Hiện có 8 người xem / 2334707 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC HỌP NGÀY 9/5/2009
Của CLB Sách Xưa & Nay

Để mở đầu cuộc họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách: một tương đối cũ và một cuốn mới. Cuốn sách tương đối cũ có nhan đề là “Trong rừng Nho” của tác giả Ngô Tất Tố, khổ 15 x 20 cm và dày 144 trang. Tuy sách không đề năm tháng xuất bản nhưng nhìn cách trình bày, nhìn các minh họa và corps chữ, có thể thấy ngay là cuốn sách chỉ có thể ra đời trong khoảng thời gian 1935-1944. Cuốn sách này kể về cuộc đời nhà thơ Hồ Xuân Hương và cuộc tình đầy tính lãng mạn và văn học của nàng với một người tên là Đờm Thận Trung. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất hay và rất có ích vì khi đọc nó, người đọc như được đi cùng tác giả dạo qua để biết một cách khá rõ ràng mỗi công việc thi cử vào thời xa xưa đó. Ngoài lợi ích đó, người đọc còn được thấy một cách viết của cụ Ngô Tất Tố, người đã từng được gọi là Cụ Đồ Tố, rất là kỳ lạ vì nó cho thấy là Cụ Tố không trân trọng gì làng Nho cho lắm, vì nếu cụ trân trọng làng Nho thì chắc cụ chẳng có thể viết chi tiết cụ Nghè Hoàng, một bậc đạo cao chức trọng trong làng Nho, một bậc thầy với hàng trăm môn đệ mà lại tính chuyện muốn nhận nhằng nhận vơ con gà của người hàng xóm; đây âu cũng là một chi tiết mà các nhà nghiên cứu về văn nghiệp của Cụ Tố nên ghé mắt một chút. Cuốn sách còn có một số minh họa cực đẹp về thời xa xưa đó (xin xem các minh họa kèm theo bài này).

Cuốn thứ nhì là một cuốn sách mới, vì đây là một cuốn sách mới ra lò, nhưng lại in lại một phần lớn một tờ báo cũ, tờ Sông Hương của cụ Phan Khôi ra đời năm 1936 và tồn tại được gần 8 tháng. Cuốn sách, hay đúng hơn là cuốn sách in lại tuần báo Sông Hương này dày 740 trang khổ 19 x 27 cm, có bìa cứng, và được in ấn khá đẹp và cẩn thận. Đây là một tuần báo gần như là thuần văn nghệ và hầu như là phi chính trị. Ngay ở trong lời nói đầu, cụ Phan Khôi đã nói rõ: “Lấy tên Sông Hương chẳng có nghĩa gì khác hơn là tờ báo này ở Hương Giang”, chứ không có dính dáng gì tới vua chúa nào cả. Trong 32 số báo được in lại này các độc giả được đọc các bài viết của rất nhiều cây bút cự phách như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Khái Hưng, Vũ Trong Phụng, Vi Huyền Đắc, Nhất Linh, Đào Trinh Nhất, và nhất là cụ Phan Khôi… Người viết có đọc lướt qua và thấy rằng bài nào cũng rất đặc sắc, viết lách đâu ra đó, chữ nghĩa rành mạch, rất đời thường, và tuyệt đối không đao to búa lớn, và không hề bị lắp ghép một cách vô nghĩa lố bịch… Tóm lại đây là một cuốn sách rất đáng được lưu ý bởi các người yêu sách.

Tiếp theo phần giới thiệu sách là phần nói chuyện về bài thơ “Sơn Tinh Thủy Tinh” của tác giả Nguyễn Nhược Pháp, và người nói là anh Lê Hùng Dương, một thành viên của CLB. Trong gần một tiếng đồng hồ. Anh Dương đã nói chuyện với các thành viên một cách rất vui, rất hóm, về bài thơ. Anh đã dùng những từ rất vui như Sơn Tinh dùng “Sơn công” và Thủy Tinh dùng “Thủy công” hoặc “Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi ở đấy” và bây giờ thì “Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” vv…

Tiếp lời A. Dương, Bs Nguyễn Lân Đính đã có một cuộc nói chuyện mini về cách dùng và nhai dầu mè, được tất cả các thành viên rất thích thú vì tất cả đều muốn làm sao có thật nhiều sức khỏe để mà đọc sách cho đã…

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ sáng cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH VIẾT VỀ VUA GIA LONG CỦA MARCEL GAULTIER, MỘT TÁC GIẢ NGƯỜI PHÁP

Năm 1992 tôi mang một bản dịch cuốn “Connaissance du Việt Nam” của hai cụ Huard và Durand mà tôi đã dịch qua tiếng Anh tới tặng cho ông Khai Trí và được ông tặng lại cho tôi cuốn này.

Tên cuốn sách là GIA LONG và tác giả của nó là Marcel Gautier, sách dày 240 trang, khổ 14 x 21cm và được in ở Saigon năm 1933.

Tác giả Marcel Gaultier là một nhà văn đã đi khá nhiều tới các thuộc địa của Pháp, như Algérie, Đông Dương và Đảo Réunion. Nhưng Đông Dương là nơi ông yêu thích nhất và đã sống và viết trong nhiều năm nhiều tác phẩm khác như MINH MẠNG (cuốn này được giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp), Trong ngục tù Nhật Bản, Tấm Thảm Kịch Đông Dương…

Cuốn Gia Long được chia thành 3 chương:

Chương I: Từ trang 15-79 nói về các vấn đề như: Bá quyền của Trung Hoa – Lịch sử nước Nam thời những vua đầu tiên – Hai họ Trịnh và Nguyễn – Các Giáo sĩ Thừa Sai đầu tiên tới Annam – Các thương gia người Âu đầu tiên – Vương quốc Chàm – Các cuộc cấm đạo đầu tiên – Đức Cha Bá Đa Lộc – Nhà Tây Sơn – Nhà Trịnh bị tiêu diệt – Nhà Tây Sơn toàn thắng.

Chương II: Từ trang 81-98 nói về: Nguyễn Ánh – Các chiến dịch ở Nam kỳ - Đức Cha Bá Đa Lộc ở Pondichéry – Nguyễn Ánh ở Xiêm.

Chương III: Từ trang 115-230 nói về: Giám mục Adran ở Paris – Hiệp ước 1787 - Giám mục Adran trở lại Nam Kỳ - Những người Pháp làm việc cho Nguyễn Ánh – Các cuộc hành quân chống Tây Sơn – Cái chết của Nguyễn Huệ – Những bất đồng chính kiến trong nhà Tây Sơn – Cái chết của Nguyễn Nhạc – Các cuộc vây hãm Nha Trang và Qui Nhơn – Cái chết của Giám mục Adran – Trận hải chiến ở Qui Nhơn – Việc chiếm thành Huế – Nguyễn Ánh xưng vương – Quân của Gia Long tái chiếm Qui Nhơn – Chiến dịch ở Bắc Kỳ – Tổ chức hành chánh của Gia Long – Chính sách thuộc địa của Công tước de Richelieu – Sứ mạng của Kergariou – Sứ mạng của Chaigneau và cái chết của Gia Long.

Đây là một cuốn sách cho biết khá nhiều tài liệu về Gia Long và khi viết, tác giả đã dùng tới rất nhiều tài liệu gồm sách vở, thư từ, mà ông đã cẩn thận ghi hết ở đằng sau trong phần thư tịch. Đây là một nguồn tài liệu khá phong phú để các nhà nghiên cứu lịch sử tham khảo.

Trích hồi k‎ý 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn

CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐẠO PHẬT
của TÂM-NGUYỆN 

Kính thưa qúy vị,

Theo sự phân công của Câu Lạc Bộ, mỗi kỳ một thành viên sẽ trình bày một đề tài, hôm nay, đến lượt tôi, xin được trình bày công trình nghiên cứu Đạo Phật của tôi.

Cây có cội. Nước có nguồn. Trước khi đi vào đề tài, tôi xin được nói sơ qua về người Thầy đã truyền cái hiểu Đạo Phật cho tôi. Ông là một cư sĩ, tục danh Nguyễn Quang Lượng, Pháp Danh là Như Pháp Thứ. Cũng nhờ sự ân cần dìu dắt của người trong 4 năm dài, mà tôi gặp được Chánh Pháp để có được sự hiểu biết như hiện nay.

Qua lời giới thiệu của một người bạn, là có một vị Thiền Sư biết trước được nhiều việc sắp xảy đến một cách chính xác, nên tôi tò mò, muốn gặp… Tháng 7 năm 1977 thì vợ chồng tôi đến tìm Thầy. Sau nhiều buổi tiếp xúc, thầy tặng cho tôi quyển Kinh Duy Ma cật, bảo là về xem cho biết.

Tôi gốc người công giáo, chưa bao giờ biết đến một chút gì về Đạo Phật, cũng không hề mến mộ hay có thắc mắc gì về Đạo Phật, thậm chí còn cho Đạo Phật là mê tín! Tôi cứ ngỡ Kinh Phật viết bằng tiếng Phạn, không thể đọc được, nên lần đầu tiên cầm cuốn Kinh trên tay, mở ra, tôi hết sức ngạc nhiên thấy viết bằng tiếng Việt và câu cú rất là rõ ràng, dễ hiểu, nên đã khởi tăng thượng mạn, cho là Thầy tôi mê tín, tôi sẽ đọc thật kỹ kinh để chỉ cái sai cho ông biết!

Nhưng chẳng những không thấy được chỗ sai, mà ngày tôi càng bị quyển Kinh thu hút vì những câu hỏi, những lời giải thích rất rõ ràng, dù tôi cố tình vặn ngược, bẻ xuôi nhưng không gặp chỗ sơ hở. Từ đó tôi lao vào đọc ngày đọc đêm.

Vì chưa hiểu một chữ về Đạo nên lúc nào tôi cũng thắc mắc. Giải tỏa xong vụ này lại khởi những thắc mắc khác và nôn nóng muốn được giải thích đến độ lúc đó cuộc sống còn khó khăn, phải di chuyển bằng xe đạp, mà hàng ngày chồng tôi đều chở tôi từ Quận 1 đến nhà Thầy, có khi đến 3 lần để tôi nghe giải thích! Tôi vừa hỏi, vừa nghe Thày giảng, một mặt quán soi và đọc Kinh để tìm hiểu, song song theo đó, Thầy chỉ cho tôi Ngồi Thiền, tập Bố Thí, Phóng Sinh. Thời gian sau Thầy đề nghị tôi bỏ ngồi Thìền, thay vào đó mỗi ngày nên bỏ ra ít thì giờ để tư duy, quán soi các pháp, hiểu như thế nào thì viết ra. Thày sẽ xem và sửa chữa cho.

Học riêng với Thầy được 2 năm, sau đó nhiều anh em khác cũng đến xin học. thì thầy tôi tổ chức giảng pháp mỗi tuần 1 lần vào các buổi sáng Chủ Nhật. Một năm sau thì 25 người được Thầy ấn chứng trong một buổi lễ khá long trọng. Đúng ngày lễ đó, 2 năm sau (năm 1981) thì Thầy tôi qua đời. Từ đó, tôi chọn Kinh Phật làm Thầy để tiếp tục tìm hiểu lời Phật dạy.

Đến đây cũng xin mở một ngoặc nhỏ để nói về cách nghiên cứu Đạo Phật của riêng tôi. Rừng Phật Pháp thì mênh mông. Ai muốn tìm gì cũng có thể gặp. Riêng tôi, do không tin vào những gì được nghe người khác nói nên phải tìm lại từ đầu, xoáy vào các đề tài:

1/- Phật là gì?
2/- Đạo Phật dạy những gì?
3/- Bản thân tôi có cần đến những điều đó hay không?
4/- Muốn đạt được phải làm gì?
5/- Kết quả của việc làm đó là gì?

Sau khi có được lời giải đáp, biềt rằng những gì Đạo Phật nói phù hợp với chí nguyện của tôi, tôi mới chính thức Phát Tâm, rồi lục tìm trong chính Kinh những lời hướng dẫn để thực hành.

Ngoài 2 quyển VIÊN GIÁC và DUY MA CẬT của thầy cho, tôi còn đọc thêm nhiều Kinh khác. Đọc rất kỹ, đối chiếu với nhau, vì thấy lời Kinh đôi khi rất là mâu thuẫn. Khi thấy không còn những vướng mắc về nghĩa lý của Kinh, năm 1997, tôi bắt đầu giải Kinh, cho đến năm 2006 thì giải được tất cả 9 Bộ Kinh gồm có:

- DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- VIÊN GIÁC
- DUY MA CẬT
- THỦ LĂNG NGHIÊM
- KIM CANG
- ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN
- SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT
- PHÁP BẢO ĐÀN KINH
- VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
- Quyển VÔ MÔN QUAN được các Chùa đánh giá rất cao

Tất cả còn đang ở dạng bản thảo, vì tôi biết rằng cái hiểu Đạo Phật như số đông hiện nay thì rất dễ, chỉ cần Thờ Phật và cầu xin được phù hộ, độ trì là được rồi. Nhưng hiểu đúng như chính Kinh, rằng mỗi người đều có PHẬT TÁNH, đều có khả năng để Thành Phật. Phật chỉ là TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT mà ai hành đúng cũng đều đạt được như lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”, và Tam Thế Phật đều bình đẳng như nhau thì rất khó được chấp nhận… thậm chí còn bị gán cho là Tăng Thượng Mạn! Vì thế, tôi bỏ tất cả lên trang WEB của tôi, địa chỉ là www.giaimakinhphat.com để ai muốn tham khảo thì có thể click vô đó.

Ngoài những Bộ Kinh đã lược giải, tôi còn đoc thêm nhiều bộ kinh khác NHƯ NHÂN VƯƠNG HỘ QUỐC, ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, HOA NGHIÊM, KIẾN CHÍNH, TÂM ĐỊA QUÁN, BI HOA, ĐẠI THỪA KIM CANG KINH LUẬN, ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM BẢO VƯƠNG. ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG NGHĨA, KINH HIỂN THỨC, Kinh PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI, KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC, BÁT DƯƠNG KINH, BÁT NHÃ TÂM KINH, KIM QUANG MINH, LĂNG GIÀ, Kinh THẮNG MAN, KINH KIM QUANG MINH… để vừa kiểm chứng, vừa củng cố thêm sự hiểu biết, vì theo lời Phật dạy, người tu cần phải hiểu rõ để phá tà kiến của chính mình, cũng như có cơ hội thì phổ biến Chánh Pháp.

Thời gian trước khi đọc Kinh Phật, tôi cũng có nghiêm cứu về Thiền, đọc rất nhiều tài liệu của bên Thiền Tông, như Thiền Luận của Ngài Suzuki, bài vỡ của Ngài Nguyệt Khê, Tông Cảo thiền sư, Krishna Murti, Đỗ Thuần Hậu, thầy của Lương Sĩ Hằng, tức Ông Tám. Sách của Thông Thiên Học… kể cả sách của Thiền Sư Nhất Hạnh, và một số Kinh do HT. Thích Thiện Hoa, HT. Thích Thanh Từ, HT Thích Tâm Châu, HT. Thích Huệ Hưng, HT. Minh Trực Thiền Sư… lược giải, nhưng không thấy phù hợp với đường lối của các vị đó nên tôi không tìm hiểu thêm, chỉ đọc qua cho biết rồi thôi.

Sau khi kiểm chứng qua hơn 25 quyển Kinh, Hiển Tông có, Mật Tông cũng có, tôi thấy, tất cả đều nói giống nhau. Dù có thể mỗi quyển Kinh đào sâu về một khía cạnh, nhưng chung quy cũng là tìm mọi cách giải thích về một nước Phật – tức là tình trạng Giải Thoát – vốn có ở trong Tâm của mỗi người, chỉ cần trừ đi phiền não là sẽ gặp. Để trừ phiền não, Đạo Phật đưa ra những phương tiện như Thiền Quán, Giới, Hạnh để người chấp nhận hành trì theo có thể quay về trú ẩn nơi CHÂN TÂM của mình sẽ thoát những cảnh Khổ luôn hiện diện ở cuộc đời. Bởi kiếp sống dù được cho là giả tạm, ngắn ngủi, nhưng cũng kéo dài đến trăm năm. Trong thời gian đó, mỗi người vừa trả nghiệp cũ vửa tạo biết bao nhiêu là Nghiệp mới, để rồi khi cái Thân hết Nghiệp mà chết, sẽ theo Nghiêp đang làm trong hiện kiếp mà tiếp tục luân lưu trong Sáu nẻo Luân Hồi. Chính Đức Thích Ca là người khám phá và chỉ cho chúng ta biết rằng trong cái Thân tứ Đại giả hợp này, mỗi người còn có một cái CHÂN TÂM trường tồn, bất biến, như như, không sinh, không diệt, không khổ, không vui. Đó mới là MÌNH THẬT hay còn gọi là CHÂN TÁNH, BỔN TÁNH. Người nào quay về Trụ được nơi đó thì sẽ Thoát được PHIỀN NÃO khi còn sống. Lúc cái thân hết Nghiệp cũng không theo nó mà CHẾT, gọi là THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI.

Nhưng vì bản chất con người không dễ xả bỏ những gì đã đeo bám từ vô lượng kiếp. Đức Thích Ca phải bày ra nhiều phương tiện để hướng dẫn. Khi thì nói MÊ, NGỘ, lúc nói THÁNH, PHÀM – CHÚNG SINH, PHẬT - VỌNG TÂM, CHÂN TÂM - HUYỂN TƯỚNG, THẬT TƯỚNG, TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC, ĐÔNG PHƯƠNG TỊNH QUỐC, Qủa vị vv… Tất cả cũng chỉ là phương tiện nhằm khuyến dụ con người để họ vì ham cái tốt đẹp hơn mà chịu rời xa cái Giả tạm đã ôm giữ từ nhiều đời, để không còn bị cảnh Khổ của cuộc đời vùi dập nữa. Không phải là để đạt quả vị cao thấp hay để thành ông thánh, ông Phật, ngồi trên Tòa sen cứu nhân độ thế như nhiều người vẫn lầm tưởng rồi đôi khi chưa đắc được gì mà đã kiêu mạn!

Hành trình quay về với Bản Tánh của chính mình là phải nương những phương tiện: GIỚI, HẠNH, Lục Độ, Tứ Nhiếp, 37 Phẩm trợ đạo vv... Người tu phải Quán Sát, Tư Duy… để khi chấp nhận được cái LÝ đúng, thì thực hành theo đó, tập Xả bỏ dần những phàm tánh, và phải kiên trì làm mãi cho đến lúc được hoàn toàn giải thoát. Công việc này được thực hiện ở nơi TÂM, nên gọi là TU TÂM. Trong Kinh, và trong những lời dạy của các Tổ được truyền Y Bát, tôi thấy chư vị giác ngộ trước sau đều nói giống nhau: Muốn vào Đạo, điểu kiện tiên quyết là phải Giữ GIỚI. và phải đi trong BÁT CHÁNH ĐẠO, không hề đề cập đến TƯỚNG, vì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Rất nhiều Tổ, trong đó có Lục Tổ Huệ Năng, cũng Thấy Tánh khi chưa thế phát, quy y đã chứng minh điều đó.

Con đường tu hành cuối cùng là để đạt được nghĩa NHƯ khi đối pháp, hay còn gọi là NHƯ LAI, tức là các pháp mặc tình đến, đi, hành giả không bị lôi cuốn để động theo nó, không phải là có ông Phật Tổ Như Lai quyền phép vô biên. Vì thế, những người không nhắm vào Tâm mà sửa, lại hướng ra bên ngoài, theo văn tự mà tạc tượng cho to, cho đẹp rồi ngày mấy thời thắp hương để khấn vái, cầu xin thì bị Phật quở trách trong Kinh Kim Cang:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai”

Có nghĩa là: “Nếu nuơng Sắc để thấy Ta (tức Như Lai). Nương âm thanh để cầu Ta, thì đó là người hành tà đạo, không thể thấy NHƯ LAI”!

Cái hiểu về Đạo Phật mà tôi học được không thấy sai khác với chính Kinh, nên tôi biết rằng mình đã may mắn gặp được Chân Thiện Tri Thức chỉ cho đúng hướng tu hành. Con đường đó chỉ quay vô Tâm của mình mà SỬA, nên không cần đến hình tướng. Không thờ phụng, cầu xin. Cũng không cần ăn chay, tụng Kinh, niệm Phật, cạo tóc, đắp y. Không cần xáo trộn cuộc sống thường nhật, vẫn tiếp tục lo làm ăn, hoàn thành trách nhiệm với cha mẹ, với vợ chồng, con cái và trả nợ Tứ Ân. Vì không bị giới hạn thời gian, không gian, hoàn cảnh, nên mọi người, mọi giới đều có thể tham gia. Có như vậy thì Đạo Phật mới có thể phổ cập, đồng độ, mới thật sự đúng với những gì mà Đức Thích Ca muốn truyền đạt. Công phu tu hành chính là thanh lọc Thân, Tâm, cố gắng gột rửa, tẩy BA ĐỘC là THAM, SÂN, SI đã nhiều kiếp ăn sâu trong đó. Áp dụng Lục Độ, Giới, Bát Chánh Đạo, các Phẩm Trợ Đạo, và thường xuyên Soi, Quán, để biết rõ về các pháp, hỗ trợ cho việc “diệt độ Chúng Sinh” là những tư tưởng đố kỵ, tham lam, cao thấp, hơn thua, là những thói xấu của chính mình. Thành tựu chỉ là cái Tâm an bình, không còn phiền não nữa. Không có quả vị, thấp, cao, nên không cần so sánh với ai. Do tu Vô Tướng nên không cần cất chùa, quảng bá rầm rộ. Ý thức Nhân Quả, mình tu thì chỉ mình được nhờ, nên cũng không thọ dụng của người. Do đó, nếu có tu hành không thành công thì cũng không mang nợ thế nhân.

Tu chỉ có một nghĩa là Sửa, nên hoàn toàn không có hào quang của chứng đắc, không có cả danh uy, tiền bạc hay nhiều người tin phục. Trái lại còn phải hành trì rất là nghiêm túc, chỉ để đạt kết quả là Không Còn Ngã, nên cũng chẳng có gì để được, ngoài cái nhẹ nhàng, an lạc trong tâm. Do đó, chắc chắn rằng sẽ không có gì hấp dẫn đối với những ai còn thích nương tựa, cầu xin, hay mưu cầu danh, lợi, chấp nhận bỏ phàm để mong thành thánh, hay nghĩ rằng ít ra cũng phải được thứ gì đó hơn người! Vì thế, chỉ có những ai có suy tư, ít nhiều biết đến hai chữ Tự Độ, không mê tín, không thần quyền, không mong cầu, thì mới chấp nhận được lối tu này mà thôi.

Tôi cho rằng mình là một ngoại đạo nhưng lại được duyên may hản hữu. Điều đáng mừng là buổi đầu tôi đã vào Đạo Phật bằng cái tâm nghi ngờ và chống báng đạo Phật. Vì thế tôi càng tìm hiểu thật kỹ, cho tới lúc không còn bắt bẻ được, mới chấp nhận một lý thuyết nào đó của Đạo, vô tình đã thực hiện đúng lời của Tổ: “Nghi lớn, ngộ lớn. Không nghi thì không ngộ”. Cho nên, đối với tôi, việc Ngộ Đạo hay Thấy Tánh không có gì quá lớn lao, phải gióng trống khua chuông cho mọi người biết, vì đó là Nhân Quả đương nhiên, tỷ lệ thuận với lòng quyết tâm và sự xả bỏ, với cái tâm không ham danh lợi, không tranh chấp hơn thua, chỉ một lòng tin vào giáo pháp của Đạo Phật, sau khi đã kiểm chứng, rồi hành trì theo đó để tự cứu lấy mình, đúng với tinh thần TỰ ĐỘ mà Đạo Phật luôn đề ra.

Một điều kiện nữa rất quan trọng, là dù Phật Tánh nơi mỗi người vốn sẵn. Nhưng nếu không có người đã THẤY hướng dẫn và chỉ cho cách tìm thì không thể nào gặp được. Việc “Kiến Tánh khởi tu” cũng chỉ là một bước khẳng định hành giả đã đi đúng hướng trên con đường hành trì rất dài của người tu Phật, cho nên không có gì phải kiêu mạn khi thấy được, bởi việc đó không mang lại danh hay lợi cho người tu chân chính

Với những gì tôi góp nhặt được trong nhiều bộ kinh, tôi nhận ra rằng những giáo lý Đạo Phật vô cùng lợi ích cho cuộc sống của tôi, rất thực tế, áp dụng được… giúp tôi vượt qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời.

Nhiều người đã nói rằng những gì tôi viết về Đạo Phật là quá mới mẻ. Nhưng nếu ai có chịu khó đọc chính Kinh thì sẽ thấy những điều đó đã được viết từ mấy ngàn năm rồi. Có điều vì nó không giống như những gì mọi người vẫn được nghe truyền bá hiện tại, nên trở thành mới mẻ, xa lạ mà thôi! Tôi chỉ là người đọc nhiều Kinh, thấy những điều chân thật, rất quan trọng và cần thiết cho con đường tu học như thế mà mọi người vô tình hay cố ý lảng quên, không hề đề cập đến, nên tóm tắt lại, viết ra mà thôi. Vì vậy, nhân dịp này xin nhắc lại lời Phật dạy là tốt hơn hết mỗi người nên theo lời Phật, “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Kinh sách từ lâu đã được các Hòa Thượng bỏ công sức dịch ra tiếng Việt, bày bán rất nhiều ở các chùa và các nhà sách, ai cũng có thể thỉnh về để tham khảo, tìm hiểu.

Vừa qua là lễ kỷ niệm 2.553 năm Đức Thích Ca Thành Đạo, cũng là từng đó năm Đạo Phật đến với cuộc đời. Chùa chiền thì nhiều vô số. Phật tử đông đảo thuộc hàng nhất nhì so với các tôn giáo khác. Vậy mà xem ra Kinh Phật hãy còn là điều gì đó bí ẩn đối với mọi người. Lời thọ ký “Chúng sinh là Phật sẽ thành” vẫn còn quá xa lạ đối với người tu Phật! Ai cũng biết Đạo Phật day Tự Độ thế mà vẫn cứ “Y Kinh giải nghĩa” rồi truyền nhau thành khẩn thắp hương chờ mong được Độ! Kinh viết: “Ai nương hình tướng mà cầu ta là tà đạo” thì hình tướng ngày càng được quảng bá qui mô, hoành tráng, rầm rộ! Đạo Phật được gọi là Đạo Nhân Quả, dạy “Cầu mà không cầu” mà Phật Tử hết cầu tài, cầu lộc lại cầu an, cầu siêu! Toàn làm những việc trái ngược với lời dạy của Phật, không biết đó là “Báng Phật, nhạo Pháp”! Lẽ nào kỷ nguyên này với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã chinh phục được những thiên hà xa xôi, mà cái hiểu về Đạo Phật của người Phật Tử lại mù mờ, chưa phân biệt được đâu là Thờ Phật, thế nào mới là Tu Phật? Đã biết tu Phật là Tu Tâm mà chẳng cần hiểu Tâm là gì? Ở đâu? Tu như thế nào? Trí tuệ thì đương nhiên người thời nay không thể thua kém những người đã sống cách đây hàng mấy nghìn năm. Chỉ vì người tu không được ai nhắc nhở quay vào Tâm, thể hiện câu: “Hồi đầu thị ngạn”, mà lại được hướng dẫn màu mè sắc tướng, đi tìm Phật ở Đông Phương, Tây Phương, quên mất câu: “Tức Tâm tức Phật”, “Phật tại Tâm”, “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”

Chính vì vậy mà tôi tin rằng đã đến lúc người Phật tử sáng suốt hơn, tự lực, tự tin hơn để tự vấn về cái hiểu, cái hành của mình rồi đối chiếu với chính Kinh để thấy rằng bấy lâu nay mình đã bỏ quên Cái Phật Tâm của mình, rồi áp dụng lời Phật dạy mà “điều phục chúng sinh”, để đến lúc nào đó mỗi người có thể rủ sạch Vô Minh để tự mừng cho sự Thành Đạo của chính mình hơn là rầm rộ cờ xí, hoa đăng mừng cho sự Thành Đạo của Đức Thích Ca. Có như vậy mới không phụ lòng người sáng lập ra Đạo Phật hằng mong mỏi qua lời Kệ:

“XÁ LỢI PHẬT NÊN BIẾT
TA MUỐN TẤT CẢ CHÚNG
BẰNG NHƯ TA KHÔNG KHÁC” (DPLH)

Trên đây là những thấy biết của tôi sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Phật. Rất mong có những vị Xuất Gia hay Tại Gia khác, học vấn uyên thâm, dày công nghiên cứu khám phá thêm những điều tốt đẹp khác góp ý, chia sẻ, nhất là phản biện để tôi được học hỏi thêm.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Trân trọng.

Tháng 5/2009
Tâm-Nguyện

Lịch sử nền báo chí Việt Nam

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lịch sử báo chí Việt Nam có thể chia ra làm hai thời kỳ:

1-Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ năm 1865, năm tờ Gia Định báo ra đời, đến năm 1925.

2-Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ tháng 6/1925, năm tờ báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng bằng tiếng Việt đầu tiên ra đời.

Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ báo chí chính thống của chủ nghĩa thực dân, ra đời nhằm phục vụ cho chính quyền thực dân xâm lược và cai trị nước ta như một tờ Công báo. Tờ Gia Định Báo tuy do người Việt Nam điều hành và quản lý (từ năm 1869) do hai ông Trương Vĩnh Ký (người Vĩnh Long) làm Giám đốc và ông Huỳnh Tịnh Của (người Bà Rịa) là Chủ bút. Còn trước đó, từ 1865 đến năm 1869 tờ Gia Định Báo do chính người Pháp tên Ernest Potteau điều khiển. Ông là viên Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ.

Thời kỳ thứ hai bắt đầu với việc Bác Hồ xuất bản tờ báo Thanh Niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã nối liền giữa giai cấp công nhân với nhân dân lao động, là tờ báo cách mạng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin đem chủ nghĩa này kết hợp với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã hình thành nên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc chống chủ nghĩa thực dân đế quốc để giành độc lập và tiến lên xây dựng CNXH. Thời kỳ này chia làm ba giai đoạn:

1/ Từ 1925-1945 thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước và sau khi có Đảng

2/Từ cách mạng tháng Tám tới ngày miền Nam được giải phóng 30/4/1975

3/Từ sau 1975 tới nay, báo chí hoạt động trong một đất nước độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ đổi mới hội nhập thế giới.

Và ngày ra số báo Thanh Niên đầu tiên 21/6/1925 trở thành Ngày báo chí Việt Nam theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5/2/1985. Ở thời điểm 1930, các báo xuất bản ở Đông Dương trong thời kỳ thuộc địa còn lưu trữ ở Thư viện quốc gia Paris (Pháp) có khoảng 1.300 tờ, trong số đó có 780 tờ bằng Pháp ngữ, 490 tờ bằng Việt ngữ và một số ngôn ngữ khác như Hoa văn, Khmer, Lào, Ấn…

Còn ở thời điểm 1985, cả nước ta có trên 200 tờ báo, tạp chí và hơn 500 bản thông tin khoa học của các ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn. Tới nay, cả nước có hơn 550 cơ quan báo chí với 713 ấn phẩm báo chí. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, có tổng số 38 đơn vị báo chí và 113 văn phòng đại diện báo chí trung ương và các tỉnh.

Vương Liêm

Nguồn tư liệu :
- 120 năm báo chí Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985.
- Lịch sử báo chí Việt Nam, NXB Trí Đăng, Sai Gon 1973.
- Trang Web Báo chí Việt Nam.

Thư viện một công cụ nắm bắt Thông tin

Thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khối lượng thông tin ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Nó dược xem là nguồn lực là tài sản của mỗi quốc gia góp phần nâng cao trình độ dân trí bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng nhân lực. Đặc biệt trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức đầu thế kỷ XXI, thông tin vừa là hàng hóa, vừa là nhu cầu thiết yếu có giá trị kinh tế cao, những ai nắm được thông tin được thì người đó có cơ hội “làm chủ thế giới”. Giáo sư Trần Quang Diệu có nhận định “thông tin là trật tự, là quyền lực, là nguồn tài nguyên chủ chốt của nền kinh tế và là yếu tố cơ bản của một nền văn minh mới, một xã hỗi mới, xã hội thông tin”.

Tuy nhiên trước thực trạng bùng nổ thông tin như hiện nay sẽ dẫn đến hậu quả khủng hoảng thông tin, con người không biết lựa chọn những thông tin nào cần thiết bởi khối lượng thông tin ngày càng gia tăng mà khả năng tiếp nhận thông tin của mỗi người thì có hạn; con người không biết những gì mình đã biết, sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm lựa chọn những thông tin nào phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình trong dòng chảy thông tin đó. Khoa học kỹ thụật phát triển nhiều phương tiện giải trí ra đời. Cuộc sống trở nên sôi động hơn với nhiều trang thiết bị hiện đại hơn.

Trước thực trạng đó hơn bao giờ hêt đối với người làm công tác thư viện, phải tích cực phát huy nhiệm vụ của mình, ngoài những việc lưu trữ thông tin, xử lý thu thập, phổ biến thông tin cho bạn đọc một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất so với bất cứ nơi nào, chúng ta cần phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nhất có giá trị cho người sử dụng thông tin. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và tác động của công nghệ thông tin. Chúng thâm nhập vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người trong đó có ngành thư viện, giúp cho việc quản lý nguồn vốn tài liệu trong thư viện, mà còn giúp bạn đọc tra tìm những tài liệu được dễ dàng thuận lợi hơn.

Cuối thế kỷ XX, tài liệu điện tử xuất hiện, thư viện điện tử đã ra đời. Tuy nhiên nó không thể thay thế được thư viện truyền thống và tài liệu truyền thống, tài liệu bằng giấy vẫn chiếm đa số, và trong hoạt động thư viện, để có tài liệu phục vụ bạn đọc phải trải qua nhiều công đoạn mà còn gọi là dây truyền sử lý thông tin tư liệu. Tổ chức vốn tài liệu là một công đoạn quan trọng, là công đoạn cuối cùng để đưa ra phục vụ bạn đọc. Tổ chức vốn tài liệu là công việc phức tạp đòi hỏi phải có tính hệ thống và khoa học; hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả phục vụ bạn đọc.

Thư viện là kho tàng tri thức phong phú, bao gồm nhiều bản sách và bộ sưu tập báo tạp chí khác nhau luôn được cập nhật và bổ sung hàng ngày, hàng tháng, sách báo được sắp xếp lên kệ được phân theo hệ thống khoa học, theo một khung phân loại nhất định nào đó, tài liệu cung cấp đủ mọi lĩnh vực khoa học, đảm bảo việc tổ chức sử dụng vốn tài liệu một cách hợp lý, tiết kiệm nhất, nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và phục vụ nhu cầu giải trí.

Với mong muốn gìn giữ kiến thức, kinh nghiệm để lưu truyền cho thế hệ sau, từ xa xưa con người đã biết phát minh ra những kiến thức để lưu trữ thông tin như: đất sét mai rùa xương thú, vỏ cây… giấy và ngày nay là phim ảnh, đĩa từ, đĩa quang… Tất cả những tài liệu ấy được lưu giữ chủ yếu trong thư viện. Cùng với thời gian, nguồn vốn tài liệu ngày được gia tăng. Vì vậy tổ chức nguồn vốn tài liệu phục vụ bạn đọc là một nhiêm vụ quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả của công tác thư viện. Thư viện phải tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc tiếp cận và tiếp nhận thông tin từ tài liệu được nhanh nhất, nhiều nhất mà ít tốn thời gian nhất đồng thời bảo quản vốn tài liệu trong thư viện. Để giải quyết những yếu tố này thư viện phải tập trung tìm ra những giải pháp phù hợp trong việc tổ chức vốn tài liệu và công phục vụ bạn đọc ngày càng đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn.

Thu Hương
(Cán bộ thư viện Phú Nhuận)

Phụ Bản I

4 THÀNH PHẦN THỰC PHẨM
CẦN CẢNH GIÁC TRONG THỨC ĂN CÔNG NGHIỆP

Phần lớn chi tiêu trong các gia đình thành thị dành cho thức ăn công nghiệp – đa số các sản phẩm này có kèm theo chất phụ gia thực phẩm và bị gỉam đi nhiều dưỡng chất vì đã qua chế biến tinh luyện.

Được cái trên bao bì, ngoài nhãn hộp hay bao giấy, đều có bảng “thông tin dinh dưỡng (nutrition facts)” cho người tiêu dùng biết họ sẽ có được cái gì về mặt các dưỡng chất chính và phụ – và đặc biệt là cho biết có chất phụ gia nào.

Chất dinh dưỡng chẳng nhiều thì ít, có thể có lợi cho sức khỏe chứ còn những chất phụ gia thực phẩm (food additives) thì cần cân nhắc lợi thiệt thiệt trước khi mua, đặc biệt với 4 thành phần sau:

1. Chất Béo Dạng Trans (Trans Fats) có mặt trong hầu hết các bánh sữa nhân kem nướng lò (bakery muffins) và bánh quy giòn (crispy crackers), các gói mì ăn liền, bỏng bắp nở bằng lò vi ba (microwave popcorn), khoai tây chiên trong các nhà hàng “thức ăn nhanh”, thậm chí ngay cả trong bánh margarin được người ta quảng cáo là “tốt cho tim-mạch”- thay thế được bơ (bơ, nói cho ngay, thực ra chỉ giàu acid béo no chứ không hề có dạng trans).

Về mặt này, cần phải “đổi mới hẳn tư duy” cho là margarin là dạng chất béo vừa rẻ, vừa tốt cho tim mạch và nên khuyên chọn lựa để thay thế bơ, mỡ heo và dầu dừa: Theo một chuyên viên dinh dưỡng của ĐH Harvard “các chất béo dạng trans phải được coi là thảm họa lớn nhất về chế biến thực phẩm trong lịch sử Hoa Kỳ” (the biggest food-processing disaster in U.S. history)!. Xem hình (chất béo dạng cis thêm hydrogen sẽ trở nên dạng trans ngay đơ (straight) đặc cứng (solid)

Dữ vậy sao? Các nghiên cứu giờ đây phát hiện ra là so với chất béo “no”, dạng “trans” độc hại cho tim mạch gấp 2 lần, và chính là sát thủ đưa hàng năm con số ước tính từ 30,000 đến 100,000 người tử vong trước thời hạn vì bệnh tim (premature heart disease deaths each year).

Đối với tim, chất béo dạng trans tệ hại hơn loại “no”, vì chúng làm tăng thành phần cholesterol “xấu” LDL và làm giảm lọai cholesterol “tốt” HDL. Đối với các mạch máu thì như vậy là tệ hại gấp đôi! Và không như chất béo “no”, dạng trans còn làm tăng cả mức lipoprotein và triglycerid trong máu nữa – càng dễ làm tắc động mạch.

Bắt đầu từ 2006, các nhà sản xuất sẽ phải liệt kê chất béo dạng trans trong phần "Thông Tin Dinh Dưỡng (Nutrition Facts)" ngoài bao bì.

Ngay khi chưa thấy xuất hiện từ “trans”, các bạn cũng đã có thể phát hiện ra “chất” ấy khi thấy báo: “hydrogen-hóa một phần” (partially hydrogenated), “bị phân-đoạn” (fractionated), hay "hydrogen-hóa” (hydrogenated). Dòng chữ “hydrogen-hóa một phần” (partially hydrogenated), càng ở cao bao nhiêu trên bảng liệt kê thành phần thực phẩm thì tỷ lệ dạng trans càng nhiều bấy nhiêu.

Thay thế dạng trans độc hại bằng những lọai chất béo lành mạnh sẽ làm giảm tới 53 % nguy cơ bị lên cơn đau tim.

2. Ngũ Cốc Tinh Luyện (Refined Grains)

Đi siêu thị mà chỉ chọn mua những sản phẩm như bánh mì trắng, gạo trắng, ngũ cốc nhiều đường,ít xơ, nui trắng chẳng hạn, có thể làm tăng 30% nguy cơ bị lên cơn đau tim đấy! Người tiêu dùng cần hiểu biết một cách khôn ngoan, không nên nghe theo những lời quảng cáo gây hại hơn có ích cho người tiêu dùng, như bánh quy lạt “dành cho người ăn kiêng” hay dầu cọ “bảo đảm không có cholesterol”. Bề ngoài hấp dẫn, mầu nâu đỏ vì phết mật có rắc vài hạt mè nhưng ruột xốp “tựa bông gòn” là chính hiệu “tinh luyện = refined” càng làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao, huyết áp cao, lên cơn đau tim, kháng insulin, đái tháo đường... và tăng vòng bụng!

Ít nhất có 7 công trình nghiên cứu lớn đã chứng minh được là những đối tượng nam cũng như nữ tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt (thí dụ như bánh mì “đen”, hay có pha lúa mạch, gạo lức, gạo huyết rồng, xôi bắp, bánh làm bằng bột nguyên cám, bột 5 thứ đậu, hạt bulgur, hạt “bo bo”) giảm được từ 20 - 30 % nguy cơ bị bệnh tim. Và, ngược lại, các đối tượng hay thích ăn bánh làm bột trắng tinh, cơm gạo chà thật trắng vv... thì bị lên cơn đau tim, kháng insulin, cao huyết áp nhiều hơn người khác.

Vậy, xin hãy đọc kỹ bao ngoài trước khi mua và hãy chọn những thứ nào bảo đảm ngũ cốc còn các bao lớp ngoài, còn nhiều chất cám, chất xơ thì hãy mua. Hàm lượng xơ phải đạt ít nhất là 3g/ cho một suất (phần = serving) ăn.


3. Muối

Ba phần tư lượng Natri trong bữa ăn của chúng ta không bắt nguồn từ lọ muối để rắc thêm. Nó tiềm ẩn trong các thức ăn chế biến sẵn như rau và xúp đóng hộp, các nước chấm gia vị như nước tương, nước mắm, nước xốt Worcestershire, các suất ăn nhanh kiểu ham-bơ-gơ (dĩ nhiên kèm với khoai tây chiên), các lọai “thịt nguội” như dăm-bông, nem, lạp xưởng, thịt muối, thịt khô vv...

Natri thiên nhiên cũng có mặt trong một số thức ăn chưa qua chế biến như sữa, củ cải trắng, cần tây, thậm chí ngay cả trong một số mẫu nước uống. Và đó là một điều tốt: Natri là một vi chất cần thiết cho sự sống. Xin nhắc lại các chức năng của Na trong cơ thể:

· tham gia điều hòa huyết áp,

· duy trì quân bình về nước,

· truyền xung điện thần kinh, khiến cơ bắp và tim co thắt được,

· các giác quan về vị, mùi và xúc giác thể hiện được tốt cũng có phần đóng góp của Na.

Mỗi ngày chúng ta cần ăn vừa đủ một chút Na để thay thế lượng Na mất đi với mồ hôi, nước mắt và một số dịch tiết khác.

Tuy nhiên điều gì sẽ xẩy ra, nếu bạn lỡ ăn vào nhiều hơn lượng muối cơ thể cần đến? Không đợi tới đời con, cơ thể bạn sẽ giữ nước để pha loãng lượng Natri dư trong máu thôi. Thể tích máu tăng lên, bắt tim phải “lao động” nặng hơn; đồng thời hiện tượng này khiến cho các mạch máu tĩnh mạch cũng như động mạch co lại khiến cho huyết áp tăng.

Bởi vậy, bạn cần hạn chế:

· ở mức 1,500 mg Na/ngày, tương đương với ¾ muỗng càphê muối (vì trong muối ClNa, 40 % trọng lượng là Na, 60% là Cl).

· Người lớn tuổi thì còn nên ăn ít hơn nữa để đối phó với khuynh hướng tăng huyết áp với tuổi.

- Trên 50 thì nên đặt mục tiêu phấn đấu là 1,300 mg Na/ngày thôi;

- Trên 70 tuổi, xuống còn 1,200 mg.

Chỉ có bảng thông tin dinh dưỡng (Nutrition Facts) ngoài bao bì là cho bạn lượng Na của sản phẩm một cách tương đối chính xác. Ngoài ra thì không thể tin cậy vào các khẩu hiệu như:

· không có Na (sodium-free) (vì theo quy ước, mỗi suất sản phẩm hàm chứa ≤ 5 mg là nhà sản xuất đã có thể khoe là không có Na rồi);

· giảm Na (reduced sodium = chỉ có nghĩa là so với tỷ lệ bình thường thì bớt được 25 %); hoặc ít Na (light in sodium = bằng một nửa hàm lượng bình thường).

4. Mật Bắp Giàu Fructose (High-Fructose Corn Syrup)

So với những chất tạo ngọt kinh điển, mật bắp giàu fructose (high-fructose corn syrup) giá thành sản xuất thấp hơn, vị ngọt hơn và pha trộn dễ hơn với các thành phần nguyên liệu khác. Ở Mỹ, người ta ước tính hàng năm mỗi đầu người đã tiêu thụ gần 29 kg mật bắp – bắt nguồn từ các đồ uống và bánh, kẹo cũng như các sản phẩm khác. Chất này có mặt cả trong nhiều thức ăn đông lạnh. Nó đem lại cho bánh mì màu nâu hấp dẫn và kết cấu mịn, nhuyễn của miếng bánh khi ăn vào; nó có mặt trong cả bánh làm bằng bột mì toàn vẹn, bánh sữa kiểu Anh (muffins), bánh mì kẹp ham-bơ-gơ (hamburger buns). Nó có mặt trong bia, nước ngọt (soft drinks), trong thịt lưng heo xông khói (bacon), xốt mì Ý (spaghetti sauce), thậm chí cả trong xốt cà chua (ketchup).

Nhiều công trình nghiên cứu mới bắt đầu gợi ý là mật bắp với mức tiêu thụ hiện tại:

· có thể gây xáo trộn trong chuyển hóa con người (may upset the human metabolism), làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đái tháo đường.

· Theo các nhà nghiên cứu, cấu trúc hóa học của mật bắp giàu fructose khuyến khích người ta ăn quá mức (encourages overeating).

· Chất này có vẻ như ép gan bơm vào máu tuần hoàn nhiều triglycerid hại tim hơn.

· Thêm vào đó, đường fructose có thể rút cạn vốn dự trữ Crôm của cơ thể, trong khi vi chất này rất quan trọng để duy trì trong máu, những mức nồng độ lành mạnh về cholesterol, insulin, và đường huyết.

Muốn phát hiện xem trong bảng thông tin dinh dưỡng có hiện diện đường fructose, chỉ cần tìm xem có các danh từ sau đây không: “chất tạo ngọt từ bắp”(corn sweetener), “mật bắp”(corn syrup), hoặc “phần đặc mật bắp”(corn syrup solids) hay “mật bắp giàu fructose”(high-fructose corn syrup).

Kết Luận: Lý do chính để thêm các “phụ gia” vào thức ăn là để kích thích giác quan chúng ta, sao cho ngọt, mặn, đậm đà, chua, cay, đưa vào miệng xúc giác của lưỡi cảm thấy mịn, mượt … nhai giòn “tan”… nói tóm lại sao cho chiều được “khẩu vị” càng nhiều người càng tốt.

Đó là điều mong đạt “được” thôi.

Ta hãy cảnh giác trong quá trình chế biến đã “mất” những gì trong thức ăn thiên nhiên có khả năng bảo vệ tim mạch chúng ta: thí dụ chất xơ hòa tan, các chất kháng-ôxy và những chất béo “lành mạnh”.

Nếu phần “được” không bù nổi phần “mất” mà chỉ là ảo giác, thì kể như người tiêu dùng thiệt hại rất nhiều! Trên đây là 4 thành phần nguyên liệu rất “quen thuộc” chúng ta cần cảnh giác để tránh, nhằm tự bảo vệ lấy vốn sức khỏe ngàn vàng của mình.

TP HCM, Ngày 9 tháng 5, 2006
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
Chuyên viên dinh dưỡng

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ ÔNG
ÔNG ÍCH KHIÊM
(1832-1887)

Người Việt Nam có đến hàng trăm Họ, Tộc khác nhau, nhưng các họ từ thời thoát khỏi sư lệ thuộc của phương Bắc như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, họ Nguyễn, họ Võ, họ Đỗ chẳng hạn cùng với một số họ nữa thì có nhiều, duy chỉ có một họ bắt đấu bằng chữ cái O là hiếm thấy. Người ta cho rằng họ này có nguồn gốc Chiêm Thành, trong 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế đã nhập tịch khá lâu vào Việt Nam. Cũng vì vậy, trong lịch sử Việt Nam, có một danh nhân được đặt tên đường mà khi sưu tầm trên bản đồ, thấy tên họ Ông chỉ chiếm một dòng ở tọa độ, không như những họ khác có nhiều hàng với tên tuổi mang họ có chữ cái khác nhau. Đó là ông Ông Ích Khiêm mà tên được đặt ở một con đường thuộc quận 11 Tp. Hồ Chí Minh hiện nay. Ông là người gốc làng Phong Lệ, thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, Ông Ích Khiêm ở với chú, cũng được cắp sách đến nhà thầy đồ, học chữ Thánh hiền như các bạn trong làng, nhưng nhờ thiên tư thông minh nên hơn hẳn đám bạn.

Giai thoại (1) thứ nhứt : Ông Ích Khiêm đi thi Hương.

Khoa cử ngày xưa cứ theo lệ 3 năm tổ chức một lần, người chú của Ông Ích Khiêm sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, đã qua được kỳ thi đầu xứ, tức thi tuyển chọn tại địa phương để đưa người ra kinh ứng thí. Ông Ích Khiêm qua được kỳ thi này nên cũng chuẩn bị lều chõng theo chú đi thi. Bà thím dâu, vợ ông chú của Ông Ích Khiêm thấy vậy mới nói rằng: “mày mà cũng thi với cử gì?”. Vì bà thấy Ông Ích Khiêm thường ngày chỉ đánh bạn với lũ mục đồng chứ mấy khi cầm đến sách vở. Ông từ tốn thưa lại: “được một chữ cũng thi, nửa chữ cũng thi Thím à” vì Ông có được tự tin vào sức mình, dù Ông chỉ mới 15 tuổi. Thi xong trở về, thời gian sau có tin thông báo về tỉnh là Ông Ích Khiêm trúng tuyển Cử Nhơn, còn ông chú hỏng, chừng đó bà thím dâu mới rõ tài cháu chồng mình. Nhưng đó là việc trong nhà, còn đối với triều đình Huế, khi bộ Lễ trình danh sách các tân khoa lên để vua ngự lãm, lúc bấy giờ là năm thứ 7 của vua Thiệu Trị (1841-1847). Nhà vua thấy một sĩ tử ở cái tuổi 15 là cái tuổi còn đánh bi đánh đáo với chúng bạn mà đỗ đại khoa thì có ý nghi ngờ các quan giám khảo có điều gì không minh bạch trong lúc chấm thi, nên bèn ra lịnh: “Tả lâu đài điện thí” tức là thi trước mặt vua. Ông Ích Khiêm được triệu vào cung, sau khi bái lạy vua, ngồi vào bàn (2) viết một hơi với đầu đề vua ra: “Thiếu niên đăng cao khoa” có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Trong bài có câu nhà vua rất tâm đắc là: “xưa nay người đỗ đạt cũng nhiều nhưng có mấy ai đem cái sở học ra phụng sự đất nước”, có ‎ý nói là học chỉ cốt đỗ đạt mong vinh thấn phì gia. Vua truyền đưa bài cho Cao Bá Quát vốn được tôn xưng trong làng văn học là “Thần Siêu (3) Thánh Quát”, bây giờ đang làm Hành Tẩu Bộ Lễ xem. Họ Cao đọc toàn bài chỉ sửa có một chữ.

Giai thoại thứ hai : Ông Ích Khiêm đi xem mắt vợ.

Khi đã lớn, Ông Ích Khiêm cũng như mọi người, tính đến chuyện lập gia đình. Ngày xưa lễ giáo trong gia đình cũng như ngoài xã hội luôn nghiêm nhặt, chuyện dựng vợ gả chồng đều do các bậc sinh thành xếp đặt và quyết định. Nhưng đại khái là đi xem mắt con dâu tương lai của nhà mình cũng chỉ đến xem cách ăn nói, thưa trình, cử chỉ, dáng điệu có được đoan trang, thùy mị không. Nhưng đối với Ông Ích Khiêm, ông đã tự ý làm một việc khác lạ hơn người. Làng bên cạnh có một ông phú hộ có hai cô con gái đến tuổi cặp kê, nhà lại có nhiều ruộng mía. Ông Ích Khiêm một hôm vác dao qua đám ruộng mía, đốn hạ một mớ giả làm như đốn trộm mía đem bán, gia nhân ông phú hộ biết được về báo với chủ. Ông phú hộ truyền bắt ngay tên nào ở đâu đến mà dám cả gan phá hoại tài sản của ông, trói lại và đem về nhà giam giữ chờ đem lên huyện đường xét xử, hai cô con gái ông phú hộ cũng tò mò xuống xem thử anh chàng nào mà lại to gan dám phá mía của cha mình là người giàu có, thế lực. Cô chị khi thấy Ông Ích Khiêm thì thốt lời khinh bỉ có ý coi như kẻ trộm cắp và dặn chừng gia nhân bỏ đói, nhưng cô em thấy vậy lại có từ tâm, lén đem cơm nước cho ăn tử tế. Ông đã ngầm chấm cô em làm người nâng khăn sửa túi cho mình sau này. Ông phú hộ cho người qua làng của Ông Ích Khiêm mời một vị hương chức trong làng qua để chứng kiến sự việc trước khi phân xử. Khi vào đến sân, thấy Ông Ích Khiêm bị trói ngồi giữa sân hoảng kinh đến trước mặt Ông sụp lạy mà nói rằng: “Tại sao Quan “Cử” lại đến như thế này”. Lúc đó ông phú hộ mới bạt vía, lật đật xuống thân hành cởi trói cho Ông Ích Khiêm và xin lỗi rối rít, vì biết trước sau gì tên giả vờ trộm mía này cũng trở thành bậc “Phụ mẫu chi dân”. Té ra quan Cử dùng mẹo coi mắt vợ bằng cách đó để cho con người bộc lộ nội tâm mà định đoạt.

Giai thoại thứ ba : Ông Ích Khiêm đãi tiệc các bạn đồng liêu.

Tính Ông ngay thẳng không thích luồn cúi, nịnh nọt đi đến độ châm biếm cao ngạo. Một hôm Ông đãi tiệc tại nhà và mời các bạn đồng liêu đến dự rất đông. Ông căn dặn gia nhân chỉ nấu một món, mà làm cho thật ngon đó là món thịt chó. Trong lúc ăn, các quan mới hỏi Ông rằng: “Chớ hôm nay, quan anh cho chúng tôi ăn món gì mà ngon quá vậy”. Ông bảo đó là món thịt chó và chỉ tay vào các bàn từ bàn trên cho đến bàn dưới, bàn trong cho đến bàn ngoài tất cả đều là “chó” hết. Các quan thấm ý, biết là Ông Ích Khiêm chửi xỏ mình nhưng không làm sao nói được. Chưa hết, ăn xong các quan chờ hoài không thấy hầu bàn bưng nước lên, bởi có Ông dặn trước, các quan hỏi sao cho ăn mà không cho uống, khi ấy Ông Ích Khiêm mới nói với xuống bếp và thét lớn: “cha tụi bay chỉ lo ăn mà không lo nước”. Các quan lại một phen tức giận mà không làm sao được, sau đó Ông mới cho đem nước lên.

Giai thoại thứ tư : Ông Ích Khiêm đi đám tang cụ Phạm Phú Thứ.

Khi cụ Phạm Phú Thứ mất (1882), Ông Ích Khiêm có đi đám tang cụ Phạm. Lúc bấy giớ các bạn đồng liêu của cụ Phạm đi đến, vị nào cũng mang theo những phẩm vật có giá trị, lụa là, gấm vóc lại có cả Tuần vũ Nam Ngãi là quan sở tại đứng chánh tế theo lệnh của vua Tự Đức, với lễ vật trịnh trọng. Ông Ích Khiêm lúc bấy giờ đang giữ chức Trấn thủ kinh thành Huế, nhiệm vụ được giao phó là ngăn ngừa không cho Pháp tấn công lên cửa Thuận An. Tuy nhiệm vụ quan trong nhưng Ông Ích Khiêm cũng xin vua được về dự tang cụ Phạm tại Quảng Nam vì cảm cái nghĩa ngày trước trong lúc ông phạm lỗi bị triều đình cách chức đuổi về quê, thì chính cụ Phạm khi được cử ra làm Tổng Đốc Hải An, đã xin vua Tự Đức cho ông ra theo đất Bắc để đoái công chuộc tội. Ông Ích Khiêm đi điếu không như các quan khác, lễ vật lỉnh kỉnh, mà chỉ đem theo vài bộ hạ, gánh một gánh chè xanh với cái chảo lớn. Đám tang cụ Phạm giữa một cánh đồng nắng gắt, không một bóng cây, các quan và dân chúng dự tang rất đông, nên ai cũng khát nước, Ông Ích Khiêm mới bảo bộ hạ bắc chảo giữa đồng nấu nước chè xanh. Khỏi phải nói trời nắng đang khát nước mà được một bát chè xanh thì “đã” vô cùng. Ông Ích Khiêm bây giờ mới nói: “Tôi đi điếu cụ Phạm, với gánh chè xanh mà ai cũng hưởng ứng”

Giai thoại thứ năm : Ông Ích Khiêm vin vào công tác khẩn yếu để có cử chỉ xem thường thượng cấp không đồng quan điểm với mình.

Lúc quân Pháp tấn công vào cửa Thuận An (1883) Ông được giữ chức Trấn thủ kinh thành, chống trả quyết liệt, trong lúc ở triều đình quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường, người chủ trương hòa hoãn có lợi cho Pháp, đã cử Nguyễn Trọng Hợp làm Phó Khâm sai đi cùng đại diện Pháp là De Champeaux xuống cửa Thuận An, truyền lịnh bãi binh, trong lúc ông và quan sĩ đang lo đắp thành bẳng bùn đất chống lại đạn bắn thẳng của địch rất hiệu quả. Ông được báo trước có phái đoàn triều đình đến nhưng cứ tảng lờ không về nhiệm sở chỉ huy để tiếp đón, mà vẫn ở lại chiến địa điều khiển ba quân củng cố phòng tuyến. Phái đoàn đến tìm mãi không biết vị chỉ huy ở đâu, sau quân sĩ mới dẫn lại, thấy Ông mình trần trùng trục, chỉ đóng một chiếc khố, đang hò hét ba quân đắp thành. Phó Khâm sai Nguyễn Trọng Hợp thấy vậy cho người đến nhắc nhỏ với Ông về ăn mặc chỉnh tề để tiếp phái đoàn, Ông giả bộ xin lỗi: “vì mải lo công việc phòng thủ cấp bách nên không biết phái đoàn đến”.

Ông Ích Khiêm là một người văn võ toàn tài. Lịch sử khoa bảng Việt Nam chưa hề thấy ghi một thiếu niên ở cái tuổi tóc còn để chõm như Ông mà đỗ Đại khoa. Dưới triều Tự Đức, chính Ông là vị võ tướng đã góp công rất lớn trong công cuộc bình định đất Bắc, lập được nhiều công trận lẫy lừng khi đánh dẹp được Đảng cờ vàng Hoàng Sùng Anh và giặc khách L‎ý Dương Tài ở Hồ Ba Bể năm 1875. Ông có tinh thần chống xâm lăng tích cực, nhưng vì bản tính cương trực thái quá khiến nhiều người không ưa. Cho nên về sau, nhân một vụ phạm lỗi rút quân sau khi chiến thắng để về chuẩn bị lại lục lượng khi chưa có lịnh, Ông bị quan Phụ chính thân thần (4) là Tôn Thất Thuyết làm tội bắt giam, đày vô Bình Thuận và qua đời tại đây lúc 55 tuổi.

Ngày nay trên con đường QL1 từ TP HCM ra Đà Nẵng, khi còn cách ngã tư Hòa Cầm quận Cẩm lệ độ 2km, bên trái sát quốc lộ có núi đất cao độ 200m; nhìn lên chóp núi thấy có chút mái cong nhô ra, đó là nơi an nghỉ của Ông Ông Ích Khiêm.

Vào năm 1989, ngôi mộ bắt đầu xuống cấp, chung quanh rêu phong cỏ mọc, nhưng nay đã 20 năm qua chắc con cháu họ Ông đã có được điều kiện khắc phục điều này rồi, với lại chính quyền địa phương chắc cũng để tâm lưu ý đến một nơi được coi như di tích lịch sử.

PPT

-----------

(1) Giai thoại: Câu chuyện hay, vui.
(2) Khi thi Hương ở trường thi, sĩ tử ngồi trong lều để khom lưng viết bài nhưng nếu ở điện thì có bàn ngồi để viết.
(3) Tức Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ triều Tự Đức, người cùng thời với Cao Bá Quát:

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán.
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường

(4) Phụ chính đại thần nếu là người có họ với vua thì gọi là Phụ chính thân thần.

Bạn Muốn Giảm Cân?

Trước Tiên Hãy Nhai Kỹ Khi Ăn!

Bạn luôn muốn giữ cho eo được thon? Xin mách cho bạn một “ bí quyết ” bất ngờ: Khi ăn, nhớ nhai cho kỹ. Có nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là động tác nhai là một thông số căn bản của việc chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Xin nêu lên những bằng chứng các nhà khoa học đã viện dẫn ra cho chúng ta.

Hè về, hè về, trong các tạp chí sẽ nở rộ lên những bài báo hô hào: nên ăn thêm rau trái cây tươi, đang mùa, dầu ăn nên kén chọn thứ nào, đừng quên thưởng thức hải sản, coi chừng vấn để an toàn vệ sinh thực phẩm... Những lời khuyên khá là khôn ngoan, song vẫn chưa “ đủ ” cho mục tiêu bạn đang theo đuổi. Có một phương cách để “ giữ cho thân hình thon thả ” còn chưa được nhiều người biết tới song đơn giản tới độ “ bất ngờ ” : Đó là NHAI THỨC ĂN. Báo online Pháp LaNutrition.fr có bài giải thích tại sao nhai lại có thể là một việc làm mấu chốt giúp cho bạn giảm được cân khi dư cân, và hơn thế nữa, duy trì được số cân mong muốn, một khi đã đạt tới mục tiêu này.

Nhai Để Cảm Thấy No Bụng

Tại sao lại cần thiết phải nhai đến thế? Là vì chính động tác nhai là một trong những yếu tố sẽ giúp chúng ta cảm nhận được lúc nào “lửng dạ” = no rồi. buông đũa bát xuống, rời khỏi bàn ăn. Sau một thời gian nhai 15 - 20 phút là não người ăn phóng thích ra một chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmetteur) là: histamine . Đây chính là tín hiệu nhắc người ăn “bạn ngưng ăn là vừa, bụng bạn no rồi”. Hệ quả là: càng nhai nhiều, càng mau no bụng. Nhưng thế chưa hết, histamine còn giúp người ta được một điều nữa: không những histamine đem lại cho người ăn cảm giác no bụng, nó còn làm tăng chuyển hóa lipid giúp người ta tiêu mỡ. Vậy, một công được tới 2 việc: khi tập trung vào nhai, lượng thức ăn đưa vào sẽ bớt đi, và bạn lại tiêu được bớt mỡ: tôi nhai kỹ, tôi sẽ giảm cân “là điều đã được chứng minh”.

Kết quả các công trình nghiên cứu

Có nhiều công trình đã chứng minh rõ ràng vai trò của “khâu” nhai thức ăn trong việc ghi nhận cảm giác no bụng. Tại Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nông Nghiệp Pháp (Inra), nữ chuyên gia Marie-Agnes Peyron đã yêu cầu các đối tượng tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu: nhai lâu thức ăn… và không nuốt! Toàn bộ bữa ăn các tình nguyện viên đưa vào miệng nhai đã được nhổ ra: như vậy, họ không thu thập được một Calorie nào. Tuy thế mà tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu đã khẳng định là họ rời khỏi bàn ăn với cảm giác “hết đói bụng” mặc dù trên thực tế cuối bữa, họ đã chẳng có gì vào bụng cả.

Ở Mỹ, một công trình khác gần đây cũng xác nhận hệ quả của việc nhai thức ăn trên cảm giác no bụng. Bác sĩ Cassady và các công sự ở Đại Học Indianapolis đã tuyển mộ 13 tình nguyện viên và cho các đối tượng này ăn 55g hạnh nhân/người với hiệu lệnh về số lần nhai: 10 lần, 25 lần hay 40 lần.

Trong 3 giờ sau đó nhóm nghiên cứu đã lượng giá sức ăn (appetit) của các đối tượng tình nguyện. Họ nhận thấy là các đối tượng nào đã nhai 40 lần “ít đói bụng” hơn là những người chỉ nhai có 10 lần trước khi nuốt.

Nhai kẹo cao-su ( chewing-gum ) để không bị đói cồn cào ( fringales )?

Nếu chỉ cần nhai nhiều để bớt đói bụng, thì sao người ta không nhai kẹo cao su để giảm bớt những cơn đói cồn cào nhỉ? Có thể được lắm chứ, nếu dựa vào kết quả công trình nghiên cứu mới sau đây. Nhóm nghiên cứu đã chiêu mộ được 15 người tình nguyện tham gia, đến phòng thí nghiệm dùng bữa trưa (déjeuner) và bữa xế (gouter). Ngày đầu tiên các đối tượng tham gia đã phải nhai kẹo cao su giữa 2 bữa ăn và ngày thứ nhì thì họ “nghỉ nhai” trong khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn . Nhóm nghiên cứu đã nhận xét thấy rằng hôm có nhai kẹo cao su sau bữa trưa, đến bữa xế họ ăn vào bữa xế giảm bớt đi 40 calories.

Năng nhai thì dáng thon hơn

Bạn tự hỏi nếu mình nhai kỹ, liệu vóc dáng của mình có thon thả hơn không? Để giải đáp thắc mắc này một êkip chuyên gia Nhật bản đã điều tra theo dõi một số thiếu nữ tuổi từ 18 - 22 và phỏng vấn rất tỉ mỉ về cách ăn uống của các cô gái đồng thời đo vòng eo các cô. Kết quả: các cô gái nào thường thích ăn cứng, giòn, có nghĩa là “ phải nhai ” nhiều hơn các bạn thì có vòng eo nhỏ hơn, ngay cho dù số Calo ăn vào ngang nhau!

Tài liệu tham khảo:
http://www.lanutrition.fr/Je-mche-donc-je-maigris-a-3433.html
Theo La Nutrition.fr, ngày 12/05/2009)

Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính

Hẻm 210

Truyện ngắn của Dương Lêh.

Nằm trên con đường Cách Mạng Tháng Tám đối diện xéo xéo với Bộ Tư Lệnh Thành. Ngay đầu hẻm là một tiệm phở sáng nào cũng bốc lên mùi thơm ngào ngạt quyến rũ cho nên quán lúc nào cũng đông.

Cuối năm 1981 tôi thuê một căn phòng trong một ngôi nhà cổ nằm lưng chừng khoảng giữa con hẻm. Cuối con hẻm là lối rẽ vào ga Hòa Hưng. Nói là căn phòng nhưng thực ra đó là khoảng không gian được vây quanh bằng bốn tấm vách nửa gỗ nửa lưới ở phía trên. Trần nhà là những thanh gỗ đen bóng nằm ngang để chịu đựng mái ngói âm dương trên những cây rui xơ xác. Từ xà nhà ông bà chủ treo sẵn một cây quạt trần với một câu viết “cẩn thận coi chừng cánh quạt” bên hông cây xà gỗ. Tội nghiệp ông chủ cũng có lòng, lưu ý cẩn thận nhưng không biết rằng nếu nhìn thấy được dòng chữ trên thì cái đầu của tôi đã văng mất tiêu rồi vì cánh quạt nằm ngang tầm cái cần cổ của tôi.

Trong phòng vừa đủ chứa một đi văng, một giường sắt nhỏ, một khoảng trống sát vách để chiếc xe đạp và một ô vừa đủ cho bà xã tôi để hai ông táo ngay cửa ra sân sau và được chắn lại bằng một tấm gỗ cao khoảng tám tấc vì phía sau ông chủ đang nuôi mấy con heo, mỗi con khoảng mươi mười lăm ký.

Thời đó con hẻm còn rất thấp so với con đường Cách mạng Tháng 8, nên khi đứng trên đây nhìn về con hẻm không khác nào đường xuống Thung lũng Tình Yêu của Đà Lạt, và vì vậy khi có mưa lớn, nước từ đường lớn tràn xuống hẻm gây ngập lụt những căn nhà hai bên. Lúc đó trong phòng tôi hai ông táo được bà xã tôi cho di tản lên giường để nấu nướng.

Cách chỗ tôi ở chừng ba hay bốn căn gì đó, là nhà một anh bạn, một họa sĩ. Hai vợ chồng và đứa con trai chừng 3 tuổi cùng ở trên một căn gác trong nhà ông anh cả. Ông anh cả nghe đâu đã vượt biên sang Mỹ từ những ngày đầu giải phóng, để lại bà vợ và một bầy con 5, 6 đứa. Đứa con gái lớn thì đã có chồng và có một con gái vừa qua thôi nôi, đứa nhỏ nhất của ông anh cả khoảng 12, 13 tuổi. Phân nửa căn gác là nơi làm việc của anh chàng họa sĩ này. Một giá vẽ trên đó một bức tranh đang vẽ dở dang hướng vẽ phía cửa sổ tràn ngập ánh sáng, bên cạnh đó là bộ salon bằng gỗ theo kiểu ghế một đàng bàn một nẻo. Phía bên vách nhà là chiếc giường bằng gỗ tạp dành cho họa sĩ sau khi làm việc mệt, chàng quăng cọ vào khay và chỉ cần hai bước là chàng đã nằm ngay đơ lên giường thư giãn. Trong thời buổi bao cấp lên đến mức cao trào, đời sống khó khăn nhưng anh chàng họa sĩ này chẳng thấy khó khăn gì hết. Tranh vừa vẽ xong là bán được ngay. Không hề có cảnh tranh bị nằm tháng này qua tháng nọ ở ngoài Arcade (*).

Tranh của anh thường là cảnh đồng quê miền Nam với đồng ruộng bao la kéo tận chân trời, trâu nằm nhai cỏ, thôn nữ gánh lúa vv… Những đề tài cũ mèm như vậy nhưng anh kiếm ăn có vẻ thoải mái. Anh bảo “Lúc này Liên Xô mua tranh đồng quê dữ lắm, bức này tao vẽ gần hai chục lần. Vẽ xong treo lên 3 ngày là “rớt, rớt, rớt”. “Rớt” ở đây tức là bán được rồi. Có tiền rủng rỉnh chiều đó thế nào anh cũng “hú” bạn bè về nhà nhậu. Nét nhậu của anh ta cũng rất phong độ và hào phóng. Thời đó chúng tôi chỉ uống mấy thứ rượu Cây Lý, rượu thuốc, Ri-va-lê dỏm. Đây là những loại rượu đáp ứng túi tiền dân chúng vì giá rẻ nhưng chất lượng thì chẳng ai quan tâm, bây giờ nhớ lại mới thấy kinh hoàng. Người ta nói rượu được chế biến bằng cồn công nghiệp pha với nước lạnh, nước vỏ quít, muốn có màu thì nhúng bao nhang vào. Màu bầm bầm tím tím của bao nhang làm cho rượu có màu giống rượu Cây Lý. Thế là bà con cứ bình tĩnh chén chú chén anh cho đến khi say xỉn rồi tan hàng.

Trong đám bạn bè tới nhậu thường có mấy tay họa sĩ cao thủ võ lâm từng xuất thân từ trường Mỹ Thuật Gia Định. Có một chàng họa sĩ kiêm diễn viên điện ảnh, lúc nào cũng ăn diện đúng mốt, quần jeans áo pull, giày adidas, tóc để trước ngắn sau dài. Anh ta cũng có biệt tài hát. Anh hát giống như một ca sĩ. Khi anh hát anh không cần biết tất cả cử tọa có nghe anh hay là họ đang mải mê nói chuyện khác. Anh chỉ cần thấy được một người đang chú ý nghe là được rồi. Anh nói: “Một mình mày nghe là được vì sau lưng mày còn có một ngàn thằng khác sẽ biết tao hát”. Còn một biệt tài nữa là anh dùng lưỡi rung tạo thành tiếng đàn banjo alto trong ban nhạc đồng quê ở Mỹ. Vì nhiều tài, ăn mặc bảnh bao lại là một diễn viên điện ảnh, anh ta bị phát sinh hệ lụy. Một cô gái nào đó đã bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu và rồi có với chàng một đứa con gái. Anh phải đưa hai mẹ con nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, thường xuyên thay đổi nơi ẩn náu sợ địch phát hiện. Địch ở đây là bà vợ chính thức của anh ta với sự trợ thủ đắc lực của đứa con gái lớn vừa đến tuổi trưởng thành cùng đi tìm đến tổ ấm riêng của anh chàng này để đánh ghen. Nhưng cô vợ bé này chưa phải là điểm dừng của anh chàng nghệ sĩ đào hoa. Cứ cách xa năm bảy tháng gặp lại, sau vài câu thăm hỏi thông thường, anh ta lại khoe: “Tao vừa gặp một em này rất dễ thương…”. Chúng tôi biết ngay chàng ta vừa tằng tịu với một cô gái nào khác rồi đó. Để khuyên anh ta chúng tôi chỉ biết nói câu: “Mày quậy cho lắm vào, vợ mày tìm được sẽ cho mày thành hoạn quan trong ba mươi giây”.

Một lần hắn đem công ăn việc làm về cho nhóm họa sĩ đang co ro gầy còm vì thiếu ăn. Đó là lần hắn ta hợp đồng với một công ty xuất nhập khẩu lãnh mành mành tre về vẽ để giao cho công ty xuất khẩu. Kích thước tấm mành mành tre gần bằng tấm lịch tháng treo tường. Đây là sáng kiến của anh chàng họa sĩ kiêm diễn viên này, đó là cho họa sĩ vẽ trực tiếp lên tấm mành mành thay vì kéo lụa và họa sĩ vẽ mỗi tấm mành mành được khoản thù lao là 7 đồng vào thời điểm lúc bấy giờ. Thế là vô mánh và trước khi bắt đầu 5, 6 họa sĩ họp lại để triển khai công tác. Các họa sĩ quyết tâm thực hiện với chỉ tiêu mỗi người 20 tấm mỗi ngày và mỗi tấm phải vẽ xong trong 10 phút. Khí thế làm việc rất sôi nổi. Các họa sĩ bò xuống sàn để vẽ. Có một anh họa sĩ lớn tuổi, tóc bạc phơ, vừa mới bị cụp xương sống cho nên việc quì mọp xuống sàn vẽ đối với anh ta càng dễ như chơi. Hỏi tông tích hóa ra anh chàng này trước 75 cũng từng là diễn viên điện ảnh đóng vai quan trọng trong phim “Hè muộn”. Với mái tóc bạc phơ anh được coi là đối thủ nặng ký của Đoàn Châu Mậu trong ngành điện ảnh lúc đó. Anh có đưa xem hình anh chụp chung với Kiều Chinh và các diễn viên điện ảnh khác. Phải công nhận anh chàng này ngày xưa bảnh bao ra phết và quả thật cũng ngang cơ với với anh chàng diễn viên tóc bạc nỗi tiếng thời đó. Thế mà bây giờ, mới gần mười năm sau giải phóng trông anh như một ông già bẩy mươi, khi đi lưng gẩy cụp song song với mặt đất, mắt hom hem, răng vàng bệch vì thuốc lá, nhưng được cái là khi nói chuyện anh vẫn còn hăng lắm.

Trong lúc vẽ anh thường giải thích cặn kẽ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện một cuốn phim làm sao cho đạt yêu cầu. Anh nói trước 75 phim Việt nam không ra làm sao cả. Làm phim để mà làm, không lẽ không có để cho cái nền điện ảnh nó phải đi đời nhà ma. Vốn liếng ít, dàn dựng nghèo nàn, diễn viên diễn xuất như trả bài trong lớp học, chưa hết, lời thoại thì soạn theo giọng văn miền Bắc lại cho mấy anh hoặc mấy em diễn viên Nam kỳ nhập vai nói không khác nào râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thôi thì để câu khán giả đạo diễn cứ cho các em diễn viên tắm, hết tắm trong nhà, ra hồ bơi, xuống biển, có khi dưới trời mưa với thân hình lồ lộ trần trụi hoặc dưới lớp áo mỏng te đầy hấp dẫn. Khán giả ra về không cần biết chủ đề phim là gì chỉ biết khen cô nàng diễn viên có bộ ngực như núi lửa. Cũng có người hậm hực: “Xì, hay ho gì, mấy thằng đạo diễn luộc con nhỏ đã đời mới đưa ra cho mọi người coi chút chơi”.

Trong nhóm khách đến đây nhậu còn có một anh chàng không phải là một họa sĩ mà làm nghề bán giỏ nylon. Vào thời điểm đó có phong trào sử dụng loại giỏ được móc crochet bằng chỉ nylon. Chàng bán giỏ này có một nhóm thợ chuyên gia công cung cấp hàng cho anh ta bán. Bà xã tôi cũng tham gia vào công việc kinh doanh này. Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc tôi phải chở bà xã bằng xe đạp đến gặp anh ta để nhận chỉ nylon về gia công. Chỉ nhận về là những lọn lớn, người thợ gia công phải tháo ra quấn thành từng ống chỉ trước khi móc crochet. Tôi phải ra tay thợ mộc đóng cho bà ấy một cái guồng để máng lọn chỉ vào sau đó quấn vào từng thoi chỉ nhỏ để móc ra sản phẩm. Hồi ấy bà xã tôi cũng kiếm được lai rai bù đắp vào tiền chợ mỗi ngày. Tối nào hai chúng tôi cũng thức đến khuya, bà xã tôi ngồi móc, còn tôi thì đánh chỉ từ guồng vào thoi trong khi văng vẳng từ cái radio transistor giọng hát Khánh Hà qua bài Gợi giấc mơ xưa trên đài VOA mà ngày đó chúng tôi phải nghe lén nghe lút. Không hiểu sao, trong đêm vắng lặng, bài hát lúc đó hay vô cùng, chúng tôi nghe mà cứ sợ cô ca sĩ sẽ hát hết bài.

Anh chàng bán giỏ có giọng ngâm thơ rất đặc biệt. Sau khi đưa cay chừng một xị rượu Cây Lý, sự hưng phấn làm cho anh chàng cảm thấy thích thú và cất giọng ngâm. Nhưng bao nhiêu lần đến nhậu anh chỉ ngâm mỗi một bài thơ, không hề có bài thứ hai. Đó là bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Mọi người im phăng phắc, giọng anh sang sảng trong tối vắng lặng vang vọng qua cửa sổ, lướt trên những mái nhà lân cận ngày xưa còn thấp lè tè. Khi lên tới cao trào anh phấn kích nhả chữ: “Hồ Trường, Hồ Trường, ta biết rót về đâu? Rót về Đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn…”. Ai cũng lim dim đôi mắt để hưởng thụ tận cùng cái hào khí ngất trời của bài thơ, rồi tưởng tượng phải chăng một Kiều Phong đang hiển hiện ra đây cùng với mọi người nhâm nhi ly rượu. Người ngâm thơ từ từ xuống giọng để fade out “Hà tất cùng sầu với cỏ cây.” Phải nói bài thơ có sức lôi cuốn lạ lùng. Mọi người làm như có cái gì đó kích động vào cơ thể rồi không ai bảo ai từ từ đưa tay ra nâng ly rượu làm một hớp ngon lành, khi chàng ta ngâm tới câu: “Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, Trời đất mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta cạn một hồ trường…”. rồi đến khi anh “hà tất cùng sầu với cỏ cây” lần thứ hai thì mọi người tan hàng ra về vui vẻ.

Thời đó, con hẻm 210 không ồn ào bát nháo như ở một số những con hẻm ở phía Hòa Hưng. Nơi đây về đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng có một chiếc ba gác chở hàng từ trong ga chạy ra hướng về Cách mạng Tháng 8 rồi tếch về phía Hòa Hưng là mất dạng. Đó là những chiếc ba gác chở hàng của nhưng tay buôn đường dài từ Hà Nội vào. Họ tìm đường tắt để không phải chung chi cho các ông Cảnh sát kinh tế đứng ở đầu đường Lý Chính Thắng.

Con hẻm ồn ào lên mỗi khi có một đám tang của một gia đình nào đó ở dọc theo con hẻm. Thôi thì bà con được dịp mất ngủ. Kèn trống inh ỏi từ hai cái loa mở hết công suất kéo dài thâu đêm suốt sáng. Có nhà thuê luôn một đội kèn tây vào thổi cho xôm tụ. Dàn kèn tây này biểu diễn theo chủ đề. Nếu người chết là đàn ông lớn tuổi, ban nhạc sẽ chơi bản “Ơn nghĩa sinh thành”, nếu là đàn bà cao tuổi thì ngoài bản “Ơn nghĩa sinh thành” ban nhạc sẽ chơi bản “Lòng mẹ”. Đây cũng là cách tiếp thị để sau này ai có nhu cầu về tang sự biết được ban nhạc này mà gọi.

Trời về khuya, người đến viếng đã hết. Đây là thời điểm của ban nhạc Pê đê. Ban nhạc đặc biệt này gồm gần mười thành viên có đầy đủ nhạc cụ, ampli, micro. Toàn bộ là nam. Họ bị chứng bệnh đồng tính luyến ái làm cho họ có lối sinh hoạt như những người nữ. Đa số họ có thân hình ẻo lả, mềm mại đặc biệt là cách ăn mặc theo kiểu con gái, kẻ lông mày, gắn lông mi giả. Tuy nhiên cũng có vài anh có vẻ từng luyện tập thể hình, nên nhìn dáng vóc có phần vai u thịt bắp. Mấy chàng này thường nắm vai trò bầu sô hoặc MC dẫn chương trình. Khi được hỏi tên, mấy chàng trả lời ngay là Thu Loan, Hồng Cúc vv… Chương trình cũng xôm tụ lắm. Có đơn ca, hợp ca với kỹ thuật chia bè phái điêu luyện qua phần giới thiệu nửa Nam nửa Bắc của chàng MC: “Thu Loan xin gửi đến quí vị lời chào chanh chọng nhách. Để mở đầu em xin giới thiệu giọng hát của Yến Lan…” Đặc biệt có màn múa đèn thật không khác gì các vũ công thật sự trên sân khấu. Họ uốn éo biểu diễn theo bản nhạc Taboo dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến vàng hắt hiu làm cho họ trở nên huyền ảo hấp dẫn lạ thường. Một điều cần phải suy nghĩ là toàn bộ khán giả không thể tưởng tượng rằng họ là những người đàn ông một trăm phần trăm.

Nhóm “pê đê” này có lần xuất hiện trên sân khấu liên hoan ca nhạc do Phường tổ chức. Vào một ngày lễ lớn Phường cho dựng sân khấu tại khoảng đất trống ngay ngả ba giáp với đường vào nhà ga. Người ta, nhất là thanh niên thiếu nữ, đến xem thật đông, người nọ rủ rê người kia: “Mau ra xem pê đê hát”. Khi mở màn khán giả nhao nhao yêu cầu nồng nhiệt: “Cho pê đê hát trước! Cho pê đê hát trước!”. Ban tổ chức thấy bà con đến đông quá nghĩ rằng đêm văn nghệ sẽ thành công ngoài sức tưởng tượng nên chìu lòng khán giả. Vậy là phần trình diễn của nhóm pê đê bắt đầu trước. Màn hợp ca được ba “cô gái” biểu diễn trong trang phục xoa rê rất đài các.

“Đá đa đà đa đá…” Các bước tớ bước lui, qua phải qua trái nhịp nhàng đúng bài bản, lôi cuốn. Khán giản chỉ biết ngồi im thin thít như thịt nấu đông để lắng nghe từng câu ca tiếng nhạc.Thật có trời mới biết những ca sĩ biểu diễn kia không phải là liền bà. Rồi sau đó là một màn đơn ca, rồi lại hợp ca và kết thúc chương trình của pê đê bằng một màn múa, cũng lại là múa đèn.

Ngay khi màn múa vừa chấm dứt, khán giả đồng loạt ra về không cần đợi MC lực lưỡng Thu Loan ngỏ lời cảm ơn “ chanh thành nhách ” và giới thiệu tiếp theo là phần văn nghệ của Phường. Bây giờ chỉ còn ngồi lại ở hai dãy ghế đầu là các vị bô lão, các bác hưu trí, thương binh, gia đình chính sách trong Phường.

Mấy con heo của ông bà chủ nhà nuôi đã khá lớn. Tấm ván ngăn dựng ở cửa sau không đủ cao nên mấy anh đệ tử của Thiên Bồng nguyên soái cứ thích chồm lên nhìn vào phòng tôi quan sát không cần biết ngay dưới mõm các chàng là hai ông táo khói lửa nghi ngút. Có lần vợ tôi đang xào một chảo rau muống, đứa con gái lúc đó vừa hơn hai tuổi muốn ngồi “ pô ” . Vợ tôi quay lại lo cho con gái vừa xong nhìn về chảo rau muống thì ô hô chảo rau chỉ còn non một nửa. Các chú Trư bát giới đang bu lại ủn ỉn chén phần rau muống mới được xào dở dang. Vợ tôi nhìn theo chỉ biết ấm ức. Tôi an ủi nàng: “ Thôi em à, tái ông thất mã, biết đâu chiều nay mình trúng số và tôi giải thích tiếp: Này nhé mình sẽ đánh con heo. Heo con là số 7, heo xồn xồn là 47 và heo già là 87. Mình sẽ ghi số 47 vì heo nuôi ở đây chưa gọi là già ” .

Nhưng chiều hôm đó kết quả xổ số không phải là con heo mà là con chó, số 11. Số của con chó là 11, 51, 91. Tôi giật mình mở quyển lịch ra xem thì ra hôm đó nhằm ngày... Bính Tuất.

-----------

(*) Tên một phòng tranh trên đường Đồng Khởi

Phụ Bản II

ĐÊM MƯA CUỐI MÙA

Mưa tầm tã triền miên đường phố vắng
Khơi nỗi buồn sâu kín lạnh con tim
Càng về khuya vạn vật vẫn im lìm
Thương những kẻ cô đơn không lý tưởng
Những em bé không nhà đang vất vưởng
Những cụ già đói rét ngủ nơi đâu
Kiếp gió sương nặng trĩu nét u sầu
Mái hiên nhỏ vỉa hè hay góc chợ
Đời cay đắng, dạn dày bao trắc trở
Sống cơ hàn, tủi nhục phải lang thang
Cuộc bể dâu hay số phận phũ phàng
Mà phải chịu thăng trầm thêm khốn khó
Đời đơn lẻ chìm trong vùng bão tố
Vô gia đình, mù mịt nẻo tương lai
Chẳng biết cậy nhờ nương tựa vào ai
Mang tâm sự thê lương, đau xót quá
Thương những kẻ một mình nơi xứ lạ
Nằm co ro bãi rác dưới gầm cầu
Đang ốm đau lầm lũi suốt canh thâu
Nỗi bất hạnh kéo dài không lối thoát

NGÀN PHƯƠNG

NẾU YÊU TRẺ….

Đời ưu ái dành riêng cho lớp trẻ
Một ngày vui, được đặt biệt nuông chìều (1-6)
Được người lớn quan tâm hơn mọi lúc,
Được vui chơi, hưởng thụ biết bao điều….
Các em chính là tương lai đất nước,
Người sẽ cầm vận mạng của quê hương
Đang tích lũy cho mình bao kiến thức
Mai kia đưa nòi giống đến hùng cường
Là vốn quý, lòng trong như giấy trắng,
Sẵn tự hào về nguồn gốc Lạc Hồng
Bước tiếp nối, cần rèn thân, lập chí
Và vun bồi đạo đức để thành nhân
Yêu con trẻ chính là yêu dân tộc,
Xin góp tay đào tạo chúng trở thành
Người dân Việt, với tầm cao tri thức
Được trưởng thành trên nền tảng nghĩa, nhân.

Tháng 6/2009
Tâm-Nguyện

TRANG SÁCH CUỘC ĐỜI

Cánh hoa dại ép vào trang sách cũ
Chút sắc hương tàn đọng nét yêu thương
Chút hồn thơ e ấp mộng ngàn phương
Vùng kỷ niệm êm đềm thơm ‎ý sống
Những ước mơ ngây thơ và bé bỏng
Tuổi hái hoa đuổi bướm suốt mùa xuân
Em say mê ưa thích đến bâng khuâng
Những trang sách còn thơm mùi nắng mới
Lời mẹ dạy thì thầm như nhắn gởi
Những chuyện xưa, điển tích, các danh nhân
Gì qu‎ý giá hơn tài sản tinh thần
Nguồn vốn liếng rút từ trong sách vở
Hãy trao gởi trọn tâm hồn cởi mở
Hãy vuốt ve trang giấy mịn như nhung
Hãy nâng niu, gắn bó đến vô cùng
Hãy tha thiết dâng trọn lòng chung thủy
Thú chơi sách – thú thư nhàn thâm thúy
Đóng cửa tháp ngà nói chuyện cung trăng
Mở rộng lòng đón nhận cánh sao băng
Yêu say đắm như gặp người trong mộng
Em lớn lên mang theo ngàn ước vọng
Một tương lai tươi sáng đẹp như thơ
Một rừng hoa khoe sắc ướp hương mơ
Một tủ sách qu‎ý hay hoành tráng nhất
Một mái ấm đoàn viên giàu kiến thức
Gian tháp ngà chứa đựng những tinh hoa
Trải muôn đời biển học rộng bao la
Nguồn hiểu biết thiêng liêng và bất tận
Thú chơi sách – một niềm vui lãng mạn
Đáng suy tôn, trân trọng nhớ miên man
Một thú chơi tao nhã chẳng cao sang
Nhưng lý thú tuyệt vời hơn tất cả.

NGÀN PHƯƠNG
Phỏng theo ý nghĩ về sách của Vương hồng Sển và Pétrarques

TRUYỆN KIỀU (kỳ 12)

Câu 713-796

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han
715- Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình!
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?

Thúy Vân suddenly woke up from her juvenile sleep,
She stole close to her sister, gently appeased her grief:
“What a catastrophe that came upon our family!
“I am sorry that you have to suffer alone this calamity.
“But why are you sitting up so late, my dear sister?
“Tell me if you have any love affair to suffer.

Rằng: “Lòng đương thổn thức đầy
“Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong
“Hở môi ra cũng thẹn thùng
“Để lòng thì phụ tấm lòng với ai
“Cậy em em có chịu lời
“Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
725- “Giữa đường đứt gánh tương tư
“Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em.
“Kể từ khi gặp chàng Kim
“Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
“Sự đâu sóng gió bất kỳ
“Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
“Ngày xuân em hãy còn dài
“Xót tình máu mủ thay lời nước non
“Chị dù thịt nát xương mòn
“Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây

“Oh, my young sister, how can you understand my deep sorrow?
“It’s my secret love, I am ashamed to let you know.
“But I am afraid to keep it for myself,
“For this would mean to betray someone else.
“My dear sister, if you really want to help me,
“Please sit in this chair and I’ll let you see.
“But first of all, let me prostrate myself before you, Vân,
“You know, I had an engagement, but it’s now broken!
“Can I ask you to rejoin the Phoenix thread I left? (1)
“Since I met Kim, that gentleman the Day of the Dead,
“Later we met again in a sudden circumstance,
“Then one night we exchanged our oaths as an engagement.
“Now what a sudden storm that fell upon our family!
“How can I fulfil both love and filial duty?
“My dear Vân, will you sacrifice your youthful life,
“To replace your sister in becoming his faithful wife?
“Later though I’ll become wasted bones and rotten flesh,
“Down the nine springs (2) my soul’ll still keep a smile of gladness.

------------------

(1) Phoenix thread: love leading to marriage
(2) Nine springs or yellow springs: place where settle the souls of the dead

“Chiếc vành với bức tờ mây
“Duyên này thì giữ, vật này của chung
“Dù em nên vợ nên chồng
“Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
“Mất người còn chút của tin
740- “Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
“Mai sau dầu có bao giờ.
“Đốt lò hương ấy so tơ phím này
“Trông ra ngọn cỏ lá cây
“Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
“Hồn còn mang nặng lời thề
“Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
“Dạ đài cách mặt khuất lời
“Rẩy xin chén nước cho người thác oan
“Bây giờ trâm gẫy gương tan
“Kể sao cho xiết muôn vàn ái ân!

“Keep this hairpin and this flowery sheet of paper,
“On which we signed our oaths together.
“Carry on the marriage and the souvenir for you both.
“Later when you become husband and wife as my hope,
“You might sometimes remember your poor sister.
“She is absent but these are some souvenirs of her:
“This lute twanger and this piece of incense, a pledge of our oaths.
“When you happen to burn this incense and play the lute,
“Don’t fail to have a look on the grass and leaves over there,
“If they move in the breeze, then your sister is there.
“Her soul still carries heavy weight of her oath,
“And her frail body has been sacrificed to pay the debt of her love.
“Though you can’t hear her voice and see her in physical body,
“Please sprinkle a cup of water for her who did unjustly.
“Now the mirror was shattered and the hairpin broken!
“How can I quote all our earnest esteem and love affection?

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
“Phận sao phận bạc như vôi!
“Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng!
755- “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
“Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Cạn lời phách tán hồn bay
Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng
Xuân Huyên chợt tỉnh giất nồng
Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài
Kẻ thang người thuốc bời bời
Mới dằn cơn vựng chưa phai giọt hồng
Hỏi sao ra sự lạ lùng
Kiều càng nức nở mở không ra lời
Nỗi nàng, Vân mới rỉ tai
Chiếc vành này với tờ bồi ở đây

“Oh, Kim, my love! Forgive me a thousand times, my Lord!
“Our love thread (3) is too short to extend any longer!
“How cruel of my fate! My unfortunate love!
“This drifting flower can only yield to the flow!
“Oh, Kim, my love! It’s all finished! Do you know?
“I’ve already betrayed you from this very hour!
So crying she fell down on the ground unconscious,
Her breath failed, both hands as cold as frost.
Her parents, waking up from a good sleep, hurried down,
Soon everybody in the house gathered in crowd.
They hastened to bring various kind of medicines,
Kiều soon came to herself, her eyes wet still.
“What a strange matter!”, inquired the old father,
But Kiều just sobbed, not a word could she utter.
Vân then whispered everything in their ears,
Showing the hairpin and the flowery sheet of paper.

-----------------

(3) love thread: marriage bond

“Này cha làm lỗi duyên mày
“Thôi thì nỗi ấy sau này đã em
“Vì ai rụng cải rơi kim
770 - “Để cho bèo nổi mây chìm vì ai?
Lời con dặn lại một hai
“Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng”
Lạy thôi nàng mới rén chiềng
“Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi
“Sá chi thân phận tôi đòi
“Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu!”
Xiết bao kể nỗi thảm sầu
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly
Đau lòng kẻ ở người đi!
Lệ rơi thấm đá tơ chia rủ tằm!

“Oh, my poor daughter!”, exclaimed the old man
“It’s your father who has broken your true union!”
“But things cannot be changed now”, said the mother through tears,
“Anyway, you can trust your sister your own affair, my dear.
“Oh! Who has caused this painful separation?
“So that my daughter has to suffer such desolation?”
“But be sure, my child, what you told us will be realized,
“Stelae might be worn, but your words will never be misapplied.
Kiều humbly prostrated herself before her parents,
“Please, help me settle my debt to him by all means.
“As for me, I wouldn’t mind a life of slavery,
“Though I’ll have to leave my bones in a strange country.”
She hadn’t finished confiding her grievous burden
When outside the vigil drums already urged the new sun.
A flowery palanquin already arrived in front,
Flutes and violins sounded as though to urge separation.
How painful to say farewell to her dearest ones!
Tears fell down as though they might soak the stones!
One felt heartbroken like silkworms spitting their last threads!

Trời hôm mây kéo tối rầm
Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương
Rước nàng về đến trú phường
Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong
Ngập ngừng thẹn lục e hồng
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen!
Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
790 - Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai!
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Vì ai ngăn đón gió đông?
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
Trùng phùng dầu họa có khi
Thân này thôi có còn gì mà mong!

At twilight, heavy clouds darkened the sky overhead,
Grasses turned gloomy, branches overdamped with dew,
The bride was escorted to a local tavern anew.
Here Spring lights sparkled from all sides round her,
Ashamed and confused before such ornamental colors,
She felt bitter of herself every now and then,
A fairy creature falling into a villain’s hand!
She had in vain kept it intact from sun and rain!
Oh! Had she known she would come to this downfall,
She’d rather have offered the peach pistyl to her beloved
Suddenly rose in her a feeling of regret!
“Oh! Who has prevented us from enjoying the East breeze
“So that our hearts gained nothing while staying, and broke when taking leave?
“Even if ever we can meet some day in the future,
“There would be then nothing left in this body to hope for!”

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

KỶ NIỆM 155 NGÀY SINH (1854-2009)
VÀ 82 NĂM NGÀY MẤT (13/6/1927-2009) CỦA CHÍ SĨ LƯƠNG VĂN CAN

TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT ĐỘT NGỘT
CỦA CỤ LƯƠNG VĂN CAN

Thật ra, thế gian thất thập cổ lai hy, Cụ mất ở tuổi 75 sau bao tháng năm gian khổ cũng là thọ lắm rồi. Có điều cho tới nay, gia đình và người thân vẫn chưa ai hiểu được nguyên nhân sự ra đi của Cụ.

Theo dư luận báo chí thời bấy giờ thì Cụ mất vì bệnh sốt rét (bệnh già). Nhưng tòa Đốc Lý nhận được một thư nặc danh nói rằng Cụ mất về bệnh thời khí (dịch tả) nên trưa hôm ấy Nhà Nước cho Sở Vệ Sinh đến khám xét rồi ra lệnh cho gia đình phải tống táng ngay (Hà Thành Ngọ Báo 14-6-1927).

Thật ra thì cũng “có lửa mới có khói” tuy lửa ít mà khói nhiều. Theo mẹ tôi, bà Lương Thị Trác, sinh năm 1906, cháu nội Cụ Lương kể lại thì ngay chiều hôm lễ Thất Thất (49 ngày) Cụ Bà, Cụ Ông đang khỏe mạnh bình thường chỉ ăn có một cái bắp ngô do nhà luộc mà bị trúng thực, thượng thổ hạ tả, qua đêm 7 giờ sáng hôm sau thì mất. Nghe ra cũng thực lạ kỳ. Gia đình, bà con và cả các thầy Lang cũng chẳng ai giải thích được nguyên nhân cái chết quá đột ngột của Cụ.

Có người bảo: “Bà chúa lúa ngô, bà cô đậu nành”, ý nói hai thứ bắp ngô và đậu nành là thủ phạm số 1 truyền bệnh dịch tả, nên các cụ thường khuyên con cháu không nên ăn 2 thứ này vào mùa viêm nhiệt. Nhưng đây là nói bắp ngô và đậu nành luộc sẵn bày trên những cái mẹt của mấy chị bán hàng rong hoặc ngoài quán nước, trời nắng nôi ruồi muỗi đậu vào. Bắp ngô tuy luộc cả vỏ nhưng người mua có thói quen lựa chọn, lột ra một phần, bấm móng tay vào các hạt xem già hay non. Thật mất vệ sinh. Còn đậu nành thì luộc cả chùm, bó thành từng bó bày bán. Thứ này ở miền Nam không có, nhưng ở miền Bắc và Trung, vào mùa thu hoạch đậu nành, người ta thường lựa ra những chùm hơi xanh mà khi phơi khô sẽ cho hạt lép, luộc lên đem bán. Khi ăn người ta sẽ ngậm cả quả đậu vào miệng kẹp giữa hai hàm răng rồi kéo cuống ra, hạt sẽ ở lại, ăn rất bùi và béo. Nhưng cách ăn này thật mất vệ sinh. Thuở nhỏ tôi rất thích thứ này nhưng mẹ cấm không cho ăn.

Còn đây là bắp ngô nhà luộc nóng hổi, những cái bắp non hạt còn ngậm sữa, bẻ từ vườn nhà ở Nhị Khê con cháu mang lên. Mà lúc ấy ở Hà nội không có bệnh dịch tả nên bệnh của Cụ chỉ có thể là bệnh thổ tả (diahhree et vomissement), triệu chứng khi nặng cũng gần giống như bệnh dịch tả (cholera).

Vậy thì sao một cái bắp ngô nhà luộc nóng hổi, có thể nói là vô trùng, lại gây ngộ độc dẫn đến tử vong nhanh chóng như vậy?

Có người mê tín dị đoan bảo có lẽ lúc sinh thời Cụ thường làm thuốc chữa bệnh thời khí như dịch tả phát không cho người bệnh, chữa khỏi được nhiều người, nên bây giờ con ma bệnh mới trả thù đòi mạng Cụ. Song đó chỉ là cách giải thích bất đắc dĩ khi không còn cách nào khác.

Bản thân tôi hồi nhỏ nghe mẹ kể thì cũng biết vậy thôi. Nhưng nay, qua hơn 20 năm nghiên cứu Đông Y, chữa trị cho bản thân, gia đình và cho các bệnh nhân, tôi đã tìm ra chân lý, nguyên nhân cái chết khó hiểu của Cụ Lương.

Tôi hình dung một cảnh tượng như sau:

Bốn chín ngày Cụ Bà, ngay từ tối hôm trước Cụ Ông đã sửa sang lại bàn thờ, quét bụi và đem bức ảnh Cụ Bà ra lau thật sạch rồi để vào vị trí thật ngay ngắn. Nhìn ảnh Cụ Bà, Cụ nhớ lại cái hôm tiễn Cụ ra đi phát vãng lên Nam Vang, lúc còi tàu thổi báo hiệu một cuộc chia ly 10 năm, Cụ Bà còn cố nói thật to át cả tiếng còi tàu, dặn với một câu: “Ông ơi! Ông chờ tôi với!” Hồi ấy nghe mẹ kể tôi không hiểu, nhưng bây giờ thì tôi hiểu ý Cụ Bà muốn nói: “Ông đừng bỏ tôi đi trước ông nhé”. Cụ Ông lẩm bẩm trách: “Tôi đã cố gắng sống bấy nhiêu năm để chờ bà đây, nhưng sao nay bà lại bỏ tôi đi trước? Bà xuống dưới ấy chắc gặp đủ 5 con trai rồi. Chúng nó có khỏe không? Còn tôi, phải sống cô đơn không biết đến ngày nào đây”. Đêm ấy Cụ Ông trằn trọc mãi không ngủ. Sáng hôm sau lại dậy sớm pha trà mang lên cúng.

Cụ đứng trước bàn thờ, sửa sang lại hoa trái con cháu vừa bày lên, rồi thắp hương, rót trà và đứng thật lâu nhìn ảnh Cụ Bà và 5 người con trai, nỗi đau cuồn cuộn dâng lên, nước mắt nuốt vào trong. Lát sau con cháu đến đông đủ đầy nhà Cụ cũng nguôi nguôi.

Buổi trưa cúng xong hạ cỗ, con cháu xúm vào gắp thức ăn mời Cụ. Nhưng Cụ còn bụng dạ nào, làm sao nuốt nổi. Song sợ con cháu lo lắng, Cụ cố ăn vài miếng. Con cháu lại ép thêm. Ở tuổi 75, bao ngày lo nghĩ suy tư âm thầm một mình, dù không có bệnh gì đáng kể, nhưng chính khí Cụ cũng gần suy kiệt. Người trẻ lo nghĩ nhiều còn hại huống chi người già. Hải Thượng Lãn Ông trong tập Y Hải Cầu Nguyên (Bể Thuốc Tìm Nguồn) có câu:

Chương 78 – Cách ngôn: Hại về lo nghĩ hơn là tình dục

Và ông giải thích: “Nghĩ lo thì hại tạng tì mà tổn chân huyết, huyết là gốc của tinh cho nên lo nghĩ hại hơn tình dục”.

Tỳ đã suy yếu mà còn ăn vào những thứ khó tiêu như xôi, thịt gà, đồ nấu, đồ xào mỡ màng, làm sao tiêu hóa nổi, Cụ thấy người nôn nao, nóng nảy, cộng cái oi bức của ngày hè, người Cụ như muốn phát sốt. Con cháu liền mang lên một bắp ngô non vừa luộc nóng hổi và một chén nước râu ngô để Cụ dùng giải nhiệt. Cụ ăn vào thấy người mát dễ chịu, con cháu lại lấy thêm một chén nước râu ngô nữa để Cụ dùng thêm, nhưng lần này Cụ thấy lạnh toát mồ hôi, run lên cầm cập, con cháu lại tưởng Cụ bị sốt rét! Thì ra cái nóng trên đây chỉ là giả tạo bên ngoài, do hư hỏa bốc lên, còn chân hỏa thì đã cạn kiệt, bên trong thực ra là hàn. Hiện tượng này Đông Y gọi là “chân hàn giả nhiệt”. Bắp ngô và nước râu ngô là thứ hàn. Đông Y có câu: “Hàn ngộ hàn tắc tử”. Đã hàn mà còn uống thêm thứ hàn thì sẽ càng lạnh thêm, chân hỏa bị tiêu hao, có thể dẫn đến chết nếu không chữa chạy kịp.

Thế là các thức ăn khó tiêu kia không còn năng lượng để tiêu hóa dù đã được nghiền nát, chúng phải tìm đường thoát ra. Trong nhà không có đàn ông chỉ toàn phụ nữ không rành về thuốc nên khi thấy Cụ thượng thổ hạ tả, toát mồ hôi, người lạnh ngắt muốn xỉu, trong nhà sẵn có sâm Cao Ly thì vội lấy sâm pha đồ cho Cụ uống. Nào ngờ đâu “Phúc thống phục nhân sâm giả tử” là lời dạy căn bản cho những người học Đông Y, nghĩa là người đau bụng mà cho uống nhân sâm thì sẽ chết. Nhân sâm là thứ thuốc tăng cường dương khí, hồi sinh rất hiệu nghiệm. Khi người suy yếu đến luội đi, gần sỉu mà ngậm mấy lát nhân sâm, hoặc pha với nước sôi cho uống thì sẽ thấy khỏe ngay, hồi phục trong chốc lát. Nhưng riêng với bệnh đau bụng thì cấm kỵ, cho uống nhân sâm vào thì sẽ chết. Giá như nhà có người hiểu biết, trường hợp đau bụng ở dạng hàn, ngoại trừ ngộ độc thực phẩm, chỉ cần cho ăn vài lát gừng nướng hoặc sắc nước gừng cho uống sẽ ấm bụng và hết đau ngay.

Tới đây thì chắc độc giả có thể hiểu được nguyên nhân sự ra đi đột ngột của Cụ Lương. Thật đơn giản Phải không quý vị.

Lương Y Nguyễn Hải Liên

Tô Canh Cứu Khổ

Ngày xưa, có một người mẹ mất đứa con một yêu quý. Bà vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Bà tìm đến một nhà hiền triết để xin phương cách giúp cho bà hết khổ. Nhà hiền triết bảo bà đi tìm 7 gia đình chưa bao giờ biết khổ, xin mỗi nhà một hạt gạo. Với 7 hạt gạo đặc biệt này, ông có thể nấu cho bà một tô canh giải thoát nỗi sầu muộn trong lòng bà. Bà lập tức lên đường tới thăm gia đình thứ nhất bà quen biết và nghĩ rằng họ hạnh phúc tràn đầy để xin một hạt gạo. Sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà trầm ngâm, nói: “bà đến không đúng nhà rồi”. Rồi, ông kể cho bà nghe những nỗi đau lòng xảy ra cho gia đình ông. Nghe xong câu chuyện, người phụ nữ này cảm thấy xót thương cho hoàn cảnh éo le, khốn khó của gia đình này. Bà nói lên lời an ủi, khích lệ tinh thần người chủ nhà trước khi bước qua nhà khác. Cả ngày hôm ấy, những nhà bà đi qua, bà không xin được một hạt gạo mà bà nghĩ rất là tầm thường, dễ kiếm. Gia đình nào cũng có những nỗi sầu khổ riêng và những nỗi khổ của họ đều làm bà chạnh lòng tìm lời an ủi.

Những ngày tháng sau đó, bà cũng kiên nhẫn đi xin mà vẫn không tìm ra một gia đình nào hạnh phúc thực sự. Nơi nào cũng có những đau buồn và khổ sở, nơi nào cũng nhận được lời an ủi của bà. Lúc nào bà cũng bận tâm tìm cách xoa dịu nỗi phiền muộn đau thương của người khác, và bà quên đi nỗi khổ của chính mình. Tâm bà bây giờ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng vì nỗi đau khổ đã biến đi khỏi lòng bà lúc nào bà cũng không hay.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng ai ai cũng có đau khổ, như một nhà văn người Pháp nào đó đã nói: “Ông vua, người làm bánh mì, con chó, tất cả đều có nỗi khổ riêng.” Nhạc sĩ Trúc Phương viết: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người.”

Một thi sĩ sống vào thế kỷ thứ 7, đời nhà Đường, Trung Quốc, tên là Vương Phạm Chí 王梵志 , sau khi bị đời bầm dập, ngàn lần mài, trăm lần gãy (thiên ma bách chiết) làm một bài thơ có ý rất lạ, là ông xin trở lại thời ông chưa sanh:


我 昔 未 生 時,冥 冥 無 所 知
Ngã tích vị sinh thì, minh minh vô sở tri.

天 公 強 生 我,生 我 復 何 為?
Thiên công cưỡng sinh ngã, sinh ngã phục hà vi?

無 衣 使 我 寒,無 食 使 我 饑
Vô y sử ngã hàn, vô thực sử ngã ky.

還 伱 天 公 我,還 我 未 生 時
Hoàn nễ thiên công ngã, hoàn ngã vị sinh thì.

Châu Sa phỏng dịch:


Thân tôi vào thuở chưa sanh,
Chuyện đời không biết, không rành, không lo.
Mà rồi muôn sự tại Trời,
Bắt tôi sanh hạ làm người trần gian.
Đói cơm, thiếu áo phàn nàn,
Xác thân chịu cảnh cơ hàn khổ thay
Cho tôi trả lại thân này,
Cho tôi xin lại những ngày chưa sanh.

Vua Solomon cũng có những ý nghĩ lạ đời ghi trong sách Truyền Đạo (Ecclesiastes 4:2-3). Ông cho rằng người chết sướng hơn kẻ sống, ai chưa sanh ra còn phước hơn nữa. (Vậy, ta khen những kẻ chết đã lâu rồi là sướng hơn kẻ còn sống; còn kẻ chưa được sanh ra, chưa thấy những gian ác làm ra dưới mặt trời, ta cho là có phước hơn hai đằng kia.)

Một số người tự đi tìm đau khổ, họ như thích thú những trái đắng, như thích chạy nhanh trên xa lộ cuộc đời để tìm cảm giác mạnh, đó là những người trong giới nghệ sĩ. Người có tâm hồn nghệ sĩ chú ý, nhấn mạnh, có khi phóng đại những bất hạnh của họ vì đau khổ là chất men gây cảm hứng để họ sáng tác. Những minh tinh màn bạc, trông rực rỡ huy hoàng nhưng thực sự có rất nhiều tâm hồn đau khổ, cõi lòng tan nát: “Đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương” như nhạc sĩ Anh Việt viết.

Nhà văn Ernest M. Hemingway bị trầm cảm, tự tử vào tuổi 62, nữ minh tinh Marilyn Monroe chết vì quá liều thuốc barbiturates năm 36 tuổi. Đau khổ, phiền não quá mức, nhà thơ Huy Cận nghĩ tới cái chết:

Ôi! Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin Người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đàng.

Chán ngán cuộc đời mà đi tìm cái chết là không đúng, không hay. Nan đề ở trần gian phải giải quyết tại trần gian này. Qua thế giới bên kia liệu có thể giải quyết được không.

Đau khổ trên đời không hẳn làm chúng ta khổ nếu chúng ta biết nhận định và chọn thái độ thích hợp đối phó:

1. Chấp nhận và chuẩn bị cho chính mình và cho người thân. Nếu sinh ra đời, chúng ta biết là sẽ gặp đau khổ thì chúng ta cần chuẩn bị đón nhận một cách sẵn sàng và tìm cách để vơi đi đau khổ. Huấn luyện cho con cái sống trong khó khăn, trong gian khổ là cách giúp đỡ con khi ra đời sau này. Nhiều con nhà giàu quen sống trong nhung lụa, chừng ra đời gặp gai góc thì dễ đầu hàng. Trẻ quen sống trong môi trường khó khăn thì có ý chí phấn đấu hơn.

2. Cơ hội. Xem như là cơ hội để mình học tập, rèn luyện một công phu hàm dưỡng chịu đựng và khiêm nhu. Người xưa đã nói: “Người mà chịu khổ, ăn rau cho là ngon thì làm gì cũng nên”.

Trong tác phẩm “Trau tâm dưỡng tánh” tác giả Huỳnh Văn Trạng có ghi 2 câu thơ:

Mỗi lần gặp việc khó khăn,
Mỗi lần trí tuệ lại tăng một phần.

Đau khổ cũng là cơ hội để đo lòng người và lòng… mình:

Đường xa biết sức ngựa tài,
Gia đình gặp khó, mới hay con hiền.

3. Chia sẻ: Bài học trong câu chuyện trên chỉ cho chúng ta phương cách làm vơi đi sự đau khổ của mình là chia sẻ gánh nặng với người đang đau khổ, an ủi, khích lệ họ để họ thấy được niềm tin, niềm vui, niềm hi vọng trong cuộc sống.

4. Cốt lũy của cuộc sống: tìm cái gì bất biến để ứng phó với những thay đổi của cuộc đời, (Dĩ bất biến ứng vạn biến 以不 变应萬变 ). Cái bất biến đó có thể là niềm tin tôn giáo, có thể là cái tâm của Phật tử, là Thiên Chúa của người Công Giáo. Bài thơ “Nghệ Thuật Sống” khá hay sau đây có lẽ do một vị thiền sư sáng tác:

Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống chan hoà với những người chung sống
Sống là động nhưng tâm hồn bất động
Sống là thương mà lòng chẳng vấn vương
Sống vui tươi danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

5. Trút bầu tâm sự cho Chúa, hoặc cho người tín cẩn để vơi đi nỗi khổ.

6. Cười: cười để coi thường đau khổ của chính mình. (Nhớ đừng cười trên đau khổ của người).

7. Con dân Chúa tin rằng Đức Chúa Trời có một chương trình cho mình trong hoạn nạn: “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rôma 8:28).

Phật tử dùng Bát Chánh Đạo (nhất là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy) để không thấy quá đau khổ khi gặp hoạn nạn. Khoa tâm lý học ngày nay thường dùng phương pháp gọi là Cognitive Behavior Therapy (CBT) để giúp cho những người quá đau khổ nhận định ra thực tại của tình thế, và nhờ đó bớt thấy đau khổ. Hai ông Albert Ellis và Aaron T. Beck đóng góp rất nhiều cho môn chữa trị này.

Để kết luận, chúng ta tìm hiểu chữ Nghịch Cảnh trong Anh ngữ: ADVERSITY. A.D.V.E.R.S.I.T.Y. nhắc cho chúng ta những đặc tính cũng như cách đối phó với những bất thuận tiện trong đời sống:
A Attitude: thái độ ứng phó với nghịch cảnh rất quan trọng.

D determination : tánh quyết tâm, quyết định

V Vainless : đừng để những đau khổ của mình thành vô ích bằng cách chia sẻ lại kinh nghiệm của mình cho người khác. Hãy chỉ vết xe đổ của mình cho xe sau tránh.

E Empathy : có đau khổ thì mình dễ thông cảm được đau khổ của người.

R Reawaken potentials : đương đầu với hoạn nạn giúp chúng ta khơi dậy tiềm năng của mình. Nhiều người trở nên có bản lãnh hơn sau khi trải qua đau khổ, hoạn nạn.

S Serene, Smile, Stand up : điềm tĩnh, mỉm cười, đứng dậy để chiến đấu.

I Inspiration : “yến sĩ phi lý thuần”, chữ inspire từ in spirit mà ra, tức là thuộc thần linh. Xem đau khổ là nguồn cảm hứng giúp ta không thấy chán phèo cuộc sống.

T Triage (tribulation, trial, temptation) : nhận diện những hoạn nạn, nghịch cảnh xảy ra dưới hình thức nào để liệu bề đối phó. Chúng ta có thể chọn Chiến hay Chạy (fight & flight) tùy trường hợp. Gặp thử thách, hoạn nạn thì nên chiến, gặp cám dỗ thì chạy là thượng sách.

Y Yeast : men làm bột nổi lớn, hoạn nạn kích thích đời sống tinh thần, tâm linh mình lớn lên.

Trích trong Nếp Sống Mới
Tờ báo dưỡng sinh, dưỡng tâm, dưỡng linh
cho người cao niên
Số Hạ 2009 (Tiểu Minh Ngọc) - MD st

THÁP BABEL NGÕ NHÀ TRỜI

* Di chúc trong Sáng Thế Thư bảo họ phải xây một cái tháp đỉnh đụng chín tầng trời.

Huyền thoại của tháp Babel

Cho tới bấy giờ tháp Tokyo được coi là cái tháp cao nhất thế giới. Người Nhật chúa khỉ nữa, họ bắt chước văn minh Âu Châu, Mỹ Châu… như tạc – và để chứng tỏ ta đây là… hơn người họ bèn xây cao thêm vài mét cho bõ ghét. Tháp Eiffel được sơn màu đen, người Nhật bèn sơn cái tháp y hệt tháp Eiffel bằng màu đỏ. Bạn tới Tokyo bạn sẽ thấy nó sừng sững dưới bầu trời, đỏ chói.

Không phải chỉ có bây giờ người ta mới có cái thích, cái mộng xây một tháp cao chót vót, mà từ thời cổ sơ đã có một di chúc trong Sáng Thế Thư (Genèse XI, 4) đã ghi lại: Hãy xây một cái tháp đỉnh đụng tới trời…

Sáng Thế Thư còn ghi thêm là xuống vĩnh cửu (không phải xuống lòng trái đất đâu!) và tản mác khắp trên mặt địa cầu.

Babel ! Đúng, đó là cái tháp Babel mà nguyên nó có nghĩa là Ngõ nhà trời càng ngày nó càng trở thành biểu tượng của sự hỗn mang. Năm 450 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, Hérodote, Ctésias, thầy thuốc riêng của Artaxerxès II, vua xứ Ba Tư và một số đông những du khách khác đã có lần tả lại công trình kiến trúc này. Và rồi sau đó tháp Babel chẳng còn làm bận trí của mọi người nữa. Nhưng hiện tượng này lại không được bao lâu, vì sau đó các chàng họa sĩ, các nhà văn lại bắt đầu phác họa, điểm tô cái Ngõ nhà trời bằng màu sắc, bằng ngôn ngữ một cách tận tình và hãnh diện.

Vào khoảng 1560, Pieter Breughel lại ghé mắt vào cái tháp cao đụng đến trời xanh này. Tuy thế, trước đó vào năm 1423 Bá tước Bedford đã cho xuất bản một cuốn sách nói về tháp Babel với lời văn trong sáng, vui vẻ đến dễ thương. Nhưng chắc chắn trong đó cái tháp Babel chả còn là cái tháp thuần túy mà là một hình chóp bằng gạch đáy là một hình thất giác, rộng đến 90 mét đường kính được xây cao thêm bảy tầng. Bởi thế, Babel cao sừng sững giữa chín tầng mây. Tận trên đỉnh tháp là một đền thờ, nơi mà thỉnh thoảng Mardouk, Thượng đế của dân Babylon lại hiện ra.

Babel khác hẳn với những tháp cổ Ai Cập, những ngôi mộ thánh được xây bằng đá. Những tháp cổ Ai Cập quá khổng lồ, vĩ đại trong đó Babel chỉ là những tầng tháp được xây bằng gạch nung. Đặc điểm là Babel chẳng phải của riêng ai, nó là một biểu hiệu của cộng đồng. Bị tàn phá, người ta lại xây lại. Đấy là cái tháp độc nhất của Sáng Thế Thư. Bởi thế Babel mới bất tử.

Khi A Lịch Sơn Đại đế đang trên đường chinh phục cái nước ông đã dừng chân lại để quan sát Ngõ nhà trời. Ông vua này đã chẳng thể bỏ lơ cái tháp cao nghệu kia mà không quan sát, để rồi chính A Lịch Sơn Đại đế lại ra lệnh cho khoảng 10 ngàn người trong đạo quân thiện chiến của ông phá bỏ di tích này. Bụi mờ, gió lộng… phủ quanh vùng. Và chỉ còn một huyền thoại lưu truyền trong những cuốn sách rải rác thời đó là ngọn tháp đã xuyên tới trời cao.

Hai mươi hai thế kỷ sau, một người tìm đến nơi chốn đó, tìm lại dấu tích xưa để đưa sự thật ra ánh sáng.

Babel bị bao vây bởi thú độc ba đầu:

Cho đến thế kỷ vừa qua, trong vùng biên giới của xứ Mésopotamie, từ những con đường cổ xưa ở vùng Croisades, Venise, Le Caire, Sinai và Palestine, người ta đã bắt gặp lại tượng thần Sư Tử, Euphrate và những suối nước của xứ Babylone, những nhân chứng người Do Thái đã nhỏ lệ khóc than cho cái bất hạnh của Sion. Và bị thúc đẩy bởi lòng khao khát khám phá, những kẻ tìm trở lại những con đường cổ xưa đã bất chấp nguy hiểm khai phá, mở đường mở lối để tìm kiếm vào kho tàng quý giá của cuộc phiêu lưu kỳ bí thời xưa cổ.

Cho tới cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, Friedrich Delitzsch đã chứng tỏ tầm mức quan trọng của tháp Babel trong trong cuốn sách giá trị của ông mang tên Babel và Thánh Kinh (Babel et la Bible). Ông cũng tự hỏi: “Tại sao lại phải nhọc mệt vì những xứ xa xôi mà nơi đó những hiểm nguy đầy rẫy đang chờ đợi mình? Tại sao lại phải sống kiếp người khổ cực đào hầm xới đất ở những nơi mà chẳng ai phát minh ra vàng ra bạc? Chẳng qua vì đó là chủ đích, là đam mê tìm kiếm sự giao tiếp của nền văn minh của người Babylon và những dân tộc trong châu Atlantique”.

Và cái động lực thúc đẩy toán người này hăng say làm việc, theo Friedrich Delizsch giải thích, là bởi Thánh kinh, bởi lời nhắn nhủ của ông cha ta và bởi lời dạy của những vị cha già vĩ đại.

Thường thì những kết quả đầu tiên được các du khách tìm ra ở nơi mà Thánh Thư cổ đã từng làm mê hoặc một cách khủng khiếp những kẻ thích phiêu lưu, người giàu, kẻ nghèo cho đến những kẻ có đức tính tò mò không phân biệt trí thức hay ngu dốt vào thời thế kỷ 17. Cuộc sống của những du dân thời đó cũng gần như cuộc sống của thời đại bây giờ.

Vào năm 1582, 10 năm sau ngày trở lại, Leonhard Rauwolff, một Bác sĩ và cũng là một nhà thực vật học ở Augsbourg đã diễn tả về tháp Babel như sau:

Người ta vẫn còn nhìn thấy Ngõ nhà trời, nhưng mặc dầu bị sụp đổ, mặc dầu cổ xưa, mặc sự xâm chiếm của lũ tiện dân nghèo khó, Ngõ nhà trời vẫn còn đó, sừng sững giữa bầu trời cao. Chỉ có điều là người ta khó đến gần tháp chừng 500 mét vì những con thú có nọc độc ghê gớm từ Ba Tư qua. Những con thú được gọi tên là Eglo đó còn lớn hơn cả loại thằn lằn, rắn mối và mỗi con có những đến ba cái đầu!

Mười tám năm sau Leonhard Rauwolff, Pietro della Valle, người du khách đầu tiên của thế kỷ 17 lại đến ngẩn ngơ nhìn tháp Babel và lại kể cho mọi người nghe rằng:

Tôi đã đánh quanh một vòng ở bên ngoài cái tháp tường xiêu loang lổ, và rồi tôi đã cố gắng vượt hiểm nguy để lần mò vào, tìm cách leo lên tới đỉnh tháp và rồi tôi lục lọi trong tháp cho thỏa tính tò mò.

Đến năm 1679, Athanasius Kircher lại đến tháp Babel và rồi cho xuất bản cuốn sách nói về Ngõ nhà trời này với nhan đề Turris Babel.

Năm 1614, Pietro della Valle ông vốn là hội viên của một hội Quý tộc La Mã đã hành hương về vùng đất thánh. Chính Nhờ một người đàn bà làm ông thêm can đảm thực hiện cuộc du lịch để tả lại cho chúng ta xem.

Phụ Bản III

Kẻ quyến rũ Pietro della Valle

Trong đời Pietro della Valle chưa hề bị người đàn bà nào quyến rũ. Nhưng tiếng sét ái tình lại bỗng đánh trúng ngay tim Pietro. Anh chàng du khách hào hoa này bị nàng Sitti Maani, một con chiên của Cảnh giáo vùng Bagdad đẹp tuyệt trần đã làm cho Valle ngơ ngẩn. Và sau đó Pietro della Valle cưới nàng làm vợ vào năm 1616. Tuy mê mẩn nàng Sitti nhưng Pietro cũng biết cách chinh phục huấn luyện nàng trở thành một cộng tác viên đắc lực, thân tín. Nàng Sitti giữ vai trò bên cạnh Valle cũng giống như nàng Sophia Engastromenos bên cạnh Henri Schlemann. Sitti là một cộng sự viên không những đắc lực mà còn không lo sợ, nao núng trước bao nghịch cảnh, không bao lâu, sau này, trong tác phẩm của Pietro nàng Sitti bỗng trở thành một người đàn bà của huyền thoại. Nhưng cuộc kết hợp lý tưởng này chỉ kéo dài được 5 năm. Sau đó Sitti Maani bị đau sốt rét mà qua đời. Pietro buồn vô cùng. Chàng bèn mang xác vợ về La Mã mai táng cẩn thận trong phần mộ địa của gia đình Della Valle.

Sau một khoảng thời gian dài 12 năm ở vùng Đông thế giới. Pietro lại lên đường qua Ấn Độ, qua Goa và rồi trở về Châu Âu vào năm 1626. Cuốn sách đầu tiên của ông ra đời mang tên Viaggi di Pietro della Valle vào năm 1650. Hai cuốn sau được xuất bản sau khi ông chết vào năm 1658, và đã gây một ý niệm sâu xa về cái tháp được gọi là Ngõ nhà trời vào tâm hồn người đọc thời bấy giờ.

Della Valle là du khách người Âu đầu tiên đặt chân lên vùng đất phía Đông của thế giới, người đã thấy một ít sự việc đặc biệt nhờ cách quan sát khoa học của ông. Ông đã được người địa phương cho biết sự tàn phá thành phố Persépolis, thủ đô xưa của xứ Ngàn lẻ một đêm, chính nhờ những điểm đó mà sau này các nhà khảo cổ dựa vào đó làm điểm căn bản mà tra cứu. Thêm vào đó Della Valle đã tìm ra những hình ảnh thực in vào trong những tác phẩm của ông để bổ sung cho những hình vẽ mà ông đã tìm tòi từ những chứng nhân khác họa ra. Thực ra trong thời gian 24 năm kéo dài giữa ngày ông về nước và tác phẩm Voyages ra đời đã có thêm nhiều người khác lên đường qua Ba Tư để tìm đến thành phố cổ xưa Persépolis, nhưng họ lại không còn đủ kiên nhẫn để truy tầm thêm dấu vết của một trong những thành phố rực rỡ, hào quang thời Thượng cổ.

Cái nhìn đầu tiên về thành Persépolis.

Nhưng không phải Persépolis vẫn còn trong vòng bí mật. Có người đã diễn tả lại rằng:

“… Trong căn phòng màu sắc rực rỡ phản chiếu ánh sáng. Từ đó người ta có thể nhìn xuống vùng đồng bằng rộng rãi trải dài đến tận chân trời. Muốn lên phòng này người ta phải leo lên một cầu thang bằng đá hoa đẹp. Có khoảng 95 bậc cấp. Bậc thang rộng cho đến nỗi khoảng 12 kỵ binh có thể sắp hàng ngang bước lên. Bước lên sáu tầng cấp một tượng voi sừng sững đứng hầu. Một tượng voi khác nằm ở nấc thang thứ 30. Nhìn bên ngoài người ta cứ tưởng Ngõ nhà trời là một khối đá hoa được đục khoét để thành tháp. Dĩ nhiên trong cái rực rỡ đó vẫn có những đường nét xấu xí và chuyên chở qua nhiều ý nghĩa của Thánh kinh. Đấy là một trong số những di tích còn lại”.

Giữa những mục nát, đổ vỡ của Persépolis, người ta còn tìm thấy tượng một con cá bay và tượng của thánh Moise đứng trước tượng một con rắn bằng đồng.

Về tượng con voi, các điêu khắc gia thời đó chạm trổ theo lối tượng trưng, không phải là lối trạm trổ lồi lõm, công phu như những bức tượng khác mà chúng ta thường thấy ở Đông Phương.

Những nhận xét trên đây của Thomas Herbert, người đã cố gắng tìm và chứng minh những dấu tích cổ của Persépolis. Suốt trong ba cuốn sách của ông thỉnh thoảng ông trích lại những hình ảnh được ghi chú bởi nhà ảnh tượng học Wenzel Hollar.

Thomas Herbert sinh năm 1606 và mất năm 1682, ông là một trong những người trẻ tuổi, nghèo nhưng đầy thiện chí, ham học hỏi thời bấy giờ. Ông dến Đông Phương vào năm 1626 với hai nhà ngoại giao Robert Sherley và Dodmore Cotton. Họ đến thám hiểm hai ngọn núi Taurus và Kaswin, nơi mà sau này Sherley và Cotton đều bỏ mạng tại đó. Khi Sherley và Cotton chết, Thomas Herbert không còn liên lạc với Kaswin nữa. Ông lên đường qua Tích Lan rồi về Anh với chiếc áo măng tô nạm vàng. Về Anh, Thomas Herbert vào làm cố vấn cho Hoàng gia nhưng lại bị lôi lên đoạn đầu đài. Qua triều vua Charles đệ nhị, ông mới được phong tước cũ để tưởng thưởng công lao.

Cho tới lúc chết, Thomas Herbert vẫn còn mơ nói về Persépolis và lấy làm hãnh diện về chuỗi ngày mà ông đã dùng để nghiên cứu về thành phố này.

Kinh thành tối cổ

Persépolis là kinh thành tối cổ của một đại vương trước cả A Lịch Sơn Đại Đế của người Macédoin. Uy quyền của những thời đại Mèdes, Lydie, Chaldée, Ai Cập cho đến Indus đều tập trung ở Persépolis. Và cũng từ chốn này mà các Triều vua ở những xứ bé nhỏ thuộc vùng cận Persépolis đều phải thán phục. Những vua trị xứ Ngàn lẻ một đêm trước Thiên Chúa Giáng sinh như Cyrus, Cambyse, Darius đều là những kẻ đặt nền thống trị lên các xứ thuộc Phi châu kéo dài tới vùng sông Danube thuộc Âu châu và cả đến vùng Cyrénaique. Trong hai thế kỷ trước Thiên Chúa các vị vua này hầu như nắm vận mệnh thế giới.

Thủ đô Persépolis tên xưa cổ là Parsa, có nghĩa là thành phố của người Ba Tư, đầu tiên được hình thành bởi một cái tháp khá vĩ đại. Thời Darius đệ nhất, ông đã cho xây một khoảng sân thượng rộng. Công trình xây dựng này kéo dài từ năm 518 đến năm 460 trước Thiên Chúa Giáng sinh. Và di tích này cho mãi tới những năm giữa năm 1879-1948 Ernst Herzfeld mới tìm ra. Sau đó Erich. F. Schmidt đã cố gắng vận động và được thành phố Chicago nâng đỡ, tài trợ trong công tác tìm kiếm những di tích thời cổ tại đó. Viện Đông Phương của Đại học đường Chicago đã đặt mua tất cả các tượng cổ, những tranh xưa và tất cả những vật dụng nhỏ nhoi nhất mà những kẻ sưu tầm lịch sử cổ đã tìm được từ nơi bần dân Ba Tư cũng như từ những du khách. Một trong số những du khách đầu tiên đã cho biết một số những phần chính trong thành phố đã bị A Lịch Sơn đốt cháy sau khi vị vua này đem quân đi chinh phạt. Darius đệ tam A Lịch Sơn cũng cho đốt một số tranh ảnh, báu vật tại chiến trường Gaubamèle vào năm 331 trước Thiên Chúa Giáng sinh.

Về sau những thương gia có máu săn tìm đồ cổ như André Daulier đều đến đây du lịch và cố gắng tìm lại những di tích đó mang về. Trong chuyến du lịch này ông đã cố gắng ghi chép được một số những điều mắt thấy, tai nghe, kèm thêm hình ảnh những đồ vật mà ông đã mua được để xuất bản thành sách.

Cái nôi của văn minh loài người

Xuyên qua những trang lịch sử, bạn thấy vùng đất đó đầy rẫy những tranh chấp. Từ đó bạn sẽ thấy ở vùng đất ngập máu đó nếu không phải là cái nôi của văn minh nhân loại thì chắc chắn máu chẳng đổ và đây cũng không hẳn chỉ độc nhất có một nguyên nhân đó mà còn là xứ của thiên đàng hạ giới, xứ của những nguồn lợi phong phú của thiên nhiên ban cho. Nơi đây đã phát xuất ra hệ thống chữ viết đầu tiên trên thế giới cũng như những đường nét căn bản của ngành kiến trúc. Sừng sững trên bầu trời cao rộng, bạn sẽ nhìn thấy những tháp cổ chứa đựng những hình ảnh, những đường nét đặc thù. Những người thuộc giống Sumériens, người Babylon đã cố giữ những đặc tính kiến trúc của họ tồn tại cho tới bây giờ cũng như những người thuộc giống Assyriens. Người Ai Cập và Ba Tư đã xâm chiếm những xứ này, bởi thế hòa bình đối với họ là những ngày tháng phù du. Nhưng dù thế nào chăng nữa họ vẫn tin phần đất họ đang sống là phần đất Thánh, và chính vì thế mà họ vững tin vào tình yêu thương mà giáo chủ sẽ ban cho họ trong tương lai.

Suốt cả vùng đất thần bí, cổ xưa đó, giáo thuyết của Mahomet bao trùm. Bây giờ vẫn còn thấy rải rác những đền thờ nho nhỏ suốt cả quãng đường dẫn đến thành phố Abraham.

Vũ trụ ở đó là thứ vũ trụ của xứ Ngàn lẻ một đêm, là vũ trụ của Haroun-al-Rachid. Nơi đây, người Hy Lạp, La Mã và Ả Rập đã thống trị họ để tạo nên một thị trường rộng lớn tạo nên gạch nối quan trọng giữa Đông–Tây. Vùng đất này theo các nhà chính trị và kinh tế, luôn luôn là vùng đất thay đổi theo đà tiến bộ của Đông Tây.

Tay buôn kim hoàn ở cung điện Tiflis

Tay thợ kim hoàn này sinh ở Ba Lê vào năm 1643, và chết năm 1713 mang tên là Jean Chardin. Jean Chardin đến Bagdad năm 1666 để buôn bán kim cương với vua Soliman đệ tam. Sau đó, ông ta qua Ấn và trở về Ba Lê vào năm 1670.

Trong cuộc hành trình giàu có này Jean Chardin lại cố gắng học tiếng Ba Tư để thỏa mãn tính tò mò lịch sử của ông. Chính nhờ sự cố gắng này mà ông đã nghiên cứu được nghệ thuật điêu khắc của những kiến trúc sư thời cổ chạm trổ những bức hình trong tháp Babel. Dưới một căn lều vải dài khoảng 36 mét và rộng 13 mét, Jean Chardin đã được Hầu vương Kanasvas-Khan tiếp đón. Thật là một vinh dự lớn lao. Jean Chardin ngồi bên phải vua và được Kanasvas đãi hút thuốc phiện để nói về chuyện buôn bán kim hoàn.

Vì bị thúc đẩy bởi trí tò mò và vì thích những nhà khảo cổ ông đã xin phép được tham dự vào những cuộc đào xới để tìm cổ tích.

Sau ông, đến Engelbert Kampfer và Cornelis de Bruyn. Chính nhờ Engelbert Kampfer mà viện Bảo tàng British đã có được những hình ảnh, những món đồ cổ quý giá nói về Ngõ nhà trời.

Nhưng tựu trung chỉ có Cornelis de Bruyn mới là kẻ mở ra một chương mới cho sự tìm kiếm nguồn gốc tháp Babel, vì chính ông là một trong số những phê bình uy tín và có đủ kiến thức về nghệ thuật Đông phương. Và chính ông cũng đã tìm ra cái chìa khóa để giải quyết những vấn đề huyền bí làm sao những kẻ thời cổ sơ lại xây được cái tháp chọc thủng tầng mây để họ gọi là Ngõ nhà trời!

Tường Uyên – Đỗ Thiên Thư st

KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
LÀ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hội đủ các yếu tố là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới. Nhìn toàn cục đó là tiếng nói của “Tâm hồn Việt Nam”, nhưng xét từ những góc độ riêng, thì đó là một dòng chảy văn hóa mà không phải bất kỳ cồng chiêng ở nơi nào cũng có được.

Hầu hết các dân tộc Tây Nguyên (Ê Đê, M’Nông, X’Tiêng...) đều sử dụng cồng chiêng. Cái có núm gọi là cồng (kuồng), loại không có núm gọi là chiêng (ching hay cing). Cồng chiêng có hình tròn, đường kính cái lớn nhất khoảng 65cm, cái nhỏ không đến 20cm. Đây là nhạc khí tự ngân vang, có cao độ ổn định. Mỗi chiếc có cao độ khác nhau. Mỗi bộ chiêng thường có 6 chiếc, từ lớn đến nhỏ có tên gọi là Vàng, Rđơm, Dờn Thoòng, Thơ và Thê, chiêng hòng là loại chiêng phổ biến nhất thường gồm 10 cái: 3 cái cồng có núm để đệm giữ nhịp và 7 cái chiêng để đánh theo giai điệu. Cồng chiêng cũng như các nhạc cụ khác ở Tây Nguyên thường không có lời ca kèm theo khi diễn tấu mà chỉ dùng âm thanh, tiết tấu giai điệu của chính nhạc cụ ấy nói chung và cồng chiêng nói riêng để biểu đạt tình cảm, tư tưởng hay miêu tả cảnh vật thiên nhiên... Tùy thuộc vào vị trí của từng lễ hội mà các nghệ nhân dùng từng bài khác nhau cho phù hợp. Không được dùng bài bản của lễ hội này vào lễ hội khác, ví dụ như bài Đón khách không được dùng trong lễ ăn trâu khi trâu đã xẻ thịt, trong tiệc vui mừng nhà rông, mừng lúa mới, mừng đám cưới... thì không được dùng bài Trao vòng hay Bỏ mả...

Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau, mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Mỗi người dân Tây Nguyên là một nghệ sĩ, nhạc sĩ thực thụ vừa hát vừa múa, tham gia vào các dàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo. Khả năng âm nhạc của người Tây Nguyên được phát triển tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng. Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng chiêng đến đánh vào tai nó, gọi là lễ thổi tai. Chiêng cồng luôn có mặt trong các lễ cũng như khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi về với cội nguồn. Trong các lễ hội thì cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thong linh (với thần) giao hòa với đất.

Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành mà ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mải nghe đến quên hại người...

(Trường ca Đam San).

Cồng chiêng Tây Nguyên chở theo trên âm thanh của nó cả nền văn hóa lịch sử nhận thức, xã hội Tây Nguyên, bởi nó như một thứ “công cụ” sản xuất (dùng để cầu mưa mở đường cho một mùa gieo tỉa như lễ cầu mưa, dùng để cúng lúa mới như lễ cúng lúa mới, khi thu hoạch vụ mùa...). Âm thanh cồng chiêng trở thành thứ máu thịt của người Tây Nguyên, nếu vào nhà dài, nhà rông, kho thóc, vang ngoài rãy, dội vào đá... không một sử thi nào trong quá khứ ở Tây Nguyên không có bóng dáng cồng chiêng, (hay dù chỉ là dạo bước qua), hay một ngày hội, ngày lễ nào ở Tây Nguyên mà không nghe thấy thứ âm thanh mộc mạc này.

CỒNG CHIÊNG CỦA NGƯỜI X’TIÊNG

Dân tộc X’Tiêng còn có tên là Xơ-diêng hay Xa-chiêng cư trú tập trung ở Nam Tây Nguyên, nơi tận cùng dãy Trường Sơn, trên địa bàn năm huyện miền núi và trung du phía Bắc và Tây Bắc tỉnh Sông Bé (gồm các huyện Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng). Một số ít người X’Tiêng sinh sống ở Đăk lăk, Tây Ninh và Đồng Nai.

Ở tỉnh Sông Bé, người X’Tiêng có số dân đông thứ hai sau người Việt, là dân tộc đông nhất trong nhóm các dân tộc ít người ở Sông Bé. Người X’Tiêng có số dân đứng hàng thứ năm trong số các dân tộc ít người ở Tây Nguyên sau Gia rai, Ê Đê, Banar và H’rê.

Ngôn ngữ của người X’Tiêng thuộc ngữ hệ Môn-Khmer ở Tây Nguyên, người X’Tiêng có số dân đông vào hàng thứ ba, sau người Banar và H’rê. Hiện nay, dân tộc X’Tiêng tồn tại hai nhánh tộc người là Bù Lơ và người Bù Đék. Người X’Tiêng Bù Lơ sống ở vùng cao, người X’Tiêng Bù Đék sống ở vùng thấp. Thống kê ngôn ngữ học cho thấy, có tới 40% từ ngữ của hai nhánh không giống nhau, dẫn đến khi trao đổi giao tiếp nhau, người Bù Lơ và người Bù Đék chỉ hiểu được nhau phần nào, còn lại phải ra hiệu và suy đoán. Tuy nhiên, truyền thống văn hóa cộng đồng X’Tiêng vẫn thống nhất, bảo lưu khá bền vững. Họ sống trầm lắng, sâu sắc nhưng rất yêu ca hát, nhảy múa và sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ, nhất là cồng chiêng.

Ngay từ xa xưa, trong gia đình người X’Tiêng, những Xa-lung (ché) thường đựng rượu cần và Cồng Chiêng (gọi là Gôông, Ching) được gọi là tài sản qu‎ý giá nhất. Số lượng và độ tuổi của Cồng Chiêng, Xa-lung được xem là “thước đo” mức độ giàu có và sự danh giá của gia đình, dòng tộc của người X’Tiêng.

Theo tác giả đề tài khoa học “Đặc khảo về nghệ thuật Cồng Chiêng của dân tộc X’Tiêng tỉnh Sông Bé” (năm 1993), mật độ Cồng Chiêng dày đặc trong cộng đồng X’Tiêng. Nhiều gia đình có Cồng Chiêng, sóc nào cũng có Cồng Chiêng. 70% số gia đình trong xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Sông Bé) có 1-2 bộ, thậm chí 3 bộ Cồng Chiêng.

Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng nếu xét trên toàn bộ cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và nói riêng là dân tộc X’Tiêng, thì số lượng Cồng Chiêng chắc chắn sẽ rất lớn, có lẽ không một loại nhạc cụ nào khác có thể so sánh nổi về số lượng với loại nhạc cụ này.

Hiện nay, người X’Tiêng còn lưu trữ được một số bộ Cồng Chiêng quý, có âm thanh hay và có tuổi hàng trăm năm. Tiêu biểu là các bộ sau đây:

1- Bộ Cồng của ông Tư Tươi (sóc Bù Nau, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Sông Bé)

2- Bộ Cồng của ông Điểu Kê (sóc Pùm Lu, xã Thanh An, huyện Bình Long, Sông Bé)

3- Bộ Chiêng của ông Điểu Kalen (sóc Phênông, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, Sông Bé)

4- Bộ Chiêng của ông Điểu Miêng (Ở Bình Hòa, xã Đa Kia, huyện Phước Long, Sông Bé)

5- Bộ Chiêng của ông Điểu Liêng (xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, Sông Bé)...

Đồng bào gắn bó với Cồng Chiêng, bao giờ cũng yêu quý, nâng niu, trân trọng Cồng Chiêng của cha ông để lại. Có thể kể một vài tấm gương sáng: một em bé X’Tiêng 14 tuổi mồ côi cha, phải đi ở, vì mẹ đã “đi bước nữa”. Nghèo khó, cơ cực đến thế, nhưng em luôn giữ gìn bộ Chiêng của cha để lại, nhất định không bán. Mặc dù em biết rằng bán nó, đổi nó đi, em sẽ có nhiều cơm áo để sống, không phải đi ở nữa.

Ông Điểu Kalen (Hay Klen) ở sóc Phênông có 2 bộ, một bộ chiêng rất quý và một bộ Cồng. Nhà rất nghèo. Ông đã 65 tuổi nhưng ‎ý chí bảo tồn thứ gia bảo này ở ông không hề lay chuyển. Theo ông, bộ Chiêng này có xuất xứ khá lâu đời, nhưng không rõ từ đời nào. “Tôi không biết bộ này có tự bao giờ - ông nói - mua hay đổi ở đâu, chỉ biết khi tôi 5-6 tuổi đã thấy có nó trong nhà. Hỏi cha tôi thì ông cũng nói là từ lúc bé tí ông đã thấy nó ở trong nhà ông nội rồi”.

Những người như thế không ít và nhờ có họ, chúng ta mới chứng kiến vốn di sản hiện vật đồ sộ Cồng Chiêng các dân tộc Tây Nguyên qua các Liên hoan Cồng Chiêng vừa qua và qua khảo sát thực tế. Song qua những thông tin và thông báo khoa học mới nhất, chúng tôi có thể nói mà không sợ nhầm lẫn rằng: để có trong tay bản thống kê chính xác về số Cồng Chiêng hiện có ở nước ta, thậm chí ở trong một địa phương, một dân tộc ở Tây Nguyên đến nay vẫn là điều mơ ước của các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân gian.

Thực tế đều đã cho thấy, ở buôn sóc nào càng trù phú, ở gia đình nào càng khá giả thì càng có nhiều Cồng Chiêng. Là nhạc cụ tiêu biểu, điển hình và rất phổ biến trong đồng bào X’Tiêng, và cả đồng bào các dân tộc khác ở Tây Nguyên, hẳn là số lượng Cồng Chiêng hiện còn rất đồ sộ. Vì vậy, nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh đã ước đoán rằng: Với số dân gần 45 ngàn người, nếu chỉ tính 10 gia đình (khoảng 60 người) có một bộ, thì số bộ Cồng Chiêng của dân tộc X’Tiêng cũng phải lên tới bảy, tám trăm bộ.

Sự phân bố mật độ Cồng Chiêng của người X’Tiêng cũng rất đáng lưu tâm: Cồng tập trung nhiều ở khu vực cư trú của nhánh tộc X’Tiêng Bù Đék – hơn 90% số bộ Cồng Chiêng ở đây là các bộ Cồng. Ngược lại, Chiêng lại có mặt nhiều ở khu vực nhánh X’Tiêng Bù Lơ cư trú trên vùng cao – trên 90% số bộ Cồng Chiêng ở đó là các bộ phận Chiêng.

Người X’Tiêng Bù Lơ ở miền cao, làm nhà trệt, thì sử dụng Chiêng. Còn người X’Tiêng Bù Đék ở vùng thấp, làm nhà sàn thì dùng Cồng. Sự khác biệt này có nguyên nhân từ tập quán và ảnh hưởng của giao lưu văn hóa giữa từng nhánh tộc người X’Tiêng.

Thế là cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành “Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại” (UNESCO công nhận vào ngày 25-11-2005). Và chúng ta đang cố gìn giữ văn hóa cồng chiêng sau nhiều năm theo đuổi lập hồ sơ rồi thuyết trình với UNESCO, với thế giới về giá trị của nó.

Tuy nhiên, sự thừa nhận của thế giới mới chỉ là một phần ba con đường mà ta phải đi. Hai phần còn lại làm sao gìn giữ những bộ cồng chiêng sống mãi với Tây Nguyên.

Di sản Thế giới – Bùi Đẹp

ĐIỂM SÁCH

NHỮNG SÁCH VỀ ĂN KIÊNG CỦA MỸ

Tùy theo thống kê và định nghĩa thế nào là thừa cân, có khoảng 1/3 - 2/3 dân Mỹ thừa cân. Béo phì thì xấu (quan niệm ngày nay) và sinh ra bệnh tật, nhất là hai bệnh tim mạch và tiểu đường. Làm giảm cân không phải là chuyện dễ, nhất là khi người ta còn đang khỏe mạnh. Nhiều người đã theo hết phương pháp nọ đến phương pháp kia mà chỉ giảm cân nhất thời, rồi đâu lại vào đấy, có khi còn tệ hơn. Vì thế những sách diet của Mỹ bán rất chạy. Trong khoảng vài chục năm nay đã có đến vài trăm cuốn trên thị trường, rất nhiều cuốn thuộc loại bán chạy nhất (best sellers). Người viết chỉ đề cập đến một số ít cuốn sách gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

DR. ATKINS DIET REVOLUTION (1972)

(Cuộc cách mạng ăn kiêng của Bs. Atkins)

Lúc trẻ Robert Atkins bị béo phì, sau này bị bệnh tim mạch. Ông đã nghiên cứu và quả quyết rằng thủ phạm là chất đường-bột (carbohydrates*). Theo Bs Atkins thì người ta chỉ nên ăn 20g đường-bột mỗi ngày mà thôi. Ngoài ra phải ăn chất đạm và chất béo, tuy không phải là ăn thả cửa nhưng có thể ăn khá nhiều thịt, cá, trứng và mỡ. Ăn như vậy sẽ xuống cân, khỏe mạnh, chất béo trong máu sẽ được cải thiện (chất béo xấu LDL xuống, chất béo tốt HDL lên, triglycerides xuống). Điều này thật là một nghịch l‎ý. Bs Atkins bị các đồng nghiệp lên án, Hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) khiển trách, nhưng ông đưa ra bằng chứng, là những kết quả thử máu của các bệnh nhân của ông. Hội AMA phải rút lại lời khiển trách. Số người theo phương pháp của Bs Atkins rất đông, có khoảng 11% ăn theo phương pháp này. Điều thấy rõ rệt là họ giảm cân rất nhanh, tuy nhiên diet này thiếu chất sợi, một chất cần thiết cho sự tiêu hóa. Ngoài ra ăn chất béo nhiều sẽ bị ketosis (nhiều chất ketones tích tụ trong máu, chất này có thể làm hại gan và thận), cho nên các bác sĩ Mỹ khuyến cáo rằng chỉ nên theo diet này không quá 2 tuần lễ.

Năm 2003 Bs Atkins bị ngã và bị chấn thương sọ não. Sau một thời gian nằm bệnh viện ông chết lúc 72 tuổi vì một bệnh có liên quan đến cơ tim (cardiomyopathy) do virus. Người ta nghi ngờ ông chết vì bệnh tim mạch. Số người theo diet của ông giảm bớt. Hai năm sau cơ sở Atkins phải phá sản nhưng lại phục hồi sau một thời gian ngắn. Bây giờ rất nhiều người vẫn theo phương pháp của Bs Atkins.

* Carbohydrates là những chất trong công thức hóa học có C, H và O; và là một trong ba thành phần của tất cả các chất dinh dưỡng (đường - bột, chất đạm, chất béo). Carbohydrates còn gồm cả rượu, rau và trái cây.

EAT MORE, WEIGH LESS (2001)

(Ăn Nhiều Giảm Cân)

Đây là một diet trái ngược với diet của Bs Atkins.

Tác giả, Bs Dean Ornish là một chuyên gia về tim (cardiologist) nổi tiếng. Ông còn là Viện Trưởng Viện Y Khoa Phòng Ngừa ở Sausalito, California. Ông cũng đã là cố vấn y khoa của TT. Clinton từ 1993-2000. Ông viết khoảng một chục cuốn sách về bệnh tim cũng như về dinh dưỡng. Ăn uống theo diet này thì sẽ xuống cân và khỏi (reverse) bệnh tim mạch, nhất là làm thông động mạch vành. Thành tích của ông đã được các Bs Mỹ công nhận.

Ông chia thức ăn làm ba loại:

- Loại nên ăn nhất: các loại đậu, rau, gạo, tất cả các loại trái cây

- Loại trung bình: sữa và các phó sản của sữa đã được loại bỏ chất béo, lòng trắng trứng.

- Loại tệ hại nhất: tất cả các loại thịt kể cả thịt gà, cá; dầu mỡ, các loại hạt và trái cây có chất dầu như: đậu phộng, hạnh nhân, avocado, olive.

Ngoài ra diet này còn gồm cả phần thể thao (30 phút mỗi ngày, hoặc 60 phút ba lần một tuần) và phần làm giảm căng thẳng (stress reduction) bằng cách tập yoga, thiền, tâm lý trị liệu, massage.

Diet này khó theo, như ăn trường chay. Nhưng số người theo không phải là ít, nhất là những người đã bị hoặc có nguy cơ sẽ bị bệnh tim mạch.

SOUTH BEACH DIET (2005)

(Diet từ Miền Biển Phía Nam)

Tác giả cuốn sách 336 trang này là Bs Arthur Agatston, một chuyên gia về tim (cardiologist) ở Miami, Florida (vùng biển Đông Nam của nước Mỹ). Bs Agatston phân tích chất béo nào là tốt, chất béo nào là xấu; chất bột nào là tốt, xấu:

- Chất béo xấu là chất béo bão hòa hoặc thuộc loại trans, đó là mỡ động vật và có nhiều trong bơ, sữa, lòng đỏ trứng, bơ thực vật (margarine), dầu dừa. Chất béo xấu sẽ làm tăng cholesterol loại xấu (LDL).

- Chất béo tốt là chất béo không bão hòa có nhiều trong các loại hạt như điều, hạnh nhân, đậu phộng, dầu olive, dầu canola, dầu bắp và trong đồ biển nhất là cá hồi. Chất béo tốt làm giảm cholesterol loại xấu (LDL), tăng cholesterol loại tốt (HDL).

- Chất bột xấu là chất bột khi ăn vào sẽ làm cho đường trong máu lên cao (có glycemic index cao). Đường glucose là xấu nhất, có glycemic index là 100. Những chất bột được tinh chế như: gạo (cơm) trắng, bánh mì, mì cũng thuộc loại xấu. Khoai tây, trái cây ngọt cũng vậy. Khi ăn chất bột xấu đường máu sẽ lên cao, insulin sẽ được tiết ra nhiều để làm cho đường máu xuống thấp. Đường sẽ biến thành glycogen, rồi thành mỡ (triglycerides) và được dự trữ trong cơ thể. Đó là lý do tại sao ăn chất bột xấu làm cho chất béo triglycerides trong máu lên cao, nguy hiểm cho bệnh tim mạch và làm cho người ta phát phì. Ngoài ra khi đường máu xuống thấp ta có cảm giác đói, cần phải ăn, mặc dù ta mới ăn chưa lâu.

- Chất bột tốt là chất khi ăn vào không làm cho đường máu lên cao (có glycemic index thấp). Đó là các loại đậu, bắp, hạt, các loại trái cây không ngọt. Rau là tốt nhất. Ăn những thức ăn này không bị mập và không bị đói nhanh.

South Beach Diet là một trong những diet dễ theo, có hiệu quả nhất và lành mạnh nhất.

(còn tiếp)

NCT

GIẢI ĐÁP ĐỐ VUI SỐ 36

Câu đố

Một ông vua nước nọ muốn đúc tiền cho dân chúng tiêu dùng. Ông gọi các nhà đúc tiền đến và ra lệnh: “Ai muốn làm công việc này thì phải nộp cho ta một túi tiền, mỗi đồng tiền phải nặng đúng 10 gram”. Đến ngày hẹn, nhiều nhà đúc tiền đến nộp, mỗi nhà một túi tiền theo quy định. Nhưng có một nhà đúc tiền không nghe rõ, nên nộp cho ông vua một túi tiền gồm những đồng tiền giống nhau, nhưng không phải là 10 gram mỗi đồng. Ông vua muốn loại bỏ túi tiền này.

Giả thử có 100 nhà đúc tiền, mỗi nhà nộp một túi, mỗi túi gồm 100 đồng tiền giống nhau. Làm cách nào mà bạn có thể giúp ông vua loại bỏ túi tiền (mà trong đó) chứa những đồng tiền không đúng 10gr mà chỉ dùng cái cân 2 lần mà thôi.

Lời Giải

Lần cân thứ I:

Lấy ra một đồng tiền ở mỗi túi, như vậy bạn có 100 đồng tiền. Nếu bạn cân được 998g thì bạn biết ngay rằng một trong những đồng tiền vừa cân có trọng lượng là 8g (nghĩa là thiếu 2g).

Lần cân thứ II:

Đánh số thứ tự từ 1 tới 100

Lấy ra 1 đồng ở túi thứ 1

Lấy ra 2 đồng ở túi thứ 2

……………………..…..

Lấy ra 100 đồng ở túi thứ 100

Như vậy bạn có 550 đồng tiền (cấp số cộng 1+2+3…+100 = 550).

Đem cân 550 đồng tiền này, nếu bạn cân được 5450g thì số thiếu hụt là 50g. Lấy số thiếu hụt này chia cho số thiếu hụt ở lần cân I (50g/2g) thì ta biết ngay rằng túi thứ 25 là “thủ phạm”.

NCT

Đố vui

Giả thử bạn đang ở Âm phủ và tìm đường lên Thiên đàng. Đến một ngã ba, một lối dẫn lên Thiên đàng lối kia xuống Địa ngục, bạn không biết đi lối nào. Ở ngã ba này có hai người mặt giống nhau, ăn mặc giống nhau… điều khác biệt duy nhất là một người lúc nào cũng nói thật (ông Thiện), và một người luôn luôn nói dối (ông Ác). Bạn được hỏi một trong hai người đó một câu, chỉ một câu mà thôi. Bạn sẽ đặt câu hỏi ra sao để biết chắc đường nào sẽ dẫn bạn lên Thiên đàng? (NCT)

CÂU CHUYỆN BÀN PHÍM

Phím C luôn sát cánh bên phím V, tình cảm giữa Chồng và Vợ luôn bền vững và sát cánh bên nhau. Ngay phía dưới phím A là phím Z, thế mà xưa nay ta cứ tưởng A và Z xa nhau lắm. Có nhiều thứ cũng nghĩ là khác nhau rõ ràng như A và Z… hóa ra khoảng cách cũng mong manh lắm. Phím S và phím D nằm cạnh bên nhau, trong cuộc sống sự phân biệt và khoảng cách giữa Sai và Đúng có bao giờ rõ ràng đâu… Tại sao phím U luôn đứng cạnh phím I nhỉ? Tiếp theo phím K và L Kiss và Love (Nụ hôn cho tình yêu) ^-^ Và ngay bên trái đó là 2 phím T và Y nữa? Vì "Tình yêu" của “U and I" mà. (MD st)

H á t X ẩ m

Hát Xẩm là một điệu hát dân gian được phổ biến nhiều ở miền Bắc từ đầu thế kỷ 20. Đã hơn nửa thế kỷ nay, bộ môn nghệ thuật này đang bị mai một, ngoại trừ một số nghệ nhân lão thành cao niên, nay không còn mấy ai hát. Gần đây nhà nước cùng giới nghệ sĩ âm nhạc có xu hướng phục hồi bộ môn Hát Xẩm. Đó là điều nhiều người yêu nghệ thuật dân gian đang mong đợi.

Sau đây là một trong những bài Hát Xẩm mà thuở bé tôi rất thích và đã thuộc lòng. Xin ghi lại gọi là đóng góp một phần nhỏ nhoi cho công cuộc phục hồi bộ môn này. Bài hát tôi không nhớ tựa, xin tạm gọi là Tố Nữ và Tượng Đồng.

NS Thùy Dương ký âm và chép lời theo hồi ức tuổi thơ.

Phụ Bản IV

ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH

Trước ngày nhập ngũ, Mac Mill là một chàng trai Mỹ cao lớn, khỏe mạnh, đẹp trai, với mớ tóc vàng óng. Chàng ôm mộng trở thành một chuyên gia về hóa chất. Sau khi đã phải nhập ngũ, vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm 1943, khi nhận được lệnh hành quân về phía ngôi làng San Pietro nhỏ bé, chàng nhận thấy rằng tất cả mọi mộng mơ đều biến mất, nhường cho chiến tranh.

Giờ thì Mac Mill đang lội bộ với toán tuần tiễu 5 người của chàng trong một khu đất trũng đầy tuyết phủ. Trước mắt họ là ngôi làng nhỏ với những căn nhà đổ vỡ, hoang tàn, chất chứa đầy bất trắc.

Một trong bọn đồng đội của Mac Mill có mang một máy bộ đàm, và trong khung cảnh êm ắng của bình minh, máy bộ đàm bỗng phát ra lệnh báo động ầm ỹ, và ngay sau đó, một họng súng liên thanh, được đặt ở đâu đó trong những ngôi nhà cổ ở San Pietro, bỗng dồn dập nhả đạn về phía toán người.

Bị kẹt bất ngờ dưới làn đạn, trên một khu đất trống, Mac Mill và 4 đồng đội phải chạy theo hình chữ chi về phía một trang trại nằm đơn độc ở phía trước, trong lúc đạn bay vù vù xung quanh họ.

Bất thần, một trong bọn họ, người mập nhất bị trúng đạn, vấp ngã, và gục xuống. Một người khác bỗng nhiên hai chân như bị dính làm một, lảo đảo, rồi cũng ngã vật xuống. Còn phải vượt qua khoảng ba trăm mét nữa. Một đồng đội của Mac Mill, người nhỏ thó, chạy ở trước mặt chàng, nhưng rồi chàng đành phải bước qua xác anh ta, vì anh ta cũng vừa bị trúng đạn và ngã vật ra. Người đồng đội cuối cùng, quá kiệt sức, tính nằm sát xuống đất, nhưng khi còn đứng thì anh ta còn sống, lúc nằm xuống thì đã là một cái xác không hồn.

Mac Mill là người sống sót duy nhất chạy được tới trang trại, và phía trước là một căn nhà có một cái cửa gỗ. Chàng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu chàng đứng lại để mở cửa; và chàng đành phải coi như là không có cửa, để lao thẳng thân hình bồ tượng của chàng vào cánh cửa khiến cho nó sập xuống. Bị choáng váng muốn xỉu, Mac Mill ngã thẳng vào bóng tối. Đạn tiếp tục bay vù vù trên đầu chàng.

Mac Mill nằm bất động, nhưng tay chân chàng run như cầy sấy, mắt chàng hoảng sợ ngó thẳng về phía cái cửa, tường chừng như thần chết sẽ từ đó xuất hiện. Nhưng thế vào chỗ thần chết, là tiếng pháo lớn bắn dữ dội từ phía quân đồng minh, cho tới khi San Pietro chỉ còn là đống tro tàn gạch vụn.

Trong cơn khói lửa mịt mù đó, chẳng có ma nào nghĩ tới chuyện đuổi bắt Mac Mill.

Chàng quen mắt dần với bóng tối và đảo mắt nhìn quanh. Trên một cái bàn dài có hai chuồng thỏ chứa đầy thỏ, con nọ chen lấn với con kia. Cạnh đó người ta treo đầy quần áo, và dưới đất là nhiều bó cỏ và bó cà rốt. Phía bên tay mặt có một cửa sổ đóng kín mít, còn ở bên trái là một lỗ hổng cầu thang lớn, đen ngòm, đưa xuống một căn hầm chắc phải rất rộng lớn.

Mac Mill quay về phía sau lưng và bất ngờ trông thấy một thiếu nữ mặc đồ ngủ, chân đi bít tất len; nàng đứng như trời trồng, tay cầm một cái bát, đôi mắt rất đẹp, rất to, chứa đựng đầy nỗi ngạc nhiên. Thiếu nữ như cấm khẩu, không thốt lên được lời nào.

Từ lỗ hổng cầu thang đen ngòm vọng lên tiếng ai đó gọi cô gái:

- Maria? Maria!

Mac Mill hiểu rằng các thân nhân của nàng hiện ở cả dưới hầm của căn nhà.

Gió lạnh lùa vào khung cửa sổ không còn cánh. Mac Mill bước ra đặt lại cánh cửa, chàng bỏ mũ sắt, quay trở lại phía Maria, để nói với nàng vài lời êm dịu, mong làm biến mất nỗi sợ hãi trong cặp mắt đẹp của nàng.

Nhưng bên ngoài, trong lúc đó, tiếng đạn pháo nổ cực kỳ ấm vang, dữ dằn hơn trước nhiều.

Mac Mill chả biết câu tiếng Ý‎ nào, nên đành phải nhìn Maria mà không biết nói gì với nàng, tuy nhiên chàng nhận thấy, và chiêm ngưỡng cặp mắt rất to rất đẹp của nàng. Nàng trạc độ mười bẩy, mười tám tuổi, và trong bóng tối của căn nhà hoang vắng này, nàng thật đẹp, thật đẹp, nhưng chàng vẫn chẳng biết nói gì với nàng cả.

Tiếng bom đạn va chạm ngày càng tiến lại dần, các bức tường của căn nhà như muốn rung chuyển liên tục. Phải chăng vì vậy mà bàn tay của Mac Mill run rẩy khi chàng châm một điếu thuốc lá?

Ánh sáng lập lòe của que diêm làm chàng nhìn thấy cô gái rõ hơn. Chàng thấy cô có một khuôn mặt rất đẹp, một vẻ đẹp hiền hậu, được một làn da trắng nuốt làm cho dễ thương hơn. Chàng đoán là nàng lõa thể dưới chiếc áo ngủ; nơi nàng nằm chắc phải lạnh vì nàng đi bít tất len. Khi ánh lửa tắt hẳn, chàng vẫn tiếp tục trông thấy cặp mắt đẹp của nàng nhìn chàng trân trân.

Chàng vẫn chẳng tìm được câu gì để nói. Nhưng chàng bất chợt thấy trong chàng nổi lên lòng ham muốn nhảy vào ôm đại lấy nàng, như lúc nãy chàng lao thẳng vào cánh cửa, một ham muốn khó mà cưỡng lại được!

Những tiếng đạn pháo lớn đã làm cho tâm trí của chàng mất đi trong vài giây khả năng suy nghĩ hơn thiệt, phải quấy. Chàng bất chợt mất khả năng hiểu rõ sự khác biệt giữa việc xông vào đạp đổ một cánh cửa và việc xông vào đè một thiếu nữ xuống. Thiếu nữ sợ hãi lùi dần khi Mac Mill tiến lại. Khi nàng đã lùi đến chân tường, dưới lô áo quần treo lộn xôn, Mac Mill nhìn thẳng vào cặp mắt đẹp của nàng, ôm nàng trong vòng tay, hôn, và đẩy nàng xuống những bó cỏ và những bó cà rốt…

Vào lúc đó Maria mới giãy giụa và kêu thét lên. Nhưng, xung quanh ngôi nhà, tiếng bom đạn nổ ầm ầm, làm át hẳn tiếng kêu la của thiếu nữ tội nghiệp.

Từ hố cầu thang, lại có tiếng gọi vang lên:

- Maria…Maria…

Vài phút sau cánh cửa sập đổ trở lại, Mac Mill vùng bỏ chạy, trong khi Maria nằm sóng sượt trên mặt đất. Nàng khóc ròng, chiếc áo ngủ bị tốc lên… hoa tuyết rơi lả tả trên thân thể ngọc ngà của nàng.

Nói cho cùng, nếu ta coi Mac Mill là một tên hiếp dâm dơ bẩn thì quả là chuyện quá dễ dàng. Trong một chuyện như là vụ giao tranh ở Monte Cassino, phải kể đến tội lỗi của các thế lực hiếu chiến, các lãnh tụ chiến tranh khát máu. Kết tội Mac Mill mà không đếm xỉa gì tới các thế lực ở trên chàng ngàn bậc, thì có khác gì bắt chú lừa chịu tội thay cho ông mãnh sư.

Vả lại, tội ác của mình, Mac Mill sẽ phải đền lại thật đầy đủ, quá đầy đủ nữa là khác! Chàng phải đền tội, vì Maria có cặp mắt huyền quá đẹp, quá to, khiến chàng nhìn thấy cặp mắt đó mãi, đêm cũng như ngày, ở chỗ này cũng như ở nơi khác! Cặp mắt huyền của Maria đêm ngày săn đuổi Mac Mill. Rồi, sau nhiều tuần lễ, Mac Mill không còn trốn chạy con mắt của Maria nữa; ngược lại, chàng QUYẾT TÂM ĐI TÌM NÓ CHO BẰNG ĐƯỢC.

Chàng không còn muốn quên đi đoạn đời đó, không muốn tự bào chữa rằng: “Ôi đó là chuyện xảy ra trong chiến tranh”, mà trái lại chàng vô cùng mong muốn gặp lại Maria.

Do đó chàng quyết định trở lại thung lũng San Pietro nhỏ bé. Chàng muốn gặp lại người thiếu nữ, để bày tỏ niềm hối tiếc của mình về việc làm tàn hại đó.

Nhưng Mac Mill phải đợi chờ trong nhiều tháng, cho tới ngày 18 tháng Năm năm 1944, khi quân Ba Lan chiếm lĩnh hoàn toàn vùng Monte Cassino.

Và thế là chàng trở lại nơi chàng đã tình cờ nhúng tay vào tội ác. Viết về địa điểm này, một phóng viên chiến trường đã nói: “Nơi đây, người ta đã tàn sát cả đến cây cỏ, sỏi đá”. San Pietro đã hầu như là bình địa, Mac Mill ngồi trên một chiếc xe Gýp chạy trên con đường gập ghềnh đưa đến trang trại nằm đơn độc cách xa ngôi làng.

Trong sân trang trại, một bà lão mặc váy áo đen, tay cầm một cái mai, đang đào xới những mảnh đạn, chẳng sợ có thể bị nổ mất tay, mất chân, hoặc nổ tan xác luôn. Nghề thu gom mảnh bom đạn, đã trở thành cái cần câu cơm chính yếu của cư dân trong ngôi làng khốn khổ này.

Mac Mill mài mại nhớ những đường nét trên khuôn mặt của bà lão, và chàng hỏi thăm bà về Maria.

- Maria à? Anh muốn hỏi con gái của lão à? Nó đã bỏ đi trong một buổi sáng hồi tháng Hai khi Monte Cassino bị tấn công lần thứ tư. Bữa đó cả nhà chúng tôi ẩn nấp dưới hầm. Rạng sáng, Maria đi lên để lấy một bát sữa lâu lắm mà không thấy nó trở xuống. Khi đạn pháo bắn dữ, chúng tôi ở dưới hầm đã gọi cháu, nhưng không thấy nó trả lời”.

Bà lão bật khóc, tay bà nắm chặt cái cán của chiếc mai:

- Thật là khủng khiếp ông ạ. Dưới hầm ấm áp, nên chẳng ai chịu lên tìm cháu, xem cháu làm gì mà lâu trở xuống. Sau đó cháu biến mất, không ai gặp lại cháu nữa. Không biết nó lưu lạc ở đâu mà không chịu gửi thư về, không cho gia đình cũng như họ hàng lối xóm biết tin tức gì cả. Có thể một ngày nào đó người ta sẽ tìm được xác cháu ngoài đồng, hay trong những căn nhà đổ nát.

- Bà cụ có cái hình nào của nàng không?

- Tại sao ông hỏi hình của nó?

- Hãy cho con một cái hình của Maria, con sẽ đi tìm cô ấy.

Trong lúc đi về phía căn nhà đổ nát, bà lão luôn mồm hỏi:

- Tại sao? Tại sao mới được cơ chứ?

- Khi nhận được tấm ảnh, Mac Mill cảm ơn bà cụ.

“Tại sao?” Bà cụ vẫn còn hỏi.

- Xin bà cụ đừng thắc mắc tại sao. Con sẽ tìm ra nàng.

Mac Mill trở lại xe Gýp và đi mất dạng.

Thật vậy, trong nhiều ngày Mac Mill tìm khắp mọi làng, khắp mọi xã ấp, khắp mọi khu vực đổ nát, nhưng chàng không tìm được vết tích gì cả. Rồi, phải đi theo đoàn quân, chàng tiến về La Mã, đến tận Florence mà vẫn không thấy tung tích gì của Maria.

Mười một tháng sau đó, thỏa hiệp đình chiến được k‎ý kết, sư đoàn của Mac Mill phải trở về Mỹ. Nhưng, vì ôm ấp quá nhiều tấm hình nhỏ bé, nước ảnh đã ố vàng trong con tim, vì nhớ quá nhiều đôi mắt huyền to, đẹp, Mac Mill muốn trở thành điên loạn. Rời khỏi nước Ý, có nghĩa là không bao giờ gặp lại Maria nữa: dù nàng ở đâu, làm gì đi nữa, dù chàng gặp bất cứ rủi ro nào đi nữa, tốn kém bao nhiêu đi nữa, Mac Mill vẫn quyết định ở lại và đào ngũ.

Phải hiểu sự ngoan cố này ra sao đây? Thật đơn giản Mac Mill đã mắc chứng điên.

Vào lúc đó việc mua giấy tờ giả rất dễ dàng, khiến cho một tên lính đào ngũ có chút tiền là hầu như không sợ gì bị phát hiện. Trái lại nếu không tiền và không tìm được việc làm, thì rất dễ bị bắt giữ. Thế là Mac Mill lao vào việc mua bán hàng chợ đen.

Thỉnh thoảng chàng lại biến đi trong nhiều ngày. Những người không biết chuyện tìm chàng khắp nơi ở Florence, từ bar này sang bar khác.

- Ông có gặp ông Mac Mill không?

Đâu đâu người ta cũng trả lời:

- Ông Mac Mill đang đi nghỉ mát, hoặc đang đi chơi xa.

Thật vậy, Mac Mill đã không hề lơi là việc tìm kiếm bất cứ một giây phút nào. Chàng trả tiền rất hậu cho bọn thám tử tư, và bọn chỉ điểm, ai nấy đều được chàng đưa một phiên bản tấm hình của Maria.

Sau hai năm, không còn ai tin là có cô Maria bí mật đó, dĩ nhiên là ngoại trừ Mac Mill. Có người cho rằng nàng chưa hề có trên đời, người khác thì đoán rằng nàng đã rời khỏi nước Ý.

Một buổi chiều trong tháng hai năm 1948, Mac Mill và một thám tử tư đang đi bên nhau trong những phố vắng lạnh của tỉnh Savone. Trời lớt phớt mưa, gió lạnh rít từng hồi…

Maria ở một mình à? Nàng đã được thông báo chưa? Nàng nói sao? Nàng có nhớ được không?

Những câu hỏi dồn dập của Mac Mill chỉ được viên thám tử tư trả lời nhát gừng trong mưa lạnh.

Cuối cùng Mac Mill dừng lại trước cửa một ngôi nhà tồi tàn, và đẩy cửa. Một con chó vàng sủa ba tiếng, và cửa được mở rộng. Lúc đầu chỉ là một cái bóng, nhưng rồi khi đèn được bật sáng, chàng được tiếp đón bởi một thiếu phụ tươi cười. Vóc dáng người này gần giống với vóc dáng của Maria, nét mặt cũng hơi nhang nhác, nhưng cô nàng mập quá: đây không thể là Maria!

Tuy cô tươi cười, nhưng cặp mắt của thiếu phụ có nét lờ mờ như nàng nghiền ma túy, hoặc nghiện rượu. Nhưng nếu đây chính là Maria, và nàng đã trở thành thế này thì sao?

Mac Mill nhắc lại câu chuyện bi thảm ở San Pietro, và người thiếu phụ cho biết là có nhớ, nhưng không nhớ được các chi tiết vì chuyện xảy ra dã quá lâu. Nàng có ý ngầm như báo cho chàng biết là chính vì lỗi của chàng mà giờ đây nàng phải sống cuộc đời bi đát như thế này.

Mac Mill ngửi thấy ngay mùi dàn cảnh gạt chàng! Lòng tham của con người thật vô đáy: kẻ này mưu gạt người kia là chuyện thường tình!

Một căn nhà gỗ nằm lún sâu trong khu bùn lầy của cánh rừng Tombolo: Trời lạnh 90 dưới không độ. Đây là vùng ô nhiễm, nguy hiểm, khủng khiếp nhất nước Ý, nơi các đào binh của đủ các đạo binh, đủ các quốc tịch, vẫn thường lẩn trốn. Tuy nhiên số đào binh còn đang sinh sống ở đây lúc này chỉ còn có sáu người, trong đó có Mac Mill.

Đối diện với hàng rào hiến binh người xứ Sicile đang vây quanh căn nhà gỗ, Mac Mill có cảm nghĩ như vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng đã kéo dài vừa sáu năm.

Cảm thấy vô phương trốn chạy, cả sáu người gài cổ áo cho ấm và lục tục đi ra…

Bị bắt giữ ngày 11 tháng Chạp năm 1951 với tội danh là đào ngũ, Mac Mill đã bỏ trốn được, trong khi chàng bị giải từ một nhà tù dân sự của người Ý sang trại tù quân sự.

Để rồi sáu tháng sau, vào một buổi sáng ở Gênes, đúng lúc đồng hồ điểm 10 tiếng, phép lạ mà chàng hằng thành tâm trông đợi trong bẩy năm trời đã xảy ra.

Mac Mill đang ở ngoài đường, một chiếc xe điện ồn ào chạy qua. Qua một khuôn cửa kính, chàng thấy xuất hiện một khuôn mặt một cặp mắt u huyền bao la, chỉ cần một giây, Mac Mill nhận ngay ra đôi mắt của Maria.

Chàng chạy ào theo chiếc xe điện, len lỏi và bất chấp các xe hơi, xe xì cút tơ, xe đạp đang chạy ngược chiều. Liệu chàng đuổi kịp không?

Tới một ngã tư một viên cảnh sát, những chiếc xe hơi, và nhiều người qua lại chận đường chạy của chàng. Chàng nhảy phốc lên bờ đường xô đẩy người đi lại, và đuổi theo nhanh như người bị ma đuổi.

Khi chàng đuổi kịp tàu điện thì nó đã hai lần ngưng ở các trạm và khuôn mặt mà chàng thoáng trông thấy đã không còn ở trên tàu điện nữa. Chàng đã nhìn nhầm, hay nàng đã xuống và đi mất?

Mac Mill đi trở lại trạm đầu tiên của tàu điện, và với tấm ảnh của Maria trên tay, chàng đi lang thang trên tất cả các khu phố lân cận, đưa tấm ảnh ra hỏi những người bán hàng, những người đi đường, làm mọi người ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt đẹp đẽ của người trong ảnh, rồi lại thấy áo quần rách rưới của Mac Mill. Chàng tiếp tục chạy tới một trạm khác, lại đưa ảnh ra, lại hỏi; chàng xông vào các cửa tiệm, chìa ảnh và hỏi như người điên, khiến mọi người không khỏi lấy làm ngạc nhiên.

Cuối cùng, tại một tiệm giày, người thợ sửa giày sửa lại gọng kính để nhìn bức ảnh và Mac Mill cho rõ; qua vẻ mặt ông ta đang thầm nghĩ: “Chắc anh chàng này điên, cô gái này trẻ đẹp quá, đâu có thể là đối tượng của hắn”.

“Người thiếu phụ này, cuối cùng ông ta nói, tôi vừa gặp cô ta… cách đây một giờ, cô ta có ghé để lấy một chiếc giày cô ta nhờ tôi chữa. Nhưng tấm ảnh này cũ lắm rồi, vì thế tôi mới do dự, giờ này cô ta đẹp lắm!”

- Nhưng ông có biết cô ta ở đâu không? Không à? Vậy ông có biết cô ta làm gì không?

- Cũng không, từ lâu tôi đã không để ‎ý tới việc khách hàng của mình làm gì! Nhưng họ làm gì với những chiếc giày của họ thì tôi biết. Người thiếu phụ này, vì thế phải sinh sống ở các phố trên đồi cao.

Và người thợ giầy già nhìn Mac Mill hối hả chạy đi bằng con mắt trìu mến thương cảm.

Khu phố này của thành Gênes được xây trên những ngọn đồi cao, nên nó đầy nhóc những cầu thang đá lớn bé, có vẻ như đi lên, đi lên hoài.

Mac Mill chìa ảnh nàng ra với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi: chỗ này có người trông thấy nàng, nàng đã đi lên cái phố nằm ở bên tay mặt. Chỗ khác có người thấy nàng đi lên cái phố ở bên tay trái.

Ở chót vót trên cao có một thánh đường nhỏ. Leo quanh co hoài Mac Mill bị chóng mặt nên khi nhìn lên, chàng thấy ngôi thánh đường như đang xoay tròn trước gió. Một người đang từ những bậc đá bức xuống. Mac Mill cố gắng đưa tấm ánh ra một lần chót. Người đi xuống lấy tay chỉ ngược lên một ngôi nhà ở trên cao và nói:

- Cô ấy ở trên đó.

Như được hồi sinh, Mac Mill tiếp tục leo cầu thang đá. Trên cao, lơ lửng giữa trời, ngôi thánh đừng nhỏ bé tiếp tục quay nữa. Cuối cùng Mac Mill cũng lên được tới cửa tòa nhà. Chàng nắm giây chuông và dùng hết tàn lực để giật…

Cặp mắt chào đón chàng là cặp mắt nhăn nheo của một bà già vóc dáng nhỏ thó, để tóc búi tó củ hành. Trong bóng mát êm dịu của một nhà chơi của một trường học nhỏ, Mac Mill đưa ảnh của Maria cho bà cụ xem; không nói một lời, bà cụ nhìn bức ảnh nhiều lần, rồi lại nhìn chàng.

Bà cụ có vẻ ngần ngại. Cuối cùng bà cụ đi lui lại vài bước để ra sân, và dùng đầu ra dấu cho chàng thấy một thiếu nữ đang đúng quay lưng sau một cây cột, ở giữa một vòng tròn các em nhỏ đang vừa đi xoay tròn vừa hát.

Mac Mill tiến lại gần, một trong những đứa trẻ la lên:

- Thưa cô! Thưa cô!

Thiếu nữ quay đầu lại. Chính là nàng. Tuy không còn là cô gái run sợ ở San Pietro, nhưng đích thị là nàng.

Maria nhăn mặt, nhíu mày, nàng sững sờ khi trông thấy chàng và nét mặt nàng tái đi rất nhiều. Có thể nàng không thật sự nhận ra chàng. Có khi thấy mặt chàng, nàng chợt nhớ ra buổi sáng hôm đó ở San Pietro. Cũng có thể là không một hoàn cảnh nào, một chi tiết nào có thể nhắc lại trong tâm trí nàng kỷ niệm tàn khốc đó, nhiều hơn là khuôn mặt chàng đang ở trước mặt nàng. Dù sao đi nữa nàng không thể nào tin được đó là chàng và tại sao chàng lại xuất hiện ở đây?

Về phần Mac Mill, từ bảy năm nay chàng đã đêm ngày chờ đợi giây phút này. Chàng đã suy nghĩ rất nhiều là phải nói gì, đã cân nhắc từng câu, từng chữ, nhưng rồi chàng chỉ lắp bắp được mấy câu:

“Hãy cho phép anh được giải thích với em…”

Quả là khôi hài. Chường mặt ra sau bảy năm để giải thích một điều bất khả giải thích, để xin tha tội cho một tội không thể tha thứ, thực là khôi hài lắm vậy.

Đương nhiên là nàng không thể hiểu tại sao chàng lại có mặt ở đây, nhưng cuối cùng nàng đã nhớ ra chàng. Nàng cố gắng chịu đựng chàng như chịu đựng một thử thách. Nàng nhìn chàng một cách lạnh lùng, và run rẩy bảo chàng:

- Chuyện xảy ra đã quá lâu, còn gì nữa mà giải thích.

- Anh đi tìm em trong suốt bảy năm nay.

- Nếu anh muốn được tôi tha thứ thì anh mất thì giờ vô ích. Tôi không bao giờ tha thứ cho anh.

- Nhưng, anh yêu em.

Maria đứng ngẩn người ra. Nàng nhìn chàng như nhìn một quái vật. Vì, đối với nàng, dù chàng là kẻ bạo tàn hay điên đi nữa, thì chàng vẫn chỉ là một quái vật không hơn không kém.

- Anh đi đi!

Maria chỉ tay ra cửa:

- Đi ngay!

- Anh đã đào ngũ vì em.

- Tôi có cần phải cho người đuổi anh ra không?

Lần này, Maria nói lớn tiếng hơn. Các cô giáo, người gác cửa và cả bà già búi tóc cũng đẩy chàng về phía cửa ra vào. Chàng bật khóc và nói với bà cụ:

- Bà cụ ơi, xin bà cụ giúp cháu...”

Bà cụ cảm thương chàng đến ứa nước mắt, đưa tay đẩy lên ngực chàng để đẩy chàng ra và bảo chàng:

- Ở đây đông người quá. Cho tôi địa chỉ chỗ anh ở để Maria có thể tới gặp nếu cô ấy muốn, còn bây giờ thì đi về đi!”

Mac Mill đưa địa chỉ của chàng cho bà cụ, và bà cụ nhìn theo chàng khi chàng xuống các bậc thang đá thành Gênes cho tới khi chàng trở thành bé tí, bé tí...

Tuyệt vọng, nhưng chàng vẫn cố chờ đợi trong một căn phòng. Chàng vẫn còn mong vào một tia hy vọng cuối cùng. Chàng đã đưa tên một khách sạn mà ngay lúc này chàng chưa biết sẽ làm thế nào mà có tiền để trả tiền phòng, nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn phải có một địa chỉ.

Màn đêm đã xuống ở Gênes. Bà cụ có búi tó có vẻ thông minh và có vẻ rất thông cảm. May ra bà cụ có thể khuyên Maria đến tìm chàng.

Có tiếng một chiếc xe hơi đến đậu trước khách sạn, có lẽ là một cái taxi. Bất chợt, Mac Mill ngồi nhỏm dậy. Chàng nghe thấy nhiều tiếng chân người ở dưới cầu thang.

Nhiều tiếng chân người. Khi ra đến hành lang, chàng thấy tiếng chân đi rất mạnh và chàng không còn nghi ngờ gì nữa. Chính là cảnh sát, và cũng là câu trả lời nghiệt ngã của Maria.

Tại Mỹ, trong một căn phòng xử cổ kính, Mac Mill đang bị xử bởi một tòa quân sự. Một vị đại tá, giáng điệu oai hùng, khả kính, ngực đeo đầy huân chương, chủ tọa phiên tòa.

Đào ngũ là một tội danh không nghiêm trọng gì, nhưng hiếp dâm lại quá ư ghê gớm. Do đó tất cả cử tọa đều nhìn như xoáy vào Mac Mill.

Mac Mill đang bị xử vừa vì đào ngũ, vừa vì tội hiếp dâm, tuy Maria không đệ đơn thưa chàng về tội đó. Nàng chỉ bảo cảnh sát bắt chàng như là một người lính đào ngũ, vì nàng tưởng chàng điên, và sợ chàng sẽ đeo theo làm khổ nàng. Nhưng khi cuộc điều tra được tiến hành ở bên Ý thì lòi ra câu chuyện đáng tiếc, bên nguyên, hay đúng hơn là phía buộc tội, tức là tòa quân sự chỉ giữ tội danh hiếp dâm khi nghe các lời khai của các nhân chứng, đã biết được câu chuyện đó do chính Mac Mill trong lúc đi tìm Maria đã có lần tâm sự.

Nhưng khi tòa nêu tội danh hiếp dâm thì Mac Mill giự im lặng không kêu ca hoặc khai báo gì cả. Vị đại tá chánh thẩm nổi nóng, ông hỏi:

- Vậy thực ra có chuyện hiếp dâm hay không?

Một viên trung úy đứng dậy vừa đặt câu hỏi, vừa như đưa ra câu trả lời:

- Ai đệ đơn thưa về tội hiếp dâm? Không có ai à? Ai chứng minh vụ hiếp dâm đã xảy ra?

- Thế không phải là chính bị cáo đã tự xác nhận là có chuyện đó à?

Nhưng vì Mac Mill vẫn giữ im lặng, tòa loại bỏ tội danh hiếp dâm.

Một vài tháng sau trong khi Maria đã xin thôi dạy học, và đã thay đổi chỗ ở, không để lại địa chỉ mới, thì vị chủ nhiệm một trong những tờ báo hàng tuần có uy tín nhất ở Ý, nhận được một là thơ dài mấy chục trang giấy, được gửi tới từ một nhà tù ờ Taxakana, ở Mỹ quốc. Lá thơ đó là của một tù nhân tên là Mac Mill, bị kết án hai năm tù về tội đào ngũ.

Trong là thơ dài dặc đó, người viết đã kể lại 10 năm trong cuộc đời của anh ta, tội ác anh ta đã phạm phải, quá trình đền tội và hối hận của anh ta. Người viết xin vị chủ nhiệm cho đăng tải lá thơ đó, qua đó anh ta hy vọng được người đàn bà mà anh ta đã làm khổ tha thứ cho mình. Dĩ nhiên là Mac Mill không nêu danh tính nạn nhân.

Vị chủ nhiệm ngần ngại, nhưng rồi ông cho đăng lá thơ.

Vài tuần lễ sau, qua vị chủ nhiệm, Mac Mill ở trong nhà tù nhận được một lá thơ thật vắn tắt: “Hãy sống an bình, tôi tha tội cho anh”.

Thế là Mac Mill lại viết thơ cho ông chủ nhiệm tờ tuần báo nhờ chuyển thơ của chàng cho Maria. Chàng viết:

“Vì thiên chức và số mệnh của mỗi người đàn bà là phải lấy chồng và tạo dựng một gia đình, xin em hãy nghĩ tới điều đó và hãy đoái nhìn tới anh. Như vậy sợi dây nhơ bẩn đã nối buộc chúng ta sẽ được thánh hóa. Anh tin là anh đang được hưởng ơn phúc này vì nhiều l‎ý do. Tình yêu của anh đối với em đã có những chứng minh rõ rệt. Anh đã đến tuổi phải trở thành một người chồng tốt và sẽ được tha trong hơn một năm nữa. Nếu em không cho là anh quá xấu xí thì em có thể quyết định dễ dàng. Để tạo dựng một gia đình, anh hứa sẽ vận dụng thật nhiều nghị lực và kiên nhẫn, nhiều hơn cả số lượng nghị lực và sự kiên nhẫn mà anh đã vận dụng để được em tha thứ. Anh yêu em.”

Vì Maria chậm trễ trong việc trả lời, Mac Mill viết thêm một lá thơ thứ nhì, rồi là thư thứ ba, rồi hàng chục lá thơ khác. Người phụ nữ nào lại có thể cưỡng lại một mối tình như thế?

Vào một ngày đẹp trời, đầu mùa Thu năm 1956, tại Ý, trong một thánh đường nhỏ ở Gênes, nơi Maria làm việc khi trước, ở cao tuốt trên đỉnh trời, họ đã lấy nhau…

Vũ Anh Tuấn dịch một chuyện có thật của Bellemare

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế