt, ho hen, cô dâu cũng nên sắp xếp thời gian tham gia quan tâm chăm sóc mẹ chồng, nấu cho mẹ chồng một tô cháo giải cảm, hay một nồi nước xông. Chuyện này hết sức bình thường không hề gây cho cô dâu mặc cảm phải làm công việc ô-shin.

e. Tạo sự thân mật, gần gũi với gia đình chồng

Nếu có khả năng, rủng rỉnh tiền bạc cô cùng chồng mời cả nhà đi ăn ở nhà hàng coi như một buổi họp mặt gia đình. Hoặc thỉnh thoảng cô cùng chồng tổ chức cho cả nhà đi dã ngoại giải trí, ngắm phong cảnh vv... Trong trường hợp khả năng hạn chế, cô dâu có thể nhân dịp sinh nhật mình hoặc của chồng mua một món ăn nào đó, ví dụ như vịt quay, bánh xèo hoặc làm món ăn như bún bò, bún riêu để cả nhà quây quần ăn uống vui vẻ.

Cũng tùy theo khả năng của mình, cô con dâu cũng nên thỉnh thoảng mua những món quà nho nhỏ tặng cho những thành viên khác nhất là chị chồng và em chồng. Lưu ý, nếu như chị chồng đã đi làm dâu sẽ rất thông cảm và dễ chịu với cô em dâu của mình. Riêng cô em chồng thường còn độc thân, và có khi là con út nên thường nhõng nhẽo và cũng thường rắc rối với chị dâu. Nếu cô dâu chiếm lĩnh được cảm tình cô em chồng khó chịu này thì bảo đảm cả nhà cũng thương mến cô dâu.

f. Không nên im lặng và tự cô lập mình.

Đây là một điều hoàn toàn nên tránh. Nhiều cô dâu khi về nhà chồng, vì quá sợ xảy ra xích mích và xung đột với mẹ chồng, nên mẹ chồng nói ra điều gì cô răm rắp tuân lệnh chấp hành nghiêm chỉnh, không nói gì khác hơn là “dạ” và khi làm xong việc là cô dâu phóng ngay về phòng nằm im thin thít. Có khi còn trùm chăn kín mít. Đến khi chồng về cô mới đi dọn cơm và nếu cùng ăn chung với gia đình thì đảm bảo cô im lặng suốt bữa ăn. Ăn xong cô vội rửa dọn rồi lại biến về phòng.

Sự im lặng và tự cô lập này sẽ làm cho cô dâu ngày càng tăng nỗi sợ hãi đối với mẹ chồng, trong lúc đó bà mẹ chồng lại thắc mắc, ngờ vực về việc cô dâu không thích gần gũi thân mật với bà. Rồi bà nghĩ ngợi lung tung, nào là cô con dâu khinh thường bà, sợ bà lây bệnh dù bà chẳng có bệnh gì cả. Cái hố chia cách càng ngày càng rộng và chỉ có thể chấm dứt khi hai vợ chồng ra ở riêng.

g. Trau dồi bản thân .

Cô dâu nên sắp xếp thời gian đọc sách, báo, xem TV, nghe radio, tham gia các tổ chức Phụ nữ tại địa phương, đi nghe diễn thuyết để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ văn hóa áp dụng vào đời sống thực tế. Mọi sự xa rời việc trau dồi bản thân sẽ làm cho con người bị tụt hậu, nhận thức trở nên kém cỏi dễ đưa tới những hành động, và lời nói sai trái ảnh hưởng đến việc cư xử trong gia đình có khi liên quan đến mẹ chồng là người mà cô dâu phải hất sức giữ gìn tránh xung đột.

h. Nhẫn nhịn .

Cuối cùng cô dâu cũng phải chịu khó rèn luyện đức tính này. Thật sự lời khuyên này quá xưa nhưng nếu áp dụng đúng sẽ có hiệu quả vô cùng. Cô dâu nên tâm niệm những câu đơn giản như “một câu nhịn chín câu lành”, hay “chín bỏ làm mười”, “no mất ngon, giận mất khôn”, hay kêu những nhà thư pháp viết chữ “Nhẫn” to đùng treo trong phòng vv... Quan niệm sống của bà mẹ chồng chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác với cô dâu. Ví dụ ngày nay các cô gái trẻ thường mặc quần lưng thấp hầu hết các bà mẹ chồng đều không ưa rồi, còn cô con dâu thì coi bình thường. Rủi ro nếu bà mẹ chồng thấy cô con dâu mặc quần lưng thấp bảo đảm bà sẽ chì chiết, nói xa nói gần. Cô dâu nên nhẫn nhịn không nên biểu diễn thời trang trẻ trung quá trước mặt mẹ chồng. Cất đi, khi nào ra ở riêng hay khi không có mẹ chồng thì muốn mặc sao cũng được.

VI. Niềm thương yêu đối với mẹ chồng.

Mẹ của anh

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào

Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Nào là hoa bưởi hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắc chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Xuân Quỳnh

VII. Kết luận

Tóm lại cả hai bên mẹ chồng và nàng dâu đều phải nhắm vào mục đích là làm sao tình cảm giữa hai người như tình thân gắn bó. Điều cốt lõi là cả hai cần phải bỏ đi cái “tôi to lớn” của mình để cùng nhau sống chan hòa trong niềm hạnh phúc gia đình, trong đó từng thành viên trau dồi phẩm chất đạo đức để xây dựng những quan niệm sống thật gần gũi với nhau. Tình huống xấu nhất nếu không giải quyết được mâu thuẩn, giải pháp ra riêng là vẹn toàn.

Lê Hùng Dương

duonglee@gmail.com Đt: 090 925 1072

DI SẢN THẾ GIỚI
HÁT QUAN HỌ

“Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công bố là Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại vào lúc 16h55’ (Abu Dhabi, thủ đô của các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) tức 19h55’ (Việt Nam), 30/9/2009” .

Dự kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Abu Dhabi, từ ngày 28/9/2009 (và sẽ kéo dài đến 2/10/2009), bà TS. Lê Thị Minh Lý cho biết, Đợt công nhận Di sản vào danh sách Đại diện của nhân loại năm nay có 111 hồ sơ đề cử từ 34 quốc gia. Trải qua 3 vòng thẩm định khoa học nghiêm ngặt, Ủy ban đã công bố chỉ có 76 di sản được ghi nhận là Di sản Đại diện của nhân loại. 35 hồ sơ còn lại không có tên trong danh sách vì không đáp ứng được một hoặc một vài tiêu chí xét chọn.

Hát Quan họ (hay Quan họ Bắc Ninh) là đặc sản dân ca của người Việt ở tỉnh Bắc Ninh. Nó bắt nguồn từ những lời hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.

Hát Quan họ chủ yếu được tổ chức ở mỗi làng mỗi năm một lần vào dịp hội làng. Nó gắn với tục kết bạn nam nữ kết nghĩa giữa 2 làng khác nhau. Ngoài một bộ phận nhỏ mang nội dung chúc tụng, khẩn cầu, đại bộ phận các bài ca mà các anh Hai, chị Hai (cách gọi nhau theo truyền thống) đối đáp với nhau đều mang nội dung giao duyên trữ tình rất thắm thiết. Tuy nhiên, theo tập tục cổ truyền, trai gái trong các nhóm kết bạn hát với nhau lại không bao giờ lấy nhau.

Các cuộc hát Quan họ có thể diễn ra ở trong nhà cũng như ngoài trời. Phương thức sinh hoạt ở các làng khá đa dạng, song nhìn chung, ngoài một số nét khác biệt, trong hát Quan họ chứa đựng cả những nét có ở nhiều thể loại hát đối đáp nam nữ của các dân tộc trên đất nước. Hát Quan họ bao giờ cũng hát đôi, trình tự hát vừa theo nội dung vừa theo làn điệu, đối lời kèm đối giọng.

Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, hát Quan họ đã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Dân ca Quan họ có khoảng 180 bài khác nhau, không tính các dị bản – một trong những kỷ lục của các thể loại dân ca Việt Nam.

Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp – tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Quan họ Bắc Ninh đã trở thành Di sản thế giới

Thay mặt cộng đồng nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Viện Văn hóa nghệ thuật và đại diện chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã có mặt tại Abu Dhabi để đón nhận danh hiệu vinh dự này. Lời phát biểu của đoàn đại biểu Việt Nam có đoạn: “Kế thừa những giá trị tinh thần hết sức quan trọng của Công ước 2003, Việt Nam vừa mới sửa đổi một số điều trong Luật Di sản văn hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quan họ Bắc Ninh - di sản của nhân loại và các di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em ở Việt Nam để góp phần vào bức tranh văn hóa đa dạng của nhân loại và phát triển xã hội bền vững”.

* Quan họ được UNESCO đánh giá cao

Quan họ Bắc Ninh được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa đặc biệt, về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục. Hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để quan họ Bắc Ninh trở thành di sản đại diện của nhân loại với các kết luận sau:

- Quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

- Việc quan họ được đăng ký vào danh sách đại diện sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại.

- Một số biện pháp bảo vệ được đề xuất với sự cam kết của quốc gia, chính quyền địa phương và cộng đồng cho thấy tính khả thi của các hoạt động bảo vệ di sản.

- Hồ sơ đã thể hiện rõ sự tham gia một cách tự nguyện của người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc nhận dạng, kiểm kê giá trị di sản và xác lập các biện pháp bảo vệ.

Danh sách 6 “Di sản nhân văn sống”

Ngày 10/1/2004, Cục Di Sản, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH, TT & DL) dựa trên 3 tiêu chí: phải là nghệ nhân các làng quan họ gốc, phải tham gia một tổ chức quan họ truyền thống trước năm 1940; có công lao trong việc duy trì, phát triển quan họ; trình độ nghệ thuật điêu luyện, khả năng trình diễn xuất sắc, có lối sống của người quan họ. Lúc đó đã chọn được 6 nghệ nhân đại diện cho 64 nghệ nhân trên 49 làng Quan họ gốc Bắc Ninh là Di sản nhân văn sống, một danh hiệu cấp Nhà nước lần đầu tiên được phong.

1. Nguyễn Thị Khướu, 103 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi. Làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.

2. Nguyễn Văn Thị, 97 tuổi, hát Quan họ từ năm 16 tuổi. Làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong.

3. Vũ Thị Chịch, 84 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi. Làng Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh.

4. Nguyễn Thị Nguyên, 87 tuổi, hát Quan họ từ năm 15 tuổi. Làng Khả Lễ, xã Võ Cường, TP Bắc Ninh.

5. Ngô Thị Nhi, 89 tuổi, hát Quan họ từ năm 10 tuổi. Làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong.

6. Nguyễn Thị Bé, 84 tuổi, hát Quan họ từ năm 13 tuổi. Làng Đào Xá, xã Phòng Khê, huyện Yên Phong.

Huy Thông - Bùi Đẹp (st)

Hát ả đào (ca trù)

Ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào lúc 14h45 (giờ Việt Nam) hôm qua (1/10), tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Như vậy trong vòng 20 tiếng, Việt Nam đã có thêm 2 di sản thế giới nữa - một “cú đúp” ngoạn mục trên hành trình vinh danh các di sản của Việt Nam. Nhân dịp ca trù được vinh danh, TT&VH giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện, người đầu tiên ở VN bảo vệ thành công luận án TS về ca trù, và luận án TS của ông là một trong những tài liệu trong bộ hồ sơ gửi UNESCO.

Hát ả đào được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng vào khoảng thế kỷ 15. Ban đầu nó là lối hát cửa đình. Dần dần thể loại này tách ra để trở thành lối hát thính phòng rất được ưa thích của người Việt ở phía Bắc. Từ một thể loại có nguồn gốc dân gian, được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa ưa thích, lại có những mối quan hệ mật thiết với dòng ca nhạc cung đình, hát ả đào dần được bác học hoá. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, trau chuốt từng từ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu. Hát ả đào là nghệ thuật hát thơ. Nó đã từng có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi và hát thi. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách… mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật bác học này.

Ca trù là “nghe hát”, chứ không phải “xem hát”

Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.

Nghệ thuật ca trù

Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...

Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả các cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên các lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu, vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống).

Khác với nghệ thuật chèo, hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Đào nương ca trù khi múa và diễn không có các trang phục nhiều màu vẻ như chèo hay hát văn. Đào nương ca trù hầu như chỉ ngồi bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy.

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.

Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý của văn hóa của dân tộc.

Việc ca trù vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều rất đáng mừng. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Danh hiệu này cũng nhắc nhở chúng ta đang có một di sản quý báu mà bấy lâu nay chúng ta còn thờ ơ, quên lãng. Nay, di sản ấy cần được phủi bụi thời gian và hiển hiện như ngọc long lanh dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ và cả cộng đồng sẽ chung tay gầy dựng cho nghệ thuật ca trù, tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống văn hóa đa dạng phong phú hôm nay.

Ca trù cần được sống trong đời sống đương đại chứ không phải chỉ tồn tại trong thư tịch cổ hay các kho băng đĩa. Và chỉ có như vậy, tiếng hát ca trù mới thực sự là tiếng họa mi cất lên từ cánh đồng âm nhạc Việt Nam! (TS Nguyễn Xuân Diện )

Tại Abu-Dhabi, dưới sự chủ trì của Avadh Ali Salex al Musabi đã khai mạc kỳ họp thứ tư Ủy ban Liên chính phủ của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tới dự có gần 400 đại biểu của các nước trên thế giới.

Phó Tổng Giám đốc UNESCO về các vấn đề văn hóa Francoise Riviere phát biểu tại kỳ họp, nêu rõ: “Đã có thời kỳ dài các di sản văn hóa phi vật thể không được đánh giá cao, chúng bị coi thường cho dù chúng là nền tảng sức sống của các dân tộc và những người tạo ra chúng. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là nhằm bảo vệ di sản mà theo ý kiến của tất cả mọi người, đang bị đe dọa, do những thay đổi chóng mặt trong thế giới hiện đại và do các di sản còn lại cho thế hệ con cháu bị suy giảm nhanh chóng”.

Tại kỳ họp các đại biểu nêu rõ rằng Công ước UNESCO xem xét việc bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có những truyền thống được truyền khẩu, lễ hội, làng nghề, âm nhạc và điệu múa... Đó là di sản sống truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, hình thành trong cộng đồng bản sắc của mình.

Kỳ họp xem xét 12 di sản đề nghị được đưa vào Danh sách di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và khoảng 100 kiến nghị đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại.

Trần Quang Vinh - Doãn Phương

(theo thông tin từ TS. Lê Thị Minh Lý gửi về từ Abu Dhabi)

MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN
được UNESCO công nhận là ký ức thế giới,
còn MỘC BẢN VIỆT NAM thì… sao?

Ngày 30.7.2009, thông tin từ chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World) của UNESCO cho biết: Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được xếp vào Danh sách 193 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (MOW).

Mộc bản là bản gỗ, khắc chữ (Hán) ngược để in sử sách ngày xưa. Gỗ dùng để khắc chữ Hán là gỗ cây nha đồng (còn gọi là cây sống mật), thớ gỗ trắng, mịn, sáng ngời như ngà voi. Một bản gỗ thường khắc 2 mặt, mỗi mặt khắc hai trang, trang (a) bên phải, trang (b) bên trái, ở giữa hai trang là dòng chữ ghi tên sách, số quyển và số trang. Chỗ gập hai trang (a) và (b) dọc theo hàng chữ tên sách này và dùng làm lề sách (xem hai trang Đại Nam nhất thống chí).

Kích thước mộc bản (bản gỗ) không đều, mộc bản in những bộ sử sách chính của Nhà nước như các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Ngự chế văn, Ngự chế thi vv… do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác… xê xích từ 30cm x 24cm đến trên 33cm x 24cm, dày khoảng 2 đến 2,5cm. (Bản gỗ in bản đồ hay in tranh có kích thước lớn hơn); Mộc bản in thơ hoặc các trước tác của các ông hoàng, bà chúa, các quan triều Nguyễn có kích thước nhỏ hơn, hoặc chỉ bằng ½ so với các bộ chính sử.

Quốc Sử Quán ra đời từ đầu triều Minh Mạng (1821) là cơ quan phụ trách biên soạn, in ấn sách sử và bảo quản các mộc bản của triều Nguyễn nói trên. Đến đời Tự Đức (1849), vì một số mộc bản tăng lên quá nhiều nên nhà vua cho dựng thêm Tàng Bản Đường phụ thuộc Quốc Sử Quán.

Trải qua các cuộc chiến tranh vào năm 1885 và đầu năm 1947 ở Huế, nhiều mộc bản triều Nguyễn đã bị thất thoát, hư hại. Vì thế, vào năm 1959, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra ở vùng giới tuyến Trị-Thiên, chính quyền Sài Gòn đã cho dời toàn bộ mộc bản cùng các châu bản, địa bạ nước Đại Nam lên cao nguyên Đà Lạt. Sau năm 1975, tôi được bác Tôn Thất Lương (chuyên gia về lưu trữ) và anh Phạm Bạch Tần (bạn học cũ của tôi ở Đà Lạt trước 1954, làm quản thủ thư viện), cho xem “kho” mộc bản triều Nguyễn đặt trong một biệt thự gần Thư viện thành phố Đà Lạt ngày nay. Anh Bạch Tần cho biết việc bảo quản mộc bản ở Đà Lạt rất sơ sài, chưa sắp xếp nên rất lộn xộn. Có người thiếu chất đốt lén vào kho lấy mộc bản về làm củi đun, người giữ kho cũng không biết.

May sao, cách đây bốn, năm năm, Cục Lưu trữ quốc gia tại Đà Lạt được Nhà nước đầu tư nâng cấp và trở thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, lấy khu biệt thự cũ của bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu) rộng trên 13 ngàn mét vuông tại số 2 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt, làm kho lưu trữ. Toàn bộ mộc bản triều Nguyễn được tập trung về đó và được bảo quản trong các kho chuyên dụng, tiêu chuẩn quốc tế.

Theo thống kê, mộc bản triều Nguyễn còn giữ được tại Đà Lạt có đến 34.555 tấm của 152 đầu sách. Nếu sắp nối với nhau, số mộc bản này dài đến 16km. Sau khi biết được giá trị của mộc bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã in dập, phân loại, hệ thống hóa, quét và ghi toàn bộ bản dập tài liệu mộc bản vào CD-Rom để lưu giữ, phục vụ mục đích tra cứu; xây dựng chương trình quản lý tài liệu mộc bản vào máy tính. Từ năm 2005, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Cục Lưu trữ quốc gia đã tập hợp tư liệu, làm hồ sơ mộc bản triều Nguyễn. Đến tháng 1.2008, hoàn thiện hồ sơ và đệ trình lên Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.

Theo tài liệu của UNESCO cho biết: Chương trình Ký ức Thế giới là ký ức của tập thể về những di sản tư liệu của toàn nhân loại. Những di sản tư liệu này thuộc tất cả các lĩnh vực: chính trị; lịch sử; văn hóa; chúc thư…, biểu thị sự phát triển của tư tưởng, sự phát triển cũng như những thành tựu của xã hội loài người. Đây là di sản của quá khứ đối với cộng đồng thế giới hiện tại và trong tương lai.

Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO bắt đầu từ năm 1997. Từ đó (1997), cứ 2 năm Ủy ban Tư vấn Quốc tế (IAC) về Ký ức Thế giới lại họp một lần để xét duyệt các di sản tư liệu để ghi vào danh sách Ký ức Thế giới, theo các tiêu chí về ý nghĩa thế giới và giá trị nổi bật toàn cầu. Các cuộc họp đã diễn ra tại Tashkent (9.1997), Vienna (6.1999), Cheongju (6.2001), Gdansk (8.2003), Lijang City (6.2005), Pretoria (6.2007) và năm nay tại Bridgetown (29 đến 31 tháng 7.2009) nước Barbados. Đến nay đã có 193 di sản được công nhận. Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách này.

Cùng đợt này còn có 34 di sản của các nước khác cũng đã được công nhận. Đó là tài liệu về nô lệ ở vùng Caribê thuộc Anh trong giai đoạn 1817-1834, các tác phẩm nghệ thuật của Norman McLaren (Canada), các cuốn phim âm bản gốc của Noticiero ICAIC Lationamericano, Cuba, tài liệu Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng…

Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là một hạng mục của Ký ức Thế giới đã đem thêm cho văn hóa Việt Nam một vinh dự lớn. Ít nhất có được 152 đầu sách cổ không sợ bị thất truyền nữa. Các học giả trong và ngoài nước có thể đến nghiên cứu, tham khảo các tài liệu gốc về lịch sử văn hóa triều Nguyễn một cách dễ dàng. Thành phố Đà Lạt có thêm một di sản được quốc tế công nhận thu hút thêm khách du lịch đến thưởng lãm. Ngoài những giá trị ấy, sự kiện này còn nhắc nhở các cơ quan chức năng bảo tàng, lưu trữ, các nhà nghiên cứu và đồng bào Việt Nam một sự thực là thời đại chúng ta đã không hiểu hết giá trị các di sản vật chất, phi vật chất, giá trị tinh thần, giá trị ký ức của ông cha để lại nên mắc phải nhiều thiếu sót, sai lầm với tiền nhân.

Mộc bản triều Nguyễn vừa được công nhận chỉ là một phần của mộc bản Việt Nam. Ở Huế, ngoài mộc bản của Nhà nước quân chủ lưu giữ trong Quốc Sử Quán, trong Tàng Bản Đường vừa được công nhận, còn có hàng ngàn mộc bản in văn thơ, in kinh, in tranh lưu giữ trong các Phủ đệ, các Tổ đình (chùa Quốc Ân, chùa Bảo Lâm, chùa Báo Quốc, chùa Trúc Lâm vv…), các nhà quan lại cũ (mộc bản kinh Phật của gia đình họ Đặng của liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm), các làng có truyền thống in tranh (làng Sình). Nói đến mộc bản, người ta không thể không đề cập đến các tủ mộc bản của bộ Thương Sơn Thi Tập (Phủ Tùng Thiện Vương), bộ Vỹ Dạ Hợp Tập (Phủ Tuy Lý Vương) vv…

Thương Sơn Thi Tập được người đời kính phục. Chung Ứng Nguyên người Bắc Kinh có thơ:

Nhược xử nguyên tinh giáng Trung quốc

Hàn tào Tô hải thi đồng lưu

(Nếu sinh ra ở Trung Quốc thì thơ văn ngang tài thi sĩ Hàn, Tô.)

Trong tập Hà Thượng của Tùng Thiện có 2 câu:

Thân tự bạch âu tùy xứ túc

Giao như hoàng diệp nhập thu sơ

(Người an nhàn như con bạch âu thong dong theo ngọn nước

Bạn dù sơ giao mà lá vàng tán lạc với hơi thu.)

Sứ thần nhà Thanh, Tiến sĩ Lao Sùng Quang khi đọc xong 2 câu trên đã thán phục viết:

Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú

Mãn hoài tiêu sắc đái thu hàn

(Đọc đến Tùng Thiện Vương Miên Thẩm câu bạch âu hoàng diệp, cả người lạnh cùng hơi thu.)

Lê Tân (đời Thanh) bình về thơ Tùng Thiện Vương:

Gián tác thi ca khấp quỉ thần

(Thơ ca lay động đến quỉ thần phải khóc.)

Tại Phủ Tuy Lý ở Vỹ Dạ còn giữ một số mộc bản bộ Vỹ Dạ Hợp Tập gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ, 1 quyển tự truyện. Tuy Lý Vương đã sáng tác nhiều bài về tình bạn bè, tình anh em, tình vợ chồng, đất nước, thiên nhiên vv...

Tôi nghĩ, ngoài Huế, nhiều Tổ đình trên toàn quốc (đặc biệt các Tổ đình ở hai miền Nam Bắc) cũng còn lưu giữ được nhiều mộc bản in kinh, luật Phật giáo. Mộc bản của Nhà nước được lưu giữ và được UNESCO đưa vào danh sách Ký ức Thế giới như thế quá quý rồi. Còn mộc bản do các dòng họ, các Tổ đình, các làng, các tư gia lưu giữ thì sao? Dù Nhà nước không giữ những mộc bản này nhưng đó cũng là di sản của dân tộc. Nhà nước có nên kiểm kê, lập danh sách và giúp phương tiện bảo quản thích hợp cho những nơi lưu giữ ngoài Nhà nước ấy không? Tại sao không?

Nguyễn Đắc Xuân - Bùi Đẹp (st)

10 NGUYÊN TẮC
THỌ THÊM NHIỀU TUỔI

Xin Quý vị chỉ cần nhớ:

* Ðêm Bảy: ngủ trên 7 giờ trong một đêm

* Ngày Ba: một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.

* Ra Vô không tính: mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.

1. Câu châm ngôn thứ nhất:

“Trong thiên hạ, không có chuyện làm biếng mà có thể có một thân thể khỏe mạnh.”

2. Câu châm ngôn thứ hai:

- Ði với những việc không vui vẻ của dĩ vãng và nghịch cảnh, không thấy khó chịu.

- Ðối với những ngày sắp tới không có ước vọng quá cao, nhưng luôn cầu bình an hạnh phúc.

Ba DƯỠNG

1. Bảo dưỡng.

2. Dinh dưỡng.

3. Tu dưỡng.

Bốn QUÊN

1. Quên tuổi tác.

2. Quên tiền tài.

3. Quên lo nghĩ.

4. Quên buồn phiền.

Năm PHÚC

1. Có thân thể mạnh khỏe, gọi làphúc.

2. Có vui thú đọc sách, gọi là phúc.

3. Có bạn bè tri kỷ, gọi là phúc.

4. Có người nhớ đến anh, gọi làphúc.

5. Làm những việc mà mình thích làm, gọi là phúc.

Sáu VUI

1. Một vui là hưu nhưng không nghĩ.

2. Hai vui là con cái độc lập.

3. Ba vui là vô dục tắc cương.

4. Bốn vui là vui vẻ vấn tâm mà không xấu hổ.

5. Năm vui là có nhiều bạn hữu.

6. Sáu vui là tâm tình không già.

Bẩy SUNG SƯỚNG

1. Biết đủ thường sung sướng.

2. Biết giải trí khi nhàn rỗi.

3. Biết đắc chí tìmniềm vui.

4. Khi cấp thời biết tìm niềm vui.

5. Biết dùng người làm vui.

6. Biết vui khi hành thiện.

7. Bình an là vui nhất.

Tám CHÚT XÍU

1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nữa.

2. Ðầu óc hoạt động thêm một chút nữa.

3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.

4. Ðộ lượng nhiều hơn một chút nữa.

5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.

6. Làm việc nhiều thêm một chút nữa.

7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.

8. Mỉm cười nhiều thêm chút nữa.

Chín THƯỜNG

1. Răng thường ngậm. (không cười lớn)

2. Nước miếng thường nuốt.

3. Mũi thường vê.

4. Mắt thường động.

5. Mặt thường lau.

6. Chân thường xoa (bóp).

7. Bụng thường xoay. (tập thể dục)

8. Chi thường vươn.

9. Hậu môn thường co bóp. (đi cầu)

MƯỜI NGUYÊN TẮC KHỎE MẠNH

1. Ít thịt, nhiều rau.

2. Ít mặn, nhiều chua.

3. Ít đường, nhiều trái cây.

4. Ít ăn, nhai nhiều.

5.Ít áo, tắm nhiều.

6. Ít nói, làm nhiều.

7. Ít muốn, bố thí nhiều.

8. Ít ưu tư, ngủ nhiều hơn.

9. Ít đi xe, đi bộ nhiều.

10. Ít nóng giận, cười nhiều hơn.

Lưu ý : 10 điều trên nếu thấy quá nhiều và khó nhớ, Xin Quý vị chỉ cần nhớ:* Ðêm Bảy: ngủ trên 7 giờ trong một đêm * Ngày Ba: một ngày ăn ba bữa hay nhiều hơn.* Vô ra không tính: mỗi lần đi ra hoặc đi vô, nhớ uống nhiều nước.

Già sao cho… sướng?

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép.

Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được. Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.

Cái già xồng xộc nó thì theo sau!”.

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!

Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

* Một là thiếu bạn!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai cùng một lứa bên trời lận đận… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới… Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy viễn tướng công mà còn phải than:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi

Nhớ mi nên phải bước chân đi

Không đi mi bảo rằng không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi

Làm chi tao có làm chi đựơc

Làm được tao làm đã lắm khi…

Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!… Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm… văn nghệ!

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn!

Thực vậy. Ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”

( Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)

Trần Nhân Tông

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!

Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi… Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Bs Nguyễn Lân-Đính sưu tập

Phụ Bản IV

THÔNG TIN SỨC KHỎE

Ngày 23/10/2009 vừa qua, tôi được mời dự Hội Nghị Khoa Học về Công Nghệ Quang Châm bằng Laser Bán Dẫn lần thứ 5 được tổ chức tại Trường ĐẠI HỌC BÁCH KHOA TP. Hồ Chí Minh.

Trong Hội nghị, các Phó Giáo Sư Tiến Sĩ, là các nhà Khoa Học đầu ngành của Bộ Môn, và các Cơ Sở sử dụng Công Nghệ Quang Châm Bán Dẫn trình bày về thành quả mà Laser Bán Dẫn đã ứng dụng trên các bệnh: Phì Đại Tuyến Tiền Liệt, Viêm nhiễm khối u lành tính ở hệ sinh dục và ở ngực nữ giới. Điều trị chứng và bệnh cho người bị nhiễm HIV, Phục hồi chức năng gan bị tổn thương, Hỗ trợ trong điều trị Tiểu Đường loại 2, Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, Điều trị bệnh Gút, Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não và bệnh tim ở cộng đồng, Suy giãn tĩnh mạch chân, Viêm loét dạy dày – Thành tá tràng…

Từng bước, Công Nghệ Quang Châm bằng Laser đã khẳng định tính ưu việt của mình: Bảo tồn tính năng và các bộ phận bị bệnh mà lẽ ra theo cách giải quyết trước đây bắt buộc phải có sự can thiệp của dao kéo. Kết quả là làm hết hay giảm bệnh, nhưng các bộ phận có liên quan thì phần nào bị thương tổn, là mối lo âu hàng đầu cho người chẳng may bị bệnh.

Đó là một tin tức đáng mừng cho tất cả chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu với CLB và các bạn đọc gần xa, để chúng ta biết thêm về một công nghệ mới - một niềm tự hào dân tộc - do một nhóm các Nhà Khoa Học nước ta không ngừng nghiên cứu, phát minh, có đối chiếu với những thành tựu Khoa Học Quốc Tế, phối hợp với Y Học Cổ Truyền Phương Đông để tìm ra cách chữa bệnh tốt nhất và đưa nó đến với cộng đồng. Mong ước của các Nhà Khoa Học là “Nối dài cánh tay từ Phòng Thí Nghiệm đến từng bệnh nhân trên mọi miền đất nước”, vì được mang kiến thức, tâm huyết ra phục vụ nhân dân một cách tốt nhất và ít tốn kém nhất, là điều các vị luôn trăn trở.

Năm nay cũng vừa tròn 30 năm Trường Đại Học Bách Khoa thành lập Phòng Thí Nghiệm Công Nghệ Laser. Theo Ts THÁI, những gì ông và các cộng sự đưa ra ứng dụng thành công hiện nay chỉ là một phần trong những nghiên cứu của Ông từ thập niên 90. Ông còn rất nhiều đề tài, nhưng đành để nằm yên… trên giấy vì không có kinh phí! Âu cũng là một thiệt thòi lớn cho người bệnh đang rất cần phương pháp chữa trị mới!

Quý vị có nhu cầu có thể gọi trực tiếp cho PGS Tiến Sĩ Trần Minh Thái, Phòng Thí Nghiệm Công Nghệ Laser Trường ĐHBK TP HCM, số ĐT 38635776 từ 16 đến 17 giờ, ông sẵn sàng trực tiếp giải thích và hướng dẫn.

Ngoài ra, Ts THÁI còn hẹn một dịp nào đó, sẽ đến giao lưu với CLB chúng ta. Chúng tôi sẽ thông báo ngày giờ để bạn đọc nào có quan tâm có thể đến gặp gỡ trực tiếp Ông để tham vấn.

Tâm-Nguyện

T
Ì
N
H
THÙ   

Đó là buổi chiều của một ngày ngột ngạt. Tất cả đều im lặng, kể cả chim chóc và ve sầu. Không có một tiếng động nào, dù nhỏ, ở trong khắp cánh đồng. Y như là cả trái đất đang ở trong trạng thái chờ đợi, dưới một bầu trời tối sầm và thấp. Không một gợn gió. Tuy nhiên, người ta vẫn cảm nhận được là gió đang ẩn nấp ở đâu đó, đang tự cuộn mình lại, để rồi sẵn sàng bung ra để đánh tan một cách thô bạo các đám mây đang chồng chất lên nhau trên bầu trời Haute-Roche.

Và Pascaline, đứng giữa bầu không gian, mặt ngẩng lên trời, đang chờ đợi trận gió nổi lên, chờ đợi những giọt nước mưa lạnh đầu tiên nhỏ xuống khuôn mặt ẩm ướt bởi mồ hôi của nàng.

Cứ y như là cả trái đất đang ở trạng thái chờ đợi. Chờ đợi điều gì? Ngay cả nàng nữa, chẳng phải nàng cũng đang chờ đợi điều gì đó hay sao? Nàng nhắm mắt lại một lúc, và gương mặt của Mathieu lại hiện ra, thật chi tiết, đến mức nàng phải rùng mình. Nếu gương mặt đó luôn hiện ra trong trí nàng, nếu chỉ cần chớp mắt một cái là nàng lại có thể nhìn thấy chàng, y như chàng đang đứng trước mặt nàng, thì có phải nàng đã yêu chàng rồi chăng? Từ một dạo gần đây, nàng thường nằm mơ thấy chàng đã thật sự ở đây, cặp mắt đen láy của chàng nhìn sâu thẳm vào mắt nàng… “Mathieu Quérusat, em yêu anh, và anh rụt rè đến mức em không thể biết được anh có yêu em không…”

Ngay sau những rung động đột ngột của các cành cây dưới tác động của một làn gió mà chính bản thân nàng cũng chưa kịp nhận biết, Pascaline liền trở vào nhà. Một tiếng sấm vang lên, liền theo đó có tiếng thứ hai to hơn, và mưa bắt đầu trút xuống những hạt to, mạnh. Trên lầu các cánh cửa đập mạnh, Pascaline chạy lên đóng các cửa lại. Đứng trước cửa sổ của phòng mình, nàng chần chừ một lúc để ngắm cánh đồng tối đen đang bị những tia chớp xẻ ngang xẻ dọc thành những vết thương lớn ánh vàng và hồng. Và một lần nữa, nàng lại có cái cảm giác đang chờ đợi. Ở đằng kia, giữa những lùm cây mà ánh chớp của cơn giông vẽ lên, lúc ẩn, lúc hiện, những đường viền không đều đặn, là ngôi nhà cổ của giòng họ Roustan. Không hề có một chút ánh sáng nào trong ngôi nhà rộng lớn đó. Nàng tự hỏi không biết chủ nhân của ngôi nhà đang có mặt ở đó không. Vừa đúng lúc nàng định cài cánh cửa sổ lại thì có một tia chớp khổng lồ từ dưới đất phóng lên bầu trời dường như rất thấp, chiếu sáng rực ngôi nhà cổ Roustan trong một tiếng sét thật khủng khiếp. Ngay lúc đó điện bị cúp, nàng phải mò mẫm bước dọc theo cầu thang để xuống nhà. Rồi nàng châm sáng cái đèn dầu đã được chuẩn bị sẵn từ khi cơn giông mới bắt đầu đe dọa, và ngồi vào chiếc ghế bành, tay cầm quyển sách. Mỗi khi có một trận giông mạnh như trận giông này, thì trong cái vùng hoang vu và hẻo lánh này, việc bị cúp điện suốt đêm là chuyện không lạ gì.

Có phải là vì sấm sét, gió hay mưa không…? Pascaline không thể tập trung vào quyển sách của nàng được, nhiều lần, cái bề mặt tối om, nhảy nhót của ngôi nhà cổ Roustan lại hiện ra trong trí nàng. Đột nhiên hình như nàng nghe thấy tiếng máy nổ và tự nghĩ, lẽ ra trước khi có giông, nàng đã phải cất xe của nàng vào nhà kho chứ không nên để nó ngoài sân phơi như bây giờ. Ai có thể đến thăm nàng vào lúc thời tiết như thế này nhỉ? Nàng ngóng chờ nhưng không thấy ai gõ vào cánh cửa gỗ hai lớp dày dặn của nàng. Tuy nhiên, nàng chắc chắn là: hoặc có cái xe nào đó đã đến rất gần đây, hoặc có ai đó đã nổ máy và xuất phát từ đây… Làm sao mà có thể biết chính xác được trong tiếng ồn ào của sấm sét, gió và nước này?... Nàng chần chừ muốn mở cửa, rồi lại thôi vì không còn nghe thấy gì nữa. Có lẽ ai đó đã đi lạc đường chăng, rồi người đó đã rời khỏi đây rồi chăng?... Có thể lắm chứ: vì Haute-Roche nằm ở cuối một con đường thuộc tư nhân và không có lối ra. Nàng mong sao sự suy luận của nàng là đúng. Hơn nữa, chẳng phải nàng đã mơ đó sao? Với tiếng ồn ào như vậy ở phía ngoài, nàng có thể lầm lắm chứ. Và rồi nàng ngáp. Hai tay đặt trên quyển sách, nàng buông mình dựa vào lưng ghế, mắt lăm lăm nhìn vào ánh sáng đang nhảy nhót của ngọn đèn.

Ngôi nhà cổ Roustan… Tại sao Hubert lại hỏi nàng làm vợ nhỉ? Anh ta có còn yêu nàng không?

“Thật vô lý, nàng nghĩ, hai đứa đã cắt đứt quan hệ gần hai năm nay rồi. Mình đã những tưởng mình yêu anh ta, vào lúc đó, cũng có thể mình đã từng yêu anh ta… Và cũng chính khi càng hiểu anh ta hơn thì mình càng yêu anh ta ít hơn. Chính là vì cái lối suy nghĩ phải tìm cách xoay sở để giải quyết những áp-phe ít nhiều mờ ám và béo bở của anh ta… Anh ta không hề giống người anh của anh ta! Théotime là một anh chàng tỉnh lẻ ít nói, tốt bụng, hơi vụng về và là một con người tốt… Chính xác thì họ là những anh em cùng mẹ khác cha và mình nghi là Hubert thường xuyên sống bám vào ông anh của anh ta, vì anh Théotime lớn tuổi hơn anh ta nhiều. Chuyện gì đã khiến cho Hubert lại hỏi cưới mình sau hai năm không còn quan hệ? Hai đứa đã cắt đứt với nhau mà không làm lớn chuyện, anh ta cũng tỏ ra không cần có cách giải quyết nào khác, nhưng rồi đột nhiên, tuần trước đây thôi, khi mình đã khước từ lời đề nghị của anh ta thì anh ta đã nổi cơn lôi đình, và tỏ ra thật tình tiếc rẽ… thậm chí thất vọng, vì anh ta đã đề cập cả đến chuyện tự tử!...”

Phải xua đuổi cái kỷ niệm không vui này đi. Pascaline vừa lơ mơ ngủ vừa nghĩ đến Mathieu Quérusat. Nàng thường đến nhà chàng, rảo qua khắp các nhà kính ẩm ướt và đầy hương thơm, mua ở nơi chàng những câu hồng, những bông hoa cẩm chướng hay những loại hoa khác. Mathieu, nhà trồng hoa, đã cho nàng những lời khuyên, những lời hướng dẫn, đã tặng nàng một đóa hoa tú cầu lớn hay những nhánh hoa đỗ quyên đầy nụ, đã tiễn nàng ra tận xe, tay ôm cẩn thận những cành cây dễ gẫy, thậm chí không dám cả mỉm cười khi nói lời tiễn biệt và cảm ơn nàng. “Mathieu, anh chàng trồng hoa ơi, em yêu chàng, và thật sự em chẳng biết phải làm thế nào cho chàng hiểu được điều đó. Tính rụt rè của chàng đã làm cho em cũng nhút nhát theo. Ôi, chàng Mathieu của em ơi!...”

Một sự mơ màng thật dịu dàng… Mưa đã nhẹ hạt hơn, sấm cũng ít dữ tợn hơn. Cơn giông tắt dần như trong tiếng thì thầm của con suối lẫn với tiếng gió. Lại có tiếng xe… Mình đang rời khỏi nhà của Mathieu… Tiếng máy xe nổ đem mình ra xa khỏi Mathieu…

Pascaline được hai tia nắng vàng óng xuyên qua khe cửa sổ đánh thức dậy. Không còn giông, không còn những cảm giác chờ đợi của buổi tối hôm qua. Buổi tối hôm qua thật là kỳ lạ. Nàng nhớ lại những tiếng ồn của động cơ xe, và một lần nữa nàng lại cho rằng nàng đã nằm mơ, nàng mở toang cửa sổ. Căn phòng được ánh nắng tràn vào chiếu sáng lên. Ở phía xa xa, ngôi nhà cổ Roustan dường như vẫn còn đang ngủ giấc ngủ của tối hôm qua.

Pascaline xuống nhà dưới, mở ngăn kéo của cái bàn bu-rô lớn mà trên bề mặt có đầy những trang giấy của cuốn tiểu thuyết nàng đang viết dở. Trên máy chữ có một trang giấy đang được đánh máy dở dang. Nàng đọc câu cuối cùng: “Đầy vẻ bực tức, Eléonore nhấn mạnh ga để chạy đến nhà Julien.” Nàng sẽ có giết người thanh niên đó không? Hơi do dự, Pascaline từ từ thêm vào tiếp: “Nàng cảm thấy muốn giết, vì anh ta đã làm nàng quá tức giận, quá bị tổn thương, quá bị xúc phạm.” Rồi nàng đi vào căn bếp rộng rãi, mở hai cánh cửa kính bên trong, chần chừ một giây trước khi mở hai cánh cửa gỗ phía ngoài. Đột nhiên một mối lo thấp thỏm xâm chiếm lòng nàng, nàng phải ráng sức mới nâng được cái chốt cửa lên, rồi xô hai cánh cửa ra phía ngoài.

Có hai người đàn ông đứng sẵn ở bên ngoài. Một trong hai người hỏi:

- Cô là Pascaline Mauret phải không?

- Vâng…

- Tôi là cảnh sát trưởng Masselot, và đây là thanh tra Folenfant.

Nàng không nói lời nào, khiếp đảm, nhìn hết người này đến người kia, hai người đàn ông đứng đó y như tự bao giờ rồi vậy. Rồi ánh mắt của nàng lại chuyển sang cái sân phơi. Ở đằng đó có hai cái xe của cảnh sát, những người đàn ông mặc đồng phục đang quan sát tỉ mỉ chiếc xe của nàng.

- Théotime Roustan đã bị ám sát đêm qua trên một chiếc xe, rồi bị xô từ trong xe ra ngoài ở bãi đậu xe của siêu thị.

- Thế tôi có liên quan gì tới chuyện đó? – Pascaline nói lắp bắp – Théotime? Các ông nói là Théotime hả? Một con người thật tử tế…

- Hình như là xe của cô có liên quan… Cô đã làm gì vào tối hôm qua, vào lúc giữa hai mươi và hai mươi ba giờ, trong lúc cơn giông đang trút xuống ấy?

*

* .*

Mathieu Quérusat đang bước ngang bước dọc trong văn phòng của cảnh sát trưởng. Ông này đang nhìn anh ta đứng ngồi không yên.

- Cậu hãy thôi đừng có lo lắng quá vậy. – Cảnh sát trưởng Hervé Masselot nói.

- Đừng lo lắng sốt ruột à? Cô Mauret đang bị giam, thế mà cậu lại bảo mình đừng lo à?

- Cô ta đã bị giam đâu, cô ta chỉ đang bị tạm giữ đó chứ. Chúng tôi không thể làm cách nào khác được… Anh Théotime Roustan đã bị giết trong xe của cô ta kia mà, một nhát rìu vào đầu…

- Thật khủng khiếp! – Mathieu than – Cô ấy không thể nào làm được chuyện đó…

- Cô ta đã mô tả, trong quyển tiểu thuyết đầu tiên của cô ta, một vụ giết người tương tự… Và trên máy đánh chữ của cô ta, có một trang của quyển tiểu thuyết đang viết, trên đó có một câu đe dọa nói lên một dự định sẽ giết người…

- Chuyện đó là tất nhiên rồi, vì cô ta viết tiểu thuyết hình sự mà!

- Đúng vậy. Nhưng người ta đã tìm thấy cái rìu dính đầy máu, được chôn trong nhà kho của cô ta. Đất mới bị đào và bị dẫm còn dấu đã giúp chúng tôi dễ dàng tìm ra nơi cất dấu nó. Ghế của chiếc xe thì còn dính máu. Xe còn dính bùn, chứng tỏ là cô ta đã cho xe chạy trong cơn giông, hay ngay sau đó. Vẫn chưa hết: có một vết xước dài ở sườn bên phải của chiếc xe, và ở đó có dính một ít sơn. Sơn đó là loại sơn để sơn cổng của ngôi nhà cổ Roustan, đã để lại vết ở trên xe khi bị quẹt… Không có dấu vết nào khác ngoài dấu vết của chính Pascaline Mauret…

- Làm sao mà cậu có thể tin rằng Pascaline có thể làm được một việc tương tự… Cậu nhầm rồi đấy, Hervé!

- Ai đã nói với cậu là mình tin như vậy? Mình đang đợi người em trai của anh Théotime Roustan đang trên đường trở về từ Paris vào sáng hôm nay. Folenfant đang làm một cuộc điều tra mang lại nhiều tiết lộ mới về cậu ta. Cậu đừng nghĩ là mình chỉ dựa vào những ghi nhận đầu tiên đâu nhé… Này, hãy nói thật với mình đi, cái cô Pascaline ấy thật ra là gì đối với cậu vậy?

- Ơ… không là gì cả, chỉ thuần túy là một khách hàng thôi…

- Ừ, chỉ vì một khách hàng thuần túy mà cậu phải chạy năm mươi cây số, bỏ bê nhà cửa, công việc của cậu để đến một thành phố mà cậu chẳng mấy khi đặt chân tới à?!

Vừa đúng lúc đó, người ta thông báo là Hubert Pérignac đã đến, và Mathieu Quérusat từ biệt ông bạn Cảnh sát trưởng của mình. Qua cửa sổ, Hervé Masselot nhìn anh ta đi qua đường. Hình như Mathieu đã đột nhiên bị già đi vậy. Anh ta bước đi, đầu cúi gầm. “Ông bạn của tôi ơi, Hervé tự nhủ, cô tiểu thuyết gia xinh đẹp của cậu đang ở trong hoàn cảnh khá bi đát đấy…”

Cảnh sát trưởng Hervé trở lại ngồi vào bàn làm việc của mình. Đây là lần đầu tiên mà Mathieu – người bạn từ hai mươi tám năm nay, từ khi hai người còn để chỏm – mới biết yêu, thật trớ trêu thay! Tệ hơn là ông ta đã phải tạm bắt Pascaline Mauret trong khi trong tận thâm tâm ông ta cũng có cùng chung sự suy nghĩ với Mathieu. Các bằng chứng thật là quá… rõ ràng đối với một người mà trong những tác phẩm của mình đã đưa ra toàn những tình huống thật ác hiểm.

Cảnh sát trưởng Hervé cho gọi Hubert Pérignac – người em cùng mẹ khác cha với nạn nhân – vào văn phòng của ông ta. “Tiếc thật, ông ta nghĩ, lúc xẩy ra án mạng, cậu ta ở Paris, nếu không thì mình thích nghi ngờ cậu ta là hung thủ hơn thay vì… Theo những tin mà Folenfant đã thu thập được về cậu ấy, thì cậu ấy thích hợp hơn trong vai của Pascaline Mauret…” Rồi ông ta thở dài.

*

* .*

Tối hôm đó, Cảnh sát trưởng Masselot thấy cần gặp lại Pascaline. Giờ đây ông ta đã rõ là Hubert đang bị ngập trong nợ nần, đã loan tin khắp nơi là anh của cậu ta đã đưa ra ý kiến sẽ bán ngôi nhà cổ Roustan để trang trải nợ cho cậu ta, nhưng chính Hubert, cậu ta đã khẳng khái từ chối cử chỉ nghĩa hiệp ấy của ông anh vì cậu ta đã có cách giải quyết. Cậu ta sắp cưới một thiếu nữ, chủ nhân của một trong các khu đất đẹp nhất vùng. Một phần của khu đất này lại nằm trong khu quy hoạch chung cho các công trình xây dựng, như vậy cô ta sẽ rất giàu, hơn nữa cô ta lại có một nghề mang lại thu nhập lớn.

- Nghề gì? – Cảnh sát trưởng hỏi – Và là ai vậy?

- Xin ông cho phép tôi không đưa cô ta vào chuyện này. – Hubert vừa nói vừa cúi đầu xuống. – Ông anh tội nghiệp của tôi… Thật là khủng khiếp! Thật vậy…

Thế rồi anh ta bật khóc, những tiếng nấc nức nở có thể làm cảm động bất kỳ ai ngoại trừ ông Cảnh sát trưởng Masselot. Ông ta xem kỹ toàn bộ sự việc, nghiên cứu cẩn thận các tài liệu mà thanh tra Folenfant đã thu thập được. Những người khách thường xuyên của một số casino, những người bán rượu của một số hộp đêm đã xác nhận những tin tức đó. Và theo bà Flers, một người có tiếng trong giới tư sản của Paris, người đã có yêu cầu đừng nêu tên bà ta ra, thì ngày đêm hôm án mạng xảy ra, Hubert đã qua đêm tại nhà của bà ta ở Neuilly. Người thanh tra ở Paris đã đến nhà ba ta cho rằng bà ta có vẻ thành thật, và rất sợ người ta bàn tán về bà ta, vì chồng bà ta đang có chuyến đi công tác ngoại giao… Cảnh sát trưởng Masselot gọi ông phó Lamarche của mình.

- Cậu hãy đi chuyến tàu cao tốc sắp tới đến Neuilly. Cậu hãy cố tìm hiểu xem thật ra bà ấy có yêu Hubert không. Cậu cứ nói là chúng ta bắt buộc phải nêu tên bà ta ra, với tư cách là người làm chứng… Cứ làm cho bà ta phải sợ khiếp lên đi!

- Bộ anh nghĩ rằng đó là một cái cớ giả, một bằng chứng ngoại phạm đã được dựng lên sao?

- Có thể lắm.

- Nếu vậy tay ấy chỉ cần nhờ một trong số gái điếm ở Paris mà tay ấy hay lui tới là được rồi!

- Thật tình mà nói, cậu sẽ tin ai hơn nào? Một bà lớn lo lắng cho danh giá của mình, hay một cô gái điếm hay chiều ý và không hề ngại ngùng?

- Tất nhiên… Trường hợp đầu làm cho vấn đề trở nên nghiêm túc hơn. Nhưng thật không dễ gì mà làm cho tay ấy chịu thua đâu, dù cho rằng đó là thủ phạm! Bởi vì ngay lúc này thì chính Pascaline mới là kẻ bị tình nghi mà lại không có chứng cứ ngoại phạm! Hơn nữa, tay Hubert lại nói rằng cô ấy có mâu thuẫn với ông anh của hắn vì chuyện giáp ranh của hai mảnh đất của họ, mà anh hắn lại từ chối không muốn giải quyết.

Cảnh sát trưởng Masselot còn nhiều việc khác phải làm nên đã khất lại cuộc gặp Pascaline qua sáng hôm sau. Rất kinh ngạc, Pascaline đã không ngần ngại kể lại quan hệ của nàng trước đây với Hubert Pérignac, gần đây thôi, việc Hubert đột nhiên hỏi nàng làm vợ. Tại sao nàng đã không nói gì về những chuyện này vào buổi ban đầu? Nhưng… Cảnh sát trưởng có hỏi nàng câu nào về những chuyện ấy đâu! Hơn nữa, ông ta lại cảm thấy không cần thiết phải đề cập đến những chi tiết thuộc về cuộc sống riêng tư ấy của nàng…

- Còn về Théotime? Và cả cái chuyện có liên quan đến ranh giới của các khu đất? Các người có mâu thuẫn với nhau phải không?

Mặc cho nỗi lo lắng của mình, Pascaline đã không khỏi mỉm cười. Đúng là có vấn đề về ranh giới, nhưng nàng đã liên hệ với người đo đạc địa hình và ông chưởng khế đã giải quyết xong việc tranh chấp nhỏ đó liên quan đến một mảnh đất không đáng kể. Chỉ cần hỏi ông chưởng khế thì sẽ rõ ngay thôi… Hơn nữa sự tranh chấp đó chưa bao giờ có ảnh hưởng gì xấu đến mối quan hệ với người láng giềng của nàng. Nàng cảm thấy thật chán ngán với câu chuyện điên khùng đó và cảm thấy thật buồn vì cái chết quá thương tâm của anh Théotime tội nghiệp ấy…

Đúng ngay lúc đó ông phó Cảnh sát trưởng đã gọi điện thoại từ Paris. Trước sự gợi ý về tất cả những điều đang chờ đợi bà Flers vối tư cách là người làm chứng, bà Flers đã khai lại. Bà ta không hề gặp Hubert đã hai tuần nay, lúc mà tay ấy tuyên bố là những khó khăn của tay ấy sẽ được giải quyết vì tay ấy sắp cưới một cô hàng xóm khá giả của tay ấy, và cô này thừa khả năng giải quyết nợ nần giúp cho tay ấy. và cũng nhờ vậy mà tay ấy có thể từ chối đề nghị hào hiệp của ông anh Théotime…

- Hơn nữa bà Flers rất khổ sở vì cái đám cưới sắp tới, - Lamarche nói tiếp. – Tôi có đến nhà Hubert ở Paris. Tôi có tìm thấy một bức thư của ông anh gửi cho tay ấy, trong đó người anh đã từ chối thẳng thừng, không đồng ý bán bất cứ thứ gì và còn cấm không cho tay ấy được tiếp tục lai vãng đến ngôi nhà cổ Roustan nữa. Chuyện đó xảy ra cách đây ba tuần…

- Như vậy là vừa đúng lúc trước khi tay ấy hỏi cưới cô Pascaline Mauret, và tay ấy lại cũng đã bị từ chối… Tôi phải cho gọi hắn ngay lập tức. Tự gây án mạng, rồi đổ tội cho một người khác mà hắn thù ghét bằng cách sử dụng xe của người ấy, và để rồi trở thành một cách rất hợp pháp, người thừa kế của nạn nhân… Dàn cảnh cũng khá lắm!

Pascaline không còn nghe thấy gì cả. Đứng ở cửa sổ, nàng nhìn dáng người cao ráo của Mathieu Quérusat như đang đứng đợi. Sư có mặt của chàng làm lòng nàng tràn ngập sung sướng. Cảnh sát trưởng Masselot bỏ ống nghe xuống, và người bác sĩ pháp y bước vào, tay cầm bản báo cáo. Théotime Roustan đang ngủ khi bị ám sát. Anh ta đã uống một liều thuốc ngủ khá mạnh.

Khi người ta đưa Hubert vào để hắn gặp, để hắn được nghe nói về bà Flers và về bức thư của người anh mà hắn đã vô ý bỏ quên ở nhà hắn, hắn đã sụp xuống một cách thảm hại. hắn đã lấy chiếc xe của Pascaline để đến gặp Théotime và làm lành với anh ta, hắn nói.Tất nhiên là một lần nữa người anh đã mềm lòng trước em mình, anh ta đã lấy một chai rượu ra. Hubert đã cho thuốc ngủ vào ly của người anh trước khi kéo anh ta ra ngoài để khoe chiếc xe 205 mà hắn mới tậu được… Cho xe chạy, đi chơi dưới trời giông, Théotime ngủ thiếp đi rất nhanh…

- Chúng tôi đã rõ đoạn kế tiếp, - cảnh sát trưởng Masselot đứng bên cửa sổ nói. – Đây là một vụ án mạng được cậu tính toán từ trước… Nào, hãy dẫn cậu ta đi!

Cảnh sát trưởng quay sang phía Pascaline.

- Tôi nghĩ rằng có người đang đợi cô… Mathieu và tôi là những người bạn chí cốt lâu năm. Tôi đã báo cho cậu ta về việc cô được trả tự do… Cô có bỏ qua cho tôi không?

Nàng chìa tay cho ông ta, rồi chạy ào ra ngoài về phía Mathieu đang đứng

Yên chờ đợi. Thế rồi chàng giang rộng vòng tay, và thế là nàng bị nhốt vào một nhà tù khác, một nhà tù thật êm ái và dịu dàng mà nàng sẽ tình nguyện chịu ở lại đó suốt cuộc đời còn lại…

VŨ ANH TUẤN & ĐẶNG MINH QUYÊN

Dịch theo LUCIE REFLAW

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế