VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 13/07/2019 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY Để mở đầu phiên họp, như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư. Cuốn đầu là một cuốn bằng Anh văn mang tựa đề là Tự Điển tóm lược Văn Chương Anh của Oxford (The concise Oxford dictionary of English literature). Cuốn sách thật xinh đẹp khổ 12x17 phân, dày 568 trang, với chữ nhỏ li ti như những chú kiến, khiến người dùng như người viết mỗi khi dùng cần phải dùng kính lúp để đọc. Điều đặc biệt là tuy chữ nhỏ như kiến nhưng cực kỳ đẹp và rõ nét. Hơn nữa chỉ cần hai chữ Oxford (một trong những trường Đại học uy tín nhất của Anh Quốc) là đủ đảm bảo chất lượng của cuốn sách rồi. Cuốn sách tuy là tóm lược, nhưng cho người đọc rất nhiều chi tiết hứng thú về các văn hào Anh lớn nhỏ, và đương nhiên là những chi tiết đó nhiều hơn trong các tự điển thông thường khác rồi. Cuốn sách được in năm 1941 (78 năm trước nhưng vẫn còn mới tới 70% với một cái bìa màu xanh đậm tuyệt đẹp. Có cuốn sách trong tay, người viết đã hứa với 3 bà bạn của mình, là những người đặc biệt quan tâm tới văn chương Anh, là cần gì thì cứ hỏi vì sẽ có câu trả lời chính xác ngay! Cuốn thứ nhì bằng Pháp văn mang tựa đề là Sông Rhin của đại văn hào Pháp Victor Hugo, được in năm 1842 (177 năm trước). Cuốn sách khổ 18x26 dày 280 trang, có khoảng 90 minh họa mà gần 3/4 số minh họa là của cụ Victor Hugo. Nội dung sách mô tả những chuyến du hành trên sông Rhin, một con sông lớn và đẹp ở Pháp. Cuốn sách đặc biệt hấp dẫn dịch giả Vũ Anh Tuấn vì ông là người rất yêu thích cụ Victor Hugo và cũng là người đã đọc khá nhiều tác phẩm của cụ ngay từ khi mới 15, 16 tuổi và đã biết khá tiếng Pháp để đọc bộ “Những kẻ khốn cùng” (Les misérables) mà ông cực kỳ yêu thích và đã đọc đi đọc lại 3 lần trong đời. Điều hấp dẫn nhất trong cuốn Sông Rhin này là, tuy là người biết nhiều và đọc nhiều về cụ Victor Hugo, người viết vẫn chưa hề biết cụ còn là một họa sĩ vẽ khá đẹp, và cũng vì lý do này khi nhìn thấy những chữ “minh họa của Victor Hugo” (dessins de Victor Hugo) người viết đã thích mê và mua cho bằng được cuốn sách. Sau khi được giới thiệu, cuốn sách đã được vài thành viên mượn xem tại chỗ với nhiều hứng thú.
Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, Bs. Tiến lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ. Bs. Tiến ngâm thơ xong, anh Phạm Vũ lên nói về Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ 3 của Mỹ đã viết về Kinh Thánh và một vị Tổng thống khác của Mỹ là Groove Cleverland đã là Tổng thống trong hai nhiệm kỳ. Tiếp lời anh Phạm Vũ, anh Dương Tiến Cần lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Lo về việc nước”. Anh Cần ngâm xong, anh Nhựt Thanh lên nói về Gò Rồng ấp và ngâm tặng các thành viên bài thơ “Đúng sai”. Sau anh Nhựt Thanh, thành viên Hoàng Thị Vinh hát tặng các thành viên khác hai bài hát ngắn. Tiếp lời thành viên Vinh, Thùy Mai lên và cũng hát tặng các bạn một bài hát. Thùy Mai hát xong, thành viên Thanh Vĩnh lên nói về ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Tiếp lời anh Thanh Vĩnh, anh Chử lên hát thơ tặng các thành viên bài thơ “Gia đình”. Anh Chử hát thơ xong, Thùy Hương lên hát tặng các thành viên bài “Hương Giang thương nhớ”. Sau Thùy Hương, thành viên Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “Cho người nằm xuống”. Sau Lệ Ngọc, anh Phùng Chí Tâm lên nói về sự ra đi và tang lễ anh Lê Nguyên, một thành viên cốt cán vừa ra đi. Anh Tâm nói xong, Quan Thùy Mai trở lên hát tặng thêm các thành viên bài “Duyên quê”. Sau Quan Thúy Mai, Kim Sơn lên ngâm tặng các thành viên bài thơ nói về Hàn Mặc Tử và Kim Cúc người yêu của ông. Kim Sơn ngâm thơ xong, anh Quang Bỉnh lên đọc bài ca cổ tên là “Hội Thơ”. Sau anh Quang Bỉnh, anh Thanh Châu lần này, thay vì hát với “tiếng hát át tiếng bom” của anh như mọi khi, đã ngâm tặng các thành viên một bài thơ, và sau cùng anh Hùng lên nói về tình trạng căng thẳng (stress) và các cách xả hết căng thẳng, và cuộc họp kết thúc lúc 11g15 khi các thành viên vui vẻ từ biệt nhau ra về hẹn gặp lại trong kỳ họp tới. VŨ THƯ HỮU
VÀI CHI TIẾT VỀ MỘT TÂN QUÝ THƯ BẰNG PHÁP VĂN Mấy hôm trước tôi tình cờ mua được quý thư này tại một tiệm sách trên đường Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp. Đây là một cuốn sách bằng Pháp văn khá đẹp, và mang tựa đề là Pasteur, cuộc đời và sự nghiệp (Pasteur - Sa vie - Son oeuvre) của tác giả A. Lomont do nhà sách Gédalge, in ở Paris. Sách không đề năm in, nhưng sau khi tra cứu tôi được biết sách được in năm 1934 (85 năm trước). Tuy nhiên cuốn sách vẫn còn mới tới 75%, tuy màu giấy có vàng đậm nhiều. Cuốn sách đã giúp tôi hiểu rõ hơn về Pasteur và Viện Pasteur ở mấy nơi ở Việt Nam, cũng như sự tra cứu đã cho tôi biết về Bác Sĩ Calmette người đầu tiên điều hành Viện Pasteur ở Việt Nam, còn chính bản thân nhà bác học Pasteur thì ông chưa bao giờ sống và làm việc ở Việt Nam. Cuốn sách khổ 14x23, dày 142 trang có một cái bìa cứng đẹp không thua gì những sách phần thưởng, và được chia ra làm 7 chương như sau đây:
Chương 1.- Nói về thời thơ ấu và tuổi trẻ của Pasteur. Chương 2.- Nói về thời sinh viên của Pasteur và những công việc đầu tiên của ông. Chương 3.- Nói về thời kỳ Pasteur làm giáo sư ở mấy Phân khoa và bắt đầu phát minh, sau được điều về Đại Học Ba Lê. Chương 4.- Nói về thời kỳ ông ở Đại Học Ba Lê, cuộc sống vui buồn và những phát minh mới của ông. Chương 5.- Nói riêng về những phát minh của ông được chia làm 2 phần. Chương 6.- Niềm vinh quang của Pasteur biến ông thành một thiên tài, một ân nhân của nhân loại. Chương 7.- Nói về Viện Pasteur và các chi nhánh ở toàn cầu trong có đất nước chúng ta. Có cuốn sách đẹp trong tay, người viết đã bỏ ra gần 2 giờ để cưỡi ngựa xem hoa và để biết thêm về nhà hóa học, nhà vi sinh học, và nhà bác học tiếng tăm của Pháp, còn việc đọc thật kỹ và tra cứu tìm hiểu mọi từ về hóa học, vi sinh học thì người viết ở tuổi bát tuần chén tuần đã bỏ qua không thèm làm vì thấy không còn cần và thiết! Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI VŨ ANH TUẤN NHỮNG SUY NGHĨ VẨN VƠ TẬP 2 (tiếp theo số 158) Có rất nhiều trường hợp, không cần thấy mà vẫn tin được. Ông Newton, một nhà toán học vĩ đại đã nói lên điều đó: “ Tôi không cần tin có Chúa nữa, vì tôi thấy Ngài quá rõ. Tôi thấy Ngài trong một bông hoa. Tôi thấy Ngài trong một cánh bướm”. Theo suy đoán của tôi, thì 99% những kiến thức ta đang có chồng chất trong đầu là do tin chứ không phải do thấy. Tất cả quý vị đang ngồi ở đây đều chưa bao giờ ra tới Hà Nội để thấy Hà Nội. Nhưng chúng ta vẫn tin có Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam yêu dấu. Ta tin lời dạy của thầy cô môn Sử - Địa. Mà chính thầy cô của chúng ta cũng có vị chưa bao giờ thấy Hà Nội. 90 triệu dân Việt Nam hiện đang sống, chưa một ai thấy ông Trần Hưng Đạo chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chưa ai thấy vua Quang Trung vẻ vang với trận Đống Đa, nhưng tất cả đều tin và đều hãnh diện về lịch sử của dân tộc mình. Nếu đòi phải thấy mới tin, thì môn Lịch Sử và Địa Lý của thế giới và của các dân tộc sẽ bị xóa sổ trước nhất. Các trường học từ Mẫu giáo Mầm non cho tới các Đại học, Cao đẳng sẽ bị đóng cửa dần dần cho đến hết. Nếu chỉ thấy rồi mới tin, thì tình nghĩa gia đình cũng phôi pha và tự hủy diệt. Cha mẹ kể chuyện về đời ông cố ông sơ, con cái vặn vẹo: “ Cha mẹ đã thấy ông sơ chưa? Con không thấy, con không tin ”. Trên đời có biết bao ông bà tiến sĩ, kiến thức cồng kềnh. Nhưng kiến thức ấy do thấy hay do tin? Khỏi trả lời. *** Tin có Chúa sáng tạo hay tin vật chất sáng thế, đàng nào dễ hơn? Điều này hoàn toàn tùy thuộc tự do lựa chọn của mỗi người. Loài người hơn loài vật ở chỗ có trí khôn, có suy luận, biết phải trái… Thế mà không sử dụng trí khôn cho nên, để mình lầm lạc là một điều vô cùng đáng tiếc, đồng thời là một lỗi lầm phải trả giá nữa. Thánh Gioan trong thơ thứ nhất của người, người đã viết: “ Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để nhận biết Thiên Chúa thật ” (1 Ga 5,20). Bên cạnh vấn đề cơ bản là vật chất, nguồn gốc của tiến hóa, còn nhiều vấn đề khác cũng đồng thời đặt ra và đòi giải quyết cách khoa học. Ví dụ vấn đề không gian và thời gian, cái nôi của muôn loài muôn vật. Không có gì là vật chất mà tồn tại ngoài thời gian và không gian. Vậy cái gì biến hóa ra thời gian và không gian? Vấn đề 3: Động lực tiến hóa. Vật chất có sự kết hợp lại với nhau rồi biến hóa từ loài thấp tới loài cao. Lamarck chủ trương: “ Các dạng trên mặt đất bắt nguồn từ vật chất thô sơ bằng con đường tự sinh ”. Động lực phát sinh tiến hóa là động lực hiếu sinh (le dynamisme de la vie), khuynh hướng mãnh liệt phát triển các bộ phận sẵn có cùng với áp lực của những hoàn cảnh xung quanh. Darwin thì chủ trương: “ Các chủng loại hoàn toàn không bất biến như người ta thường nghĩ trước kia, mà biến đổi một cách ngẫu nhiên, liên tục, loài nào giỏi thích ứng thì tồn tại ” theo quy luật “chọn lọc tự nhiên”. Nói gì thì nói, “chọn lọc tự nhiên; tự sinh, biến đổi ngẫu nhiên…” cũng cần phải có một chuyển động ban đầu. Giống như một tim thai, khi đã được hình thành và phát triển trong tử cung của người mẹ cùng với hệ tuần hoàn và hô hấp hoàn chỉnh, dòng máu của người mẹ vẫn liên tục chảy trong tim và huyết quản của thai nhi qua cuống nhau, nhịp tim của mẹ qua dòng máu nóng đã kích thích tim của con và cũng là động lực để tim thai khởi động bằng nhịp đập đầu tiên, và nhịp đập đầu tiên này là một phép mầu để rồi liên tục co bóp có khi hơn 100 năm mới ngừng nghỉ! Thách các nhà khoa học chế ra một quả tim bằng chất dẻo rồi bơm đầy máu vào, ngồi chờ xem nhịp đập đầu tiên khởi động! Chúng ta cứ tưởng tượng một vòng tròn 1 km xếp 300 chiếc xe hơi, đuôi chiếc nọ liền với đầu chiếc kia, chỉ cần 1 chiếc khởi động có thể ảnh hưởng tới 299 chiếc khác, thế nhưng 300 chiếc xe cứ nằm đó, không có ai, không có máy móc remote nào khởi động thử hỏi để 1000 năm, vòng xe có khởi động được không? Ai cũng có thể trả lời được thắc mắc này. Nếu các nhà khoa học nói “tự sinh” thì sao những chiếc xe kia đã được trang bị đầy đủ bình ắc-qui, xăng nhớt… sao không thấy tự khởi động? Còn những chiếc máy bay do thám không người lái thì vẫn có người điều khiển từ xa bằng vô tuyến, có cài đặt lộ trình này nọ cũng phải có người bấm nút khởi động chứ? Nếu “cãi cối” rằng đó là định luật tự nhiên, thì xin hỏi ai đã ra luật đó. Hễ có luật thì phải có người làm luật, không ai bảo Hiến pháp Việt Nam tự nhiên mà có. Cái mà chúng ta gọi là luật tự nhiên nó tinh vi vô cùng, kỳ diệu vô cùng, hai mùa mưa-nắng hoặc bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, hài hòa và chính xác, các quỹ đạo của hệ Thái Dương giữa khoảng không lơ lửng ai vẽ nên? Trên trời hàng tỷ tỷ tinh tú bay với tốc độ hàng trăm ngàn km/giờ mà chuyện tắc nghẽn giao thông không bao giờ có. Chuyện tai nạn chỉ là hy hữu… Trong khi đó, hệ thống giao thông của ta, nào mở đường, nào đèn báo, nào biển báo, nào cảnh sát giao thông… tốc độ thì như “rùa bò” thế mà ách tắc, tai nạn không ai đếm xuể! Cái ta gọi là “ngẫu nhiên” vẫn phải có một nguyên nhân tác thành. Làm gì có chuyện ngẫu nhiên hai hòn đá nằm bên nhau! Hoặc do sét đánh bể làm hai nằm cạnh nhau, hoặc do lở đất, hoặc do người ta khiêng đặt kế nhau… Tất cả đều cần ít nhất là một chuyển động khởi đầu, không có là phi lý. Vậy chuyển động khởi đầu đó từ đâu mà có? Người duy tâm bảo bởi Trời, bởi Thiên Chúa tác động. Còn người duy vật bảo chẳng bởi đâu cả mà tự nó có, tự nó khởi động. Cả hai cũng chỉ tin mà thôi. Bạn chọn phía nào là quyền tự do của bạn, nhưng bạn hãy nhớ rằng tự do luôn kèm theo trách nhiệm đấy, bạn thử ra đường đi tự do xem có gì sẽ xảy ra! Vấn đề 4: Luật Thích Nghi. Các nhà khoa học chủ trương Thuyết Tiến Hóa nêu ra định luật thích nghi hay cạnh tranh sinh tồn được phát biểu như sau: Bộ phận nào làm việc nhiều, hoạt động nhiều thì tiến hóa, bộ phận nào ít hoạt động sẽ thoái hóa. Trong việc cạnh tranh sinh tồn mạnh thì sống, yếu thì chết. Quan sát những hiện tượng xung quanh ta, ta thấy có phần đúng. Một người thuận tay mặt, quen dùng tay mặt nhiều, tay mặt rắn chắc nở nang hơn tay trái một tí. Các lực sĩ đánh box ngày đêm tập luyện nên có vai u bắp thịt. Trong môi trường sống ta chỉ thấy cọp vồ nai, chứ không thấy nai ăn cọp bao giờ. Thế nhưng dường như định luật đó không đúng hoàn toàn mà theo lý thuyết thì một định luật khoa học bao giờ cũng đúng và tuyệt đối đúng: điện giải nước sẽ được H2 và O. Tổng hợp H2 và O sẽ được nước. Nhưng Thuyết Tiến Hóa không hẳn thế. Hổ vồ nai đã bao trăm nghìn năm nay nhưng vẫn không diệt được chủng nai, mà ở một khía cạnh nào đó nai lại cần đàn hổ, báo, sử tử vì nếu không có chúng thì nạn “vật mãn” sẽ xảy ra, kiếm đâu được đồng cỏ cho nai và các bầy đàn khác! Con người to béo, khỏe mạnh, con virus thì nhỏ bé yếu ớt, phơi nắng cũng đủ chết, nước 700 đã ngỏm rồi - thế mà con người với bao nhiêu “quân quốc” hộ vệ, vẫn bị nó quật ngã. Ngày xưa chưa có vaccin phòng ngừa, mỗi lần xảy ra đại dịch, nhân loại vơi người đi ấy. Vậy thì phải đặt lại ý niệm mạnh, yếu ở điểm nào! Còn về nguyên lý hoạt động cũng phải xem lại. Ngày xưa người ta cứ cho ruột thừa là kết quả của luật thoái hóa, bộ phận ít hoạt động, teo dần rồi biến mất, nhưng khoa học tiên tiến ngày nay khám phá ra nó có chức năng đàng hoàng, chẳng “thừa” chút nào cả; Đôi tai chẳng nhúc nhích gì cả mà cũng không bị teo đi tóp lại hay rụng mất! Còn về mặt phát triển chúng ta cứ quan sát bộ óc và trái tim con người, hai bộ phận hoạt động mạnh nhất, liên tục từ bào thai cho tới khi lìa đời, có người cả hơn một thế kỷ, nhưng có vì hoạt động nhiều thế mà bộ óc người ta phát triển bằng bộ óc bò đâu? Quả tim đập dữ vậy tính ra với kích thước bằng nắm tay, tim có thể ví như cái bơm không biết mệt mỏi, mỗi ngày nó bơm đến 7.570 lít máu, đi qua 96.560 km mạch máu (không biết có in lầm từ 96.560 m?). Tim co bóp 60-100 lần mỗi phút (báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 16/11/2008, trang 20), thế tại sao từ khi có con người tới nay tim không nở ra bằng quả bưởi hay quả dừa? Trái lại lớn tim, lớn gan là có chuyện đấy, có thể “ngỏm” như chơi. Ở loài hươu cao cổ, chuyện biến hóa có vẻ “thừa”, cỏ non ở mặt đất bạt ngàn hà cớ gì phải ăn mấy cành lá trên cao để rồi cái cổ dài ngoằng ra, cúi xuống hơi bị khó. Trong khi mấy chú dê lại khoái leo cao, cứ rướn cổ đứng trên hai chân sau mà ăn lá cây, sao không thấy cổ dê dài ra cho thích hợp! Chuyện cũng lạ đấy. (còn tiếp) Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết (Tổng hợp nguồn báo chí và các phương tiện truyền thông)
TÁC HẠI CỦA “Y NGỮ BẤT Y NGHĨA” Không biết từ bao giờ, Phật Tử hễ có việc là mang hương đăng trà quả đến Chùa để cầu xin. Muốn gia đạo được bình yên, chồng thăng quan, tiến chức, con cái học giỏi, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát tài v.v... đều trông cậy vào Phật, Bồ Tát phù hộ. Cũng không biết từ đâu ra và từ bao giờ mà hầu như trong tất cả các Chùa, Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy đểu có những nghi thức Cầu An, Cầu Siêu này. Mọi người mặc nhiên nhìn nhận Phật là Thần Linh, Chùa nào cũng tổ chức những buổi lễ Cầu An cho người sống, với người sắp chết thì tụng kinh Vãng Sanh để Phật rước về Tây Phương Cực Lạc. Với thân nhân đã qua đời thì hàng năm Chùa tổ chức lễ Cầu Siêu, gởi thư đến từng nhà có thân nhân có hũ Cốt gởi ở Chùa để nhắc nhở. Trong Chùa, hàng ngày các Tu Sĩ đều có những thời công phu bằng cách Ngồi Thiền,Tụng Kinh, Niệm Phật. Lời Thọ Ký:“Tất cả Chúng Sanh là Phật sẽ thành” không được nhắc nhở tới, mà mọi người chỉ được nhắc một lòng hướng Phật. Tu Sĩ Xuất Gia là để hiến trọn cuộc đời phụng sự cho Phật! Vậy thì Phật, Bồ Tát là gì? Có phải là Thần Linh để cứu độ, có quyền ban phước, giáng họa cho bá tánh? Trong khi đó, cuộc đời của Đức Thích Ca được lịch sử ghi lại rất rõ: Trước khi đi tu, Ngài là một Thái Tử sắp nối ngôi, là một người đàn ông hoàn toàn bình thường, có vợ, có con như bao người đàn ông bình thường khác. Suốt quá trình tu hành, Ngài cũng từng học với 6 người Thầy dạy sai, hành Khổ Hạnh đến cái Thân suy kiệt đến suýt chết, cho đến khi tự Ngồi Thiền để Đắc Đạo. Trong tất cả các phương pháp đã sử dụng, không có phương pháp nào để người học có thể thành Thần Linh. Suốt cuộc đời của Ngài từ sau khi Đắc Pháp, thu nhận Đệ Tử để đào tạo, cho tới lúc nhập diệt vẫn sống một cuộc sống bình thường. Kinh Kim Cang mô tả một ngày của Phật như sau:“Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp Y, cầm Bát, vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Thế Tôn theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất Y Bát, sau khi rửa chén xong Đức Phật trải tòa mà ngồi”. Rõ ràng sau khi Đắc Đạo xong, Đức Phật vẫn phải đi khất thực để nuôi thân, vẫn tắm giặt, trải tọa cụ để ngồi, thọ thực xong vẫn rửa bát. Lúc gần nhập diệt cũng than cả người đau nhức… không hề thấy Ngài thi triển Thần Thông hay phép mầu nào hoặc cứu độ cho một ai. Pháp Ngài truyền lại cũng chỉ hứa: “Các chúng sanh này nghe pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được thọ hưởng vui và cũng được nghe pháp, đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần đều được vào đạo”. (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa). Ngay cả Chú Bát Nhã dù được cho là: “thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô đẳng đẳng chú”, nhưng quyền lực chỉ là:“năng trừ nhứt thiết khổ chơn thiệt bất hư”. Vậy thì từ đâu ra một Như Lai Phật Tổ quyền năng tuyệt đối. Một “Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” lúc nào cũng túc trực để “cứu khổ cứu nạn”? Nếu thật sự Phật, Bồ Tát có khả năng cứu độ cho mọi người thì trần gian đâu còn đau khổ nữa. Nhưng thực tế thì thế nào? Đạo Phật ra đời đã gần 3.000 năm. Trong thời gian dài như thế, con người không ngừng hương khói để cầu xin Phật. Nếu gom tro hương được thắp để cúng Phật lại chắc còn nhiều hơn cả những dãy núi cao trên khắp thế giới. Lời nguyện cầu chắc đựng đầy cả vũ trụ! Phật có nghe thấy hay không mà thế giới vẫn không ngừng những tai họa: Chiến tranh, động đất, thiên tai cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng con người? Gần đây nhất: Năm 2016, hai trận động đất kinh hoàng đã diễn ra ngay tại Népal, là quê hương của Đức Phật, làm sụp đổ bao nhiêu tòa Tháp cổ và làm chết gần 9.000 sinh mạng con người! Ấn Độ được gọi là cường quốc nghèo số 1 thế giới với bình quân 1 USD đầu người mỗi ngày tương đương với 20.000 VNĐ! Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong cao nhất thế giới! Ấn Độ còn có cả một ngôi làng gọi là “Ngôi làng bán Thận”, vì thanh niên ở đó mỗi người chỉ còn 1 quả thận. Họ phải bán đi 1 quả để lấy tiền xây nhà, rồi tất cả hầu như bị sụp đổ theo hai trận động đất kinh hoàng năm đó! Tháng 7 năm 2017, Ngôi Chùa Vàng tên Thiri Yadana Pyilone Chantha ở Miến Điện đã bị lũ cuốn xuống sông. Năm 2016, Trung Cộng đã triệt phá Học Viện Phật Giáo Larung Gar, đuổi hàng chục ngàn Tu Sĩ Tây Tạng về quê! Đức Đạt Lai Lạt Ma được cho là Phật Sống vẫn phải lưu vong đến nay chưa hồi hương được! Hai pho tượng Phật khổng lồ khắc vào núi đá đã bị quân khủng bố ở Afganistan phá nát… Nếu Phật là thần linh ít ra Ngài phải hiển linh để cứu người dân của Ngài, phù hộ cho quê hương của Ngài, cứu Chùa, tượng Ngài không bị thiệt hại. Sao lại để những cảnh chết chóc, nghèo đói xảy ra ngay tại đất nước của Ngài? Chẳng lẽ Ngài không hộ trì cho đất nước, quê hương của Ngài, lại sang xứ của ta để phù hộ cho dân mình vì nước mình đông Tu Sĩ, nhiều người mộ đạo? Rồi thì những nước phương Tây, họ đâu có tin Phật, đâu có cầu xin, đâu cần cất Chùa to, tượng lớn, đâu có lực lượng Tu Sĩ chuyên thờ Phật và làm trung gian chuyển lời bá tánh đến Phật, thì ai hộ trì để khoa học, kỹ thuật văn minh tiến bộ, thịnh vượng vượt bậc? Trong khi ở các nước Châu Á, nơi Chùa Chiền phát triển, Tu Sĩ đông đen thì dân trí lại thấp, người dân sống trong cảnh lạc hậu, đói nghèo? Như vậy Đạo Phật dạy sai hay Phật Tử đã áp dụng không đúng lời Phật dạy? Lỗi đó do đâu? Là người đọc rất nhiều bộ Chính Kinh, tôi thấy Đạo Phật không hề dạy cầu xin, nương tựa Phật, mà lỗi là do những người không hiểu đúng Đạo Phật đã truyền dạy ra. Thật vậy, lẽ ra chỉ những Đệ Tử được Ấn Chứng đã Chứng Đắc gọi là Tổ thì mới có nhiệm vụ truyền đạo. Nhưng Phật nhập diệt mới được chừng 100 năm thì đã có sự tranh giành quyền lực trong nội bộ. Tăng Đoàn từ đó chia thành hai nhóm. Nhóm Trưởng Lão lập ra Trưởng Lão Bộ hay Tiểu Thừa, nhóm có Tổ cầm đầu thì gọi là Đại Chúng Bộ hay Đại Thừa. Sau đó thì có đủ thứ hạng người đã tham gia lực lượng này. Do thấy rằng cứ cạo đầu, mặc sắc phục của nhà Phật là được xem là Tu Sĩ, chẳng phải lao động vất vả để kiếm sống mà còn được ăn trên, ngồi trước, nên người mộ đạo mà vào tu hành cũng nhiều, nhưng người lợi dụng Đạo còn đông hơn! Ngay thời Tập Kết lần thứ hai, tại Ấn Độ đã phải loại ra hơn 50.000 tu sĩ giả mạo, huống là cho đến hiện nay. Mặt khác, thời Phật giảng Pháp, ngôn ngữ chưa phong phú, không thể diễn tả phần Vô Tướng nên Phật phải mượn hình ảnh bên ngoài để diễn tả, do đó rất dễ gây hiểu lầm, vì thế, Kinh Đại Bát Niết Bàn có dặn có 4 điều cần phải Y, không được làm khác. Đó là: Y TRÍ BẤT Y THỨC, Y PHÁP BẤT Y NHÂN, Y NGHĨA BẤT Y NGỮ, và Y KINH LIỄU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA, vì “Y Kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Và rồi sự lo ngại đó đã diễn ra. Do có đủ thứ hạng người, Chứng Đắc hay không cũng thuyết pháp. Hậu quả là cho đến nay đã có đủ thứ nghi thức ngoại đạo, những điều không cần thiết đã xen vào Đạo Phật như chúng ta thấy hiện nay, và trong hàng ngũ những Tu Sĩ chúng ta không thể phân biệt ai là Chân Sư, ai là Tà Sư, ai giảng đúng Chánh Pháp, ai giảng sai nữa. Kinh thì đã bị “Y KINH GIẢI NGHĨA” làm sai lạc hẳn. Thí dụ Kinh viết: Phật có thể “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế giới”. Quán Thế Âm Bồ Tát luôn lắng nghe tiếng kêu của Chúng Sinh để cứu độ. Tây Phương Cực Lạc cách đây mười tám ngàn dặm v.v… là để diễn tả những việc trong Nội Tâm, nhưng những người không nắm được tôn chỉ của Đạo Phật cứ bê nguyên văn ra mà giảng. Tín đồ cứ theo đó mà tin, mà hành, mà cúng kiến cầu xin Phật, Bồ Tát cứu độ, quên rằng cảnh giới Phật được mô tả, kể cả Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh chỉ là do Đức Phật giả lập để diễn tả tình trạng của cái Tâm mỗi người, không phải ở bên ngoài. Việc tu hành theo Đạo Phật chỉ là sửa chữa ngay chính nơi Cái Tâm, để loại đi những phần tử hay những tư tưởng xấu, không cho nó tồn tại. Chính vì vậy TU PHẬT là TU TÂM. Khi một cái Tâm không còn những ý tưởng xấu xa, đen tối thì sẽ được thanh tịnh, sáng suốt, Đức Thích Ca gọi đó là Phật Quốc. Do đó, tất cả danh xưng, từ Cõi Phật, Niết Bàn, cho đến Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh đều ở trong một Cõi Tâm mà thôi, không phải bên ngoài hay ở cõi trời xa xôi diệu vợi nào. Chính vì mọi việc Tốt hay Xấu đều khởi đầu tại nơi Tâm, nên Điều Phục hay Chuyển Hóa cái Tâm là mục đích chính của người tu, không phải là những thứ hình tướng mà chúng ta thấy bên ngoài như đầu tròn, áo vuông, hay Ngồi Thiền, ăn chay, Tụng Kinh, Niệm Phật, giữ hàng mấy trăm Giới mà nhiều người hiện giờ vẫn lấy đó làm công năng tu tập như ta thấy đang phổ biến nơi các Chùa hiện nay. Vì TU chỉ có nghĩa là SỬA, cho nên việc tu hành hết sức là đơn giản: Bất kỳ ai, bất cứ nơi đâu. Trẻ, già, trai, gái, trình độ, độc thân hay có gia đình đều có thể TU được “Cõi nước, chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường. Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn” (DIỆU PHÁP LIÊN HOA). Vấn đề quan trọng ở đây chỉ là “Đúng như lời tu hành”. Không phải là hình tướng hay nơi ở. Nhưng từ xa xưa, những tu sĩ đã không đọc để hiểu cho hết lời dạy của Phật, Tổ nên cũng chẳng biết mục đích thật sự của việc tu hành chỉ là Cải Ác hành Thiện nên đã tự quan trọng hóa địa vị của họ. Gần đây nhất, một Thượng Tọa (T.N.T.) đã khẳng định:“Chỉ những người Xuất Gia, độc thân, mới chứng Quả. Người tại gia tu hành thì chỉ được là chân nhân thôi”. Với suy nghĩ đó, người tu tại gia thì chỉ được gọi là CƯ SĨ, dù có tu hành nghiêm túc đến đâu cũng là cấp dưới, có nhiệm vụ cung cấp mọi thứ cần dùng cho Tu Sĩ, để từ đó hình thành một Giới Tu Hành ăn trên, ngồi trước mà chúng ta thấy hiện nay! Từ hiểu lầm về Phật, cho rằng Phật là Thần Linh, tất cả những gì được viết trong Kinh được Y NGỮ mà giải thích, các Tà Sư đã biến việc Tự Độ - tức là quay vô trong Tâm để sửa chữa để bản thân được Giải Thoát hay Thành Phật, thực hiện lời Thọ Ký “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” - thành quay ra ngoài, xây Chùa, tạc tượng, thắp hương để tôn thờ và cầu xin Phật phù hộ độ trì! Giáo lý của Đạo Phật không dạy người tu làm những điều cao siêu, xa vời, mà dạy phải sống đúng với trách nhiệm của một con người đối với cuộc đời. Đã sinh ra làm con người, do công ơn cha mẹ, sinh thành, dưỡng dục nên phải đền Ân Cha Mẹ, Ân Đất nước đã che chở cho mình. Ân những người Thầy đã đào tạo cho mình kiến thức, nghề nghiệp để làm phương tiện sinh sống. Ân Phật chỉ Con Đường Giải Thoát. Rồi thì mọi thành phần trong xã hội đã góp phần làm ra cơm, áo, các sản phẩm để mình dùng. Tất cả Ân đó đều phải đền. Người bỏ đời để vô Chùa là chỉ đền ÂN PHẬT, còn những Ân kia tính sao? Phật đâu có phải là Thần Linh để chúng ta cầu xin Phật hộ trì cho mọi người để trả ân? Ngoài ra, người tu lại phải hành trì để có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật, mà tất cả toàn là cách cư xử giữa con người với con người với nhau: Phụng dưỡng cha mẹ ông bà. Kính trọng Thầy. Yêu quý giúp đỡ bạn bè và mọi người chung quanh. Trì giới. Nói những lời chân thật. Giải hòa những cuộc tranh chấp v.v... Vậy mà mới nghe nói cuộc đời là Vô Thường đã vội bỏ hết việc đời, kể cả việc kiếm sống cũng không cần biết, chỉ ngồi đó Tụng Kinh, Niệm Phật, và kêu gọi bá tánh gom góp tiền bạc dùng mọi chất liệu quý để xây Chùa, dựng tượng Phật để Thờ, để cầu xin về Niết Bàn của Ngài! Qua con đường tu hành 6 năm của Đức Thích Ca và kết quả Ngồi Thiền rồi đắc đạo của Ngài, chúng ta đã thấy là Ngài không thể là Thần Linh được. Ngài cũng không hề xưng mình là Thần Linh, chỉ xưng là Như Lai, tức là “đến, đi, động”. Thực tế cũng chứng minh Phật đã không thể phù hộ cho đất nước của Ngài cũng như bản thân Ngài, cha mẹ, vợ con và tất cả Đại Đệ Tử của Ngài cũng đã chết. Phật đã không thể giữ mạng sống cho mình, cho thân nhân, cho chư Đệ Tử. Vậy thì chúng ta nghĩ sao cho đến thời này rồi mà mọi người vẫn nhang khói để cầu xin, nương tựa? Không ai thắc mắc tại sao đã mấy ngàn năm qua, nhân loại cầu xin đã mỏi mòn mà không được đáp ứng? Như vậy, liệu những gì chúng ta được nghe giảng vể Phật, về Đạo Phật đúng, sai ra sao? Có khế hợp với Lời Phật dạy hay không? Kinh sách dịch sẵn đủ thứ ngôn ngữ, bày bán tràn lan, tại sao chúng ta không tự kiểm chứng, để từ thế hệ này sang thế hệ khác tiếp tục bị chồng Mê? Bao nhiêu thời, biết bao nhiêu lớp người tu hành mà tại sao không thấy ai Thành Phật, chỉ thấy Tu Sĩ ngày càng đông thêm, làm phí phạm không biết bao nhiêu nhân lực của quốc gia? Thay vì đem sức, tài để góp tay xây dựng cuộc đời thì người tu phải bỏ hết tất cả, đứng bên lề cuộc đời, ngày tháng chỉ dành để Tụng Kinh, Niệm Phật? Tại sao bá tánh phải cung dưỡng cho Tu Sĩ trong khi dù cho họ tu có thành công thì cũng không ai được nhờ, vì “Ông tu, ông đắc; Bà tu, bà đắc”? Ngay cả Phật cũng chết. Bản thân các Tu Sĩ đau, bệnh vẫn phải đi nhà thương điều trị, trong khi bá tánh lại mang vàng hương đến Chùa xin Phật phù hộ? Nếu Phật phù hộ được thì Phật phải bất tử, Tu Sĩ phải là những người không bệnh, không chết mới đúng. Do “Y Kinh giải nghĩa”, những Tà Sư đã dẫn dắt nhiều thế hệ hiểu sai, hành lầm, mang lại hậu quả rất nặng nề như sau: - Trong khi Đạo Phật dạy Nhân Quả mà Chùa nào cũng hướng dẫn bá tánh nương tựa, Cầu Xin mà không biết, không hay rằng đó là đi ngược với Nhân Quả! - Thay vì “Tu Phật là để Thành Phật” thì từ rất lâu, đi Tu là để phụng sự cho Phật! - Thay vì loại bỏ những tật xấu, học thêm những đức tánh tốt, thì vào tu là phải bỏ hết việc đời, sống bên lề cuộc đời, ngày tháng chỉ vọng về Niết Bàn, làm phí phạm biết bao nhiêu sức người lẽ ra dùng để dựng xây đất nước trong mấy ngàn năm qua! Con số thiệt hại chắc không thể tính nổi! - Quảng bá về sự cứu độ của Phật, Bồ Tát cho tín đồ tin tưởng, cầu xin rồi chờ cứu độ, không thực hành theo Nhân Quả, làm cho đất nước trì trệ, dân trí không mở mang được mà ta có thể nhìn thấy ở những đất nước mà Đạo Phật là Quốc Giáo. - Gom tài nguyên của xã hội để xây Chùa, đúc tượng thay vì dùng đó để phát triển đất nước, đầu tư cho thế hệ trẻ, tương lai xây dựng đất nước. - Đạo Phật chân chính phải phổ cập, để tất cả mọi người trong địa vị của mình đều được Giải Thoát, thì cho rằng người muốn tu phải Xuất Gia, bỏ cha mẹ, nhà cửa thế tục, vào Chùa tu hành để rồi cuộc sống của họ qua đi mà cũng không đạt được quả vị nào! - Phật còn không phải là Thần Linh, không thể cứu độ được cho ai, huống chi là hương khói cầu xin Tượng Phật bằng gỗ, đá, xi măng do chính con người đúc, tạc ra... Liệu những cái tượng đó có phép mầu để cứu giúp ai không? - Đạo Phật nói rằng “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, nhưng mọi người lại chỉ tập trung dồn hết tiền của, cất Chùa chiền nguy nga, hoành tráng, dựng những tượng Phật vĩ đại để thờ “Những vị Phật đã thành” bỏ mặc những vị “Phật sẽ thành” sống lầm than, cơ cực, bệnh không tiền uống thuốc. Những nước ở Tây Phương, họ không tin Phật. Không có một lực lượng đông đảo Tu Sĩ để giảng đạo. Không có chùa chiền bằng vàng, bằng bạc thì văn minh hơn, khoa học, kỹ thuật tiên tiến hơn, đời sống người dân cũng thịnh vượng hơn so với những nước mà đạo Phật là quốc giáo! Xem ra thì rõ ràng vô tình họ rất thực tế, chỉ tin và thực hành đúng theo Luật Nhân Quả: Không cầu xin, không chờ đợi phù hộ, mà bằng sức lực của mọi người hợp lại, họ nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đưa đất nước họ đi lên. Trong khi những nước càng tin vào sự phù hộ của Phật, Thần linh, thì càng tụt hậu, dân trí thấp, chỉ có Chùa Chiền là rầm rộ phát triển thôi! Đạo Phật được mở ra là vì con người, vì muốn mang lại hạnh phúc, an vui cho cuộc đời. Nhưng qua thể hiện thì ta thấy chỉ có giới Tu Sĩ là được hưởng thụ mọi thành quả dựa vào uy tín của Phật. Cuộc sống của Tu Sĩ không còn đơn giản “một Y, một Bát”, chân trần, sống ở cội cây hay trong rừng như Phật ngày trước, lại ở phòng máy lạnh, đi đâu thì xe cộ dập dìu, tiền hô hậu ủng… Liệu đó có phải là người tu hành coi thường của cải trần gian? Vậy mà còn chưa vừa lòng. Nhiều Trụ Trì còn phá Giới, rửa tiền, như trường hợp Trụ Trì Chùa Triệu Phật vàng ở Thái Lan, Trụ Trì Thích Vĩnh Tín ở Trung Quốc! Phải chăng đã đến lúc Phật Tử cần thức tỉnh để xét lại niềm tin của mình. Nên Tin thế nào cho đúng. Và những kẻ mượn hình tướng của Phật để hưởng thụ cũng nên ý thức Nhân Quả để tự hỏi xem mình có xứng đáng là Đệ Tử của Phật hưởng sự cúng dường của bá tánh hay từ bao giở mình đã trở thành là“Những con trùng trong thân Sư Tử ăn thịt Sư Tử” vì làm hoen ố máu áo của Phật mà không hay? TÂM NGUYỆN Tháng 4/2019
Phụ bản I Kỷ niệm 50 năm Con người lên Mặt trăng & Hệ mặt trời
H1: (trái) Phi hành gia Buzz Aldrin trên Biển Yên bình của Mặt trăng H2: (phải) Phi hành đoàn trên Apollo 11 (Trái sang phải: Armstrong , Collins , Aldrin ) Kỷ niệm 50 năm con người lên mặt trăng Mới đây, ngày 20/7/2019 kỷ niệm 50 năm ngày con người đặt chân lên mặt trăng. Ngày 20/7/1969, phi thuyền Apollo 11 đã đưa ba phi hành gia tới quỹ đạo Mặt trăng. Hai ông Neil Armstrong và Edwin Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng, còn ông Michael Collins thì ở trên đơn vị chỉ huy bay vòng quanh mặt trăng. Năm mươi năm trước vào thứ bảy, các phi hành gia người Mỹ N.Armstrong và B.Aldrin đã trở thành những người đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt trăng, một sự kiện được phát trên truyền hình cho nửa tỷ người chứng kiến. Mô-đun mặt trăng của họ, được đặt tên là “Đại bàng”, đã chạm xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Hơn sáu giờ sau, lúc 02:56 GMT, Armstrong đặt chân trái lên bề mặt mặt trăng, tuyên bố: “Đây là một bước nhỏ đối với con người nhưng là một bước nhảy vọt cho nhân loại”. Trong vài tuần qua, NASA đã tổ chức nhiều hoạt động đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt trăng, với các cuộc triển lãm và sự kiện trên toàn quốc nhưng đáng chú ý nhất là sự kiện tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida và Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston, Texas. Phó Tổng thống M.Pence đã có bài phát biểu từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, nơi Armstrong, Aldrin và Collins cất cánh. Cả ba phi hành gia đều sinh năm 1930. Pence đã từng có bài phát biểu về ngành vũ trụ của Mỹ vào tháng 3. Trong bài phát biểu đó ông tuyên bố kế hoạch của Mỹ về thời gian sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng là trong bốn năm, từ 2024 đến 2028. Collins, 88 tuổi, là cựu phi hành gia Apollo còn sống thường xuyên chia sẻ những hồi ức đẹp đẽ về nhiệm vụ Mặt trăng của mình. Phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Năm, ông nói rằng trong khi Mặt trăng được nhìn thấy rất gần, “chúng tôi lăn ra và nhìn vào (Mặt trăng), ồ, đó là một quả cầu tuyệt vời”. “Mặt trời ở đằng sau nó, vì vậy nó được chiếu sáng bởi một vành vàng tạo ra sự xuất hiện kỳ lạ nhất của các miệng hố với sự tương phản giữa màu trắng xóa và đen kịt”. Trong khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin ở trên bề mặt Mặt trăng, cựu phi công chiến đấu Collins vẫn ở trên quỹ đạo mặt trăng nơi ông liên lạc mặt đất, cung cấp cho họ thông tin cập nhật về vị trí của mình. Bằng cách đưa con người lên Mặt trăng, Mỹ đã giành được chiến thắng cuối cùng trong Cuộc đua không gian sau khi mất đi sự vượt trội ban đầu cho Liên Xô, quốc gia đầu tiên đưa một vệ tinh vào không gian và sau đó là đưa một người đàn ông vào vũ trụ. Tổng thống Trump đã khởi động lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng - nhưng lần này là người phụ nữ đầu tiên - và hành trình trở về Hành tinh Đỏ (Sao Hỏa). Tuy nhiên, thời hạn mà Tổng thống đặt ra - lần lượt là 2024 và 2033 - có vẻ không thực tế và đã gây ra nhiễu loạn trong cơ cấu lãnh đạo tại NASA.
TT Trump tiếp đón các thành viên phi hành đoàn Apollo 11 Michael Collins (trái), Buzz Aldrin (phải) và gia đình của họ tại Nhà Trắng. HỆ MẶT TRỜI
Mặt Trời và 8 hành tinh trong hệ Mặt Trời Là một hệ hành tinh có Mặt Trời ở trung tâm và các thiên thể nằm trong phạm vi lực hấp dẫn của Mặt Trời. Đa phần các thiên thể quay quanh Mặt Trời, và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh có quỹ đạo gần tròn và mặt phẳng quỹ đạo gần trùng khít với nhau gọi là mặt phẳng hoàng đạo . Bốn hành tinh nhỏ vòng trong gồm: Sao Thủy , Sao Kim , Trái Đất và Sao Hỏa . Bốn hành tinh khí khổng lồ vòng ngoài có khối lượng lớn hơn rất nhiều so với 4 hành tinh vòng trong. Hai hành tinh lớn nhất, Sao Mộc và Sao Thổ và hai hành tinh nằm ngoài cùng, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương . Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời . Khoảng cách trung bình tính từ tâm Trái Đất đến Mặt Trăng là 384.403 km, lớn khoảng 30 lần đường kính Trái Đất. Đường kính Mặt Trăng là 3.474 km, tức hơn một phần tư đường kính Trái Đất. Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới 50 năm trước: 20/7/1969-2019, Mỹ và thế giới đều tổ chức kỷ niệm kỳ công này. Trái Đất được chia thành 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông Theo các nhà khoa học, cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, một tiểu hành tinh có kích thước bằng Sao Hỏa đã va chạm với Trái Đất. Kết quả là những lớp bụi đất đá dần kết tụ lại thành Mặt Trăng. Vụ va chạm lớn đó cũng làm cho Trái Đất nghiêng đi một chút khi chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Trái Đất di chuyển theo quỹ đạo hình elíp quanh Mặt Trời và đồng thời xoay theo trục có vị trí nghiêng tương đối với bề mặt của quỹ đạo. Điều đó có nghĩa là các bán cầu khác nhau được hưởng khối lượng khác nhau của ánh sáng Mặt Trời trong suốt một năm. Bởi vì, Mặt Trời là nguồn ánh sáng và năng lượng của chúng ta, sự thay đổi cường độ và sự tập trung các tia mặt trời đã tạo nên sự thay đổi và xuất hiện các mùa trong năm: Đông, Xuân, Hạ và Thu. Quy ước giờ mùa hè hay giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST) Là quy ước chỉnh đồng hồ tăng thêm một khoảng thời gian (thường là 1 giờ ) so với giờ tiêu chuẩn, thường được thực hiện tại các nước ôn đới hay gần cực, nơi mà vào mùa hè, ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ . Nó có ý nghĩa thực tiễn là giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, khi tận dụng ánh sáng ban ngày của ngày làm việc từ sớm, giảm chiếu sáng ban đêm nhờ ngủ sớm. Chính vì ý nghĩa này mà một số nước gọi quy ước này với cái tên “Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (Daylight Saving Time). Ví dụ tại phần lớn Hoa Kỳ Lục địa và Canada , thời gian sử dụng “giờ DST” bắt đầu từ chủ nhật trong tuần thứ hai/ tháng 3 đến chủ nhật trong tuần đầu tiên/ tháng 11 . Như vậy thời kỳ sử dụng giờ tiết kiệm ánh sáng ngày kéo dài gần như 2/3 năm. Nguồn gốc tên các tháng trong tiếng Anh, Pháp Được đặt theo tên các vị thần của người La Mã, trừ tháng 7 và 8. January (tháng 1): Janus là một vị thần La Mã xưa - có 2 khuôn mặt để nhìn về quá khứ và tương lai. Janvier (Pháp - P). February (tháng 2): Từ februarius, Latin - một thứ dùng trong các nghi lễ tẩy uế xưa vào ngày 15/2. Fevrier (P). March (tháng 3): Mỗi tháng 3, La Mã tổ chức Lễ hội chiến tranh: tôn vinh thần chiến tranh Mars. April (tháng 4): Từ Aprillis, Latin, là tháng tư trong lịch La Mã. May (tháng 5): Đặt theo tên nữ thần Maia của Hy Lạp - được nhắc tới như nữ thần của Trái đất. Tháng 3: Mars, Tháng 4: Avril, Tháng 5: Mai, Tháng 6: Juin (P) June (tháng 6): June chính là tên đặt theo vị thần cổ La Mã Juno, vợ của Jupiter. July (tháng 7): Sau khi Julius Caesar qua đời vào năm 44 tr.CN, thiên tài bậc nhất của xứ sở La Mã. Tháng ông sinh ra đổi là tháng July. Juillet (P), Tháng 8: Août (P). August (tháng 8): Tháng Sextilis (thứ sáu) được đổi tên thành August (Augustus) Hoàng đế đầu tiên cai trị đế chế La Mã - người kế thừa duy nhất của Julius Caesar. September (tháng 9): Septem (có nghĩa “thứ bảy”) năm 713 tr.CN, người ta đã thêm 2 tháng vào lịch trong năm nên tháng 7+2 = tháng 9 trong lịch đương đại, October (tháng 10): Từ Latin Octo có nghĩa là “thứ 8”, tháng 8+2 = Tháng 10. November (tháng 11): Novem là “thứ 9”, tháng 9+2 = Tháng 11 December (tháng 12: Tháng Decem (thứ 10), tháng 10+2 = Tháng 12. Tháng 9: Septembre, Tháng 10: Octobre, Tháng 11: Novembre, Tháng 12: Décembre (P). Nguồn gốc của 1 tuần có 7 ngày và Tên các ngày trong tuần Thời đó, các nhà khoa học cổ Châu Âu quan niệm: Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, có 7 hành tinh quay xung quanh nó là Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành: Kim (Venus), Mộc (Jupiter), Thủy (Mecury), Hỏa (Mars), Thổ (Saturn). Con số 7 được người cổ xem là mầu nhiệm một phần là do xa xưa người ta mới chỉ biết đến 7 nguyên tố kim loại là là vàng (gold), bạc (silver), đồng (copper), sắt (iron), chì (lead), kẽm (zinc) và thủy ngân (mercury) nên khi chia thời gian theo tuần, tháng thì mỗi ngày tương ứng với một hành tinh, một nguyên tố kim loại nói trên và có những ý nghĩa như: 1. Ngày Chủ Nhật (Sunday) ngày đầu tiên trong tuần, ngày của vị thần thân thiết nhất, quan trọng nhất đó là Mặt Trời và ứng với thứ kim loại quý nhất là vàng. Từ Sunday là ‘Ngày của Mặt trời’ hay “Ngày của Chúa” theo tên thánh Dominic nên tiếng Pháp gọi là Dimanche. 2. Ngày Thứ Hai (Monday) là ngày thứ hai trong tuần. Từ ngữ Monday là ‘Ngày của Mặt trăng’, được dành cho vị thần canh giấc ngủ đêm cho con người, đó là Mặt Trăng và tương ứng với nó là nguyên tố kim loại bạc, thứ kim loại quý thứ hai sau vàng. Tiếng Anh là Monday (moon), Pháp là Lundi (lune). 3. Ngày Thứ Ba (Tuesday, Mardi) dịch từ tiếng Đức “Tiu’s Day” (Tiu là vị thần chiến tranh) theo các dân tộc Norse. Theo tiếng Latin, ngày thứ Ba được ứng với ngày của sao Hỏa (Mars) và nguyên tố tương ứng là sắt (iron). Bởi sao Hỏa là thần chiến tranh mà vũ khí, áo giáp đều làm bằng sắt. Pháp gọi là Mardi. 4. Ngày thứ Tư (Wednesday, Mercredi) bắt nguồn từ từ tiếng Anh cổ “Woden’s Day” - thần cao nhất của thợ săn. Ngày thứ Tư, Pháp gọi là Mercredi, có nghĩa là ngày của sao Thủy (“Day of Mercury”) . Sao Thủy được coi là vị thần của thương mại, nên nguyên tố tương ứng là thủy ngân, dễ di động. 5. Ngày Thứ Năm (Thursday, Jeudi) dịch từ tiếng Latin “dies Jovis” (Jupiter’s day) - Tiếng Anh Thursday bắt nguồn từ thần sấm “Thor”. Pháp gọi là Jeudi, ứng với đó là sao Mộc và kim loại đi kèm là kẽm. Bởi kẽm có tính chất không gỉ nên nó đặc trưng cho sức mạnh khôn cùng của sao Mộc, lớn nhất trong Thái dương hệ. 6. Ngày Thứ Sáu (Friday, Vendredi) xuất xứ từ chữ “Freya”, tên nữ thần tình yêu và sắc đẹp của người Norse. Pháp gọi là Vendredi, có nghĩa là ngày của sao Kim (Venus), nữ thần của tình yêu. Ứng với sao Kim là nguyên tố kim loại đồng, một kim loại mềm dẻo, phản xạ những tia sáng lấp lánh. Friday, ngày của Freya. 7. Ngày Thứ Bảy (Saturday) và cũng là ngày cuối cùng của tuần bắt nguồn từ chữ Latin “dies Saturni”, với nghĩa là ‘Day of Saturn’, được coi là ngày của sao Thổ, Pháp là Samedi, ứng với nó là nguyên tố chì, một kim loại độc hại. Trong các ngôn ngữ ở châu Âu hiện nay chỉ còn tiếng Anh giữ ngày thứ Bảy - Saturday. LỜI KẾT Khẩn cấp bảo vệ hành tinh (27/05/2019) Phong trào tuần hành vì môi trường của giới trẻ đang lan rộng. Hàng chục nghìn sinh viên, học sinh tại 130 nước trên thế giới đã xuống đường yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu cấp tốc hành động chống biến đổi khí hậu. LHQ kêu gọi hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu (14/03/2019) Liên Hợp Quốc hôm qua đã đưa ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu để giúp đạt được “các mục tiêu phát triển bền vững”. Theo báo cáo “Tổng quan Môi trường toàn cầu” (GEO-6) lần thứ sáu, tình hình hiện nay cần phải có hành động khẩn cấp bởi bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc gia tăng các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đều làm tăng chi phí đạt được các mục tiêu của SDG và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Báo cáo là công trình của 250 nhà khoa học hoàn thiện trong năm năm chỉ rõ, một thế giới có khoa học, công nghệ và tài chính cần phải tiến tới một con đường phát triển bền vững hơn, mặc dù vẫn thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2019: Ô nhiễm không khí Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường LHQ đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Tại Việt Nam lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2019 đã tổ chức vào ngày 05/6 tại tỉnh Bạc Liêu. PHẠM VŨ (Tham khảo: Sách báo - Internet) Trời sắp mưa (tiếp theo số 158) Dì Tư nghe xốn xang trong lòng. Đã đành, nhưng cách nói của nó như là mẹ người ta! Lúc nó còn nhỏ, làm bậy, nhà cửa để bầy hầy bề hề mình cũng không rầy kiểu đó. Dì buồn hiu đóng cửa lại sau lưng đứa con, gài sợi xích an toàn rồi bước theo sau. Già rồi, ở tạm ăn nhờ phải chịu. Nhứt là xứ này, mọi chuyện đảo điên. Tiếng Mỹ tiếng Tây dốt đặc cán mai. Nói không được như câm, như điếc. Mọi chuyện đều lạ lùng, ngơ ngơ ngác ngác như thằng lác mắc phong, chết lúc nào sướng lúc đó. Nghe nó cằn nhằn cưởi nhưởi hoài, tủi quá. Con Trinh ngó mẹ và ngoại, nó chào cho có: “Hi! mom”, rồi tiếp tục vừa ăn vừa ngó xéo qua vai má nó, theo dõi chương trình tivi ở góc nhà. Chị Hoa liếc lên bàn ăn, chị hỏi con, sự không vừa ý lộ ra rõ ràng trong âm điệu: - Sao con không ăn cơm, ăn có thứ này thứ kia mới đủ chất bổ, hamburger chỉ là fast food để cho mấy người đi làm ăn cho mau vì không đủ thì giờ. Con phải tập ăn cơm Việt Nam cho quen chứ. Chị nắm đôi đũa lên lật miếng hamburger lên mặt sau săm soi: - Sao con không nhờ ngoại dọn cho. Đồ ăn thiếu gì trong tủ lạnh đó! Dì Tư chen vô, dì thấy cần phải giải thích. Con nhỏ có vẻ muốn đổ thừa mình. Con nó là cháu mình, không thân với nó thiệt, nhưng đâu đến nỗi ghét bỏ. - Tao thấy nó ưa ăn món đó thì tao làm cho nó. Có dọn cơm nó cũng không ăn. Bữa nay tao nấu thịt kho ăn với dưa chua. Còn món giò heo hầm tao tính để cho chiều nay. Dì nói như phân bua: - Chưa được mềm, còn dai nhách. Nhỏ Trinh giờ mới lên tiếng: - Con chỉ ưa ăn hamburger thôi à! Mấy thứ khác con ăn không được. - Mày biết gì! Ăn uống để tẩm bổ chớ đâu phải để chết. Day qua Dì Tư, chị Hoa nói thiệt nhỏ nhẹ: - Má làm ơn ép nó ăn dùm con. Nó đương sức lớn ăn bậy bạ nữa sau èo uột. Mình lớn mình biết chuyện nào trúng chuyện nào bậy, chứ nó con nít con nôi biết khỉ gì. Ở Mỹ mà, nhỏ con quá coi đâu được. Dì Tư buồn hiu, nói xuội lơ: - Ừ để tao ráng coi, biểu nó, nó không cãi ngang cãi dọc, nhưng nó vô buồng đóng cửa lại thì tao cũng thúc thủ thôi chứ làm gì được. - Má, còn con Chuyên đâu hỏng thấy? - Nó đi lợi đằng trường ghi tên rồi. Ghi sớm nữa khỏi phải chen lấn, xếp hàng chờ đợi... - Nó đi một mình hay có ai tới rủ? Khó nói quá, mình là cha mẹ nói láo với con coi sao được. Mà nói ra tội nghiệp con nhỏ. Dì giả đò không nghe câu hỏi kiếm chuyện gì đó làm, tiện tay dì mở tủ lạnh. Bình sữa để ở ngoài cùng. Bỗng nhiên Dì muốn rót một ly sữa cho con. Coi vậy chớ tội nghiệp nó, buôn bán tối ngày về còn phải coi chừng coi đỗi chuyện nhà cửa. Mỗi ngày cầu nó uống hai ba ly sữa mới lấy lại sức. Dì đem ly sữa để trước mặt con rồi quay lưng tính đi rót một ly khác cho cháu. Mắt Dì rưng rưng, không biết sao kỳ vậy. Đâu có buồn gì lắm đâu. Tánh nó chót chét vậy thôi chớ không để bụng. Nó sẽ quên ngay. Như con cọp ngủ một giấc dậy vun vai, mọi chuyện xảy ra trước đó sẽ đi vào quên lãng. Thương con cũng muốn mời nó một câu thân mật. Chẳng hạn như con uống ly sữa nghỉ mệt rồi ăn cơm, nhưng không nói được. Khó quá! Mẹ con lớn hết rồi, biểu lộ bằng cử chỉ săn sóc lo lắng thì được, nhưng nói dịu ngọt thiệt khó còn hơn lên trời. Nó, chồng con đùm đùm đề đề chứ còn nhỏ nhít gì nữa đâu. Chị Hoa ngó ly sữa, cảm động đưa mắt theo bàn tay khô cằn của mẹ. Chị hiểu lòng mẹ và cảm thấy mình vô lý, có vẻ như hỗn hào. Già rồi đâu còn lanh lợi như mấy người trẻ. Nói thì nói vậy, chớ tội nghiệp, có bà cũng đỡ chuyện cơm nước giặt gịa, nhà cửa cũng được vén khéo tươm tất. Cả nhà bỏ đi hết, trấn ba cái đồ đạc lại cho ông Táo, biết đâu chừng có bữa tụi nó vô dọn không còn miếng giẻ rách. Tụi thất nghiệp, xì ke ma túy, bụi đời chung quanh khu này thiếu giống gì. Dân nào cũng có. Tứ xứ. Thấy có người ra vô tụi nó cũng ngại chứ. Cũng tội, bà lâu nay lủi thủi trong nhà, quanh quẩn với cơm nước, quần áo và con nhỏ Trinh, có biết nước Mỹ là cái gì đâu. Chị giả lả với mẹ: - Phải con Chuyên nó đi với thằng Khoa không má? - Ừa! Nghe câu trả lời như nhẹ hẫng nhẹ tênh, chị Hoa không nói ra nhưng cảm thấy giận ngang trong bụng. Như là có một sự đồng lõa nào đó trong nhà này, không đếm xỉa tới chị. Nó là con chồng, lớn đại rồi, thêm ở Mỹ này, có thân muốn đi với ai thì đi. Ba nó không rầy thì thôi, mắc mớ gì mình nói ra nói vô thêm mắc oán. Nhưng mà tại sao má lại giấu giấu diếm diếm, giống như chấp nhận thằng kia, giống như ở về phe với nó mà không đếm xỉa gì tới mình. Chị bực bội, nhưng không biết sao cho đúng, chị đưa ly sữa lên miệng, uống mấy hớp. Con Trinh thinh không mở miệng khoe: - Anh Khoa có cho con một con bear đẹp lắm. Chị Hoa lườm con, trút tất cả bực bội nãy giờ: - Đồ con gái hư, ai cho gì cũng lấy là con gái hư mầy biết không? Từ rày sắp tới mầy mà còn lấy cái gì của thằng Khoa thì mầy biết tay tao. Con Chuyên đi với nó, muốn lấy cái gì thì lấy, mầy có ăn nhằm gì vô đó mà lấy. Dì Tư nóng mũi binh cháu: - Trinh ăn mau bà dẹp. Con còn đi học bài nữa, mai đi học rồi. Con nhỏ ngồi xụ mặt một chút rồi bỗng nhiên nó xô nửa cái hamburger còn lại ra trước mặt đứng dậy cái rột, đi thẳng vô phòng đóng cửa cái rầm trước mặt mẹ và ngoại nó. Hai người đàn bà ngó theo, mỗi người theo đuổi tư tưởng của riêng mình. Chị Hoa lắc đầu ngán ngẩm: - Con cái, cứng đầu cứng cổ. Má nữa! Má đừng binh nó. Con tui má để tui dạy, má cứ xử bỉ hoài nó được mợi làm tới nữa, nó hư thì ai vô đây chịu đây? Má đâu có sống đời để lo cho nó đâu. Còn con Chuyên nay thằng này tới, mai thằng kia tới tui đã bực lắm rồi. Bây giờ mà bắc thang cho con Trinh trèo nữa thì có nước tui bỏ nhà tui đi! Nói xong một hơi dài, coi bộ chừng đã mệt, chị Hoa ngồi xuống bàn ăn. Ngó chén đũa đã dọn sẵn, lòng chị dịu xuống, làm thinh ngó những miếng dưa chua được xếp đặt gọn ghẽ trên cái đĩa sứ. Dì Tư múc tô thịt kho, đem đến để trước mặt con. Mùi mỡ rục nóng mời mọc nhưng Dì thấy nó hơi ngang: - Tao chút nữa ăn sau, bây ăn đi. Không đợi trả lời, Dì kéo cửa kiếng bước ra patio. Trời trong mát đầu Thu với từng cơn gió nhẹ phe phẩy mời gọi, Dì ngồi xuống một cái ghế cũ đặt gần cụm hồng cạnh tường. Mấy chiếc lá vàng rơi rụng lỏa xỏa đầy sân, mấy bụi hoa cúc và nhiều thứ hoa khác nữa, trồng mấy tháng trước bây giờ coi bộ xum xuê. Vườn sau coi cũng đẹp ớn, nhưng mà trong nhà thiệt là khó thở. Một cụm mây đen phía chân trời từ từ trôi tới, Dì Tư buột miệng: - Trời sắp mưa. Lòng Dì nặng trĩu như đám mây đe dọa trên kia. Ngó lên bức hình Phật Bà Quan Âm dựng nép mình khuất trong tủ kiếng, Dì ước ao mình có nhà riêng hay ít nhứt sống được cảnh trước đây khi con cái nhỏ ở quê nhà. Nguyễn Văn Sâm (San Antonio, TX, 1984)
GIẢ THUYẾT KHOA HỌC PHẢI CHĂNG MẶT TRỜI CÓ ĐÔI B.XINKIN Bây giờ người ta không còn ngạc nhiên về những sao đôi nữa. Trong vũ trụ đã phát hiện được rất nhiều cặp sao đôi. Và chẳng có một định luật tự nhiên nào ngăn cấm không cho Mặt Trời của chúng ta cũng “có đôi” cả. Các nhà khoa học dự đoán sẽ phát hiện ra ngôi sao không nhìn thấy đó và thậm chí đã đặt tên trước cho nó là Nêmê - tên vị nữ thần báo ứng trong thần thoại Hy Lạp. Theo tính toán, nếu như ngôi sao giả thuyết đó có thật, thì hẳn là nó có thể đang xoay quanh một tâm chung với Mặt Trời theo một quỹ đạo elip khá dẹt; quỹ đạo này có trục chính dài khoảng 2,5 năm ánh sáng, tức là khoảng 25 tỷ kilômét. Hành tinh của vầng Mặt Trời ấy quay trọn một vòng quanh quỹ đạo mất 26 triệu năm. Hiện nay nó đang ở vị trí quỹ đạo khá xa Trái Đất chúng ta. Đó chính là lý do vì sao cho đến nay nó vẫn còn trốn thoát khỏi sự săn lùng của các nhà thiên văn. Nhưng khoảng 15 triệu năm trước hẳn Nêmê phải đã từng đến gần hành tinh chúng ta? Các nhà khoa học cho rằng, vì đây là một hiện tượng có tính chất chu kỳ nên có thể có những bằng chứng về các cuộc gặp gỡ trước đây của hệ Mặt Trời chúng ta với người anh em sinh đôi của nó. NHẬN XÉT CỦA CÁC NHÀ CỔ SINH Mọi người đều biết rằng, đến gần kỷ Crêta thuộc đại Trung sinh, Trái Đất đã từng phải chịu một thảm họa chết chóc. Vào khoảng 65 triệu năm trước, toàn bộ các loài thằn lằn khổng lồ đột nhiên (dĩ nhiên là ở đây nói theo ngôn từ địa chất) biến mất. Vì sao? Nhiều cách giải thích đã được đưa ra, nhưng không có cách giải thích nào giải đáp được hàng loạt câu hỏi nảy sinh từ biến cố ấy. Thế nhưng giả thuyết mới về thiên văn này xem ra có thể đáp ứng một cách thỏa đáng mọi đòi hỏi đó. Từ trước đến nay các nhà cổ sinh học luôn cố gắng phanh phui nguyên nhân đưa đến sự chấm dứt triều đại của các quái vật khổng lồ ấy. Họ cũng đã phát hiện được những điều rất phù hợp với giả thuyết trên. Thực ra, họ đã phát hiện được một quy luật lý thú ngay từ trước khi người ta nhắc đến bóng dáng lờ mờ của Nêmê. Trong lịch sử phát triển sự sống, ít nhất đã có ba đợt hủy diệt tới 95% toàn bộ sinh vật trên Trái Đất. Và có bảy đợt khác làm chết từ 20 đến 50% sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, trước đây chưa ai đưa ra được cách lý giải nào có sức thuyết phục cả. Có lẽ phải tìm lời giải đáp ở ngoài vũ trụ chứ không phải ở Trái Đất. Thế là người ta bèn quy cho sao chổi là thủ phạm gây ra mọi chuyện. Đến gần Trái Đất một cách nguy hiểm, chúng có thể làm thay đổi đột ngột các điều kiện tự nhiên trên hành tinh của chúng ta làm cho có loài động, thực vật không kịp thích nghi, nên bị tuyệt diệt. Nhưng những sao chổi đó từ đâu tới? Và do đâu mà chúng xuất hiện thường xuyên như vậy? Nếu như niên đại tất cả mười lần tai biến được ghi lại một cách tuần tự thì hẳn phải có tính đều đặn nhất định. Thời khoảng giữa các tai biến ấy phải thể hiện ít nhiều tương đồng. Đúng như vậy, một nửa số tai biến (năm trên mười) chiếm những thời khoảng chừng 26 đến 27 triệu năm. Nói cách khác, có thể tìm thấy một chu kỳ xác định của sự tuyệt diệt các động vật và thực vật. Nhưng hầu hết các sao chổi được ghi chép đã đến gần Trái Đất từ trước tới nay lại không xuất hiện theo một chu kỳ như vậy. Và sao chổi Halây nổi tiếng, bất chấp mọi sự khẳng định, chưa hề bao giờ gây ra những phiền nhiễu cho Trái Đất chúng ta. Song hầu hết các chuyên gia vẫn chủ trương rằng nguyên nhân của các tai biến là từ bên ngoài Trái Đất mang lại. Quan điểm ấy lại được xới lên, đặc biệt là từ khi xuất hiện dự đoán thiên văn rất hấp dẫn này. KHI CÁC SAO CHỔI BỊ NHIỄU LOẠN Vài chục năm trước, nhà thiên văn Đức Oort đã khẳng định rằng, tại nơi nào đó ven rìa xa xôi của hệ Mặt Trời chắc chắn phải tìm thấy một đám bụi khổng lồ các thiên thể tương đối nhỏ - đó là toàn bộ đám mây sao chổi. Từ đó, người ta quen gọi nó là đám mây Oort. Nếu như thực sự có ngôi sao Nêmê thì cứ 26 triệu năm một lần nó tất phải đi ngang qua đám mây này. Và trên đường đi xuyên qua “lãnh thổ” quá rộng lớn ấy, Nêmê không thể không gây tác động đối với các sao chổi ở đó. Bị lôi kéo bởi những lực hấp dẫn mới, các cụm sao chổi buộc phải rời khỏi quỹ đạo “quen thuộc” của mình. Theo tính toán, trong mỗi đợt như vậy có khoảng 100 sao chổi có thể thâm nhập vào bên trong của hệ Mặt Trời. Những mảnh vỡ của chúng có lẽ cho đến nay chúng ta vẫn có thể quan sát được ở những cái vành rỗng lớn và kỳ lạ của Sao Thổ. Một số sao chổi bị nhiễu loạn ấy chắc đã từng đến gần hành tinh của chúng ta lặp đi lặp lại một vài lần. Có sự trùng hợp là có rất nhiều miệng phễu (crate) không có nguồn gốc núi lửa trên bề mặt Trái Đất có tuổi xấp xỉ đúng như vậy: 26 đến 27 triệu năm. Những “miệng núi lửa” này rõ ràng là do “cuộc oanh tạc” vũ trụ gây ra. Đó là lý do vì sao nhiều nhà khoa học trước đây ủng hộ giả thuyết cho rằng một thiên thạch khổng lồ đã rơi xuống Trái Đất làm cho các loài khủng long bị tuyệt diệt, thì giờ đây họ lại tin tưởng rằng thủ phạm gây ra tai họa là cả một trận mưa sao chổi, xảy ra vào những thời khoảng xác định, ấy là khi Nêmê tiến gần đến hệ Mặt Trời. Đương nhiên, giả thuyết mới này đang còn bị nhiều người phản đối. Họ cố bảo vệ quan điểm của mình cho đến khi “kẻ cặp đôi” với Mặt Trời bị phát hiện và khi xác định được chính xác vị rí của nó ở đâu, tỉ trọng, khối lượng và quỹ đạo của nó như thế nào. N.N. (lược dịch Sputnik, 1-86) - ĐỖ THIÊN THƯ st.
ĐỘNG BÍCH ĐÀO HANG TỪ THỨC (THANH HÓA) Ở làng Cầm La xưa, thuộc huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Bỉm Sơn) có chàng thanh niên tên Từ Thức. Khoảng cuối đời Trần niên hiệu Quang Thái (1388-1398) Từ Thức được bổ nhiệm làm quan tri huyện Tiên Du (Hà Bắc ngày nay). Ông rất nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Mùa xuân năm Bính Tý (1396) Từ Thức đi chơi hội mẫu đơn ở một ngôi chùa đẹp nổi tiếng. Ở đây, Từ Thức gặp một thiếu nữ tuổi chừng 16, xinh đẹp, bị nhà chùa giữ lại vì cô vô ý làm gãy một cành hoa. Động lòng thương, Từ Thức liền cởi áo gấm chuộc lỗi cho cô gái. Cô gái đó chính là Giáng Hương - một nàng tiên. Sau đó, trong một dịp ngao du thiên hạ, tình cờ Từ Thức tái ngộ Giáng Hương, kết duyên vợ chồng và sống cuộc đời đầy hạnh phúc nơi tiên giới. Nhưng vì nhớ quê hương khôn nguôi, chàng xin về quê. Trở lại quê cũ cảnh lạ người xa. Một năm tiên giới bằng trăm năm trần gian, chàng định quay lại chốn tiên, nhưng không kịp nữa. Chàng buồn bã chán nản đi ngao du thiên hạ rồi biệt tích.
Động Bích Đào, dấu vết của chàng Từ Thức du tiên thuở xưa nằm trên hệ thống núi đá vôi, kéo dài từ Tam Điệp đến tận Thần Phù (Nga Sơn - Thanh Hóa). Ai vào hang động, nhũ đá nhỏ xuống dạng nhũ nhô lên, tạo nên cảnh trí huyền ảo với nhiều dáng hình gây trí tưởng tượng kỳ thú: này đây “đụn gạo”, “kho tiền” ấy kia “bồn muối”, “vườn cây” có đủ loại hoa trái, cây cỏ. Rồi “mâm xôi”, “thủ lợn”, rồi “phường bát âm” là những nhũ đá, vách đá nhô ra gõ vào tạo nên thứ âm thanh thú vị. Rồi “bàn cờ tiên” một bàn đá to bằng phẳng có đầy đủ các con cờ, đường kẻ, như thể chàng Từ Thức cùng các vị tiên đang tỉ thí với nhau ở đây vừa đứng dậy đi ngao du đâu đó. Đi sâu vào chút nữa, chếch về phía trái, ta gặp vùng nước trong vắt, mát rượi đầy những hòn cuội trắng xinh. Kế bên là “ao bèo” (bằng đá) với những lớp bèo cũng bằng đá, bồng bềnh điểm những chùm hoa trắng, lục. Rồi những nhũ đá hình rồng chầu, ếch tọa… Cuối động cũng có “đường lên trời” lại có “đường xuống âm phủ”. Theo những bậc đá đều nhau ở “đường lên trời”, ta gặp một khoảng không gian in bóng trời xanh đầy thú vị; ấy là ta đã lên đến đỉnh núi. Tương truyền đây là con đường Từ Thức cùng các nàng tiên đi thưởng ngoạn cảnh trời, mà những nhũ đá nhô ra mông mang dáng mà những “giá áo”, “giá mũ” của chàng khi chàng dừng chân ở đây. Các “đường xuống âm phủ” là một cửa hang ăn sâu dưới lòng núi với những bậc đá gập ghềnh, tối tăm, ẩm ướt, hun hút nhiều ngách, nhiều lối khiến ai bạo dạn cũng chỉ xuống được vài bước rồi phải choài lên. Truyền thuyết Từ Thức lên tiên và những đặc biệt là những cảnh trí kỳ thú của động Bích Đào đã từng là nơi hấp dẫn với nhiều tao nhân, mặc khách; nhiều danh sỹ, hiền nhân; Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quý Đôn, Trịnh Sâm, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng. Ở đây, ngay khi bước vào cửa động, chúng ta đã được chiêm ngưỡng bài thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn khắc lên một phiến đá. Đã mấy trăm năm trôi qua, những nét chữ vẫn còn sắc sảo: DU BÍCH ĐÀO ĐỘNG “Hải thượng quần tiên sự diểu mang, Bích Đào động khẩu cửu hoang lương. Kiền khôn nhất hạt cùng Từ Thức, Vân thủy song nga lão Giáng Hương. Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nguyệt, Sa diêm vô vị thấp thu sương. Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng, Bất tưởng Thiên Thai diệc hí trường”. Dịch nghĩa: “Về chuyện các tiên ở trên biển rất mơ hồ Cửa động Bích Đào lâu nay bỏ hoang lạnh Người tu tiên như Từ Thức chỉ mặc một manh áo vải gai đi khắp nơi mọi ở chốn nước mây, Nàng Giáng Hương chau đôi lông mày cho đến già. Trống đá đánh lên tiếng rung động cả mặt trời buổi sớm Sương màu thu thấm vào cát muối, không có vị gì Người đời thường cứ mơ tưởng lên núi Thiên Thai để thành tiên Có biết đâu núi Thiên Thai cũng chỉ là một nôi hí trường”. CHƠI ĐỘNG BÍCH ĐÀO Trên biển quần tiên mờ mịt dấu Bích Đào động cổ đã hoang lương Đất trời mảnh áo thương Từ Thức Mây nước đôi mày sạm Giáng Hương Trống đá còn vang khua dưới nguyệt Muối còn vô vị thấm trong sương Người đời mơ cảnh Thiên Thai ấy Nào biết Thiên Thai cũng kịch trường. (Việt Nam bách gia thi - Đào Phương Bình dịch) BÙI ĐẸP st.
Động Bích Đào - Hang Từ Thức được Nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh của đất nước.
Phụ bản II LÚC CÒN THƠ NGÂY Riêng tặng cho Na Diệu Chi ôm cặp chạy nhanh vào nhà, miệng réo liên hồi: - Chị Mua ơi chị Mua, làm cơm cháy bơ em ăn, đói bụng quá chị Mua ơi. Nghe tiếng gọi của Diệu Chi, chị người làm lật đật chạy ra, trên tay còn cầm cây đũa bếp to, thấy Diệu Chi đang đứng thở, chị vội vàng đưa ngón tay lên môi suỵt một tiếng nhỏ, tay kia làm dấu chỉ ra phía sau mình. Chi thoáng thấy gì đó và như hiểu ra, le lưỡi rồi chuyển chân sáo đi mau về phòng mình nhưng không quên quay lại nháy mắt ra hiệu cho chị ấy cứ làm, chị khẽ gật đầu rồi bước ra sau bếp. Lúc nầy, bà Diệu Thu đang bước ra, chợt nghĩ ra: “Thì ra giờ mới biết tại sao hộp bơ Bretel của ba Diệu Chi lại hao hụt như vậy”. Lúc ấy, Phương Chi cũng vừa đi học về, lại gần mẹ nói nhỏ: - Cái bà Diệu Chi đó mẹ, cứ xúi chị Mua lấy bơ của mẹ dành riêng cho ba, làm cơm cháy cho bả ăn hoài hà. Bà mẹ nghe vậy vừa giận vừa buồn cười trong bụng: “Con bé này mê ăn hết biết, phải rầy la nó một phen mới được, cho bỏ tật ăn vụng vặt như vậy”. Bà quay sang Phương Chi nói: - Mẹ biết rồi, để mẹ la chị Hai con. Bà nội vừa đi tới, nghe vậy liền lên tiếng: - Thây kệ nó, mẹ Ninh An à, bé Diệu ăn có nhiêu đâu, hết để má mua cho, xong bà quay sang Phương Chi còn đứng xớ rớ gần đó, bà cao giọng: - Con bé này nữa, sao hay thẻ thọt vậy, phải thương chị Hai con chớ, nó sinh ra vốn ốm yếu, khảnh ăn mà, nội không thích thấy con như vậy đâu nghe Phương. Bị bà nội “thuyết” cho một hơi, mặt mày Phương Chi đang hớn hở liền xịu xuống, bậm môi, không nói câu nào, quay đi vừa đi vừa dậm chân bạch bạch xuống sàn nhà, rồi khuất sau cánh cửa. Bà Thu nhẹ nhàng từ tốn nói với mẹ chồng mình: - Con biết má rất thương cưng Diệu Chi, nhưng má cũng cho con rầy rà con bé một chút, để nó hiểu biết phần nào, chớ thương mà không dạy dỗ thì không được đâu má, con nói vậy, má đừng giận nha má. Bà nội có vẻ trầm ngâm: - Má không giận con đâu, nhưng con cũng dịu nhẹ với bé Diệu, vì nó sinh ra thiếu tháng nên yếu ớt, thừa sống thiếu chết như con mèo ướt vậy má đã dày công săn sóc từ nhỏ, má hiểu nó không có tánh xấu gì, chỉ có tội kén ăn mà ốm nhom, khó bảo chút thôi mà. Bà mẹ đành thở dài, nói: - Thôi thì con chiều má vậy, từ giờ con để má bảo ban, khuyên nhủ Diệu vậy. - Được rồi, mẹ Ninh An à. Bà nội đi xa rồi mà bà Diệu Thu còn đứng nhìn theo, suy nghĩ. Diệu Chi ngồi trong phòng, chống tay trên bàn viết, vẻ chờ đợi rất sốt ruột, mắt ngóng ra cửa. Một lúc lâu sau, mới có tiếng chị Mua gọi nho nhỏ: - Cô Diệu, tui đây nè. Cô bé mừng húm, chạy ra mở cửa. Chị giúp việc tay bưng một dĩa bàn nhỏ, trên có miếng cơm cháy vàng ươm, thơm phức, đi lại để lên bàn học của Diệu Chi, cô bé xấu nết ăn nên vừa nuốt nước miếng vừa bốc lấy bốc để đút vào miệng những miếng cháy, nhai rau ráu làm chị Mua che miệng cười khúc khích nhắc nho nhỏ: - Kìa, cô Hai, ăn từ từ chớ, mắc cổ bây giờ đó. - Ngon, ngon quá chị Mua ơi, còn nữa hông, lấy thêm cho em đi chị, vừa nói Diệu Chi vừa nhai nhồm nhoàm rất tức cười. Chị giúp việc phì cười, nói: - Tui phải làm lén có được bi nhiêu đó thôi hà, cô muốn thêm nữa cũng không được đâu. - Sao vậy chị? - Mợ Năm khóa tủ gác-măng-giê mất tiêu rồi cô ơi, tui làm sao mà lấy bơ làm cơm cho cô nữa mà đòi thêm. Đến lúc này, chị Mua ra hiệu cho Diệu Chi, chỉ tay vào cái dĩa cơm trên bàn học, Diệu Chi ngạc nhiên, ngước nhìn chị người làm hỏi nhỏ: - Gì vậy chị? Chị Mua lại suỵt một tiếng: - Có cái thơ gởi cho cô Hai. - Kỳ vậy, khi không ai gửi thư cho em, ai mà ở không vậy chị? - Cô nầy, muốn biết là ai, là gì thì cứ đọc thơ đi thì biết chớ gì, ở đó mà hỏi hoài, mợ Năm mà vô đây bất tử thì cô chịu à nghen? Trước khi ra khỏi phòng, chị Mua chợt nhớ điều gì nên nói với Diệu Chi: - Mà cô Hai cũng nên dè chừng Phương Chi nghen, cô ấy hay canh chừng cô và tui lắm, có khi còn méc gì với mợ đó cô, tui nói cô biết! Diệu Chi nghe nói vậy, khẽ cau mày nói nhỏ: - Em biết rồi, nhỏ Phương khó chịu, nhiều chuyện lắm mà. Chị Mua lại quay về gian bếp của mình, còn lại cô gái trong căn phòng nhỏ và lá thư của một người xa lạ còn nằm dưới đĩa cơm cháy không còn sót lại hột nào. Cô bé bây giờ lại quay lại với sách vở, bài làm ở nhà, chuyên tâm làm cho xong để mai nộp cô đến tối mịt. Giải xong bài toán chót, Chi thấy mệt phờ người, hai mắt như ríu lại, cô ráng đến tủ áo, thay chiểc áo ngủ màu hồng, xong là lăn ra giường, ngủ ngay một giẩc ngon lành không mộng mị. Nhưng Diệu Chi bỗng giật mình tỉnh dậy, nhớ đến lá thư vội ngồi dậy đi lại bàn học, lấy cái phong bì màu xanh đem nhét vào bao gối, mới yên tâm nằm xuống tiếp tục giấc ngủ êm đềm. Một lúc sau, có tiếng mở cửa phòng Chi, nhè nhẹ, rồi cái đầu của Phương Chi ló vô, cô bé nhìn vào phòng liếc quá liếc lại rồi Phương Chi bước hẳn vào phòng cô chị với những bước chân nhẹ như mèo, miệng lẩm bẩm: “Cái bà nầy, lại mê ngủ quên cả tắt đèn bàn học nữa rồi, mình méc má cho biết”, miệng lầm bầm, tay tắt đèn rồi mới chịu ra khỏi phòng, nhưng không quên đảo mắt một vòng như còn tìm cái gì đó. Cô gái Diệu Chi thơ ngây vẫn say sưa trong giấc ngủ. (còn tiếp) HOÀI LY ĐI QUA HOÀNG HÔN Đi qua mỗi hoàng hôn Nhặt một chiếc lá vừa rơi ấp lên mi mắt Nhìn thấy gì Giữa bóng lan nhanh Em có còn vương Những giấc mơ chiều hiu lạnh Bất chợt một tiếng đàn Rơi giữa lửng không Những phiến mây nghiêng Hát một thanh trầm Ngân nhè nhẹ Giữa vùng thinh lắng Ta mơ hồ cúi nhặt Dấu tình xưa nhàn nhạt giữa sương tan Tiếng chiều rơi Tựa hơi thở khẽ khàng Bảng lảng Giữa hoàng hôn. ĐÀM LAN Pho tượng không tên cho Tuấn Cơn mưa mùa hạ gieo sầu Biển xanh vụt đổi sang màu ái ân Vượt bao hải lý ngại ngần Giờ tàu neo bến anh gần em hơn * Thôi, em đừng giận đừng hờn Bến lòng anh chẳng có con tàu nào Em chưa chịu ghé vì sao ? Hay em vẫn thấy nao nao ngập ngừng * Ngày xưa em thích hoa rừng Chẳng yêu hoa trắng đại dương cơ mà * Thả hồn về tận sông Trà Quê em diễm tuyệt chan hòa gió trăng Em cười nghiêng đổ cung hằng Kìa em, hoa sóng bâng khuâng úa tàn * Ngàn mây trắng rũ khăn tang Anh ôm ảo mộng, thời gian bồi hồi Bão tố phủ ngập cuộc đời Em hoài nghi chối bỏ lời yêu đương * Sợ rồi đoạn kết u buồn Tình yêu thủy thủ không tròn thủy chung Anh xin gói nỗi nhớ nhung Vào lòng biển cả lạnh lùng mông mênh * Mặc cho sóng vỗ đầu ghềnh Anh thành pho tượng không tên ngậm ngùi Ngàn thu sương tuyết dập vùi Môi tê tái nếm trọn mùi đau thương. NGÀN PHƯƠNG MẸ TÔI Mẹ tôi già lắm, xế chiều nay Gió lộng mưa giăng bước dạn dày Ngọt đắng chua cay đành thủ phận Giàu sang phú quý ít cơ may Nuôi con tận tụy đâu nề tháng Đội nắng gian truân chẳng kể ngày Vào cuối cuộc đời còn lụm cụm Vì đàn con trẻ phải trần ai. * Vì đàn con trẻ phải trần ai Gánh vác đôi vai nặng chuỗi ngày Chạy gạo đầu sông, buôn khắp chợ Làm lành cuối xóm, vá cùng may Lo toan học vấn cho thành đạt Dạy dỗ nhân luân tích phước dày Một nắng, hai sương, vui thanh đạm Mẹ tôi già lắm, xế chiều nay. Thanh Châu Đá Khi ta còn là đá Im lìm giữa trời xanh Mây lang thang cùng gió Chợt thấy lòng xao động U sầu chiều hoàng hôn Ong bướm mãi dập dồn Ngập ngừng hoa khép nhụy Gió ơi ! Gió nhớ không ? Không còn là viên đá Im lìm giữa thiên nhiên Mưa gió cứ dập dồn Cựa mình thôi thức dậy Uyên ương tìm trao tay Óng ánh những sắc màu Người ơi ! Chung thủy nhé ! Giơ tay nắm bàn tay. Huỳnh Thiên Kim Bội
PHƯỢNG HỒNG NGÀY XƯA Phượng rơi đỏ thắm khắp sân trường Còn nơi đây bao nỗi vấn vương Dẫu đã bao năm dài xa vắng Mái tóc hai màu vẫn luyến thương !
Trong gió hắt hiu phượng vẫn rơi Cho lòng xao xuyến, nhớ khôn nguôi Thời hoa mộng đó giờ xa lắc Bâng khuâng cánh phượng úa ngậm ngùi...
Hoa nắng rộn ràng muôn ý thơ Trường xưa, hàng ghế đá bơ vơ Đâu tà áo trắng bay theo gió Hồn tái tê, kỷ niệm hững hờ !
Tháng ngày xa vắng lạc tình mơ Thời gian như lớp bụi hoen mờ Tìm đâu tóc xõa bờ vai nhỏ Nhặt cánh phượng hồng dệt ước mơ !?
Phạm Thị Minh-Hưng BÌNH MINH Ở MIỀN QUÊ Tặng riêng cho má tôi Buổi sớm miền quê rất êm đềm Nắng vàng trải nhẹ sau mưa đêm Bướm vàng chấp chới trên bờ cỏ Cho khắp làng thôn yên ả thêm Tiếng chim rộn rã hót đầu ngày Khua giấc ngủ mơ còn ngất ngây Những đêm còn lạ còn xao động Nay đã dần quen với chốn này
Buổi sớm miền quê rất nhẹ nhàng Chờ ai qua chợ giữa đường quang Đi ngang hàng quán ta dừng bước Nhớ những ngày xa dạo quán hàng Rồi khi chiều xuống ngắm hoàng hôn Gió thổi vi vu kể chuyện buồn Lòng mãi nhớ về năm xưa cũ Thương hoài năm tháng đã buông trôi.
HOÀI LY NHỮNG CƠN MƯA THU Khắp bốn phương tám hướng Mưa thu đến muộn mằn. Lại giăng giăng rắc kín Mờ mịt chốn xa xăm. Trận mưa đến ngắn ngủi Mọi dấu hiệu bảo rằng : Có phép tính thần diệu Trong chuyến thăm vừa xong.
Mưa từ miền xa đến, Hiện diện thật hiền lành. Đất của tôi khắp chốn Lịm đi trong hân hoan. Tôi nghe ngoài cửa sổ Mưa trước bão tuyết về Hát ru trên môi trẻ Ủ hạt mầm vụ thu.
Băng giá còn phía trước Mái rừng nghiêng so vai Nhưng mưa thu ngắn ngủi Tiên triệu một niềm vui. * * * Có cảm giác, miền xa xăm băng giá Thiêu cháy rồi cả hai trái tim ! Đêm không trăng kín bưng trước mắt Rừng tối đen, nỗi sầu vạn năm. Bão tuyết mịt mù tung rú rít Bên tai em như tiếng hú bầy lang. Em cảm giác chúng cuốn anh đi mất Vào trời đêm, bay lên đỉnh mịt mùng.
Em chới với hai tay với theo anh, Em tìm anh, như tìm vì sao xanh. Sống sao nổi, thiếu anh trong cách biệt, Dò dẫm bước đi, vấp từng bước chân, Mà có thể, lỗi là do mùa đông cả Đốt cháy chúng ta bằng giá lạnh kinh hồn! Trước mắt rừng tối đen buồn bã Bão tuyết kéo qua, trong khoảnh khắc không trăng. Thúy Toàn dịch Niềm thương xẻ dọc Xẻ dọc niềm thương cắt ngang nỗi nhớ Trên chiếc cầu tre gập ghềnh trắc trở Trước mặt là bờ với tất bật bán buôn Phía sau lưng cuồn cuộn nước trên nguồn Trước không là tương lai, sau không là quá khứ Mà chính là hiện tại của hôm nay Người đàn bà quằn nặng gánh trên vai Bán lưng cho trời, mặt giao cho đất Đôi lúc tự trách chưa bằng chim Dương nga* Tự mổ bụng mình nuôi con trong gió tuyết * Người đàn bà với tháng năm lặng lẽ Hạnh phúc là yên bình bên chiếc võng hát ầu ơ Nhìn đàn con qua rồi tuổi ấu thơ Vai Phù Đổng vươn lên thành kỳ tích * NỔI NHỚ CẮT NGANG MÀ NIỀM THƯƠNG XẺ DỌC Có phải là cắt bỏ những tư riêng Để tận lực yêu thương nuôi dạy từng đứa con đã nên vóc nên hình
Mẹ đã nằm lòng từ ngữ Hy sinh Gìn giữ ấp yêu khi con còn là bọc trứng. Nguyên Lê - Trảng Bàng * Chim Dương nga là loài chim sống vùng băng tuyết khi không tìm được thức ăn cho con nó dùng mỏ rạch bụng mình rồi dùng hết sức bay úp lên tổ, cánh nó che mưa bão, ruột nó làm thức ăn, bầy con thơ ngây ăn thịt mẹ mình chúng vô tư không biết... cũng như chúng ta cũng vô tư không biết... THƯƠNG MÃI QUÊ MÌNH Cành đa trước miễu gió đong đưa Đàn sáo bay về hót líu lo Xanh ngắt lưng trời mây thấp thoáng Vàng hoe gốc nhãn nắng lưa thưa Cụ bà giặt áo bên giòng nước Cô gái thêu khăn dưới gốc dừa Quán lá ven sông dừng thuở trước Hàng me cuối chợ đón bây giờ Tô canh bún ngọt, hương thơm lựng Bát nước chè tươi, khói bốc vừa Chú bé lùa trâu qua ngõ vắng Chàng trai tiễn bạn ghé đò trưa Xôn xao cuối xóm người xem hội Tấp nập đầu thôn khách viếng chùa Xôi oản ngon ơ mùi nếp mới Cam bòng ngọt lịm sắc tơ xưa Khói hương quấn quýt vương tình mẹ Chuông trống vang rền dậy ý thơ Văng vẳng tiếng ru người vợ trẻ Chờ anh, thương nhớ mấy cho vừa. THANH PHONG MƯA CÓ BUỒN KHÔNG ? Bạn hỏi tôi mưa có buồn không ? Cơn mưa đầu mùa vừa thấm vào lòng Mưa long lanh trên đầu cành lá Tôi đưa tay hứng từng giọt mát lành
Đất khô khát sau bao ngày nắng hạ Chợt cựa mình dưới lá cỏ mềm xanh Thở nhẹ vào làn gió trở hương mưa Hương đất trời lọc đi bao cát bụi
Bỗng thấy được trở về ngày thơ dại Chạy ào ra mưa thỏa thích nô đùa Miệng mỉm cười thở ra gọi bạn Muốn được sẻ chia nỗi nhớ niềm vui
Mưa tạnh rồi trời mây lại sáng Chỉ còn giọt mưa làm ướt mi thôi. LÊ NGUYÊN Sài gòn 09/5/2007 KIỀU NGUYỆT NGA xướng: Đưa trâm chàng đã làm ngơ Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ
“tám câu năm vần” Cảm động thơ đề kính tạ ai Niềm riêng dạ mến nỗi quan hoài Một ngày cũng thắm tình sông biển Muôn thuở không mờ nghĩa trúc mai Đức trọng đôi dòng tròn phận gái Hiếu trung hai chữ vẹn thân trai Kiếm cung đã nặng vì non nước Văn sử khoa thi chẳng thẹn tài. LỤC VÂN TIÊN họa: Như vầy ai lại thua ai Vân Tiên họa lại một bài trao ra
Mượn vần thơ họa tạ tình ai Ý đó lòng đây xiết cảm hoài Ánh nguyệt long lanh ngời dậm liễu Tháp dương lấp lánh tỏa ngàn mai Dãi dầu năm tháng gìn thân gái Ngang dọc bốn mùa vững trí trai Vì nghĩa cành trâm đâu dám nhận Kiều nương thi, họa, đấng anh tài. PH. H. tường thuật NGƯỜI MANG TÂM SỰ Trăng vằng vặc bóng lau lả lướt Cá bãi trầu lội tuốt mương cau Muốn vui muốn khỏe thế nào Cứ theo cách sống đồng bào thế gian Kẻ giàu có huy hoàng rực rỡ Người nghèo hèn bỡ ngỡ lương tâm Đừng theo cái kiếp con tằm Mua vui chẳng có, trăm năm cứu người Sách có chữ bời bời bể khổ Đời có câu dù khó sẽ qua Sáng soi bao cảnh quan hà Văn minh tột đỉnh thế là hết đau “Chim lẻ bạn âu sầu muôn lối Lòng bao năm tăm tối não nề Qua rồi một thoáng đam mê Tóc xanh giờ đã mây che phủ đầu” Ngồi nghĩ lại âu sầu biển nhớ Đứng tưởng nhìn cái thuở trẻ trung Chắt chiu lối sống ung dung Bây giờ bạc nhược, than cùng ai đây !
LANG NGUYÊN THƠ… THẨN Có ôm anh thì đừng ôm chặt quá Sợ người cười anh núp bóng nữ lưu Thật ra thì anh ngoan ngoãn như cừu Từ thuở phải lòng em thế kỷ trước. Thuở trai tân lòng hằng lo nơm nớp Biết sau này có cõng nổi ai chăng Miệng mang tai và áo tốn vải lưng Ai cũng biết tỏng anh lười biếng lắm. Chỉ có em kính nhìn không tường tận Ngỡ rộng mồm là số hẳn kiêu sang Ngỡ khéo môi sau trước ắt huy hoàng Nên vồ vập như vé mời độc đắc. Thấy chưa! Nếu lỡ đời chúng ta hiu hắt Nào có phải tại anh gian dối dắt em về Nào có phải tại bài hát lê thê Anh tả oán mỗi khi mình xa vắng! Tại em cả thôi! Đừng thở dài than vắn Gì thì gì, anh còn cả túi thơ Hái từ sao, từ xa tít trên kia Chưa kịp bán vì nói ra sợ hớ! Thơ của anh là độc bình dễ vỡ Chỉ đặt trong tủ kính để ngắm nhìn Để ngân nga mỗi tối tối thật yên Ru em ngủ, tha hồ mơ kiếp khác… LAM TRẦN CHỜ ĐẾN BAO GIỜ ? Nhìn đâu cũng thấy vấn đề… Khó lòng kỳ vọng… tứ bề khó khăn Hô hào trách nhiệm chung chung Mấy ông vô cảm lùng nhùng còn lâu Chính sách thì ở trên trời Cuộc sống con người ở dưới trần gian Trời ơi ! Thấu hiểu hay chăng Liệu ai có đủ khả năng phất cờ ?
Đời người thì ngắn ngủi Biết chờ đến bao giờ ? LÊ MINH CHỬ CON ĐƯỜNG KHỔ ĐAU Đi chung trên một con đò Mỗi người lại hướng bến bờ khác nhau Đấy là “con đường khổ đau” Phải đâu là cách dài lâu vững bền. LÊ MINH CHỬ TRẮC ẨN !!! Có người nhân phẩm mất rồi ! Trái tim lưu giữ thêm tồi ích chi Bao nhiêu tai tiếng thị phi Nên không lộ diện - bước đi ngại ngùng Ôi sao người quá lạ lùng Bôi tro trát trấu hãi hùng ghê chưa ? Người nầy bản lĩnh có thừa Thơ Ca dùng để đánh lừa thế nhân Thị phi - phải trái bất phân Chủ trương thừa thắng - nghĩa nhân không màng Ngôn từ đôi chối dễ dàng Nên chi nói bậy - làm càn tiên phong Khuyên can xin chớ động lòng Xuôi tai mắc bẫy - dài dòng bi thương “Đời sao kiếp bạc thê lương Đơn thân độc mã - biết phương nào về !” Lời Thơ sao quá não nề Chạnh lòng trắc ẩn - khen chê làm gì Gia đình xấu hổ sầu bi Thơ Ca - bè bạn chia ly ngại ngùng Phụ nữ ơi ! Tâm trạng chung Xin đừng nhẹ dạ - bởi dùng hàng SI. VŨ THÙY HƯƠNG CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ Có một thời trái tim như rực lửa Quyết lên đường cùng tuổi trẻ hành quân Ra chiến trường đánh giặc chống ngoại xâm Để lại quê hương cha mẹ già đàn em nhỏ Có một thời cũng đã từng như thế Bom đạn thù bất kể chẳng sờn gan Yêu Nhân Dân, yêu Tổ Quốc nồng nàn Tình đồng đội keo sơn như ruột thịt
Có một thời cũng đã từng đói rét Hết gạo lương khô hái củ rau rừng Hái măng tươi đào củ mài chống đói Nhạt thiếu muối cũng vẫn phải cứ ăn Có một thời sốt rét cơn ập tới Người lạnh run, rực nóng vã mồ hôi Rồi lặng đi đồng đội tưởng qua đời Nhường hộp sữa, chút đường còn sót lại
Có một thời nay về còn nhớ mãi Cái chết coi thường nhẹ tựa như bông Cơn sốt qua, vùng dậy chắc tay súng tấn công Tiêu diệt địch vì quê hương Tổ Quốc Chiến tranh đã qua, hòa bình giành được Nay trở về cùng xây dựng quê hương Vẫn nhớ bao đồng đội ở chiến trường Quên sao được có một thời như thế.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN BA TÔI Một người nghiêm khắc hiền lành Cho roi vọt nếu cần khi con còn nhỏ Ba kể lại hồi xưa… Bà nội rất cưng chiều con trai Ba đã thi bằng Trung học Pháp Nhưng lại thi rớt nên phải xoay học nghề Ba cũng có thể làm thông dịch viên Đã từng đi dạy học ở tỉnh xa Bà nội lại kêu về thành phố Vì là con một Bà chẳng cho đi xa Thế là ba phải long đong nhiều nghề Nhưng hợp nhất là mở tiệm đồng hồ Có vài người thợ đỡ đần Cửa hàng có nhiều đồng hồ mới, Buôn bán thịnh vượng; cho tới cuối đời của ba Thời gian tôi học cấp hai Ba vẫn kèm môn ngoại ngữ Ba không nói nhiều nhưng con rất sợ Mẹ hiền hòa chẳng la một câu Chúng tôi vẫn đi về một phép Các con đi học đi làm Mẹ thì buôn bán và lo bếp núc Đôi khi ba la phải bảo nó làm Cưng chiều con mẹ vẫn lo toan Để các con chuẩn bị cho sự nghiệp Tất cả vì tương lai của các con Ôi mẹ hiền và ba kính yêu Công lao cha mẹ là trời biển Làm con đền đáp bao nhiêu cho vừa. QUAN THÚY MAI (4-3-2019) TỰ SỰ Bạn ơi bảy bốn tuổi xuân thời Vui vẻ mà lòng vẫn cạn vơi Đã biết thân người về cát bụi Còn nghe thuyết pháp cõi luân hồi Làm thơ ca hát phổ bài nhạc Lục bát dịu dàng tô điểm tươi Nẻo đến còn xa vùng vắng bóng Con thuyền cặp bến có hoa cười. QUANG BỈNH CÔ QUẠNH Từ thuở se duyên kết bạn đời Vườn tình thắm nở đượm vui tươi Bạn đời nay đã xa trần đoạn Xót nỗi song thân tróc rễ rồi Gối lẻ cô thân phòng vắng vẻ Thời gian trống trải nỗi đơn côi Xế chiều thư thả cùng bè bạn Tìm chỗ thanh nhàn để được chơi. QUANG BỈNH LO VIỆC GÁNH NƯỚC Nước non chia sẵn người ba gánh Tôi gánh xong rồi đến lượt anh Công việc ta làm tuy có một Nhưng xong việc nước ngủ yên lành. DƯƠNG TIẾN CẦN THỜI GIAN VUI… (Nhạc theo bài “Les Beaux Jours” của Tino Rossi) Thời gian vui thường rất hiếm, không hề có đâu nhiều Thành chúng ta được sống vui… nhớ đừng quên ! Thời gian vui thường rất ngắn không hề có kéo dài Vừa thoáng qua, lại thoáng xa, khó tìm ra Mong rằng sau đây những khi gần nhau Ta đều tin rằng, không có bên nhau lâu Thành cho nên, đều thêm quý những giờ phút vui nào Họp với nhau, rồi hát sau, ấm lòng nhau. THANH VĨNH VƯỚNG BƯỚM THƠ Sáng tác xong bài thơ lục bát Lòng lại vương một mỗi ưu tư Đề tài đâu sáng tác tiếp chừ ? Cho đủ tờ bướm giao lưu trọn ? Để tờ bướm cứ lần lựa hẹn Vướng bên lòng mãi… chẳng yên tâm Đề tài xã hội, nhắm mắt làm Công an ngó ?... nghĩ hoài… khổ quá. NHỰT THANH 01-7-2019 ĐÚNG SAI Nhơn loại bàn luôn chuyện đúng sai Nguyên vì trong đúng vẫn còn sai Tử hình Trung Trực, Tây rằng đúng Thương tiếc Hiếu Trung, ta nói sai Sai được đề cao, sai hóa đúng Đúng luôn bị bác, đúng thành sai Sai sai đúng đúng… nạn phân đấy Ngán ngẩm tình đời việc đúng sai. NHỰT THANH 06-6-2019 Nguyễn Du Đến đâu con cũng gặp Người Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa Hạc Vàng một bóng Lầu xa Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo Tiệc to thường ở nơi nghèo Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay Người xưa đi sứ qua đây(1) Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi Cỏ cây, thành lũy khác rồi Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu Thời nào thì cũng như nhau Nỗi buồn ly biệt, nỗi đau dối lừa Tiền Đường sầm sập đêm mưa Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều(2) Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn Sắc tài chi để trời ghen Người đâu phải nước đánh phèn cho trong Cõi đời đâu cũng long đong Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên Bời bời những cuộc đỏ đen Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang(3)... Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn(4) Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi Bâng khuâng con lại thấy Người Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa... Cố Cung 21.9.1999 TRẦN NHUẬN MINH 1. Năm 1813-1814 Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc. 2. Thúy Kiều (trong Truyện Kiều) trầm mình sông Tiền Đường. 3. Những biến động trong xã hội Trung Quốc thời Nguyễn Du, được phản ánh qua hai kiệt tác của ông: Truy ệ n Ki ề u và B ắ c hành t ạ p lục. 4. Nơi các hoàng đế Trung Hoa tế trời. NGUYEN DU Wherever I go I’ve met You Allow me to offer You a cup of wine amidst the Chinese sky
The Golden Crane and the silhouette of a far away palace
The fading colour on the sky-line of Hồ Nam, in the dry evening
Great feasts were often organized in poor people’s areas
The field of maize was dead dry, the wind shook the tent top
In days past You were sent on an embassy and had come here(1)
Mud rose up to one half of the horse’s belly, the river was crowded with drifting boats
Trees and grass, and the citadel were different now The Hoàng Hà was dried, but your poem remained profound.
All times are similar The sadness of being separated, the pain of being deceived
On the Tiền Đường river, the night rain came pouring down
Water flowed gloomily as if Kiều(2) hadn’t been saved Nghiệp Thành still has croak of crows At the old Lâm Tri wharf, the suspended bridge’s lamps were shining bright
Why having beauty and talent to make Heaven jealous You weren’t water that could be purified with alum Life everywhere is plagued by mishaps Literary men got an ill fate, rosy cheeks were charmless
Profuse in life are the gamblings The political arena is shifty, money turns illicit(3)... Setting foot on the peak of the Thiên Đàn(4) On four sides were white clouds, and leaves were falling in the golden Fall
Spleeny I again saw You Bowing down to You, I am standing amidst the sky of China...
Cố Cung (Imperial Palace) 2l.9.1999 Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn (1) In the years 1813-1814 Nguyễn Du was sent on an embassy to China. (2) Thúy Kiều (in The Tale of Kiều) drowned herself on the Tiền Đường river. (3) The changes in the chinese society in Nguyễn Du’s time were reflected through his two masterpieces: The Tale of Kiều and Journey to the North. (4) Esplanade where the chinese emperors worshipped Heaven.
Phụ bản III TÂM LÝ TUỔI GIÀ Ở nhiều người già khỏe mạnh, không bệnh tật thì mọi hoạt động tâm lý, tư duy vẫn giữ được gần như lúc còn trẻ. Nói chung người già vẫn thích tiếp xúc với mọi người, thiết tha đối với lao động, yêu cuộc sống, gắn bó với mọi tiến bộ của đất nước, xóm làng. Không ít người mặc dầu tuổi cao vẫn lao động sáng tạo và có những cống hiến to lớn cho loài người. L.V. Mitsurin thọ 80 tuổi, Lep Tônxtôi 82 tuổi, I. Gớt và V. Huygô đều thọ 83 tuổi, Vônte 84 tuổi, I. Niutơn, Z. Lamac 86 tuổi, Picatxô 93 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm 96 tuổi… Ở những người già không đạt mức hoạt động tâm lý, tinh thần bình thường phần lớn là do bệnh tật. Trong số 985 người quá 65 tuổi được kiểm tra toàn diện về sức khỏe thấy 407 có bệnh thực thể hoặc tâm thần nặng, 509 có bệnh thực thể hoặc tâm thần nhẹ và vừa; chỉ 69 người là không có bệnh. Như vậy, bệnh tật có ảnh hưởng rõ rệt đối với tâm lý người già. Về tính tình, những người sống lâu khỏe mạnh thường vui vẻ, lạc quan, rộng lượng, hài hòa. Những người cơ thể không hoàn toàn khỏe mạnh, hay ốm yếu, thiếu rèn luyện tu dưỡng thì thường có xu hướng đậm nét hóa những đặc điểm tính tình vốn có từ trước. Ví dụ, trước có tính cẩn thận thì khi về già dễ trở nên khó tính, “kỹ tính”; người trước kia hay cởi mở thì nay có thể nói nhiều, “lắm điều”… Ở một số người già cơ thể suy yếu, có hiện tượng thu mình lại, ngại cái mới, ngại mọi sự đổi thay, thích sống với những kỷ niệm cũ. Cảm ứng và tình cảm hay có những phản ứng khác với lúc trẻ. Đôi khi chỉ một kích thích khó chịu nhỏ cũng làm cho họ phản ứng quá mức. Trước những tình huống mới luôn luôn thay đổi, cách xử lý của họ thường kém linh hoạt. Nhiều người có tuổi rất nhớ chuyện cũ hơn những việc mới và kỷ niệm cũ thường được nhắc lại với một cảm giác thích thú và thường họ cảm thấy đẹp hơn hiện tại. Trí nhớ về kiến thức chung, kiến thức nghiệp vụ (nhất là người có văn hóa, người lao động trí óc, người có thói quen suy nghĩ, tìm hiểu, học hỏi…) nói chung khá tốt trong một thời gian dài. Đối với gia đình, tâm lý người già cũng có những đặc điểm cần chú ý: sự cô độc, không ai quan tâm đến mình lúc tuổi cao sức yếu, hay suy nghĩ, luôn luôn muốn đón nhận sự quan tâm săn sóc tận tình tỉ mỉ của người khác. Phần lớn các cụ muốn ở chung với con cái đã trưởng thành nhưng không phải để nuôi con cháu như thời còn trẻ mà là ngược lại. Nhưng cũng có một số đáng kể - nhất là ở thành phố - do điều kiện nhà ở chật chội, tính tình không hợp nhau, các cụ muốn ra ở riêng. Về tình nghĩa vợ chồng, cũng có những đặc điểm cần có sự thông cảm của mọi thành viên trong gia đình lớn. Thời kỳ vất vả nuôi con, xây dựng tương lai sự nghiệp riêng, xây dựng kinh tế gia đình đã tạm ổn, đến giai đoạn này, hai vợ chồng già lại thấy lại nhu cầu tình cảm săn sóc lẫn nhau như buổi ban đầu. Trong rất nhiều gia đình, hai vợ chồng già ngày càng gắn bó với nhau, họ thông cảm, đón biết từng nhu cầu ý muốn của nhau, có những quan niệm ý thích giống nhau, yêu ghét giống nhau, thích trao đổi tâm tình với nhau, càng ngày họ càng cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Tình cảm đó là thiêng liêng cần hết sức tôn trọng. Mặc khác lòng thương yêu của ông bà đối với cháu nội, cháu ngoại trong nhà là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự đoàn kết, ấm cúng trong gia đình. Biến đổi cơ thể trong quá trình hóa già Đặc điểm chung nhất của quá trình hóa già: các bộ phận trong cơ thể không bắt đầu già như nhau và tốc độ già của chúng cũng khác nhau. Trên một cơ thể nhất định có bộ phận già trước, có bộ phận già sau; có bộ phận hóa già nhanh, có bộ phận hóa già chậm. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng có thể thấy có người tai nghễnh ngãng trong lúc mắt còn rất tinh, có người tóc bạc rất nhanh trong vài tháng, có người mặc dầu tuổi đã cao nhưng tóc còn đen và trải qua thời ký tóc hoa râm rất lâu mới thành bạc hẳn. Người già hay đau khớp, đau mỏi ống xương, do thoái khớp làm cử động khó khăn nhất là cột sống, và do loãng xương dễ gây gẫy xương dù chỉ do chấn thương nhẹ. Các sợi cơ ở tuổi già không bố trí song song mà hay bắt chéo, xoắn cơ teo nhỏ đi. Do yếu cơ, người già đi không vững, mau mệt khi ráng sức, hay run tay chân, động tác kém chính xác. Nhiều cụ nghễnh ngãng lúc đầu, về sau điếc hẳn. Tuy thính giác chỉ là một giác quan nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người già vì mất khả năng tiếp xúc, quan hệ, trao đổi ý kiến, tình cảm với mọi người làm cho người già vốn đã có cảm giác cô độc lại cô độc hơn. Mắt nhìn ngày càng kém. Điều tra trên 13529 cụ ở nước ta thấy 54,14% mắt kém, 20,70% bị đục thủy tinh thể, không nhìn thấy gì. Giọng nói yếu dần, run run, kém sôi nổi, buồn tẻ, kém lưu loát. Chữ viết nhỏ dần, không đều, tốc độ chậm, xấu và dập xóa nhiều. Ở người già nhiệt độ trung bình là 36o9 buổi sáng và 37o2 buổi chiều. Độ chênh lệch nhiệt độ trung bình là 0o3 giữa sáng và chiều, thấp hơn so với người trẻ. Người già hay ớn lạnh, thích sưởi ấm khi chỉ mới bắt đầu trở lạnh. Da nhăn do teo và giảm tổ chức mỡ dưới da; hay có chấm màu nâu nhạt (da mồi). Các sẹo lâu liền. Tóc bạc, răng long. Về tim mạch, hay gặp trường hợp người già tăng huyết áp. So với lúc đứng tuổi, huyết áp tối thiểu thường từ 69,4 ±0,60 tăng lên 78,0 ±0,71 và huyết áp tối đa từ 121,0 ±1,92 tăng lên 150,0 ±3,93 mm/Hg. Những biến đổi đó không nên coi là bệnh lý. Động mạch dễ bị xơ cứng. Về phương diện hô hấp, so với lúc trẻ, dung tích sống giảm 49-56% ở người già, khí lưu thông giảm 11-18%, hít vào tối đa giảm 54-60%, thở ra tối đa giảm 50-60%; tốc độ thở ra tối đa trong một giây giảm 45%, thông khí tối đa trong 1 phút giảm 50%. Đối với hệ tiêu hóa hay gặp trường hợp chán ăn, ăn không tiêu và răng hỏng, dạ dày co bóp yếu; táo bón vì hoạt động ở ruột kém cũng như chế độ ăn không thích hợp. Thận người già hoạt động kém hơn người trẻ gần một nửa, vì vậy dùng thuốc cần cẩn thận, dễ có hiện tượng ngộ độc do tích lũy thuốc quá mức. Những biến đổi của cơ thể trong quá trình hóa già rất nhiều và có mức độ rất khác nhau. Điều cần nhớ là già không phải là bệnh, tuy già có tạo điều kiện cho bệnh dễ xuất hiện. Mặc khác cũng cần nhớ là cơ thể có khả năng rất kỳ diệu tự điều chỉnh trước những biến đổi ở bộ phận này hay bộ phận khác. Vì vậy ở một cơ thể không có bệnh, nếu biết sống hợp lý (nghĩa là hợp với các quy luật của sinh học, của môi trường thiên nhiên và của xã hội) thì trong suốt quá trình hóa già có thể giữ được trạng thái thăng bằng, điều kiện đầu tiên của sức khỏe. Cuộc sống trong gia đình nhất là gia đình gồm nhiều thế hệ, phải góp phần vào việc lập lại, duy trì; củng cố thế thăng bằng đó. Gs. PHẠM KHUÊ - HOÀNG KIM THƯ st. KỊCH HUYỀN THOẠI GÒ RỒNG ẤP Đây là vở kịch nói về nguồn gốc vị vua khai sáng ra nhà Lý là Lý Công Uẩn. Mở lịch sử Việt Nam đọc thì phải nói triều đại nhà Lý mở màn cho thời kỳ nước Việt ta có thế đứng vững vàng đối với các nước lân bang. Vua Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư hẹp hòi ra La Thành và đổi tên thành Thăng Long là nơi dân cư đông đúc để lịnh của triều đình ban ra được truyền rộng rãi tới toàn dân. Khi bị giặc xâm lăng thì hô một tiếng có vạn người thưa nên việc mộ quân chống giặc cũng dễ dàng. Từ thời Lý, Bắc cự nhà Tống của Trung Hoa là một nước lớn, mạnh. Nam thì Chiêm Thành, Chân Lạp đều triều cống. Việt Nam đường đường là một nước được lân bang nể nang. Nhà Lý đã mở khoa thi để chọn nhơn tài ra giúp nước. Việc học bắt đầu khởi sắc. Nguồn gốc vua Lý Thái Tổ thì dã sử có nói đến hai vợ chồng một tiều phu ngụ tạm ở cổng tam quan của chùa Tiêu Sơn. Khi biết người vợ của tiều phu nầy có mang, sư trụ trì không cho ở nữa. Hai vợ chồng định tới một chùa khác. Trên đường đi, vì khát nước, người chồng trở lại giếng nước múc nước và bị té xuống giếng chết, mối đùn thành mộ nên nói đây là ngôi thiên táng tốt lắm. Với nguồn gốc Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ bình thường như vậy, thì Công Uẩn sau nầy có lên làm vua cũng được. Sách Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim thì ghi: “Phạm Thị đi chơi chùa Tiêu Sơn (làng Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ Pháp tên Lý Khánh Văn làm con nuôi, mới đặt tên Lý Công Uẩn”. Chuyện được thần thoại hóa. Nay, báo Tuổi Trẻ ngày 18-6-2019 đăng: “Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ Nường, vô tình lúc ấy thiền sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng trời đất giao cảm nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ. Bà mang thai, vượt bao hiểm nguy, gian khó sinh con và chết trong cuộc sinh nở. Đứa trẻ 36 năm sau trở thành vị vua khai quốc của triều Lý - ông Lý Công Uẩn…” Nhận thấy bà Ngà mang thai với ai cũng được vì nam nữ chung đụng nhau trong hoàn cảnh đặc biệt thì sự tư thông không có gì đáng nói. Đằng nầy bà mang thai với ông sư. Phật giáo Việt Nam có phái Cổ Sơn Môn cho phép nhà sư có vợ có con và ở trong chùa. Không nghe nói sư Vạn Hạnh và sư Lý Khánh Văn có vợ con gì, như vậy hai ông không tu theo Phật giáo Cổ Sơn Môn. Tôi cũng biết có chuyện dã sử nói mẹ Lý Công Uẩn sanh Lý Công Uẩn ở cổng tam quan của chùa Cổ Pháp và chết nên bà hộ chùa bồng vô chùa, sư Lý Khánh Văn đặt tên là Lý Công Uẩn và nuôi dạy nên người. Ông sư Vạn Hạnh lấy Thị Ngà có mang rồi không nuôi, không chăm sóc để bà sanh con rồi chết, thì phải nói ông là ông sư vô đạo, đáng khinh, không đáng là cha một ông vua. Mẹ của Lý Công Uẩn thất tiết với ông sư cũng đáng trách, không đáng là mẹ của một ông vua. Nay, kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp” với nội dung như nêu trên tôi cho là bôi bác triều đình nhà Lý. Kịch lại dự kiến đem sang Trung Quấc dự tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN ở thành phố Nam Ninh (TQ) và cũng dự kiến đem sang diễn ở Nga, Cộng Hòa Czech và một số nước Đông Âu. Với vở kịch đem một ông sư vô đạo và một người đàn bà mất nết mà gán là cha và mẹ của ông vua khai sáng triều nhà Lý, một triều đại lớn của Việt Nam, tôi cho là quá đáng, nó làm nhục cho dân tộc Việt Nam. Như vậy mà đem diễn ở nước ngoài là bêu xấu dân tộc Việt Nam đấy. Khánh Hội - Quận 4 ngày 21-6-2019 PHẠM HIẾU NGHĨA CÁM DỖ VÀ THAM LAM Hắn ngồi đó chẳng làm gì, chỉ là ngóng trời, trông đất. Bà bán bắp luộc đi qua trước mặt hắn. Dù mới ăn sáng vì miệng còn lép chép cái tăm, nhưng hắn cũng rón rén đứng lên. Thoắt cái, hắn đã chôm của bà già trái bắp nóng hổi. Mắt hắn nheo nheo nhìn mấy người quanh đó đang lắc lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Họ chẳng nói gì, vì dây vào hắn thì rách việc lắm. Trở về chỗ cũ, hắn chìa trái bắp cho thằng bé con đi ngang. Đứa bé trố mắt ngạc nhiên rồi tất tả đi, vì nó chưa quen nhận quà từ tay người lạ. Bực mình, hắn ném trái bắp rõ xa, miệng tục tằn lẩm bẩm. Ở đầu xóm, người ta thấy anh chàng Việt kiều liêu xiêu lết ra chiếc ta-xi đậu gần đấy với cửa đã rộng mở. Nhưng anh chỉ có thể lên được xe khi vợ anh hết sức dìu vào. Chẳng là anh mệt quá sau khi bị Tào Tháo rượt thâu đêm. Lúc này bụng anh đã im ắng sau khi nốc vài viên thuốc mà vợ anh cẩn thận đem theo khi về thăm quê cha đất tổ. Lý ra, họ chỉ cần chừng ít phút là về tới khách sạn, nhưng đành phải kêu ta-xi dù đoạn đường chỉ chừng dăm trăm mét. Người tài xế bực mình vì đoạn đường ngắn ngủi ấy. Gã cau có khi được hỏi giá cước: - Nhìn kìa! Người vợ nhìn đồng hồ tính tiền. Chị ngỡ ngàng thấy con số lên tới hơn trăm. Nhưng vì là người ở xa về nên chị chẳng biết thế là nhiều hay ít, và đồng hồ chỉ thị như thế có nghĩa gì. Chị móc bóp, định lấy tờ hai trăm, thì gã tài xế giả lả: - Một trăm được rồi… Thật là “tử tế”! Vì thật ra số tiền phải trả chỉ là mười mấy ngàn mà gã bởi chút tham lam nỡ lấy của người ta như thế… Những chuyện như vậy chẳng hề hiếm hoi trong cuộc sống hàng ngày. Người giàu có tay phưỡn đầy vàng cũng vẫn có thể cưỡi chiếc xe hào nhoáng ghé vào ven đường, thò tay vào chiếc cần xế đựng bánh mì có treo bảng chữ “Bánh Mì Từ Thiện, Mỗi Người Một Ổ”. Bà ta không lấy một, mà những hai ổ, mặc cho ai đó tò mò, thắc mắc. Thậm chí, nơi bệnh viện, chẳng thiếu người tham lam lấy vài hộp cơm từ thiện dành cho người nghèo, rồi… đổ hết cơm vào thùng rác, chỉ lấy hết thức ăn vốn chẳng nhiều nhặn gì, nên phải lấy vài hộp cho… đủ! Tệ hơn, đám người bất nhân ấy đem vào bệnh viện… bán lại cho những người không kịp chen chân lấy cơm. Tất nhiên là giá chỉ bằng nửa nếu phải ra hàng ăn mua như người bình thường. Ôi! Cái đám ăn cướp ấy còn nhe răng bịt vàng ra, ngụy biện: - Không có tui thì mấy ông mấy bà làm gì mà có hộp cơm giá… bèo như thế! Tham lam không dừng lại ở việc cỏn con như vậy! Bằng cớ là chính vị bác sĩ nổi danh vẫn cứa cổ bệnh nhân của mình, khiến họ không chỉ đớn đau về mắt thể xác, mà còn suy sụp tinh thần vì chẳng hề trông cậy được chút nào vào lòng từ nhân dần hiếm hoi trong cuộc sống duy thực này… Nghĩa là, sự cám dỗ luôn hiện diện trên mọi nẻo đường và trong mọi lúc! Người ta không hề cảm thấy mình đã bất công đến thế nào khi chiếm cả một quãng hẻm dài làm chỗ bày tiệc cho một đám tang, thậm chí cả đám giỗ, đám cưới… bất kể người qua lại phải đảo điên vì còn biết đi lối nào ngoài con hẻm đã bị thít lại với chiếc ghế hờ hững kẹp tấm bảng “Nhà có đám…, xin đi lối khác”. Họ không còn quan tâm đến thứ gì khác ngoài quyền lợi vô hạn của mình. Họ bị rù quyến bởi những đam mê trần trụi. Họ bị hấp dẫn bởi những thứ chưa thuộc về mình: nhan sắc của ai đó dù mình đã là người có gia đình tử tế; tài sản chung mà hớ hênh dễ chiếm đoạt; treo đầu dê nhưng bán thịt chó để túi tiền căng muốn rách mà vẫn cứ tống, tọng vào đến nỗi đổ mồ hôi hột mới khóa được miệng túi thè lè ra kia. Họ dựa vào tâm lý sợ hàng gian hàng giả đang ngập tràn ngoài chợ, mà quảng cáo hàng của mình là thứ “nhà làm” rồi tùng xẻo không nương tay đồng tiền của chính những người thân thiết. Họ kiếm đủ mọi cách để bơm vào bình xăng có dung tích 3 lít mà đồng hồ báo đến tận… 4 lít! Họ nuôi bệnh để thay vì uống thuốc một tuần là khỏi thì phải uống đến nửa tháng những viên thuốc xinh xinh chẳng còn tên vì vỏ đã được khéo léo xé đi cho… nhẹ! Nếu kẻ nghèo túng giấu biệt đi phần cơm miễn phí, rồi chìa tay lấy thêm phần khác, với lời phân bua, “e chiều không có nên lấy sơ cua trước cho chắc ăn” còn tạm được cảm thông. Thì ngược lại, việc nhiều bậc tu hành mà còn tham lam cất cái nhà cho thật to, mua chiếc xe thật hào nhoáng, thậm chí kinh doanh cả cây xăng, hay bất cứ thứ gì đẻ ra tiền… chẳng có lời nào giải thích được ngoài hai chữ “tham lam”. Và cả kẻ nói nhiều, nói hay, phê bình này nọ, phải chăng đã đầu hàng trước muôn cơn cám dỗ muốn “làm cha” thiên hạ, nên suốt đời mãi nhả ngọc phun châu. Nhưng tận sâu trong lòng những “thứ” ấy, chỉ là rỗng tuếch, chỉ là chũm chọe chập cheng vô hồn… “Thứ” ấy là ai nhỉ? Phải chăng là chính ta mà ta không biết! Ta có giả bộ quên để “uy tín” được vẹn toàn, để “thanh danh” không vấy bẩn? LAM TRẦN THÀNH TÍN Chữ Tín là động cơ của chữ Thành, nên hai chữ Thành Tín đi đôi với nhau, cũng như chữ Nhân ( ) đi đôi với chữ Từ, chữ Cung đi đôi với chữ Kính. Chữ Tín là một đức trong Ngũ hành (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) mà lại là cơ quan duy trì bốn đức kia. Nên sách xưa có câu: “Nhân nghĩa lễ trí, phi tín bất thành”. “Thành chi giả nhân chi đạo dã” (Hiểu cái nguyên lý “Thành” để áp dụng là đường lối của con người). Người là một loài trong muôn vật, thọ bẩm khí âm dương, ngũ hành của Trời Đất trong thân thể: phần huyết là âm, phần khí là dương. Trong ngũ tạng, tim thuộc hỏa, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, phế thuộc kim, thận thuộc thủy. Lại lúc sơ sanh, Trời phú cho đủ năm tánh: nhân thuộc can, nghĩa thuộc phế, lễ thuộc tim, trí thuộc thận, tín thuộc tỳ. Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm, Dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sanh vạn vật, xoay vần luân chuyển, sanh sanh hóa hóa. Cũng vì thế mà cây cỏ bẩm thọ âm dương ngũ hành, tự nhiên có đủ năm sắc và năm mùi. (Trắng thuộc Kim, Xanh thuộc Mộc, Đen thuộc Thủy, Vàng thuộc Thổ, Đỏ thuộc Hỏa) (Cay thuộc Kim, Chua thuộc Mộc, Mặn thuộc Thủy, Đắng thuộc Hỏa, Ngọt thuộc Thổ) Hai chữ Thành Tín nêu trong Kinh Truyện với những cách ngôn như sau: - Chí thành khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục (Bực chí thành có thể giúp được cơ sinh hóa dưỡng dục của Trời Đất). - Chí thành chi đạo, khả dĩ tiền tri (Đạo chí thành tiên tri được việc họa phúc). - Chí thành vi năng hóa ( Lòng chí thành cảm hóa được mọi vật). - Nho hữu trung tín dĩ vi giáp trụ lễ nghĩa dĩ vi can thuẫn (Kẻ nho lấy trung tín làm giáp mão, lấy lễ nghĩa làm cái can cái thuẫn: ý nói binh khí sức mạnh của nhà Nho là trung tín và lễ nghĩa). - Dân vô tín bất lập (dân không thành thật thì đất nước không vững bền). - Ngôn trung tín, hành đốc kính, tuy Man Mạch chi bang, hành hĩ; ngôn bất trung tín, hành bất đốc kính, tuy châu lý, hành hồ tai? (Lời nói có trung tín, nết ở có hậu kính, tuy đến nước mọi rợ cũng hành đạo được; lời nói không trung tín, nết không hậu kính, dầu ở trong làng xóm của mình cũng không làm chi được). LỆ NGỌC st. BUỔI HỌP PHỤ HUYNH Đúng 7g sáng, các phụ huynh có mặt ở phòng họp, ký tên điểm danh xong thì tìm đúng ghế của con mình ngồi xuống. Có thể nhận ra rằng tất cả mọi người đều chú ý ăn mặc chải chuốt đầu tóc, nhìn quần áo ai cũng là lượt, phẳng phiu. Lúc ổn định chỗ ngồi, có những vị phụ huynh lịch sự nhẹ nhàng đi đến chỗ ngồi của con mình trong yên lặng, có những vị phụ huynh nhao nhao nói chuyện bàn tán này nọ. Vừa nhìn thấy cô giáo, một phụ huynh đã lớn tiếng nói: - Cô giáo, chả trách mà Bích Ngọc nhà tôi thành tích kém. Vì sao cô xếp nó ngồi tít ở cuối lớp thế này. Nói xong bà nhấc ghế ngồi xuống tạo tiếng động lớn vang cả gian phòng. Với trường hợp này mà nói, các bậc phụ huynh khác không nói gì chỉ biết lắc đầu ghét bỏ, cô giáo cũng không để ý đến người phụ nữ đó tiếp tục kêu gọi các bậc phụ huynh khác đến ký tên điểm danh và tìm chỗ ngồi. Sắp đến 7g30 phút, cô giáo thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ treo tường, kiên nhẫn chờ mọi người viết phiếu đánh giá và ổn định chỗ ngồi. Đến giờ cô giáo mời các bậc phụ huynh yên lặng, ổn định chỗ ngồi và đóng cửa lại, bỗng cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, một người đàn ông xuất hiện ở cửa, thở hổn hển. Đó là một người đàn ông trung niên, toàn thân đều là dầu nhớt nhưng miệng luôn nở nụ cười, dùng giọng địa phương xin lỗi cô giáo. Giọng nói của người đàn ông không quá lớn, nhưng thu hút ánh nhìn của tất cả mọi người trong phòng, ông mặc một bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh nhưng loang lổ lốm đốm màu, quần thậm chí còn không nhìn rõ màu do có quá nhiều bụi và bùn đất, chân đi ủng đi mưa, đầu đội mũ bảo hộ, trên người còn có nhiều móc đeo. Chỉ cần nhìn là biết vừa từ công trường xây dựng chạy qua. - Xin hỏi anh là phụ huynh học sinh nào? - Tôi là bố cháu Trần Trung Lương - Ồ..., cô giáo phát ra một tiếng ồ kinh ngạc. - Xin hỏi, tôi ngồi ở đâu thưa cô giáo? - Chính là vị trí trống còn lại bên tay trái, nói xong cô lại nói tiếp, làm phiền anh ký tên điểm danh và điền phiếu đánh giá. Anh cầm bút, sắc mặt có chút ngượng ngùng, cầm bản điểm danh xoay 360o, cô giáo nghĩ rằng anh ta không tìm thấy tên con trai mình nên chỉ: - Anh ký tên ở đây này. - Cô… Cô giáo, tôi không biết chữ, nói xong anh đầu cúi xuống rất, rất thấp. Cả phòng không một tiếng động. Lúc này cô giáo mới nói: - À, không sao, không sao đâu, tôi ký thay anh, mời anh về vị trí của em Trần Trung Lương ngồi. - Kính thưa các vị phụ huynh, hôm nay là cuộc họp phụ huynh cuối cùng của năm học này, cảm ơn mọi người đã có mặt và tham gia đầy đủ. Tôi biết các bậc phụ huynh khi cho con đi học đều “mong con cái thành tài. Thông qua cuộc họp này, mong các vị phụ huynh có thể chia sẻ cách dạy con để mọi người cùng biết và học tập”. Cả phòng họp lại lao xao lên một lần nữa, cô giáo yêu cầu giữ trật tự: - Bây giờ xin mời phụ huynh em Hoàng Hào Kiệt bước lên. Phụ huynh của bạn nhỏ Hoàng Hào Kiệt nói xong còn có hai phụ huynh khác bước lên chia sẻ, nói về cách dạy con, cũng không có gì mới, quản con cái làm bài tập còn mời cả gia sư về nhà dạy thêm cho con. Lúc cô giáo nói mời phụ huynh em Trần Trung Lương lên phát biểu cả phòng họp đang im lặng đột nhiên lao nhao. Thật quá ngạc nhiên, mọi người không nghĩ đến con trai anh công nhân này lại có thành tích học tập tốt đến như vậy. Người ta nhìn thấy bố bé Trần Trung Lương hơi đỏ mặt đứng dậy, bước đi ngượng ngùng lúc đi còn không cẩn thận va vào băng ghế dự bị bằng sắt, xin lỗi rồi tiếp tục tiến lên bục phát biểu. - Hì..hì…, anh ta cười ngượng ngùng, mắt vẫn không dám nhìn thẳng những vị phụ huynh ngồi dưới. Cô giáo nói: - Học sinh Trần Trung Lương là học sinh có thành tích tốt nhất trong lớp chúng ta, môn Toán em luôn đứng đầu lớp. Em là học sinh rất chăm chỉ, chưa bao giờ đi muộn, cũng rất hòa đồng với những bạn khác trong lớp. Chúng ta cùng im lặng nghe kinh nghiệm dạy con của bố bạn Trần Trung Lương nhé. “Kinh, kinh nghiệm tôi không dám nói là mình có. Tôi chỉ là thích xem con làm bài tập, mỗi ngày đi làm về tôi đều ngồi bên cạnh con xem con làm bài tập”. Cha Trần Trung Lương dừng lại, nhìn cô giáo, cô giáo chỉ mỉm cười nói anh tiếp tục. “Một ngày nọ, con trai tôi hỏi: “Bố ơi, bố ngày nào cũng ngồi xem con làm bài tập, bố có hiểu gì không?” Tôi nói: “Nếu con trai của bố làm rất nhanh còn xoay xoay bút thì bố biết đề bài này dễ, nếu con trai của bố bật quạt, uống nước thì bố biết đề bài này không dễ nhằn”. Lớp học im lặng một cách kỳ lạ, người ta còn nghe rõ được tiếng kim đồng hồ xoay trên tường, ngoài cửa sổ phụ huynh của các lớp khác cũng đến đứng ngoài nghe. “Tôi làm việc ở công trường xây dựng, ngày nào cũng bận rộn với sỏi đá, xi măng, nói là dạy chắc tôi không có thời gian dạy nó, chỉ là tôi và con thường hay nói chuyện với nhau. Khi tôi về nhà, làm các công việc nhà, con trai cũng thường hay kể chuyện cho tôi nghe”. “Tôi nói: Con trai con có muốn giống giám đốc, suốt ngày được đi ra nước ngoài không?” Con trai tôi nói muốn. Tôi liền nói thế thì con phải học thật giỏi. Con trai tôi gật đầu. Tôi chỉ vào tòa nhà mà đội chúng tôi tự tay xây dựng nên, hỏi con: “Con trai, con có muốn sống trong những tòa nhà cao, rộng và đẹp đẽ không?” Con trai tôi gật đầu. Tôi liền nói thế thì con phải học thật giỏi. “Nhìn thấy trên đường có những chiếc ô tô dài, đen, bóng loáng, chạy tốc độ rất nhanh, tôi lại hỏi con trai mình: “Con có muốn có một chiếc ô tô dài, bóng như vậy không?” Con trai tôi gật đầu. Tôi liền nói thế thì con phải học thật giỏi. Tôi chưa từng được đi học, chữ cũng không biết viết, cũng không biết thế nào là đạo lý dạy con, chỉ có thể những lúc làm ở công trường nhìn thấy cái gì về nhà lại nói chuyện với con, nhìn thấy con trai gật đầu, tôi rất vui, xoa đầu con trai. Con trai rất thích ngồi bên cạnh tôi, nhìn tôi làm cái này cái nọ, nói chuyện với tôi. Thỉnh thoảng nó mang cho tôi cốc nước. Tôi rất ít cho con trai tiền tiêu vặt vì vậy mà con trai tôi không biết lên mạng cũng không có tiền chơi game online, hay mua đồ ăn vặt. Thời gian nhàn rỗi có thể làm việc nhà, đôi khi còn biết giúp tôi giặt quần áo. Những người làm công nhân xây dựng như chúng tôi, tứ hải là nhà, công trường ở đâu nhà tôi ở đó, nói về kinh nghiệm tôi không có kinh nghiệm gì cả. Tôi chỉ là thích nói chuyện với con, thích xoa đầu con, thích nhìn nó làm bài tập, thích hỏi con cái này cái kia… Thật sự rất cảm ơn nhà trường, đã dạy dỗ con tôi tốt như vậy, dạy nó biết hiểu chuyện, nghe lời và lễ phép, các thầy cô, thật vất vả quá”. Nói xong những lời này anh hướng về phía cô giáo cúi đầu cảm ơn, sau đó hướng về phía các vị phụ huynh ở dưới cúi đầu. Chúng tôi, những vị phụ huynh khác cũng cúi đầu cảm ơn cô giáo, các thầy cô đã thực quá vất vả rồi, đối với chúng tôi trước đây mà nói, con cái học hành không tốt là do giáo viên không dạy dỗ tử tế, con cái học hành tốt lại là công lao của chúng tôi. Với phụ huynh của cháu Trần Trung Lương “Một ông bố không biết chữ” thì những người đã học lấy bằng này bằng nọ như chúng tôi cảm thấy thật xấu hổ. Lúc tôi còn đang chìm đắm trong suy nghĩ của chính mình, bố Trần Trung Lương đã về đến chỗ ngồi, tất cả mọi người trong phòng họp đều vỗ tay tán thưởng. Lời Kết: Đây là bài viết khiến người đọc cảm động và phải suy ngẫm. Tại sao anh thợ nghèo không biết chữ lại có thể dạy được đứa con học giỏi, chăm ngoan như thế? Từ việc anh sẵn lòng nói chuyện với con mỗi khi có thời gian đến hành động cúi đầu cảm ơn cô giáo, tôn trọng người đã cho con trai mình kiến thức có thể nhìn ra đáp án, dạy dỗ một đứa trẻ nhất định phải dạy nó nên người, làm một người có đạo đức, sau đó mới là thu hoạch tri thức. Hoàng Chúc st. LÀNG CƯỜI SẢN PHẨM CỦA MỘT DÂN TỘC LẠC QUAN ĐỖ THÚY Xung quanh cái cười thật lắm chuyện, nhiều tác giả viết sách khảo cứu về nó. Các nhà khoa học tâm lý, thần kinh… khi nghiên cứu chữa bệnh cho bệnh nhân cũng rất quan tâm đến hiệu quả của tiếng cười. Con người không thể nhịn ăn cũng như không thể nhịn… cười! Còn các loài khác thì không. Cười cũng có nhiều cách, tùy cung bậc tình cảm mà biểu lộ qua nụ cười. Tạm kể: Cười tủm, cười nụ để chỉ cái ý kín đáo ít ồn ào; ngược lại là cười xòa, cười khì, cười ồ, cười như nắc nẻ, cười phá thậm chí cười vỡ bụng; cười để làm đẹp có cười duyên, cười tình; để chiều chuộng có cười nịnh, cười góp; đánh trống lảng: cười trừ, thích thú riêng: cười ruồi; tỏ ý giận dữ: cười khẩy; khinh bỉ, không vừa lòng: cười nhạt, cười mát; mỉa mai hận thù: cười gằn; khi vui quá hoặc khi đau đớn quá có: cười ra nước mắt. Ngoài ra còn có cười xã giao, cười kiềm chế, cười lả lơi, cười thất vọng, cười che giấu, cười hồn nhiên, cười chiến thắng, cười cổ điển kể cả cái cười hết cỡ của sự khoái trá, thư giãn. Cố nhà văn Nguyễn Tuân, trong bản tham luận của mình, đã liệt kê tới hàng trăm nụ cười khác nhau. Nữ nghệ sỹ tuồng nổi tiếng Đàm Liên trong lần gặp gỡ chúng tôi đã cười đủ 36 kiểu, có kiểu Đàm Liên cười đến lặng đi, tưởng như tiếng cười cuốn sâu vào tâm can, cười xong… trong tĩnh lặng, hai giọt nước mắt Đàm Liên chảy dài trên má. Các vai hề trong các vở tuồng, chèo, cải lương dân tộc đã có chỗ “đứng” trong lòng khán giả. Hề chèo có Xuân Hinh với các vai “Thầy đồ”, “Cu sứt”, “Phó tiên… sư huấn luyện thi hoa hậu” gây cười sảng khoái. Vai hề hoạn của bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt, gây cười chua chát. Hiện tượng thơ Bút Tre ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20 đã góp vào làng cười những tiếng cười hiền hậu, vui vẻ, thêm yêu cuộc sống còn nhiều vất vả. Còn nói về các làng cười chính hiệu thì nói chả ngoa, khắp nước Việt ta đâu cũng có… cả làng cùng cười, thậm chí cả một vùng cùng cười, cười đến ngất nghểu, cười đến lắc lư cả người… Xin tạm kể một số địa danh… cười: Như nói khoác có: Trúc Ổ, Đông Sài, Đông An, Yên Từ (Bắc Ninh), Hòa Làng, Dương Sơn, Tiên Lục (Bắc Giang), Văn Lang (Phú Thọ); nói tức có Can Vũ (Bắc Giang), Đông Loan, Nội Hoàng (Bắc Ninh); nói ngang có Hiên Ngang (Bắc Ninh), Phụng Pháp (Bắc Giang); nói khoe nói giễu có: Cao Lôi, Kha Lý (Bắc Giang); nói trạng có Vĩnh Hoàng (Quảng Trị). Những vùng cười như Xứ Nghệ, Xứ Huế mà chuyện cười rất hóm, rất sắc đả vua quan, hào lý ra trò. Chỉ tiếc những làng cười vùng cười ấy chỉ còn trong… sách vở tài liệu và trong ký ức mọi người. Nếu tôi không nhầm, ngành văn hóa cố khôi phục lại một số làng cười mà chưa xong, như tục nói trạng Vĩnh Hoàng chẳng hạn. Một số cá nhân đã được “đắp thêm” để từ nguyên mẫu trở thành những nhân vật hài dân gian. Ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thì truyện Trạng Quỳnh đi sâu vào đám dân dã, ra cả nước. Cũng “hệ” ấy, ở làng Bái Nại, huyện Nga Sơn cùng tỉnh, có chuyện đồ Hàn bán chó, bán một con thêm một con và cây rã tức cây long não thơm lừng khắp cả tổng. Thói phóng túng và bệnh ngoa ngôn của họ Phạm, trong vùng ai cũng truyền tụng. Các vùng đều tiêu biểu bằng những nhân vật hề hài: Ba Giai - Tú Xuất (Hà Nội), Trạng Lợn (Nam Định), Thủ Thiệm (Quảng Nam), Ông Ó (Bến Tre), Ba Phi (U Minh) v.v… Ai giỏi như trạng, mặc nhiên sẽ được phong trạng, không cần đỗ đạt. Nói khoác, nói tức, nói ngang, nói trạng, nói giễu, nói khoe suy cho đến cùng là nói phét, ngoa ngôn, đại ngôn châm chọc để gây cười - nụ cười là cái đích cuối cùng các lối nói này. Chuyện cười Văn Lang (Phú Thọ) rất giống Đồng Sài, Hòa Làng (Bắc Ninh, Bắc Giang) thể hiện đúng làng nông nghiệp “chay” có hát xoan và quan họ. Cũng có nơi, đề tài đa dạng hơn như Đông An; cười để mà cười, cười cho vui như Dương Sơn tự vỗ ngực “Nói khoác bằng ba Hòa Làng”. Nhiều làng còn dùng thổ ngữ, thổ âm của địa phương để câu chuyện có duyên, gây cười hơn. Xin chép ra đây mấy chuyện cười ở Văn Lang, xem cả làng có nhịn cười được không? Khoai nước dẻo Em cam đoan không ở đâu có thứ khoai nước dẻo như ở làng em. Ngày nọ, bà ngoại em sang chơi, bố em mới luộc một nồi chín tới thì bưng lên mời bà. Quái, cắn được một miếng thì bà cứ nín thin thít, chả nói được lời nào. Hay bà bị cảm gió, cấm khẩu? Cả nhà sợ hết hồn, xúm lại lay gọi bà. Bố em mới lấy tay mếch hàm trên, cậy ra, thì bà em lại há mồm ra được. Lúc ấy mới biết tại khoai dẻo quá gắn chặt cả hai hàm bà lại. Mua tủ mới, phải nhốt gà… Trọc phú nọ đi mua được cái tủ mới, sai người khiêng về. Đến trước cổng nhà gọi to: “Nhốt gà, nhốt chó vào nhớ!” Nghe vậy, đám người làm mừng thầm, nghĩ phen này được bữa chén. Vợ trọc phú cũng dòng “vắt cổ chày ra nước” bảo chồng: “Có cái tủ mới, việc gì phải cỗ bàn to thế!” Trọc phú mắng vợ: “Đồ mày dốt. Tủ chạm trổ thanh thoát, mặt gỗ bóng loáng như gương, không nhốt gà, nhốt chó để chúng nó soi vào nhìn thấy chúng, rồi đâm đầu vào mà chọi mà sủa… làm hỏng tủ à…?”. Cây cải canh Chắc cả nhà đều biết loại rau cải chỉ để nấu canh nên gọi là cải canh. Nhà em có cây cải canh… cao… như cây lim, lá to như lá đao, xòe tựa tán bàng. Chẳng thế mà một hôm bộ đội hành quân qua gặp mưa to như trút nước… Cả người, cả pháo cứ thế dạt vào gốc cây. Mưa qua một khắc, tầm tầm tã tã thì tạnh, chẳng anh nào bị dính đến một giọt nước! Lão hà tiện Một lão hà tiện bị cọp vồ, con trai lão vội giương súng bắn cọp để cứu cha. Lão hà tiện vội kêu lên: “Nhắm chân nó mà bắn… Đừng bắn vào mình nó mà hỏng tấm da, bán không được giá…!”. ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st. Giới thiệu sách Tiểu sử THÁNH ALÊXÙ (ALEXIS)
Kính ngày 17-7 Tiểu sử: Saint Alexius hoặc Alexis Rome hay Alexis của Edessa là một vị thánh Phương Đông mà sự tôn kính này sau đó được lan truyền đến Rôma. Việc di chuyển sự tôn sùng đến Rôma được hỗ trợ bởi niềm tin rằng thánh nhân là người bản xứ của Rôma và đã chết ở đó. Việc kết nối với Rôma này bắt nguồn từ một truyền thuyết Syria trước đó trong thời kỳ làm giám mục của Đức Cha Rabbula (412-435) kể lại rằng Ông là “Người đàn ông của Thiên Chúa”, sống ở Edessa, vùng Lưỡng Hà, là một người ăn xin, và chia sẻ bố thí ông nhận được với những người nghèo khác. Alexis sinh vào cuối thế kỷ thứ IV, là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả của một Nghị viên Viện Nguyên Lão Rôma. Cha ngài là Euphemianô và mẹ là Aglaia. Ông đã học được đức yêu thương đối với người nghèo từ cha mẹ Kitô giáo tốt của mình. Khi đến tuổi trưởng thành, Alexis muốn từ bỏ sự giàu có và vinh dự của mình, nhưng cha mẹ ông lại chọn một cô dâu giàu có xinh đẹp thuộc dòng dõi quý tộc. Bởi vì đó là ý muốn của cha mẹ, nên ông kết hôn với cô ấy. Tuy nhiên, ngay trong ngày cưới của mình, ông được sự cho phép của cô ấy để rời xa cô và gắn bó với Thiên Chúa. Ông trốn khỏi gia đình, rời Rôma đến Edessa, tức Sanliurfa, Thổ Nhĩ kỳ ngày nay. Người ta kể rằng, theo gương của thánh Gio-an Kalybiten, Thánh Alexis đã sống trong suốt 17 năm trời trước một ngôi thánh đường tại Edessa với tư cách là một người hành khất khó nghèo và khiêm nhường. Nhưng khi cả vùng duyên hải người ta kháo nhau rằng, người hành khất này chính là một vị Thánh, và mọi người kéo đến chiêm ngưỡng thì Ngài lại bỏ đó để đi tới một nơi khác. Đang khi đáp tàu trốn khỏi Edessa với ý định tới một nơi rất xa, Alexis đã gặp phải một trận bão ngoài khơi. Trận bão này đã đẩy chiếc tàu của ngài dạt vào bờ biển Rôma. Rời khỏi tàu, Alexis quyết định tìm về nhà cha mẹ mình. Tuy nhiên, cha mẹ ngài lại không nhận ra người hành khất này là con trai của họ, nhưng vì lòng nhân hậu, ông bà vẫn chấp nhận cho người hành khất ấy được vào sống trong nhà. Từ đó, Alexis đến sống dưới chân cầu thang của chính nhà cha mẹ mình. Trong 17 năm sống ở đó, Alexis thường xuyên bị các tên đầy tớ xỉ vả và trút nước bẩn lên người, nhưng ngài vẫn cố gắng chịu đựng và luyện tập sự kiên nhẫn. Ngài thường ra ngoài chỉ để cầu nguyện trong nhà thờ và kể cho các em nhỏ nghe về Thiên Chúa. Mặc dù ngài có thể nói cho cha mẹ biết mình là Alexis, để trở lại tư cách làm con và được sống sung sướng như trước nhưng ngài lại chọn cách giấu nhân thân của mình, sống một cách lặng lẽ, âm thầm. Ngài quả là con người có lòng can đảm, ý chí mạnh mẽ với một sự chọn lựa hết sức đặc biệt. Sau một thời gian lâm bệnh nặng và bị những tên đầy tớ hắt hủi, Alexis đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17 tháng 7 năm 417 (có tài liệu nói ngài qua đời năm 430). Sau khi ngài qua đời, gia đình ông tìm thấy một ghi chú trên cơ thể của ông, điều này đã nói với họ ông là ai và làm thế nào ông đã sống cuộc sống sám hối của mình từ ngày đám cưới của mình cho đến khi đó, tất cả cho tình yêu của Thiên Chúa. Ngay lập tức người ta đã mời Đức Giám Mục Rôma đến. Trước sự kinh hoàng tột độ và vô cùng đớn đau của người vợ và của cha mẹ ngài, cũng như trước sự hiện diện của hai vị hoàng đế Honorius và Arcadius (của đế quốc Đông và đế quốc Tây Rôma), Đức Giám Mục đã giải mã bức thư được để lại. Tuy nhiên, theo truyền thống phát xuất từ thế kỷ thứ IV hay thứ V tại Syria, thì Thánh Alexis không được nêu tên, nhưng chỉ được gọi là “Người của Thiên Chúa”, và vị Thánh này luôn luôn sống tại Edessa, với một cuộc sống thánh thiện trong sự nghèo khó, cũng như đã qua đời tại Edessa. Đến thế kỷ thứ IX các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới Rô-ma và hiện đang được bảo quản, tôn kính cách đặc biệt tại ngôi Thánh Đường mang tên Ngài cũng như mang tên của Thánh Bonifatius I, và trong nhiều ngôi Thánh Đường khác nhau, chẳng hạn như tại Thánh Đường Bonifacio e Alessio của Rô-ma, Thánh Đường Břevnov tại Prag (Tiệp Khắc) v.v… Vào năm 1350, một Dòng Tu mang tên Thánh Alexis đã được thành lập để chăm sóc các bệnh nhân. Theo tương truyền, khi đụng chạm tới Thánh Cốt của Ngài, nhiều bệnh nhân đã được chữa lành. Với thánh Alexis, chúng ta nhìn nhận ngài là một vị thánh tuyệt vời. Ngài không phải là một tu sĩ nhưng ngài chọn lối sống ẩn tu và hành khất. Ngài có lòng đạo đức, say mê với việc cầu nguyện và sống trong tâm tình mật thiết với Đức Kitô. Với lòng nhẫn nại, khiêm nhường, và nhờ ơn Chúa giúp, ngài đã vượt qua được những sỉ nhục, những khó khăn, thiếu thốn để trở nên bông hoa cứng cáp, màu sắc tươi sáng và ngát hương của Thiên Chúa giữa trần gian. Qua nếp sống thánh thiện của ngài, mọi người nhận ra được hình bóng của Đức Kitô đang hiện diện. Noi gương thánh Alexis, các Kitô hữu của nhiều thế hệ đã cố gắng từ bỏ những đam mê, sự quyến rũ của cuộc sống trần thế này để lắng nghe được lời kêu gọi của Đức Kitô. Theo lời mời gọi của Đức Kitô, các Kitô hữu đặt niềm tin vào Thiên Chúa, nhận biết được sự yếu đuối của bản thân. Chạy đến với Đức Kitô, các tín hữu cầu xin ơn thứ tha tội lỗi và xin Người ban thêm sức mạnh hầu can đảm vác thánh giá đời mình trên hành trình trần gian để tiến về quê hương vinh phúc mai sau. Sự tôn kính Thánh Alexis đã đạt tới đỉnh điểm vào cuối thời Trung Cổ cũng như vào thời Barock. Vào thế kỷ XVII, một vở kịch về Thánh Alexis được biên soạn bởi Stefano Landi đã được biên soạn thành một vở kịch mới bởi Giulio Rospigliosi - người sau này trở thành Giáo Hoàng Clemen IX. Vào năm 1977, vở kịch này vẫn còn được trình diễn ở nhiều nơi tại Âu Châu. Các nghệ sĩ thường trình bày thánh Alexis trong bộ dạng người hành khất ngồi dưới chân cầu thang. Ngài được tôn kính với tư cách là bổn mạng của những người hành hương, những người hành khất, những người sống nay đây mai đó và các bệnh nhân. Thánh Alexis cũng được mừng kính với tư cách là vị bổn mạng chống lại động đất, sấm sét, giông tố, bão táp, dịch hạch và các dịch bệnh bộc phát. Trong thời Trung Cổ, các truyền thuyết về thời thanh niên của Thánh Alexis rất được nhiều người biết tới, và sự tôn kính dành cho Ngài cũng rất phổ biến. Truyền thuyết về Thánh Alexis còn được soạn thành thơ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như trong tiếng Pháp, tiếng Ý hay tiếng Đức. Riêng tiếng Việt có đến Ba bản: ở miền Bắc được soạn thành vè bốn chữ (nghe kể lại ít đoạn chứ chưa thấy văn bản cũng như trên Internet), còn ở miền Nam là thơ lục bát. Có 2 bản: Bản 1: Nội dung được đăng trên trang web http://caimon.org/Giaoly/Chuyenxua/Alexu/index.htm Sách được xuất bản năm 1954, với Imprimatur của Đức cha Cassaigne, Đại diện Tông tòa Sài Gòn. Bản 2: Do Tu sĩ HOÀNG HUY DIỆU soạn (1958) Được Imprimatur tại Saigon 7.3.1963 Do Đức cha Fx. Khâm đã ký Sách gồm 40 trang khổ nhỏ 10x15.5cm. (Hiện đang được giữ tại gia) Sau Lời mở đàng là Tiểu sử được viết theo thể thơ lục bát, nói về cuộc đời của thánh Alêxù. Khi còn nhỏ mẹ tôi đã từng ru các con bằng những vần thơ đạo đức này, bây giờ lớn lên mỗi người một phương mỗi người một nhà nhưng không bao giờ quên những hạt mầm mà cha mẹ đã gieo: sự yêu thương Thiên Chúa, yêu thương con người hy sinh tất cả, chia sẻ tất cả chỉ để đạt được một mục đích yêu người như Chúa yêu ta. Xin được giới thiệu để quý bạn yêu sách thưởng lãm.
HÀ MẠNH ĐOÀN (phần tiểu sử thu nhặt trên internet)
Phụ bàn IV THẮNG HAY THUA ? Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay. Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: - Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không? Hòa thượng hỏi lại: - Cược thế nào? Cậu thiếu niên trả lời: - Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu. Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: - Con bướm trong tay cháu chết rồi. Cậu thiếu niên cười lớn đáp: - Ngài đoán sai rồi. Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên. Hòa thượng nói: - Được, gánh củi này thuộc về cháu. Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi. Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà. Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe. Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: - Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy. Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa. Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: - Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ. Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì. Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng. Người cha thở dài, nói: - Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết. Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết. Kim Sơn st. 24 CHỨNG BỆNH KHÔNG NÊN COI THƯỜNG Các vụ đau đớn hay bệnh tật thông thường rất có thể là chẳng có gì quan trọng… nhưng đôi khi lại vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy chúng ta cẩn phải cẩn thận cân nhắc những gì phải làm mỗi khi sự việc xẩy ra cho chúng ta. 1. Khi không (bỗng nhiên) thấy tức thở Lý do: Có thể là do nghẽn mạch phổi (pulmonary embolus). Nhận xét: Cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục hay đang ngồi có thể là do vận động hay do ưu tư lo lắng. Nhưng nếu đột nhiên bị khó thở có thể là do chứng nghẽn mạch phổi do cục đông máu làm nghẹt mạch máu trong phổi. Bệnh này có thể nguy hiểm tới tính mạng. Một lý do khác là tim lên cơn đau hoặc trụy tim. Cả hai tình huống trên đều làm cho bệnh nhân thở gấp hay khó chịu hoặc cảm thấy thiếu không khí. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu. 2. Tim đập rộn trong khi đang ngồi yên Lý do: Có thể là do lên cơn đau tim (heart attack). Nhận xét: Đánh trống ngực (palpitations) có thể chỉ là vì ưu tư lo lắng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của cơn đau tim hay chứng loạn nhịp tim (arrhythmia). Nên liên lạc với bác sĩ ngay. 3. Choáng váng chóng mặt khi ra khỏi giường Lý do: Có thể là do huyết áp thấp. Nhận xét: Chóng mặt vào buổi sáng được gọi là “huyết áp thế đứng thấp” (orthostatic hypotension) gây ra bởi sự loại nước (dehydration), bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh trụy tim, hay thuốc men bao gồm cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp. Một lý do khác có thể là chứng “chóng mặt tư thế nhẹ” (benign positional vertigo) gây ra bởi sự xáo trộn của các bộ phận cân bằng của tai trong. Nên đi gặp bác sĩ để chẩn đoán. 4. Nước tiểu rò rỉ Lý do: Có thể là do chứng són đái (urinary incontinence) mà nguyên nhân không phải vì lão hóa, nhiểm khuẩn đường tiểu (urinary tract infection-UTI), bệnh tiền liệt tuyến, dây thần kinh bị ép. hoặc tiểu đường. Nhận xét: đi gặp bác sĩ để chẩn đoán. 5. Đầu đau như búa bổ Lý do: Có thể là do xuất huyết não Nhận xét: Trong phần lớn trường hợp đó là triệu chứng của chứng nhức nửa đầu (migraine) chỉ cần uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi là hết. Nhưng một vài trường hợp hiếm xẩy ra là chứng nhức đầu có thể là dấu hiệu có khối u hay xuất huyết trong não. Cần đặc biệt chú ý là khi bị đau nhiều nửa bên đầu một cách đột ngột và kéo dài mà lại kèm theo buồn nôn, ói mửa, và chảy nước mắt. Trong trường hợp sau này phải đi bệnh viện gấp. 6. Mắt bị sưng vù Lý do: Có thể là do viêm dây thần kinh mắt (optic neuritis). Nhận xét: Dây thần kinh mắt có thể bị nhiễm khuẩn hay bị dị ứng. Nếu chữa sớm thì không hại gì cho mắt vì vậy cần đi bác sĩ khẩn cấp. 7. Tai đau và mắt nhìn thấy hai hình (song thị) Lý do: Có thể do tai giữa bị nhiễm khuẩn Nhận xét: Bệnh có thể trở thành nghiêm trọng bất ngờ vì vậy cần đi bác sĩ cấp thời nếu chứng đau không dứt và/hoặc có bị thêm chóng mặt lảo đảo, nhức đầu, ói mửa, song thị, nửa ngủ nửa thức, cổ cứng đơ, sưng ở sau tai, sốt nhiều và liệt mặt. 8. Tự nhiên giảm sút ký Lý do: Có thể là do ung thư. Nhận xét: Nếu ăn uống vẫn bình thường như cũ mà đột nhiên bị sút cân thì có thể là bị bệnh ác tính. Một nguyên nhân khác cũng có thể là do sự bất bình thường nội tiết (endocrinic abnormality) như bệnh tuyến giáp trạng (thyroid disorder), trầm cảm hay tiểu đường. Nên đi gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán. 9. Đột nhiên đau háng Lý do: Có thể là do tinh hoàn bị xoắn Nhận xét: Đây là một khuyết tật bẩm sinh khá thông thường. Ống dẫn tinh trùng bị xoắn làm máu không chạy tới tinh hoàn. Cơn đau cũng giống như bị đá vào háng. Đôi khi ngoài cơn đau còn thấy bị sưng nữa. Trong vòng 4 - 6 tiếng thì còn cứu đươc, chứ trễ từ 12 - 24 tiếng thì coi như phải cắt bỏ. Một nguyên nhân khác có thể là nhiểm khuẩn mào tinh hoàn (epididymis) tức là bộ phận trữ tinh trùng. Trong trường hợp này có thể dùng trụ sinh để chữa trị. 10. Đau nhói gan bàn chân Lý do: Có thể là do bệnh thần kinh (neuropathy). Nhận xét: Đau nhói cứ tái phát ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể là do sự nén ép dây thần kinh, tăng thông khí phổi (hyperventilation) hoặc bệnh thần kinh. Liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt. 11. Vết thâm tím mãi không tan Điều gì xẩy ra: bệnh tiểu đường. Nhận xét: Vết đứt hay thâm tím chậm lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường (dấu hiệu khác gồm có da bị ngứa hoặc đau nhói bàn tay hay bàn chân). Nên tìm cách giảm cân (giảm 10% trọng lượng ảnh hưởng đáng kể lên mức đường trong máu), tập thể dục và coi chừng thói quen ăn uống. 12. Răng đau buốt khi ăn Sô-cô-la Điều gì sẽ xẩy ra: viêm lợi. Nhận xét: Một trong những dấu hiệu đầu tiên của sâu răng là nhạy cảm với đồ ngọt. Dấu hiệu đầu tiên khác là răng mất mầu và có mùi khi cà răng. Kỹ thuật laser có thể phát hiện sớm các ổ răng sâu và tiêu diệt các vi khuẩn trước khi làm sâu răng. 13. Vòng eo rộng 42 inch (khoảng 1mét) Điều gì sẽ xẩy ra: bất lực. Nhận xét: Có thể bây giờ chưa có vấn đề nhưng trong tương lai bạn có thể bị loạn năng cường dương (erectile disfunction). Nguyên do là vì khi đàn ông quá mập các động mạch thường hay bị nghẹt nên dòng máu không đủ làm cho cương. Hãy tập thể dục đều cho đến khi eo thon lại, thắt vừa dây lưng 34 inch (#86 cm). 14. Mắt thoáng không thấy gì, chỉ trong một giây Lý do: Có thể là do đột quỵ (stroke). Nhận xét: Các yếu tố rủi ro chính của đột quỵ là cao huyết áp (trên 140/90) và cholesterol toàn phần cao hơn 200. Bị tê một bên người và tạm thời hai mắt không nhìn thấy gì là những dấu hiệu đáng chú ý nhất. Đột nhiên bị tê, nói líu lưỡi, hay mất thăng bằng có thể là bằng chứng của một cơn đột quỵ nhẹ gọi là đột quỵ thiếu máu cục bộ đoản kỳ (transient ischemic attack. TIA). Đột quỵ nhẹ này thường báo trước một đột quỵ thật sự nên khi có triệu chứng của TIA thì phải gặp bác sĩ ngay. 15. Có cảm giác như bị ợ nóng (heartburn) Lý do: Có thể là do chứng đau thắt (angina). Nhận xét: Đau ngực cả hàng giờ, lúc có lúc không, được bác sĩ gọi là “hội chứng mạch vành không ổn định” (unstable coronary syndrome). Nguyên nhân là vì các cục đông máu đươc tạo thành bên trong thành động mạch vành ngay tại chỗ mảng (plaque) bị bể vỡ. Khoảng 50% những người có hội chứng trên đây sẽ bị lên cơn đau tim trong vòng 6 tháng sau. Mỗi khi thấy đau thắt ngực, cần phải đi bệnh viện. 16. Đau lưng nhiều Lý do: Có thể là do chứng phình mạch (aneurysm). Nhận xét: Đau cũng tương tự như vừa dọn dep xong tủ quẩn áo bề bộn. Thế nhưng chườm nóng, nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau thông thường lại không khỏi. Nếu không phải vì tập thể dục thì đau lưng bất chợt như vậy có thể là dấu hiệu của chứng phình mạch. Chứng đau này chỉ hết khi động mạch chủ bị bể. Một nguyên nhân khác của chứng đau lưng này kém phần nguy hiểm hơn là sạn thận. Bác sĩ cho chụp CT scan để xác định vị trí và hình dạng của chỗ mạch phình, sau đó cho uống thuốc huyết áp hay giải phẫu ghép nối nhân tạo. 17. Ngồi lâu trên ghế không yên Lý do: Có thể do các cơ lưng bị căng thẳng. Nhận xét: Nếu cứ phải thay đổi vị thế ngồi luôn tức là có dấu hiệu các cơ lưng bị căng thẳng và điều này có thể dẫn đến đau lưng dưới. Cẩn phải lựa chọn ghế ngồi cho thoải mái, sao cho đầu ở vị trí ngay đối với cột sống để giảm tối thiểu sức căng thẳng trên cổ, vai và lưng dưới. 18. Bạn mới biết thân phụ bị cao huyết áp Điều gì sẽ xẩy ra: bạn cũng sẽ bị cao huyết áp luôn. Nhận xét: Vì bệnh cao huyết áp vừa phải không có dấu hiệu bên ngoài nên cẩn phải đo huyếp áp mỗi năm một lần, nhất là nếu trong gia đình có tiền sử bị cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy là những người bị căng thẳng tinh thần vì cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp cũng có nhiểu rủi ro bị bệnh này luôn. Nếu số đo huyết áp cao hơn 140/90, bạn nên tập thể dục nhiều hơn, tìm cách sụt cân, giảm sodium trong chế độ ăn uống, ăn loại cá tốt cho tim, uống nhiều vitamin C. 19. Tay bị run khi tập thể dục Lý do: Có thể là do cơ bắp bị mỏi mệt. Nhận xét: Nếu bạn đã bỏ tập cả nhiều tháng thì cơ bắp bị run có thể là vì mệt mỏi. Vì vậy khi mới tập trở lại bạn nên tập vừa phải, đừng tập quá mệt. Bạn hãy ngưng tập khi cảm thấy các cơ bắp bắt đầu run. 20. Trong bàn tiệc bạn thấy mọi thứ đều quay cuồng Lý do: bạn đã quá chén. Nhận xét: Rượu làm suy yếu hệ thần kinh trung ương. Vì vậy nếu bạn uống quá nhiều, tất cả những gì trong cơ thể có liên quan tới hệ này sẽ đều bị suy yếu: trí phán đoán, khí sắc, khả năng phối hợp và quân bình, sự nhạy cảm với đau đớn, khả năng sinh dục… Bạn nên tránh đừng uống rượu nhiều. Bạn nên nhớ là nếu nồng độ rượu trong máu hơn 0.06% là trên pháp lý bạn đã bị coi như là say rượu. 21. Đau dai dẳng ở bàn chân và cẳng chân Lý do: nhiều triển vọng là do gẫy xương vì sức nén (stress fracture). Nhận xét: Cũng giống như các mô khác trong cơ thể, xương tự tái tạo. Nhưng nếu bạn tập thể dục quá mạnh, xương không có cơ hội để lành trở lại nên một vết gẫy vì sức nén (stress fracture) sẽ có thể xuất hiện. Vì thế mu bàn chân và phía trước cẳng chân sẽ đau dai dẳng. Bạn càng tập thể dục thì càng đau và ngay cả khi ngưng nghỉ cũng đau. Uống thuốc ibuprofen hay paracetamol không ăn thua gì. Thuốc mầu phóng xạ cho thấy chỗ xương gẫy qua hình chụp tia X, và bác sĩ sẽ bắt bạn phải nghỉ tập cho đến khi xương lành. Trường hợp xấu nhất là bạn phải bó bột vài tuần. 22. Đau như cắt ở bụng Lý do: Vì vùng giữa xương sườn và háng có kẹt đầy các bộ phận nên đau có thể là triệu chứng hoặc của viêm ruột thừa, viêm tụy tạng hoặc của túi mật bị sưng. Cả ba trường hợp đểu có cùng một nguyên nhân: vì một lý do nào đó các bộ phận này đã bị nhiễm khuẩn nguy hại đến tính mạng. Nhận xét: Nếu để bộ phận nói trên bể vỡ ra thì bệnh nhân có thể bị chết, vì vậy cẩn đi bệnh viện cấp thời. 23. Cẳng chân bị đau và sưng to Lý do: Có thể là do chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis –DVT). Nhận xét: Chỉ cẩn ngổi một chỗ liền chừng 6 tiếng hay hơn là máu sẽ tụ ở cẳng chân dưới tạo thành cục đông máu (gọi là chứng huyết khối tĩnh mạch sâu). Cục đông máu đủ lớn sẽ làm nghẹt tĩnh mạch bắp chân gây đau và sưng. Xoa cẳng chân là điểu đầu tiên bạn sẽ làm nhưng cũng là điều tệ hại nhất vì cục đông máu lớn có thể chạy ngược lên phổi, điều nầy gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn. Muốn chụp hình tia X để định bệnh DVT bác sĩ phải chích chất mẩu vào tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ cho thuốc làm tan cục đông máu hoặc đặt cái lọc vào tĩnh mạch để chặn cục đông máu không cho chạy lên phổi. 24. Tiểu tiện bị đau Lý do: Có thể là do ung thư bàng quang (bọng đái). Nhận xét: Rặn tiểu là cả một cực hình và nước tiểu lại có màu rỉ sắt. Đau và máu trong nước tiểu là hai triệu chứng của ung thư bàng quang. Hút thuốc là yếu tố rủi ro bị bệnh lớn nhất. Nếu khám phá sớm bệnh có 90% triển vọng được chữa khỏi. Nhiễm khuẩn bàng quang cũng có cùng các triệu chứng như trên. Theo “24 warning signs you cannot afford to ignore” PHÙNG CHÍ TÂM st. Tặng chị em phụ nữ Uống để khi sinh không bị đau bụng Cách đây hơn 50 năm, tôi có xin được toa thuốc này của một người con dâu của một thầy thuốc Bắc. Chị nói mỗi lần có thai chị uống toa này thì lúc sinh không bị đau bụng. Đến khi tôi lấy chồng, mỗi lần mang thai tôi đều uống. Sinh 4 lần, không lần nào bị đau bụng, chỉ đau khi sinh mà thôi. Xin phổ biến để chị em phụ nữ thoát được khổ nạn đau bụng đẻ. Toa thuốc này cũng có trong quyển Đông Y Thần Dược 150 bài th uốc gia truyền của L.Y Huỳnh Minh Trung, in năm 1972, có tên Bảo Sản Vô Ưu, nhưng cách dùng có hơi khác một chút. 1. Đương Quy 3 chỉ 2. Chỉ xác 2 chỉ 3. Xuyên Khung 2 chỉ 4. Chích huỳnh kỳ 2 chỉ rưởi 5. Thố tự tử bỉnh sao rượu 2 chỉ 6. Cương hoạt 2 chỉ 7. Bạch Truật sao rượu 2 chỉ 8. Ngải Diệp 1 chỉ rưởi 9. Kinh giới tuệ 1 chỉ rưởi 10. Xuyên hậu phát sao gừng 1 chỉ rưởi 11. Chích cam thảo 1 chỉ rưởi 12. Gừng sống 3 lát 13. Xuyên bối mẫu bỏ tim 2 chỉ rưởi (Vị xuyên bối mẫu tán nhuyễn, gói riêng, không sắc chung) Cho các vị trên vô ấm, đổ 3 chén sắc còn 1 chén. Khi uống mới cho gói Xuyên bối mẫu vô quậy đều rồi uống Bắt đầu tháng thứ 6, mỗi tháng uống 1 thang. Đến tháng thứ 9, mỗi ngày uống 1 thang cho đến ngày sinh. Tâm Nguyện MỘT SÁNG MƯA M ột cơn mưa đêm dài, nhưng vẫn như chưa thổ lộ hết nguồn cơn trầm bổng của nỗi lòng, giấc về sáng, vũ khúc thiên nhiên lại giọt dài giọt ngắn, rầm rì câu kể, dạt dào nguồn cơn, truyền vào tâm can một cảm thức mênh mang chống chếnh, dẫn dắt sợi dây liên cảm cứ miên man miên man… Nuôi nuối trong hơi ấm gối chăn mà nghe mình bồng bềnh theo thanh âm rào rạo trên những tấm tôn dãi dầu đã biết mấy màu thời gian. Một ngày mưa. Hay ít ra cũng là một sáng mưa. Mưa này hay nhất là được nằm nhà, biếng lười một chút, buông thả một chút, không phải tóc cao áo gọn phóng xe ra đường, không phải chập chùng đường cua ngõ quẹo. Mưa này hay nhất là một ly cà phê nóng, thêm một chén cơm chiên nữa thì tuyệt (nếu siêng). Hay hay nhất nữa là… mà thôi không nói, nói làm chi những điều mình không thể có trong tay. Và cũng vì không thể có trong tay nên tâm tưởng tha hổ ca bài ca ước vọng. Bài ca ấy có những nốt ngân nốt chùng, có những trường đoạn thanh âm mê mải, có những khoảng lặng của nỗi niềm ngao ngát, có một dáng hình, có một cái tên… không dễ gọi lên. Không dễ gọi lên thì thôi không gọi. Cứ để cho bài ca ấy âm vang theo tiết tấu của vũ khúc mưa, khi vừa, khi thấp, khi vừa, khi cao… cho lòng lao xao lao xao… Ừ rồi, một ly cà phê. Nhấm nháp cái vị ngòn ngọt, đăng đắng, thơm thơm, nóng nóng, nghe cảm giác khoan khoái say say mê mê trong lan tỏa của một thứ hưong vị đặc trưng. Cảm ơn những sản vật của thiên nhiên, đã đem đến cho con người những phút giây thụ hưởng thật tuyệt vời. Cái màn hình ti vi sáng lên. Người ta đang nói đến một cái tên. Ô! Là một cái tên đã từng nghe, đã từng biết, đã từng gặp. Nhưng lâu, lâu lắm rồi không tường tận rủi may. Hóa ra, một cơn bạo bệnh đã đổi thay hình hài. Dấu vết của sự tàn phá về mặt thời gian và sức khoẻ thật không tin nổi. Mới ngày nào hào hoa sắc vóc, khoáng đạt lời thơ, rắn rỏi bước chân, tở mở môi cười. Giờ sao xa xót nỗi người phải tay dìu, chân đỡ. Ngẫm cơn cớ chuyện đời thật khôn lường may rủi. Gặp khi vận hạn một phút hóa gian nan, đang mũ áo xênh xang bỗng võ vàng da dẻ. Thế nên chớ cậy hay mình mà kể, chỉ xin bình an một lối đi về. Cái màn hình điện thoại sáng lên cùng một khúc nhạc thân quen giục giã. Một cái tên nhấp nháy và lời thoại từ phía xa kia cho biết. Một chuyến xe đang chuẩn bị khởi hành đưa một người bạn văn lơn lớn về tuổi tác, lơn lớn về bề dày văn nghiệp, đến với miền đất cao nguyên nhiều mưa và cả nhiều nắng gió. Ố là là. Sẽ lại những phút giây tuơng ngộ mắt cười, sẽ là những mẩu chuyện gần xa khúc khích. Ôi thật là thích khi văn chương bốn bề là nhà, và một chút nhỏ nhoi mình được góp phần vào cõi bao la của thế giới cỏ hoa muôn hương nghìn sắc. Có đôi lần thắc mắc, duyên ngộ nào cho mình gắn bó với văn chương? Để rồi được lắm người thương, cũng không ít người khó chịu. Ừ mà đâu có gì khó hiểu. Khi cuộc đời cho mình chút yêu say, để biết thưong vay, để ngùi chia sẻ. Để trong chốn đời đa hình vẻ, chút ít thôi nhưng thấy mình không là kẻ sống thừa. Chẳng dám mơ rộng nhà cao cửa, chỉ xin làm một kẻ chân trần giữa nắng giữa mưa, có khi buốt giẫm gai sâu, có lúc êm màu cỏ mát, có khi cháy khát, có lúc đẫm lòng. Chẳng đủ khôn để tường tỏ đục trong, không đủ khéo để mong điều danh lợi, chỉ xin làm bến đợi cho vạn vạn dở hay. Dẫu đời lắm đổi thay, vẫn ít may nhiều rủi, dẫu chỉ là hạt bụi vẫn bậu khẽ vai người. Mưa đã vãn vãn khúc nôi, trên nền trời đã hửng lên màu nắng. Phải đi mở tủ thôi, lại áo dài áo ngắn. Bởi cái alo cứ nhảy nhót liên hồi. Này chư vị bằng hữu ơi! Rồi… rồi… đợi nhé… Wa, ù té…
ĐÀM LAN BẢN HỢP ĐỒNG NƯỚC MẮT Cuối cùng hợp đồng cho thuê đất cũng được ký kết. Ba tôi đã đích thân đến Uỷ Ban nhân dân huyện Cầu Kè cùng với bác Thanh để xin chính quyền xác nhận, công chứng rằng ba đã cho bác Thanh thuê một ha đất ruộng với giá 50 triệu một năm. Ba đã nhận đủ 250 triệu và từ lúc đó bác Thanh có quyền trồng cam sành năm năm, hoặc bất kỳ loại cây ăn trái nào khác. Ba ôm tiền về nhà, cất kỹ vào cái tủ sắt trong buồng ngủ sau khi đã rút ra 5 triệu để đi... rửa hợp đồng với bạn nhậu của ba. Và tôi biết mẹ sẽ khóc hoài, khóc mãi vì số tiền ấy sẽ tiêu tán dần bởi tự ái đàn ông của ba. Nó được thể hiện trong các cuộc nhậu mà ba luôn là chủ xị từ trước tới nay. Ba vốn đã quen vung tay quá trán. Ba sinh ra là để hưởng thụ thành quả lao động của ông bà nội. Ba tôi thường cười sặc sụa khi nhắc lại rằng ông là quý tử. Ông bà nội đã phải đi năm non, bảy núi cầu tự mới sinh được có mỗi mình ba. Vì vậy, gia sản của ông bà nội nếu ba không xài thì ai vô đây xài. Chính bà nội đã đưa cái tư tưởng chết tiệt ấy vào đầu ba. Ba được cưng như trứng hứng như hoa. Ba muốn gì được nấy. Nhà tuy ở vùng nông thôn nhưng bà nội đã thuê hẳn một bà vú để chăm sóc, bồng bế ba. Ít khi nào để chân ba chạm đất. Lớn chút nữa, đi học cũng được đưa đến tận lớp. Vì vậy bà con láng giềng gọi ba là Công tử ghép vào tên trong khai sinh của ba là Trần Châu Báu. Còn cơ ngơi của ông bà nội lúc đó đâu thua gì một địa chủ. Chỉ khác là ông bà nội nhân hậu, hiền lương. Ông bà giàu lên nhờ vào sự cần cù lao động lại tằn tiện chi tiêu. Ruộng đất của ông bà tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt lao động chân chính. Ông bà cư xử với những người cấy gặt thuê cho mình đúng mực nên ai cũng thương, cũng quý. Vì thế, khi ông bà nội sinh ra ba, mọi người đều vui mừng và cũng vì thế mà người ta bỏ qua hết cho ba những khuyết điểm. Ba càng lớn càng được cưng chiều. Đứng cạnh trai trẻ trong xóm ba luôn nổi bật bởi làn da trắng trẻo, mịn màng như con gái. Đáng dấp cân đối, khoẻ mạnh. Khuôn mặt ba đẹp nhất có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt sâu nâu thẫm. Đôi mắt quyền lực. Chính mẹ đã thú nhận khi tôi hỏi vì sao mẹ yêu ba dù hai người tính cách khác biệt. Mẹ đẹp người đẹp nết, học giỏi lại đảm đang. Còn ba tuy thông minh nhưng lười học. Mỗi năm lên một lớp đã là phúc đức. Đã vậy lười lao động, ham rong chơi, tụ tập bè bạn. Mẹ bảo ánh mắt ấy khiến mẹ rung động. Cái nhìn tha thiết, đắm đuối đã khiến mẹ lạc vào thế giới lạ lẫm của cảm xúc yêu thương. Cách ba theo đuổi mẹ cũng làm mẹ liêu xiêu, điêu đứng. Ngày nào ba cũng tìm cách gặp mặt mẹ ít nhất một lần chỉ để nhìn mẹ đăm đăm rồi thều thào: “Anh yêu em phát điên lên được em à”. Có khi nửa đêm, mưa lâm râm, gió giật từng cơn lạnh buốt. Ai ai cũng muốn cuộn chặt người trong cái mền cho ấm áp thì ba lại đứng lặng bên ngoài cửa sổ phòng mẹ. Ba gõ nhè nhẹ rồi gọi khẽ: - Em ơi, mở cửa cho anh nhìn mặt em một cái thôi rồi anh về ngay! Nếu không, anh không sống nổi đâu? Mẹ hoảng hốt nói vọng ra: - Trời đất ơi, anh về mau đi. Mẹ mà biết mẹ la em đó. Về đi anh, lạnh lắm! - Anh không về! Anh nhất định phải nhìn thấy em một lần. Em mở cửa sổ he hé cũng được mà. Cửa có chấn song sắt anh có nhảy vào ăn thịt em được đâu mà sợ! Thế là mẹ mở cửa, thấy ba ướt sủng, run lập cập bên ngoài. Mẹ òa khóc. Mẹ sa lưới tình ba giăng ra. Khi mẹ xin phép ông bà ngoại cho gia đình bên ba bước tới tính chuyện hôn nhân thì ông bà ngoại cãi nhau một trận tưng bừng. Bà ngoại nhất quyết không chịu gả vì chê ba là một thằng không nghề nghiệp, học dở lại ham chơi, phá của. Làm vợ một người như vậy sẽ khổ cả đời mình, sang đời con cháu. Còn ông ngoại nghĩ khác. Ông đồng ý gả mẹ cho ba vì gia đình ba giàu có nhất vùng. Ba có phá của cũng là phá của cha mẹ, đâu có động đến cục đất nào của ông đâu mà ông lo. Vả lại, ông bà nội là người hiền đức. Làm dâu một nơi như vậy còn gì bằng. Thêm nữa, ba yêu mẹ đến vậy. Mà mẹ cũng yêu ba. Không gả lỡ hai người làm bậy thì xấu hỗ đôi bên, biết đâu khi có vợ rồi ba đổi tính, chí thú làm ăn. Chuyện cấy gặt hay quản lý ruộng nương có gì khó. Học sơ qua cũng biết. Lo chi cho mệt. Mẹ tôi kể lại rằng đám cưới của ba mẹ rình rang nhất làng. Kéo dài đến hai ngày đêm. Con gái trong làng đều trầm trồ, ao ước. Đó là ngày hạnh phúc nhất đời mẹ. Chỉ có bà ngoại cứ len lén lau nước mắt. Ông bà nội cũng từng hy vọng khi có vợ rồi ba không còn mê chơi bời, bè bạn nữa. Nhất là khi mẹ sinh ra tôi. Ai cũng chờ đợi ở ba một sự thay đổi cần thiết. Nhưng điều đó trở nên vô vọng khi mẹ khóc lóc, năn nỉ ba hãy có trách nhiệm với gia đình thì ba bảo rằng ba có làm gì sai đâu. Ba có phản bội mẹ, có hất hủi con gái ba đâu và cũng không hỗn hào với cha mẹ đôi bên. Chỉ là ba còn trẻ, nếu không chơi, không bè bạn chẳng lẽ đợi đến già. Vả lại ba không làm cũng có ăn. Khi nào cần, ba làm cho xem! Lúa gạo của ông bà nội, có ở không mà ăn đến đời cháu của ba cũng chưa hết. Nhưng, điều đó không như ba nghĩ. Ông nội bị đột quỵ bất ngờ và qua đời. Cái chết của ông nội cũng chưa khiến ba thức tỉnh, ba không hiểu được là một người đã cao tuổi như ông nội mà lo lắng quá nhiều, thêm những năm thất mùa liên tục, lỗ lã khiến ông suy sụp hẳn. Ông không đột quỵ mới lạ. Ba tuy có đau buồn một thời gian rồi đâu cũng vào đó khi bà nội giao quyền cai quản ruộng đất lại cho ba. Ba trở thành chủ đất. Ba thuê người cày cấy... việc gì cũng thuê, ông chủ sao phải động tay động chân. Và, ông chủ khi giao lưu phải ra dáng ông chủ. Vậy là tiếng tăm hào phóng vang cùng làng cùng xóm. Ba được tâng bốc lên tận mây xanh. Lúa thu hoạch được lại chảy rào rào vào các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Hết tiền, ba phải bán bớt đất ruộng để hoang phí. Cứ thế. Đến khi bà nội bệnh nặng. Bà cầm tay ba trối trăn rằng một ha đất ruộng cuối cùng là đất hương hỏa. Bà nội đã làm di chúc không được bán. Ba có quyền quản lý, canh tác hoặc cho thuê chứ không được bán. Nhờ vậy, nó an toàn. Bà nội mất, mẹ bắt đầu chen vào chuyện mưu sinh. Vì mẹ không thể để tôi do thiếu thốn mà phải nghỉ học. Tôi lại vừa đỗ đại học. Tương lai của tôi giống như một động lực khiến một phụ nữ chỉ biết khóc và an phận trở nên mạnh mẽ. Mẹ trực tiếp trông coi việc đồng áng. Điều này khiến ba chới với, không đồng ý nhưng mẹ không còn vâng lời ba. Mẹ nói thẳng với ba. Nếu muốn chơi bời thì hãy tiếp tục đi hãy chơi bằng tiền ba làm ra, còn lúa gạo nầy phải để nuôi sống gia đình và trang trải việc học cho con. Ban đầu ba nổi trận lôi đình cãi nhau với mẹ một trận tơi bời. Nhưng một sự kiện bất ngờ xảy ra trong huyện khiến ba kinh ngạc, hụt hẫng và tủi nhục. Đó là sự thành công của bác Tư Thanh. Người bạn học ngày xưa tuy học giỏi nhưng nhà nghèo rớt mồng tơi, bác cũng từng yêu mẹ đơn phương. Bác ấy biết thân biết phận không thể thắng ba mà cũng do mẹ chỉ xem bác như một người bạn học thân thiết. Chính người đàn ông ấy đã tạo ra một kỳ tích khiến cả huyện phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ và khâm phục. Bác Thanh đã thay đổi số phận của mình, của gia đình và của những người láng giềng qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bác đã tiên phong biến đất ruộng trồng lúa nước thành vườn cây cam sành bổ dưỡng mà ai ai cũng ưa thích. Ban đầu, khi bác nói ra ý tưởng này trong cuộc họp ban nông dân của xã thì bà con hết hồn hết vía. Kể cả ông trưởng ban. Bởi nó quá mới mẻ, táo bạo và... nguy hiểm. Dù họ biết đất ruộng họ thu hoạch lúa rất thấp, có năm làm xong một mùa, thanh toán xong chi phí lại... trắng tay. Tuy nhiên, đất vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Lúa thì năm mất mùa nhưng có năm trúng. Khi trúng lại bị thương lái mua lúa ép giá, lời bèo bọt, cái nghèo đeo bám dai như đĩa. Mồ hôi, nước mắt cứ thế tuôn xuống ruộng đồng. Nhưng trước viễn cảnh bác Thanh đưa ra rằng trồng cam sành lời chắc như bắp. Mỗi năm chắc chắc sẽ lời hơn trồng lúa ít nhất 30. 40 triệu. Nghe thì bắt ham và hấp dẫn nhưng họ vẫn sợ. Lúa tuy thu hoạch kém hơn nơi khác nhưng dù gì cũng là nghề truyền thống của xã từ thời tiên tổ. Khi khổng, khi không lấy đất thế chấp vay vốn ngân hàng để mua giống cam sành, xẻ rãnh, lên liếp, mua phân, thuê người tỉa trái, uốn cành... rồi còn phải trồng cây chắn gió để trái đậu! Nghe bắt ớn lạnh! Cực thì không ai ngán nhưng nếu thất bại thì lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng. Rồi đất bị ngân hàng siết trừ nợ... Nông dân mà không còn đất thì sống sao đây trời! Thế là ý tưởng bị... dập ngay từ khi cuộc họp chưa tan. Bác Thanh thất vọng não nề. Nhưng may sao người bạn đời và các con của bác luôn một mực tin vào điều bác nghĩ. Họ động viên và nhất quyết đồng lòng cùng bác biến mơ ước thành hiện thực. Bác gái và anh Tuấn, con trai trưởng của bác đã theo bác đi tham quan vườn cam sành ở Sóc Trăng, Đồng Nai... họ rước cả kỹ sư ở đó về xem đất và tư vấn cho việc chuyển đổi cây trồng. Gia đình bác tiến hành lập vườn cam trên đất ruộng của mình. Thế mới biết sức mạnh của đoàn kết gia đình. Bác gái bán hết tư trang để góp vốn cho chồng, đích thân ra vườn cam phụ chồng việc quản lý sự phát triển của cây giống từng ngày. Anh Tuấn thì khi trở lại trường Đại học, anh không còn đi ăn quán, ngồi vắt vẻo uống cà phê lướt web, anh đi làm thêm để tự trang trải chi phí sính hoạt cho ba mẹ bớt lo. Em gái anh tan học vội về nhà lo việc nội trợ để mẹ an tâm lo vườn tược. Và sự cố gắng của họ đã được đền đáp. Trong lần thu hoạch đầu bác Thanh đã làm cho mọi người thay đổi suy nghĩ. Bác bán được 25 triệu/tấn cam. Tổng thu của bác hơn 500 triệu. Sau khi trả nợ ngân hàng, bác ấy thay vì đi nhậu mừng công thì lại lo đi thuê đất để phát triển. Chẳng bao lâu, bác ấy trở thành tỷ phú và dân trong xã gọi bác là Vua Cam Sành. Ai cũng nể phục bác trừ ba tôi. Ông ấy cứ lè nhè rằng chẳng qua là may mắn, là vận may phúc đức ông bà để lại thôi. Ông cũng sẽ trở thành tỷ phú cho xem. Nhưng ông cóc thèm trồng cam. Cứ trồng lúa. Thử xem rồi ai sẽ hơn ai. Ba nói với mẹ rằng để bà xem, bà lấy tôi là phúc hay họa nghen! Mẹ không trả lời nhưng lủi ra sau bếp lau nước mắt. Tôi hiểu ba tôi nói vậy chẳng qua vì tự ái, vì tự đáy lương tâm ba hổ thẹn. Ba tự biết mình không thể hơn bác Thanh. Bác ấy tay trắng làm nên. Còn ba, một tay ba làm cơ nghiệp tan theo mây khói. Giờ đấu với nhau thì ai hơn ai đã rõ. Mà đấu để là chi chứ. Khi mà ba biết anh Tuấn và tôi yêu nhau. Chúng tôi cùng đậu Đại học. Bác gái quý tôi như con đẻ. Và bác ấy cũng thân thiết với mẹ. Họ xưa vốn là bạn học kia mà. Chuyện tình thời đi học đã trở thành kỷ niệm lâu lắm rồi. Bây giờ ai cũng có gia đình riêng. Chỉ ngẫu nhiên là tình yêu giữa tôi và anh Tuấn giúp hai bà mẹ ngầm nghĩ hãy cho chuyện yêu xưa tan theo mây khói. Bác gái biết ba tôi hãy còn ấm ức vì sự phất lên của tình địch ngày xưa. Nếu không xua tan ý nghĩ ấy thì chắc cuộc hôn nhân của hai trẻ sẽ khó bề thành được. Bác gái tìm cách gặp riêng ba trò chuyện chi đó. Khi về, ba nằm tòng teng trên võng, tay gác lên trán lâu thật lâu rồi bỗng ba ngồi phắt dậy nói với mẹ: - Tôi quyết định rồi. Tôi cho thằng Thanh thuê đất. Mẹ trố mắt nhìn ba như nhìn người ngoài hành tinh: - Thiệt không đó? - Thiệt mà. Mẹ con bây thấy lạ lắm sao? - Ừ, thì cũng lạ thiệt. Người ta hỏi thuê lâu rồi, ông đâu chịu. Khi không... - Chứ bà xem. Đất mình nằm giữa. Chung quanh lớp nào bà con tự là vườn, lớp nào cho thằng Thanh thuê để lên liếp trồng cam. Mình tưới hay thoát nước ở ruộng mình cũng khó. Chừng thu hoạch nội chuyên chở cũng phải đi nhờ đất người. Thuê cấy gặt lại hiếm người vì đi làm vườn hết rồi. Vậy cho thuê đất phức đi lấy 50 triệu một năm, tính ra còn lời hơn hơn chục triệu khi trồng lúa một năm ba mùa. Mẹ tròn mắt nhìn ba. Cuối cùng thì ba cũng nhận ra điều đó. Chỉ có điều mẹ lo lắng là khi có tiền rồi ba lại đi nhậu. Chẳng bao lâu hết thì gia đình sống sao đây? Mẹ nói ra ý nghĩ ấy. Ba giận dữ đứng phắt dậy, tôi hết hồn chạy đến bên mẹ để ngăn cản nếu ba động tay động chân. Nhưng rồi không hiểu sao, ba đi ra ngõ mất dạng. Thì ra ba qua nhà bác Thanh thông báo chuyện sẽ cho thuê đất. Hai người nói gì không biết nhưng ngay hôm sau ba đã cùng bác Thanh ra Trụ sở Huyện ký hợp đồng. Sau đó, ba đi nhậu. Nhưng lần này rất lạ, ba nhậu với bác Thanh. Ba xỉn đến độ anh Tuấn phải kè ba về nhà giúp. Mẹ trông thấy, hết hồn hết vía, than thở: - Ba con hết chuyện rồi lại rủ rê người làm ăn đi say xỉn. Mẹ không còn non nước nào để nói nữa. Sao mà mẹ khổ quá vầy trời! Nhưng anh Tuấn đã vội thưa: - Bác đừng lo. Bác trai biết tính chuyện làm ăn lắm ạ. Bác ấy vừa mới bàn với ba con là sẽ dùng tiền thuê đất đi mua ruộng bên xã khác rồi cho thuê. Còn bác ấy đi làm cho ba mẹ con để nhân tiện học cách trồng cam. Để khi nào hết hạn hợp đồng, bác ấy tự trồng. Chẳng bao lâu gia đình sẽ khá lên bác ạ. Mẹ như người nằm mơ chợt tỉnh. Mẹ khóc. Mẹ vốn vậy. Buồn khóc, vui cũng khóc. Riêng tôi, tôi đang khóc vì tôi biết chính bác Thanh đã khéo léo dẫn dắt ba tôi về con đường chính. Con đường ngập tràn ánh sáng của yêu thương, chia sẻ và hạnh phúc. Bắt đầu từ cái hợp đồng nước mắt ấy. Nguyễn Thị Mây MỤC LỤC Vài chi tiết về kỳ họp ngày 13. 7 .2019 ........ Vũ Thư Hữu . 01 Vài chi tiết về một tân quý thư bằng Pháp văn (Pasteur-Sa vie-Son oeuvre của A. Lomont ) .... Vũ Anh Tuấn . 0 5 Những suy nghĩ vẩn vơ (tập 2 - tt) .... Lm. Giuse Ng.H.Triết . 07 Tác hại của “Y ngữ bất y nghĩa” ...... Tâm Nguyện . 13 Kỷ niệm 50 năm con người lên Mặt Trăng & Hệ Mặt Trời .... Phạm Vũ . 2 4 Trời sắp mưa (tt & hết ) ....... Nguyễn Văn Sâm .. 3 3 Giả thuyết khoa học: Phải chăng Mặt Trời có đôi ...... Đỗ Thiên Thư st. .. 3 8 Động Bích Đào-Hang Từ Thức (Thanh Hóa) .. Bùi Đẹp st. .. 42 Lúc còn thơ ngây ....... Hoài Ly .. 47 Đi qua hoàng hôn (thơ) .............. Đàm Lan . 5 1 Ph o tượng không tên (thơ) ....... Ngàn Phương .. 5 2 Mẹ tôi (thơ) ................ Thanh Châu .. 53 Đá (thơ) ............. Huỳnh Thiên Kim Bội .. 5 4 Phượng hồng ngày xưa (thơ) ..... Phạm Thị Minh-Hưng .. 5 5 Bình minh ở miền quê (thơ) ........... Hoài Ly .. 5 6 Những cơn mưa thu (thơ) ......... Thúy Toàn dịch .. 57 Niềm thương xẻ dọc (thơ) ......... Nguyên Lê .. 59 Thương mãi quê mình (thơ) ......... Thanh Phong .. 6 0 Mưa có buồn không ? (thơ) .......... Lê Nguyên .. 6 1 Kiều Nguyệt Nga xướng-Lục Vân Tiên họa (thơ) ...... P H. H . tg thuật .. 62 Người mang tâm sự (thơ) .......... Lang Nguyên .. 6 3 Thơ… thẩn (thơ) ............. Lam Trần .. 6 4 Chờ đến bao giờ - Con đường khổ đau (thơ) .... Lê Minh Chử .. 6 5 Trắc ẩn !!! (thơ) .......... Vũ Thùy Hương . 6 6 Có một thời như thế (thơ) ........ Bs. Ng. Văn Tiến . 6 7 Ba tôi (thơ) ............. Quan Thúy Mai . 6 8 Tự sự - Cô quạnh (thơ) ........... Quang Bỉnh .. 6 9 Lo việc gánh nước (thơ) ....... Dương Tiến Cần .. 70 Thời gian vui (thơ) ........... Thanh Vĩnh .. 70 Vướng bướm thơ - Đúng sai (thơ) ...... Nhựt Thanh .. 71 Nguyễn Du (thơ) ............ Trần Nhuận Minh .. 7 2 Nguyễn Du (thơ) .......... Vũ Anh Tuấn dịch .. 73 Tâm lý tuổi già ....... Hoàng Kim Thư st .. 7 6 Kịch Huyền thoại Gò Rồng ấp ....... Phạm Hi ếu Nghĩa . 80 Cám dỗ và tham lam .............. Lam Trần .. 82 Thành tín .............. Lệ Ngọc st. .. 8 5 Buổi họp Phụ huynh .......... Hoàng Chúc st. .. 87 Làng Cười, sản phẩm của 1 dân tộc lạc quan ....... Đào Minh Diệu Xuân st. .. 92 Giới thiệu sách: Tiểu sử thánh Alêxù (Alexis) .... Hà Mạnh Đoàn .. 96 Thắng hay thua ? .............. Kim Sơn st. 103 24 chứng bệnh không nên coi thường . Phùng Chí Tâm st. 105 Tặng chị em phụ nữ: Uống để khi sinh không bị đau bụng ....... Tâm Nguyện 113 Một sáng mưa ...................... Đàm Lan 114 Bản hợp đồng nước mắt ......... Nguyễn Thị Mây 116
|