Hiện có 8 người xem / 2334703 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC HỌP NGÀY 14/3/2009
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ để mở đầu cuộc họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách tương đối xưa, một cuốn được xuất bản năm 1928 và một cuốn năm 1947. Cuốn sách in năm 1928 khổ 12x16cm và dày 126 trang mang tựa đề: “PHÁP QUẤC TỤC NGỮ” Thích quấc âm (Petit recueil des PROVERBES FRANCAIS) của một Y sĩ tên là Nguyễn Văn Khải, in ở Saigon và tại Nhà in Jh. Nguyễn Văn Viết et Fils. Tác giả tự giới thiệu cuốn sách của mình như sau đây: “Ta không đủ trí riêng, đặt sách gia-huấn mà dạy con cháu. Nên góp lời Tục-ngữ Pháp-Quấc, và kiếm thêm nhiều sách, sắp lại có thứ tự: a, b, c, … giải ra tiếng Annam. Lại cậy nhiều vị hiền-tài đem phụ thêm câu sách Nho làm chung cho đủ ba nước, theo câu tục-ngữ ấy cho chắc chắn. Vậy con cháu có giờ rảnh, rán đọc sách này cho mở mang trí-hóa, nhẹ đều lầm lỗi, hơn là học trí một người. Vì tục-ngữ lọc-lừa rồi, nói đâu có đó, huống chi ba nước hiệp nhau. Nếu nhớ hết cuốn này, cũng đủ ở đời, khỏi rủi ro lầm lỗi, thời có ích cho đời vô cùng”. Đồng thời tác giả cũng giới thiệu cuốn sách của mình qua bốn câu thơ dưới đây:

“Sắp lời Tục-ngữ nước Lang-Sa,
Nam-Việt, Trung-Hoa chưng đủ ba,
Học tiếng khôn xưa, nay khỏi lỗi,
Ước ao trẻ đọc khắp gần xa.”

Cuốn sách mang đến cho người đọc tất cả là 373 câu Tục-ngữ Pháp, người giới thiệu đã giới thiệu nguyên văn câu số 44 ở vần B như sau:

“BIEN MAL ACQUIS NE PROFITE POINT”

Của hoạnh tài thì bất lợi (Chẳng hưởng lâu).
On ne peut jouir en paix du bien obtenu par des voies illégales.
Của ngang trái không hưởng lâu dài, bình yên đặng.
CHỮ: Hoạnh tài bất phú (Của ngang trái chẳng giàu).

Đây là một cuốn sách khá hay và khá hiếm vì chắc vào thời đó số lượng được in ra không nhiều.

Cuốn in năm 1947 là một cuốn sách Pháp nhan đề là “ Ác Hoa” (Les Fleurs du Mal) của đại thi hào Pháp Baudelaire (1821-1867). Cuốn này khổ 17x24cm và dày 252 trang. Cuốn sách có một cái bìa và 6 phụ bản được nhà minh họa nổi tiếng Labocetta vẽ cực kỳ đẹp. Ác Hoa là một tập thơ mà thi hào Baudelaire đã viết với hai chủ đề Chán chường và Lý ‎ tưởng. Trong gần 200 bài thơ nhà thơ lớn đã viết về những nỗi buồn nản, những đau thương và tuyệt vọng của ông và ông cũng đã ngợi ca sáng tác nghệ thuật, cái đẹp vĩnh cửu (theo Đỗ Đức Hiểu, Tự Điển Văn Học Bộ Mới). Sau phần giới thiệu hai cuốn sách, tác giả Bùi Đẹp, một thành viên của CLB đã có một cuộc nói chuyện về công việc sáng tác bộ sách “ Di Sản Thế Giới” gồm 10 tập, trên 3000 trang của ông. Trong gần một tiếng đồng hồ, tác giả Bùi Đẹp đã kể cho các thành viên nghe về các việc làm, các toan tính, tìm tòi, nghiên cứu của ông để viết ra bộ sách. Chủ trương của CLB là mỗi kỳ họp sẽ có một thành viên có một thuyết trình về một đề tài mà mình yêu thích và sở đắc. Trong kỳ‎ họp tới này vào ngày 11/4/2009, nhà báo Vương Liêm, một thành viên của CLB sẽ nói về Cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đồng thời Bs Nguyễn Lân Đính cũng là một thành viên, sẽ nói về đề tài: “ Nhai dầu mè để chữa bệnh” với các thành viên.

Buổi họp kết thúc lúc 11g20.

VŨ THƯ HỮU

VÀI CHI TIẾT VỀ BỘ BÁO KHOA HỌC HUYỀN BÍ
52 SỐ LIÊN TỤC XUẤT BẢN VÀO THẬP NIÊN 30
CỦA THẾ KỶ TRƯỚC

Cách đây mấy năm tôi may mắn mua được ở đường Trần Hưng Đạo một bộ báo đã được xuất bản trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Bộ báo tạm gọi là cổ này do nhà Mai Lĩnh xuất bản vào năm 1938 mang tên là KHOA HỌC HUYỀN BÍ và đánh số từ số 1 tới số 52, nhưng ngay ở trên đầu trang đầu tiên, bộ báo này còn có một tên khác là “TIỂU-THUYẾT NHẬT-BÁO Năm thứ nhất – Số 146 – ngày 25-10-1938”, để rồi ngay số tiếp theo lại cũng để “TIỂU-THUYẾT NHẬT-BÁO” nhưng lại là số 150 thay vì 147 ngày 2-11-1938. May cho tôi có lẽ vì thấy hai số ở liền nhau mà lại cách nhau tới 4 số (146-150), nên người bán đã tính tôi một giá rất dễ chịu, vì có thể là ông ta cho rằng bộ báo nhảy quãng không liên tục. Nhưng khi về đến nhà, tôi kiểm tra lại kỹ thì mới thấy là cái tên “KHOA-HỌC HUYỀN-BÍ” mới là tên thật của 52 số báo này vì, nếu tính theo “KHOA-HỌC HUYỀN-BÍ” thì 52 số này là liên tục không thiếu số nào cả, và như vậy là tôi đã có được trọn bộ truyện về Cụ Trạng-Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhan đề là Tiếng-Sấm Bạch-Vân của tác giả Vantuyen, vì bộ truyện này được đăng từ số 1 tới số 52 là hết. Ngoài ra, cũng trong 52 số báo này tôi còn có được một tác phẩm khác nhan đề là “Bùa Yêu”. Đây là một thiên phóng sự khảo cứu của một tác giả tên là Trần Lang. Và tác phẩm thứ ba tôi có được cũng trong 52 số báo này (tức là trong 52 kỳ) là tác phẩm nhan đề là “SỐ TỬ VI” – Cách dản (giản) tiện học lấy – của một tác giả tên là Liên Hoa Tử. Tác phẩm cuối cùng tôi có cũng nhờ bộ báo này là “Cách học thôi miên dễ dàng trong ba tháng” của một người ký‎ tên tắt là giáo sư P.C. Ngoài 4 tác phẩm nói trên, bộ báo cũng cho tôi một số đề tài và bài hấp dẫn khác như Xem Chữ K ‎ ý, Gồng, Ngải Tượng vv…

Mặc dầu khá bận rộn trong mấy năm gần đây (tuy tôi được hoàn toàn tự do, vì chỉ tự làm việc cho chính mình) tôi cũng đã để ra một số giờ để đọc 4 tác phẩm tôi vừa nói ở trên và dưới đây là những cảm tưởng của tôi về 4 tác phẩm đó.

Về bộ “Tiếng-Sấm Bạch-Vân” hay là đời Cụ Trạng-Trình viết theo dã-sử của tác giả Vantuyen (tác giả tự viết tên mình hai chữ dính vào nhau vì anh ta là một người Pháp lai Việt, làm cho Đài phát thanh Pháp-Á ở Sàigon), thì tôi thấy là hơi “bị” tầm thường, mặc dầu khá lôi cuốn hấp dẫn. Tầm thường là vì tựa đề ghi là “Đời Cụ Trạng-Trình chép theo dã-sử”, nhưng từ đầu tới cuối truyện Cụ Trạng-Trình được nói tới rất ít, chỉ kể qua là Cụ là con một văn nhân không may bị hãm hại chết, và khi chết thì người vợ rất trẻ đẹp mới mang thai có hai tháng. Khi sinh Cụ ra người mẹ gặp nhiều oan khiên đã gửi Cụ cho một người thầy địa lý người Tàu nuôi làm con nuôi và tự vận chết để bảo toàn danh tiết và để tự minh oan. Sau đó Cụ được người thầy địa lý‎ đó gửi cho một đồng chí của mình là một vị sư già võ nghệ cao cường nuôi và dạy võ cho tới khi thành một thanh niên, thì được vị sư già đó cho tới học Cụ Cử Lương Đắc Bằng. Sau đó vị sư già và ông thày địa lý người Tàu là những người hội viên một hội kín bị truy nã phải lên đường bôn tẩu, nên họ đành phải bắt Cụ rời bỏ ngôi trường của Cụ Lương Đắc Bằng để đi theo họ. Trước lúc thầy trò chia tay, Cụ Lương Đắc Bằng đã cho chàng thanh niên Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này là Cụ Trạng-Trình một bộ “Thái Ất Thần Kinh” và tác giả hàm ‎ý là, nhờ món quà đó, nhờ bộ Thái Ất Thần Kinh đó mà chàng thanh niên Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi nghiên cứu, đã trở thành Cụ Trạng-Trình nổi tiếng của chúng ta. Bộ truyện viết khá hấp dẫn vì thuộc dạng kiếm hiệp tiểu thuyết, vì tác giả Vantuyen này chính là tác giả các bộ truyện kiếm hiệp nổi tiếng Giang Đông Tam hiệp, Chu Long Kiếm và Lục Kiếm Đồng của thời đó.

Tác phẩm nhan đề là “Bùa Yêu” của Trần Lang cũng khá hấp dẫn và tác giả Trần Lang đã viết những dòng sau đây ở ngay đầu truyện: “Một viên Chánh-Tổng kiêm thầy pháp thủy (phù thủy). Tại sao cô T… con một vị hưu quan ở Phố Hàng Bè lại trốn theo… thằng Xe”.

Hai tác phẩm còn lại là “Số Tử Vi tự học” và “Học Thôi Miên trong ba tháng” cũng rất hay và theo chỗ tôi biết, rất nhiều người yêu thích hai bộ sách này và không ít người đã đem chúng ra học tập và áp dụng, tuy nhiên họ thành công được bao nhiêu thì tôi không được biết. Tóm lại là bộ báo “Khoa Học Huyền Bí” mà tôi có được của thời thập niên 30 thuộc thế kỷ trước đang là niềm mong ước của rất nhiều người thích báo cổ, và đối với quý‎ anh bán sách cũ thì nó cũng là một bộ báo rất “có giá”. Tuy nhiên, sau khi đã đọc lướt qua thì tôi thấy nó cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung” mà thôi…

Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn

Đến thăm “ngôi nhà sách xưa”
số 5 Bát Đàn – Hà Nội

Sau 15 ngày theo đoàn CB-Hội viên Người Cao Tuổi phường Bến Nghé Q.1 đi thăm các di tích lịch sử - văn hóa – sinh thái ở các tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc năm xưa, tôi trở lại thủ đô Hà Nội để đi máy bay về thành phố Hồ Chí Minh nên có dịp đến thăm “Ngôi nhà sách xưa” (do tôi tự đặt tên) số 5 phố Bát Đàn quận Hoàn Kiếm. Đây chỉ là căn nhà phố xưa của Hà Nội 36 phố phường, đơn sơ. cũ kỹ và bình dị nhưng lại nằm chung phố đang phát triển theo hướng đô thị hóa rất mạnh mẽ. Phố này cùng với hầu hết các phố ở Hà Nội đều trở thành khu thương mại, buôn bán tấp nập đêm ngày. Tất cả các phố mang tên theo chủng loại hàng hóa như Hàng Nón, Hàng Mã, Hàng Thiếc… đều hoạt động trở lại như ngày nào nhưng khởi sắc hơn, có nhiều hàng hóa và còn thêm nhiều loại hàng tân tiến khác ngoài hàng đặc chủng. Do đó, cảnh buôn bán rất tấp nập, ào ồn, náo nhiệt, khác hẳn ngày xưa.

Nhìn thấy ngôi nhà mang số 5 là tôi ghé vào. Một người đàn ông trẻ trung đang ngồi trước cửa ngước nhìn tôi, có lẽ theo thói quen thông thường hàng ngày đối với nhiều khách tới thăm, vui cười nói: “Mời bác vào trong ạ”. Tôi không bỡ ngỡ chút nào khi bước vào trong. Chưa kịp nhìn một ít sách đang có bên trong thì gặp ngay một bà có tuổi vui vẻ, hiếu khách chỉ ngay lên trên gác nói: “Bác cứ lên lầu 3, rẽ phải”. Cầu thang, vách tường đều cũ kỹ trông đầy vẻ xưa cổ. Sách cũ nằm rải rác khắp nơi, trên kệ, trong tủ kính. Tới lầu 3 tôi gặp ngay người đàn ông có tuổi hơi gầy nhưng còn khỏe mạnh đon đả bắt tay chào. Nửa căn lầu phía trước là nhà sách cũ, bốn bên đều có tủ, kệ chứa đầy sách, có chỗ còn chất và bày ra ngoài, chất đống để không thứ tự, không ngăn nắp. Nhiều chồng sách còn để nguyên dây cột, chắc vẫn được giữ nguyên đai nguyên kiện từ lúc mua về. Chủ nhà chắc chắn là người sưu tầm sách cũ như các thành viên của CLB sách Xưa & Nay của chúng ta. Chủ nhà mời khách ngồi xuống xa-lông cũ được kê giữa căn phòng đầy ắp sách cả cũ lẫn mới. Tôi bị choáng ngộp vì sách và kệ sách nên vừa ngồi xuống là đưa mắt nhìn khắp nơi như quay phim từ kệ này sang kệ khác, đủ cả bốn bên tường. Chủ nhà đeo kính lão nhìn tôi trong khi tôi vẫn cứ dán mắt vào mấy gói sách mà chủ vừa gói cột dở dang. Sau khi tự giới thiệu tôi là người từ Sài Gòn ra, thành viên của CLB sách Xưa & Nay. Chủ nhà vẫn còn ngờ ngợ thì tôi hỏi:”Ông có biết hay nghe nói về CLB này hay không?” Ông lắc đầu: “Chưa!”. Thế là tôi phải giải thích dài dòng về CLB của chúng ta. Khi ấy, chủ nhà mới tươi cười và tỏ vẻ thân thiện hơn, cởi mở hơn. Tôi tò mò hỏi: “Hình như ông đang gói sách để gởi đi xa. Ông vui vẻ đáp: “Phải, tôi đang gói mấy cuốn sách để gởi vào thành phố Hồ chí Minh cho người đặt mua khi đã ghé thăm nhà sách mấy ngày trước.”

Đúng vậy, đã có nhiều người tới thăm nhà sách và chọn mua hay đặt mua một ít sách cũ. Họ chọn mua ngay tại chỗ hay đặt hàng rồi chủ nhà gởi tới sau theo địa chỉ. Ngay lúc đó, có người lên cầu thang và bước vào. Đó là khách hàng quen thuộc của chủ nhà.

Cả hai đều có lời lẽ trách cứ lẫn nhau vì kẻ đợi người trông lẫn nhau trong mấy ngày qua về chuyện đặt mua bán sách. Rồi cả hai trở lại vui vẻ với nhau. Chủ nhà hỏi ngay: “Hôm nay, ông cần gì nào?”. “Tôi cần một cuốn tự điển của Trung Quốc nói về các loại múa của người dân tộc thiểu số vì Văn phòng Chính phủ cần hỗ trợ một số sinh viên chuẩn bị đi nước ngoài.” Rồi ông vui vẻ kể lại chuyện ông đang làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động văn học nghệ thuật và ông được trọng dụng từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau đó, ông cho biết tên họ là Phạm Duy Sinh với học vị GSTS, 68 tuổi đang công tác ở Tổ Tư vấn của Văn phòng Chính phủ.

Trong lúc chủ nhà và ông cố vấn Chính phủ trò chuyện và bàn về cuốn từ điển múa của Trung Quốc tôi rảo qua các kệ sách và lấy ra xem một số sách cũ như cuốn Cours d’Annamite xuất bản năm 1953 tại Paris (còn nguyên dạng), Souvenirs de Hue của Michel Đức Chaigneau xuất bản năm 1867 (bản photocopy)… Ông thường sao chép sách theo yêu cầu của khách hàng. Trước đó, chủ nhà đưa cho tôi xem bài viết đăng trên báo người cao tuổi số cuối năm 2008, cho biết trong nhà ông có hơn 10 tấn sách các loại và đương nhiên ông là nhà sưu tầm sách cổ lẫn mới rất nhiều năm. Ông vốn là một giáo viên đại học khoa học nhân văn, năm nay 73 tuổi, tên là Phan Trác Cảnh.

Do ông Trác có khách “sách cũ”, mà bạn “sách” với nhau thì quả mất rất nhiều thời gian để hàn huyên nên tôi không thể hỏi ông thêm chuyện nữa và cũng không thể chờ để khi hai người bạn dứt chuyện với nhau thì mới tới phiên mình lại là “bạn sách” với ông nữa. Vì thế, tôi chưa có thời gian và dịp may để đi xem hình ảnh của “10 tấn sách” nhà ông và ước lượng xem nhà ông chứa được bao nhiêu sách xưa & nay và trong số đó, có bao nhiêu “đúng là sách xưa” để có thể tham gia “Giải sách vàng”. Thế nhưng, trước khi gặp ông Cố vấn Chính phủ, ông Trác có cho biết “10 tấn sách” nhà ông chưa thể đếm được bao nhiêu sách nhưng ông vẫn có làm bảng liệt kê và phân loại “10 tấn sách” của mình. Thật là uổng khi tôi chưa biết hết những điều tôi muốn biết về “Nhà sách xưa & nay” có tới 10 tấn sách như báo chí đã đăng. Nhưng thú thật, tôi rất mê thú sưu tập và lưu trữ sách của ông cựu Giáo viên đại học, đã luống tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh để làm một việc “xưa nay hiếm” và mãi mê với việc cung cấp sách cũ theo yêu cầu của khách hàng từ mọi nơi và nhà ông luôn có những người “bạn sách” quý hiếm đam mê sách tới thăm và chuyện trò về sách. Rất mong những thành viên của CLB sách Xưa & Nay của chúng ta làm được như ông Trác để giúp ích thêm cho đời và ngày càng có nhiều “bạn sách”.

Ghi nhanh buổi sáng ngày 30/3/2009 tại Hà Nội .

Vương Liêm

Nhai Dầu Mè: Một Phương Thuốc Kết Hợp
Đông Tây Y Đang Thịnh Hành

Một số người ngày càng đông đang áp dụng liệu pháp “nhai dầu mè” tin tưởng vào phương pháp đơn giản này vừa để gìn giữ sức khỏe, vừa để chữa đủ mọi thứ bệnh.

Theo tài liệu cổ Ấn Độ Ayurveda, người ta đã làm như vậy tới cả 5000 năm rồi.

Sáng sớm, thức dậy, trước bữa điểm tâm hay ngay trước cả đánh răng, súc miệng, bạn súc miệng với một muỗng dầu mè thượng hảo hạng nhằm “lôi kéo” (pull) vi khuẩn, ký sinh trùng và độc tố khác ra khỏi răng và lớp niêm mạc miệng, lưỡi mình.

Tác giả Mỹ gốc Ấn Độ nổi tiếng Deepak Chopra cổ vũ cho bài thuốc này trong cuốn sách Perfect Health (Sức Khỏe Toàn Hảo) xuất bản năm 2001 và cho biết đây là một trong nhiều phương pháp Đông Y Cổ Truyền Ấn Độ (Ayurveda) có tác dụng thanh lọc và tăng lực cho cơ thể (valuable for purifying and strengthening the body). Theo khái niệm Đông Y Ấn Độ Ayurveda, trên, dưới, xung quanh lưỡi – cũng như ở tay, chân, và tai… - có những điểm huyệt và kinh tuyến tác động được lên các phủ tạng của cơ thể. Nguyên lý này khiến cho lưỡi trở thành bộ phận không thể thiếu được trong chẩn đoán bệnh tật và chăm sóc cái lưỡi trở nên một việc quan trọng trong phòng, tránh và trị bệnh.

Theo cách nhìn của Y Khoa hiện đại, phương pháp “nhai dầu” cổ xưa hiện nay lại thêm được những ý nghĩa mới: Khi muỗng dầu được chuyển qua chuyển lại trong khoang miệng từ trước ra sau và ngược lại, và từ má bên này sang má bên kia và trở lại luồn qua các ngõ ngách, kẽ răng trong 15 – 20 phút trước khi được nhổ đi, toàn bộ diện tích lớp niêm mạc trong khoang miệng và các tĩnh mạch lớn dưới lưỡi có đủ thời gian để hấp thu các dưỡng chất hàm chứa trong dầu – vì bản chất màng tế bào niêm mạc cũng là “lipid”. Dầu mè – ưu tiên được lựa chọn trong liệu pháp cổ truyền này, có tác dụng kháng siêu vi và chống viêm. Theo các kết quả xét nghiệm hiện đại, hiện nay ta biết là dầu mè dồi dào acid béo hệ omega-3. Hơn thế dầu mè còn đem lại Sắt , Vôi, Manhe, Đồng và Phosphor cũng như các vitamin A, B & E.

Người ta đã chứng minh là nhai dầu mè có hiệu quả trong việc loại trừ vi khuẩn (bacteria ) trong miệng. Một công trình thực nghiệm nhai dầu 2 tuần tại Trường Cao Đẳng & Bệnh Viện Nha Khoa Meenakshi Ammal (Meenakshi Ammal Dental College and Hospital) ở Chennai, Ấn Độ đã cải thiện đáng kể các chỉ số về tình trạng vệ sinh răng miệng: số vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus mutans, mảng bám răng, chỉ số nướu răng biến chuyển.

Các “tín đồ” trường phái nhai dầu còn “khoe” là – so với khi chưa biết liệu pháp này - lợi ích thấy rõ nhất là “răng chắc, trắng hẳn ra, không còn sưng nướu, lở miệng, hay phải đi nha sĩ “cạo đá răng”, trám răng thường xuyên nữa, hơi thở được thơm mát hơn. Toàn thân cũng thấy bớt hẳn: đau nhức xương, khớp, không còn bị nhức đầu, “đau nửa đầu (migraines)” và viêm xoang (sinus infections), chứng bệnh ngoài da như chàm (eczema) ban ngứa dai dẳng (persistent rashes), dị ứng (allergies), rối loạn tiêu hóa (digestive problems), và nhiều chứng bệnh lặt vặt khác.

Dặn dò thêm: Thường phải mất vài ngày để làm quen với cách “nhai dầu”. Thoạt đầu, sau vài phút, bạn có thể cảm thấy muốn nhổ dầu ra, song nên cố gắng cưỡng lại phản xạ ấy. Chất dầu sẽ hòa trộn đều với nước miếng của bạn, sau 15 – 20 phút hóa lỏng và trắng đục: chính sắc “trắng đục như sữa” là biểu hiện chứng tỏ dầu đã “lôi kéo” (pulled) độc tố ra khỏi cơ thể và bạn có thể nhổ đi được.

Chớ có nuốt vào nhưng cũng nên tránh nhổ vào lavabo để làm ô nhiễm thêm nước thải mà hãy nhổ vào cầu tiêu rồi giật nước. Sau khi nhổ, tốt nhất là bạn nên súc miệng kỹ với nước nóng pha muối (rinse your mouth well with warm salt water ). Hay đánh răng với muối bicarbonate natri hay kem đánh răng. Rồi uống 1 – 2 ly nước .

Lưu ý: Những ai mới bắt đầu áp dụng phương pháp này có thể cảm thấy các triệu chứng bệnh hiện tại của mình tồi tệ hơn hay khó ở hơn một cách tổng quát. Đó là một cơn biến lành-bệnh (a healing crisis), còn có tên gọi là Phản Ứng Herxheimer (Herxheimer Reaction) cho thấy là cơ thể bạn đang được tẩy độc (your body is detoxifying).

Kỹ thuật phòng chữa bệnh vượt thời gian này, là một cách đơn giản để tăng cường sức khỏe cho bạn.

TPHCM, Ngày 20 tháng 2, 2009
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
Chuyên viên dinh dưỡng

----------------------------
Phỏng theo Laura Weldon, (NaturalNews)

Tài liệu tham khảo

Efficacy of Oil Pulling on Oral Health Status
http://iadr.confex.com/iadr/2008Tor...
Healthy Holistic Living
http://www.healthy-holistic-living....
Earth Clinic Folk Remedies
http://www.earthclinic.com/Remedies...
Dr. Weil
http://www.drweil.com/drw/u/QAA4004...

CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH

Nếu không vì a dua, xu thời, thấy người ta Quy Y thì mình cũng Quy Y. Người khác phát tâm tu Phật, mình cũng làm theo, chẳng cần hiểu Phật là gì? Tu Phật là tu gì? Tu Phật để được gì? Muốn tu Phật phải làm gì? Hẳn người có bỏ chút thì giờ đọc Kinh sẽ thấy rằng: danh xưng PHẬT không chỉ dành để nói về các vị Như Thích Ca, Di Đà, Di Lặc… mà nghĩa đúng là “tình trạng Giải Thoát” và người đạt được gọi là Thành Phật. Vì thế mới có lời Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và Tam Thế Phật bình đẳng như nhau.

Muốn “Thành Phật” thì phải “Độ Sinh”. Đức Thích Ca nhờ “Diệt độ vô lượng vô số chúng sinh”, nhờ “Độ tận chúng sinh” nên đã thành Phật. Như vậy, nếu chúng ta muốn thành Phật thì không thể chỉ cần bắt chước, rập khuôn theo hình tướng đầu tròn, áo vuông như Đức Thích Ca đã từng ăn vận ngày xưa, mà quan trọng hơn hết là phải thực hiện theo những Hạnh mà Ngài đã làm, là phải “Diệt Độ Chúng Sinh”, có nghĩa là phải biết CHÚNG SINH là gì? Ở đâu? “Diệt Độ” chúng cách nào?

Giải thích về CHÚNG SINH, Lục Tổ Huệ Năng nói rõ trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức! Chúng Sinh trong tâm mình là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là Chúng Sinh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mới là thiệt độ.

Sao gọi là dùng Tánh mình mà độ lấy mình? Nghĩa là các Chúng Sinh trong tâm là Tà Kiến, phiền não, ngu si, phải đem chánh kiến mà hóa độ các tánh xấu ấy. Đã có sẵn Chánh kiến thì phải dùng Trí Bát Nhã mà đánh dẹp các chúng sanh ngu si, mê vọng. Mỗi mỗi mình phải độ lấy mình. Tà đến lấy Chánh mà độ. Mê lại, dùng Ngộ mà độ. Ngu đến, lấy Trí mà độ. Dữ lại, dùng Lành mà độ. Độ như thế mới là thiệt độ. (tr. 25)

Độ Sinh như thế nào? thì Kinh Duy Ma Cật viết:

- Muốn độ chúng sinh phải trừ những gì?
- Muốn độ chúng sinh phải trừ phiền não.
- Muốn trừ phiền não phải thật hành những gì?
- Phải thật hành chánh niệm.
- Thế nào là thật hành chánh niệm?
- Phải thật hành pháp không sanh không diệt.
- Pháp gì không sanh, pháp gì không diệt?
- Pháp bất thiện không sanh, pháp thiện không diệt.
- Pháp thiện và pháp bất thiện lấy gì làm gốc?
- Thân là gốc.
- Thân lấy gì làm gốc?
- Tham dục là gốc.

Đối chiếu với Kinh VIÊN GIÁC, ta thấy bốn câu Kệ:

“NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT,
CÙNG VỚI THAM SÂN SI,
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC.
CŨNG ĐỀU ĐƯỢC THÀNH PHẬT”

Bao nhiêu đó cũng đủ để chứng minh vì sao muốn Tu Phật thì phải TU TÂM? Vì tất cả chúng sinh đều xuất phát từ nơi đó... Đó là lý do vì sao Tu Phật được gọi là TỰ ĐỘ, bởi không ai có thể chui vào Tâm của người khác để “độ” giùm cho họ, hay cầu xin Phật khác “Độ” cho ta được. Đức Thích Ca cũng chỉ “Độ” cho chúng sinh của chính Ngài. Tất cả chúng sinh của Ngài đã được thanh tịnh, gọi là đã “độ tận Chúng Sinh”, nên Ngài mới thành Phật. Phần chúng ta thì vẫn chưa bị “Diệt Độ”, vẫn còn phiền não dẫy đầy, nên không thể là chúng sinh của Ngài được. Do vậy, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta là phải tự tu hành để độ cho chúng sinh của mình để thành tựu như các vị Phật đã thành.

Nghĩa của “ĐỘ” là cứu giúp, là đưa qua, là cứu những chúng sinh đang trong tình trạng đau khổ, phiền não, đưa qua bờ an ổn, thanh tịnh. Nghĩa khác của việc này là làm cho chúng sinh trở thành “Phật”. Đó là ý nghĩa của “CÚNG DƯỜNG PHẬT” trong Kinh. Nhưng việc làm này đã bị hiểu lầm từ nhiều đời. Mọi người lại y theo văn tự, dùng vàng, đồng, bạc, xi măng, gỗ... để đúc, tạc chân dung của Phật, dựa vào mô tả trong các Kinh, rồi mang hương hoa, phẩm vật đến đặt trước tượng mà thành khẩn van vái, cầu xin, cho đó là cúng dường Phật! Thử xét lại nghĩa lý: Tượng do con người tạc ra thì làm sao có thể phù hộ cho ta được? Hơn nữa, Kinh dạy phải cúng dường đến tám nghìn ức đức Phật, chẳng lẽ ta phải tạc đến tám nghìn ức tượng Phật để cúng? Nếu nói rằng cúng tượng để nói lên lòng thành với Phật thì cũng nên biết rằng Phật là Vô Tướng, nên lòng thành không thể thể hiện bằng cách đốt hương làm bằng bột gỗ hữu tướng của trần tục, mà phải bằng Hương của Giới, Định, Huệ, Giải Thoát… bởi những kết quả của những việc này được xem như hương để cúng dường cho Phật Tâm của chính người cúng. Và Cúng dường như thế thì cuối cùng người cúng mới thành Phật, đúng với nghĩa lý của Kinh…

Nói về cúng dường, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, Phẩm Thọ Ký viết: “Ta nói với các ông, Ông Đại ca Chiên Diên này ở đời sẽ tới, dùng các đồ cúng mà cúng dường phụng thờ tám nghìn ức Phật, cung kính, tôn trọng... Sau khi các Đức Phật diệt độ, ông đều dựng tháp miếu cao một do tuần, ngang rộng bằng năm trăm do tuần, tháp miếu đó dùng bảy món báu vàng bạc, lưu ly, xa cừ mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành cúng dường tháp miếu bằng các thứ hoa, chỗi ngọc, hương hoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan…

Sau thời kỳ đó sẽ lại cúng dường hai mươi muôn ức Phật cũng như trước, cúng dường các đức Phật đó rồi, đủ đạo Bồ Tát sẽ đặng làm Phật” (tr. 197)

Đạo Bồ Tát tức là làm công việc Độ Sinh, và Cúng Dường Bảy Báu thì trong bài trước đây có trích Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, giải thích đó là tượng trưng cho việc thí xả sự chấp nhất nơi các căn. Sở dĩ gọi là Báu vì chúng sinh ôm giữ từ nhiều kiếp, như người giữ châu báu, không chịu rời xa. Xả hết những chấp nhất gọi là được Giải Thoát, hay thành Phật vậy.

Các nhà tư tưởng học của Úc đã tính ra trong một ngày mỗi người chúng ta sản xuất ra đến 50.000 tư tưởng. Đối chiếu với chính Kinh: “Tức Tâm tức Phật”, “Phật Quốc ở trong Tâm”. “ Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho Tâm thanh tịnh”, thì một đời chúng ta phải cúng dường vô lượng vô số Phật, bởi vì cái Tâm Vô Minh chứa đầy Tham Sân, Si sản sinh ra vô số chúng sinh, nên Phật gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Người muốn thành Phật thì phải độ thoát cho Chúng Sinh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là hoàn toàn khế hợp với chính Kinh rồi. Hơn nữa, nếu ta cúng duờng Phật bên ngoài mà Phật xuất hiện hiếm hoi như Hoa Ưu Đàm, không dễ sinh cùng thời có Phật xuất thế, thì làm sao có thể cúng dường đến mấy muôn ức Phật để cuối cùng được thành Phật?

Công việc Độ Sinh gọi là làm “Hạnh Bồ Tát”. Những công việc này được Phật tượng trưng bằng các danh hiệu mà mọi người đều phải thực hiện: Khi ta lắng nghe tiếng kêu than của chúng sinh chính mình để cứu độ, thì ta đang là hiện thân của Quán Thế Âm. Khi chúng ta năng tịnh (thường trong sạch) là chúng ta hiện thân của Thích Ca. Khi chúng ta sáng suốt, soi thấu các pháp là hiện thân cho A Di Đà. Khi chúng ta tìm hiểu nghĩa lý của Đạo, biện bạch mọi thứ cho rõ ràng, như đang thưa hỏi Phật, thì ta đang hiện thân cho Văn Thù Sư Lợi... Vô số Bồ Tát tượng trưng cho vô số công việc mà người tu cần phải làm cho đến chúng sinh cuối cùng, như lời Nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Ngày nào còn một chúng sinh chưa được độ, con thề chưa ngồi vào ngôi Vô Thuợng Chánh Giác”.

Hành trình tu Phật đòi hỏi người muốn thực hiện phải tìm hiểu rõ ràng ý nghĩa trước khi thực hành. Nếu chúng ta cứ dựa vào văn tự, hay chỉ hiểu đến đoạn nào đó rồi ngưng ở đó thì khó thể thành công được. Ví dụ, có người nghe nói rằng “Các pháp là Không” đã vội chấp lấy cái KHÔNG, cho đó là cứu cánh của Đạo. Từ đó, họ diêt hết ý thức, cho rằng còn có một niệm móng khởi là còn phiền não, để trở thành kẻ vô tri, vô giác, ngu ngơ như kẻ không hồn, không biết rằng người tu là phải sáng suốt, phải phân biệt điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Biết vì sao phải làm? Kết quả về đâu? đâu phải bỏ hết mọi thứ, để trở thành những kẻ bị Phật quở trách là: “chồi khô, mộng lép” vì chẳng làm ích lợi gì cho chính họ và cho ai khác. Bởi những người cho rằng Các Pháp là KHÔNG, trên không thấy có Phật để thực hành theo các hạnh lành. Dưới không thấy có chúng sinh đang đau khổ cần được cứu độ.

Trên thực tế, điều mà Đạo Phật hướng người tu đến, là chấp nhận cuộc đời với những gì mỗi người đang chịu hoặc hưởng, cố gắng giải quyết mọi việc cho ổn thỏa theo chiều hướng của Nhân Quả, bởi vì cảnh ta đang sống, là ở giữa các pháp TẠM CÓ, trong đó có Ta, Người và những sinh vật chung quanh cần nâng đỡ nhau để tất cả đều được an vui. Muốn được như vậy cần phải gây Nhân Thiện để gặt Quả Lành, đâu phải tu có nghĩa là buông xuôi tất cả, chẳng thiết làm ăn, sinh họat, để vọng về Niết Bàn tưởng tượng, vì Phật dùng Niết Bàn hay Phật Quốc để tả một cái Tâm an tịnh, trong sạch, không còn phiền não nữa, như mục đích mà Đạo Phật đã đề ra là “Độ Khổ” mà thôi. Vì thế, người tu cần phân biệt phương tiện và cứu cánh của Đạo để khỏi nhầm lẫn rồi kết quả không được như mình tưởng tượng, làm phí uổng công năng tu hành, lại mắc nợ thế nhân, vì mục đích của việc tu hành là để tự độ, ta lại bắt người khác “độ” cho ta, trong khi kết quả nếu có đạt được thì chỉ có bản thân ta nhờ mà thôi!

LY GIA cũng thế, là RỜI KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI, tức là rời xa cái VỌNG TÂM, rời cái Tâm chứa đầy THAM, SÂN và SI. CẮT ÁI là CẮT ĐI SỰ ÁI LUYẾN VỚI BẢN THÂN MÌNH, bởi chính vì ÁI THÂN MÌNH ta mới sinh Tham, Sân Si với các pháp. Do đó, Kinh dạy người tu phải: THÂN GIỚI, TÂM HUỆ, tức là bên ngoài thì nhờ ở sự GIỮ GIỚI cho cái THÂN bớt buông lung, không còn tạo ác nghiệp, để có Sức ĐỊNH. Bên trong thì phải Tư Duy, Quán Sát để sinh Trí Huệ, nhờ đó mà biết phân biệt điều gì cần làm, cần tránh để hoàn tất con đường Giải Thoát cho chính mình.

TÂM hay TÁNH cũng để chỉ phần Vô tướng song hành với cái Thân hữu tướng này, mà phần vô tướng lại là chủ nhân, điều khiển mọi họat động xấu hay tốt của cái Thân hữu tướng, vì thế mà cần phải Thấy, phải tu sửa ở đó. Có thấy được cái Tâm, mới thấy rằng tất cả mọi phiền não, lao xao, động dậy, chúng sinh, chấp nhất, mê vọng, giác ngộ, phàm phu, thánh, Phật, Bồ Tát, Như Lai… đều ở đó. Cũng chính vì vậy, từ lúc phát tâm cho đến tu hành xong, người tu nào cũng phải thực hiện 4 điều trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện:

“Tự tâm chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Tự tâm phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Tự Tánh Phật Pháp vô lượng thệ nguyện học.
Tự Tánh Như Lai vô biên thệ nguyện thành”

Mỗi Hạnh mà Đạo Phật bày ra đều nhằm mục đích hướng về chúng sinh trong Tâm để sửa đổi. Do đó, người tu nào không biết những nguyên tắc này để thực hành theo, chỉ theo nghĩa của văn tự mà làm,thì khó thể thành công được. Thí dụ như Thiền Định chẳng hạn. Mục đích của pháp này là trói cái Thân, thu nhiếp Lục Căn, không cho chạy theo Lục Trần để tập trung mà Quán Sát, Tư Duy các Pháp, quan trọng nhất là Tìm cho ra cái Vọng Tâm, rồi tìm cách để “giáo hóa” hay “điều phục chúng sinh”, hầu đạt được cảnh Niết Bàn hay Phật Quốc trong Tâm, hoàn thành sứ mạng của người tu hành. Các pháp khác như Cạo Tóc, Đắp Y, Khất Thực, Ăn chay… cũng thế. Mỗi mỗi đều mang một ý nghĩa là phải làm nơi Tâm của chính mỗi người, mục đích là tẩy rửa cho nó được thanh tịnh, để cuộc sống được an vui.

Tóm lại, công việc Độ Sinh là quan trọng nhất trong toàn bộ những việc phải hành trì trên con đường tu hành. Bao nhiêu học hỏi, hiểu biết, soi quán, bao nhiêu công năng cũng chỉ nhằm khai mở và thực hiện điều đó. Một đời tu hành có thành tựu hay không cũng do việc làm này. Vì vậy, nếu chúng ta không rõ ý nghĩa của Độ Sinh, chưa thực hiện được ít nhiều thì chưa thể nói là mình đang tu Phật. Ngoài ra, nếu ta nghĩ rằng Chúng Sinh là ai đó ở bên ngoài, rồi lo “độ” cho họ, thì chẳng những không thể độ được cho họ, mà chính mình cũng không thể hoàn tất công việc tự tu, tự độ mà Đạo Phật đề ra. Hoặc thay vì Tu Phật để tự giải thoát cho mình thì lại Thờ Phật để cầu mong “được độ” để trở kẻ “báng Phật, nhạo pháp”, bởi nếu Phật có thể “Độ tha” được thì con ruột và em của Ngài đâu cần phải tu hành làm gì, và Ngài cũng không phải bỏ ra 49 năm đi thuyết pháp cũng như bày ra các phương tiện như Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp vv... làm chi, chỉ cần dạy cầu xin Ngài là đủ rồi! Chính vì vậy, có lẽ ta cũng cần cẩn thận xét lại khi thấy việc làm nào đó có vẻ mâu thuẫn với chính Kinh.

Nhân nào, Quả nấy. Phiền não dù là Huyễn, nhưng đang hiện hữu. Chúng Sinh cũng thế. Phải có cách thức để đối trị. Bịnh nào, thuốc nấy. Có Lục Đạo thì phải có Lục Độ để giải cứu. Nếu ta hành trì theo những công phu nào khác mà không đạt đến kết quả là “Độ tận chúng sinh” thì dù có miệt mài ngày đêm, cả đời gõ mõ, tụng kinh, chay lạt, ngồi mãi không nằm (ngồi thiền), giảng pháp… gian khổ, khó khăn đến bao nhiêu, cũng chỉ có kết quả theo lời của vị Tổ ngày xưa nói, là: “gãi ngứa ngoài giày” mà thôi vậy.

Tháng 2/2009

Tâm-Nguyện

Phụ Bản I

HỘI CHỨNG SÍNH NGOẠI… NGỮ

Đối với bất cứ người Việt có lòng yêu nước và tự trọng nào, vị trí của ngoại ngữ (bất kể là Anh, Pháp, Nga, Đức, Hoa, Nhật vv…) đều không thể nào lấn át được vị trí của tiếng Việt, là tiếng mẹ đẻ của mình. Đơn giản là người Việt Nam chúng ta đâu có ai khi mới bập bẹ những lời đầu đời mà lại nói: “Hi! Hello!” cũng như khi lìa đời chẳng có ai lại nói “Bái bai”.

Chúng ta tuyệt đối không hề nghĩ tới chuyện bài ngoại ngữ, mà ngược lại, còn cần phải cố trau dồi, cố học cho giỏi, vì lợi ích của việc giỏi ngoại ngữ là rất to lớn, giúp chúng ta tiếp xúc được với tài liệu, sách vở nước ngoài để nâng cao kiến thức trên nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, cũng không nên quá coi trọng và đặt nó vào vị trí thượng tôn, vì làm như vậy là chúng ta có lỗi với tiếng mẹ đẻ của mình, thứ tiếng mà tổ tiên, ông cha ta đã nói từ ngàn đời.

Cho dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu đi nữa, ta cũng chỉ nên coi đó là chuyện bình thường để phục vụ mấy mục tiêu nêu trên, chớ nên coi đó là một niềm kiêu hãnh, một yếu tố giúp ta sang trọng hơn, oai phong hơn, để rồi bạ đâu cũng phải tương ngoại ngữ vào, cũng phải tỏ ra ta đây biết ngoại ngữ.

Sở dĩ người viết phải nói dài dòng như thế vì hiện nay, hội chứng sính ngoại ngữ đã tới tình trạng báo động. Bạ việc gì cũng phải có tiếng Anh, tiếng Mẽo len vào: một cuốn sách mới ra đời, nội dung hoàn toàn bằng tiếng Việt, mắc mớ gì trên bìa cũng lù lù ngoại ngữ để to ngang với tựa đề; tên viết tắt của một cơ quan nhà nước lại không phải là những chữ viết tắt tiếng Việt mà là toàn tiếng ngoại quốc. Chữ Lễ hội Huế nghe quá êm tai mà lại chỉ cần dùng hai chữ, sao lại phải là Phét-ti-van tới ba chữ?

Trên tấm vé số sao lại in chữ hat trick to tổ bố, vì có trúng cũng chỉ trúng một lần, đâu trúng được ba phát liền? Thực là tếu, và tếu nhất là nếu hỏi những anh luôn miệng nói hat trick, hat trick là tại sao có chữ hat là cái mũ thì – người viết đã thử hỏi đến bốn anh khoái xài chữ đó – anh nào anh nấy tắc tị cả. Phải chăng nó hay, nó thời thượng chỉ vì nó là tiếng Mẽo? Người viết còn nhớ mang máng khoảng mươi mười lăm năm trước đã có lệnh phải triệt bỏ hết mọi tiếng ngoại quốc trên các bảng hiệu, nhưng thời gian trôi đi, bây giờ tất cả lại “vũ như cẩn”. Về mặt bảng hiệu thương mại thì khả dĩ có thể chấp nhận được, để người nước ngoài biết về hoạt động của công ty, cửa hàng, nhưng tiếng mẹ đẻ phải để to hơn và phải để ở trên thì mới phải đạo.

Thật tức cười khi trong sách vở cũng vậy, các tác giả cứ luôn luôn tương tiếng nước ngoài vào, cho rằng như vậy mới là giỏi giang, thời thượng, sành điệu. Về vấn đề này người viết xin phép được kể một chuyện vui, cười ra nước mắt như dưới đây:

“Cách đây hai ba năm có một cuốn tiểu thuyết khi in ra được báo chí ồn ào nhắc tới, kẻ khen người chê cứ loạn cả lên, nên vì tò mò người viết cũng tìm đọc và thấy rằng đó là một cuốn rất tầm thường, khó tồn tại với thời gian, ở cuốn tiểu thuyết đó chỉ có một điều đáng chú ý là tác giả đã sử dụng ngoại ngữ ở năm mươi hai chỗ, và điều độc đáo là cả năm mươi hai câu ngoại ngữ đều sai hết trơn hết trọi. Năm mươi hai lần sử dụng là năm mươi hai lần “bị” bồi như tác giả Dương Tường vừa nói tới trên tờ Tia Sáng của Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường (số tháng 10 năm 2001, trang 47). Trong một bữa ăn sinh nhật tại nhà một giáo sư có độ trên 20 khách mời cả nam lẫn nữ, có người nhắc tới cuốn sách đó và hầu như tất cả, trừ có một người, đều lên tiếng chê bai dè bỉu. Người duy nhất không chê bai là một anh đeo kính trắng dáng người nhỏ nhắn, anh ta đã phát biểu nguyên văn như sau: “Theo tôi tác giả này không nên bị chỉ trích, ngược lại anh ta còn đáng được tuyên dương nữa vì đã có công. Các anh các chị thử nghĩ xem, bọn ngoại nhân mà thấy chữ nghĩa của chúng bị tàn sát thê thảm thế này thì chúng sẽ sợ mất vía, ngàn đời cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện xâm lăng nước ta nữa. Do đó, tác giả này có công bảo vệ tổ quốc và thứ ngoại ngữ mà anh ta dùng phải được gọi là Anh, Pháp văn bảo quốc”. Ai nấy đều cười, nhưng hình như có những tiếng cười pha lẫn tiếng nấc…”

Những người Việt Nam chân chính, nhất là các bạn trẻ, xin hãy đừng cho rằng việc mình giỏi ngoại ngữ là điều vinh hạnh, chỉ nên cho là điều ích lợi mà thôi.

Giỏi tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng đã ru chúng ta từ lúc còn nằm nôi, thứ tiếng mà nhiều năm sau những người thân của chúng ta sẽ dùng để tiễn đưa chúng ta rời khỏi cõi đời, mới là điều vinh hạnh đích thực.

V.T.H (14-6-2002)

* Bài này đã đăng trên báo Văn của Hội Nhà Văn TP HCM số 10 bộ mới, Tháng 3&4, 2003

TRONG LỐI NÓI CỦA TA

ĂN NGHĨA LÀ GÌ?

Lê Văn Siêu

Ăn không phải chỉ nghĩa là nhai nuốt và tiêu hóa thức ăn ấy trong bụng. Có khi chỉ thấy nhai mà không nuốt, cũng là ăn: ăn trầu. Lại có khi chỉ thấy nuốt mà không nhai cũng là ăn: ăn thuốc phiện. Lại có khi không nhai không nuốt, cứ thấy mất đi thôi, cũng là ăn: gấu ăn trăng, pháo ăn tốt. Rồi ngược lại, có khi thấy vật mình thường thấy đã lộ đẹp hơn lên vì ánh đèn cũng là ăn: ăn đèn, hay đẹp hơn lên khi chụp ảnh cũng là ăn: ăn ảnh. Mà đen đủi xấu xa đi cũng là ăn: cánh tay ăn nắng.

Thật không còn biết đường nào mà lần nữa.

Một người ngoại quốc hiểu ăn là đồng nghĩa với manger rồi cứ thế gặp đâu có ăn cũng dịch là manger thì thật là một trò khôi hài.

Cá ăn muối là con cá đã chết được ướp muối cho muối thấm vào người nó.

Nước ăn chân là chân dầm nước lâu bị nước làm cho rạn nứt các kẽ da đến chảy máu ra.

Tiền ăn đường là đồng tiền dùng để người ta ăn tiêu chi phí dọc đường.

Cá, Nước, Tiền đó là những chủ từ, mà không phải chủ từ, mà lại là chủ từ. Văn phạm Âu tây không thể dùng ở đây để phân tích mệnh đề cho được nữa.

Ăn xôi là chết. Ăn đất cũng là chết. Ăn khách là ăn ở nhà bạn mời; có khi lại là được nhiều người ưa chuộng: món hàng này bây giờ ăn khách lắm. Ăn ‎ý là hợp với ý muốn của nhau. Ăn giọng là hợp với giọng của nhau, là đã xiêu lòng: xem chừng cô ta đã ăn giọng. Ăn riêng là đã lấy vợ lấy chồng: cháu lớn bao giờ đi ăn riêng?

Thế rồi, ăn sương là đêm tối đi ăn trộm. Ăn chết rồi là chắc chắn được rồi. Ăn tay ăn chân là gian dối bớt đi: tôi có ăn tay ăn chân vào đây đồng nào thì tôi xin chết nhé!

Có lẽ trong mớ tiếng nôm của ta, chỉ có tiếng ăn là nhiều nghĩa nhất.

Ăn ở là sự đối xử: phải ăn ở cho có thủy chung. Ăn nằm là vợ chồng chung chạ. Ăn chơi là lêu lổng: con người ăn chơi; hoặc là đĩ điếm: giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi.

Có khi vật để ăn là một vật rất trừu tượng: Ăn lời là nhớ kỹ lời dạy bảo: dạy con con chẳng ăn lời. Có khi vật ấy còn trừu tượng quá độ, đến không còn là gì nữa: ăn không nói có.

Nhưng đặc biệt nhất là có khi vật không phải để ăn, mà người ta cứ văng ra bảo mình ăn, thì coi chừng! chớ có ăn, vì đó là sự chửi rủa.

Tùy theo vật ăn và người ăn mà mỗi chỗ nghĩa đã mỗi khác. Ăn cỗ là ăn tiệc linh đình. Nhưng ma ăn cỗ thì lại là người giở trò quỷ quái. Ăn cưới là ăn uống vui mừng khi làm lễ cưới. Ăn hỏi là ăn uống khi mới dạm hỏi. Ăn thượng thọ là ăn khao khi đến tuổi già. Ăn tiên chỉ là hưởng lộc khi được tôn là tiên chỉ trong làng. Ăn Tết là ăn uống vui chơi trong ngày Tết. Ăn vạ là kéo nhau nằm đầy nhà người trong làng có lỗi để đến bữa bắt người ấy phải mời cho ăn uống tới khi nào nộp đủ khoán lệ cho làng. Và ăn thề là ăn uống để thề nguyền cùng làm việc gì. Ăn mừng là ăn uống khi có việc vui mừng. Ăn lãi là lấy phần lời của đồng tiền cho vay. Ăn hoa hồng là lấy phần công mối lái trong việc mua bán. Ăn tiền, ăn của đút, ăn hối lộ là lợi dụng chức việc để bóp nặn tiền của công chúng khi đến nhờ cậy mình làm.

Cũng lại tùy theo cách ăn mà mỗi chỗ nghĩa mỗi khác. Ăn lên là được hưởng thêm lương vì thăng trật. Ăn xuống là bị hạ lương xuống vì bị giáng chức. Ăn bẩn là kiếm tiền một cách nhỏ nhen. Ăn dở là ăn của chua khi có thai. Ăn dối già là gượng ăn khi biết mình sắp chết. Ăn kiêng là ăn giữ gìn khi đau yếu. Ăn khem là ăn mà còn sợ tốn kém (lúc chết không nhắm mắt được phải cúng khem). Ăn đụng là ăn rồi chia nhau chịu tiền. Ăn đong là ăn bữa nào mua bữa nấy. Ăn bám là ăn nhờ khi người ta không muốn. Ăn báo là ép người ta phải nuôi mình ăn. Ăn chực là ăn nhờ ở lòng thương hại của người ta. Ăn gửi là tạm thời ‎ỳ ra đấy mà ăn (ăn gửi nằm nhờ). Ăn xổi là ăn qua loa xong chuyện thì thôi (ăn xổi ở thì). Ăn mảnh là đi kiếm thú chơi riêng một mình. Ăn bửa là ăn mà không chịu trả tiền. Ăn quỵt là ăn mà không thèm trả tiền. Ăn lường là gạt người ta để ăn rồi không trả tiền. Ăn bẻo là lấy phần công mối lái khi bán giúp một món hàng vặt. Ăn bớt là lấy bớt một phần tiền chi phí.

Rồi ăn cắp là lừa lúc người ta vô ‎ý nhót lấy một đồ vật gì của người ta. Ăn trộm là lẻn vào nhà lấy đồ của người ta. Ăn cướp là rủ rê đông người đến nhà người ta phá phách để cướp đồ đem đi.

Tiếng ăn quả là một tiếng kỳ lạ. Ăn thông lưng trong lúc đánh bài là lén đưa quân cho nhau đàng sau lưng. Nhưng nhà có cửa ăn thông ra ruộng thì lại là cửa đi ra ruộng.

Ấy chỉ mới là phần lớn những nghĩa mà các tự điển đã quên chua vào. Chớ nếu lấy hết nghĩa của tự điển và của các câu tục ngữ thì phải đến mươi bài như thế này mới đăng hết. (1)

Đỗ Thiên Thư st

------------------

(1) Lời chua thêm: Trong khi làm Tự điển bách khoa Việt Nam, tôi đã có dịp nghiên cứu thấy ta có rất nhiều tiếng vẫn nói và nói ra ai cũng vẫn hiểu mà các tự điển đã không ghi và không giải nghĩa. Những tiếng ấy, tôi ước chừng có đến 50 phần 100. Nếu không có một công phu làm ngay một bộ tự điển Việt Nam cho đầy đủ thì chỉ vài thế hệ người nữa quên dần đi, ắt là tiếng Việt Nam của ta sẽ bị nghèo đi 50 phần 100 vậy.

ĐẤU BÒ, TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
BỊ LÊN ÁN VÌ TÀN ÁC !

Đấu bò đang bị các nhà vận động bảo vệ quyền động vật chỉ trích, họ coi đó là một môn thể thao đẩm máu, man rợ và tàn độc, trong đó con bò bị khủng hoảng trầm trọng và rồi chết dần dưới sự hành hạ vô cùng đau đớn của con người. Một số trong các nhóm những nhà vận động bảo vệ lợi ích của các loài động vật thực hiện những hành động chống lại môn đấu bò tại Tây Ban Nha và nhiều nước khác. Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, việc chống đối lại môn đấu bò được gọi là antitaurina.

Đấu bò đã bị cấm tại nhiều quốc gia và những ai tham gia vào trò chơi này sẽ bị phạt tù vì đã có hành động tàn ác đối với súc vật. Đã có những sự thay đổi cách thức thi đấu “không đẩm máu” được cho phép và thu hút nhiều người tới xem như ở California và Pháp

Tại Tây Ban Nha, luật pháp quốc gia chống lại sự tàn ác đối với súc vật đã xóa bỏ hầu hết các môn thể thao đẩm máu. Trong suốt thời gian qua, những qui định của nước này đã giảm thiểu sự đẩm máu của các trận đấu bò, nhưng ở đây chỉ giảm thương tích bằng cách sử dụng các vật che đỡ cho ngựa và cho đấu sĩ.

Năm 2004, hội đồng thành phố Barcelona tổ chức một cuộc bỏ phiếu chống đấu bò và chiếm được đa số nhưng việc đấu bò vẫn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên cũng có một số thành phố khác ở Tây Ban Nha lễ hội đấu bò tót đã bị cấm.

Tháng 8 năm 2007, đài truyền hình quốc doanh của Tây Ban Nha không trực tíêp phát hình các trận đấu bò tót. Họ cho rằng buổi phát hình có tính cách hết sức bạo lực đối với thiếu nhi và vi phạm các điều luật đã phổ biến rộng rãi trên toàn quốc, nhằm hạn chế những hình ảnh thô bạo và tàn ác. Tháng 10 năm 2008 Tổng Giám Đốc Truyền Thanh và Truyền hình quốc gia gửi công văn cho Quốc Hội xác nhận sẽ không còn phát hình trực tiếp các trận đấu bò tót vì chi phí quá cao và các nhà quảng cáo từ chối không mua các chương trình thể thao của đài. Tuy nhiên đài sẽ phát chương trình tạp chí đấu bò “Tendido Cero”

Tháng 1 năm 2008, Truyền hình quốc gia Bồ Đào Nha cũng cấm phát hình các trận đấu bò vì quá bạo lực đối với tuổi teen và cả thiếu nhi. Đến tháng ba năm 2009, thành phố Viana do Castelo, ở phía bắc Bồ đào Nha trở thành thành phố đầu tiên của quốc gia này cấm đấu bò. Thị trưởng Defensor cho biết nỗi thống khổ vô lý qua sự hành hạ đau đớn dành cho con bò là nhân tố dẫn tới việc cấm đoán này.

Đấu bò là một lọai hình hành hạ tàn ác nhất đối với một loài động vật không có khả năng chống trả.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói: làm sao các người có thể chịu đựng được những hành động ghê tởm đối với những sinh linh tuyệt vời của Chúa?

Đấu bò chẳng phải là một trận đấu gì cả. Đó là một hệ thống giết hại man rợ giúp cho một lũ người có vũ khí làm bị thương và giết hại một con vật cô đơn đang sợ hãi.

Năm 1567 Đức Giáo Hoàng Pius V đã ban hành sắc lệnh lên án việc đấu bò và mọi hình thức đấu súc vật để giải trí là độc ác và gây nên những điều khủng khiếp, những người hỗ trợ sẽ bị rút phép thông công. Đức Giáo Hoàng Pius IX, năm 1846 đã lặp lại sắc lệnh năm 1567, và đến Đức Giáo Hoàng Pius XII năm 1940 cũng lại trích dẫn sắc lệnh này trong việc từ chối gặp các đoàn đấu sĩ bò tót. Sắc lệnh năn 1567 đã đem lại sự cấm đoán đối với việc đấu bò trên khắp lãnh thổ Italy, và ở Bồ Đào Nha cũng có một lệnh cấm vào năm 1928 về việc đấu bò đến chết.

Không chỉ bò tót là sinh vật phải chịu đau đớn tại sân đấu. Con vật đau khổ này không biết rằng con người trên lưng ngựa kia đã gây ra sự đau đớn cho nó, mà chỉ biết rằng nó đang bị hành hạ và vì vậy nó coi con ngựa và con người đều là kẻ thù như nhau.

Đức Hồng Y John Henry Newman đã nói: Xử sự độc ác với loài vật giống như con người không biết thương yêu Chúa… Có một điều đáng sợ và xấu xa là việc gây đau đớn và đem lại cái chết cho con vật không bao giờ làm hại tới mình, và không có thể tự bảo vệ bản thân.

Con bò đã bị đâm bằng nhiều mũi giáo, sắp chết.

Đây là số mệnh của những con vật đẹp đẽ này phải chịu làm công việc giải trí cho đám đông khát máu cho rằng đấu bò là truyền thống, là “di sản văn hóa”.

Bò lăn ra chết trước sự đắc thắng của “đấu sĩ”

Về phần mấy chàng đấu sĩ “dũng cảm”: thì sao? Các đấu sĩ ít khi bị thương hoặc bị chết trong trận đấu. Với vũ khí của mình, đấu sĩ làm cho con bò yếu dần cho đến khi con bò mất hoàn toàn khả năng đối kháng, rồi chết. Cuộc đời các đấu sĩ không có nhiều rủi ro trong nghề đấu bò. Trong suốt 50 năm qua chỉ có 10 đấu sĩ bị thiệt mạng trên toàn thế giới.

Nếu bạn đến một xứ sở từng có tổ chức đấu bò, bạn không nên tham dự bằng cách ủng hộ một số tiền trong túi của bạn để làm kẻ đồng lõa với trò chơi vô cùng tàn bạo mang tính cuồng sát này. Việc tổ chức các cuộc đấu bò thường xuyên tùy thuộc vào các cơ quan Nhà nước và công nghiệp du lịch, cho nên du khách cũng thường bị dụ dỗ để tham quan một lần cho biết.


Bi kịch của con bò đã kết thúc

Dương Lêh st & bd

CHUỘNG NGOẠI ...

Đây là một đề tài thú vị, có lẽ nói hoài không hết, và có thể viết thành sách được. Hiện nay, tôi nhận thấy có nhiều người Việt chuộng ngoại, dường như họ cho cái gì ngoại thì sang. Do trình độ khoa học kỹ thuật của ta còn yếu, nên có nhiều loại hàng hóa của nước ngoài có thể có phẩm chất tốt hơn của ta, nhưng cho cái gì của ngoại cũng sang quý và bắt chước theo thì rất là kệch cỡm. Trên phương diện văn hóa tri thức, điều đó kệch cỡm và lố bịch hơn. Đặc biệt, cách dùng từ nước ngoài trong những trường hợp hoàn toàn không cần thiết nhiều khi lại mang đến hiệu quả trái ngược với chủ ý khoe khoang của người dùng.

Dường như có một số người cho rằng mọi người chung quanh mình đều thông thái như mình, nghĩa là mọi người Việt Nam đều nói ngoại ngữ - ở đây là tiếng Anh, nên người ta dùng tiếng Anh để phụ diễn cho “nó thời trang”. Gần chỗ tôi ở trước đây ở Tân Bình có một gia đình, có vẻ giàu có dường như ở Quận 1 chuyển về khu mới phát triển, xây dựng nhà cửa rất đẹp. Trên hai cánh cửa chính trước nhà bằng kính dày như cửa vào siêu thị, mỗi bên đều được vẽ một chữ PUSH thật lớn. Hàng năm trời tôi chẳng thấy gia đình ấy có một người khách nước ngoài nào. Khu vực dân cư này cũng không hề có bóng một tây ba lô, hay thậm chí một Việt Kiều nào. Vậy thì chữ PUSH đó dành cho người trong gia đình. Nghĩa là những người láng giềng của tôi ra ngoài thì nói tiếng Việt, khi về nhà thì họ... đọc tiếng Anh để biết cách ĐẨY cửa vào nhà.

Dọc đường phố, trên bảng hiệu của các quán cà phê đèn mờ và không mờ, đều có dòng chữ “Music Compact Disk” hoặc “Musique Compact Disc”, có lẽ có ý giới thiệu trong quán chơi nhạc từ dĩa CD thay vì băng từ đã lỗi thời, nhão tiếng. Nhưng đố người nước ngoài nào hiểu được như thế! Một vài tiệm hớt tóc bình dân “tám ngàn” cũng trưng bảng hiệu Barber Shop rất nghiêm trang vv... Có nhiều sản phẩm tiêu dùng sản xuất trong nước mà dù có nằm chiêm bao suốt đời cũng không thể thấy người nước ngoài mua nó để làm gì, nhưng người ta cứ viết tiếng Anh búa xua lên nhãn mác. Có lần tôi mua một bịch “kẹo ho” trong tiệm bánh kẹo, giống như loại Pastil Kim hộp thiếc tròn ngày trước bán trong tiệm thuốc tây. Nhưng loại này bỏ bịch nylon, có “toa” song ngữ Việt Anh. Tôi quên mất cái “tác phẩm” tiếng Anh ấy, chỉ nhớ họ dịch chữ “thông cổ bổ phổi” là “CLEAR THE NECK, SPLIT THE LUNG” Clear the neck tuy kinh dị nhưng suy ra được rồi, còn chữ Split the lung thì bí hiểm hơn. Về sau tôi mới hiểu tại sao họ dịch BỔ là Split. Thì ra có lẽ họ thấy có chữ “bổ củi”: to split firewood, nên... eureka!

Nhiều năm trước, nhiều người đi trên đường Saigon - Đà Lạt ngang qua Bảo Lộc có lẽ có trông thấy trước “căng tin” của một công ty trà ở Bảo Lộc nằm ngay mặt tiền quốc lộ 20 một tấm bảng mang chữ CANTINÉ. Có thể không ai hiểu nghĩa của chữ bí hiểm ấy và không buồn để ý. Nói bí hiểm vì tiếng Anh không có chữ đó, mà nếu là tiếng Pháp thì họ thừa cái dấu “sắc” trên chữ E. Đó là người ta muốn “Tây hóa” trở lại chữ “canteen” (căng tin), cái nhà ăn trong xưởng hay xí nghiệp.

Năm ngoái, đi trên một con phố Đà Lạt, tôi bắt gặp một hộp đèn bảng hiệu “XOA BÓP BÀN CHAN Food massage and Body,” có vẽ hình hai bàn chân.

Đà Lạt tuy là một địa điểm du lịch thu hút du khách nước ngoài, nhưng dù sao cũng là một thành phố nhỏ, rất nhỏ so với thành phố Hồ Chí Minh. Vào khoảng cuối những năm 80, nếu ai có việc vào phi trường TSN ắt nhìn thấy tấm bảng màu xanh rất lớn dựng ở nơi bây giờ là chỗ giữ xe máy, quay mặt sang khu hành khách phi trường. Trên tấm bảng to tướng ấy, có dòng chữ trắng cũng to theo tỷ lệ: “WELLCOME YOU TO TAN SON NHAT”. Lúc đó tôi “ở rừng” về, nghĩ bụng: Người Saigon cũng “phớt tỉnh” như Ăng-lê, nên cái cửa ngõ lớn của thành phố bình tĩnh giới thiệu một câu chuyện hài về ngoại ngữ với kích thước to lớn như thế.

Nhiều năm trước, tôi đọc báo bắt gặp nhiều cách dùng chữ và khoe chữ nước ngoài rất bất ngờ, ngoài mọi sự chờ đợi. Chẳng hạn, trong một bài viết về điện ảnh trên tờ báo X tại thành phố HCM, tác giả ghi nhận trong một bộ phim “có nhiều “xen” (send) nóng...” hay trên một tờ báo khác tôi quên tên rồi có người kể chuyện “những con chim cánh cụt (bird short wing)...” , hoặc “Đội nhà luôn luôn chơi Fai play...”, hoặc có nơi viết thành Fai Plei (chắc người viết này ở... Pleiku, vì anh ta thấy rõ ràng trong chữ Pleiku có chữ Plei!)

Năm 2000, mới chuyển về Saigon, tôi nhận được một giấy mời dự lễ khai mạc triển lãm thư pháp của một nhà thơ kiêm nhà thư pháp cao niên và có tiếng. Thiếp mời được trình bày mỹ thuật bằng song ngữ Việt Anh, trong đó có phần giới thiệu vắn tắt về Thư Pháp Việt Nam. Bản thân tác giả không biết tiếng Anh, nên nhờ một người nào đó dịch. Đó là một bản dịch “kinh dị” chưa từng thấy trong làng dịch thuật Việt Nam. Cái gọi là “Thảm họa dịch thuật” gần đây chỉ là “chuyện nhỏ,” không nhằm nhò gì, so với bản dịch này. Đây là một đoạn giới thiệu nhỏ trích từ trong thiếp mời ấy:

Nguyên văn tiếng Việt:

"Nếu hiểu thư pháp Việt Nam như là viết đẹp chữ Hoa và chữ Nôm, thì thư pháp Việt Nam đã có mặt từ ngàn năm rồi. Nhưng nếu hiểu thư pháp Việt Nam là công trình, là nghệ thuật viết đẹp loại chữ Việt La tinh - viết đẹp đến trình độ “nên tranh”, “có thần” thì cái gọi là thư pháp Việt Nam có lẽ chỉ mới xuất hiện từ khoảng 50 năm nay."

Bản dịch tiếng Anh như vầy:

“If we had understood Vietnamese Penmanship as writing Han Script and ancient Vietnamese script well. Vietnamese Penmanship would have already presented for many years. But if understanding Vietnamese Penmanship is a construction, an artist of writing Latin script well. Write well to standard “picture” and “Spritual”. So, what is called as Vienamese Penmanship, perhaps has just appeared for approxiate fifty years...”

Kinh dị chưa!

Tôi bèn nảy ra ý định thử thu thập tư liệu cho một bài viết “tào lao” chẳng hạn “Tiếng Anh thấy ở thành phố chúng ta”. Tôi tập hợp được rất nhiều trang tư liệu “sống” (nghĩa là bắt tận tay day tận cánh) và lưu chúng trên máy tính.

Bộ sưu tập của tôi có lẽ chưa đủ để viết được một cuốn sách dày cở trăm trang, chớ cũng nhiều lắm. Không may khi hai ổ cứng máy tính hỏng, tôi mất luôn toàn bộ tư liệu trong đó, kể cả những thứ sưu tập linh tinh ấy. Thôi bỏ, bây giờ chẳng có thì giờ làm lại chuyện tào lao ấy nữa, vì cái sự sính dùng ngoại ngữ tràn lan đang thành dịch rất phổ biến, hơi đâu mà ghi nhận cho hết.

Đừng tưởng chỉ những người ít chữ nghĩa mới phải “trang sức” cho mình theo kiểu ấy đâu nha, ở nhiều nơi đàng hoàng người ta cũng dũng cảm dùng ngoại ngữ theo kiểu đó nhiều lắm.

Các bạn có để ý không, ở nhiều nơi công cộng, người ta thấy nhan nhản những bảng nhỏ ghi chữ Exit với mũi tên chỉ, nhưng ít thấy bảng đề chữ “Lối ra” dù ở những nơi đó không hề có mục đích dành cho người nước ngoài. Làm như tất cả người Việt Nam dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính.

Nói tóm lại, hiện nay trong thời kỳ “hội nhập”, tiếng Anh được dùng rất nhiều trong trong mọi ngõ ngách cuộc sống ngõ ngách có thể hiểu theo nghĩa đen, ít nhất là trong thành phố chúng ta đang sống, đến nỗi tôi có cảm giác nếu một cái gì đó mà không có kèm theo tiếng Anh (bất chấp thứ tiếng chưa... Anh mà cũng không phải... Em) thì người Việt chúng ta không thể hiểu được. Cái gì cũng phải kèm theo tiếng Anh mới hợp thời… trang và sành điệu.

Nhưng không phải mọi chỗ đều dùng tiếng Anh “bồi” chuệch choạc như tôi kể vui ở trên. Trước đây tôi có biết một cửa hàng sang trọng trong thành phố chuyên bán hàng bếp núc cao cấp. Cửa hàng trình bày rất ấn tượng, với tất cả mọi thứ đọc thấy được ở đó từ tấm bảng hiệu bên ngoài cho đến những ghi chú hàng hóa bên trong đều được viết bằng một thứ tiếng Anh chuẩn, nghiêm túc, tao nhã và sang trọng. Đấy, dùng tiếng Anh phải như thế chớ, tuy cửa hàng do người Việt làm chủ, người bán hàng cũng là người Việt (không biết tiếng Anh!).

Nhưng tôi thấy ái ngại quá, vì tương lai tồn tại và phát triển của cửa hàng có vẻ không sáng sủa như cửa kính sáng choang của nó. Lần nào đi ngang qua cũng thấy cửa hàng rất vắng. Dường như người chủ kinh doanh chỉ muốn “làm sang” chứ không hề xác định mình bán hàng cho ai. Do cửa hàng không nằm tại trung tâm thành phố, nên không thể nói là họ nhắm bán hàng cho du khách nước ngoài. Nhưng du khách nước ngoài thì mắc mớ gì phải đi du lịch đến Việt Nam để mua nồi niêu xoong chảo bếp ga nồi cơm điện… mang về nước kia chứ! Những thứ hàng hóa đó có phải sản phẩm độc đáo do VN sản xuất đâu mà đem về làm quà kỷ niệm! Nếu họ nhằm bán những dụng cụ làm bếp đó cho khách hàng người Việt, thì đâu phải bất cứ người Việt nào đi ngang qua cũng hiểu được tất cả những chữ U chữ Tây trên bảng hiệu và trong cửa hàng đều nhằm nói với mình, giới thiệu với mình những thứ nhu cầu bếp núc hàng ngày. Hơn nữa, sự sang trọng một cách xa lạ không có vẻ gì gần gũi thân thiện với khách hàng bình dân khiến họ ngại vào, mà khách hàng cao cấp thì phỏng được bao nhiêu người đến mua hàng ở đó? Thành ra, đúng theo dự đoán của tôi, ít lâu sau đó, cửa hàng đổi chủ, đổi nghề kinh doanh – nhưng, không kỳ lạ chút nào – cách dùng ngoại ngữ để giới thiệu hàng hóa trên bảng hiệu vẫn không thay đổi. Hiện tại thì cửa hàng ế ẩm buồn bã đó không còn tồn tại. Người ta đã phá bỏ và - có lẽ - bán mặt bằng cho chủ khác xây dựng một kiến trúc khác, với mục đích kinh doanh khác. Tuy vậy tình trạng dùng tiếng Anh tương tự vẫn đang được nhìn thấy ở khắp nơi. Có lẽ người ta giả định mọi người Việt trong thành phố đều… như mình, chỉ có thể hiểu được tiếng Anh thôi, nếu thiếu tiếng Anh thì người ta sẽ không thể hiểu mình được, chăng?

Với tiếng Anh thì như thế. Với tiếng Việt cũng có nhiều điều hay ho đáng nói lắm. Nhưng mình đang bàn chuyện tiếng Anh, hãy để chuyện tiếng Việt vào dịp khác. Tuy vậy, nhân đây tôi đề cập luôn chuyện này, vì nó cũng có ít nhiều hơi hướng tiếng Anh:

Nghe bản tin Thị trường Chứng khoán hàng ngày, hẳn các bạn thấy các phát thanh viên nói ba tiếng “Việt Nam Đồng”. Không phải một người nói và nói lỡ miệng một lần, mà tất cả phát thanh viên đều luôn luôn nói thế. Việt Nam Đồng không hề mang nghĩa đối chọi với Việt Nam Vàng Bạc hay Việt Nam Sắt Thép gì cả. Nó là đồng bạc Việt Nam. Ai cũng hiểu. Nhưng không ai hiểu tại sao lại là Việt Nam Đồng mà không phải là Đồng (tiền) Việt Nam! Đó là do người ta đọc ba chữ cái viết tắt: VNĐ. Có điều khó hiểu là, cũng được viết tắt tương tự như thế, nhưng USD lại được đọc là Đôla Mỹ, chứ không phải Mỹ Đô La! Đáng lẽ theo “ngữ pháp Việt Nam Đồng”, thì USD phải được đọc là Mỹ Đô la chứ!

Có bạn nào thấy hứng thú và có thì giờ mang máy ảnh chạy rảo quanh thành phố ắt sẽ có thể làm được vài chục cái PPS ngoạn mục về cách sử dụng tiếng Anh ngộ nghĩnh ở thành phố HCM. Không chừng có thể cung cấp tư liệu cho một... luận văn cỡ thạc sĩ ngôn ngữ xã hội học hay ngôn ngữ kinh tế học gì gì nữa đó…

THIẾU KHANH

♣­­­

NÊN CHĂNG BỎ ĐI MỘT SỐ CỔ TỤC?
Đốt vàng mã

Đầu tiên là tục đốt vàng mã. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho biết hằng năm vào các dịp lễ hội tại các đền chùa am miếu và nhà riêng, người dân đã đốt hàng tỉ đồng vàng mã. Quả là một sự lãng phí vô cùng. Trong khi trên khắp nước có không biết bao nhiêu người cùng khổ, những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp dỡ, một bộ phận không nhỏ trong dân chúng đã ngang nhiên đốt tiền đưới hình thức những tờ vàng mã, hình giấy được coi là tài sản nhằm mục đích chuyển cho thân nhân đang cư trú ở cõi âm ti.

Có lần tôi quan sát một phụ nữ đang cầm một xấp có nhiều lớp giấy tiền vàng bạc, quần áo bằng giấy xếp theo hình rẻ quạt kê vào một ngọn đèn sáp dể đốt, miệng lầu bầu nhóp nhép, tôi nghe kỹ thì ra bà ta đang la đứa con trai 5, 6 tuổi đang phá phách gì đó trong góc nhà.

Một nhà giàu đang cúng giỗ, đến hồi đốt giấy tiền vàng bạc, sai mấy cô người làm bê mấy bao vàng thỏi bằng giấy, những bộ quần áo bằng giấy xanh xanh đỏ đỏ ra đốt trước sân trong một thùng sắt. Hai cô người làm vừa đốt giấy, vừa tán gẩu. Cô thì khoe mới đập heo đất mua được một cái điện thoại di động có chụp hình. Cô thì khoe mới mua được một chai sữa tắm trắng da.

Tôi không hiểu “kẻ khuất mày người khuất mặt” làm sao thụ hưởng những tài sản đang được ngọn lửa hóa kiếp thành đống tro tàn rồi được đưa vào thùng rác.

Bà con gốc miền Bắc có tục hóa vàng ngày mồng 3 hoặc mồng 4 Tết, tùy theo gia đình muốn đưa ông bà đi sớm hay đi trễ. Mỗi khi cúng xong là đốt vàng mã. Cũng vào hai ngày này bà con gốc miền Nam cũng có lễ đưa ông bà và đốt giấy tiền vàng bạc gọi là chúc ông bà thượng lộ bình an (có lẽ sợ ông bà bị tai nạn giao thông trên đường trở về cõi trên) sau mấy ngày ăn Tết với các con các cháu. Như vậy mỗi năm vào các ngày này khối lượng vàng mã đốt trên tòan quốc lên lến hàng tỉ đồng cũng không có gì lạ. Một người bạn nhờ bán giấy tiền vàng bạc mà có được hai căn nhà lầu 4, 5 tấm.

Quan sát chất liệu làm vàng mã toàn bằng giấy và tre mềm để làm vật dụng và hình nhân giả. Đây là loại giấy chất lượng kém nhất được làm bằng thủ công tại các cơ sở tư nhân trong Chợ lớn, thường có mùi hơi khó chịu. Có loại hình vẽ được in trên những tờ tạp chí cũ, tờ bướm quảng cáo. Vàng mã không chỉ là những tờ giấy tiền đồng, đô la họăc cuốn tròn thành thỏi vàng, mà người ta còn chế ra hình nhân, để đốt cho xuống âm ti hầu hạ người chết, hoặc làm ra nhà lầu, xe hơi đủ các hiệu từ “mợơc xí đì” thượng hạng đến “matiz” bình dân, hoặc xe máy thì có từ “SH” đến “cúp 81” vv... theo quan niệm “cúng gì được nấy”. Như vậy, vàng mã xuất phát từ các lọai phế liệu, rác rưởi dơ bẩn, nay đem ra chế tạo các lọai giấy tiền vàng bạc cho việc cúng bái thì thật không còn gì là thiêng liêng.

Có một anh chàng đi làm việc ở một công ty thường bị sếp la mắng vì chậm trễ trong công tác. Nhưng anh ta lại căm thù sâu sắc ông sếp của mình và chẳng may anh dính một cơn bạo bệnh qua đời. Nghe lời trăn trối, người nhà đã cho làm một hình nhân trong bộ quần áo người hầu có ghi đầy đủ họ tên ông sếp trên ngực rồi đốt khi hạ huyệt. Vậy là ông sếp sẽ hầu hạ anh ta nơi cõi vĩnh hằng (?).

Thực sự tục đốt vàng mã có từ hồi xửa hồi xưa bên Tàu, rồi trong quá trình bị đô hộ nhân dân ta hấp thụ một cách máy móc, chứ tục đốt vàng mã không mang một bản sắc văn hóa dân tộc nào cả.

Đã có không biết bao nhiêu vụ cháy nổ mà nguyên nhân từ việc đốt vàng mã. Khói từ việc đốt vàng mã cũng gây ô nhiễm môi trường làm ngạt thở tại những khu dân cư đông đúc. Vàng mã cũng là một nguyên nhân làm dơ bẩn đường phố mỗi khi có một chiếc xe tang chạy qua, người ta ném vàng mã xuống đường một cách vô tội vạ. Xét về khía cạnh tâm lý thân nhân người chết tự cho họ có quyền xả rác xuống đường vì nhà họ đang có tang sự và mọi người phải tôn trọng cái quyền đó. Họ không nghĩ đến những công nhân vệ sinh phải làm việc suốt đêm để dọn dẹp cho lòng đường sạch đẹp. Số vàng mã này dĩ nhiên được bỏ vào thùng rác chứ không hề tới tay người chết hay ma quỉ trên đường phố.

Cách hay nhất để giảm dần cái hủ tục đốt vàng mã, Nhà nước cần phải ưu ái nâng mức thuế lên cao nhất để những ai muốn lãng phí trong việc đốt vàng mã phải có nghĩa vụ đóng góp vào công quỹ.

Lễ tang với giàn nhạc đinh tai nhức óc.

Tại rất nhiều tư gia khi tổ chức lễ tang thường có thuê giàn nhạc cổ và giàn nhạc “Tây”. Giàn nhạc cổ ở đâu cũng có từ thành thị đến thôn quê, khắp nơi trên mọi miền đất nước và phục vụ 24 trên 24 trong suốt thời kỳ tang lễ. Gia chủ phải bao phần cơm nước cà phê thuốc lá cho mấy ông nhạc công. Giàn nhạc “Tây” (có nghĩa là tân nhạc chứ không phải Tây Tàu chi cả) thường có khoảng 5, 6 nhạc công mỗi người sử dụng một món nhạc khí, trống lớn trống nhỏ, kèn trôm-pét, trôm-pôn, kèn đồng lớn để đi bass, và có một anh chỉ huy cầm gậy múa may quay cuồng cho xôm tụ. Họ chỉ đến biểu diễn vào các thời điểm quan trọng như giờ cúng buổi tối, lúc động quan và lúc hạ huyệt hoặc đưa vào lò thiêu. Khi biểu diễn ban nhạc này thường hòa tấu các bản Besame mucho, Quien sera, Qui sait qui sait, hoặc các bản nhạc Việt như Ơn nghĩa sinh thành, Lòng mẹ, Tình cha tùy theo người chết là đàn ông hay đàn bà.

Giàn nhạc cổ có khoảng 3, 4 nhạc công, sử dụng các nhạc cụ cổ nhạc như trống lớn, trống cơm, đàn sến, đàn ghi ta, chập chỏa, kèn lá, song lan... đặc biệt là có dùng loa khuếch đại mở hết công suất. Họ biểu diễn khi có khách đến viếng, lúc đó trống kèn inh ỏi, đinh tai nhức óc phát ra từ khi người đầu tiên bắt đầu làm lễ cho tới người sau cùng. Đoàn khách càng đông ban nhạc càng biểu diễn lâu. Vào buổi sáng thường vắng vẻ, khu tang lễ im phăng phắc, đột nhiên có một người khách đến thăm, tức thì âm thanh vở tung với tiếng trống dồn dập, tiếng kèn chát chúa, tiếng chập chỏa vang dội khắp cả khu vực chung quanh.

Về khuya khách đã về hết, ban cổ nhạc sau khi mỗi người dứt điểm một tô cháo gà, một cà phê đá, họ bắt đầu cúng viếng người chết bằng những bài cổ nhạc, bài vọng cổ ca ngợi tình cha, tình mẹ, tùy theo người chết. Thế là cả một khu xóm tha hồ thức chờ đợi đến khi kết cũng là khoảng 2 giờ sáng. Nhưng những người dân chung quanh không ngủ được lâu vì 5 giờ sáng là đến giờ cúng. Khi thầy cúng vừa đốt nhang trên bàn thờ thì ban nhạc cũng đồng lọat trỗi dậy, cũng có nghĩa là cả xóm cùng thức giấc.

Thực ra hiện nay cũng có một số tư gia có tang sự không thuê ban nhạc cổ nhạc tây gì cả để giữ yên tĩnh cho khu xóm. Các ban nhạc này bèn chơi mánh lừa đảo bằng cách núp bóng, liên kết với “nhà đồ” (nhà phục vụ chung sự). Khi “nhà đồ” thảo luận giá cả với tang gia họ không đề cập về ban nhạc nhưng đã ngầm cộng giá tiền ban nhạc rồi. Khi ngả giá xong chủ nhà che rạp tiếp nhận đồ tế nhuyển do nhà đồ cung cấp. Thế là cá đã cắn câu, bây giờ nhà đồ tuyên bố “cúng” cho chủ nhà giàn nhạc cổ và giàn nhạc tây hoặc một trong hai. Chủ nhà vì nể nang đành phải ưng thuận và dọn chỗ cho đám cò ke lục chốt giàn nhạc cổ ngồi vào một góc trước cửa.

Sự kiện các ban nhạc tây và ta gây nên sự ồn áo náo nhiệt một cách nhức nhối tại các tang lễ tư gia không thể tiếp tục tồn tại hết nhà này đến nhà khác khi có người thân qua đời. Chính quyền địa phương không thể không nhắc nhở. Những nhà hàng xóm chung quanh hết sức đau khổ vì phải chịu đựng tiếng ồn trong suốt mấy ngày liền mà không dám thở than hay khiếu nại và tự nhủ nhà người ta có tang sự nên ráng chịu đựng vài hôm. Những nhà có tang lễ lại phớt lờ nỗi khổ tâm của bà con chung quanh, họ còn tự cho mình có quyền tổ chức rùm beng mà không ai dám khiếu nại vì nhà họ có… người chết. Tôi cho đó cũng là một dạng kiêu hãnh của các thân nhân vì họ tự cho là những người đau khổ h ơn hết .

Xe rồng phượng

Đây là loại xe cải biến từ các lọai xe tải được thiết kế dưới dạng xe hoa nhưng không hề có cài hoa lá cành chi cả mà được đóng bằng vật liệu nhẹ sơn son thếp vàng theo hình dáng một căn nhà di động. Hai bên là hai con rồng to tướng dài gần 10 mét, phía dưới có khi được phủ bạt để che đậy các bánh xe. Chiếc xe rồng phượng này dùng để chở quan tài và một số thân nhân ngồi sát chung quanh. Hình dáng chiếc xe tải hoàn toàn biến mất người ta chỉ còn nhìn thấy một ngôi nhà vàng rực phóng như bay trên đường phố. Không biết ông Giao thông công chánh có nhìn thấy hiện tượng này không. Rõ ràng đây là một sự vi phạm hết sức trắng trợn về an toàn giao thông. Đó là chiếc xe tải đã biến mất hình dáng ban đầu… Người ta không còn phân biệt phía nào là đầu phía nào là đuôi, bảng số không có. Việc đăng kiểm các loại xe này như thế nào? Ngành cảnh sát giao thông có kiểm tra không?

Cùng đi chung với chiếc xe rồng phượng này còn có một chiếc xe khác nhỏ hơn, cũng sơn son thếp vàng nhưng chỉ dùng để di ảnh người chết. Người ta không biết bên trong là loại xe gì mà đã được hóa phép thành một thành viên trong đoàn xe tang.

Đã có tai nạn giao thông xảy ra với các lọai xe rồng phượng này rồi. Mỗi khi đến ngả tư những “đạo tì” ngồi trên xe la hét những người phía trước tránh đường.

Hiện nay tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ chung sự có một lọai xe tải nhỏ để chở quan tài rất xinh xắn, khiêm tốn, có băng để thân nhân ngồi hai bên. Xe thường di chuyển một cách từ tốn trên đường phố.

Hy vọng các cơ quan chức năng để mắt tới loại hình giao thông trên đường phố của các loại xe rồng phượng này. Không thể lấy cớ có người chết, cả đời chỉ có một lần rồi cái gì cũng bỏ qua. Hơn nữa đây cũng không phải là một bản sắc văn hóa dân tộc Việt mà chỉ là sự cầu kỳ của những người thừa tiền thừa của, làm để lấy tiếng hiếu thảo, hoặc theo kiểu “phú quí sinh lễ nghĩa” mà thôi.

Dương Lêh
duonglee@gmail.com

Phụ Bản II

MỘT CON SỐ ĐÁNG NHỚ
φ = 1,618…

φ( đọc là “phi”), là mẫu tự Hy Lạp tương đương với chữ f trong mẫu tự Latin. Người ta dùng φ đặt cho con số vô tỉ 1,618… để vinh danh ông Fibonacci, tương tự như chuyện người ta dùng π = 3,1416… để vinh danh ông Pythagore.

Leonardo Fibonacci (1170-1250) là người Ý, sinh tại thành Pisa, là một nhà toán học nổi danh, năm 1202, trong cuốn sách “Liber Abaci”(Sách Toán Số) của ông, ông đưa ra một bài toán như sau: Giả sử một cặp thỏ (một đực, một cái) đẻ mỗi tháng một cặp thỏ con (một đực, một cái) và không con nào bị chết, thì sau một năm sẽ có bao nhiêu cặp thỏ. Ông đưa ra kết quả như sau:

- Cuối tháng thứ nhất : Vẫn chỉ có 1 cặp,

vì thỏ chỉ mới giao phối chưa sinh sản.

- Cuối tháng thứ hai : Thỏ cái đẻ ra 1 cặp mới,

như vậy là có 2 cặp.

- Cuối tháng thứ ba : Thỏ cái đầu tiên lại đẻ, thỏ cái thế hệ thứ hai

chỉ mới giao phối như vậy là có tất cả 3 cặp.

- Cuối tháng thứ tư : Thỏ cái đầu tiên lại đẻ,

thỏ cái thế hệ thứ hai lại bắt đầu đẻ. Tổng số thỏ là 5 cặp.

- Cuối tháng thứ năm : Lý luận tương tự ta có 8 cặp.

- Cuối tháng thứ sáu : 13 cặp.

- Cuối tháng thứ bảy : 21 cặp.

- Cuối tháng thứ tám : 34 cặp

- Cuối tháng thứ chín : 55 cặp.

- Cuối tháng thứ mười : 89 cặp.

- Cuối tháng thứ mười một : 144 cặp.

- Cuối tháng thứ mười hai : 233 cặp.

Như vậy là sau một năm ta có 233 cặp.

Chuỗi số 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89,…được gọi là chuỗi số Fibonacci. Mỗi số là tổng số của hai số bên trái ( thí dụ 21 = 13 + 8). Số kế tiếp sau 89 sẽ là 55 + 89 = 144.

Nếu ta lần lượt lấy số bên phải chia cho số bên trái thì ta sẽ có: 1/1 = 1; 2/1 = 2; 3/2 = 1,5; 5/3 = 1,666; 8/5 = 1,60; 13/8 = 1,625… Khi tử số và mẫu số trở nên thật lớn, nghĩa là khi chuỗi số Fibonacci tiến đến vô cực, nếu ta lấy số bên phải chia cho số bên trái thì ta sẽ được: 1,6180339887… Đây chính là số φ mà người ta gọi là tỉ số vàng (golden ratio) hoặc tỉ số tuyệt hảo (divine ratio).

Giải phương trình bậc hai này ta được:

Trên đây là hai cách để tìm số φ, ngoài ra còn nhiều cách khác trong toán học cao cấp cũng như trong hình học để tìm trị số của con số này.

Nếu ta có một hình chữ nhật mà tỉ số giữa cạnh dài và cạnh ngắn là 1,618… thì hình chữ nhật này là hình chữ nhật vàng. Người ta cho rằng hình chữ nhật theo tỉ lệ này là hợp nhãn nhất. Đó là lý do tại sao lại làm thẻ tín dụng, sách, và nhiều vật dụng khác theo dạng đó.

Nguyệt san National Geographic, một nguyệt san có uy tín vào bậc nhất của Mỹ cũng lấy biểu tượng (logo) là hình chữ nhật vàng, với màu vàng sáng chói, dĩ nhiên kích thước của Nguyệt san này cũng theo tỉ lệ vàng. Nhiều kiến trúc khác như điện Parthenon ở Hy Lạp cũng được xây một cách tỉ mỉ theo tỉ lệ trên. Kim tự tháp Vĩ Đại ở Giza, các pho tượng Ai Cập cũng biểu hiện tỉ số vàng.

Nếu ta chia một hình chữ nhật vàng thành một hình vuông và một hình chữ nhật thì hình chữ nhật nhỏ này cũng đồng dạng với hình lớn, nghĩa là cũng theo tỉ lệ vàng. Nếu ta tiếp tục chia mãi, rồi vẽ ¼ hình tròn vào mỗi hình vuông, ta sẽ được một hình xoắn ốc gọi là hình xoắn ốc vàng.

THIÊN NHIÊN VÀ CON SỐ FIBONACCI

Người Tây phương coi số φ như là “devine”, hai chữ tuyệt hảo không đủ để dịch chữ này. Divine còn có nghĩa là thần thánh, là liên quan đến Thượng Đế. Khi tạo nên vũ trụ và vạn vật, có vẻ như Thượng Đế đã để ý đến tỉ số φ, đường xoắn ốc vàng và những con số trong chuỗi số Fibonacci. Đây là những thí dụ:

- Leonardo Da Vinci nghiên cứu tỉ mỉ cơ thể con người và tìm thấy tỉ số vàng ở nhiều nơi, đáng kể là: các đốt ngón tay; cẳng và cổ tay; chiều cao con người và khoảng cách từ rốn xuống đất (một thí dụ dễ hiểu là nếu bạn cao 1m62 thì khoảng cách từ rốn xuống đất là 1m.)

- Nhiều loại ốc có vỏ với hình dạng như đường xoắn vàng.

- Khoảng cách giữa những lá non theo tỉ lệ vàng.

- Số cánh hoa: nếu đếm số cách hoa của các loài hoa thông thường ta sẽ thấy hoa có 1 cánh, 2 cánh, 3 cánh, 5 cánh, 8 cánh, 13 cánh, thậm chí còn có cả các loài hoa với 21 cánh, 35 cánh hay cao hơn nữa. Đây là những con số thuộc chuỗi số Fibonacci.

Khoảng cách giữa những chiếc lá và những đốt măng theo đúng tỷ lệ vàng.

Các loài hoa thông thường với số cánh là 1, 2 ,3 ,5 ,8 ,13 , 21, 34 cánh.

Đặc biệt hoa Giấy (Bougainvillae) có 3 cánh, 3 nhụy, mỗi nhụy lại có 5 cánh.

Ít khi ta thấy các loài hoa với 4 cánh, 6 cánh, 9 cánh, 10 cánh, 11 cánh… Ta hãy tự hỏi tại sao Thượng Đế không thích những con số đẹp đẽ, chẵn chòi như: 4, 6, 12 mà lại thích những con số xấu xí như 13, 21, 34…

Có một điều gì huyền bí liên quan đến con số φ chăng? Càng nghiên cứu thì càng tìm thấy những điều thú vị về toán học cũng như trong thiên nhiên.

Hội Fibonacci có trụ sở ở Đại học St. Mary gần Los Angeles, California, do một linh mục điều khiển, vẫn tiếp tục tìm kiếm những điều hay ho liên quan đến con số φ, với niềm tin rằng con số φ là của Thượng Đế.

Không của Thượng Đế thì cũng của thiên nhiên. Cần gì phải tìm đâu xa lạ, tính toán phức tạp, chỉ cần lấy chiều của mỗi đốt măng (hay rau muống, rau khoai…) ở gần ngọn, chia cho chiều dài của đốt ở ngay phía trên là ta có ngay con số φ.

N.C.T

BÔNG HỒNG KHÔNG GAI

Kính tặng một người thích bài thơ này

Nếu là hoa hồng đẹp
Em quyết không có gai
Cho anh cài lên ngực
Nghe trái tim náo nức
Và hơi thở nồng nàn
Cuộc đời lắm gian nan
Đường đời nhiều trắc trở
Ta cho nhau hơi thở
Và hương thơm dịu dàng

THÙY DƯƠNG

KHÁT VỌNG ĐỔI ĐỜI

Ngàn năm qua rồi ngàn năm sẽ tới
Cuộc đời em về đâu sẽ đến nơi đâu?
Con sâu mù lòa bò lê trên cỏ rối
Vẫn cô đơn chìm lỉm… bóng đêm thâu
Hồn tan nát bị thời gian cướp đoạt
Cả niềm vui hạnh phúc nỗi si mê
Tim trống rỗng… lạnh run và bất lực
Vùng biển đen đau xót lại ùa về!
Chợt cảm thấy bầu trời sao hóa đá
Sáng lòa lên… giông bão giật điên cuồng
Chớp lồng lộn sấm lay thành phố lạ
Hành tinh nghiêng… gãy cánh… dứt ưu phiền.

NGÀN PHƯƠNG

THOÁT Ý

Gối đầu lên chín tầng mây
Rừng thu trút lá ngất ngây nỗi buồn
Vầng trăng chìm giữa hồi chuông
Chùa xa trầm mặc màn sương bồi hồi
Gối đầu lên nỗi đơn côi
Tim tan nát… nhớ xa xôi ngút ngàn
Tâm hồn ứa lệ ly tan
Cuộc đời hư ảo qua làn khói hương
Gối đầu lên kiếp đoạn trường
Tình yêu đổ vỡ Sông Tương đôi bờ
Một mình hiu quạnh bơ vơ
Bâng khuâng ánh mắt con thơ tủi hờn

NGÀN PHƯƠNG

GIỌT THUỶ SÁM

Hòa với tâm thanh chẳng nhuốm đời,
Giọt nào rơi nhẹ giữa chơi vơi !
Ó­­­­­ng ánh như màu Kim Cương toả,
Long Lanh dường thể Mạn Đà rơi !
Phải chăng Thiên Nữ dâng hoa đẹp ?
Hay là BồTát phá mê đời ?
Thổn thức lòng ai, cơn Thuỷ Sám,
Giọt mừng Giải Thoát, giọt ngậm ngùi.
Giọt mừng Giải Thoát, giọt ngậm ngùi,
Rửa sạch trong ai, tội ngút trời.
Nửa kiếp lầm mê, thân đắm nhiễm,
Vạn đời tỉnh mộng, ý cao vời.
Giọt nước, cành dương, nhờ Phật độ.
Giòng lệ ăn năn, tự thoát đời.
Nhập thần một phút, siêu ba cõi,
Buồn vui theo lệ cuốn xa khơi !

Tâm Nguyện

Ngày Xuân đọc tập thơ

NHẶT BÓNG MÌNH

của Nguyễn Bính Hồng Cầu

Ngàn năm vẫn thế - Giá mà
Ở nơi đó có thể là viễn vông
Khúc quê Đêm ngã ba sông
Ngụ ngôn chim sẻ - Cánh đồng tôiSay
Lời hò hẹn Dẫu đắng cay
Bài thơ định mệnh ChiaHai nẻo hồn
Qua Vùng kỷ niệm – Cô đơn
Xưa và Nay Đóa yêu thương nhạt nhòa
Một thoáng cổng trời Sapa
Đoản khúc nhớ - Nửa em và nửa anh
Giấc Xuân Lặng lẽ - Vẽ tranh
Người đàn bà nhặt bóng mình - Bơ vơ
Chén tình Đêm thức – còn Vờ
Và như thế vẫn – Đợi chờ - Cố nhân
Con mắt trái tim tuyệt trần
Nhìn em cười mỉm – Chén Xuân ấm nồng
Nhớ - Bà lão gánh hàng rong
Nhâm nhi – Giọt đắng – rượu hồng vấn vương
Thiết tha – Nhận mặt quê hương.
Bến xưa Thuyền đợi đêm trường – Ưu tư
Để được yêu anh Khước từ
So đo tính toán CộngTrừ - NhânChia
Trăng và ta chẳng xa lìa
Và con đường cũ bên kia – Vơi đầy
Mặt trời màu xanh lá cây
Bão giông Tình nhớ - Đổi thay cũng đành
Thời gian quá chén qua nhanh
Nỗi đêm Cỏ hát – lều tranh – Gió đùa
Là tôi , – Về lại ngày xưa
Thoáng chiều Yên Bái đong đưa - Nỗi mình
Phù du cọng giá Gánh tình
Bán mua hy vọng Đồi trinh nữ sầu
Ru anh Ly rượu không màu
Đi qua tâm bão dạt dào hương xa
Tặng phẩm em quá mặn mà
Nợ - Duyên - Ảo ảnhNgôi nhà tình yêu

NGÀN PHƯƠNG

(Góp những cành hoa đẹp trong Nhặt bóng mình thành một bó hoa Xuân tươi thắm. Xin cám ơn tác giả Nguyễn Bính Hồng Cầu)

TRUYỆN KIỀU (KỲ 10)
(Câu 569 - 648)

Nàng còn đứng tựa hiên Tây,
570 - Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
Trông chừng khói ngất song thưa
Hoa trôi giạt thắm liễu xơ xác vàng
Tần ngần dạo gót lầu trang
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về
Hàn huyên chưa kịp giãi giề
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi!
Già giang một lão một trai,
580 - Một dây vô lại buộc hai thâm tình.

Standing in the West lobby, Kiều leaned against the balustrade,
Her mind puzzled like entangled silk threads.
Far away, she saw nothing but smoke rising from the window, (1)
Near below, some faded flowers drifted down the flow. (2)
Under the tattered yellowed leaves of the willow tree. (3)
Undecidedly, she was pacing along the deserted lobby
When her family, back from the party, just arrived.
Hardly could they exchange their inquiries when from all sides,
A band of satellites holding large knives and wooden bars
Broke in the house like wild animals in hunger
They put pillories round the necks of the old man and his son,
Then with a brutal rope, both were tightly fastened!

---------------------

(1) There was no hope for her coming days blurred with smoke.
(2), (3) Presently, everything seemed gloomy to her.

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rã rời khung cửi tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai đan giậm, giật giàm bỗng dưng!
Hỏi ra sau mới biết rằng
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ
Một nhà hốt hoảng ngẩn ngơ
590 - Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây!
Hạ từ van lạy suốt ngày
Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn

A buzzing of green flies rose everywhere in the house,
All furnitures were broken out or turned upside down.
Every private drawer was fumbled and ransacked
Soon every valuable thing slid into their greedy bags.
Why? What’s the crime? Who had caused this calamity?
By plotting and launching such a sudden calumny.
Inquiries were made and finally they got the answer:
It was a false denunciation of a silk seller
The whole family got astoundingly frightened!
A stander that stirred the earth, but the accusation
Was based only on a vague suspicion!
A full day’s imploration for mercy was in vain,
They turned deaf ears and went on with ruthless hands.

Giường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người
Mặt trông đau đớn rụng rời!
Oan này còn một kêu Trời nhưng xa
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền
600 - Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Beating the old man hung upside down from a beam!
Even a stone couldn’t stand seeing such a scene!
The victim’s distorted face seemed deeply agonized
They could only appeal to God, but He was too high!
There was no wonder about these satellites’ proceeding,
They caused such disastrous things just for money making
Kiều thought she could not leave her father to his fate
“I must set him free from tortures at any rate!
“In this urgent case, the best way is yielding to force.”
But there was one thing that made her feel some remorse:
A love just engaged in, on an accidental meeting
And a debt to those who had given her birth and living!
She had to choose between love and filial duty
After weighing carefully, she concluded decidedly:
“Put aside your oath before mountains and oceans
“As a child you should first pay your debt to your parents!”

Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Họ Chung có kẻ lại già
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
610 - Vì nàng ông cũng thương thầm xót vay.
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.
Hãy về tạm phó giam ngoài,
Dặn nàng quy liệu trong đôi ba ngày.
Thương lòng con trẻ thơ ngây,
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!

Decidedly, she rushed forward in front of the executors,
Raised her hand and said loudly to their wonder!
“Please, stop a moment! Let me have my opinion!
“I want to sell myself for my father’s liberation!”
Her will reached Mr. Chung, an old government employee
Who had been so far well known by his generosity.
Feeling pity of the filial devotion of the young girl,
He wanted to save the family from disaster.
To circumvent the “law” by means of briberies,
It required three hundred taels as asked the authorities
They then confined the old man in a temporary place,
And told Kiều to provide the gold within two or three days.
How pitiful of an innocent young girl!
Misfortune struck her in such a sudden disaster!

Đau lòng tử biệt sinh ly!
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên?
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
620 - Liệu đem tấc cỏ báo đền ba xuân
Sự lòng ngỏ với băng nhân
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao
Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên rằng Mã Giám Sinh
Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ xôn xao
630 - Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra

How painful to be separated from her beloved forever!
But she didn’t mind even her life, much less her love
Like a drop of rain, she could only yield to fate (4)
Making herself a sacrifice to pay her filial debt
She then confided her matter to a matchmaker woman
Soon rumors spread over all parts of the region
Then came a woman from one of the neighbor area
She introduced a stranger who wished to make inquiries
Ask about his name and his native village
She said he was Mã Giám Sinh, from Lâm Thanh district
The man appeared to be over forty in age
Dressed up in expensive clothes and well shaved
Bringing up the rear were some noisy servitors
Led up to the drawing room by the matchmaker
The man chose a high chair and sat in rudely
Inside, the matchmaker urged Kiều to come out in a hurry.

-------------------------

(4) To the Vietnamese old conception, a woman destiny was considered as that of a drop of rain, which couldn’t choose a spot to fall on. It might fall in a flowery garden or a dirty pool. Likewise a young girl could not choose the man she would get married to. Happy or unfortunate, it was her destiny.

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng giợn gió e sương
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai
Đắn đo cân sắc cân tài
640 - Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ
Mặn nồng một vẻ một ưa
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
“Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng
“Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài”
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm

Dampened by her own distress and her family’s blow
Tears flowed down as she stepped over the flowery threshold
Like a hurt flower afraid of wind and dew
Her hesitating steps advanced then withdrew
Looking at flowers she felt herself full of disgrace!
Glancing at the mirror, how impudent of her face!
The matchmaker tucked up her hair and took her hand
She looked like a sad chrysanthemum and a thin apricot branch
They examined her beauty and tested her talent carefully
She was asked to play the lute and describe a fan in poetry
Every gesture of hers seem charmful to the man
Well satisfied, he gently started the bargain
“To purchase the jade, here I’ve come to Lam Bridge (5)
“Please let me know how much I have to pay for the marriage”
“She is worth a thousand taels of gold actually”
Said the matchmaker, “But in this calamity
“It depends on your generosity, we daren’t asked”
“Then one tael was reduced, two added (6), and at last
The bargain closed at over four hundred taels of gold

------------------

(5) The jade: the noble beauty. Lam Bridge: place where lived the beauty (see foot note on verse 457 Chày sương chưa nện cầu Lam – Bản tin 31)
(6) The bargain proceeded by small amounts

To be continued

THÙY DƯƠNG

DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

CHÙA THIÊN MỤ

Trong tất cả 99 ngôi chùa lớn nhỏ ở Huế, có thể nói chùa Thiên Mụ là ngôi chùa có lịch sử lâu đời và tiêu biểu nhất cho nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Nguyễn.

Tương truyền ngày xưa, nơi đây là khu đồi rợp bóng cây, rất đẹp, cảnh vật nên thơ. Người dân trong vùng thường nhìn thấy một bà cụ già tóc trắng như cước mặc quần áo đỏ, thắt lưng điều sống quanh quẩn nơi đây. Vì thế dân gian đã gọi khu đồi này là Thiên Mụ Sơn.

Đến đầu thế kỷ 17, khi vào trấn thủ đất Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng nghe nhân dân địa phương truyền tụng huyền thoại trên, sẵn có ý đồ lập giang san riêng nên đã cho loan truyền trong dân chúng việc bà cụ già xuất hiện tiên đoán: sẽ có một vị chân chúa đến khai phá vùng đất mới và lập chùa, tu bổ lại giang san. Nguyễn Hoàng là người đầu tiên hưng công làm mới lại chùa vào năm 1601. Theo sách “Ô châu cận lục” ngôi chùa này đã có từ lâu đời, đã được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 15 với tên gọi là Thiên Mỗ.

Để có một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh như ngày hôm nay, “Thiên Mụ tự” đã trải qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa như:

- Năm 1655, chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho sửa lại chùa.

- Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc chuông “Đại Hồng chung”, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, nặng 2.052 kg, trên vai chuông có chạm khắc tám chữ “Thọ”, thân chuông chia làm 4 phần, có khắc bài minh của Nguyễn Phúc Chu.

- Năm 1714, Nguyễn Phúc Chu sai chưởng cơ Tống Đức Đạt thực hiện việc đại tu, mở rộng diện tích chùa.

- Do công trình bị tàn phá nặng nề từ cuối các thời chúa Nguyễn đến cuối thế kỷ 18, nên đến thời Gia Long năm 1802 chùa được xây dựng lại trên nền xưa, tuy với quy mô nhỏ.

- Năm 1844, vua Thiệu Trị cử Thống chế Hoàng Văn Hậu đứng ra coi sóc việc tái thiết chùa với kế hoạch xây dựng đại quy mô. Hai công trình xây dựng nổi tiếng là tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện, cùng hai nhà bia ghi chép thơ văn của triều vua được thực hiện trong đợt tái thiết lớn này.

- Năm 1904, Chùa Thiên Mụ lại bị hư hại nặng do một trận bão dữ dội, mãi đến 1907 vua Thành Thái cho trùng tu lại.

- Năm 1920, vua Khải Định quyết định tu bổ với quy mô lớn và đến năm 1957 là lần trùng tu cuối cùng cho chùa Thiên Mụ.

Với diện tích khoảng 4 ha, chùa Thiên Mụ được xây trên đồi Hà Khê, nằm trên bờ tả ngạn sông Hương, Cách kinh thành Huế 4km về phía Tây-Nam, có tường vây bọc bốn mặt, nổi bật lên bởi hai tòa kiến trúc chính là ngọn Tháp Đình sừng sững ở chính diện và phía hậu diện là Điện Vũ.

Đến viếng chùa, du khách phải vượt qua ba tầng bậc đầu tiên của khu Tháp Đình với 49 bậc cấp dẫn từ bờ Hương Giang lên tận khu tháp; qua khỏi các dãy bậc cấp, du khách sẽ qua cổng trụ Tam Quan và sẽ bồi hồi nhìn thấy tháp Phước Duyên – một kiến trúc nổi bật nhất của chùa Thiên Mụ. Với mật độ cao 21,24m, Tháp Phước Duyên được xây theo hình bát giác, chia thành 7 tầng, tầng dưới rộng và lên cao nhỏ dần; mỗi tầng được ngăn cách nhau bởi những lan can xây bằng gạch nung có hoa văn cổ kính. Theo câu thang hẹp dẫn lên tháp, du khách sẽ cảm thấy xót xa khi nghe người hướng dẫn cho biết ba tượng Phật bằng vàng được đặt ở tầng cuối đã bị thực dân Pháp lấy đi mất vào năm 1942, nên từ đó đến nay phải thay bằng tượng đồng.

Ngoài tháp Phước Duyên, sự thiết kế hai căn nhà nhỏ gồm lầu chuông, nơi đặt chuông “Đại Hồng Chung” và lầu trống càng làm tăng vẻ tôn nghiêm, hài hòa. Tháp Phước Duyên như được nâng lên khỏi sự phối trí do sự phối trí của lầu chuông và lầu trống được đặt ở hai bên y môn. Rời y môn này, du khách sẽ đặt chân đến ba nếp chùa chính, mỗi nếp có một tên gọi khác nhau: điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm thờ Phật và cuối cùng gần đó là nhà trai, nơi trú ngụ của các sư tăng. Riêng ở điện Địa Tạng hiện còn lưu giữ bộ khung bằng gỗ quý được chạm khắc cực kỳ tinh xảo của đình Hương Nguyện. Đình này trước đây được xây dựng đặt trước tháp Phước Duyên, nhưng nay không còn nữa do bị cơn bão tàn khốc năm 1904 tàn phá.

Trải qua bao nỗi thăng trầm của đất nước, những đồ tế khí trong chùa Thiên Mụ đã bị thất lạc rất nhiều, song những tấm bia đá vô giá vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ngoài hai tấm bia cao 1,7m rộng 0,7m được dựng năm 1848 ở nhà bia, gần lầu chuông, du khách không thể không thán phục tài nghệ chạm khắc đá của những nghệ sĩ điêu khắc thời xưa, đã thể hiện nét tài hoa trên tấm bia chính của chùa; bia được thực hiện vào năm 1715, cao 2,6m và rộng 1,2m được đặt trên một con rùa tạc bằng đá. Trên mặt bia, ngoài các đường nét, hoa văn trang trí hết sức tinh xảo, còn có khắc bài “Thiên Mụ chung thanh” và “Phước Duyên bảo tháp” nhằm lưu lại lịch sử xây dựng chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ là di tích văn hóa được xếp hạng của nhà nước. hằng bao đời nay địa danh này còn vang vọng trong ca dao Việt Nam một cách đậm đà, làm nao nao lòng người mà có lẽ không mấy ai trong chúng ta lại không từng nghe nhắc đến:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Trịnh Thị Mỹ Lại

LĂNG MINH MẠNG
(MINH MẠNG: 1820-1840)

Nguyễn Phúc Đảm (1791-1841), con trai thứ tư của vua Gia Long, lên ngôi năm 1920, lấy niên hiệu là Minh Mạng.

Làm vua được 20 năm, Minh Mạng đã có những đóng góp nhất định trong việc mở mang bờ cõi, khuyến khích nông nghiệp, hoàn chỉnh kinh đô, cải cách phong tục… Thời Minh Mạng được xem là thời thịnh trị nhất của triều Nguyễn (1802-1945).

Lăng Minh Mạng được khởi công xây dựng năm 1840 trên đất thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Các nhà địa lý đã khéo chọn một vùng đất đẹp ở ngã ba Bằng Lãng, nơi hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lại để tạo thành con sông Hương thơ mộng êm đềm. Toàn bộ khu vực lăng như hình một người nằm gối đầu lên vùng đồi núi và duỗi chân xuống ngã ba sông.

Lăng đã được quy hoạch và thiết kế ngay từ khi Minh Mạng còn sống. Sau khi nhà vua chết, Thiệu Trị cho tiếp tục xây dựng theo đồ án vua cha để lại.

Các công trình kiến trúc ở đây được bố trí đăng đối chặt chẽ theo trục Thần đạo chạy theo hướng Tây-Đông. Đi theo trục Thần đạo này, du khách sẽ lần lượt gặp các công trình chính của lăng: Đại Hồng Môn, Bái Đình (sân chầu) với hai hàng tượng đá, Bi Đình (nhà bia), sân tế, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân, Hoàng Trạch Môn, cầu Trung Đạo, Minh Lâu, Nghi Môn, cầu Thông Minh Chính Trực, Bửu Thành nơi đặt thi hài nhà vua. Các công trình phụ lại là những cặp đối xứng qua đường trục chính của lăng: Tả và Hữu Hồng Môn, Tả và Hữu Tùng Viện, Hai nửa hồ Trừng Minh, Hai cầu Tả Phụ, Hữu Bật, Nghênh Lương Quán và Điếu Ngư Đình, Bình Sơn và Thành Sơn, hai nửa hồ Tân Nguyệt. Cách bố trí này tạo cho toàn lăng không khí trang nghiêm sâu thẳm.

Quan niệm trời tròn đất vuông được thể hiện qua các cụm kiến trúc làm toát lên tư tưởng trung tâm vũ trụ của một ông vua có nhiều tham vọng. Thêm vào đó các công trình phụ nằm rải rác trong lăng vừa có chức năng cụ thể, vừa mang biểu tượng các hành tinh xoay quanh trái đất, nơi đó “đấng thiên tử” đang ở vị trí trung tâm.

Ngoài ra, nằm trong một không gian chung của toàn lăng, từng khu vực lại có một khoảng không gian riêng biệt vượt qua mỗi một khuôn cửa – Tả Hồng Môn, Hiển Đức Môn, Hoàng Trạch môn, cửa sau Minh Lâu – du khách thấy mở ra trước mắt một không gian mới mẻ, mỗi nơi một khác nhưng đều hoàn chỉnh.

Vẻ đẹp của các kiến trúc lại được nhân lên bội phần nhờ được soi bóng xuống những mặt hồ phẳng lặng bao bọc xung quanh. Hồ Trừng Minh, Hồ Tân Nguyệt mùa hè thơm ngát hương sen và làm cho không khí trong lăng bốn mùa êm dịu.

Tất cả đều được vây kín bởi một vòng la thành dài 1.700m uốn lượn mềm mại giữa những triền đồi, vừa mang tính giới hạn khuôn viên, vừa không gây ý niệm ngăn cách với cảnh quang chung của vùng đất sơn thủy hữu tình.

Cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc trang nhã ở đây, cùng với nghệ thuật đúc đồng và chạm đá tinh tế đã lên đến đỉnh cao dưới thời Minh Mạng, quả thật đã làm cho lăng gây nên một ấn tượng thâm nghiêm và thanh thản đối với khách tham quan.

Tiếc thay, một số công trình kiến trúc ở lăng Minh Mạng đã bị thời gian tàn phá. Hiện nay nhà nước và nhân dân ta đang có những nỗ lực lớn để phục hồi tôn tạo khu lăng nổi tiếng này.

(Tài liệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế)

Bùi Đẹp st

THE CARROT, THE EGG
AND THE COFFEE BEAN

Put three pots of water over the fire.
In the first pot, put some carrots.
In the second pot, put some eggs.
In the third pot, put some coffee beans
that have been grounded into coffee powder.
Boil all three pots for 15 minutes.
Take out what you put in.

The carrots went in hard.
They are now soft.
The eggs went in soft inside.
Now they are hard inside.
The coffee powder has disappeared.
But the water has the colour and the wonderful smell of coffee.

Now think about life.
Life is not always easy.
Life is not always comfortable.
Sometimes life is very hard.
Things don’t happen like we wish.
People don’t treat us like we hope.
We work very hard but get few results.
What happens when we face difficulties ?
Now think about the pots.
The boiling water is like the problems of life.
We can be like the carrots.
We go in tough and strong.
We come out soft and weak.
We get very tired.
We lose hope.
We give up.
There is no more fighting spirit.
Don’t be like the carrots!

CỦ CÀ RỐT, QUẢ TRỨNG
VÀ HẠT CÀ PHÊ

Bạn đặt ba nồi nước lên bếp lửa
Trong cái nồi thứ nhất, bạn bỏ vào vài củ cà rốt.
Trong cái nồi thứ hai, bạn bỏ vào vài quả trứng.
Trong cái nồi thứ ba, bạn bỏ vào vài hạt cà phê
đã được xay thành bột cà phê.
Bạn nấu cả ba nồi trong vòng 15 phút.
Bạn lấy ra những gì bạn đã bỏ vào.
Mấy củ cà rốt lúc đầu thì cứng.
Bây giờ chúng thành mềm.
Mấy quả trứng lúc đầu thì mềm bên trong.
Bây giờ chúng lại cứng bên trong.
Bột cà phê đã biến mất.
Nhưng nước có màu và mùi cà phê tuyệt vời.

Bây giờ hãy nghĩ về cuộc sống.
Cuộc sống không phải bao giờ cũng dễ dàng.
Cuộc sống không phải bao giờ cũng thoải mái.
Đôi khi cuộc sống cũng rất cam go.
Các sự việc không xảy ra như chúng ta muốn.
Người ta không cư xử với chúng ta như chúng ta mong.
Chúng ta làm việc rất chăm mà chỉ đạt ít kết quả.
Chuyện gì xảy ra khi chúng ta đồi diện với các khó khăn ?
Bây giờ hãy nghĩ tới mấy cái nồi.
Nước sôi giống như các vấn đề của cuộc đời.
Chúng ta có thể giống như các củ cà rốt.
Chúng ta đi vào vừa dai vừa mạnh.
Chúng ta đi ra vừa mềm vừa yếu.
Chúng ta cảm thấy rất mệt.
Chúng ta mất hy vọng.
Chúng ta buông xuôi.
Không còn tinh thần chiến đấu nữa.
Đừng giống như các củ cà rốt!

We can be like the eggs.
We start with a soft and sensitive heart.
We end up very hard and unfeeling inside.
We hate others.
We don’t like ourselves.
We become hard-hearted.
There is no warm feeling, only bitterness.
Don’t be like the eggs!
We can be like the coffee beans .
The water does not change the coffee powder.
The coffee powder changes the water!
The water has become different because of the coffee powder.
See it.
Smell it.
Drink it.
The hotter the water, the better the taste.
We can be like the coffee beans.
We make something good from the difficulties we face.
We learn new things.
We have new knowledge, new skills, new abilities.
We grow in experience.
We make the world around us better.
To succeed, we must try… and try again.
We must believe in what we are doing.
We must not give up.
We must be patient.
We must keep pushing.
Problems and difficulties give us the chance to become stronger
and better … and tougher .
What are we like when things do not go well?
Are we like the carrot…
or the egg…
or the coffee bean?
Be like the coffee bean!

Chúng ta có thể giống như mấy quả trứng.
Chúng ta bắt đầu với một trái tim mềm mại và nhạy cảm.
Chúng ta kết thúc rất cứng cỏi và vô cảm trong lòng.
Chúng ta ghét người khác.
Chúng ta không thích chính mình.
Chúng ta trở nên chai đá con tim.
Không có những tâm tình ấm áp, chỉ có chua chát.
Đừng giống như các quả trứng!

Chúng ta có thể giống như các hạt cà phê.
Nước không làm cho bột cà phê thay đổi.
Bột cà phê làm thay đổi nước!
Nước đã thành khác, vì bột cà phê.
Hãy nhìn xem.
Hãy thưởng thức.
Hãy uống.
Nước càng nóng, hương vị càng thơm ngon.
Chúng ta có thể giống như các hạt cà phê.
Từ những khó khăn phải đối mặt, chúng ta làm ra điều tốt lành.
Chúng ta học được những điều mới.
Chúng ta có kiến thức mới, những kỹ năng mới, những tài năng mới.
Chúng ta lớn lên về kinh nghiệm.
Chúng ta làm cho thế giới chung quanh chúng ta nên tốt đẹp hơn.
Muốn thành công, chúng ta phải thử … và thử nữa...

Chúng ta phải tin vào những gì chúng ta đang làm.
Chúng ta không được đầu hàng.
Chúng ta phải kiên nhẫn.
Chúng ta cứ phải đẩy tới.
Các vấn đề và các khó khăn cho chúng ta cơ may
trở nên mạnh mẽ hơn … cũng như tốt đẹp hơn … và dai bền hơn .
Chúng ta giống như thứ gì khi các công việc không xuôi chảy? Phải chăng chúng ta giống như cà rốt…
Hoặc quả trứng…
Hay hạt cà phê?


Hãy nên giống hạt cà phê!

Mạnh Đoàn st từ Internet

Phụ Bản III

TÌNH SỬ CỦA EDGAR POE

Bùi Nghị Trang
Constellation

Với Walt Whitman, Edgar Poe là một trong những nhà thơ lớn của nền thi ca Mỹ. Lần đầu tiên tại Pháp, Charles Baudelaire đã nhìn thấy giá trị và tuyển chọn ra Pháp văn. Nhưng cuộc đời của Edgar ra sao? Là thiên tài hay quỷ dữ?

Chuỗi ngày ấu thơ đầy bất hạnh

Richmond ! Vâng, nơi đây muôn đời vẫn xinh tươi, vẫn dịu dàng với những ngôi nhà mầu trắng như hãnh diện về sự sạch sẽ của mình đứng dọc theo hai bên bờ sông lặng lờ mang những chiếc thuyền nhỏ trôi xuôi.

Richmond với những cây mộc lan đơm hoa dưới bầu trời đầy nắng. Đối với Elisabeth Poe vào một buổi sáng huy hoàng của bầu trời tháng 8-1811, thủ phủ của Virginia xuất hiện như một cửa ngõ hòa bình. Kể từ mấy tháng nay, Virginia Players, nhóm kịch lưu động đã mang người đàn bà trẻ đầy nhựa sống, hăm hở tưởng chừng như không bao giờ dứt trong giòng máu nghệ sĩ lê bước trên con đường cái quan đầy bụi phong trần xuống miền Nam Mỹ Quốc. Nhưng Elisabeth chẳng thấy một nữ nghệ sĩ nào được giới trung lưu tại Richmond hoan hô, ngưỡng mộ họ. Nàng chẳng hưởng được những giây phút đó. Mới 25 tuổi đầu sức khỏe của nàng đã bị đe dọa. Và nỗi bất hạnh đó kéo lê từ tỉnh này qua tỉnh khác từ mấy năm nay. Richmond! Nàng biết rõ đây là nơi chốn cuối cùng để nàng vĩnh viễn về với cát bụi.

Năm trước 1810, David Poe chồng nàng đã bỏ nàng mà đi khi họ cùng đóng chung một vở kịch của Shakespeare ở Nữu Ước. David là một kịch sĩ tồi, tính tình yếu đuối và bất định say sưa suốt ngày, thâm căn cố đế với chai rượu. Chàng bỏ đi biệt, không hề để lại cho nàng một dấu tích nào. Kể từ đó người ta hoàn toàn mù tịt về cuộc sống của David. Bây giờ thì chỉ còn nàng dạy dỗ con thơ. Nhưng khốn nỗi nàng làm không đủ để nuôi sống ba con. Nàng phải gởi đứa con đầu về cha mẹ ruột ở Baltimore. Elisabeth chỉ còn nuôi Edgar Poe, đứa con mà nàng thương nhất cùng với đứa con gái cuối cùng.

Ngày 29-10, báo chí ở Richmond loan tin và kêu gọi lòng từ thiện của mọi người:

“Đêm nay, bà Poe đang kéo lê cuộc sống khổ cực trên giường bệnh. Bà sắp từ giã cõi đời và kêu gọi lòng từ thiện của chúng ta, lời kêu gọi cuối cùng.”

Ngày 10-12, cũng tờ báo đó đã loan báo cái chết của nữ nghệ sĩ trẻ, người vợ sầu khổ. Người mẹ của đàn con bất hạnh suốt chuỗi ngày tàn.

Đối với cậu bé Edgar, tấn bi kịch đã thực sự mở màn. Lúc mẹ mất, chú mới lên ba. Hoàn toàn Edgar không hiểu gì cả. Chết. Chết là cái gì mới được chứ? Edgar không chịu nhận rằng mẹ đã chết. Vài ngày sau cái chết của mẹ, rạp hát đóng chặt cánh cửa khép kín kỷ niệm suốt khoảng đời của một đứa trẻ ngây thơ.

“Edgar và em gái bắt đầu cuộc sống lạc loài. Chúng lang thang ngoài đường phố, không thức ăn uống. Không tiền bạc. Không một vật gì để có thể cầm cố sống qua ngày. Không cả giấy tờ tùy thân, áo quần thì bẩn thỉu dơ dáy. Hai đứa trẻ đói lả người. Chúng sắp chết đói. Người chúng khô khan da bọc xương. Bé gái đang trong cơn hấp hối. Phải gấp rút cứu cấp chúng.”

Sau khi tờ báo đăng lời kêu gọi, bà Mac Kensie nhận Rosalie về nuôi dưỡng, và bà Allan nhận Edgar làm con nuôi.

Allan là một người đàn bà trẻ, 27 tuổi, không có con và vợ của một đại thương gia ở Richmond.

Bà Allan dẫn Edgar về ngôi nhà nguy nga, tráng lệ, một ngôi nhà thơm sặc mùi rượu quế sâm. Edgar Poe bây giờ trở thành Edgar Allan Poe!

Người ta có thể tin rằng đối với Edgar Allan Poe đó là chuỗi ngày sung sướng hạnh phúc nhất trong tuổi ấu thơ. Nơi đây Edgar không còn sống cực khổ như đã sống trong rạp hát nghèo nàn, chui rúc. Nơi đây Edgar được nuôi nấng như con trai cưng của nhà giàu. Ăn uống dư thừa. Ăn mặc và chọn lựa và hoàn toàn được cưng chiều.

Cha mẹ nuôi Edgar không ngừng thán phục tài đọc sách và vẽ của cậu trước những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Edgar còn có tài hát và kể chuyện nữa. Giờ đây Edgar đã có tiền, lại có thêm tình thương và sự thán phục đặc biệt. Lại, là con một nữa nên Edgar ngự trị trên sự cưng chiều đặc biệt của gia đình Allan. Sau này Edgar có ghi lại:

“Ý kiến của tôi là ý kiến của gia đình, và vì tuổi còn nhỏ nên tôi thường không rời khỏi gấu váy của mẹ nuôi tôi. Nhưng dù vậy tôi vẫn làm việc theo sự thúc đẩy của năng khiếu riêng tư nên tôi trở thành kẻ chủ động trong công việc làm.”

Nhưng Edgar Allan Poe có sung sướng thật chăng? Định mệnh của chú bé lang bạt này chưa hẳn chỉ có thế. Edgar đang ở trong một mê lộ khúc mắc. Chú bé đang làm những chuyện quỷ quái, đáng nguyền rủa. Con người của Edgar Allan Poe mang hai khuôn mặt. Khuôn mặt của người học trò dễ thương, ngoan ngoãn, đẹp trai, học giỏi… và khuôn mặt ma quái, dị hợm. Edgar say mê rượu chè tuy không lang bạt kỳ hồ và chìm sâu vào nỗi buồn rầu. Hầu như lúc nào Edgar cũng để lộ nỗi buồn trên khuôn mặt. Chính sự đau khổ này đã khép kín đời Poe, là chìa khóa mở cửa địa ngục cho Edgar vào và là chìa khóa thành công của chàng trong tác phẩm. Người ta thường nghe trẻ con trong vùng kháo nhau rằng Edgar Poe thường nghĩ đến khuôn mặt như thiên thần của mẹ, còn đẹp hơn bà hoàng trong vở kịch của Shakespeare. Chính vì chuyện này mà Edgar đã bị thiên hạ nguyền rủa.

Xung đột với cha nuôi

Mùa hè năm 1815, trong chuyến đi lo việc cải thiện buôn bán với Anh quốc, ông Allan mang vợ và con nuôi đi theo. Cả hai vợ chồng Allan đều đồng ‎ý gởi Edgar vào một k‎ý túc xá. Đầu tiên họ gởi cậu vào một trường nội trú ở Ecosse, rồi sau đó lại dời qua một ngôi trường khác ở ngoại ô Luân Đôn trong khu “Manor house School” của các nữ tu sĩ Bransby.

Trong tâm hồn Edgar, tiền trọ do cha mẹ nuôi trả và sự xa cách này có một hậu quả thật kinh khủng. Đây là lần đầu tiên Edgar rời cha mẹ nuôi mà chàng đã thương yêu. Trong khung cảnh mới này, Edgar đã nảy sinh ra cảm giác mới, đấy là cảm giác của một người con trai không còn thấy mình là một đứa con nuôi.

Bầu trời trong sáng của Richmond thực sự đã khép chặt trong lòng Edgar. Sương mù, quạ và những tình cảm mới làm Edgar chìm đắm trong cơn lốc hoang tàn sầu khổ.

Edgar ở Anh được non 4 năm. Vào năm 1820 John Allan bị buộc phải đóng cửa chi nhánh ở Anh.

Cả gia đình lại trở về Richmond. Edgar sung sướng vô cùng vì chàng sẽ tìm gặp lại đứa em gái ruột thịt Rosalie. Nhưng một tin buồn giáng xuống sự hăm hở của Edgar khi chàng đến nhà ông bà Mac Kensie, cha mẹ nuôi của em gái: Rosalie không lớn bao nhiêu và bệnh điên loạn đang xâm nhập cơ thể nàng. Đối với Edgar, đó là một dấu hiệu rõ ràng của định mệnh tàn nhẫn dành cho anh em chàng.

Hạnh phúc không còn ngự trị trong chàng ở Richmond nữa. Nơi đây, bây giờ trở thành bầu trời khốn khổ của Edgar dù có sang trọng, qu‎ý phái lúc đến học ở trường Clarke. “Người ta biết rằng cha mẹ của nó trước kia là hai nghệ sĩ”, một trong những người điều khiển đã ghi vào lý lịch của Edgar, “và đời sống của đương sự giờ đây tùy thuộc vào cha nuôi.”

Từ lời tuyên bố đó của những kẻ vô trách nhiệm làm tình thương yêu giữa Edgar và ông cha nuôi càng ngày càng sứt mẻ và trở nên căng thẳng đến độ Edgar trở thành kẻ biển lận, vô ơn. Edgar càng ngày càng đi sâu vào sự bội phản, cho tới một ngày chính miệng Edgar đã thốt lên câu nói không ai ngờ trước được đối với cha nuôi: “Tôi có cần đến lòng từ thiện của ông đâu!” Chỉ vì ông Allan đã đánh giá sự phí bỏ thì giờ quá lớn lao trong công việc làm thơ mà không chịu học hành của Edgar.

Cũng trong thời gian này, một trong những người bạn của Edgar là Bob Stanard đã mang chàng về giới thiệu với mẹ. Edgar lấy làm hãnh diện vô cùng. Bà Stanard, mẹ của Bob tuy đã già nhưng sắc đẹp vẫn còn mặn mà, quyến rũ.

Chúng ta cũng nên biết thêm về tính tình của Edgar Allan Poe. Hầu như đối với Edgar, người đàn bà nào đẹp mà chàng gặp chàng cũng có thể mơ mộng được. Chính vì lòng nhạy cảm đó mà Edgar đã mơ đến một thế giới không tưởng khác, tự do hơn, nơi đó không có lằn ranh nào ngăn cản sự yêu thương giữa đàn ông và đàn bà. Cũng chính vì sự bừa bãi đó mà người đời đã kết án nhà thơ lớn này có tư tưởng loạn luân.

Cha của Bob, thẩm phán Stanard không hề hay biết sự liên lạc này. Edgar lại say mê làm thơ tặng. Chính Edgar đặt cho bà cái tên Hélène. Đến tháng 4-1824, Hélène chết. Người ta thường thấy Edgar một mình trong đêm khuya thanh vắng đến nghĩa trang thăm người dưới lòng mộ sâu.

Tại trường đại học Virginia, nơi Edgar đến ghi danh học vào tháng 2-1826. Edgar dường như thay đổi hẳn khuôn mặt. Chàng sống một mình và suốt ngày không điểm nụ cười nào trên môi.

Một buổi chiều mùa đông trong căn phòng của Edgar, vì hết củi, lửa sắp tắt, Edgar phá tủ đốt. Sau đó Edgar lại bắt đầu uống rượu. “Uống tàn bạo, uống hung dữ, uống man rợ”, Edgar đã nói thế. Con trai của David Poe, một gã sâu rượu đã trở thành kẻ sâu rượu. Hổ phụ sinh hổ tử. Bởi sự trác táng quá độ đó, Edgar đã rơi vào trạng thái lâng lâng xuất thần và kinh hãi cùng một lúc. Edgar bắt đầu đùa với cuồng nộ. Căn phòng của chàng – căn phòng mang số 13 chẳng khác gì sào huyệt của kẻ làm chuyện bất lương. Và khi chàng trở lại Richmond trong lần nghỉ lễ Giáng sinh, tính ra chàng đã tiêu 2.000 đô la và cả chục thùng Champagne.

Lao vào trác táng, suy nhược

Sau khi gây gổ với cha nuôi, bây giờ muốn nối lại tình thân cũng khó. Thế là ngày 24-3-1827 Edgar quyết định lìa bỏ tổ ấm thứ hai này. Đấy là sự chạy trốn lớn lao có ‎ý thức đầu đời mà Edgar quyết định. Trong thời gian này Edgar sáng tác rất nhiều thơ. Chàng cho xuất bản tập “Tamerlan et autres poèmes” khá thành công. Chàng được dư luận chú ý nhất là trong giới sinh viên học sinh. Lúc này đây Edgar vẫn còn nuôi dưỡng ‎ý định trở lại địa vị đứa con nuôi trong gia đình. Trong phần lý lịch ghi khi Edgar đăng vào lính sang chiến đấu ở Hy Lạp và làm lính kỵ binh vào ngày 26-5-1827 chàng ghi tên mới là Edgar A. Peny, công nhân ở Boston, mắt xám tóc hung, thích những công tác bí mật.

Ngày 28-2-1829, bà Frances Allan chết. Edgar cũng không về thăm mẹ dù trong tim chàng vẫn còn ý tưởng một đứa con nuôi.

Đến tháng 8-1830, Edgar xin vào trường võ bị West Point. Nhưng sau một thời gian chịu đựng, Edgar lại trở thành thói quen cũ, mất trật tự, vô kỷ luật. Trong khoảng 20 ngày, Edgar vắng mặt 21 lần tập họp và hai lần bất tuân thượng lệnh.

Ngày 28-1-1831, nhà trường họp Hội Đồng kỷ luật và Edgar bị loại khỏi trường võ bị West Point.

Sau khi bị loại khỏi nơi đây Edgar trở nên người bi đát, buồn khổ nhưng vẫn ham sống. Chàng không tiền không bạc, lại không thể nào trở lại Richmond. Edgar sống tứ cố vô thân, chàng lại phải mò về Baltimore nương nhà bà dì Maria Clemm để sống.

Trước đó Edgar đã từng tuyên bố: tôi sống còn hơn cả loài vật. Cũng trong thời gian này Edgar bắt đầu viết chuyện kể và chàng đã thành công thật nhanh chóng.

Vào năm 1833, Edgar gởi một lúc 5 truyện ngắn dự thi do một nhân vật báo tổ chức, tờ Baltimore Visiter và đã đoạt giải nhất với truyện “Manuscrit trouvé dans une bouteille” (Bản thảo tìm thấy trong chai). Cũng nhờ sự thành công nhanh chóng này mà Edgar được mời ra trông nom một tạp chí ở Richmond. Edgar có viết:

“Bây giờ tôi đã được mọi người nể vì khá quan trọng và sung sướng. Tôi sẽ thành công rực rỡ trong tương lai. Và tóm lại, tôi sẽ là một người sung sướng.”

Nhưng cùng với sự thành công đó, Edgar lại trở thành bợm nhậu ghê gớm hơn. Rượu đã đẩy chàng vào bệnh lao và mất cảm giác. Chàng suy nhược. Chỉ ba tháng sau, chàng đã trở thành kẻ khốn khổ nhất trần đời.

Và rồi chàng bỏ tất cả để đi giao du. Từ Richmond chàng đến Philadelphie. Từ Philadelphie chàng lại qua Nữu Ước. Luôn luôn chàng giữ phong thái, tư cách giám đốc của một tạp chí danh tiếng ở Richmond. Đi đâu chàng cũng nghe tiếng tăm mình vang dội.

Và vào năm đó, 1836, một biến cố tình yêu xảy đến trong đời Poe, chàng cưới con người bạn dì làm vợ, nàng Virginia Clemm.

Nàng chỉ là một cô gái 14 tuổi đầu, đẹp thần tiên. Edgar đã tả nàng:

“Nàng có cặp mắt lớn như mắt nai, nước da trắng hồng, khuôn mặt xanh xao và mái tóc dài mượt. Ở nàng là một bài thơ tuyệt cú.”

Tuần trăng mật kéo dài đến 14 ngày. Hai người sống trong hạnh phúc. Edgar tâm sự:

“Tôi yêu nàng như yêu một em bé. Tôi cũng nghĩ rằng nàng là người vợ chánh thức của tôi.”

Nhưng trời xanh vẫn cắc cớ. Virginia cũng mắc bệnh lao như mẹ chàng và chết trẻ.

Đối với Poe, đó là một tiếng sét điếng người. Sâu trong tâm khảm chàng, chàng đang chờ đợi một cơn bạo bệnh. Con bệnh này đánh thức con quỷ đã nằm yên trong người Poe. Chàng quyết định uống thêm rượu. Uống rượu là uống hết những khổ đau chồng chất. Và sau đó chàng say sưa viết. Nhờ Virginia, chàng đã làm được một bài thơ bất hủ: Annabel Lee.

Đã có nhiều năm, rất nhiều năm
Trong vương quốc gần biển xanh
Cô gái tròn xuân say sưa sống
Người gọi tên nàng Annabel
Annabel ơi em sống ngập tình
Nàng là biển tình yêu cho đời tôi vùng vẫy

Edgar sống trong cơn say của thơ, của rượu và đợi chờ cái chết đến với mình sau khi Virginia vợ chàng qua đời ở Fordhome ngày 30-1-1847 trong một túp lều tranh ở ngoại ô thành phố Nữu Ước.

Năm 1849, sau thời gian say sưa với bầu rượu, thuốc phiện, túi thơ, Poe lại trở về Richmond. Lần trở lại này chàng chối từ ra trước công chúng và bỏ rượu nhưng không được bao lâu.

Ngày 27-9-1849, chàng lại trở về Nữu Ước. Ngày 3-10, người ta tìm thấy chàng bất tỉnh trên đường rầy xe lửa ở Baltimore. Người ta chở Edgar vào bệnh viện, nhưng qua cơn đau kéo dài 4 ngày trời, chàng tắt thở vĩnh biệt cuộc đời đầy bất hạnh dành cho chàng.

Lúc đó Edgar chỉ mới ở lứa tuổi 40.

Hoàng Chúc st

Hóa Chất Không Dính: Teflon

(NON STICK PAN)

(tiện lợi nhưng rất nguy hiểm xin nhắc nhở gia đình)

Cho đến nay, hầu hết dân chúng trên thế giới đều biết đến hóa chất Teflon đặc biệt là trong các công việc bếp núc. Tính chất đặc thù của hóa chất nầy là không làm thức ăn dính vào nồi niêu soong chảo sau khi đã được phủ một lớp mỏng bên trong.

Nhưng trong những năm gần đây, tại Hoa Kỳ đã xảy ra những vụ kiện của dân chúng về những tính độc hại của Teflon. Tuy đây chỉ là những vụ kiện đơn lẻ, nhưng tầm quan trọng của vấn đề cũng đáng cho chúng ta cần lưu tâm đến.

Đặc tính của Teflon

Teflon là tên thương hiệu của một chất polymer do nhà khoa học Roy Plunkett (1910 – 1994) khám phá vào năm 1938. Sản phẩm nầy được hãng DuPont tung ra thị trường từ năm 1946. Đây là một hóa chất hữu cơ chứa fluor, có tính chất chịu nhiệt và không kết dính.

Khoảng 50 năm về trước DuPont đã bắt đầu sản xuất đủ loại sản phẩm dùng trong nấu nướng có phủ một lớp Teflon. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng nấu nướng làm cho dịch vụ nầy được thực hiện dễ dàng và thâu ngắn thời gian làm bếp của những ông bà nội trợ. Các dụng cụ bếp núc mới tiếp tục ra đời, ngay cả lò nướng và soong chảo bằng điện. Hiện tại, 70% dụng cụ nấu nướng ở Hoa Kỳ là thuộc loại không dính.

Chất Teflon không dính là do một tính chất đặc biệt của hóa chất nầy. Teflon chỉ là một tên thương hiệu dùng để gọi thay thế tên hóa chất của một loại polymer polytetrafluoroethy lene viết tắt là PTFE.

Đặc tính độc đáo của PTFE là hệ số ma sát (coefficient of friction) của chất này thấp nhất đối với tất cả các kim loại hiện diện trên trái đất. Do đó nó có thể được dùng như một lớp áo tráng bên trong nồi niêu trong kỹ nghệ nấu nướng.

Độ nóng chảy của PTFE là 3270C. Vì hệ số cọ sát thấp, PTFE còn được dùng trong kỹ nghệ không gian và trong kỹ nghệ tinh luyện uranium, áo giáp chống đạn, vật cách điện vv... Bốn năm sau khi tung ra thị trường từ năm 1950, hảng DuPont đã sản xuất trên 500 tấn PTFE tại cơ xưởng ở Virginia.

Nguy hại của Teflon

Với những tiện lợi đã nêu trên nhất là trong việc nấu nướng, tuy nhiên Teflon cũng cho thấy nhiều mặt tiêu cực khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Xin nhắc lại một lần nữa là khi áp dụng một hóa chất nào trong đời sống, chắc chắn chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều điểm thuận lợi và cũng có những bất lợi kèm theo sau. Trường hợp của Teflon cũng không là một ngoại lệ nào cả.

Từ những ứng dụng trên đặc biệt trong kỹ nghệ nấu nướng, nếu các chảo không dính được đun ở nhiệt độ cao, khí độc có thể bốc lên tùy theo nhiệt độ đang đun. Khí nầy có thể là một vũ khí có thể giết chết chim chóc, và ảnh hưởng lên con người qua cảm giác như bị bịnh cúm (flu-like), làm cơ thể bị nóng sốt trong vòng một tuần lễ tùy theo cung cách và cường độ bị tiếp nhiễm. Việc tiếp nhiễm có thể xảy ra khi chảo Teflon vẩn còn trên bếp nóng ở trong một gian nhà bếp nhỏ, ít thoáng khí và không có máy hút khói. Trong trường hợp hệ trên, nghĩa là lớp Teflon bị nun nóng quá độ, Teflon sẽ bị phân hủy và khí thoát ra có thể gây tử vong cho người. Teflon bắt đầu bị phân hủy từng phần ở khoảng 5000F (tương đương 2600C), và bị phân hủy hoàn toàn ở nhiệt độ 6600F (3500C).

Để có thể có một khái niệm để so sánh, dầu mở hay bơ bắt đầu chảy và sôi cùng ra khói vào khoảng 3920F (2000C), còn thịt bị cháy khi được nun nóng đến khoảng 400 – 4500F (200 – 2300C). Chúng ta cũng cần nên nhớ rằng khi đạt đến các nhiệt độ kể trên thì nhiệt độ của đáy chảo sẽ cao hơn khoảng 3000F, nghĩa là lớp Teflon có thể đã bắt đầu phân hủy rồi.

Năm 2005, Hội đồng Cố vấn Khoa học (SAB) của Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (USEPA) đã khám phá rằng hóa chất perfluorooctanoic acid (PFOA), một hóa chất dùng để điều chế Teflon là dường như gây ra ung thư (likely carcinogen).

Suzan Hazen, Phụ tá Hành chánh của EPA, sau khi nhận được một báo cáo khoa học công bố rằng đã có chỉ dấu của hóa chất PFOA trong máu của 90% người HK, tuyên bồ rằng: “Mặc dù nguồn gốc của sự tiếp nhiễm nầy còn mơ hồ, nhưng các dụng cụ nấu nướng không dính đang là một nghi vấn lớn”. Và EPA cũng đã nghiên cứu vấn đề nầy để có thể đem ra thảo luận trong các hội nghị chuyên đề sắp tới.

Trường hợp điển hình

Có hai trường hợp được nêu ra đây, đó là việc ảnh hưởng lên súc vật và người của hóa chất vừa kể trên.

Vào tháng 6, 1999 tại West Virginia, gia đình Tennent đã kiện hãng DuPont vì đã làm chết 280 con bò của gia dình nầy do hóa chất PFOA phế thải vào bãi rác lộ thiên, không độc hại ở gần nơi cư trú của gia đình. Nước rỉ của bãi rác trên đã đi vào rãnh nước xuyên qua khu đất nuôi bò. Vụ kiện đã được dàn xếp nội bộ, nhưng số tiền bồi thường không được công bố.

Vụ thứ hai, vào năm 2004, DuPont đã phải trả 300 triệu Mỹ kim để dàn xếp một vụ kiện khác do các cư dân sống chung quanh nhà máy sản xuất Teflon ở Ohio và West Virginia căn cứ vào nguồn nước ngầm ở hai nơi nầy bị ô nhiễm vì hóa chất trên, và một số người dân bị tiếp nhiễm và sức khỏe bị ảnh hưởng cũng như có một số chỉ dấu liên quan đến mầm móng ung thư.

Tuy nhiên, Cơ quan EPA HK vẫn chưa có một quyết định dứt khoát nào về hóa chất PFOA nầy, là vì các cơ quan y tế và nghiên cứu chưa thu thập đủ dữ kiện để kết luận tính chất ung thư của hóa chất.

Sự thận trọng nầy rất cần thiết và áp dụng cho mọi trường hợp. Ngoài ra, có thể còn có những sức ép khác đặt trên căn bản kinh tế-chính trị ảnh hưởng lên các kết luận của cơ quan y tế HK ngoài vấn đề ảnh hưởng lên sức khỏe và môi trường.

Cho đến nay 2006, hóa chất nầy vẫn chưa được EPA liệt kê vào danh sách hóa chất có nguy cơ gây ra bịnh ung thư. Báo Washington Post ngày 23/12/2005 có loan tải tin tức như sau: “EPA đang cứu xét sự kiện hóa chất PFOA có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người và phải được qui định thành luật. Hóa chất nầy là một trong những hóa chất hữu cơ sinh tụ và không phân hủy (bio-accumulative persistent organic pollutants – POPs)), liên quan đến bịnh ung thư và phát sinh dị hình dị dạng nơi thú vật; do đó, có thể gây ra ung thư cho con người”. Như vậy chúng ta đã thấy EPA Hoa Kỳ rất thận trọng trong lãnh vực làm luật.

Đối với trách nhiệm của những nhà sản xuất, trong trường hợp hãng DuPont, ngoài hóa chất PFOA, hóa chất dùng để sản xuất Teflon, hãng nầy còn sản xuất một hóa chất rất nổi tiếng là CFC viết tắt của tên hóa chất chlorofluorocarbon. Đây là một hóa chất dùng trong kỹ nghệ lạnh và là một hóa chất gây ảnh hưởng đến tầng lớp ozone của bầu khí quyển, còn gọi là hiệu ứng nhà kính.

Trong quyết định của 189 nguyên thủ quốc gia ở kỳ nhóm họp tại Montreal năm 1989, Nghị định thư Montreal ra đời với kết luận là phải chấm dứt việc sản xuất hóa chất CFC vào năm 2006. Chính hãng DuPont vào năm 1992 cũng đã tuyên bố là sẽ chấm dứt việc sản xuất chất CFC càng sớm càng tốt. Nhưng hãng nầy vẫn tiếp tục tung ra thị trường hóa chất trên. Tiếc thay, điều nầy nói lên được sức ép của những thế lực tư bản ở đất nước nầy, và các thế lực trên có khả năng khuynh đảo những luật lệ đã được quốc tế đồng thuận.

Trở qua việc sản xuất PFOA, kể từ đầu năm 2006, hãng DuPont, công ty duy nhất sản xuất chất PFOA tại HK, chiếm 25% mức sản xuất trên thế giới đã đồng ý tiết giảm dần dần sự phát thải của chất nầy vào môi trường và hứa chấm dứt vào năm 2015. Hãng cũng hiện đang nghiên cứu một loại hóa chất khác để điều chế Teflon như tổng hợp trực tiếp fluor và ethylene.

Chúng ta cũng khó biết hãng nầy có giữ được lời hứa hay không, hay cũng giống như trường hợp của chất CFC.

Thay lời kết

Như đã trình bày trên đây, các dụng cụ nấu bếp có Teflon đem lại nhiều tiện lợi trong việc nấu nướng; tuy nhiên những thuận lợi đó có thể mang lại cho chúng ta phiền não nếu sử dụng không đúng cách.

Trong cung cách nấu nướng của Việt Nam, chúng ta thường hay nấu ở nhiệt độ cao, và chưng hay hầm thức ăn trong một thời gian dài. Điều nầy có thể làm cho lớp Teflon bị phân hủy mà chúng ta không nhận biết được. Do đó, ảnh hưởng lên sức khỏe có thể xảy ra trong một thời gian dài sử dụng mà có rất ít người lưu tâm đến.

Vì đây là những chất hữu cơ bền vững, không bị phân hủy theo th9 Di gian, sẽ tích tụ trong cơ thể chúng ta. Một khi liều lượng đã đạt đền mức gây nhiễm độc, khả năng được chữa trị lành sẽ rất thấp.

Vì vậy, đề nghị trong công việc nấu nướng, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các dụng cụ có lớp Teflon, cũng như không nên dùng lại các dụng cụ trên khi thấy có những vết trầy hay lớp Teflon trên mặt không còn trơn láng nữa.

Điều sau nầy nói lên mức độ phân hủy của Teflon rất cao vì không còn có lớp bảo vệ trên mặt nữa.

Bs Nguyễn Lân Đính st

CÁ THÁNG TƯ

Tại một số nước Tây phương có một tục lệ rất vui: đó là ngày 1 tháng 4 là ngày mà mọi người đều được phép nói dối vô tội vạ để đánh lừa người khác. Người Pháp gọi trò đùa này là “Poisson d’Avril” (cá tháng tư).

Cái khéo léo của người nói dối là làm sao để người nghe tưởng thật một chuyện liên quan đến họ khiến họ vui mừng rồi hành động một cách tin tưởng để đạt được “niềm vui” ấy, hoặc hốt hoảng lo sợ vv…

Thế nhưng ta chớ nên đùa dai làm tổn thương họ, chỉ 5 phút thôi nhé. Khi thấy họ hớn hở vui mừng hoặc cuống qu‎ýt lo sợ, ta chỉ cần hỏi: “À, hôm nay là ngày mấy bạn nhỉ?” hoặc “Bạn có thích ăn cá không” là họ chợt hiểu và sẽ đấm cho bạn một quả khá đau đấy!

THÙY DƯƠNG

Chữ Ăn

Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”.

Khi còn bé thì “ăn học”, lớn thêm chút nữa thì “ăn chơi”, lúc có bạn gái thì chăm chăm tìm cách “ăn thịt”.

Ăn thịt xong thì phải “ăn hỏi” rồi “ăn cưới”, cưới về phải tiến hành “ăn nằm”.

Khi vợ đến kỳ nguyệt san đành phải “ăn chay” hoặc “ăn vụng”, sau khi vợ sinh em bé thì phải “ăn kiêng”, về già rụng răng phải “ăn cháo”, xa thêm tí nữa thì theo các cụ mà “ăn xôi”…

MD st

ĐIỂM SÁCH :

WHO MOVED MY CHEESE
( Ai Lấy Phó Mát của Tôi)

B.S. Spencer Jonhson

Xuất bản năm 1998 tại Mỹ, cuốn sách mỏng (chỉ độ vài chục trang nếu in bằng chữ nhỏ như chữ của bài này) này đã bán được khoảng 25 triệu cuốn trên khắp thế giới, được dịch ra 46 thứ tiếng trong đó có Việt ngữ (nxb Trí Việt, 2005). Riêng tại Nhật Bản số sách đã bán ra là 5 triệu cuốn, kỷ lục cho một cuốn sách mà tác giả không phải là người Nhật.

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn về hai con chuột và hai người tí hon. Họ tìm được một kho phó mát ngon. Phó mát ở đây tượng trưng cho những gì đáng quý nhất của đời sống. Họ thưởng thức phó mát này ngày nọ qua ngày kia và coi như của riêng của họ. Nhưng rồi một hôm khi họ đến kho thì chẳng thấy phó mát đâu cả. Ai đó đã lấy đi hết tất cả phó mát. Hai con chuột chẳng thắc mắc gì cả, vội đi kiếm kho khác và chẳng bao lâu họ lại tìm được một kho mới. Hai người Tí hon thì cho rằng mình thông minh, họ than thân trách phận, oán trách ai đó đã lấy đi phó mát của họ, thật không thể tin được. Họ phân tích, chờ đợi mãi mà chẳng thấy ai đem đến trả. Lúc gần tuyệt vọng, một trong hai người tí hon (người tiến bộ hơn) đã ra đi một cách dè dặt, rồi thì anh ta cũng kiếm được một kho phó mát mới.

Ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn này là: Thay đổi là điểu thường phải làm. Nếu phải thay đổi thì hãy làm ngay đừng lo lắng ngần ngại.

Cuốn sách này ra đời vào lúc hiện tượng toàn cầu hóa (globalization) đang xảy ra. Các công ty Mỹ phải thực hiện sự thay đổi để sống còn. Hàng trăm công ty, tập đoàn lớn của Mỹ đã thú nhận trằng tư tưởng của cuốn sách này đã giúp họ khỏi phá sản. Các công ty và tập đoàn này đã khuyến khích công nhân viên của họ đọc, hoặc phát không cuốn sách này cho công nhân viên. Rất nhiều người nói rằng cuốn sách này đã thay đổi cuộc sống và giúp họ sống hạnh phúc hơn.

N.C.T

10 TÁC PHẨM VĂN HỌC
CỦA THIÊN NIÊN KỶ

(Bình chọn của NXB World Almanac Books, Mỹ)

1. Khái quát về Thần học của Thomas Aquinas.

Tác phẩm này được viết từ năm 1265-1273, trình bày bằng những kiến giải về lòng trung thực cũng như những lẽ phải. Được coi như là tác phẩm đặt nền móng cho những l‎ý thuyết của Thiên Chúa Giáo La Mã. Người ta cho rằng đây là tác phẩm đã khởi nguồn cho những tư tưởng khoa học ở Châu Âu mà nếu thiếu nó thì Dante không thể viết được Thần Khúc cũng như James Joyee không viết được Ulysses.

2. Thần Khúc của Dante Alighieri .

Được viết từ năm 1307-1321. Bản trường ca vĩ đại gồm 100 khúc ca với tổng cộng 14.226 câu thơ mô tả cuộc hành trình hư ảo của nhà thơ Dante từ địa ngục qua 7 tầng tẩy oan của con người sám hối để tới Thiên đường. Một trong những tác phẩm thi ca kiệt xuất của thời cổ đại, cả về sự giản dị trong kết cấu cũng như sự trong sáng trong từng câu thơ.

3. Don Quixote.

Phần I viết năm 1605, phần II viết năm 1615 của Miguel de Cervantes. Câu chuyện kể về một nhà quý‎ tộc người Tây Ban Nha đọc quá nhiều sách về những hiệp sĩ, muốn đem những điều ông ta đã đọc được trong sách áp dụng vào cuộc đời thật. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Châu Âu, với bút pháp trào lộng và tính biểu tượng cực kỳ sâu sắc.

4.Hài kịch, lịch sử, Bi kịch.

Được viết từ năm 1590-1613, công bố năm 1623. Tác giả là William Shakespeare, một trong những thiên tài thi ca và kịch tác gia người Anh. Ông viết tất cả 36 vở kịch với những tính cách nhân vật, những tình huống kịch được thể hiện bởi một tài năng vô song đủ sức mê hoặc và làm kinh ngạc độc giả của mọi thời đại.

5. Căng-đích.

Sáng tác năm 1759 của Voltaire. Cuốn sách triết học này được viết trong thời gian 3 ngày và khi xuất bản không đề tên tác giả. Một công trình tuyệt tác mô tả bi kịch của sự va chạm giữa lý tưởng với hiện thực của cuộc sống.

6. Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã.

Viết từ năm 1776-1788, tác giả 6 tập này là một tượng đài của chủ nghĩa khai sáng, tiếp tục đạt được những đỉnh cao nghệ thuật trong việc phân tích từng vấn đề của lịch sử và xã hội.

7. Chiến tranh và Hòa bình.

Được viết trong 5 năm, từ 1855-1860. Tác giả là văn hào Leo Tolstoy. Một tác phẩm hoành tráng mô tả hầu như toàn cảnh cuộc xâm lược nước Nga của Napoléon với những khắc họa tính cách nhân vật vô cùng sinh động và sâu sắc trong những biến động dữ dội của thời cuộc.

8. Lũ người Quỷ ám.

Sáng tác trong 2 năm 1871-1872 của tác giả Dostoyevsky người Nga. Một tác phẩm thiên tài về những người cách mạng cánh hữu, một cái nhìn thông tuệ vào tâm hồn sâu thẳm của con người.

9. Tìm lại thời gian đã mất.

Viết từ năm 1913-1927 của nhà văn Pháp Marcel Proust. Tác phẩm với trên 4000 trang này, bao gồm 2 phần: Bên nhà Xvan và Dưới bóng những cô gái tuổi hoa cũng là một cuộc thám hiểm vào đại dương sâu thẳm cũng như những đỉnh cao chót vót rối tung đời sống nội tâm con người.

Phụ Bản IV

10. Ulysses.

Sáng tác năm 1922, tác giả là James Joyee. Chỉ mô tả một ngày tháng 6 trong năm 1904 tại một thị trấn nhỏ ở Du-blin nhưng tác phẩm là hình ảnh thu nhỏ của hiện thực đời sống với tất cả những tin đồn cũng như sự đa dạng của nó. Một tuyệt phẩm Ô-đi-xê của thời hiện đại.

Tiền Phong, Xuân Canh Thìn (2000)
Bùi Đẹp st

NHÀ
ĐIÊU
KHẮC
KINH
HOÀNG

Truyện kinh dị của JEAN RAMEAU

Sự việc bắt đầu từ ngày nhà điêu khắc Albert Teigguert trở về sau một chuyến đi du lịch ở Hy Lạp. Sau trên 20 năm sống âm thầm, cần cù, bên các bia mộ và phù điêu đủ loại, Teigguert vẫn hoàn toàn là một nhà điêu khắc vô danh, chẳng được ai biết đến.

Một ngày đẹp trời, có lẽ vì đã chán ngấy cuộc sống của một nghệ sĩ không tên tuổi, tài năng không được người đời biết đến, Teigguert đã quyết định làm một chuyến đi qua Hy Lạp, trước là để tìm cảm hứng mới, sau là để chạy trốn cảnh nhàm chán ngày này sang tháng khác làm việc “theo đơn đặt hàng”.

Thế là Teigguert đi Hy Lạp mà không cho một ai biết lộ trình, chỗ ở, cũng như thời hạn của chuyến đi. Sau nhiều tháng vắng mặt, các bạn bè của chàng, người thì bảo chàng đi du ngoạn ở quần đảo Ioniennes, người thì bảo chàng đang ở Olympie…

Một năm sau, chàng trở lại Pháp, mang về một vẻ mặt có phần hưng phấn, nhưng cũng có hơi già đi: tóc hai bên thái dương đã nhuốm bạc, thỉnh thoảng lại máy môi, nhất là cặp mắt, khi xưa trong sáng bao nhiêu thì bây giờ vẩn đục bấy nhiêu, có vẻ luôn luôn đượm vẻ lo âu, dao động… Tuy nhiên, Teigguert quả đã không để uổng phí thì giờ trong lúc chàng đi du ngoạn, vì chàng mang về một số lượng rất lớn hành l‎ý, không kể một chiếc hòm rất lớn mà chàng đã cẩn thận chùm lên một tấm vải bố thật đầy, được buộc thật chặt chẽ, kiên cố.

Trở về sau một năm vắng mặt, nhà điêu khắc của chúng ta có vẻ như đã chán ghét cảnh phồn hoa, và muốn có một cuộc sống êm lắng, đơn độc. Vừa về tới nhà, chàng vội vã bán căn hộ nhiều phòng và xưởng vẽ để chuyển về miền Tây-Nam nước Pháp, mua một tòa biệt thự ở một vùng đất đầy ao hồ và rừng thông.

Từ phút này trở đi Teigguert một mình sống trên một vùng đất rộng rãi, xa vắng, cách xa xóm giềng gần cả 10 cây số; chàng chẳng gặp ai, chẳng tiếp ai, thảng hoặc, chỉ có một vài người thợ lấy nhựa thông thoáng trông thấy chàng từ xa.

Sáu tháng đã qua đi, dài dặc và chậm rãi. Trong suốt thời gian đó Teigguert làm việc một cách hoàn toàn cô đơn. Rồi chàng bỗng tái xuất hiện ở Paris và tuyên bố mở một cuộc triển lãm các tác phẩm mới. Chàng đã tự mình lo tổ chức tất cả mọi việc và đã thuê hẳn một phòng Trưng Bày rất lớn, các bạn bè chẳng ai hay biết một tí gì, khiến ai nấy đều có phần ngạc nhiên.

Cuộc triển lãm là một thành tựu lớn, một phát hiện mới mẻ, độc đáo. Quá khứ vô vị của Teigguert lùi xa vào dĩ vãng, và chàng nổi cộm lên như một nhà điêu khắc tạc tượng thú vật vĩ đại nhất từ trước tới nay. Người thưởng lãm đặc biệt chú ý tới những đường nét rất sống động và lạ là rất hãi hùng, toát ra từ các tác phẩm của chàng, để rồi như lây lan cả sang những người xem các pho tượng đó.

Teigguert được các nhà phê bình phong tặng là nhà điêu khắc hiện thực nhất, đã tạo ra những tượng thú vật sống động nhất và cho chúng những nét hãi hùng nhất, tóm lại chàng đã thành một nhà điêu khắc lớn. Vì biết tận dụng sự thành công, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng tăm của chàng vang dậy ở khắp Paris… Rồi, bỗng nhiên một buổi sáng, như thầm tuân theo một tiếng gọi bí ẩn và gấp rút, chàng lại một lần nữa rời bỏ Paris và tất cả mọi vinh quang để trở lại tòa biệt thự xa vắng, nơi vùng ao hồ.

Sau cuộc bỏ đi, cả một huyền thoại được tạo dựng ra quanh trường hợp của nhà điêu khắc Teigguert. Thiên hạ đồn rằng chàng vốn là một đạo sĩ vùng rừng thông, sống đơn độc, đạm bạc với những ác mộng đã cho chàng cảm hứng để tạc ra những pho tượng thú vật đẹp một cách hãi hùng như vậy.

Các phóng viên báo chí, từ khắp các phương trời đổ tới đòi phỏng vấn, đã đều phải chịu thua trước cảnh cửa đóng then cài, kể cả các cửa sổ, của tòa biệt thự hoang vắng.

Tuy nhiên vì chịu sức ép quá mạnh và vì được yêu cầu phỏng vấn quá nhiều, Teigguert đành nhượng bộ bằng cách chịu mở các cuộc họp báo nho nhỏ ở ngay trước cửa tòa biệt thự, trên một mảnh đất trống… Mỗi lần xuất hiện trước các phóng viên, chàng luôn luôn có thái độ nóng nảy, cáu kỉnh, lúc nào cũng như sẵn sàng gây sự với những người đối thoại. Một lần, chỉ sau vài phút trả lời phỏng vấn và cho chụp hình, chàng đã càu nhàu kết thúc cuộc họp báo để bỏ ra về, và về đến biệt thự là chàng đóng ập ngay cửa lại.

Quả thật là tất cả những gì liên quan tới Teigguert đều rất bí mật: cung cách làm việc với cửa ngõ đóng kín mít, cuộc sống đơn độc, cách chàng mở họp báo trước cửa tòa biệt thự, vẻ mặt luôn luôn vô cớ cáu kỉnh, nóng nảy, và, bí mật hơn tất cả, THỨ ĐÁ NGUYÊN LIỆU CHÀNG DÙNG ĐỀ TẠC CÁC PHO TƯỢNG THÚ VẬT, loại đá kỳ lạ chưa ai biết rõ là thứ đá gì, đã cho các pho tượng một sức sống của chính chúng, một sức sống như bị giam cầm từ bên trong muốn vượt ra ngoài, đồng thời cũng là một yếu tố chính yếu mang lại thành công lớn cho các tác phẩm điêu khắc của chàng.

Nhà báo George Tibault là một trong những người đầu tiên thắc mắc, và muốn phỏng vấn Teigguert và nguồn gốc và tính chất của thứ đá lạ đó. Tibault không phải là người hay chú ‎ý tới các điều vớ vẩn, nhưng chàng thấy trong vụ này có một cái gì đó mờ ám, không ổn, “một cái gì đó mà có ngày ông phải để mắt tới”, như chàng một hôm đã nói với Thanh Tra Prieuré, bạn chàng.

Trong các cuộc họp báo ngắn ngủi, Tibault đã đặt câu hỏi này với nhà điêu khắc rất nhiều lần, nhưng lần nào Teigguert cũng thoái thác, hoặc làm ngơ như không nghe thấy câu hỏi. Đương nhiên, nếu nhà điêu khắc muốn tự tạo cho mình một huyền thoại, thì đó là quyền của ông ta, cũng như Tibault có quyền tự do thắc mắc, và suy nghĩ về điều mình thắc mắc.

Một bữa nhà báo hỏi nhà điêu khắc: “Tại sao với tài năng xuất chúng của ông, ông chỉ tạo tượng thú vật mà không chịu tạc tượng người?” Nghe hỏi, Teigguert tái mặt, lúng túng mất một lúc, rồi trả lời một cách yếu ớt:

- Trong cuộc triển lãm sắp tới, tôi có thể…

Rồi chàng bỏ ra về liền, bước đi thất thểu y như người vừa tỉnh một cơn mê.

Trong khi chờ đợi cuộc triển lãm “sắp tới” đó, Tibault đã không ngồi không, và vì thế, một buổi sáng, Thanh tra Prieuré thấy chàng xuất hiện ở văn phòng của ông, áo quần sốc sếch, râu tóc rậm rì không cạo.

- Chào ông, tôi bận quá cỡ, bù đầu luôn!

- Bạn làm gì vậy?

- Trong hai bữa nay tôi chạy ngang, chạy dọc suốt khắp Paris, lên thang, xuống thang, nhà điêu khắc bí mật ấy mà. Tôi hiện đang có trong tay bản sao gần một trăm hóa đơn, của ba mươi bảy cửa hàng khác nhau, cho thấy họ đã bán cho Teigguert đúng một trăm chín mươi hai…

- Pho tượng hả? À, tôi hiểu rồi, nhà điêu khắc của chúng ta là…

- Trời thần ơi, không phải vậy! Không phải là một trăm chín mươi hai pho tượng mà là một trăm chín mươi hai con vật đủ loại, mua ở mỗi nơi một số con và mua lúc chúng còn sống nhăn.

- Vậy thì, ông bạn Sherlock Holmes của tôi ơi, chuyện này có gì là lạ?

- Đây cũng chính là câu hỏi tôi đang có trong đầu.

- Chà! Chuyện này có quái gì là bí ẩn mà mất công thắc mắc. Hắn mua các con vật đó để làm mẫu chứ gì, và như vậy trong biệt thự của hắn chắc chắn phải có một số thú nho nhỏ!

- Quỷ thần ơi, hãy nghe tôi nói tiếp đã. Hôm nọ tôi có thâu băng một cuộc phỏng vấn trong đó Teigguert tuyên bố ông ta chỉ tạc tượng cách duy nhất là theo trí nhớ và qua các phác thảo, KHÔNG BAO GIỜ DÙNG MẪU THẬT, ông nghe thấy không KHÔNG BAO GIỜ DÙNG MẪU THẬT.

- À, kể cũng lạ nhỉ.

- Chưa hết! Việc này xin ông nhớ hộ là tôi đã điều tra cực kỳ cẩn thận, để đi đến kết quả duy nhất và để nghĩ là: “Từ lúc trở về từ Hy Lạp tới giờ, Teigguert chưa hề đặt mua của ai một gờ ram đá nào ở trong toàn nước Pháp này. Hơn nữa thứ đá mà hắn sử dụng lại chưa được ai biết tới, ngay cả các chuyên gia địa chất cũng chịu không biết là thứ đá gì”

Vừa nói nhà báo vừa dùng tay đấm mạnh xuống bàn để nhấn mạnh những lời chàng nói, và Thanh Tra Prieuré chưa hề bắt gặp người bạn mình ở trong trạng thái bị kích động như vậy. Sau khi ngưng lại một giây lát, Tibault nói tiếp:

- Ta có thể kết luận là: một là hắn đã tuyên bố không bao giờ vẽ theo mẫu thật, nhưng đã mua một trăm chín mươi hai con vật mà không biết bây giờ hắn đang nuôi ở đâu. Hai là hắn đã tạo ra hàng trăm kilo thứ đá lạ chắc là bằng cách phù phép và thổi lên trên!

- Thổi lên trên cái gì? Trên lũ thú vật à?

- À, biết đâu đó! Tại sao ông không chịu mở một cuộc điều tra nho nhỏ?

- Nè, George, anh dư biết là tôi chẳng thể mở một cuộc điều tra vì những lý do ấm ớ như vậy, phải không?

Nhưng rồi viên Thanh Tra sẽ có những lý do nghiêm trọng hơn nhiều, để để mắt tới một vài khía cạnh của tài năng điêu khắc của Albert Teigguert.

Lần đầu tiên, nhà điêu khắc tài ba vừa triển lãm những tượng tạng người: có tất cả ba pho tượng, một tượng khỏa thân, một tượng người du thử du thực, và một tượng người thợ trích nhựa thông đang làm việc. Các pho tượng rất sống, rất thực, và trên các nét mặt, nhà điêu khắc đã nhấn mạnh thêm vẻ sợ hãi, có thể nói đến kinh hoàng. Các nhà phê bình đều đồng quan điểm nhận thấy ở Teigguert một bậc thầy của một trường phái điêu khắc mới: trường phái “biểu hiện một sự hãi hùng siêu tự nhiên”.

Thanh Tra Prieuré không chia sẻ quan điểm đó với các nhà phê bình nghệ thuật, khi ông lần lượt được thông báo về hai sự việc vừa xảy ra ở một ngôi làng, ở kế ngay bên nơi nhà điêu khắc cư ngụ. Ông đã lần lượt nhận được hai lá đơn tố cáo kẻ vô danh, một đơn của một nông gia là Auguste Casenaute thưa kẻ vô danh đã dụ dỗ đứa con gái vị thành niên của mình, và một đơn của một người đàn bà tên là Tabouis, cũng thưa kẻ vô danh đã bắt cóc Aristide Tabouis, người chồng của bà ta làm nghề trích nhựa thông. Cố gái và người thợ lấy nhựa thông đã biến mất từ hơn hai tuần lễ kể từ lúc họ đang có mặt ở gần ngôi biệt thự của Albert Teigguert.

Tibault tình cờ có mặt tại văn phòng Thanh Tra Prieuré khi ông nhận được các tin nói trên. Nhà báo nhảy lên và hét lớn:

- Rồi! bây giờ ông nghĩ sao đây? Từ khía cạnh bí ẩn, sự việc đã chuyển sang khía cạnh hình sự rồi. Chả còn nghi ngờ gì nữa, kẻ vô danh chính là Teigguert! Tất cả mọi diễn biến đều khớp với nhau, ông muốn cá gì tôi cũng cá là ngay lúc này, ở một nơi nào đó, có một người du thử du thực đang khóc tìm người bạn mất tích của mình.

- Người du thử du thực?

- Ông vẫn còn chưa chịu hiểu!... Tên điêu khắc này là một tên quỷ sứ! Và ba pho tượng là...

- Anh muốn nói là hắn đã...

- Đúng, người ta không bắt cóc người mẫu. Người mẫu thì thừa ở đâu chả có, có khó khăn gì! Hắn là một tên sát nhân nguy hiểm, tôi đoán chắc như vậy! Tôi chính thức tố cáo Albert Teigguert đã biến thành tượng đá các sinh vật bằng một phương pháp nào đó mà tôi không được biết, và cũng không hề muốn biết.

- Biến thú vật thành tượng à?

- Biến cả người ta nữa!

- Thật khó tin, thật ma quái! Nhưng chúng ta có quá ít tang chứng. Có thể hắn là một thằng điên, nhưng còn giết người cách ghê tởm như vậy thì có lẽ phải xét lại đã!

- Prieuré ơi, nghe đây này, nghe cho kỹ đây này: một trăm chín mươi hai con vật, không một gờ ram vật liệu, một thứ đá lạ, ba pho tượng người, và hai đơn tố cáo kẻ vô danh. Hãy nhớ lại: pho tượng khỏa thân có thể là thiếu nữ mất tích, người thợ lấy nhựa cũng vậy, còn người du thử du thực thì sẽ chẳng có ai chú ý tới sự còn hay mất của anh ta. Chúng ta đang phải đối phó với một tên điên nguy hiểm, loại người chỉ có trong các truyện ra từng kỳ...

- Thôi được, chúng ta đi! Phải tìm nhà điêu khắc hãi hùng này ngay, và nếu quả như lời anh dự đoán, các “ tác phẩm” chắc hãy còn đang toát mồ hôi lạnh bên trong các bộ áo đá của họ!

Thanh Tra Prieuré bất thần tắt ngấm đèn pha của chiếc xe Citroen 15 mã lực. Xe chạy từ từ trong bóng tối thêm vài trăm mét rồi ngừng hẳn. Chuyến đi làm hai người mệt nhoài. Đêm rất nóng và bầu trời đen xanh u ám nơi vùng ao hồ đầm lầy. Phía trước, cách xa khoảng hai, ba trăm mét, người ta thấy thấp thoáng sau những rặng thông ngôi biệt thự của Teigguert, một khối đen âm u, thầm lặng.

Hai người xuống xe, lặng lẽ tiến về ngôi biệt thự, đi qua khu rừng thưa, để đến trước khu đất trống.

Vài phút sau họ đã đến sát rặng thông, các khung cửa sổ đóng kín mít trông như những mí mắt của một xác chết.

- Có thể nó có súng.

- Chắc chắn là như vậy.

Viên Thanh Tra rút súng, rút chốt an toàn, và khi thấy Tibault không có vũ khí, ông đưa cho chàng một khẩu súng khác, sau khi kiểm soát là súng đã có đạn đầy đủ. Tiếng động khi ông lắp băng đạn như phá vỡ sự im lặng nặng nề của đêm nóng nực này. Tibault nắm chặt lấy súng và cũng rút chốt an toàn.

- Nào, mình vào

Hai người đi sát bên nhau qua rặng thông vì phía trước hoàn toàn không có gì để ẩn núp. Tuy nhiên, không hề có một tiếng động phát ra từ phía bên trong tòa biệt thự.

Đến trước cửa ra vào Thanh Tra Prieuré cẩn thận nhìn trước nhìn sau, trong khi nhà báo đang tìm cách nậy một cửa sổ, nhưng không được.

Viên Thanh Tra cầm quả đấm của cửa ra vào, và tuy không trông mong gì, ông cũng khẽ vặn quả đấm và khẽ đẩy vô phía trong: bất ngờ, cánh cửa mở ra dễ dàng.

Hai người trao đổi một cái nhìn đầy ngạc nhiên và lo sợ, những hạt mồ hôi rỏ rớt trên trán họ. Họ nắm chắc tay súng.

Tibault bất ngờ nhảy xô vào căn phòng. Thanh Tra Prieuré theo sát đằng sau và xô Tibault nép vào một bức tường chăn ngang. Prieuré hất hàm chỉ vào khuôn hình chữ nhật sáng xanh do cánh cửa mở tạo ra, ý nói đứng ở đó là tự mình biến thành một mục tiêu quá rõ rệt. Hai người tập trung cao độ, cố gắng nghe xem có động tĩnh gì từ phía bên trong, nhưng ở phía trong, sự im lặng lại còn siêu tự nhiên hơn là ở bên ngoài.

Nhà báo mò tay rên vách và bắt gặp một nút bật điện.

- Tôi thấy có một nút bật điện, Tibault thì thầm.

- Bật lên đi, viên Thanh Tra ra lệnh.

Ngọn đèn bật sáng, một ánh sáng chói chang, tràn ngập. Họ đang ở trong một hành lang có chứa đựng nhiều tủ kính, trong đựng các món đồ chơi, phía sau có một cái giá treo quần áo bằng tre phủ sơn mài. Những vật đó không được họ chú ‎ý bằng một trong nhiều cánh cửa nằm rải rác ở hai bên hành lang. Cánh cửa này bị bứt ra khỏi bản lề, và bị xé nát như vừa có một trái lựu đạn nổ, các mảnh gỗ nhọn, bén, văng ra tứ tung để lại những vết răng của gẫy nát.

- Thế này là thế nào? Phải chăng Teigguert cảm thấy sắp bị phát giác nên bỏ trốn và phá hủy hết trước khi đi?

- Tôi sợ là như vậy. Và rất có thể là hắn cũng đã chết, mang theo bí mật của hắn.

Vứt bỏ hết cảnh giác, Tibault bỗng chạy về phía cánh cửa gãy nát, đẩy ra một bên và đứng sững lại. Chàng bỗng cảm thấy buồn nôn và thấy cần phải vịn tay vào cái bản lề hư để khỏi ngất xỉu, rồi chàng quay vội mặt đi để khỏi phải nhìn quang cảnh mà chàng vừa khám phá ra ở trong căn phòng.

Thấy mặt người bạn mình xám ngắt và thấy anh ta quá sợ hãi, Thanh Tra Prieuré lo ngại tiến lại gần. Ông cũng thấy rợn tóc gáy khi thấy trước mặt mình pho tượng một người đàn ông, có thể đã bị chết ngạt vì điên loạn và sợ hãi, như các nét kinh hoàng trên khuôn mặt cho thấy. Và, kỳ lạ hơn cả là pho tượng lại chính là tượng Albert Teigguert!

- Sao lại thế này được nhỉ? Tibault nói tiếp. Thật quá kỳ lạ! Đúng là hắn rồi... cái mụn cóc trên trán... các vết sẹo dài trên mu bàn tay mà tôi đã trông thấy nhiều lần...

Cả hai chẳng hiểu chuyện đã xảy ra làm sao. Tất cả đều kỳ ảo, như một trò đùa ma quái.

- Nó không thể tự nó biến thành tượng đá, nhà báo nói gần như hét.

- Chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Tôi đi lấy xe mang lại cửa biệt thự. Phần ông, trong lúc đợi, hãy cố gắng kiếm một tấm bạt lớn để chúng ta có thể khiêng tượng này ra xe. Ta không thể để nó lại đây được.

- Ông để tôi ở lại đây một mình với của nợ này hả? Nhà báo vừa run vừa lấy tay chỉ vào tượng Teigguert. Cố gắng lắm mà chàng vẫn chưa rời mắt được khỏi cái nhìn của pho tượng đá, rồi, như hơi bình tâm lại được chàng nói:

- Vâng, ông đi mang xe lại đi!

Sau khi viên Thanh Tra đi khỏi, Tibault tưc khắc đi tìm một cái bạt lớn để tí nữa khiêng bức tượng. Chàng cảm thấy phải làm ngay một việc gì đó để đỡ sợ. Chàng mở một cái tủ và thò tay tìm ở các ngăn.

Bỗng có tiếng động mạnh trên sàn nhà. Tibault linh cảm thấy có ai đó hiện diện ngay ở đằng sau. Phản ứng đầu tiên của chàng là muốn quay đầu lại nhìn, có một cái gì như ra lệnh cho chàng phải quay lại, nhưng cũng lại có một cái gì như khuyên chàng chớ quay lại. Chàng rút vội súng, khẩu súng mà khi nãy chàng đã bỏ vào túi. Một vật gì như một sợi dây mềm và nhầy nhụa bỗng vươn tới và quấn vào quanh cổ chàng, rồi thêm một sợi nữa, một sợi nữa. Những giây nhầy nhụa này không thắt lại, nhưng chúng như muốn làm cho đầu và thân chàng quay lại phía sau. Chàng bỗng thấy buồn nôn, thấy cổ quá ngứa, khó mà giữ để khỏi nôn, và hai chân chàng như khuỵu xuống. Chất nhờn ở sợi dây làm chàng sợ run lên không kiềm chế nổi. Nỗi hoảng sợ kinh hoàng bỗng xâm chiếm toàn thân chàng và, trong giây lát, chàng đã tưởng mình phát điên. Hình như có một sức mạnh dai dẳng, vô hình, muốn chỉ huy trí óc của chàng và bắt chàng phải quay đầu lại để nhìn, và cũng chính lúc này, trong thâm tâm, chàng bỗng hiểu rất rõ là nếu tuân lời mà quay lại là chết...

Do đó, trong một cố gắng tột cùng, và vận dụng hết ý chí, Tibault bẻ quặt cánh tay cầm súng về phía sau và bắn luôn một lúc năm phát đạn. Một tiếng hét hãi hùng, ma quái, ngập tràn căn phòng, một tiếng thét khó có thể thoát ra từ miệng một con người. Tiếp theo là tiếng kính bị đập vỡ, tiếng cánh cửa bị phá bung ra, và bao trùm lên tất cả, vẫn là tiếng thét ma quái. Trong vòng nhiều giây, Tibault đứng chết lặng, không dám quay lại. Trong tâm trí chàng, tất cả đều trống rỗng, đầu óc, thân thể, ruột gan chàng như người bay bổng trên mây.

Chàng chợt như tỉnh lại khi họng súng vẫn còn nóng hổi bỗng đụng vào đùi bên tay mặt. Chàng liền quay ngoắt trở lại và chỉ thấy Prieuré xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Viên Thanh Tra sắc mặt tái mét, răng đánh lập cập, môi mím chặt, chặt đến nỗi gân cổ nổi cả lên. Ông đã bước vào căn phòng vào đúng lúc Tibault bắn mấy phát đạn và ông đã trông thấy vật tạm gọi là con quái vật bỏ chạy sau khi phá nát một cửa sổ có cài then.

- Nó là cái quỷ gì vậy? Nhà báo vừa ấp úng hỏi, vừa nhìn vào những vũng nước xanh rờn màu lá cây đang rải rác trên sàn nhà.

- Nhanh lên, chúng ta đã bỏ phí mất quá nhiều thì giờ rồi. Chúng ta không thể để cho quái vật đó chạy thoát.

Cả hai người chạy vọt ra ngoài. Prieuré lao thẳng theo hướng cửa sổ bị phá vỡ, Tibault mệt mỏi cố đeo theo sau?

Vài phút sau, họ chạy lên đỉnh một đụn cát, cách đó vài chục thước là những làn sóng tràn vào rồi lại rút ra. Dưới ánh trăng, viên Thanh Tra cố nhìn thật xa trên bãi cát.

- Chắc nó đã vượt qua những cồn cát hoặc đã bỏ chạy vào rừng. Nếu nó chạy vào rừng thì e hết hy vọng đuổi kịp. Thôi, đành một may một rủi. Tôi đuổi theo hướng các cồn cát, ông đuổi nó trên bờ biển; phải bắt cho bằng được. Viên Thanh Tra vượt qua các cồn cát. Tibault cố gắng lê trên bờ biển, vừa đi vừa ngã lên ngã xuống.

- Chàng cố đuổi theo như vậy trong gần mười phút, bỗng nghe thấy năm sáu phát súng nổ. Ở trên các cồn cát Prieuré đang bắn. Tiếng thét ghê rợn hãi hùng lại vang lên và đang như lần về phía Tibault, rồi Tibault bỗng thấy ở phía trước, cách khoảng 200 mét, một thân hình người bỗng chồm lên trên đỉnh đồi cát, nhào xuống và hộc tốc chạy ra phía bờ biển.

Ở trên cao Prieuré hét lớn:

- Bắn đi! Bắn đi chứ còn chờ gì nữa!

Tibault giơ súng nhằm vào quái vật, cò súng nảy hai lần nhưng không có tiếng nổ vì súng hết đạn. Trong lúc đó quái vật đã xuống được biển và nước đã ngập nửa thân hình của nó. Một làn sóng khác làm nó hụt chân ngã lăn xuống. Tibault chỉ kịp trông thấy một MỚ TÓC GHÊ RỢN TOÀN NHỮNG RẮN XOẮN VÀO NHAU THẬT DỮ DẰN trước khi tan biến dưới một làn sóng lớn. Sau đó tất cả trở lại bình thản, êm lặng. Đàng kia, trên bãi cát, Thanh Tra Prieuré đang dìu nhà báo Tibault đi về hướng biệt thự, và ông kết luận:

- Tôi tin là cơn ác mộng này đến đây là kết thúc, thật sự kết thúc! Ông biết không, khi Albert Teigguert đi du lịch Hy Lạp về, hắn mang theo một vật kỷ niệm thật kỳ dị và nguy hiểm đó là con Méduse (1) MỘT TRONG BA NỮ QUỶ TÓC RẮN MÀ CỔ NHÂN CHO RẰNG CÓ MỘT QUYỀN PHÉP RẤT KINH DỊ LÀ CHÚNG CÓ THỂ BIẾN BẤT CỨ AI HAY VẬT GÌ NHÌN VÀO MẮT CHÚNG THÀNH ĐÁ!...

Bản dịch của Vũ Anh Tuấn và Tr. Th. Nga

(1) Theo thần thoại Hy Lạp "Méduse” là một trong ba nữ ác qủy tóc rắn có thể biến ai nhìn vào mắt chúng THÀNH ĐÁ. Chúng là ba chị em: Méduse, Euryale, Sthéno.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế