Hiện có 5 người xem / 2339666 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CLB Sách xưa & nay đi thăm
nhà lưu niệm thi sĩ LƯU TRỌNG LƯ

Vũ Anh Tuấn

Sáng ngày thứ bảy 14 tháng 10, 2006, các thành viên Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay, gồm trên mười người, đã xuất phát từ nhà thờ Tân Sa Châu để đi thăm nhà Lưu niệm Thi sĩ Lưu Trọng Lư. Chỉ có 4 người đi Taxi là LM Nguyễn Hữu Triết, anh Khánh, anh Sâm và tôi, các thành viên còn lại đều dùng phương tiện riêng. Các vị đi xe gắn máy đã đến trước chúng tôi, những người đi taxi, vì chúng tôi phải loay hoay tìm mãi mà không ra địa điểm, sau phải gọi điện thoại nhờ anh Quang đi ra đón.

Nhà lưu niệm là một khu đất rộng 700 thước vuông được xây một cách rất hài hòa và mỹ thuật, ở trong có cả một ngọn đồi mini trông rất dễ thương, đơn giản vì người con cả của cụ là một kiến trúc sư nên công trình kiến trúc đương nhiên là phải đẹp rồi.

Chúng tôi gặp Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, con trai trưởng của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư và nhà báo, nhà thơ Lưu Trọng Văn, con trai thứ. Chúng tôi đã trao cho anh Lưu Trọng Hải một gói quà gồm một số tài liệu có từ thời tiền chiến nói về cố thi sĩ và một số bản sao các tác phẩm của cố thi sĩ được xuất bản từ thời tiền chiến. Sau đó, chúng tôi được mời vào nhà thờ bên trong nhà lưu niệm để thắp hương tưởng niệm cố thi sĩ và để được nghe anh Lưu Trọng Văn giới thiệu một số hình ảnh và tài liệu về cuộc đời cố thi sĩ; tiếp sau đó chúng tôi được mời ghi sổ lưu niệm và được mời trở ra để tọa đàm ở ngoài sân nơi có phong cảnh rất thơ mộng. Cuộc viếng thăm kéo dài hơn hai giờ và được kết thúc vào lúc 11 giờ sáng cùng ngày sau khi mọi người cùng đứng chụp chung với nhau một tấm ảnh kỷ niệm.

Trong tương lai gần chúng tôi dự trù cứ 1 quý lại tổ chức một cuộc thăm viếng một nhà lưu niệm, và kỳ tới vào tháng 12, chúng tôi dự trù sẽ thăm viếng nhà lưu niệm thi sĩ Nguyễn Bính ở Gò Vấp, sau đó có thể là cuộc thăm viếng mộ phần cố văn sĩ Lê Văn Trương ở Gò Sao.

------

Vài chi tiết về một số thư viện trước ngày giải phóng

Vũ Anh Tuấn

Ba mươi tư năm trước, tại biệt thự số 72/12 trên con đường lúc đó được gọi là Nguyễn Đình Chiểu (bây giờ là Pasteur thì phải), có một thư viện mà tôi thỉnh thoảng có ghé thăm vì quen với vị Giám Đốc, Linh Mục Nguyễn Quang Trọng - một người bạn của Cụ tôi.

Thư viện này được đặt tên là Thư Viện Trung Tâm Công Giáo và được coi là một thư viện nghiên cứu và chuyên về Tôn Giáo. Tôi được LM Trọng cho biết là thư viện của ông có 80 chỗ ngồi cho độc giả và 20.000 cuốn sách gồm 2000 đầu sách tiếng Việt, 16.000 tiếng Pháp, 1500 tiếng Anh và 500 bằng các ngôn ngữ khác. Ngoài ra còn có 500 tác phẩm bằng microfilms phần lớn là các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ hồi thế kỷ XVIII và XIX.

Tôi được LM Trọng cho biết với số lượng 20.000 đầu sách, thư viện Trung Tâm Công Giáo đứng hàng thứ 12, vì nó còn có 11 “bà Chị” nữa là các thư viện dưới đây:

1. Thư Viện Quốc Gia 100.000 đầu sách

2. Thư Viện Đắc Lộ 53.000 đầu sách

3. Thư Viện Viện Pháp Quốc ở Saigon 50.000 đầu sách

4. Thư Viện Bộ Thông Tin 49.000 đầu sách

5. Thư Viện Trường Sĩ Quan Đà Lạt 33.750 đầu sách

6. Thư Viện Bộ Chỉ Huy Không Quân 32.000 đầu sách

7. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh 29.633 đầu sách

8. Thư Viện Đại Học Huế 26.000 đầu sách

9. Thư Viện Thành phố Đà Lạt 25.500 đầu sách

10. Thư Viện Hồng Y Agagianan
(Đại Học Đà Lạt) 23.000 đầu sách

11. Thư Viện Học Viện Quốc Gia
Hành Chánh 22.000 đầu sách

Ngoài 12 thư viện vừa nói trên còn có 113 thư viện khác trong đó những cái đáng kể nhất gồm có: Thư Viện Trường Nữ Trung Học Gia Long (19.168 đầu sách), Thư Viện Đại Học Văn Khoa (17.956,) Thư Viện Viện Sử Học (17.333), Thư Viện Trung Tâm Y Khoa (17.050), Thư Viện Abraham Lincoln (15.000), Thư viện Hội Đồng Anh (14.000), Thư viện Hội Nghiên Cứu Đông Dương (6000) vv… (Tài liệu rút từ Niên Giám Thư Viện 1973). Đọc những con số trên người đọc và cả người viết đều có thể tin rằng chúng là NHỮNG CON SỐ CHÍNH XÁC, những con số hợp lý, hợp tình không làm ai phải BƯỢC CƯỜI (nói theo kiểu Cụ Tản Đà) tí nào cả.

Sở dĩ người viết nói vậy vì giờ đây, về số lượng sách trong các thư viện (người viết chỉ nói về các thư viện tư nhân) đã có những sự THỔI PHỒNG phi lý, tức cười, và điều đáng tức cười nhất là không hiểu sự thổi phồng đó nhằm muc đích gì? Người viết đã từng nghe thấy báo chí đã đăng tải Ô. A, Ô. B có 2 triệu, 3 triệu, thậm chí 5 triệu cuốn sách, mà lại đăng với những hàng chữ “BÉO” để thu hút sự chú ý của người đọc. Ôi, thực đáng BƯỢC CƯỜI! Vì chẳng cần phải là một nhà toán học, đứa trẻ nít cũng có thể hiểu rằng nếu chỉ lấy độ dày là 2 phân 1 cuốn (mà chúng ta bây giờ có những cuốn sách dày 5,7, đôi khi 10, 15 phân) thì năm triệu cuốn sách ĐÍCH THỊ LÀ CHỈ CÓ 100 CÂY SỐ SÁCH Ở TRONG NHÀ mà thôi, và căn nhà nào chứa nổi 100 cây số sách? Vả lại, về vấn đề số lượng sách, người viết cũng xin đề nghị mọi người phải xét đến GIÁ TRỊ SÁCH, vì 100 cuốn sách thực sự có giá trị thì giá trị đích thực của chúng bằng cả vài chục ngàn cuốn những đồ sách zổm, sách vứt đi …

Câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” sẽ phải luôn được nghĩ tới khi chúng ta muốn có một tủ sách quý đúng với nghĩa của chúng.

------

HAI BỘ TRƯỜNG GIANG TIỂU THUYẾT
CỦA EUGENE SUE: BÍ MẬT THÀNH BA LÊ
VÀ NGƯỜI DO THÁI LANG THANG

Vũ Anh Tuấn

Đọc xong bộ “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, tôi không còn thấy ngại và sợ những bộ trường giang tiểu thuyết nữa, mà trái lại còn như bị chúng thu hút mãnh liệt. Cầm bộ sách dày cả ngàn trang, tôi cảm thấy thích thú như là mình đang sở hữu một tài sản lớn, tiêu dần dần mới hết, không thể hết ngay. Tôi liền đến nhà hàng kiêm nhà sách Chaffanjon ở Hải Phòng để tự mua cho mình cuốn “Bí mật thành Ba Lê” (Les Mystères de Paris) của tác giả Eugène Süe

(1804-1857). Cốt truyện của bộ “Bí mật thành Ba Lê” rất đơn giản, và tôi vẫn nhớ rất rõ vì tôi cũng đã đọc đi đọc lại ba lần. Nhân vật chính Fleur-de Marie là một thiếu nữ nghèo khó, không biết cha mẹ là ai, được một người đàn bà ác nghiệt nuôi và bắt phải tiếp khách. Cô gặp được một người tên là Rodolphe, cưu mang che chở một cách vô tư, bất vụ lợi. Thực ra Rodolphe là một Đại công tước người Đức, vì muốn chuộc lại một lỗi lầm đã phạm trong quá khứ, ông đã trá hình làm một người công nhân để trà trộn vào những nơi cư trú của những kẻ hạ lưu ở Ba Lê để cứu giúp những người nghèo khổ, cứu rỗi các linh hồn cũng như trừng phạt những kẻ gian ác. Cô gái được Rodolphe cứu, nhưng rồi lại rơi đi rơi lại vào tay lũ người gian ác, cho tới ngày Đại công tước Rodolphe khám phá ra rằng nàng chính là con gái ruột của mình, và đưa nàng về nơi cung đình. Nhưng dù được đưa về sinh sống nơi cung đình ở Gerolstein, Fleur-de-Marie cũng vẫn không quên được quá khứ bi thảm của mình, và nàng đã từ chối không nhận lấy người mình yêu để xuống tóc đi tu, và qua đời một thời gian ngắn sau đó. Cốt truyện chỉ có vậy, nhưng qua 998 trang sách khổ 16 x 24cm, chữ nhỏ li ti, tác giả đã đưa người đọc lưu lạc khắp mọi nơi trong cái thế giới hạ lưu, nghèo khổ của thành Ba Lê hồi đầu thế kỷ thứ 19. Tác giả đã cho người đọc tiếp xúc với đủ mọi tình huống, hỉ, nộ, ai, lạc; cùng với tác giả người đọc bắt gặp đủ mọi thứ gian ác, biển lận, bẩn thỉu, cũng như những chuyện tốt, những việc thiện, những tâm hồn đáng mến. Và đương nhiên, trong trường hợp này, người đọc sẽ tự động có ác cảm với những gì là xấu, là bất nhân bất nghĩa, và tôi cho rằng đó là một hiệu năng rất tốt, nhất là đối với các độc giả trẻ, mới bước đầu tiếp xúc với cuộc đời. Toàn bộ bộ trường giang tiểu thuyết này là cả một lọat những tình huống bí biểm, gai góc mà tác giả đã gút vào để rồi lại giải tỏa một cách hấp dẫn. Chính nhờ vậy mà tác giả đã gặt hái được rất nhiều thành công với bộ sách này. Hồi đó tôi đọc mê man đến nỗi, đi học về, vừa tắm rửa xong là tôi ôm lấy cuốn sách to đùng liền, quên cả giờ cơm. Ít lâu sau khi đã đọc “Bí mật thành Ba Lê” tôi lại bắt gặp bộ “Người Do thái lang thang” (Le juif errant) cũng của tác giả này. Đây cũng là một bộ trường giang tiểu thuyết khác cũng dày trên 900 trang với chữ in nhỏ li ti. Tên truyện “Người Do thái lang thang” đã được tác giả đặt theo truyền thuyết về người Do thái bị Chúa Trời phạt phải lang thang, phải đi đi mãi, không bao giờ được ngừng nghỉ, cho tới ngày tận thế vì đã mạ lị Chúa Giê Su Ki Tô trên đàng thánh giá. Đây là một truyền thuyết rất thịnh hành dưới thời Trung Cổ và đã để lại dấu vết trong rất nhiều tác phẩm trong tất cả các nền văn học Châu Âu. Còn cốt truyện thì cũng không kém phần hấp dẫn khi so với “Bí mật thành Ba Lê” vì tôi đã đọc miên man gần 1000 trang sách đó trong vòng 10 ngày. Cốt truyện như sau đây:

“Ngày 13 tháng Hai năm 1832 (tác phẩm này được in làm 10 tập trong hai năm 1844 và 1845), trước giờ ngọ (12 giờ trưa) tất cả mọi người còn sống sót trong dòng họ Rennepont phải tập họp lại tại một căn nhà ở thành Ba Lê để chia nhau một gia tài của tổ tiên để lại. Các con cháu dòng họ Rennepont thuộc đủ mọi loại thành phần trong xã hội, từ ông hoàng Ấn Độ Djalma và kỹ nghệ gia Hardy tới một người thợ tên là Jacques có biệt hiệu là “Ngủ truồng” vì quá nghèo khổ, cũng như bên phái nữ từ người đàn bà đẹp và giàu sang Adrienne de Cardoville cho tới hai cô bé mồ côi nghèo khổ do người lính tên là Dagobert cưu mang. Nhưng Dòng Tên và các linh mục Dòng Tên đã tìm được cách ngăn cản không cho tất cả mọi người trong dòng họ Rennepont tới kịp giờ để gia tài thuộc về Tu sĩ Dòng Tên Gabriel de Renepont, một tu sĩ hiền lành và bất vụ lợi đã hứa tặng hết phần gia tài được hưởng để làm phước. Tuy nhiên một tờ bổ chính chúc thư được khám phá vào giờ chót đã trì hoãn việc trao cái hộp chứa đựng vàng bạc, châu báu, chứng khoán do một người Do thái tên là Samuel đang giữ. Lúc này là lúc Linh Mục Rodin nhập cuộc và, bằng những thủ đoạn quỷ quái, ông này đã làm toàn bộ các thành viên nhà Rennepont bi thiệt mang: Adrienne và Djalma say mê nhau và do gặp các tình huống trớ trêu đã cùng tự tử, Jacques thì chết vì say rượu, Hardy thì bị thiệt mang khi cơ xưởng của anh ta bị cháy; còn hai cô gái mồ côi thì vì đi làm công tác cứu trợ ở một bệnh viện những người bị dịch tả nên đã bị thiệt mạng vì bị lây. Nhưng người duy nhất còn lại là Gabriel, sau khi khám phá ra các hành vi gian ác đó, đã ra lệnh là vào ngày định mệnh khi cái hộp đựng số tài sản 150 triệu quan đó được trao thì nó phải được đem đốt bỏ. Cùng lúc đó Linh Mục Rodin cũng bị một đồng lõa đầu độc chết vì tên này làm cho tổ chức những Sát Thủ tên là những “Tên thắt cổ”. Từ đầu đến cuối truyện có hai nhân vật vẫn bí mật giúp đỡ các thành viên dòng họ Rennepont một cách huyền bí, đó là người Do Thái và Người Đàn Bà Do Thái lang thang. Người Do Thái lang thang tượng trưng cho giới cần lao cả đời phải làm lụng khổ cực và Người Đàn Bà Do Thái lang thang tượng trưng cho nữ giới luôn bị o ép và quyền lợi thì bị chà đạp”.

Đây là hai trong mấy bộ trường giang tiểu thuyết mà tôi đặc biệt yêu thích vì chúng đã phần nào giúp tôi hiểu đời hơn, để biết luôn luôn đề phòng, tự vệ trong cuộc sống.

Cả hai bộ đã được tôi đóng bìa cứng bọc toàn da và vẫn giữ luôn trong nhà từ năm 1952 tới nay, và tôi xin đính kèm theo đây một số hình ảnh về 2 bộ sách rất hay đó.

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế