VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/12/2018 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách quý ông mới có. Lần này cả hai cuốn đều bằng Pháp văn và đều là những cổ thư trên 100 tuổi đời. Cuốn thứ nhất mang tựa đề là Tư Lệnh Rivière và cuộc viễn chinh ở Bắc Kỳ (Le commandant Rivière et l’expédition du Tonkin) của tác giả Charles Baude de Maurceley, được in năm 1884 (134 năm trước). Cuốn sách khổ 12x18, dày 222 trang, nói về Henri Rivière (1827-1883) là một Hải Quân Đại Tá đã có lúc viết cho hai tờ báo La Liberté và tờ Revue des deux mondes. Nhân vật này đã đánh chiếm Hà Nội vào tháng 4 năm 1882, và Nam Định vào tháng 3 năm 1883. Và sau đó vào tháng 5 năm 1883 đã bị quân Cờ Đen giết chết ở Cầu Giấy. Đây là một cuốn sách cung cấp khá nhiều tài liệu về việc đ ánh chiếm hai thành phố Hà Nội và Nam Định trong cuộc viễn chinh ở Bắc Kỳ. Cuốn thứ hai mang tựa đề là Thổ phỉ và phiến loạn ở Bắc Kỳ - Binh sĩ của chúng ta ở Yên Thế (Pirates et rebelles au Tonkin - Nos soldats au Yên Thế), của tác giả là Đại tá Frey. Cuốn sách cũng khổ 12x16, dày 351 trang, được in năm 1892 (126 năm trước), chứa đựng rất nhiều chi tiết liên quan tới cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám tức Đ ề Thám và là một kho tài liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử . Sau khi được giới thiệu, hai cuốn sách đã được một số thành viên chuyền tay nhau xem vì chúng, tuy đã trên 100 mấy chục tuổi nhưng vẫn còn mới tới sáu bảy mươi phần trăm. Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, anh Phạm Vũ lên nói về hai ngày Black Friday và Thanksgiving của Mỹ. Sau anh Phạm Vũ, anh Nhựt Thanh lên nói về mồ mả vua chúa thời xưa và những long mạch phát sinh từ những nấm mồ đó. Tiếp lời anh Nhựt Thanh, thành viên Thùy Mai lên hát tặng các thành viên bài “Anh đi chiến dịch”. Sau Thùy Mai, anh Tấn Thuận cũng lên hát tặng các thành viên một bài hát. Anh Tấn Thuận hát xong, Thùy Hương lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ “Gợi nhớ” và “U hoài”. Thùy Hương ngâm xong, anh Phùng Chí Tâm lên nói thêm một chút về long mach, và hát tặng các thành viên bài “Cây Xương rồng” được phổ nhạc từ một bài thơ của thi sĩ Thanh Tùng. Sau anh Phùng Chí Tâm, anh Thanh Vĩnh lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ về Giáng Sinh. Tiếp lời anh Thanh Vĩnh, thành viên Tuyết lên hát tặng các thành viên bài “Như cánh vạc bay”. Sau Tuyết, Kim Sơn lên hát tặng các thành viên bài ca về Giáng Sinh bằng Anh ngữ “Silent night”. Kim Sơn hát xong, thành viên Thanh Châu lên hát tặng các thành viên bài “ Em đến thăm anh một chiều xưa”. Cuối cùng Thúy Mai lên hát tặng các thành viên bài “Gạo trắng trăng thanh” và buổi họp kết thúc lúc 11g15 cùng ngày khi các thành viên vui vẻ ra về hẹn nhau sẽ gặp lại trong kỳ họp tới. VŨ THƯ HỮU
VÀI DÒNG VỀ CUỐN ĐÔ ĐỐC COURBET MÀ TÔI MỚI CÓ Tôi mới có được cuốn quý thư này nhờ đổi tranh lấy sách. Nếu không đổi tranh thì phải trả tiền mệt nghỉ, vì anh bạn có sách thường xuyên đòi những giá trên trời dưới biển cho những quý thư của anh ta mà tôi thích. Đây là một cuốn sách nói về Đô Đốc Courbet một người rất nổi tiếng trong Chiến dịch Bắc Kỳ (1883-1886) và trong Chiến tranh Trung-Pháp (1884-1885), vì đã gi ành được nhiều chiến thắng trên biển và chiếm được nhiều đất đai quan trọng. Còn riêng tôi thì tôi cũng không lạ gì người này, vì tên ông ta được đặt làm tên phố Đô Đốc Courbet ở Hải Phòng, quê hương tôi. Cuốn sách khổ 14x22 được đóng bìa cứng thật đẹp, dày 156 trang, là của tác giả A.Gervais, một cựu sĩ quan, được in năm 1900, có tổng cộng 17 minh họa bằng bút sắt rất đẹp, và được chia ra làm 8 chương như dưới đây: - Chương 1: Nói về thân thế Đô Đốc Courbet - Chương 2: Nói về chiến trận ở Thuận An - Chương 3: Nói về chiến trận ở Sơn Tây - Chương 4: Nói về chiến trận ở Fou Tcheou bên Trung Q uốc - Chương 5: Nói về chiến trận ở Formose bên Trung Quốc - Chương 6: Nói về chiến trận ở Sheipou cũng bên Trung Quốc - Chương 7: Nói về quần đ ảo Pescadores tức là Bành Hồ cũng ở Trung Quốc - Chương 8: Nói về cái chết của Đô Đốc Courbet. Tôi rất thích cuốn sách vì sách cung cấp cho người đọc một số tài liệu lịch sử, và nhất là thích vì cuốn sách được in rất đẹp và có 17 minh họa bằng bút sắt cũng rất đẹp. Một lý do khác khiến tôi thích cuốn này, vì với nó, tôi có tổng cộng bốn cuốn sách của các tác giả khác nhau nghiên cứu về nhân vật này, trong đó có một cuốn của tác giả J. de la Faye in năm 1891 dày tới 413 trang. Tuy ch ẳ ng phải là sử gia sử dô gì, nhưng chỉ là một độc giả và người yêu sách mà có trong tay được khá nhiều tài liệu về một anh tây thực dân cộm cán như vậy thì tôi cũng cảm thấy thú thú! Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI VŨ ANH TUẤN NHỮNG SUY NGHĨ VẨN VƠ TẬP 1 (tiếp theo số 151) § Báo Thanh Niên 09/5/2009 có bài “Bãi bỏ 340 loại phí, lệ phí” của N. Trần Tâm: Ngày 08/5/09 tại Tp.HCM, Bộ Tài Chính phối hợp Đại sứ quán Hàn Quốc đã tổ chức buổi đối thoại và phổ biến chính sách thuế, hải quan mới… Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong những năm qua, Bộ đã bãi bỏ 340 loại phí, lệ phí do các cơ quan trung ương và địa phương ban hành không đúng quy định. (Lời bàn: 340 loại phí, lệ phí không đúng quy định, đã thu trong những năm qua, nay bãi bỏ liệu số tiền thu đó có được trả lại cho các doanh nhiệp không? Có được tính thêm trượt giá không? Thủ tục có phiền hà không? Lẽ ra khi thu, người ta phải tới nơi nộp thì khi trả phải tới tận nơi giao, kể cả vốn lẫn lãi mới công bình! Liệu điều này có thể xảy ra không? Những văn bản ban hành không đúng quy định, liệu có gây ra hiệu ứng bất công không? Người ra quy định sai có chịu trách nhiệm không? Câu trả lời dành cho người đọc). § Kỳ án ba thanh niên phạm tội “hiếp dâm” (bài của Thái Uyên Phan Hậu, báo Thanh Niên ngày 02/6/2010). Ba thanh niên đó là Nguyễn Đình Tình 29 tuổi, Nguyễn Đình Lợi 30 tuổi và Nguyễn Đình Kiên 30 tuổi, ở vùng quê thuộc xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Chuyện xảy ra vào cuối năm 2000, các cơ quan xét xử tỉnh Hà Tây cấp sơ thẩm và tòa phúc thẩm TAND tối cao Hà Nội đều tuyên các bị cáo phạm tội và phải nhận tổng cộng 41 năm tù về tội hiếp dâm và cướp tài sản, dù các bị cáo ở tòa nào cũng kêu oan. Đến tháng 01/2010, Viện KSND tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị tuyên các bị cáo vô tội. Theo cơ quan này, vụ việc hiếp dâm và cướp tài sản ở trạm bơm Yên Nghĩa là có thật, nhưng các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự, thiếu khách quan. Các bản án đã căn cứ vào tài liệu điều tra thiếu khách quan để kết tội các bị cáo. Viện KSND tối cao cũng chỉ ra hàng loạt tắc trách của các cơ quan tố tụng: thời điểm xảy ra vụ án - Tình, Kiên và Lợi có bằng chứng ngoại phạm, là đang đi dự sinh nhật bạn, có nhiều người làm chứng nhưng không được các cơ quan tố tụng quan tâm xét xử. Vật chứng duy nhất là chiếc áo thủ phạm bỏ lại hiện trường, nạn nhân nhặt được nhưng hồ sơ lại thể hiện một chiếc áo khác. Thiệt hại không thể cân đo đong đếm! Tình - trước khi bị bắt học cấp II, nhà nghèo phải bỏ học, lặn lội học nghề sửa xe máy để giúp bố mẹ, tới năm 2000 có ít vốn, Tình mở tiệm thì bị bắt, thanh danh bị bôi nhọ, gia đình túng quẫn vì vay chạy kêu oan… Kiên đi tù 10 năm, gia đình ông Nguyễn Đình Thìn (bố Kiên) như ở trong địa ngục trước sự đàm tiếu của dư luận, sổ đỏ phải đi cầm để có tiền đi kêu oan cho con. Còn Lợi khi bị bắt, cô em gái Nguyễn Thị Hà phải bỏ học do không chịu nổi lời dị nghị… Bản thân Lợi đang làm chủ cửa hàng sửa xe máy, lại có người yêu sắp cưới, sự việc xảy ra khiến dự định của đôi bạn trẻ tan vỡ, mặc dù không tin Lợi làm chuyện đồi bại, nhưng chờ đợi được 7 năm cũng đành phải lấy chồng xa xứ. (Liệu những nỗi oan này có gì bù đắp cân xứng được không? Thiệt hại tinh thần? Danh thơm tiếng tốt? Sức khỏe? Vật chất? Ảnh hưởng tâm lý quãng đời còn lại? Chưa kể những bệnh tật từ trong nhà tù, như có phạm nhân ra khỏi tù đã bị nhiễm HIV do đại bàng hành hạ, bắt xâm… Điều đáng nói nhất là bất công này lại do cơ quan công lý “cầm cân nảy mực” gây ra). Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ba thanh niên nói trên trong phiên giám đốc thẩm nhấn mạnh - trong trường hợp xác định các bạn trẻ này bị oan thì dù tỉnh Hà Tây đã sát nhập vào Hà Nội, nhưng nhiều cá nhân tham gia điều tra, xét xử vụ án vẫn đang đương chức, giữ các vị trị quan trọng tại các cơ quan nhà nước, nên “cần phải xem xét toàn diện, không những về việc bồi thường của nhà nước mà còn làm rõ trách nhiệm của những người trong các cơ quan tố tụng đã tham gia điều tra, xét xử vụ án”. Cứ bình tĩnh đặt tay trên trán mà điểm lại lịch sử cổ kim, từ nỗi oan Abilê cho đến nỗi oan Nguyễn Trãi (vụ án Lệ Chi Viên), từ nỗi đau của thế chiến thứ I, thứ II cho đến nỗi oan nghiệt của biến cố 11/9/2001 (với gần 4.000 người chết trong một khoảnh khắc), từ nỗi oan của những cuộc đánh bom tự sát đến nỗi oan của những phụ huynh mất những đứa con duy nhất trong vụ động đất Tứ Xuyên (hàng chục ngàn người chết, trong đó có hàng ngàn trẻ em đang ở trường học), do xây trường chất lượng kém mà họ đã mítting dâng kiến nghị đòi truy cứu trách nhiệm (VTC9, chương trình 7g sáng ngày 05/5/2009). (còn tiếp) Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết (Tổng hợp nguồn báo chí và các phương tiện truyền thông) CHÁNH PHÁP & TÀ PHÁP (tiếp theo số 151) Cũng là con người bình thường như trước kia, nhưng khi hoàn thành việc tu hành thì không còn Cái Ta Tham Lam, Sân Hận, Si Mê, chỉ biết cung phụng cho bản thân, bất chấp làm thiệt hại cho người khác như trước. Họ cũng không vùi dập cái Thân, cho đó là nguyên nhân của tội, nghiệp. Trái lại, họ tri ân cái Thân, tri ân cuộc đời, vì nhờ có cái Thân, có cuộc đời mới có thể tu hành. Họ không chỉ kính Phật và những bậc Giác Ngộ đi trước đã dẫn đường, mà còn biết kính trọng mọi người, vì tất cả đều là những vị “Phật sẽ thành”, dù trải qua bao nhiêu kiếp mê lầm, đọa mấy tầng Địa Ngục thì cuối cùng cũng sẽ Giác Ngộ, thức tỉnh, quay về. Họ chẳng những không còn chấp nhất, tham lam, bỏn xẻn, mà biết Từ, Bi, Hỉ, Xả. Biết Bố Thí để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Biết quý trọng những gì mà cuộc đời cung cấp cho mình để đáp đền. Không chỉ yêu thương gia đình, làm hết trách nhiệm, của người con, người cháu, người cha, người mẹ trong gia đình, mà ngoài xã hội cũng là một công dân tốt. Dù ở địa vị nào cũng hoàn thành trách nhiệm của mình mà còn không gây tổn hại người và vật quanh mình làm cho tất cả đều được an vui, để trần gian không còn bể khổ, mọi người được sống an lành cho đến hết kiếp. Như vậy, Giới và Bát Chánh Đạo dù chỉ đặt ra cho người theo Đạo Phật, nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người và cả môi trường quanh họ. Vì thế, càng nhiều người theo Đạo Phật và sống chân chính, thì xã hội càng được nhờ. Quả thật đó là một đường lối giáo dục thiết thực cho con người mà tất cả mọi gia đình, quốc gia đều mong muốn có thành viên hay công dân tốt đẹp như thế. So với nhiều tôn giáo khác, vì kính trọng Giáo Chủ, vì sợ bị trừng phạt, vì mong được ban thưởng mà không phạm tội, thì cũng đã quá tốt rồi. Nhưng với Giới, Bát Chánh Đạo và Nhân Quả của Đạo Phật thì cao hơn một bậc. Biết Tội, Nghiệp gây ra chỉ vì chấp lấy cái Thân. Nhờ học biết cái Thân chỉ là Tứ Đại nhóm họp có kỳ hạn, không trường tồn, không phải là Mình. Cái Chân Tánh trong đó mới thật là Mình, thì “Bỏ Giả” bằng cách không còn chịu sự khống chế, sai sử, đòi hỏi theo dục vọng của cái Thân. “Về Thật” bằng cách tìm và sống với cái Chân Tánh, không nhiễm ô, không thấp, cao. Do hiểu được Chân Tánh là cái bình đẳng, bất sinh, bất diệt, vô tướng, không có gì trói buộc được nó, nên không cần lệ thuộc, cầu xin ai, vì biết rằng có cầu xin cũng không được cho. Người tu ý thức rằng một khi đã vào đời, mang cái Thân hữu tướng thì phải theo Luật Nhân Quả, vì thế họ cũng biết gieo Nhân Thiện để cho nó được hưởng Quả lành. Không tiếp tục hành động sai quấy để nó bị vùi dập, bị khổ đau. Một xã hội mà có những con người luôn tự nhắc nhở mình từ suy nghĩ cho đến hành động phải chân chánh. Có một nếp sống lành mạnh, lại biết yêu thương gia đình, giúp đỡ những người chung quanh. Ý thức trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng xã hội, thì với đường lối giáo dục tín đồ như thế rõ ràng mang lại lợi ích không nhỏ cho cuộc đời. Một tôn giáo thực hành, không hướng người tu đến việc sùng bái, tôn thờ, cúng bái Chư Phật. Không kêu gọi cất Chùa to, dựng tượng lớn, làm hao tổn tiền bạc của bá tánh, mà trái lại, biến việc tu hành trở thành đường lối giáo dục con người tự tu sửa bản thân để trở thành một con người đúng nghĩa. Như thế, Đạo Phật hoàn toàn có quyền xưng là tôn giáo của mình là Chánh Pháp, vì hướng con người về nẻo Chánh, mà người hiểu rõ và thực hành đúng như thế, vẫn tiếp tục sống trong cảnh Phàm với đầy đủ vật chất hấp dẫn mà không bị lôi cuốn. Phải chăng, như thế thì dù không phải là Thánh Nhân, nhưng phẩm chất cũng cao quý, tốt đẹp hơn phàm phu bình thường nhiều lần vì đã gạn lọc hầu hết phàm tánh, không còn bon chen, đấu tranh, giành giật với người khác để tích lũy, để hưởng thụ như khi chưa biết đến con đường tu hành. Tóm lại, Đạo Phật chân chính có VĂN-TƯ-TU, GIỚI-ĐỊNH-HUỆ và BÁT CHÁNH ĐẠO. Tất cả những điều này nhằm mục đích để tu sửa cái Thân, không để cho nó làm Ác để bản thân và mọi người chung quanh khỏi KHỔ . Sau khi Đắc Đạo, Đức Thích Ca đã để cả phần còn lại của cuộc đời để truyền Pháp Giải Thoát. Nhưng thời Phật tại thế thì chưa có chữ viết, chư Đại Đệ Tử chỉ học thuộc lòng rồi truyền lại gọi là Khẩu Truyền. Hai trăm năm sau Phật nhập diệt thì Kinh mới được chép lại thì đã qua mấy đời. Nhóm Đại Đệ Tử ban đầu cũng đã nhập diệt. Nhóm sau đó cỡ 100 năm bị chia rẽ thành hai nhánh: Tiểu Thừa và Đại Thừa. Đã vậy, thời Phật thuyết Pháp, do không thể diễn tả phần vô tướng trong Tâm, nên Phật phải mượn nhiều phương tiện, chính vì vậy mà dễ gây hiểu lầm. Vì thế, dù cùng học hỏi Giáo Pháp của Phật, nhưng đôi chỗ hai bên có sự giảng luận không khớp với nhau và so với lời Phật dạy. Vì thế, người đọc Kinh hay nghe giảng cần phải TƯ DUY cho rõ nghĩa rồi mới nên áp dụng thì mới sợ không bị lệch hướng. Người tu không chỉ giữ GIỚI và ĐỊNH cho kiên cố, mà còn phải có TRÍ HUỆ để hành cho đúng Phật Pháp. Một điều chắc chắn là mục đích của Đạo Phật chỉ là giúp người hành theo nhận biết cuộc sống là Vô Thường, cái Thân là giả tạm để đừng bám lấy cái Thân rồi tạo Nghiệp để phải theo nó mà Luân Hồi trong Sáu Nẻo, khó có cơ hội trở lại làm người. Để làm được điều này, Đạo Phật cho rằng Cái Tâm chính là cái đã điều khiển mọi suy nghĩ, hành vi tốt, xấu của mỗi người. Vì thế, công năng tu hành của mỗi người là phải tìm cho được Cái Vọng Tâm, cải tạo nó, để nó không còn dắt đệ tử là Lục Căn đi tạo Nghiệp nữa. Chính vì vậy mà tu theo Chánh Pháp gọi là TU TÂM. Hình tướng đầu tròn, áo vuông hay bỏ hết việc đời, ăn chay và ngày đêm gõ mõ, tụng Kinh, Niệm Phật v.v... chỉ là hình thức hỗ trợ bên ngoài, không phải là công năng tu tập. Cũng không phải Đạo Phật là Chánh Pháp thì đương nhiên những Phật Tử hay các Tu Sĩ đều có Chánh Pháp. Mục đích của Đạo Phật khi nói trần gian là bể Khổ, nhưng sở dĩ Khổ là vì mọi người chấp Cái Thân là Mình. Chấp cảnh đời là thật, rồi ở trong đó đấu đá, tranh giành những vật chất để hưởng thụ, tự tạo Nghiệp, rồi xoay vòng, khổ đau trong đó. Vì vậy, Giáo Pháp của Đạo Phật dạy người tu Quán Sát, Tư Duy, tìm hiểu về các Pháp, để thấy được rằng các pháp vốn Sinh, Diệt, nhưng tại vì ta cố níu giữ nên phải Khổ. Nếu không Chấp cái Thân, không bị cái Vọng Tâm điều khiển. Biết cảnh đời như mây nổi. Đủ duyên thì họp. Hết duyên lại tan. Biết cái Thân này Vô Thường, vật chất dù có tranh giành được cho nhiều thì lúc chết cũng không mang theo được, để sống chừng mực với các pháp. Được như thế thì cuộc đời dù không thay đổi, nhưng chính nhờ thay đổi nhận thức, mà người tu không còn phải Khổ nữa. Nghĩa của “Chùa” là Thanh Tịnh Địa. Người tu sẽ cải tạo cái Tâm của mình, từ nhơ bẩn, đầy đố kỵ, tranh chấp, hơn thua... trở thành thanh tịnh, gọi là cất Chùa. Dùng các Hạnh mà Phật đã làm như tấm gương, hay có Kinh gọi là Khuôn để theo đó mà đúc, mà tạc, mà chạm khắc, để có Phật Tâm của mình. Muốn Cúng Phật thì không phải dùng hương làm bằng bột gỗ, ngày mấy thời đốt lên trước Tượng Phật gỗ, mà hàng ngày giữ Giới, Định, Huệ. Học hỏi, thực hành Phật Pháp gọi là dùng Ngũ Hương để dâng cúng Phật nơi Tâm. Từng sát na quan sát Chúng Sinh của mình để cứu độ cho nó. Khi tất cả được an ổn, thanh tịnh thì gọi là đã “Độ cho Chúng Sinh Thành Phật”. Tóm lại, hành trình tu Phật chỉ là quay vô Tâm của mình để “Độ Chúng Sinh” hay còn gọi là “làm Phật Sự” nơi đó. Khi tất cả Chúng Sinh đều được Giải Thoát, không còn bị Khổ đau, phiền não hành hạ nữa thì gọi là hoàn tất được Con Đường tu hành. Việc tu hành để Giải Thoát không liên quan đến hình tướng, nơi ở. Ai cũng có thể tu được, cho nên bất cứ Nam, Nữ, già, trẻ, giàu, nghèo, sang, hèn, có học hay không, nếu tu hành thật sự thì đều là Tu Sĩ. Không cứ phải vô Chùa, khoác áo Cà Sa mới được xem là Tu Sĩ như mọi người vẫn hiểu lầm từ xưa đến nay để rồi chạy theo hình tướng, làm những việc bên ngoài mà cứ ngỡ mình đang tu hành. Tu lâu năm thì thấy mình cao đạo. Việc tu hành, Ngộ đạo, hành đạo chính là ở tại thế gian, không phải bỏ đời, vô Chùa mới tu hành được. Lục Tổ Huệ Năng có Kệ: “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác ”. Do trần gian có nhiều đau khổ, va chạm, vướng mắc, nên mọi người cần tôi luyện ở đó. Có ràng buộc mới cần Giải Thoát, cho nên Giải Thoát cũng chỉ tìm thấy ở thế gian. Do đó mà Đạo Phật đã dùng hình ảnh Hoa Sen để nói lên điều đó. Phải ở ngay trong bùn mà không vương mùi bùn. Ở giữa cảnh trần đầy phiền não mà Thoát phiền não thì mới có giá trị. Vô Chùa, xây tường bao, rào chắn, các pháp không tiếp xúc, tấn công, hoặc trốn lên non cao, động vắng, xa lánh thế nhân. Đó là trốn pháp, né pháp. Đâu có gặp Pháp, đâu có đối phó với nó mà không bị nó làm hại để được gọi là Thoát pháp? Chính vì vậy, Lục Tổ nói: “Rời thế gian mà tìm Giải Thoát cũng như “tìm sừng thỏ”, và thỏ thì không bao giờ có sừng! Sự Chứng Đắc, Thành Phật không phải để trở thành Thần Linh, Bất tử. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên viết: “Trong một lần Đức Phật thuyết pháp. La Hầu La lơ đãng không nghe. Phật nhắc nhở thì ông trả lời là vì còn nhỏ, chờ lớn sẽ học. Phật hỏi: Người có giữ mạng ngươi cho đến lớn được không? La Hầu La trả lời là mình không giữ được, nhưng không lẽ Phật không giữ giùm con? Phật bảo: “Ta còn không giữ được mạng cho ta, huống là giữ cho ngươi”. Và rõ ràng là Phật đã nhập diệt. Đã trà tỳ. Chánh Pháp và Tà Pháp chỉ khác nhau ở cách hiểu, cách hành, dù cũng dùng chung Giáo Pháp của Đạo Phật. Phật không phải là Thần Linh, không phù hộ, độ trì được cho ai. Vậy thì chúng ta nghĩ sao khi hương đăng trà quả dâng lên Phật và ngày mấy thời tụng kinh để cầu xin Phật độ cho đất nước được thịnh vượng, mưa thuận, gió hòa, gia đạo được bình an, hết bệnh, tiêu tai, tăng ích? Khi có thân nhân đã qua đời, thì tụng Kinh Vãng Sanh để đưa vong linh người mới chết về Tây Phương Cực Lạc? Cất Chùa cho to, dùng chất liệu quý để đúc, tạc tượng Phật cho lớn, rồi nhang khói thờ phụng? Những người làm việc này thì bài Kệ trong Kinh Kim Cang đã nói rất rõ: “Ai nương sắc để thấy Ta, Dùng âm thanh để cầu Ta, Kẻ đó hành tà đạo Không thể thấy Như Lai ”. Tu Phật là học theo những Hạnh mà Phật và Chư vị Giác Ngộ đã làm, rồi làm theo, để bản thân mình cũng được Giải Thoát hay Thành Phật. Những người dùng hình sắc để thấy Phật, dùng âm thanh để cầu Phật thì đó là Thờ Phật, không phải Tu Phật. Và chính vì Thờ Phật không phải là mục đích của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật, nên những người làm như vậy gọi là theo Tà pháp hay hành Tà Đạo vậy. Tâm Nguyện Tháng 7/2018
VỀ TÁC GIẢ BÀI CA QUEN THUỘC “Bạn ơi đi với tôi lên đỉnh núi khi trời chiều...” (1) - các thế hệ người Việt Nam chúng ta dù đã từng sống, học tập, công tác tại Liên Xô trước đây, hay chưa một lần đặt chân đến nước Nga, đều đã hát và nhập tâm bài hát ấy. Cho đến bây giờ bài hát ấy vẫn vang vọng đây đó trong chúng ta. Tuy nhiên ít ai trong chúng ta đã biết và nhớ tên tác giả của những lời ca thân thiết đó. Ông chính là nhà thơ Nga Xô Viết nổi tiếng E. Đor matovs ky (1915-1995) sáng tác thơ ca trong cao trào xây dựng đất nước Xô Viết vào những năm 30, trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945, E.Đor matovs ky là tác giả của nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có tập Lời thơ về ngày mai (1949), giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1950, tiểu thuyết bằng thơ Những người tình nguyện (1956), về những người xây dựng đường xe điện ngầm Mátxcơva, bộ ba tác phẩm thơ Chung một số phận (1967), Đôi tay Chê Ghêvara... và lời nhiều bài hát rất phổ biến như: Em yêu quý của anh, Đêm ngắn ngủi, Chà, giá ta sống được đến ngày cưới - ngày lấy vợ, Thành phố thân yêu, Chẳng qua chúng ta tình cờ gặp nhau... Suốt mấy chục năm những năm 60-70 thế kỷ trước E. Đor matovs ky luôn là một người bạn thân thiết của dân ta, của văn học Việt Nam và của nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi của chúng ta, như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Sanh... Ông là một trong các nhà văn, nhà thơ Xô Viết nhiệt liệt ủng hộ nhân dân ta ngay từ những ngày đầu cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và đã nhiều lần có mặt ở Việt Nam trong những ngày nhân dân ta chiến đấu gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Từ Việt Nam ông đã gửi về Nga hàng chục bài thơ trong chùm thơ Báo động, Cô gái áo trắng, ghi lại những ấn tượng sâu sắc, những điều ông trông thấy, những người ông gặp, những nơi ông đi qua trên các nẻo đường từ vùng mỏ Quảng Ninh vào tận giới tuyến Quảng Bình. Những bài thơ ấy đã kịp thời được đăng trên nhiều trang báo Xô Viết thời đó như: Pravda, Báo văn, Nước Nga văn học, Sự thật KómSomol, Nước Nga Xô Viết... Sau đó ông tập hợp, xếp lại và xuất bản thành một tập thơ có tiếng vang, mang tên của một bài thơ trong đó Cô gái áo trắng (bài thơ kể lại câu truyện các cô gái vùng mỏ của chúng ta đã mặc áo trắng trong đêm tối đứng bên các nẻo đường hiểm trở làm cọc tiêu chỉ đường cho đoàn xe chở than liên tục sản xuất tiếp sức cho chiến trường). Năm 1968, sau một lần ở Việt Nam về, ông còn mang theo một bộ sưu tập thơ Việt Nam chiến đấu. Ông đã tổ chức mời nhiều nhà thơ Xô Viết khác cùng tham gia dịch và cho xuất bản thành tập thơ có tên Thơ nổ súng gồm 90 bài thơ của gần 20 tác giả miền Bắc và 10 tác giả miền Nam nước ta. Dưới đây là một đoạn trích từ bài thơ “ Xuân của mùa xuân ” của E.Đor matovs ky: Xuân của mùa xuân Ở một trận địa pháo Trên tuyến lửa Việt Nam Ụ pháo hoa hồng đua sắc thắm, Nòng pháo um tùm dây phong lan, Trong hầm đất ba dãy bàn tre ghép, Đũa tre tôi tập gắp, bữa liên hoan, Chỉ tiếc tôi không đọc được Những vần thơ chiến sĩ để trên bàn, Anh bạn nhà thơ Chế Lan Viên, Nghi thức phương Đông xin anh tạm gác, Tôi biết anh vốn là người hiền, Anh làm ơn dịch giùm cho chút ít, Nhan đề bài thơ: “Xuân của mùa xuân” Anh vừa dịch - tôi liền hiểu cả Xuân của mùa xuân, ý thơ chan chứa… Xuân của mùa xuân, mới đắm say thay ! Và ở khắp mọi nẻo đường - nơi ruộng đồng Hay giữa rừng cây, Hay trên bờ biển Đông bát ngát Những tiếng ấy hiện về trong ký ức Là lòng tôi tràn hạnh phúc vô biên, Xuân của mùa xuân Kẻ thù có trút bao nhiêu bom đạn Xuống dải đất tươi đẹp này, biết bao đau đớn, Cả một nhân dân cùng quân phục màu xanh Tin tưởng vào xuân của mùa xuân- Tự do, độc lập của mình Luôn sẵn sàng giáng trả đòn quyết liệt Gần khẩu đội trên cao lũy đất Bụi chuối đung đưa những tàu lá xòe to Như cánh rada theo dõi bước kẻ thù… Thúy Toàn giới thiệu và dịch
(1) Lời mở đầu một ca khúc quen thuộc có tên là Đỉnh núi Lênin, chỉ dãy núi phía Nam Moskva trên bờ sông Moskva, nay trở lại tên cũ là Đồi Chim Sẻ.
Phụ Bản I Mùa Hoa Anh Đào Lễ hội Hoa Anh Đào tại Nhật Bản Hoa Anh Đào (Sakura) là hoa của các loài thực vật thuộc phân chi Anh đào , chi Mận mơ, họ Hoa hồng; đặc biệt là của loài Prunus serrulata và một số loài khác chuyên để làm cảnh. Đây là lễ hội truyền thống của Nhật Bản với tên gọi Hanami . Hanami là từ được ghép bởi Hana có nghĩa là hoa và mi có nghĩa là ngắm nhìn. Như vậy Hanami có nghĩa là ngắm, thưởng lãm hoa. Lễ hội này là một trong những lễ hội lâu đời nhất ở Nhật Bản có truyền thống hàng ngàn năm nay và là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật. Hoa Anh Đào là quốc hoa của đất nước mặt trời mọc. Nó tượng trưng cho sự thanh khiết, mỏng manh và trong trắng. Hoa Anh Đào ở Nhật Bản có nhiều loại khác nhau và hầu hết chỉ nở hoa một vài ngày vào mùa Xuân. Các yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định thời gian nở của cây Anh Đào là dựa vào vị trí địa lý. Những vùng có khí hậu ấm hơn hoa sẽ nở sớm hơn: Okinawa do ở phía Nam của Nhật Bản, thời tiết ấm áp nên hoa Anh Đào ở đây nở sớm nhất (từ tháng 1). Hòn đảo phía bắc của Hokkaido hoa nở muộn hơn vào tháng 5. Trong hầu hết các thành phố lớn, bao gồm Tokyo, Kyoto và Osaka, mùa hoa Anh Đào thường diễn ra vào đầu tháng 4. Mùa hoa Anh Đào tương đối ngắn. Thời điểm Mankai (Mãn Khai: thời điểm hoa nở rộ nhất, đẹp nhất) thường đạt được trong vòng khoảng một tuần sau thời gian hoa nở đầu tiên (Kaika). Sau thời gian Mankai khoảng một tuần, hoa bắt đầu tàn và rụng dần. Gió mạnh và mưa có thể khiến mùa hoa thậm chí còn ngắn hơn. Ngày khai hội hoa Anh Đào sẽ chỉ được thông báo dựa trên những mẫu cây Anh Đào đại diện ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa. Người Nhật Bản mừng Lễ hội Hoa Anh Đào trong năm với tục lệ ngắm hoa Anh Đào (Hanami) dưới những tán cây Anh Đào nở rộ. Mùa hoa Anh Đào ở Thủ đô nước Mỹ Tokyo đã tặng thủ đô Washington hơn 3 ngàn cây hoa Anh Đào như một cử chỉ của tình hữu nghị và thiện chí. Ngày 27 tháng 3 năm 1912, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ (TT thứ 27 William Taft) và Phu nhân của Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ và một nhóm người đã trồng hai cây hoa Anh Đào đầu tiên tại hồ Tidal Basin. 4 năm sau đó, khi những cây hoa Anh Đào nở hoa, mùa hoa Anh Đào bắt đầu trở thành lễ hội hàng năm. Vào mùa xuân hàng năm, du khách đổ về Washington D.C của nước Mỹ để ngắm hàng ngàn cây Anh Đào nở hoa. Các du khách đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và một lượng lớn khách du lịch ngoại quốc cũng chọn dịp này để đến thăm đất nước cờ hoa. Và năm 1956 Nhật Bản lại tặng thêm 3800 cây. Tất cả các cây này được trồng tại Công viên West Potomac ở Washington, D.C. và là chủ đề cho Hội hoa Anh Đào quốc gia hàng năm. Các thành phố khác tại Hoa Kỳ cũng có hội hoa Anh Đào là Philadelphia, Pennsylvania , Macon, và Georgia . Canada Bắt đầu từ thập niên 1930 Nhật Bản đã tặng thành phố Vancouver của Canada với nhiều cây Anh Đào và nhiều đường phố tại Vancouver vào mùa xuân được phủ với hoa Anh Đào rơi. Hàn Quốc Tại bán đảo Hàn Quốc , do cùng đới khí hậu với Nhật Bản, hoa Anh Đào cũng tràn ngập khắp nơi. Dầu vậy tình cảm của người dân Hàn Quốc với loài hoa này không giống như người Nhật, vì người dân Hàn Quốc tôn vinh loài hoa hồng sharon là quốc hoa. Việt Nam Tại Việt Nam , ở Đà Lạt có một loại hoa Anh Đào, tuy cũng rất đẹp nhưng không cùng loại với những cây Anh Đào trên đất Nhật Bản. Gần đây chính phủ Nhật Bản tặng Việt Nam một số cây hoa Anh Đào nhằm kỷ niệm quan hệ hợp tác hai bên. Những cây Anh Đào đến từ đảo quốc Nhật Bản được trồng tại Đại sứ quán Nhật Bản trên đường Liễu Giai, Hà Nội , và ở Sapa , do không hợp khí hậu, thời tiết nên chưa mấy thành công. * Lễ hội hoa Anh Đào Nhật Bản lần đầu tiên đến với Tp.HCM Ngày 22 và 23/4/2016, Lễ hội hoa Anh Đào Nhật Bản đã diễn ra tại công viên 23/9, Q1, Tp.HCM (sau Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, đồng thời với Đồng Nai, Quảng Ninh và Bắc Ninh). Đến với sự kiện này, người dân và du khách được chiêm ngưỡng nghệ thuật trưng bày, triển lãm sắp đặt của 100 cây và 10.000 nhánh hoa Anh Đào được vận chuyển từ Hokkaido (Nhật Bản), xen kẽ vào đó là những chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản, hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch giữa 2 nước… Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, hợp tác văn hóa, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Nhật Bản - Việt Nam. Ban tổ chức cũng kỳ vọng, thông qua hoạt động này, hình ảnh về đất nước, con người văn hóa, truyền thống của Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đến gần hơn với người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản. Chào mừng Lễ hội hoa Anh Đào, chúng ta cùng hát: Bài hát Mùa Hoa Anh Đào - Tác giả: Thanh Sơn Mùa xuân sang có hoa Anh Đào, Màu hoa tôi trót yêu từ lâu, Lòng bâng khuâng, nhớ ai năm nào Hẹn hò nhau dưới hoa Anh Đào, mình nói chuyện ngày sau. Còn tìm đâu phút vui ban đầu ! Bụi thời gian cuốn trôi về đâu ? Để cho ai nhớ thương ai nhiều Vì đã xa cách nhau lâu rồi, dù nói không nên lời ! Chuyện đời như một giấc chiêm bao mà thôi, Tìm về quá khứ thấy xuyến xao lòng thôi Gió xuân đến bao giờ, Ngỡ như bước chân ai qua thềm hay là mơ ? Rồi Xuân sang thấy hoa Anh Đào, Màu hoa đây, dáng xưa còn đâu? Niềm tâm tư khép kín trong lòng Và tôi yêu bóng ai năm nào, Như đã yêu bóng hoa Anh Đào ! PHẠM VŨ (Tham khảo: Sách báo - Internet) Quê hương mình (tiếp theo số 151) Dì trầm ngâm: - Ban đầu thì cũng nhớ... nhưng năm nầy qua năm nọ, mọi chuyện rồi cũng đâu vô đó. Con người ta ăn theo thuở ở theo thời, ở đó nhớ hoài còn làm ăn gì được. Tao chỉ buồn là ba bây mọc gốc mọc rễ ở đây. Chỗ nầy nó đã quen nước quen cái cho nên không dám nghĩ tới chuyện trở về quê hương xứ sở. Còn bây thì khỏi nói. Nghe tới hai tiếng Chợ Đệm lạ quắc lạ quơ bây cho là chỗ quê mùa hủ lậu, chó ăn đá gà ăn muối, làm sao bây nghĩ tới chuyện về? Dì Tư nhích tới chỗ con Gái ngồi, dở nắp nồi, cơm vừa chín tới thơm mùi nhựa gạo, đưa đũa bếp xới xới. Tay dì quậy mạnh mẽ, thành thạo, nhưng để ý mới thấy Dì cố tránh đụng mạnh mấy cái hột vịt luộc ké trong đó. Xong xuôi dì đập lên vành nồi cho mấy hột cơm dính trên đũa bếp rớt xuống, đậy nắp nồi, xây xây, lựa chỗ cho nắp vung khít khao với miệng nồi để hơi khỏi bay ra. Con Gái biết ý nội, lấy đôi đũa sắt quậy trong lò, than vụn lọt qua vỉ, rớt xuống phía dưới đỏ au. Nó vói tay dụi mấy cây củi đương cháy đỏ vô thau nước dơ cạnh đó, rồi chất vô đống củi, tiết kiệm để xài lần sau. Dì Tư ngó cháu mỉm cười bằng bụng, đưa tay xấp xấp xếp xếp mọi thứ gọn gàng, kéo cửa sổ, hất hết rác rến xuống sông rồi đứng dậy đi lấy chén đũa. Cử chỉ của dì Tư thiệt tự nhiên, thiệt bình thường nhưng thằng Đực thấy bà nó cố gắng đè xuống đáy lòng một thứ tình cảm gì đó mà nó lờ mờ hiểu rằng đó là nỗi buồn nhớ quê của người xa xứ lâu năm không được trở về, giờ đây nghe nhắc tới. Nó ngó theo từng cử chỉ của bà nội. Mường tượng nghe một tiếng thở ra. Thương bà và cũng phục bà. Bà nói trúng phóc, hổng trật một chút nào hết. Hôm qua đây chứ đâu lâu lắc gì, trong lúc chờ con Gái từ trường Tôn Thọ Tường băng qua để đi về chung, nó đã tò mò đứng ngó gần rớt con mắt ba bà nhà quê đương sà xuống mua thuốc Nam của mấy người Chàm bày bán trên lề đường. Nó lấy làm lạ về mấy người Chàm thì ít. Họ nói bằng thứ tiếng líu líu lo lo bổng trầm. Họ bận quần áo màu mè, lòe loẹt thùng thình. Họ đeo cả chục cái vòng ở mỗi cườm tay. Mấy chuyện này mới gặp lần đầu thì lạ. Nhưng bây giờ thì quá thường rồi, quá quen rồi. Cứ vài ba tuần, thì thế nào cũng có năm bảy người, đàn ông có, đàn bà có, bày thuốc ra bán. Thuốc rễ cây, lá cây khô. Họ còn bày biện ra trên mấy tờ giấy dầu những sản phẩm đặc biệt của rừng núi, rất thu hút người thành thị như là mật gấu, nanh heo rừng, gạc nai, củ sâm, răng cọp, lông đuôi voi. Có bận họ còn chưng nguyên một con khỉ khô, nguyên bộ dạng ngồi chòm hổm, nhăn răng như khi còn sống, giành ăn khọt khẹt làm cho người ta bu lại coi đen nghẹt, chật hết lề đường. Hôm qua nó cũng lấn vô để hy vọng được coi con khỉ khô lần nữa. Nhưng không có gì hết. Chỉ thấy mấy người đàn bà nhà quê, bận hai ba cái áo một lượt, khi móc tiền ra trả, rụt rà rụt rè vén từ cái lên, tiền ở trong túi cái áo chót. Họ lây quây mở kim tây, lấy từng đồng bạc mới tinh ra, mấy tấm giấy một đồng thẳng thớm vừa thơm mùi giấy, vừa thơm mùi long não, họ đếm tới đếm lui, năm lần bảy lượt mới chịu đưa tiền. Đưa rồi mà họ thiếu điều tiếc của hỏng muốn rút tay về. Nó đứng ngó trân trân cảnh tượng đó, quên mỏi cẳng, quên con Gái đứng ngoài sau kéo áo nó mấy lần đòi về. Nó như á khẩu, hồn trí bay bổng lên cung Dao Trì, lên vườn Tây Vương Mẫu, mất hút không còn biết gì nữa. Lạ quá, phải ngó, phải dòm. Họ như cha căng chú kiết nào đâu á, không giống ai hết. Họ nói chuyện với nhau thì phải biết. Lạ lùng về tiếng đã đành mà còn lạ về cách nói nữa! mình ên, chời ơi, xấu như ma móc, ếm-cùm-cum, chèn-đéc-ơi, quỷ thần thiên địa ơi, giùm làm. Họ rụt rụt rè rè, lơ ngơ, láo ngáo. Không giống ba nó cười cười nói nói vui vẻ, không giống má nó bận có một cái áo túi năm nầy qua năm khác. Tiền, khi ba nó hỏi, thì đưa liền chứ không tiếc hùi hụi con mắt ngó theo hoài. Cũng không giống mấy người bạn hàng ồn ào, sôi nổi, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Không giống mấy chú khiêng hàng, bất kể quân thần trời đất, chạy càn chạy lướt, xô đẩy mấy người chậm chân lóng cóng, hễ ai than phiền thì cự nự, chửi thề, bậm trợn. Người ở đây vậy đó. Mau lẹ, lanh lợi, dữ dằn, vui vẻ, liến thoắng. Họ không làm người khác sợ thì thôi, chứ ai mà cà rờ, cà rờ, cà rịch, cà tang, mua có một mớ thuốc mà tốn hết cả buổi trời, khóm ra khóm róm như sắp bị ăn tươi nuốt sống. Chỉ cần gặp một lần thì biết là nhà quê rồi. Nó ngửng đầu lên khi trí nó đụng nhằm một thắc mắc không giải quyết được: - Nội nè! Bộ mấy người dưới quê hết thảy đều quê mùa sao nội? - Không vậy, nhưng những người ở quê không nhiều thì ít đều có những cử chỉ mà người ở chợ cho là nhà quê. Cũng có người có ăn có học đến đó chứ. Mấy ông hương chức hội tề, mấy cô cậu tiểu thư công tử con chủ điền, chủ lò đường, lò gạch, chủ chợ, chủ ghe đò... Mấy thầy giáo nữa chi? Đâu phải ai cũng cày sâu cuốc b ẫ m ù ù, cạc cạc, củi lục hết, có người từng đi học trên tỉnh, thậm chí có người từng lên Sàigòn học nữa! Nhưng mà sống dưới quê, lâu ngày nhiễm cách ăn nói, quen cử chỉ của người chung quanh nên có hơi lạ đối với người ở chợ. Bây thấy đó, khác chớ đâu phải quê, mà cho là quê đi, cũng không có gì xấu hết. Họ coi lẫm rẫm vậy mà xài được ớn chứ hổng chơi đâu. Họ thiệt thà chơn chất, cục mịch nhưng một là một, hai là hai... Nói cho cùng mà nghe, nếu tao còn ở Chợ Đệm tới giờ thì thằng tía bây đã thành nhà quê. Bây là con nít nhà quê. Người ta nói là quê rít quê rang, quê từ đầu tới đít là vậy đó. Quê ba bốn đời. Con Gái vỗ tay cười, nói một câu thiệt là lạc quẻ: - Ha! Ha! Mày là đồ nhà quê. Thằng Đực mơ màng, nó như không nghe em nó cười ngạo vô lý. Nó thấy mình lớn bộn sau câu chuyện, lên giọng nhận xét tài khôn. - Như tụi con đây cũng nhà quê phải không nội? Tên gì mà thằng Đực, con Gái, mấy cái tên đó để kêu ở nhà mới phải, vô trường phải có tên khác chứ. - Thì tao đặt bậy vậy mà. Ba má bây không chịu cũng phải chịu. Có sao kêu vậy. Gái, Đực, Bông, Lành, Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Trâu, Bò. Tao cũng biết đặt đẹp cho cháu vậy. Huỳnh Hoa, Trí Dũng, Hiền Tâm, Thiên Kim. Nhưng mà tên quê có cái dễ thương riêng của nó. Bây không thấy nó đơn giản, mộc mạc thiệt thà đó sao? Tên đẹp mà làm gì, lòng mình đẹp tốt bằng mười... Với lại con nít mà đặt tên đẹp quá ông bà quở, ấm mỏ ác, khóc đêm ọc sữa tối ngày ai chịu cho n ổ i. Nhờ tao đặt bậy vậy cho nên bây mới sởn sơ mạnh dạn cho tới bây giờ. Nêu không, nói bậy mà nghe, biết đâu bà hú tụi bây hồi năm rồi. Nhứt là thằng Đực. Đã là con so mà lại xấu háy nên lặc lìa lặc lọi năm nầy qua năm khác, hỏng có tao thì bây đã đi đầu thai mấy kiếp rồi. Một tay tao chạy thầy chạy bà, kiếm thuốc kiếm thang, chớ mẹ mầy còn nhỏ quá có biết cái mốc gì đâu? Thằng Đực sợ bà nó nhắc lại những trận đau ngày xưa của tụi nó. Xáp vô chuyện nầy bả xà quần cầu nửa ngày chưa hết. Nó nói với sự cảm xúc dào dạt trong lòng: - Như vậy có nghĩa là quê hay không quê tùy thuộc chỗ mình ở. Mà quê cũng không có gì là xấu. Thấy ai quê mùa mình phải thương chớ không được khinh khi phải không nội? Dì Tư cúi xuống cắt cắt mấy cọng hành không ngó lên. Dì chần-chờ một đỗi mới trả lời thiệt nhỏ, giọng mơ hồ, xa vắng: - Xứ quê chứ người không quê. Mắt dì Tư ươn ướt. Một giòng nước đọng lại, chỉ chờ một cái chớp mắt là nhiễu xuống. Dì nhớ tới xứ quê mùa hủ lậu của mình. Con sông êm đềm nước chảy, lâu thiệt lâu có khi cả ngày trời mới có một chiếc ghe đi ngang. Cảnh buồn hiu nhưng chứa chan bao thân thiết khi còn nhỏ, nào tập tễnh lội bập dừa, nào chơi đập nước quậy bùn khi mới lớn, nào thẹn thùng tắm dưới trăng lúc nửa đêm nóng nực. Vườn mía Tây mập cùi cụi trước sân, chỉ nghe tiếng lá xào xạc trong gió cũng đủ ngọt miệng huống hồ gì được tự do ngồi trong luống cạp mấy lóng vàng lườm, tươm mật rít tay. Phải biết! Ngậm mà nghe! Cả xứ chỉ có vườn mía mình là một, căn nhà nữa, lót gạch Tàu lên nước bóng láng từ trước tới đằng sau, buổi trưa nắng đổ lửa mà ngả lưng xuống thì nghe mát rượi hết cả tứ chi. Buổi sớm tiếng chim kêu ríu rít trong bụi quanh quất đâu đó khi trời mới thả vài tia nắng sớm, se sẻ, chào mào, chích chòe đua nhau hòa tấu điệu bình minh. Cái giếng hộc lấp ló sau mấy thân cây chuối lửa bự bằng cột nhà.... - Con phải thương mấy người nhà quê phải không nội? Thằng Đực hỏi khôn hỏi khéo, nhắc lại bổn phận tự đặt khi thoáng thấy một thứ tình cảm gì đó lạ lùng lắm, hiện diện trên gương mặt xương xẩu của nội nó. Nó xốn xang vì giọt nước mắt thì ít mà vì sự im lặng đương phủ trùm trong ghe thì nhiều. Nó bỗng nhiên có cảm tưởng mình được nối kết thật chặt chẽ với một khung cảnh mà lâu nay chỉ mường tượng là vắng vẻ, đìu hiu nhưng đã chứa chấp tổ tiên ông bà mấy đời trước đó, với những quần vải áo bô, mặt xương, chưn mốc, tóc hớt cao, những người mà trước đây nó thờ ơ, xa lạ thậm chí còn khi dể. - Mà con nói cho nội biết tại sao con nghĩ tới chuyện đó? Thằng Đực câm họng, không biết nói sao để diễn ý thành lời. Lớn đại, mười hai, mười ba tuổi đầu, nhưng nó chưa hề suy nghĩ trừu tượng, cũng như diễn tả tình cảm của mình. Nó đứng đực mặt, bậm môi, rặn lắm, nhưng cũng không nói được hết ý: - Con nghĩ là... là con hên hơn họ... Họ... xui xẻo... chớ không phải ai tài giỏi gì hơn ai? Dì Tư không ngờ được có câu trả lời như vậy. Dì tưởng mình sẽ nghe về tình người, tình dân tộc, đồng bào, trái lại đụng nhằm một câu nói trúng ngay thực tế. Phải, người hên người xui nên thành người chợ búa kẻ quê mùa thôi. Không có gì khác hơn chơn lý đó. - Ừ! Ở đời mỗi người đều có phước có phần riêng. Trời cho ai nầy hưởng. Quê chưa chắc xấu, thành thị chưa chắc hay. Hay là quê mà không ngu dốt, không hủ lậu, thành thị mà không lém lỉnh, gạt người và che đậy một cách tức cười cái gốc gác của ông bà tổ tiên. Tao thấy có người mới tới đây đâu có bao lâu, gặp thời xưng hùng xưng bá, nói láo ngang láo dọc mà không biết mắc cỡ miệng tao bắt tức cười... Với tao thì quê hương tao luôn luôn là hình ảnh sáng chói trong lòng mặc dầu đã xa xứ từ lâu. Con Gái bình thường bô bô cái họng hỏi không liền da non, bữa nay cũng thấy khớp trước những điều mới mẻ vừa được nghe. Nó bâng khuâng vừa bồn chồn vừa bùi ngùi. Nó nhớ tới một đứa nhỏ cũng chừng trạc tuổi nó, cặp mắt ngơ ngác, khô cằn, cái kẹp ba lá kẹp sau đuôi tóc, bận cái áo túi bông xanh xanh, cả ngày lúc thúc, lủi thủi trong khoang chiếc ghe chở nồi ơ, cà ràng, ông lò mấy bữa rày đậu kế bên ghe nó mà mỗi lần nó trừng mắt làm bộ bậm trợn để hù nhát thì con nhỏ lấm la lấm lét quay mặt đi hay cúi gầm xuống im thin thít. Nó ước thầm trong bụng. Ưng ai mai mốt ghe đó đậu chỗ này nữa để tôi làm quen với con nhỏ đó, tôi xin lỗi nó. Lúc đó tôi đâu biết giỡn chơi như vậy là bậy. Ưng ai ông địa làm phước! Nó ngó ngọn lửa đã tàn trong lò, mấy cục than đã cháy gần hết đương bắt đầu phủ một lớp tro trắng xám chung quanh, ánh lửa lâu lâu sáng hực lên, chiếu bóng khói lên vách ghe mỗi khi có cơn gió thổi lòn vào trong mui. Nó nhìn chăm chú ánh lửa, mơ màng thấy mình với con nhỏ có cặp mắt ngác ngơ, nắm tay nhau đi xuống phía chưn cầu, chỗ xác mía chất chồng đầy dẫy, tay trong tay vừa cười nói thân thiết vừa dòm thán phục mấy chị đàn bà đương lanh lẹ róc mía chất lên mấy cái xe ba bánh, và nó đã mạnh dạn nài một khúc ngon ớn bẻ hai chia cho con nhỏ. Thằng Đực vẫn đeo đuổi ý nghĩ của mình. Quê hay không quê khác nhau chỉ là rời xứ sớm hay không mà thôi. Không hay ho gì hết trơn hết trọi. Cái hay ho là biết nhớ biết thương xứ nhà quê của mình, hay nói theo cách của bà nội nó ‘Quê hương phải là hình ảnh sáng chói trong lòng’. Lâu lắm dì Tư mới đứng dậy lấy chén đũa dọn cơm. Dì nói lớn một câu vớt vát để phá tan không khí đặc biệt đương trùm phủ không gian: - Thôi ăn cơm bây, trưa trờ trưa trật rồi. Kiến cắn bụng quá! Nãy giờ mấy bà cháu mình lo nói chuyện tầm-ruồng bá-láp không. Bên ghe đậu gần đâu đó, có chị đàn bà buổi trưa nằm nói thơ giải buồn, hứng chí nói lanh lảnh mấy câu thơ Sáu Trọng thiệt ngọt ngào, nhưng lời thơ thiệt thấm thía: Trọng rằng: ‘Buôn bán không lo, Nói chuyện đưa đò chè cháo lạnh tanh.’ Đẩu rằng: ‘Lòng khiến thương anh Cháo chè nguội lạnh cũng đành bụng tôi.’ Thằng Đực vảnh mỏ ra nghe, mỗi lần chị ta nói thơ Sáu Trọng là nó khoái trong bụng. Nghe ngày nầy qua ngày khác nó gần như đã thuộc nằm lòng nguyên cuốn thơ. Nó nhớ tới Sáu Trọng người lưu lạc mà anh hùng, thẳng thắn, gan dạ. Nó thấy bà nội nó coi quê mùa dốt nát mà nói ra những điều thiệt đáng kính phục, những điều nó chưa từng học ở nhà trường, chưa từng nghe ai giảng giải mà tạo được xúc động lớn lao như vậy. Nó lập lại trong bụng, tầm ruồng, bá láp, đưa đò! Không tầm ruồng bá láp đâu nội, không đưa đò đâu chị. Ích lợi còn hơn uống mười thang thuốc bổ nữa đó nội. Đáng giá còn hơn bạc ngàn đó chị. Nội đã dạy con yêu mến quê hương, thân thiết với người nhà quê tội nghiệp. Chị đã dạy em nghĩa khí can trường, biết phẫn nộ trước những bất công của cuộc đời. Con Gái đã trở về thực tại sau câu nói của nội nó. Nó tiếc tiếc hình ảnh hồi nãy nhưng cũng nghe lời đứng dậy dọn cơm. Đương bưng nồi cơm xuống để lên cái rế bỗng nghĩ ra một điều, nó lật đật để xuống, phủi tay lia lịa, hỏi một câu thiệt đáng đồng tiền: - Chừng nào mình mới về quê thăm quê mình hả nội? Dì Tư cảm động ngó cháu: - Cái đó còn tùy nhiều thứ lắm con! Dì không nói thêm gì, nhưng tiếng con được kéo dài thiệt ngọt ngào, thiệt bao la. Thằng Đực và con Gái ngó nhau, lờ mờ trong trí chúng nó đại để chuyện về quê còn tùy thuộc nhiều thứ mà bà nội chưa thể kể ra ngọn ngành nhưng chắc chắn là sẽ về một ngày nào đó. Câu trả lời của bà, người ngu cách mấy cũng cảm thấy ẩn dấu trong đó một tình cảm dạt dào, sâu đậm, một sự ngóng trông, hướng về; một nỗi niềm tiếc nuối... Hai đứa thấy mình đã hiểu bà, hiểu tại sao ánh mắt bà vời vợi, tại sao câu trả lời như một lời than, một cái chép miệng. Và thằng Đực bới một chén cơm thiệt đầy, kính cẩn đưa hai tay mời bà nó. Con Gái lặng lẽ trở mấy chiếc đũa lộn đầu về một phía, so so rồi lựa đôi tốt nhứt kiếng cho nội. Đôi kế tiếp nó đưa cho anh nó. Thằng Đực đưa tay ra nhận mà lòng tràn ngập khoái cảm. Nó ngước lên ngó em bằng ánh mắt thân thiết. Hai anh em cùng mỉm cười, lâng lâng nôn nao, khác với lúc bình thường hằng ngày như được cho một đồng bạc, một gói xôi, hay ổ bánh mì cá hộp. Lạ lắm. Khác lắm. Bên ghe kia, chị đàn bà đã bỏ thơ Sáu Trọng qua thơ khác, chị ngâm nga nghe đứt ruột đứt gan: Mười giờ tàu lại Bến Thành Xúp lê vội thổi bộ hành xôn xao. Thằng Đực và con Gái lại đưa mắt ngó nhau lần nữa. Trong trí hai đứa hiện lên đồng loạt khung cảnh bến tàu đò nhộn nhịp ở đằng đầu kia chợ với những người đàn bà áo quần tươm tất từ dưới bước lên, tay dắt mấy đứa nhỏ, ngơ ngác ngó cảnh vật lạ chung quanh. Hai đứa đều ước ao mình được ngồi trong tàu đò đi về miền quê hương trong tâm tưởng, một thứ quê hương được cấu tạo trong thần trí bằng tình cảm thiêng liêng chớ không bằng một chút kỷ niệm nhỏ nhoi nào. Dì Tư ngồi chống đũa. Con sông trống trải hai bên bờ, vườn mía Tây xào xạc, tiếng chim kêu líu lo buổi sớm, và cái giếng hộc ngọt lịm kế bụi chuối sau hè đã che mất thực cảnh trước mặt. NGUYỄN VĂN SÂM (Trích Ngày Tháng Bềnh Bồng, Gió Việt, TX, 1987) MƯỜI NGƯỜI ĐÀN ÔNG KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI Liew Thow Lin - Người nam châm Ông Liew có thể dính bất cứ đồ vật kim loại nào lên cơ thể. Một số người trong lịch sử được biết đến vì có khả năng từ tính kỳ lạ, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là ông Liew Thow Lin. Người đàn ông đến từ Trung Quốc này có thể dính bất kỳ vật kim loại nào vào cơ thể. Các nhà khoa học của Đại học Công nghệ Malaysia sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã đưa ra nhận xét rằng da ông Liew có độ ma sát rất cao, tạo ra “hiệu ứng hút”. Daniel Browning Smith - Người “không xương” “Người không xương” vô cùng nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, được ghi danh Guiness thế giới. Daniel Browning Smith, sinh năm 1979 ở Mỹ, đã phát hiện ra độ dẻo dai của mình khi mới 4 tuổi. Anh hiện giữ kỷ lục là người dẻo nhất thế giới cũng như các kỷ lục thế giới khác về độ dẻo dai của cơ thể. Anh có thể vặn cả hai cánh tay và chân của mình để quay thân 180 độ hay uốn cong mọi hướng. “Siêu năng lực” của anh hình thành do hội chứng Emlers - Danlos hypermobile, một đột biến di truyền. Nó có thể gây ra sự đau đớn nặng nề nhưng may mắn thay, Daniel chỉ là một trường hợp nhẹ. Shi Liliang - Người đi trên mặt nước Ông Shi Liliang đã chứng minh được rằng khinh công có cả trong đời thực. Đi trên mặt nước là một trong những chiêu thức quen thuộc mà chúng ta vẫn thấy trong phim cổ trang Trung Quốc thế nhưng ở thế giới hiện đại vẫn có người sử dụng được nó. Shi Liliang - một vị võ sư đến từ Trung Quốc có thể chạy trên mặt nước khoảng 125m, được ghi vào kỷ lục thế giới vào năm 2015. Thái Ngọc - Người đàn ông 45 năm chưa từng chợp mắt Tuy không ngủ trong suốt 45 năm nhưng ông Ngọc vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Chẳng cần đến cà phê, người đàn ông này đã thức suốt 45 năm. Ông “Hai Ngọc”, 76 tuổi (ông tên thật là Thái Ngọc ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) mắc chứng mất ngủ trầm trọng từ năm 1973. Điều kỳ ở đây là tuy không ngủ nhưng tinh thần ông Ngọc vẫn vô cùng tỉnh táo và khỏe mạnh, ông vẫn có thể làm việc mỗi ngày, thậm chí là việc nặng nhọc. Stephen Wiltshire - Người có bộ óc siêu phàm Chỉ cần nhìn sơ qua, Stephen Wiltshire đã có thể vẽ lại toàn bộ chi tiết một cách vô cùng tỉ mỉ. Stephen Wiltshire là kiến trúc sư người Anh, nổi tiếng khắp thế giới về trí nhớ siêu phàm. Anh có thể tái tạo lại mọi cảnh quan đã nhìn thấy dù chỉ trong giây lát. Khi còn trẻ, Stephen được chẩn đoán mắc hội chứng Savant, gọi nôm na là “trí nhớ tuyệt đỉnh”. Rathakrishnan Velu - Người có bộ răng chắc khỏe nhất thế giới Ông Rathakrishnan Velu có thể dùng răng kéo một… đoàn tàu nặng 260,8 tấn Một kỷ lục Guiness thế giới khác thuộc về người đàn ông đến từ Ấn Độ này. Rathakrishnan Velu - người có thể kéo một đoàn tàu (nặng 260,8 tấn) chỉ với bộ răng của mình ở khoảng cách 4,2m. Wim Hof - Người đàn ông “không cảm xúc” Dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu cũng không thể tác động đến Wim Hof. Cho dù ngoài trời thời tiết có khắc nghiệt thế nào đi chăng nữa nhưng Wim Hof không bao giờ cảm thấy lạnh hay nóng. Ông là tác giả của phương pháp Wim Hof - bắt nguồn từ việc chuẩn bị tinh thần và cơ thể để tập luyện chống lại nhiệt độ khắc nghiệt. Ben Underwood - Batman Dù mất đi thị lực nhưng Ben Underwood vẫn có thể sinh hoạt như người bình thường nhờ phán đoán âm thanh. Cuộc sống thực tại của “Batman” gắn liền với căn bệnh ung thư võng mạc. Từ khi còn là một đứa trẻ, Ben Underwood đã mất khả năng nhìn. Sau đó, mẹ Ben nhận ra con trai có thể “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”. Ben có thể chơi điện tử, đạp xe, trượt băng, leo cây... làm đủ mọi việc như thể anh ấy chưa bao giờ bị mất đi thị lực. Michel Lotito - Người đàn ông “ăn cả thế giới” Ông Michel Lotito có thể “ăn cả thế giới”, từ cao su đến kim loại, thủy tinh… Người đàn ông có tên Michel Lotito đến từ Pháp này có thể ăn bất cứ thứ gì trên đời, từ cao su, kim loại đến thủy tinh. Ông được biết đến nhiều nhất khi tự mình ăn một chiếc… máy bay. Kevin Richardson - Chúa tể sơn lâm Kevin nổi tiếng với biệt tài có thể gần gũi với mọi động vật, kể cả động vật hoang dã. Nhà phân tích hành vi và chăm sóc động vật Kevin Richardson đến từ Nam Phi đã tiếp xúc với rất nhiều động vật ở Châu Phi. Anh chủ yếu được biết đến vì mối quan hệ gần gũi của mình với động vật hoang dã. Kevin có thể thoải mái âu yếm, cưng nựng những con hổ, sư tử như những con vật hiền lành, dễ thương. Theo Bright Side - Hoàng Chúc st. NHỮNG ĐIỂU KHÁC BIỆT GIỮA ĐÔNG PHƯƠNG & TÂY PHƯƠNG Cách thể hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng. Phong cách sống: Người phương Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để tạo nên sự hài hòa. Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn. Cấp trên: Trong thế giới phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi là “người khổng lồ”. Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính “dắt dây” như trong xã hội phương Đông. Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”. Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người phương Đông ở mọi lúc mọi nơi. Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi. Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và trung tâm mua sắm để giải trí. Tiệc tùng: Tại những bữa tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện. Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức thành công. Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người. Thức uống “lành mạnh”: Ở phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng. Đi du lịch: Người phương Tây đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó, đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém. Vẻ đẹp lý tưởng: Người phương Tây thích da nâu, người phương Đông thích da trắng. Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này. Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực. Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích. Phương tiện di chuyển: Trước đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất, người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện). Cuộc sống của người già: Dạo chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi. Tắm táp: Người phương Tây thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ. Ẩm thực sành điệu: Người phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm tới các món Âu. Thời tiết và cảm xúc: Người phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng. HOÀNG KIM THƯ st. TÌM HIỂU nghĩa của từ TẾT Tết là một từ quen thuộc, thường được nhắc nở nhiều trong những ngày, tháng cận Tết và trong dịp… Tết. Vậy, Tết bắt nguồn từ đâu, xuất hiện từ khi nào? Có lẽ, khái niệm này xuất hiện rất sớm trong đời sống con người. Nó có từ xa xưa. Trong kho tàng từ vựng tiếng Anh, tiếng Pháp không có từ Tết. Nó chỉ có các từ: Lễ Giáng sinh, Mừng sinh nhật… Tết là một từ Việt, gốc Hán. Ban đầu, người ta gọi là tiết (chẳng hạn, Tiết Đoan Ngọ, Tiết Thanh Minh…) Nguyễn Du từng viết: Thanh minh trong tiết tháng ba Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh Trong văn tự Hán, chữ tiết xuất phát từ bộ trúc ( 卩 : bộ hai nét). Theo nghĩa gốc, tiết là cái mắt tre, cái mấu tre. Trên thân tre, mắt tre, mấu tre là chỗ cứng nhất, góp phần chia cây tre thành nhiều đoạn. Đoạn dưới gốc, sát gốc nhỉnh hơn so với giữa thân tre và lớn hơn nhiều so với phần ngọn tre. Từ đó mắt tre, mấu tre, trong Hán tự, gọi là trúc tiết. Về sau, tiết có thêm nét nghĩa nữa - theo phép hoán dụ - đó là đốt tre, lóng tre. Qua thời gian dài, người ta lấy từ TRÚC TIẾT để chỉ các phần của một sự vật, một hiện tượng (trong đó có hiện tượng thời gian) Rõ ràng, bắt nguồn từ văn tự Hán và trải qua hàng ngàn năm sử dụng, cho đến nay, chúng ta thường dùng từ TẾT thay cho từ tiết. Trong các ngày Tết: Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết trung thu… thì TẾT NGUYÊN ĐÁN vẫn là cái Tết có ý nghĩa nhất và quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Nguyễn Tấn Thái Gv Trường THPT Nguyễn Thái Bình huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
HEO & LỢN TRONG CA DAO VIỆT NAM Mậu Tuất sắp hết nhiệm kỳ đang chuẩn bị làm lễ bàn giao cho Kỷ Hợi. Khác với anh Tuất chỉ có thêm tên chó, cẩu, cún. Em Hợi được gọi nhiều tên hơn như: heo, lợn, trư, thỉ, ỉn, ủi, ủn, ỉ, ột, ệt, ịt… Tết đến nhà nhà đều có nồi thịt heo, vài cái bánh chưng hay mấy khúc giò chả các loại để trong nhà nhâm nhi ba ngày tết. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Trong ma chay, cúng tế, sinh nhật, cưới xin có con heo quay là thấy có sự sung túc, xôm tụ. Cồng cộc bắt cá dưới bàu Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo Tại Núi Sam Châu Đốc, vía Bà Tây Ninh, người dân nườm nượp cúng heo quay trả ơn đã được nhận và cầu mong những ơn mới. Tại Nhà thờ Tắc Sậy Cha Diệp trước kia cũng có cúng heo tạ ơn, nhưng bây giờ thì nhà thờ không cho nữa. Riêng về đám cưới thì hầu hết đều có con heo quay dẫn đường. Nhất là bên người Hoa thì không thể thiếu. Ca dao Việt Nam nói rất nhiều về con heo, (từ lúc tỏ tình cho đến lúc cưới xin). Mượn con lợn để tỏ tình: Cô kia đi chợ Hà Đông Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi Anh đi chưa biết mua gì Hay mua con lợn phòng khi cheo làng Nói dai, nói dài rồi cũng đến chuyện con lợn (chuyện cưới xin): Tình cờ bắt gặp nàng đây Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần May xong anh trả tiền công Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho Anh giúp một thúng xôi vò Một con lợn béo một vò rượu tăm... Anh giúp đôi chiếu em nằm Đôi chăn em đắp đôi trằm em đeo Anh giúp quan tám tiền cheo... Chuyện tình rồi cũng đến hồi kết: Em về thưa với mẹ cha Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo Đầu heo lớn hơn đầu mèo Làng ăn không hết, làng treo đầu đình Ông xã đánh trống thình thình Quan viên níu áo ra đình ăn cheo Đây là nhiệm vụ bắt buộc với dân làng trước khi rước nàng về dinh Nuôi heo thì phải vớt bèo Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng Có cưới mà chẳng có cheo Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài. Cũng có đôi uyên ương trắc trở: Yêu nhau chả lấy được nhau Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già Bao giờ sum họp một nhà Con lợn lại béo cau già lại non. Chọn một người vợ phải xem dòng họ đó ra sao? Tìm hiểu kỹ lưỡng chứ nào phải vơ đại đâu? Lựa được một con dâu sâu con mắt Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng. Có những chàng rể nghèo không có heo, chỉ có nông sản do chính tay mình làm ra vẫn được gia đình vợ chấp nhận: Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông Người ta thách lợn, thách gà Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang . Nhưng cũng có nhà đòi sính lễ rất cao: Cưới em mười chín con trâu Mười hai con lợn thì dâu mới về Dâu về dâu chẳng về không Dâu thì đi trước ngựa hồng theo sau Cơ bản, các cụ ta đã nhắc nhở: Một con lợn béo, một vò rượu tăm Giúp em đôi chiếu em nằm, Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo. Giúp em quan tám tiền cheo Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau. Ðôi trằm là đôi bông tai. Tiền cheo là tiền đàng trai phải nộp cho làng để được phép làm đám cưới. Còn con “lợn béo” cũng bắt buộc phải có để đàng gái đãi quan viên hai họ và các chức sắc, kỳ mục trong làng. Vì vậy con gái trong nhà đôi khi “nạnh” với mẹ về quan niệm nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô như sau: Mẹ ơi sinh trai mà chi Ðầu gà má lợn đem đi cho người Mẹ sinh con gái như tôi Ðầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn. Tuy nhiên, có nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng vì nghèo không đủ nộp cheo đành phải xa nhau, hoặc nếu gắng vay mượn thì sẽ phải mang nợ mang nần: Anh là con trai nhà nghèo Nàng mà thách thế anh liều anh lo Cưới em anh nghĩ cũng lo Con lợn chẳng có, con bò thì không Tiền gạo chẳng có một đồng Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần Sớm mai sang hiệu cầm khăn Cầm được đồng bạc để dành cưới em... Nhưng đôi khi, vì tham tiền tham bạc mà nhiều bà mẹ đã làm lỡ duyên con gái khiến nhiều cô phải than: Mẹ em tham thúng xôi dền Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng Em đã bảo mẹ rằng đừng Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào Bây giờ chồng thấp vợ cao Như đôi đũa lệch so sao cho bằng? Mẹ em tham lợn béo mùi Để anh chểnh mảng như nồi cơm rau Vắt tay mà nghĩ trước sau Thịt lợn chóng chán, canh rau mát lòng. Cũng có khi do sự chọn lựa của ai đó Đầu gà má lợn thì chê Lấy thằng câu ếch đi rê ao bèo. Đưa đến số phận hẩm hiu: Thân em mười sáu tuổi đầu Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người Nói ra sợ chị em cười Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay Tối về đã mấy năm nay Buồn riêng thì có, vui rày thì không. Ngày thời vất vả ngoài đồng Tối về thời lại nằm không một mình. Có đêm thức suốt năm canh Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò. Thi ca trào phúng còn đưa giá trị con heo lên để so sánh. Bà già lật đật mua heo cưới chồng Cưới về chồng bỏ chồng dông Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo Còn duyên anh cưới ba heo Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi. Ngán thay cái kiếp lợn xề Ăn bèo với cám, nằm lê trong chuồng. Trai tơ vớ phải nạ dòng Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu Trai tơ lấy gái góa chồng Như mua nồi đồng đem nấu cám heo. Có những anh chồng sau khi nộp đủ cheo cưới lệ bộ, cuộc đời chưa chắc đã lên hương như mộng tưởng. Nếu gia đình vợ giàu lại kênh kiệu, thế nào cũng có màn ở rể như hầu hạ, làm lụng không công cho nhà vợ mà còn bị bạc đãi ăn cơm thừa canh cặn như các cụ ta đã dạy: Ở chuồng heo còn hơn theo nhà vợ. Những cô gái mới về nhà chồng thường phải “làm dâu”, chiều chuộng, chăm sóc gia đình nhà chồng vất vả nhưng vẫn chịu nhiều bất công: Bố chồng là lông con lợn Mẹ chồng là tượng mới tô Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi. Tượng mới tô phải cẩn thận để khỏi bị trầy, còn lông con lợn? Có lẽ vì muốn cho chóng lớn cần phải tắm rửa lợn sạch sẽ từ đầu tới lông chăng? Nhưng bù lại, có những nàng dâu chẳng coi bố mẹ chồng ra cái gì: Bố chồng là lông lợn hạch Mẹ chồng là đách lợn lang Nàng dâu mới về là bà hoàng thái tử. Lợn hạch còn gọi là heo nọc; thịt đã dai mà lông lại hôi như cú không được tích sự gì ngoài tài nhẩy; còn đách là đồ nghề của giống cái như trong câu “chạy long đóc đách”, do đó đách của lợn lang… coi như đồ bỏ đi. Người chăn nuôi đều biết, lợn nái cần thật to để đẻ nhiều lợn con; và lợn nọc càng nhỏ càng dễ mang đi mang lại để lấy giống. Như vậy, con lợn nái tuy to gấp cả chục lần lợn nọc, nhưng anh heo nọc mới là sư phụ vô địch, được chủ đãi đằng cơm no, bò cưỡi đã đời! Ngày nay, việc chăn nuôi cho thụ tinh nhân tạo nên các anh heo nọc bị thất nghiệp. Trường hợp trên chắc chỉ là ngoại lệ, người đàn bà Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà, ca dao có câu: Đang khi lửa tắt cơm sôi Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem Bây giờ lửa đã cháy rồi Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm. Dưới chế độ phong kiến, cảnh đàn ông năm thê bảy thiếp, cho nên tâm tư của người đàn bà bình dân lúc nào cũng phảng phất chống đối hờn dỗi ghen tương... Làm cho cha mẹ vui lòng Đèn lên đôi ngọn bá tòng xứng đôi Một vợ nằm giường lèo Hai vợ nằm chèo queo Ba vợ ra chuồng heo mà nằm. Không những chỉ nhẫn nại thôi mà người đàn bà Việt hy sinh cho chồng con. Lắm khi vì thương chồng nên phải gánh chịu nhiều cay đắng: Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối, Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan, Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười. Phụ nữ Việt thật tằn tiện, đảm đang: Bao nhiêu củ rím củ hà Để cho con lợn con gà nó ăn. Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm. Nhất là heo dễ nuôi lại mắn đẻ, sinh lợi nhiều giống như gà nên thường được dân ta nuôi: Giàu lợn nái, lãi gà con Cách chọn heo nái, lợn bột: Tai lá mít, Đít lồng bàn, Lồn ba ba, Để như phá. Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng Trông mặt mà bắt hình dong Con lợn có béo thì lòng mới ngon Lợn bột thì thịt ăn ngon Lớn nái thì đẻ lợn con cũng lời Lợn bột là lợn đực tơ, được thiến thì béo trắng như bột vì không bị hao tổn chân khí nên bao nhiêu sinh lực đều dồn vào việc phát triển bắp thịt. Ngược lại, mấy anh heo đực chuyên nhảy nái, thì thịt vừa hôi vừa dai. Ðúng là tốt mái, hại trống như các cụ ta thường nhắc. Tuy nhiên khi mua heo làm giống cần phải lựa chọn kỹ càng, kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác đã cho thấy: Con lợn mắt trắng thì nuôi Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi. Nói về “giống” tốt, tục ngữ ta dạy rằng: Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn. Tò và Tó là những địa danh miền Bắc có giống gà, heo mạnh khỏe dễ nuôi nổi tiếng. Vân Ðồn là cửa biển nơi tướng Trần Khánh Dư đánh thắng giặc Mông Cổ dưới thời nhà Trần, cũng là nơi làm vó rất bền chắc. Tương tự, còn có câu: Mây Hòn Hèo, heo Ðất Ðỏ. Hòn Hèo gần Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ðất Ðỏ là một làng thuộc vùng Bà Rịa, Vũng Tàu. Nuôi lợn để bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi gian nan buôn bán ế ẩm chẳng được gì: Ba bà đi bán lợn con Bán đi chẳng được lon ton chạy về Ba bà đi bán lợn sề Bán đi chẳng được chạy về lon ton. Trong buôn bán cũng có sự thiếu thật thà của con buôn: Treo đầu heo, bán thịt chó. (Treo đầu dê, bán thịt chó) Ngày nay do thịt chó, thịt dê mắc hơn nên con buôn dùng thịt heo tráo vào để kiếm lời nhiều hơn. Không tin các ông cứ ra quán ăn món vú dê nướng mà xem. Con dê nó chỉ có 2 vú thôi mà ai cũng kêu món ấy lấy đâu ra. Chỉ có heo mới có chục cái vú để cung cấp đủ cho quý vị nướng chứ!!! Nói đến ăn nhậu… tục ngữ ta có câu sau đây để chỉ rõ những gia vị cần phải có cho mỗi loại thịt: Con gà cục tác lá chanh Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi Con chó khóc đứng khóc ngồi Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Những người sành ăn thường ca tụng đầu gà má lợn hay lợn giò bò bắp là những món ăn ngon. Về thịt, muốn nấu cho ngon, phải có những “phụ tùng” kèm theo cho thích hợp: Thịt chó thì phải có riềng, Thịt lợn thì phải có riêng món hành. Ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín, nên có câu: Trông mặt mà bắt hình dong Con lợn có béo thì lòng mới ngon. Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như: Mèo theo thịt mỡ thì la Cọp tha con lợn cả nhà im hơi! Tết đến, nhiều người hay đi xem bói xin quẻ đầu Xuân. Để mỉa mai mấy ông thầy bói dỏm, ca dao Việt không nhân nhượng: Bói cho một quẻ trong nhà Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên. Chính vì gần gũi nên con heo thâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống nhân dân: không từ bói toán, thời tiết… Người bình dân quanh năm sống với ruộng đồng, gieo mạ, trồng rau, họ đã từng trải cách ăn uống ở miền quê hay thiên tai bão lụt, theo kinh nghiệm họ có thể đoán trước thời tiết sẽ xảy ra: Gió heo may chẳng mưa dai thì bão giật Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão Gió heo may mía bay lên ngọn Gió heo lành lạnh thổi về Thương người quan ải lòng tê tái sầu Gió heo may là gió thổi nhè nhẹ, hơi lạnh lạnh vào mùa thu khoảng tháng 10. Ăn một bữa một heo Không bằng ngọn gió ngoài đèo thổi vô. Tóm lại, con lợn không chỉ nói riêng trong việc cúng tế, cưới xin, chăn nuôi, bói toán, thời tiết… nhưng trong lãnh vực giáo dục con heo cũng vẫn cứ chen chân vào được. Ai có gia đình đều biết rõ sự khó khăn khi nuôi dưỡng con cái. Cách dạy con trai hay gái thường khác nhau. Đề cập đến phương diện này, ca dao Việt cũng đã diễn tả cảnh nuôi đứa con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa. Còn nuôi đứa con gái mà không dạy, thì cũng giống như nuôi một con lợn: Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư. Và có tục ngữ: Gái không biết nuôi heo là gái nhác Trai không biết nuộc lạt là trai hư. Nuộc lạt = buộc lạt, cột lạt… Ý nói phải dạy con trai cũng như con gái biết chăn nuôi, biết thành thạo công việc trong nhà cũng như ngoài đồng… Ngày nay nhiều gia đình giáo dục con rất tốt, vẫn dạy con bỏ ống heo (heo đất) để dành tiền tiết kiệm. Một số nhà trường, hội đoàn còn giữ lại phong trào này cứ gần Tết là làm lễ đập heo, góp tiền ủng hộ học sinh nghèo, giúp những người thiếu thốn vùng sâu vùng xa… một nghĩa cử rất đẹp khi thấy những chú ỉn được rước một cách trang trọng trước khi bị đập bể nhưng vẫn toét miệng cười sung sướng, chú ỉn cười vì đã hoàn tất nhiệm vụ, đã mang đến bao nhiêu điều hạnh phúc của người cho cũng như người nhận… Một miếng khi đói bằng gói khi no Chính lúc cho là được nhận lại có khi bằng năm bằng mười giá trị mà ta đã cho đi. Mùa xuân là mùa của niềm vui, của sự ấm cúng hội ngộ, của sự gặp gỡ và nhất là sẻ chia đến những người còn kém hơn chúng ta mọi mặt. Dạy con tiết kiệm bỏ ống heo, dạy con để dành giúp bạn là cách dạy con sinh lời hạnh phúc trong năm Kỷ Hợi này vậy. HÀ MẠNH ĐOÀN
Phụ Bản II KỶ LỤC VUA CHÚA VIỆT NAM Chỉ tính từ kỷ nguyên độc lập tự chủ. Lịch sử phong kiến nước ta có 108 vị vua chúa (Đinh: 2, Tiền Lê: 3, Lý: 9, Trần: 15, Hồ: 2, Hậu Lê: 27, Mạc: 10, Chúa Trịnh: 15, Chúa Nguyễn: 9, Tây Sơn: 3, Vua Nguyễn: 13), ta có thể lấy ra nhiều kỷ lục, đó là: 1. Phụ nữ làm vua: người phụ nữ (chính xác là con gái 6 tuổi) duy nhất làm vua, đó là Lý Phật Kim (1218-1278), hiệu là Chiêu Hoàng, giữ ngai vàng được 14 tháng. 2. Ngồi trên ngai vàng lâu nhất: vua ngồi trên ngai vàng lâu nhất - 55 năm - là vua Lý Càn Đức (1066-1127), lấy hiệu là Nhân Tông, ông là vị vua thay đổi nhiều niên hiệu nhất: 8 lần, và sống lâu nhất triều Lý, nhưng hkông có con trai để nối ngôi. 3. Biết thắng không biết bại: con người chỉ biết thắng không hề biết chiến bại, nổi tiếng “trăm trận trăm thắng”, rồi lên làm vua đó là Nguyễn Huệ (1753-1792) lấy hiệu là Quang Trung, lừng lẫy chiến công, chỉ tiếc một điều ông chết quá sớm, lúc có 39 tuổi. 4. Người mở đất rộng nhất: người mở đất mạnh nhất, rộng nhất là Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), tự xưng là Quốc Chúa, mộ đạo nên có pháp danh là Thiên Túng đạo nhân, có 38 con trai, trong 34 năm cầm quyền cho quan quân đi mở đất Ninh Thuận, Bình Thuận và cả Nam Bộ ngày nay. 5. Sống lâu nhất: nhà cầm quyền phong kiến lâu nhất 108 vua chúa Việt Nam là Nguyễn Hoàn (1558-1613), 55 năm đứng đầu Đàng Trong, thọ 88 tuổi, tuy thời đó chưa dám công nhiên xưng chúa, nhưng sau này, con cháu truy tôn là chúa Tiên và Thái Tổ Gia Du hoàng đế. 6. Ngồi ngai vàng ít nhất: vua ngồi ngai vàng ít nhất là Nguyễn Phúc Ưng Chân (1853-1883), lên ngôi vua hiệu là Dục Đức, được 3 ngày 20 đến 22/7/1883 thì bị đình thần phế và giết, còn một vua nữa lên ngai vàng lâu hơn tí chút, được 3 ngày rưỡi đó là Lê Long Việt (983-1005), vua cha Lê Hoàn chết, anh em đánh nhau quyết liệt trong 8 tháng, Việt lên ngôi chưa kịp đặt hiệu thì đã bị em ruột giết chết. 7. Vua trẻ nhất: vua trẻ nhất là Lê Bang Cơ (1441-1459), hiệu là Nhân Tông, lên ngôi lúc 16 tháng, sau bị anh ruột là Nghi Dân giết chết để cướp ngôi. 8. Không đi đứng được: một vua không đi đứng được, cũng không ngồi được, lâm triều cũng chỉ nằm được thôi (vì quá dâm đãng), đó là Lê Long Đĩnh (896-1009), giết chết anh ruột để cướp ngôi báu, làm vua nằm (tục danh là Lê Ngọa Triều) được 5 năm thì chết lúc 23 tuổi. 9. Người hai lần làm vua: người hai lần làm vua là Lê Duy Kỳ (1607-1662), lần thứ nhất 24 năm, từ 1619 khi vua cha Lê Kính Tông bức phải treo cổ chết, cho đến 1643 nhường ngôi cho con: 6 năm sau con chết, Lê Duy Kỳ lại lên ngôi vua lần thứ hai từ năm 1649 đến 1662, ông là người Việt đầu tiên lấy vợ người Hà Lan, ông có 4 con trai lần lượt làm vua là: Duy Hựu (hiệu là Chân Tông), Duy Vũ (Huyền Tông), Duy Hợi (Gia Tông), Duy Hợp (Hy Tông), cả 4 vua này được đánh giá là chẳng có tích sự gì. 10. Con đông nhất: có thể là nhờ uống bảo thang “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” (thuốc quý một đêm, sáu lần gặp sáu vợ, sinh năm con), Nguyễn Phúc Đảm (1790-1840), làm vua hiệu Minh Mạng, lập kỷ lục vua có nhiều con nhất, số con đã lên đến 142, gồm 78 trai và 64 gái (vợ chính thức các cấp, các loại là hơn 800). Tuy nhiên con trai cả của ông là Nguyễn Phúc Miên Tông (1807-1847) chỉ làm vua được có 6 năm (hiệu là Thiệu Trị) thì qua đời. Đến đời cháu nội là ông Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1829-1883) làm vua hiệu Tự Đức, có hơn 300 vợ nhưng tuyệt tự, không sinh được một con trai con gái nào. 11. Vua bị đời quên tên: vua bị đời quên mất tên thật là Đinh Hoàn (924-979), 38 tuổi được sứ quân Trần Lãm phong cho làm chức “bộ lĩnh”, 44 tuổi diệt hết 11 sứ quân khác, xưng là Vạn Thắng Vương, lên làm vua được 5 năm thì bị giết; con 6 tuổi lên nối ngôi được 8 tháng thì bị truất, cho nên sau này sử sách gọi ông là “Tiên Hoàng”, con ông là “Đế Phế”. 12. Vua bị sử sách chê trách nhất: là Lê Duy Kỳ, tức Tư Khiêm (1765-1793) làm vua (hiệu Chiêu Thống) hai năm, mời quân Thanh vào để giữ ngôi báu cho mình không nổi, rồi bỏ chạy theo giặc, lưu vong 5 năm ở nước ngoài, chết kiệt sức ở tuổi 28. 13. Cắt tóc đi tu: làm vua xong rồi cắt tóc đi tu ở chùa lâu nhất là Trần Khâm (1258-1308), 20 tuổi lên làm vua (hiệu là Nhân Tông) 15 năm, nhân từ, quyết đoán, hai lần lãnh đạo đất nước đánh thắng Nguyên Mông xâm lược, xong việc rồi thoái vị, gọt tóc đi tu, sáng lập ra Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử. 14. Bỏ ngôi làm thái thượng hoàng: vua bỏ ngôi lên làm thái thượng hoàng nhiều năm nhất là Trần Mạnh (1300-1357), 14 làm vua, hiệu là Minh Tông; đến 29 tuổi, nhường ngôi cho con để làm thái thượng hoàng trong 28 năm. 15. 40 lần ban lệnh húy kỵ: 108 đời vua chúa của một nghìn năm, có 40 lần ban lệnh húy kỵ tên họ nhà vua qua 531 lượt/ chữ; riêng triều đình nhà Nguyễn có 22 lệnh kỵ húy, một mình Thiệu Trị ngồi ngôi vua có 5 năm mà ban tới 8 lệnh kỵ húy tới 47 chữ ! 16. Triều đại có nhiều vua bị giết: triều đại có nhiều vua bị giết chết khi đang trên ngôi là nhà Lê: có đến chín vua bị giết: Lê Bang Cơ làm vua (hiệu Nhân Tông) 17 năm, bị giết năm 1459 lúc 18 tuổi; Lê Nghi Dân giết em trai để cướp ngôi vua (hiệu Thiên Hưng), được một năm, 21 tuổi bị giết năm 1460; Lê Tuấn làm vua (hiệu Uy Mục) được 5 năm, 21 tuổi bị giết năm 1509; Lê Oanh giết Uy Mục lên làm vua (hiệu Tương Dực) được 6 năm, bị giết năm 1516 ở tuổi 23; Lê Y (tức Huế) ở ngôi 6 năm (hiệu Chiêu Tông), bị giết năm 1530 ở tuổi 24; Lê Xuân (hiệu Cung Hoàng) ở ngôi được 5 năm, bị giết năm 1527, lúc 21 tuổi; Lê Duy Bang (hiệu Anh Tông) ở ngôi được 17 năm, bị giết năm 1573 lúc 41 tuổi; Lê Duy Tân (hiệu Kính Tông) làm vua 20 năm, bị giết năm 1619 lúc 31 tuổi; Lê Duy Phường, 20 tuổi được đặt lên ngôi (hiệu Vĩnh Khánh), được 3 năm bị truất và sau đó bị giết ở tuổi 26. 17. Triều đại vua bị bắt ra nước ngoài: triều đại vua bị bắt đi đày ra nước ngoài nhiều nhất là nhà Nguyễn, nhất là khi thực quyền đã rơi vào tay thực dân Pháp, vua dựng lên phải vừa ý họ, đi đứng nói cười có gì trái mắt họ thì lập tức bị bắt, bị đi đày. Đó là liên tiếp 3 vua: Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1872-1943) hiệu Hàm Nghi, bị đày đi Algeria 47 năm đến chết; Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954) hiệu Thành Thái, bị Pháp đày sang đảo Réunion bên châu Phi trong 31 năm, rồi quản thúc tại Sài Gòn; Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900-1945) hiệu Duy Tân, bị đày ở đảo Réunion từ năm 1916 đến khi chết tan xác trong 1 tai nạn rất đáng ngờ năm 1945. 18. Vua loạn luân: người loạn luân công nhiên nhất là Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), tục gọi là Chúa Võ, có 18 con trai và 12 con gái, thông dâm với em con chú ruột là Nguyễn Thị Ngọc Cầu, 20 tuổi, đẻ ra Thuần. Trước khi Khoát chết, các con trai lớn đều bị gạt, bị giết hoặc giam chết trong ngục tối (như Phúc Cồn, bố của Nguyễn Ánh - Gia Long sau này), để khi Khoát chết, Thuần 12 tuổi dễ bề lên làm chúa, tạo nguyên nhân trực tiếp thứ nhất dẫn đến sự sụp đổ của triều đình chúa Nguyễn; Thuần bị Tây Sơn bắt và giết ở tuổi 24, kết thúc 9 đời chúa Nguyễn. 19. Một trong các “nhà” trước ít được nhắc đến: khi ta nói “Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn” là nhà Mạc, có đến 10 đời vua cha truyền con nối, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Kinh Vũ, kéo dài 150 năm từ 1527 đến 1677, rất giỏi trận mạc và bền chí. 20. Có người làm vua đời thứ 8: có một người làm vua đời thứ tám của nhà Trần, nhưng vốn lại là người khác họ, đó là Dương Nhật Lễ, con của kép hát Dương Khương, mẹ có thai bỏ chồng đi lấy Cung Túc Vương Trần Dục (là em trai nhà vua). Dục nhận Lễ làm con. Gặp lúc vua Trần Dụ Tông chết, không có con, Trần Dục cũng chết, Dương Nhật Lễ lên làm vua (1369) được một năm thì bị giết. 21. Hai cha con: cha làm vua một năm lên làm Thái Thượng hoàng, con làm vua hơn sáu năm, cả hai cùng bị bắt cùng bị đưa về Trung Quốc và bị giết chết mất tích, không rõ năm tháng và nơi chôn cất; đó là Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương (cả hai đều không rõ năm sinh, năm mất, có thể là khoảng 1407-1408). 22. Lấy vợ Tây: cựu hoàng Hàm Nghi lấy vợ đầm, có được một con trai, một con gái; cựu hoàng Duy Tân lấy hai vợ đầm, đẻ được ba con trai, hai con gái, tất cả đều không mang họ Nguyễn Phúc và đều không biết nói tiếng và không biết tiếng chữ Việt Nam. 23. Vua lên ngôi muộn nhất: vua lên ngôi muộn nhất là Trần Phủ (1321-1394) sau khi con rể là Dương Nhật Lễ cướp ngôi nhà Trần bị giết, mới được đưa lên làm vua lúc đã 50 tuổi, đặt hiệu là Nghệ Tông, làm hai năm, truyền ngôi cho cháu gọi bằng bác lên thay. 24. Sống nhiều năm nhất ở nước ngoài: ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997), làm vua hiệu Bảo Đại, là người giữ kỷ lục sống nhiều năm nhất ở nước ngoài. Thủa bé ở Pháp để cha mẹ nuôi Charles dạy dỗ 15 năm, lên ngôi vua rồi tiếp tục sang Pháp học 7 năm nữa; năm 1938 bị bắn gãy chân, sang Pháp 1 năm chữa chạy; đã thoái vị năm 1945, lại còn chạy sang Hồng Kông lánh đời 3 năm; ra làm quốc trưởng bù nhìn cho Pháp năm 1950 đến 1954, bị Ngô Đình Diệm truất phế, ông “tự đi đày” thêm 43 năm ở nước Pháp; tổng cộng, đời ông ở nước ngoài là 69 năm! Chắc chắn là 24 kỷ lục chưa phải là hết chuyện vua chúa, bởi vì đây mới chỉ là một thoáng nhìn theo một góc độ thôi. Nhưng, ngày cùng tháng tận, “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” chúng ta tạm dừng ở đây. Theo Văn Hóa Xuân 1999 BĐ st.
NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM Những ngày cuối năm Người ta lật bật trên từng đốt ngón tay, ngỡ ngàng những tờ lịch
Chiếc kim đồng hồ như hối hả hơn bao giờ hết Những con đường mù mịt từng vốc bụi ngược xuôi tất tả Những ngày cuối năm Vồi vội đến, vồi vội đi, vồi vội đuổi theo từng nấc thời gian đang ngắn lại
Cứ như ngày mai tất cả sẽ không còn trong tay nữa Cứ như tất cả không còn nữa hôm nay và cả hôm qua Lẽ tất nhiên là chẳng thể lặp lại cho dù đẹp đẽ hay xấu xa nhất
Nhưng mỗi người như cõng tất tật trên lưng triệu triệu đã qua và cả triệu triệu sẽ đến.
Những ngày cuối năm Lật bật những bước nhảy Lật bật những tồn tại và cả những không tồn tại Người ta vẫn luôn loay hoay với những bước nhảy Cho dù đó là những bước nhảy điềm tĩnh nhất Điềm tĩnh như điệu Valse, Slow trong căn phòng nhè nhẹ những chùm đèn Nhưng vẫn là những bước nhảy Chiếc kim giây có thể gọi là khoảnh khắc chậm nhất trong chiếc đồng hồ
Thế mà nó cũng lật bật nhảy Chẳng ai có thể thoát khỏi những lật bật nhảy như không thể thoát khỏi cái ngục của chính mình.
Cho dù cửa ngục không hề đóng Cái ngục ấy như càng hẹp hơn, tối hơn vào những ngày cuối năm.
Khi người ta nhìn rõ nhất sự dồn đuổi của thời gian Khi người ta những muốn xếp cất đi bao thứ đồ cổ, gãy vỡ hoặc mốc meo
Nhưng lại vụng về làm đổ tóe ra khắp nhà Để rồi tỉ mẩn ngồi nhặt lại Và tỉ mẩn gói ghém vào chiếc bao da những giấc mơ ngày cũ
Những ngày cuối năm Dồn tức trong từng hơi thở Những ánh mắt chong lên Những khóe môi chong lên Lật bật xòe một que diêm Chập chờn nín thở Chập chờn mộng mị trong đốm lửa ngẩn ngơ… phút giao mùa.
ĐÀM LAN Bâng khuâng sợi tóc hai màu Im nghe bước đệm bóng nhàu thời gian Ven trời một tiếng chim ngang Ừ xuân vẫn hát tình tang khúc đời. (trích Bâng Khuâng Tứ Tuyệt - Đàm Lan) HOA BẤT TỬ Em là những đóa hướng dương Là hoa bất tử, là hồng nhung trong vườn Vườn hoa mộng thuở nào em có nhớ ? Tôi và em những trang vở trắng tinh Tôi thanh xuân, em - cánh hoa học trò thơ dại Mình có nhau thời hoa mộng ngày xưa - Rồi... thời gian Đã mấy mươi năm qua... như thoi đưa như chớp mắt em ơi qua mau! * Có phôi pha không em những ngày xưa yêu dấu Thời gian vô tình Bụi thời gian vô tình Phủ trắng mái đầu xanh Tôi, tóc giờ điểm bạc Và, tóc em cũng chẳng còn xanh Ôi! Làm sao phủi được bụi thời gian ... Nhưng, em ơi Màu tóc có xanh hay bạc trắng Lòng mình cứ trẻ mãi nhé em Cứ trẻ hoài kệ ngày tháng không tên Cứ trẻ mãi mặc thời gian em nhé Trẻ như thuở nào, Thời hoa bướm ngày xưa Vì, em ơi, em có biết không Ta đã có nhau, có đóa Hoa Bất Tử Trong lòng mình... mỗi độ xuân sang... Phạm Thị Minh-Hưng Không có mùa Xuân 1 Xuân man dại điêu tàn, rưng nước mắt Mộng đoàn viên tan vỡ tự ngàn xưa Vầng trăng khuyết dỗi hờn trôi tẻ nhạt Ta lang thang tìm nhặt nốt âm thừa Xuân man dại điêu tàn đang chết rũ Phố phường thầm lặng lẽ nhắc ly tan Làn mây xám hồi hương quên lối cũ Đàn én xưa tơi tả gió trùng dương
Xuân man dại điêu tàn, tim trống rỗng Lá bay bay khêu gợi nỗi chia phôi Ta lầm lũi vòng tay lìa ước vọng Biết về đâu… dòng suối lượn ven đồi… Xuân man dại điêu tàn trôi khắc khoải Lệ buồn rơi ướt đẫm cánh thư xa Từng bước nhỏ đơn côi bờ cỏ dại Gió vô hồn khép nép… cuối đường hoa
Xuân man dại điêu tàn sao ngạo nghễ Đến rồi đi không hẹn chút tin sương Chim biếng hót thời gian man mác nhẹ Đời cướp đi ý sống kiếp tha phương… (Chiều cuối năm - 30 Tết Đinh Hợi) NGÀN PHƯƠNG Một năm tròn Tháng giêng Khi hai mươi tuổi hồn nhiên Ta chờ ta đón tháng giêng tươi hồng Giờ đây đón tuổi hoàng hôn Tháng giêng man mác nỗi buồn không tên. Tháng hai Chia tay tháng giêng Tháng hai chợt gặp Ngày Lễ Tình Nhân Nhớ bàn tay ấm. Tháng ba Tháng ba rồi người có nhớ không ? Ngày xưa yêu dấu trái tim hồng Thêm một tuổi sầu tim tan vỡ Không còn đâu nữa tháng ba xưa ? Tháng tư Tháng tư theo nắng hạ về Trên cành phượng đỏ xum xuê Vẳng xa tiếng cuốc não nề Một người khắc khoải mỏi mê... Tháng năm Không chờ tháng năm Sao mi đến vội? Một mình đơn côi Vào mùa nắng gắt. Tháng sáu Đã yêu đóa mười giờ Đã yêu một tình thơ Tại cơn mưa tháng sáu Lỗi hẹn ! Ai sẽ chờ ? Tháng bảy Ta đi giữa con đường Trong vòng tay yêu thương Tháng bảy hòa kỷ niệm Vấn vương làn khói hương. Tháng tám Tháng tám em chọn áo lụa vàng Nắng vàng ve vuốt bước lang thang Bãi cỏ ven đường vàng hoa cúc Chạnh lòng giữa phố… gọi tên chàng. Tháng chín Tiếng gà báo bình minh Trên cành chim ríu rít Nhìn tờ lịch tháng chín Một ngày... tiếp một ngày... Tháng mười Chia tay tháng chín bềnh bồng Tháng mười gió táp bão giông ùa về Cành hoa run rẩy ủ ê Hoàng hôn tím thẫm chốn quê mịt mùng. Tháng mười một Phố Sài Gòn chợt vắng Giữa trời trưa bừng nắng Đường về xa vời vợi Mười một từng nốt lặng. Tháng mười hai Đường Sài Gòn vẫn vội Gió vương bờ tóc rối Tháng mười hai song hành Vùng ngoại ô tăm tối... Huỳnh Thiên Kim Bội GỬI ĐẾN MỘT CÔ DÂU MỚI Phỏng dịch À une jeune mariée của VICTOR HUGO Hãy yêu người đã yêu con Hãy cùng vui sướng vuông tròn với anh Con là tài sản liên thành Lên đường con nhé đến hành trình xa Con về với một ngôi nhà Mang nguồn hạnh phúc, còn ta nỗi sầu Nơi nầy ta giữ con lâu Người nơi chốn ấy mong cầu giai nhân Hỡi con gái quý thiên thần Hãy tròn trách nhiệm hôn nhân gia đình Hãy cho ta sự tiếc buồn Cho người là cả tâm tình ước ao Hãy đi với giọt lệ trào Và vào nhà khác với màu thắm môi Nụ cười xinh đẹp tuyệt vời Hãy mang hạnh phúc cho người con yêu. HOÀI LY MÙA XUÂN VẮNG ANH Tặng một người
Đã mấy mùa xuân em vắng anh Mấy mùa chim thôi hót trên cành Người đã về đâu phương trời lạ Có biết nơi nầy hoa kém xanh Đã mấy mùa xuân trời không anh Đợi chờ ai đó thấy buồn tênh Mùa xuân mang đến bao lạnh giá Cho lòng thiếu nữ sầu không tên
Đã mấy mùa xuân về đó anh Người đi xây giấc mộng chưa thành Nếu có bao giờ anh trở lại Từ tạ người thôi chuyện cũng đành. HOÀI LY CHÀO THUA Chào thua nhé ! Cuộc đời đầy gian dối Núi Công danh, đồi vật chất gọi mời Ta leo mãi, đến chồn chân, mỏi gối Gần cạn đời, đích đến vẫn xa xôi ! Chào thua nhé ! Bạc tiền - nhiều man trá Ta quơ quàu, cào, hốt, cố gom vào Nhưng tay thu, rồi tay kia đánh mất Một đời ta giữ được bấy nhiêu đâu ! Chào thua luôn ! Những cuộc tình đang dở Yêu ngườì hoài, có giữ được ai đâu ! Để bây giờ, đèn khuya sầu bóng lẻ Ta đầu hàng - xin chấp nhận Chào Thua ! Tâm Nguyện
MÙA HOA MAI Hoa mai nở, mỗi xuân về Màu hoa tôi trót hẹn thề vì đâu Hân hoan một mối tình đầu Cội mai kết nối ân sâu, nghĩa nồng * Bây giờ lạc bước mênh mông Bụi thời gian chửa lấp xong mạch sầu Để ai trằn trọc đêm thâu Ước mơ một phút nhiệm mầu nào đây * Thời gian qua, thuở sum vầy Gió đông đưa đẩy, tình đầy lại vơi Chỉ hồng Ông Tạo xe lơi Người ra đi mãi xa vời hà giang * Xuân về mai lại nở vàng Hoa còn mãi đó mà nàng biệt tăm Nhớ nhung hình bóng xa xăm Như yêu mai nở tháng năm trong lòng. Thanh Châu THIỆN NIỆM Hễ là ăn cắp quen tay Ngủ ngày quen mắt lời ngay chẳng nhằm Cũng đừng bạo ngược tư dâm Bẻ măng chơi gái ắt nhằm nạn tai Nhức đau thở vắn than dài Tại mình không phải tại ai mà phiền May mà có bạc có tiền Giỏi lo thang thuốc mới toàn thân danh Chẳng may tiền bạc sạch sanh Thuốc men không có ắt đành hư thân Làm trai sống ở trên trần Khéo lo khéo liệu ít phần gian nan Đạo tâm thiện niệm hai hàng Nửa vô địa ngục nửa sang thiên đàng Nay mừng các việc bình an Nguyện cho bá tánh giàu sang vững bền Những lời vừa kể ở trên Biết người biết việc ấm êm mọi bề Nước non gắn với tình quê Dù bao sóng gió nhất tề đắp tô VIỆT NAM bảo vệ cơ đồ Hy sinh tất cả, thờ ơ chết chùm. LANG NGUYÊN CHIỀU ẤY Chiều ấy, ba mươi, anh đến em Nắng vàng hiu hắt, gió ru êm Dịu dàng hôn nhẹ lên đôi má Uống cạn men tình tận đáy tim ! Chiều ấy, ba mươi, anh đến em Dìu nhau lên gác để… hàn huyên Ngập ngừng liếc nhẹ qua song cửa Âu yếm hôn lên mái tóc mềm
Chiều ấy, ba mươi, anh đến em Đôi tim sôi máu thủy triều lên Lửa tình rực cháy qua hơi thở Trong tiếng oanh ca rộn trước rèm ! Chiều ấy, ba mươi, anh đến em Ra về quay quắt nhớ nhung thêm Đêm đêm mơ thấy làn môi ấm Tỏa ngát hương yêu khắp mọi miền…
THANH PHONG VỀ VỚI CHÚA Đường trần cứ thản nhiên đi tới Cõi vĩnh hằng đang đợi đón ta Bất kỳ nam nữ trẻ già Trước sau rồi cũng lìa xa cuộc đời Hãy cầu nguyện Chúa Trời cứu rỗi Phải khẩn trương sám hối chân thành Theo lời dạy Đấng toàn năng Làm lành lánh dữ khuyên răn con người Niềm tin thắp sáng tươi lẽ sống Thánh nhạc ca vang vọng thiên cung Thành tâm tuyệt đối tôn sùng Tối cao mầu nhiêm thiêng liêng Chúa Trời Hằng tha thiết tốt đời đẹp đạo Không tỵ hiềm lương giáo hòa đồng Đường về với Chúa thoáng thông Thiên đàng hướng tới sống chung một nhà Rực đèn tâm nở hoa nhân ái Tỏa hào quang mặc khải hiển linh Rạch ròi thấu lý đạt tình Vinh danh Thiên Chúa cứu tinh muôn loài. THANH VĨNH XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI Xuân đi xuân đến đã bao xuân Sức khỏe tàn phai chẳng chịu dừng Dù tập dưỡng sinh nhưng tóc bạc Mặc rèn thể dục vẫn da dùn Ca bài vọng cổ lời ca vấp Nói chuyện khôi hài giọng nói run Lực bất tòng tâm không thể tránh Tuổi già lo ngại tính từng tuần. THANH VĨNH (2002) BE LEM CỦA CHÚA Con biết Chúa tuy không cùng da vàng máu đỏ Nhưng con tim lại chẳng khác bất cứ ai Nên vì thế, Chúa mới phải ra đời Nơi cô quạnh, nơi bò lừa yên giấc… Chúa không hề hỏi đòi đời ngọt mật Như thế nhân chỉ muốn ở chốn huy hoàng Mừng ngày sinh, rồi đầy tháng, đầy năm Khi chết đi, lại 49, lại 100 ngày, lại đầy năm nhớ tưởng…
Chúa không lo bước chân quơ bì bõm Còn chẳng quan tâm chính mạng sống của mình Nói gì đến “tai tiếng” vì cứ giao du với những kẻ bị đời bỏ quên Cho đến nỗi vì bị ghét ghen mà chết treo trên Thập Giá Ấy thế mà, sao con hoài vò võ Với nghĩ suy vì phận số chẳng trổi cao Với lo toan chuyện cơm áo mỗi ngày Với ánh mắt ai kia : phải chăng là khinh rẻ ?
Ấy thế mà, con cứ mong nhung lụa Và quay lưng với mọi ngửa tay đời Hoặc lắc đầu quầy quậy, hoặc ước hẹn xa xôi Mà không nhớ rằng, chắc gì con còn dẫu chỉ một ngày mai còn sống… Con ở đây, giờ này đầy ngưỡng vọng Về Be Lem, nơi Chúa đã giáng trần Hay Chúa ơi, Chúa đang ở rất gần Vì máu Chúa đã hòa trong con từ xa xưa nào đó ?
Vâng, phải rồi, Chúa là người của muôn dân, muôn xứ Chúa gụi gần với mọi tấm lòng ngay Chúa sinh ra ở chính Sài Gòn này Vì với Chúa, Sài Gòn cũng là Be Lem, Chúa nhỉ… LAM TRẦN 19.12.2018 HƯỚNG DƯƠNG ĐỜI Sớm nay anh dắt hồn xuống phố Dõi mắt tìm đóa hoa lạc năm nào Lòng rỗng trống cơ hồ không nhận diện Sương lam bay hay chút lệ dỗi hờn. Ngõ phố xưa giờ bỗng cô quạnh hơn Thèm một chút ấm nồng em để lại Thèm một chút vụng về thời thơ dại Để hồn hoang dịu bớt nỗi đau đời
Khuất núi đồi - nơi ấy - chốn xa xôi Còn níu giữ dấu chân ngày đưa đón Còn ấp yêu mắt hồng thơm rơm nắng Ngón tay đan dệt ước nguyện tương phùng Xa anh rồi - nơi ấy - cõi mông lung Cảm thức được gì sau bể dâu nếm trải Hằng tin cuộc đời còn niềm vui lẽ phải Anh dắt hồn trôi về hướng mặt trời.
Nguyễn Tấn Thái CÂY ĐÀN MÙA XUÂN Tôi không thể không viết bài thơ lần nữa cho em Trong lặng yên một mình Bóng chiều dần xuống Như trẻ thơ ôm trong tay phần thưởng Dẫu chỉ như khói sương Một thoáng nồng hương Một tia lửa nhỏ Tôi là cánh buồm để em làm gió Là con thuyền cặp bến bờ em Anh không thể không viết bài thơ lần nữa cho em Bài thơ không tên Mang cả nỗi niềm chất chứa Tôi là cây đàn mang hình trái tim thắp lửa Đàn rung lên như thác đổ suối ngàn Khi có bàn tay em nồng nàn Lướt trên từng phím nhạc Những dòng thơ anh làm em hát Đôi cánh tâm hồn xanh ngát Một khoảng trời Xuân !
LÊ NGUYÊN QUÀ XUÂN Có phải em gọi mùa xuân về sớm Hay chính em là hoa nắng xuân Bếp lửa hồng tay em vừa nhóm Hay chính em là ngọn lửa ấm nồng Trao cho nhau quà xuân quý nhất Chẳng thể nào mua được trên đời Đừng hoài công tìm nơi cùng trời cuối đất Quà ở ngay đây trong trái tim người Còn có trái cây nào ngon ngọt hơn Còn hương hoa nào ngát thơm hơn Còn men rượu nào êm say hơn Dòng nhựa xuân trào lên đầu bút Thành vần thơ tươi đậm nét son. LÊ NGUYÊN CHÚC TẾT KỶ HỢI 2019 Tiếng chó gâu vang sắp dứt rồi Heo về… ngày tháng lạnh lùng trôi Lụt tràn, đất lở lao đao quá Trái trĩu, lúa oằn… mong mỏi thôi Kính chúc nhơn sanh tâm đức vượng Cầu mong thế giới vững yên ngôi Niềm đau Mậu Tuất qua mau nhé ! Kỷ Hợi tân niên tốt dập dồi. NHỰT THANH 02.11.2018 DUYÊN TÌNH Tặng Hải Âu - một nửa của Thùy Hương
Nửa đời như cánh chim trời Tình yêu chợt đến tuyệt vời làm sao Gặp Anh lãng tử phương nào Nên duyên Chồng Vợ chiêm bao hay là… Giờ đây ta đã một nhà Tuy hai mà một thật là đẹp đôi Trăm năm thề nguyện trọn đời Bên nhau qua hết kiếp người bể dâu. VŨ THÙY HƯƠNG GỢI NHỚ Đông về gợi nhớ quê hương Ký ức hồi tưởng vấn vương u hoài Vào Nam sống cảnh lạc loài Mẹ Con năm tháng bi ai khổ sầu Rời xa quê cũ từ lâu Xin đừng gợi lại ! Khơi sâu cội nguồn ! Bao nhiêu hoài niệm gia môn Bấy nhiêu u uất gởi hồn phương nao ? Mẹ Con sống cảnh lao đao Chạnh lòng nhớ lại năm nào biệt ly Huế ơi ! Rời xứ ra đi Thầm mong trở lại ướt mi thẫn thờ Giờ đây nỗi nhớ vô bờ Quê hương mộng tưởng ! Mịt mờ do đâu ! VŨ THÙY HƯƠNG TẮM MƯA Ước gì có lại ngày xưa Mình trần được tắm dưới mưa giữa trời Phập phồng bong bóng nổi trôi Mưa rơi phủi mặt tuổi đời trong xanh
Giọt nước gió thổi mát lành Nhìn quanh bông trái trĩu cành cây to Ngọt ngào môi thắm lạnh sâu Gió mây thổi nhẹ mái đầu trẻ thơ Vui đùa nhẩy nhót đẩy đưa Thời gian thắm thoát như vừa hôm qua Nhớ hồi còn nhỏ trọc đầu Nay sờ mái tóc đượm màu tuyết sương.
QUANG BỈNH PHÁT TÂM PHẬT pháp cao siêu rất nhiệm mầu DẠY người mở rộng tấm lòng bi PHÁT huy công đức qua cơn khổ TÂM nguyện giúp đời bớt nỗi đau TỪ tốn tài thông làm việc thiện BI thương cứu nạn mọi nơi đâu HUỆ ban giáo lý khai nhân loại HẠNH phúc ơn trên rải khắp cầu. QUANG BỈNH NGƯỜI KHÔNG CÓ… Người không có niềm tin Sao đòi niềm tin nơi người khác Nhân danh tự do Làm bao nhiêu tội ác Người không có văn hóa Mới hay nói sạo Nhân danh đạo đức Để làm điều tàn bạo
Người không có tài Hay nói dai nói dại Người hèn nhát Là lúc lòng sợ hãi Người nói dối Sao mong lời chân thật Người lưu manh Uy tín đâu để mất
Người không có tầm nhìn Tất chẳng có niềm tin Người không có niềm tin Sao đòi niềm tin nơi người khác… LÊ MINH CHỬ CỨ YÊU HOÀI Xuân cười, Xuân tươi, Xuân yêu đời Mùa xuân về nguồn sống yên vui Thanh bình Hạnh phúc yêu mê mải Vũ khúc trần gian cứ yêu hoài. Hoa cười chim vui hót yêu đời Mùa xuân ngọt ngào sống yên vui Thanh xuân không tuổi yêu mê mải Liên khúc Tình yêu cứ yêu hoài.
PHÙNG CHÍ TÂM 27/01/2009 (02 tết Kỷ Sửu) HỒI XUÂN Trời chuyển gió tiếng sấm rền vang dội Lúc ầm ì, lúc xé cả không gian Những vạch sáng rạch trời loang loáng Mưa kéo dài từ Ngọ sang Thân Mặt trời trốn trời âm u ảm đạm Đất mở mang cây mơn mởn xốn xang Trời dịu mát hồi xuân trở lại Thiên địa nhân hòa tươi mát đời vui Lại hửng sáng bừng lên sức sống Xuân thắm nồng, Xuân rạo rực trong tôi. PHÙNG CHÍ TÂM Sài Gòn, 07/2009 KIẾP LUÂN HỒI Họa thư - Tỉnh Lạc 80t Tuổi đời bảy chín đã qua rồi Tóc bạc da mồi, cũng thế thôi Tảng sáng YOGA, bi trí dũng Tan chiều thiền định, huệ tâm mời Ánh trăng tròn khuyết, mây lơ lửng Hoa lá theo dòng, nước cuốn trôi Ta cứ bình tâm - đừng nghĩ quẩn Tử sinh tạo hóa - kiếp luân hồi. PHƯỚC HẢI 20-11-2018 Khoán thủ Chúc bạn thư văn bát thập niên Mừng anh mạnh khỏe - hạnh triền miên Tỉnh tâm thượng giới, ngôi Bồ tát Lạc thú bồng lai, cảnh Phật Tiên Tám chục trang đời, luôn phần khởi Mươi xuân mạch sống, chớ ưu phiền Niên trường phụ mẫu - đa tôn tử Thọ tỷ nam sơn - bá vạn niên… PHƯỚC HẢI 20-11-2018 MÙA XUÂN ĐẾN Ngọn xoan chồi nhú tròn căng nhựa Liễu rủ mành nâu giắt lá tơ Đồng ngô thắp biếc ngàn tia lửa Ngỡ cả trời xuân cũng phất cờ. 20-3-1967 VŨ ĐÌNH HUY SPRINGTIME IS COMING The margose crest with its sprouting bud swelled with gum
Willows dropped their brown veils stuck with green leaves
The maize field lighted thousands of bluish sparks One believed that even the springtime sky also waved the flag.
20-3-1967 VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN TÂM SỰ NGÀY XUÂN “Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông !” Nguyễn Công Trứ (1778-1858) Sự nghiệp chưa gì, nghĩ xót xa Không yên canh cánh lúc vào ra Xuân sang, nghe pháo ngờ tai nghễnh Tết đến, trông đào ngỡ mắt hoa. Mơ ước năm qua còn nhớ chứ ? Thực hành tháng tới đã quên a ? Sống không có ích cho nhân loại Thà chết ngay, hơn sống đến già ! Hà Nội, Xuân Canh Tý, 01-1960 VŨ ĐÌNH HUY UNBOSOMING ONESELF IN THE SPRINGTIME “Being born to and having lived in the Universe Vis-à-vis one’s country, one must have some good reputation! ” Nguyễn Công Trứ (1778-1858) My career being uncertain, I’m deploring my fate Going in and out, and far from apprehension, I don’t feel free Listening to firecrackers’ sound while springtime is coming, I thought I was hard of hearing At Tết (lunar New Year Day) time while looking at apricot flowers, I thought I was dazzling.
Do I still remember my last year’s dream ? Have I forgotten to materialize it in the coming month ? Living uselessly for Mankind as a whole, I would die immediately, rather than live until old age… Hà Nội, Canh Tý (Year of the Rat) springtime 01-1960 VŨ ĐÌNH HUY - Translated by VŨ ANH TUẤN TÀN VỤN Thời gian đang lãng đãng đi những bước cuối năm… Nói là lãng đãng, nhưng soải chân của thời gian thì dài quá, khiến con đường có vẻ như ngắn lại, ngắn đến… ngỡ ngàng… Thử cầm chiếc chổi quẹt qua quẹt lại, mới thấy ngôi nhà cuộc đời sao có quá nhiều bụi bặm, quá nhiều thứ cần bỏ đi, và đáng sợ thay, cũng có quá nhiều thứ thiếu thốn… Nếu cần xé đi những tình thư vô vọng dạo ấy, thì cũng cần đổ bỏ những bám víu làm vướng bận đời mình. Phải chăng, chiếc casstte deck ta gửi cho một người quen sửa giùm đã 3 năm chưa thấy hồi âm, thì cứ quẳng đại vào dĩ vãng cho rảnh một… tí đầu? Hay tại ta cứ muốn thấy lại nó quay quay hàng trăm cuộn băng nhạc xa xưa mà ta cứ nhớ nhớ quên quên mỗi khi ai đó cất giọng lên trong những cuộc gặp gỡ, hoặc khi nghe thấy trong đêm rất sâu, từ một cánh cửa sổ mịt mù nào đó? Thậm chí một con vít rất có thể có ích mà ta chưa từng nỡ vất đi, hóa ra lại rất vô dụng vì mãi ủ ê trong một chiếc lọ để dành nào đó. Phải chăng, ta cứ vất cho ve chai, để một mẩu kim khí nhỏ nhoi của nó, biết đâu lại được đúc thành chiếc đinh vít đóng… nắp hòm cho chính thân ta? Và như thế, hóa ra, vất nó đi là ta đã cứu được nó? Ta có cả mớ vít-vủng như thế! Ta có cả rừng vật dụng te tua, đợi chờ được hóa kiếp như thế! Vậy mà ta chẳng bỏ chúng đi bao giờ, vì chúng từng sống với ta tuy rất… lê lết, chỉ với hy vọng một lúc nào đó, ta sẽ tay đan tay với chúng như đã từng. Thế nên, giữ lại hay vất đi cũng đều từ chung một ý niệm là, muốn chúng cứ tồn tại, hoặc cà là gỉ, hoặc lột xác cho mới mẻ, cho lạ lẫm cuộc đời! Nhưng làm sao có thể ôm đồm tất thảy mọi thứ từng thuộc về ta, khi chúng đều còn đó, tuy gần ta một gang tay, nhưng lại xa xôi đến độ chẳng bao giờ ta ngó nhòm hay bén mảng đến… Thôi thì, chỉ một lần can đảm là ta đã xô chúng, tất cả chúng, xuống vực sâu quên lãng… Nhưng lẽ nào ta lại vất đi mớ băng, đĩa đã một thời nuôi tâm hồn mình, dù ta đã rất sẵn sàng đổ bỏ những chiếc máy đã hết thời, vì máy thì hết thời, nhưng lời ca vẫn còn nguyên cảm tình của nó? Lẽ nào ta dám đốt đi những lời lẽ hay ho từng nuôi khôn lớn con tim mình? Chúng có thể cứ nằm yên vị trong kệ sách, vì chắc chắn một lúc nào đó, ta sẽ nghiền ngẫm chúng thêm một lần, để rồi “à” lên, hay quá! Nhất là, lẽ nào ta xóa đi những ảnh hình đã bước vào đời mình, cho dù thỉnh thoảng, có ai đó đã từng như chính ta cũng thế, dẫm lên đời nhau, đau điếng…? Rồi, ta xem lại, từng kẽ hở đời mình, xem ra, là chưa hề được bịt kín, để căn phòng-cuộc đời thêm chút ấm êm. Ta chờ đợi chăng? Chờ ai? Hay chờ chính mình ra tay… tế độ! Và chờ đến bao giờ, khi cái bao giờ ấy lại vô cùng hãn hữu và không thể tự mình gia giảm hay bật tắt cầu dao? Mọi sự cứ trôi đi khi ta nghĩ suy ở vô vàn “điểm” như vậy, đến nỗi, ta hiểu rằng, có thể những thứ ta “làm” được trên đời này: một bài thơ, một bức hình, một câu truyện, một giòng nhạc… rồi sẽ một ngày lìa xa ta mà ở lại trong xó xỉnh cuộc đời, trong khi ta đã ở lại nơi xó xỉnh quách quan ba bảy hăm mốt ngày là đã rơi vào quên lãng! Và những thứ của riêng ta, cứ phải ẩn náu đâu đó, cho đến một hôm bất ngờ quét dọn, ai đó, thậm chí không phải là người thân của ta, sẽ quẳng đi không thương tiếc. Vì thật ra, chỉ trừ đối với riêng ta, còn đối với những kẻ không phải là ta, những thứ ta từng đan đan dệt dệt, miệt miệt mài mài ấy, chỉ đáng một mồi lửa đau lòng… Rồi tàn rụi… LAM TRẦN NHỮNG BÀI HỌC LỚN VỀ CUỘC ĐỜI ĐƯỢC ẨN CHỨA ĐẰNG SAU 10 MẨU CHUYỆN NGẮN 1. Mẩu chuyện số 1 Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: - Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào? Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp: - Con sẽ đi sang bên cạnh. Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, đổi góc độ để suy nghĩ, có lẽ sẽ hiểu ra rằng: Bên cạnh vẫn có đường. 2. Mẩu chuyện số 2 Anh chồng nhà nọ tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi vằn thắn nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn. Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhịn nổi nữa, nói: - Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu! Chị vợ nói: - Em mất công nấu nồi vằn thắn ngon là thế, mà nó lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ? Anh chồng nghe thấy thế, lập tức nói: - Bà xã, em nghỉ ngơi chút đi, để anh đánh nó! Bài học rút ra: Người ngoài cuộc, đều có thể bình tĩnh; người trong cuộc, ai có thể thong dong, bình thản? Bởi vậy, đừng tùy tiện đánh giá bất cứ ai, bởi vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ… 3. Mẩu chuyện số 3 Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng: Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh; Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng; Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức! Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau. Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế! 4. Mẩu chuyện số 4 Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói: - Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim. Đợi anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ: - Cá đâu rồi em? Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh: - Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá. Bài học rút ra: Làm người nên như vậy, bạn đối xử với tôi như thế nào, tôi sẽ đối xử lại với bạn như thế. 5. Mẩu chuyện số 5 Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê. Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu… Còn tôi, lại đang nghĩ: có nên tuyển dụng cậu ta không. Bài học rút ra: Bạn, có thể không học đại học, nhưng bạn, tuyệt đối không thể không phấn đấu. 6. Mẩu chuyện số 6 Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng: - Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng. Anh bạn mỉm cười nói rằng: - Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không? Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng. 7. Mẩu chuyện số 7 Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta. Thượng đế hỏi kẻ ăn xin: - Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào? Kẻ ăn xin đáp: - Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại! Thượng đế không hiểu, hỏi: - Tại sao lại muốn mua điện thoại? Kẻ ăn xin đáp: - Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin. Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi: - Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao? Kẻ ăn xin nói: - Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được. Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói: - Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao? Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng: - Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này. Thượng đế lấy làm vui mừng. Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu: - Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa. Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi. Bài học rút ra: Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy. 8. Mẩu chuyện số 8 Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người nọ nói: - Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ? Quan Âm nói: - Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ. Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa: - Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ? Quan Âm nói: - Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô; ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô! Dứt lời Quan Âm bèn rời đi. Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc. Người nọ hỏi: - Bà là Quan Âm sao ạ? Người kia trả lời: - Đúng vậy Người nọ lại hỏi: - Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình? Quan Âm cười nói: - Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình. Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình. 9. Mẩu chuyện số 9 Anh chàng nọ: - Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền? Ông chủ: - Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn . Anh chàng nọ: - Ông ăn cướp đấy à… Ông chủ: - Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ? Anh chàng nọ: - Quyết đoán đưa ra 400 nghìn. Bước vào nhà tắm nữ liếc mắt nhìn, toàn là nam. Anh em trong nhà tắm: - Lại một thằng nữa tới! Bài học rút ra: Kinh doanh trước giờ không phải là dựa vào giá cả thấp, mấu chốt là dựa theo nhu cầu của khách hàng. 10. Mẩu chuyện số 10 Một người cha nói với con của mình rằng: - Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì? Người con nắm chặt tay: - Hơi mệt ạ. Người cha: - Con thử nắm chặt hơn nữa xem! Người con: - Càng mệt hơn ạ! Người cha: - Vậy con hãy buông tay ra! Người con thở phào một hơi: - Thoải mái hơn nhiều rồi ạ! Người cha: - Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều! Bài học rút ra: Buông tay mới nhẹ nhõm. ĐỖ THIÊN THƯ st.
Phụ Bản III GIẢI ĐỘC THANH LỌC CƠ THỂ Chế độ ăn uống, nguồn thực phẩm kém chất lượng có thể khiến cơ thể quý vị tích tụ độc tố, đe dọa đến sức khỏe lâu dài. Dưới đây là những cách giúp quý vị thải độc hiệu quả. Uống nước đầy đủ và đúng cách mỗi ngày Uống đủ nước mỗi ngày là biện pháp bài trừ độc tố cơ thể đơn giản, hiệu quả. Đầu tiên quý vị cần thực hiện: uống nước khi bụng đói, nhất là vào buổi sáng khi vừa mới ngủ dậy, giúp tống khứ bất kỳ độc tố nào có trong hệ tiêu hóa của bạn và lúc ấy chúng đã sẵn sàng nạp tất cả dưỡng chất cần thiết để nuôi cơ thể của bạn trong ngày. Tuy nhiên, trong việc uống nước thực hiện đúng vai trò thanh lọc, giải độc cơ thể của nó, quý vị cần tuân thủ việc uống nước đúng cách như sau: - Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là từ 2 - 2,5 lít, những người hoạt động thể lực mạnh, lao động nặng cần uống nhiều hơn. - Nên uống nhiều nước vào buổi sáng và giảm dần đến chiều tối, đặc biệt ngay sau khi thức dậy, quý vị cần nạp ngay vào cơ thể khoảng 0,5 lít nước ấm 30oC và uống từng ngụm lớn để nó thực hiện vai trò giải độc các hệ cơ quan trong cơ thể, chủ yếu là hệ tiêu hóa. - Không nên uống quá nhiều nước một lúc, hãy chia nhỏ lượng nước ra và uống đều đặn, cách khoảng 15 - 20 phút quý vị lại uống 1 lần, như thế chức năng giải độc của nước đối với cơ thể sẽ được thực hiện tốt hơn. Ngâm chân đều đặn mỗi ngày Theo y học cổ truyền, đôi chân được xem như là trái tim thứ 2 của cơ thể và nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào thải các độc tố bên trong. Chính vì vậy, trước khi đi ngủ, quý vị hãy dành ra từ 20 - 30 phút để ngâm chân với nước ấm có pha muối, chè xanh, hoa cúc, gừng đập giập,… để bài trừ các độc tố trong cơ thể. Ăn và uống các loại thực phẩm có tác dụng giải độc - Củ cải: Theo đông y, đại tràng và phổi có quan hệ với nhau mật thiết nhất, mức độ phổi bài trừ độc tố được quyết định bởi đại tràng có thông suốt hay không, và củ cải có thể giúp cho đại tràng bài tiết dễ dàng hơn. - Chanh, cam, quýt: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, nâng cao sức đề kháng hiệu quả, vì có hàm lượng vitamin C rất cao, đây chính là dưỡng chất có chức năng chuyển hóa các chất độc trong cơ thể thành dạng dễ tan trong nước và dễ dàng đào thải ra ngoài. - Bưởi: Chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, bưởi giúp tăng quá trình thanh lọc chất độc của gan. Một ly nhỏ nước ép bưởi tươi giúp đẩy mạnh quá trình tạo thành các enzyme giải độc gan và đào thải những chất gây ung thư và độc tố khác. - Đậu xanh: có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Đậu xanh thường được sử dụng dưới dạng nấu cháo, nấu chè ăn hoặc nấu nước uống mỗi ngày. - Các loại trà thanh nhiệt, giải độc: Trà actiso, trà hoa cúc, trà râu ngô, nước chè xanh… Quý vị có thể sử dụng uống thay nước lọc mỗi ngày đều rất tốt. - Gạo nâu (gạo lứt): Là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Gạo lứt có 3 thành phần chính là lớp cám gạo, phôi và nội nhũ. Lớp cám gạo rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chất xơ có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có ích trong đường ruột, đẩy nhanh nhu động ruột, làm mềm phân, phòng chống táo bón và ung thư đại tràng, chất xơ còn có thể kết hợp với cholesterol trong dịch mật, thúc đẩy bài trừ cholesterol, từ đó giúp giảm mỡ màu. Ngoài ra, phần cám và phần phôi trong gạo lứt giàu vitamin B và vitamin E, có thể nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu. Gạo lứt còn có thể bài tiết các chất ô nhiễm, chất độc và kim loại nặng có hại cho sức khỏe ra ngoài cơ thể sau khi đã trung hòa chúng. - Rong biển: Có nhiều chức năng sinh học như giảm mỡ máu, giảm đường trong màu, điều tiết hệ miễn dịch, chống đông máu, chống u bướu, giải độc chì và chống oxy hóa. Thường xuyên ăn rong biển có thể tăng hấp thụ iốt, phòng ngừa và điều trị bệnh bướu cổ lưu hành. Ngoài ra, rong biển chứa lượng lớn axit béo không bão hòa, có thể thanh trừ các cholesterol bám trên thành mạch máu, điều thuận tiêu hóa, thúc đẩy bài tiết cholesterol. MAI THANH (tổng hợp - nguồn Báo CA Tp.HCM) PHÙNG CHÍ TÂM st. NỤ CƯỜI XUÂN BIA SÀI GÒN Có 1 anh chàng về VN, đi nhậu 1 mình. Vừa ngồi xuống bàn, chưa kịp kêu bia thì một cô tiếp thị bia Tiger xinh như mộng mặc váy khá ngắn bước đến gần nhìn anh với ánh mắt đắm đuối: - Anh uống bia Tiger giùm em đi anh. Bia tình yêu đó! Chàng ta: - Tại sao lại là bia tình yêu? - Thì anh hãy giải mã chữ Tiger đi. Tình Iêu Giết Em Rồi ! - À vậy hả? Thôi đi em! Tình yêu bạo lực quá! Tức thì một người đẹp khác bước đến thế chỗ: - Vậy thì anh uống bia của em đi. San Miguel dzô dzô đó... Em sẽ nhớ anh suốt đời. Khi nào quán vắng anh thì em lại thẫn thờ... Sao Anh Nhớ Mà Ít Ghé Uống, Em Lo ! - Ồ không đâu, anh chỉ là khách qua đường thôi. Như thấy phương thức tiếp thị của hai cô kia chưa được ấn tượng, người đẹp thứ ba bước lên vừa đá lông nheo vừa thỏ thẻ: - Anh hãy uống Carlsberg đi, bia này mới là sành điệu đó. Anh uống xong thì Cho Anh Ráng Lấy Sức Bế Em Ra Giường. Quá kinh hãi, mồ hôi đầm đìa, nhưng chàng ta cũng trấn tĩnh lắc đầu: - Uống xong thì anh xỉn mất tiêu rồi, còn sức đâu nữa em. Cô tiếp thị thứ tư bèn bước lên ra chiêu cuối cùng hy vọng sẽ quật ngã được con tim sắt đá của anh chàng này: - Vậy thì chỉ có Heineken thôi. Anh uống xuôi hay ngược gì cũng được, cũng là tình yêu trọn vẹn cả. Xuôi thì Hôn Em Ít Nên Em Khều, Em Nhéo... hay ngược lại Nếu Em Khôn Em Nằm Im Em Hưởng. Chàng ta lắc đầu quầy quậy: - Thôi xin lỗi mấy em, tình yêu mấy em sao mà sành điệu quá, anh chỉ uống Saigon thôi! Đến lúc này thì cả 4 cô tiếp thị đều ngạc nhiên: - Trời! Sao anh lại uống bia đó? - Ồ, đây mới chính là tình yêu thiêng liêng của anh. Chàng ta bèn chỉ vào cái nhẫn trên tay: - Số Anh Iêu Gái Ở Nhà! CHO ANH GIỮ BẢN QUYỀN Hai vợ chồng cùng ngành xuất bản sách. Đêm tân hôn của họ thật thơ mộng. Họ nói với nhau đủ chuyện, từ yêu đương, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp… Anh chồng ôm vợ âu yếm rồi đọc thơ: Sách mới cho nên phải đắt tiền Chị vợ nghe chồng đọc liền ứng khẩu luôn: Hôm nay xuất bản lần đầu tiên Anh chồng ghì chặt vợ vào lòng mình đọc luôn câu thứ 3: Anh còn tái bản nhiều lần nữa… Chị vợ sung sướng đọc tiếp câu thơ trong tiếng thở: Em để cho anh giữ bản quyền! Vài năm sau… Cô vợ đọc: Sách đã cũ rồi phải không anh Sao nay em thấy anh đọc nhanh? Không còn đọc kỹ như trước nữa Để sách mơ thêm giấc mộng lành! Anh chồng ngâm: Sách mới người ta thấy phát thèm Sách mình cũ rích, chữ lem nhem Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc Đọc tới đọc lui, truyện cũ mèm! Cô vợ thanh minh: Sách cũ nhưng mà truyện nó hay Đọc hoài vẫn thấy được bay bay Đọc hết kiểu này rồi kiểu khác Nếu mà khám phá sẽ thấy hay! Anh chồng lầu bầu: Đọc tới đọc lui mấy năm rồi Cái bìa sao giống giấy gói xôi? Nội dung từng chữ thuộc như cháo Nhìn vào hiệu sách nuốt không trôi! Một ông hàng xóm hắng giọng sang: Sách cũ nhưng mà tui chưa xem Nhìn anh đọc miết cũng thấy thèm Cũng tính hôm nào qua đọc lén Liệu có trang nào anh chưa xem??? Đào Minh Diệu Xuân st. CHUẨN BỊ ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI GIÀ DỄ MẾN Cuộc đời sẽ được nhẹ nhàng hơn nếu biết cắt giảm, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần. Con người sở dĩ mang nhiều tật bệnh vì hệ thần kinh bị rối. Bệnh vì lo nghĩ ôm đồm, bệnh vì sợ hãi mất mát từ tình cảm đến vật chất. Bệnh vì thương quá hay ghét quá. Nếu bệnh vì không có của cải, vật chất đầy đủ thì cũng bệnh vì có nhiều có hơn những thứ mình cần. Nếu không bệnh vì thiếu ăn, thì cũng bệnh vì ăn quá nhiều những thực phẩm không cần thiết hay thực phẩm gây bệnh hoạn. Người ta bệnh vì quá cô đơn mà cũng bệnh vì có quá nhiều người để lo, để nghĩ đến. Muốn nhẹ nhàng bớt bệnh ta cần thanh lọc từ đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, nhất là đời sống tâm linh không quân bình vì đi quá đà. Tất cả, chỉ vì ta thiếu định tâm, quán chiếu về mình, về đời sống vật chất, tinh thần lẫn tâm linh. Sự rối beng làm cho đầu óc ta bấn loạn. Mà khi hệ thần kinh rối loạn thì ảnh hưởng rất lớn đến bộ tuần hoàn, từ bộ tiêu hóa đến máu huyết luân lưu không đều gây nên mệt tim, ăn ngủ không được hay rối loạn tiêu hóa. Khi bộ tuần hoàn rối loạn thì bệnh tật khó tránh và ảnh hưởng ngược lại hệ thần kinh và ta đi đứng nằm ngồi không yên, tinh thần rối loạn nghĩ suy sai lầm nghe không đúng, thấy sai, nói năng bậy bạ gây nhiều lầm lẫn trong đời sống thường nhật. Nếu tâm ta nhẹ nhàng bình an quán chiếu mỗi sự suy nghĩ hay nói năng, hành động không đúng ta đều nhanh nhẹn bắt kịp và sửa đổi để không nói năng hành động quá trớn gây đổ vỡ hiều lầm đối với gia đình, người thân hay bạn bè, đồng đạo. Sai lầm thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, một câu nói vô tình, vu vơ, một hành động nhỏ theo thói quen mà ta không chịu sửa. Ta bỏ qua những lỗi lầm của mình, và dần dần sẽ xem nhẹ nó để rồi sẽ vi phạm những lỗi lầm lớn hơn. Nếu ta không bắt được những lỗi lầm nhỏ, nhất là thói quen khó sửa của ta để tự điều chỉnh lại, thì dần dần tính nết ta sẽ trở nên gàn dở lúc về già. Nếu muốn trở nên một người dễ chịu lúc về già được mọi người thương mến, ta cần chú tâm cải sửa và tu tập từng bước một ở bất cứ lứa tuổi nào. Tu tập cũng là một cách chuẩn bị để trở nên một người già dễ mến có đời sống bình an đầy đạo hạnh. LỆ NGỌC st. MẢ PHÁT VUA, CHÚA Mả phát vua, chúa do Nghĩa tôi đọc báo hay nghe kể trong thời còn đi học. Điều nhớ điều quên. Không biết người viết báo, người kể có in thành sách không, nếu không kể lại e nó mai một mất. Nghĩa tôi kể lại để nhắc có giai thoại như vậy. Nếu ai thấy sách báo nào thì xin giữ lại để viết lại cho hay hơn. Đương nhiên khi kể, tôi cũng sắp xếp sự việc cho có lý, có thể tin được chớ không phải nhớ sao kể vậy. 1. Long mạch của Đinh Tiên Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh là con ông Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan Châu thời Khúc Thừa Hạo. Ấy vậy mà tôi nghe biết là mẹ ông bị con Rái cá hiếp có mang mà sanh ra ông. Con Rái cá bị giết, bà lấy xương của nó để trên trần nhà. Có tên thầy Địa lý Tàu nhìn ở chỗ vịnh trên sông Hồng cho là long mạch lớn nên nhờ chú bé Bộ Lĩnh lội giỏi, có tài lặn sâu dưới nước xuống rờ ở khu vực đó xem sao. Lên, Bộ Lĩnh nói ở đó có một một hang, xung quanh có nhiều chỏm đá như râu. Tên Địa lý đưa cho Bộ Lĩnh một bó cỏ biểu xuống cho vô miệng hang xem sao. Lên, Bộ Lĩnh nói miệng hang thâu vô trong. Tên Địa lý Tàu cho tiền rồi đi. Ít lâu sau hắn trở lại, tìm Đinh Bộ Lĩnh, đưa hai bó và nhờ Bộ Lĩnh lặn xuống cho bó cỏ vô miệng hang rồi đưa bó thứ hai tiếp vô. Bộ Lĩnh cho bó cỏ vô xong, rờ bó thứ hai thấy lộm cộm nên máng ở một cái râu rồi lên nói miệng hang nuốt vô hết rồi. Bộ Lĩnh cho rằng đó là Long mạch nên hỏi mẹ hài cốt của cha. Bà mẹ chỉ bộ xương con Rái cá. Ông đem bộ xương nhét vô miệng hang rồi sau phát làm vua. Tôi cho rằng chuyện nầy do người Trung Hoa bịa ra để nói xấu vị vua anh hùng của Việt Nam ta mà thôi. Chuyện nầy có lẽ để giải thích nước sông Hồng có màu đỏ. Khi xem thiên văn, tên Địa lý Tàu thấy đất phát lớn ở phương Nam, hắn sang xem và biết bị tráo hài cốt. Có lẽ Đinh Bộ Lĩnh bốc mộ cha, lấy hài cốt gói lại và cho vô hang tức là miệng Rồng. Tên Địa lý Tàu thấy cần phá mạch đất nầy kẻo có hại cho Trung Hoa, hắn trở sang, tìm Bộ Lĩnh và nói chỗ hang đá đó là miệng rồng, và biểu Bộ Lĩnh đem treo cây kiếm phép nầy vô đầu rồng cho nó thêm uy. Nước cuốn, cây kiếm cứ cứa vô đầu rồng. Đầu đứt, máu tuôn đỏ cả sông và nhà Đinh cũng mất. Điều nầy vô lý vì râu Rồng ở miệng Rồng. Vị trí gươm treo ở đâu? Tại sao cây gươm không bị rớt xuống sông? Tôi cho rằng gươm chỉ làm xây xát miệng Rồng chớ không đứt cổ được. Rõ ràng đây là chuyện bịa. Cũng có chuyện kể rằng Bộ Lĩnh rờ thấy có con ngựa đứng dưới đáy vực và treo kiếm để nó cứa đứt đầu ngựa. Nhưng treo ở đầu ngựa thì treo ở đâu cho nó cứa đứt đầu ngựa? Tôi cho rằng cả hai chuyện đều là chuyện bịa đặt thô thiển cả. 2. Long mạch của vua Lý Thái Tổ Lý Thái Tổ tên là Lý Công Uẩn. Cha ông là Lý Khánh Đản, em của ông sư Lý Khánh Vân. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn, đốn củi bán để kiếm sống. Những khi mưa to gió lớn thì vô một ngôi chùa tạm trú và cũng làm công quả cho chùa. Sư không cho ở trong chùa nhưng ngụ ở cổng tam quan thì không đuổi. Khi biết vợ Lý Khánh Đản có mang thì sư đuổi đi. Hai vợ chồng dắt dìu nhau lần đến chùa Lý Khánh Vân tu để mong nương tựa sau khi vợ sanh. Trên đường đi, Lý Khánh Đản trở lại giếng để lấy nước thì té xuống giếng. Đợi lâu quá không thấy chồng trở lại, bà đi tới giếng thì thấy mối đã đùn lấp miệng và nhô cao lên khỏi mặt đất. Bà đi lần đến chùa Lý Khánh Vân tu mà sống lây lất và nghỉ ở cổng tam quan. Một đêm, nhà sư nghe có mùi hương thơm nức cả chùa, ngó ra cổng tam quan thì thấy sáng rực. Nhà sư sai bà hộ chùa ra xem thì thấy người đàn bà sanh một đứa con trai. Khi bà hộ chùa trở ra thì người đàn bà đã chết nên bồng đứa bé vô chùa. Nhà sư đặt tên là Lý Công Uẩn và dạy học cho nên người. Ông ra làm quan cho nhà Tiền Lê. Khi Lê Đại Hành Hoàng đế băng, Lê Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết. Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc nên Long Đỉnh khen là trung và thăng chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Long Đỉnh tức vua Ngọa triều mất, vì con còn nhỏ, triều thần lại ghét vua Ngọa triều tàn ác nên tôn Lý Công Uẩn lên làm vua lập ra nhà Lý. 3. Long mạch của Tướng quân Trịnh Kiểm, sau nầy con là Trịnh Tùng tức Chúa Trịnh Trịnh Kiểm nhà nghèo lắm. Mẹ Trịnh Kiểm lại thích ăn thịt gà. Nhà không có, Kiểm bèn đi ăn cắp gà hàng xóm về cho mẹ ăn cho nên hàng xóm ghét bà ấy lắm. Một hôm Trịnh Kiểm đi vắng, hàng xóm tới bắt bà ấy quăng xuống cái vực gần nhà. Đêm hôm ấy trời mưa to gió lớn sấm sét đầy trời. Sáng hôm sau, vực ấy nổi lên thành một ngôi mộ lớn. Mẹ mất rồi, Kiểm lêu bêu tha phương cầu thực sang tận Ai Lao. Kiểm xin vào chăn ngựa cho ông Nguyễn Kim. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê nên Nguyễn Kim rước con vua Chiêu Tông lập lên làm vua tức là vua Trang Tông và chiêu mộ quân sỹ để chống nhà Mạc phục nghiệp cho nhà Lê. Một hôm Nguyễn Kim hỏi chuyện thì thấy Trịnh Kiểm nói năng lưu loát và tỏ ra có tài có trí, có khí phách anh hùng nên cho theo ngài để đánh giặc. Trịnh Kiểm lập được nhiều công to nên Nguyễn Kim gả con gái cho và cử làm tướng. Khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết, binh quyền thuộc về tay Trịnh Kiểm cả. Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng tiếp sự nghiệp trùng hưng nhà Lê, đuổi được họ Mạc, nắm trọn binh quyền trong tay, lập phủ Chúa, vua Lê chỉ là hư vị. Ch úa Trịnh truyền được tám đời, đến đời Trịnh Khải thì bị nhà Tây Sơn bắt, ông tự tử. Họ Trịnh chấm dứt. 4. Long mạch của nhà Tây Sơn Anh em Tây Sơn ở làng Tây Sơn tỉnh Quy Nhơn (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức). Một hôm Nguyễn Huệ đi chơi, một người Trung Hoa nhờ đào giùm một chỗ đất. Đào xuống sâu độ hai ba thước thì tới một lớp đất vàng ánh rất đẹp. Nguồi ấy biểu lấp lại và cho ông một ít tiền công. Một thước ngày xưa có người nói là một cánh tay tính từ cùi chỏ tới đầu ngón tay. Theo Việt Nam tự điển thì một thước đo may là 27 đồng tiền kẽm hiệu Gia Long nối dài nhau. Một đồng xu theo mắt thường tôi thấy thì đường kính độ 2cm. Vậy một thước là 2cm x 27 = 54cm. Như vậy, một thước xưa dài độ chừng trên dưới năm tấc thôi. Nguyễn Huệ về bàn với hai anh, có khi đó là l ong mạch nên đem hài cốt ti ề n nhơn mình ra đó táng và táng sâu hơn nhiều để cho tên Tàu không biết. Nhưng táng sâu là mạch mau phát mà mau phát có khi cũng mau tàn chăng? Khi tên Trung Hoa trở sang, hắn thấy thế đất đã chuyển nên biết có người táng ở đó rồi. Khi mạch đã chuyển phát thì có thần linh bảo vệ. Nếu ai động đến sẽ bị sét đánh chết. Vì mạch lớn có hại cho Trung Hoa nên hắn phá bằng cách rèn một cây gươm phép, xem thế chuyển động của đất, hắn đặt cây gươm cách xa huyệt mả nhưng theo sự chuyển dịch của thế đất, thanh gươm tiến lần đến huyệt mả. Nếu chôn cạn, có khi gươm đâm trượt bên dưới chăng? Âu là số cả. Khi thanh gươm đâm vô huyệt mả thì long mạch đó sẽ chết, người phát vua đó sẽ chết và mạch không còn tác dụng gì đến gia tộc đó nữa. Khi thấy nhà Tây Sơn lập nên sự nghiệp lừng lẫy, tên Trung Hoa tìm cách hại ngài. Hắn nuôi một con quái vật có khả năng phun ra độc tố cực mạnh và huấn luyện để điều khiển được nó. Con quái vật được đặt một nơi xa cung điện vua Quang Trung nhưng điều khiển cho nó tiến tới cung điện. Khi tới gần thì điều khiển cho nó phun độc tố. Trước cung điện, nhà vua nuôi nhiều con nhím. Nghe động, con nhím tiến ra bắn lông vô con quái vật, nó chỉ làm chậm bước con quái vật thôi. Viên quan bảo vệ bên ngoài trúng độc nằm mê man. Nghe động, vua Quang Trung bước ra vói tay lấy thnah kiếm thì Ngài dựa vô vách đứng chết sững. Ngài thấy có 12 người đứng từ Ngài ra tới cửa, họ cầm những thứ binh khí lạ lùng lắm. Một người tung một vật thì có tiếng sét nổ chát chúa. Đức vua tỉnh lại, viên quan bên ngoài cũng tỉnh lại. Tới xem hiện trường thì thấy hình dáng con quái vật chỉ là một vùng khói trắng mà thôi. Đức vua cho người về ngôi mộ long mạch xem tình hình thì được báo là nét uy nghi cũng như vầng mây ngũ sắc che trên ngôi mộ không còn nữa và lại nghe dưới mộ có tiếng động rào rào. Long mạch đang bị phá nhưng không ai biết làm sao mà cản lại. Ít lâu sau, bất ngờ vua Quang Trung băng hà. Sau đó một ít lâu, vua anh là Thái Đức hoàng đế cũng băng. Cuối cùng, nhà Tây Sơn bị tiêu diệt. 5. Long mạch của Tổng Thống Ngô Đình Diệm Ba của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Khả, một vị đại thần của triều Nguyễn. Khi ông qua đời, gia đình chọn đất an táng. Rất tiếc tôi không có dịp tham quan nơi mộ ông Ngô Đình Khả nên kể lại sự việc theo suy nghĩ của tôi có khi kém chính xác đấy. Đường đi đến nơi an táng là đồi, núi, rừng nên việc khiêng quan tài đi nó không mau như dự kiến. Đi khoảng hơn nửa đường thì đoàn đưa ma bàn rằng nếu tới nơi an táng, an táng xong thì trời tối, đường về có bảo đảm an toàn cho cả đoàn người không? Nếu chẳng may có người bị thú vồ thì đau lắm. Để tạm đây mà trở về cho an toàn rồi sáng mai lên sớm để khiêng tới nơi an táng, táng xong thì trời chưa tối để về cho an toàn là hơn. Gia đình Tổng Thống theo đạo thờ Chúa nên không câu nệ về giờ giấc. Có lẽ ai cũng cho rằng mạng người là quý, cần phải bảo vệ cho tốt. Quan tài để giữa đường, mọi người trở về. Nhưng họ để như thế nào? Tôi cho rằng ít nhứt họ cũng để tránh đường đi, nép một bên để không cản lối đi vì nếu voi đi mà bị cản, có khi nó hất văng hay giẫm nát quan tài đấy. Có khi họ cũng đào sâu xuống một vài tấc để rủi bị đụng thì không nghiêng ngã. Người xưa cữ quan tài bị nghiêng lắc. Mọi người về nhà, sáng hôm sau tới thì mối đã đùn lấp kín quan tài. Gia đình cho rằng đây là ngôi thiên táng. Họ xây mộ bao quanh quan tài mối đó. Về sau, Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống cũng như làm vua vậy. Một thời gian sau, sau một đêm mưa giông, sét đánh ngôi mộ nứt đôi nghĩa là long mạch đó đã chết. Sau cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết. Ngôi vị họ Ngô chấm dứt trên nước Việt Nam nầy từ đó. Khánh Hội - Quận 4 Saigòn ngày 08-8-2018 PHẠM HIẾU NGHĨA Con Lợn và Con Heo Con lợn sinh ra ở miền Bắc. Con heo sinh ra ở miền Nam. Miền Bắc không heo nhưng thích nói toạc móng heo. Miền Nam không lợn lại thích ăn bánh da lợn. Miền Bắc có lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sữa, lợn choai, lợn thoái, lợn ỷ. Miền Nam có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo đen, heo nọc, heo hạch, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi (heo tộc). Con lợn ăn ngô, Con heo ăn bắp. Da lợn làm bánh da lợn (không đúng) Da heo khô dùng nấu lẩu. Con lợn đóng phim thiếu nhi “hiệp sĩ lợn”, Con heo đóng phim người lớn “phim con heo” Phim con lợn chỉ cách chăn nuôi, sinh sản cho nhi đồng. Phim con heo cũng chỉ cách sinh sản nhưng lại cấm nhi đồng. Miền Bắc trách cô kia “béo như lợn” Miền Nam quở chị nọ “mập như heo” Miền Bắc xỏ đàn ông háo sắc là lợn nọc, Miền Nam nói đàn bà lang chạ là heo nái. Đọc Việt Sử, ta thấy người miền Nam phần lớn là những di dân từ miền Trung tràn xuống, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành quan lợn. Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo. Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung tới những cây hèo vút vào mông họ, nên họ gọi con lợn là con hèo. Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là con heo. Con lợn từ miền Bắc xuống miền Nam thành con heo. QUAN THÚY MAI st
Phụ Bản IV Những điều thú vị mà có thể chúng ta chưa biết! 1. A snail can sleep for three years. Con ốc sên có thể ngủ lâu tới ba năm. 2. All polar bears are left handed. Tất cả những con gấu địa cực đều thuận tay trái. 3. Butterflies taste with their feet. Con bướm nếm mùi bằng chân. 4. It is physically impossible for pigs to look up into the sky. Con heo không thể ngẩng cổ lên để nhìn bầu trời. 5. Hydra - an aquatic creature is the only living creature that never die. It regenerates, replacing its cells with fresh ones. Hydra (một sinh vật sống trong nước) là động vật sống duy nhất không chết. Nó tự tái tạo, thay thế những tế bào của mình bằng những tế bào mới. 6. Elephants are the only animals that can’t jump. Voi là động vật duy nhất không thể nhảy cao. 7. Coca-Cola was originally green because of fresh cocoa leaves. Coca-Cola nguyên thủy có màu xanh bởi vì màu lá cocoa tươi. 8. Honey is the only food that doesn’t spoil. Mật ong là thức ăn duy nhứt không bị hư thúi. (Hèn chi cứ thấy người ta thích ho-nì) 9. Strawberry is the only fruit with its seeds on the outside. Strawberry là loại trái cây duy nhứt có hột ở bên ngoài. (Quả Điều lộn hột cũng thế!) 10. All other vegetables must be replanted every year except two perennial vegetables; Asparagus and Rhubarb that can live to produce on their own for several growing seasons. Những loại rau quả khác phải được trồng lại mỗi năm ngoại trừ hai loại rau quả Asparagus và Rhubarb có thể sống để tự phát triển trong nhiều mùa vụ. 11. There are 366 dimples on a golf ball. Mỗi trái banh golf có 366 chỗ lõm. 12. There are 318,979,564,000 possible ways to play first four moves, per side, in chess. Trong môn cờ vua (chess), mỗi bên có 318.979.564.000 cách để đi cờ trong bốn nước đi đầu tiên. 13. Playing cards in India are in round shape. Lá bài bên Ấn Độ có hình tròn. 14. Boxing is the only sport in which neither the spectators nor the participants know the score or the winner until the contest ends. Quyền Anh là môn thể thao duy nhứt mà khán giả và võ sĩ đều không biết điểm hoặc ai là người thắng cho tới khi trận đấu kết thúc. 15. Each king in a deck of playing cards represents great king from history. Spades - King David, Clubs - Alexander the Great, Hearts - Charlemagne, Diamonds – Julius Caesar. Mỗi lá bài Già (King, không biết tiếng Nam hay tiếng Bắc gọi lá bài “K” là gì, tiếng Tàu gọi là con Già) đại diện cho một ông vua vĩ đại trong lịch sử: Con Già Bích: Vua David, Già Chuồn: Vua Alexander the Great, Già Cơ: Vua Charlemagne, Già Rô: Vua Julius Caesar. 16. The King of Hearts is the only king without a mustache. Con Già Cơ là con bài Già duy nhứt không có râu. 17. The most common name in the world is Mohammed. Cái tên phổ biến nhứt thế giới là Mohammed. 18. The name of all the continents ends with the same letter that they start with. Tên của các châu lục kết thúc bằng chữ giống như chữ bắt đầu của nó. 19. If a statue of a person in the park on a horse has both front legs in the air, the person died in battle. Nếu bức tượng của một người, trong công viên, ở trên lưng ngựa có hai chân trước ở trên không, người đó đã chết trong trận chiến. 20. If the horse has one front leg in the air, the person died as a result of wounds received in battle. Nếu con ngựa có một chân ở trên không, người đó chết vì vết thương trong trận chiến. 21. If the horse has all four legs on the ground, the person died of natural causes. Nếu con ngựa có bốn chân còn trên mặt đất, người đó chết vì nguyên nhân tự nhiên. 22. Mao Zedong of China never brush his teeth in his lifetime. Mao Trạch Đông của Tàu không bao giờ đánh răng trong suốt cuộc đời của mình. (và kiếp sau chắc cũng vậy) 23. When Elizabeth-I of Russia died in 1762, there were 15,000 dresses in her closets. Khi nữ hoàng Elizabeth I của Nga qua đời năm 1762, trong các tủ áo quần của bà có 15 ngàn bộ đồ! 24. Randy Gardner of San Diego is the longest person who has gone without sleep for 11 days in 1965. He broke the record of Peter Tripp of New York, who settled a record of 8,5 days without a wink. Randy Gardner ở San Diego là người lâu nhứt không ngủ trong 11 ngày vào năm 1965. Ông ta phá vỡ kỷ lục của Peter Tripp ở New York, người đã giữ kỷ lục tám ngày rưỡi không ngủ. 25. Usually right handed people utilize left side of brain for all their conscious, voluntary activities. Thường thì người thuận tay phải sử dụng phần não bên trái cho tất cả những hoạt động có ý thức và tự chủ. 26. The strongest muscle in the body is the tongue. Bắp thịt mạnh nhứt trong cơ thể là cái lưỡi. 27. Women blink nearly twice as much as men! Đàn bà nháy mắt gần gấp đôi đàn ông. 28. You can’t kill yourself by holding your breath. Bạn không thể tự tử bằng cách nín thở. 29. It is impossible to lick your elbow. Bạn không thể nào liếm được cùi chỏ của chính bạn. 30. Like fingerprints, everyone’s tongue print is different. Giống như vân tay, vân lưỡi ở mỗi người là khác nhau. 31. If you sneeze too hard, you can fracture a rib. Nếu bạn nhảy mũi mạnh quá, bạn có thể bị gãy xương sườn. 32. If you try to suppress a sneeze, you can rupture a blood vessel in your head or neck and die. Nếu bạn cố giữ không cho nhảy mũi, bạn có thể làm đứt mạch máu trong đầu hoặc cổ và chết. 33. An average person eat 60,000 pounds of food in his lifetime. Một người trung bình ăn khoảng 60.000 pounds (gần 27.3 tấn) thức ăn trong đời mình. 34. An average person spent 24 years of his life in sleeping. Một người trung bình bỏ ra 24 năm trong đời để ngủ. 35. An average woman consume 6 lbs. of lipstick in her lifetime. Một người phụ nữ trung bình tiêu thụ hết 6 pounds (gần 2.73 ký) son môi trong đời. 36. Sitting while talking on the phone for eight hours will burn 914 calories. Driving a car for eight hours will knock off around 1,219 calories. And standing in a casino for eight hours will burn about 1,402 calories. Vừa ngồi vừa nói chuyện qua điện thoại trong 8 tiếng đồng hồ sẽ đốt hết 914 calories. Lái xe trong 8 tiếng sẽ “đánh văng” đi 1219 calories. Và, đứng trong sòng bài trong 8 tiếng sẽ đốt 1402 calories. 37. The liquid inside young coconuts can be used as a substitute for blood plasma. Nước dừa non có thể được dùng để thay thế huyết tương. (Huyết tương là phần dịch trong của máu?) 38. Donkeys kill more people annually than plane crashes. Hàng năm, người ta chết do con lừa nhiều hơn là do tai nạn máy bay. 39. You burn more calories sleeping than you do watching television. Bạn đốt nhiều năng lượng trong khi ngủ hơn là trong khi coi TV. 40. The first product to have a bar code was Wrigley’s gum. Sản phẩm đầu tiên có bar code là kẹo cao su Wrigley. 41. American Airlines saved $40,000 in 1987 by eliminating one olive from each salad served in first-class. Năm 1987, hãng máy bay American Airline đã tiết kiệm được 40.000 đôla bằng cách bớt đi một trái oliu ở mỗi phần ăn ở khoang hành khác hạng nhứt. 42. Venus is the only planet that rotates clockwise. (Since Venus is normally associated with women, what does this tell you!) Sao Thủy là ngôi sao duy nhứt xoay theo chiều kim đồng hồ. (Sao Thủy thường được gắn liền với phụ nữ, điều đó có nói gì với bạn không!) 43. Apples, not caffeine, are more efficient at waking you up in the morning. Táo, chớ không phải là cà phê, có hiệu quả hơn trong việc làm bạn tỉnh ngủ vào buổi sáng. 44. Most dust particles in your house are made from dead skin. Hầu hết bụi trong nhà là từ da chết! 45. Pearls melt in vinegar. Ngọc trai tan trong giấm. 46. The three most valuable brand names on earth: Marlboro, Coca Cola, Budweiser. Ba thương hiệu có giá trị nhứt trên trái đất: Marlboro, Coca Cola và Budweiser. 47. It is possible to lead a cow upstairs… but, not downstairs. Người ta có thể dẫn con bò đi lên cầu thang… nhưng, không thể đi xuống cầu thang. 48. A duck’s quack doesn’t echo, and no one knows why. Tiếng kêu của con vịt không có vang, và chẳng ai hiểu tại sao. 49. Dentists have recommended that a toothbrush be kept at least six feet away from a toilet to avoid airborne particles resulting from the flush. Các nha sĩ đã từng gợi ý rằng bàn chải đánh răng cần giữ ít nhứt là xa 6 feet (cỡ 1.83 mét) từ cầu tiêu để tránh khỏi cái vi khuẩn bay lên không khí do việc dội cầu. (Ai đi cầu khỉ chắc khỏi cần để ý chuyện này!) 50. Richard Millhouse Nixon was the first U.S. president whose name contains all the letters from the word “criminal.” Richard Millhouse Nixon là tổng thống Mỹ đầu tiên mà tên của ổng chứa hết các từ trong chữ “criminal” (tên tội phạm). (Người thứ hai? William Jefferson Clinton) 51. And the best for last… Turtles can breathe through their butts. Và, cái tốt nhứt để dành cuối cùng… Con rùa có thể thở thông qua hậu môn! KIM SƠN st.
PHÉP MÀU Thằng bé phụng phịu: - Sao mẹ chưa mua quần áo mới cho con? - Áo xống gì? Chị mày sắp chết rồi kia, ở đó mà… Không đợi mẹ nói hết câu, thằng bé oà khóc một cách oan ức. Nó đâu biết chuyện gì đang xảy ra trong cái gia đình nhỏ bé này, nó chỉ biết ngoài kia người người chộn rộn phong bì đỏ, áo xanh quần trắng, và nó thì mong lắm một bộ quần áo mới có mấy cái túi rộng để bỏ vào đó những phong bao lì xì, rồi sau mấy ngày tết, ríu rít chị em xem ai được lì xì nhiều hơn. Nghe con khóc, chị Nguyên gắt toáng lên: - Khóc, khóc cái gì hả? Nó đã chết đâu mà khóc… Gắt con nhưng nước mắt chị lại trào ra. Rồi chị bỗng thụp xuống, ôm lấy con trai, nghẹn ngào dỗ dành: - Mẹ xin lỗi, con đừng khóc nữa, mẹ đang tan ruột nát gan ra đây rồi. Đợi ba về dắt con đi mua áo mới nha. Con nín đi, nín đi. Thằng bé nín khóc vì ngạc nhiên thấy mẹ cũng khóc, và cũng vì lời hứa hẹn. Nó quay ra an ủi mẹ: - Mẹ cũng đừng khóc nữa, ba cũng mua áo mới cho mẹ mà, cho cả chị Ny nữa. Người mẹ dụi vào ngực đứa con trai bé bỏng để giấu đi những giọt nước mắt cứ trào ra trào ra. Có tiếng xe ùa vào sân, chị vội ngoảnh ra. Anh Quân đang gạt vội chân chống, rồi vội vã đi vào. - Ai đang ở trong đó mà anh về vậy? - Cậu Phúc. Anh về thay bộ đồ rồi vô liền. Mấy anh trên cơ quan bảo hôm nay sẽ đến xét nghiệm máu. Không biết có thêm được ai nữa không? Chị khẽ thở dài, lau nước mắt rồi đứng dậy đi vào phòng lấy bộ quần áo cho anh, anh thì tất tả đi ra nhà sau, không để ý thằng bé đang hóng ba về. Hình như nó cũng cảm nhận được điều gì đó, nên không kêu đòi gì nữa, quay ra cầm chiếc máy bay điện tử bật lên một điệu nhạc. Bé Ny vẫn nằm trong tư thế bất động, hơi thở phập phồng theo nhịp của chiếc máy. Bé đã phải thở máy hơn một tuần nay rồi. Ban đầu bé sốt ở nhà hai ngày thì mẹ đưa bé vào viện. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán là sốt siêu vi, nhưng vài ngày sau, thấy bụng bé chướng lên, gây khó thở và sốt cao, ra bé đã bị xuất huyết nội. Sự chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến bé bị sốc và hôn mê. Sau lần cấp cứu ngấp nghé cái chết, bé hồi lại đôi chút, nhưng phải có sự trợ giúp của máy móc. Chung quanh bé, những dây nhợ dằng dịt vào những chiếc máy lớn nhỏ. Miệng bé là một cái ống thoát dịch, mũi bé là ống thở, hai mắt bé cứ he hé, chân tay, người ngợm bé tím bầm nhiều chỗ vì lấy ven và chọc hút dịch. Lần đầu nhìn thấy con trong tình trạng nguy kịch, chị đã ngất đi, đến mấy ngày sau chị mới đủ can đảm vào chăm sóc con. Nhưng đã hơn một tuần rồi, bé Ny vẫn không có chút tiến triển nào. Những người bạn của anh chị sẵn sàng chia sẻ những giọt máu, bé Ny thuộc nhóm máu O, một loại máu hiếm, nếu trông vào kho máu của bệnh viện thì không thể nào, may mà trong số những người quen có kha khá người thuộc nhóm máu này. Không là máu truyền trực tiếp, mà bé Ny cần truyền huyết tương, nên cứ hai người cho máu mới lọc được một bịch huyết tương, liệu còn có thể cầm cự được trong bao lâu nữa? Tiếng tip tip của chiếc máy cứ vang lên đều đều. Phúc bước vào với ly cà phê: - Thôi chị về nghỉ đi, để em trông cho. - Tối nay cậu về đi, thức liền mấy đêm rồi, không khéo lại ốm luôn đấy. - Không sao, em còn chịu được mà. Về cũng không yên tâm. - Vậy cậu ra hành lang kiếm chỗ ngả lưng chút đi, có gì cần, chị gọi. Ở đây hai người họ lại la bây giờ. Đi đi. Phúc nghe lời chị đi ra ngoài, cậu kịp né người khi một chiếc băng ca xồng xộc đẩy vào phòng. Là khoa cấp cứu nhi nên không khí chộn rộn và căng thẳng hầu như thường trực. Bất kỳ một bệnh nặng vào cấp cứu, bất kỳ một bệnh nhân trở mệt, bất kỳ một trái tim ngừng đập. Ê kíp y, bác sĩ và cả hộ lý ở khoa này vì thế mà cũng thành khó tính. Mỗi giường bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc, mà cũng phải biết dọn chỗ thật gọn cho họ đi lại dễ dàng. Tối nay, phòng bệnh khá đông, từ chiều đã có ba ca nhập viện, đều là sốt xuất huyết, đang mùa dịch mà. Tiếng khóc của những đứa trẻ bị giữ chặt chân tay để những mũi kim chọc vào ven ồn ã, nghe càng tức thở. Chị Nguyên thở dài. Nuôi được một đứa con khôn lớn, không biết bao nhiêu công mà kể, vậy mà chỉ một chút sơ sảy, nó bốc hơi như chơi. Áp tay vào trán con, chị kêu thầm “Con ơi, Ny của mẹ ơi, con mau tỉnh lại đi, con đừng bỏ ba bỏ mẹ mà đi nghe con, con làm sao thì mẹ cũng chết mất thôi. Ny ơi! con có nghe mẹ gọi con không? Ny ơi. Ny ơi…” Chị cứ thầm thĩ gọi, người ta bảo đó là liệu pháp tâm thức, với người đang bị hôn mê, gọi như vậy là để níu lại thần thức của họ, làm cho phần hồn của họ bị vướng víu, không dễ thoát đi được. Cảm thấy thân nhiệt của con lại tăng, chị Nguyên vội vàng lấy những chiếc khăn để sẵn, nhúng nước ấm đắp khắp người bé, cứ thế thay khăn liên tục cho đến khi hết sốt. Xong, chị lại ngồi xoa chân nắn tay cho con, lát sau mệt quá, chị gục xuống bên cạnh giường lơ mơ thiếp đi. Không biết bao lâu sau, chợt linh tính người mẹ nhắc nhỏm, chị bật dậy nhìn con, bé Ny đang lên cơn co giật, mắt trợn ngược lên, chị hốt hoảng la lên, bác sĩ ùa tới, mấy cái đầu lắc cùng vẻ mặt hết hy vọng, chị thét lên “Con ơi!” và ngã gục xuống sàn. Phúc từ ngoài chạy vào, nâng chị gái dậy, nhìn thấy cháu mình đang hấp hối, cậu cũng bật khóc. Tuy không còn được mấy phần trăm khả năng, nhưng bác sĩ vẫn hết sức bằng mọi biện pháp. Thật khó tin, nhưng sau ít phút, bé Ny hồi lại, chiếc máy thở lại thả những tiếng tip tip đều đều. Những vị thầy thuốc nhìn nhau, trong quá trình điều trị của họ, những ca hấp hối đến mức này mà còn hồi lại là rất hiếm. Có lẽ cháu bé đang gắng gỏi bằng chút sức lực cuối cùng. Không nói ra, nhưng kể cả y, bác sĩ lẫn người nhà, vấn đề chỉ còn là một con số thời gian ít ỏi mà thôi. Phúc lay gọi chị: - Chị Nguyên, chị Nguyên, tỉnh lại đi, bé Ny hồi lại rồi nè. Lờ mờ nghe tiếng gọi, chị cố gắng mở mắt. Và khi nhận thức được, chị trố mắt nhìn con như nhìn một vật thể lạ. Bé Ny vẫn nằm bất động, nhưng phần nào đó, bé lại gieo một chút hy vọng cho mọi người. Nhưng chuyện bé có qua nổi cơn bệnh khi đã đến 99% tuyệt vọng thì chỉ có thể trông vào một phép màu huyền nhiệm nào đó. Và một khi, các thông số kia chưa báo hiệu chấm dứt hẳn một sinh mạng, thì mọi chuyện vẫn có thể xảy ra. Đã hơn mười ngày qua chiếc máy thở vẫn giữ nhịp đều đặn, nhưng người bệnh thì vẫn chưa có một dấu hiệu khả quan nào. Bây giờ thì sự phỏng đoán đã nghiêng sang một tình huống khác. Đó là khả năng sống thực vật là rất cao. Với một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, thể trạng thuộc diện trung bình, mà đã ngấp nghé chuyện sống chết trong một khoảng thời gian đáng kể như vậy, thì không dễ gì tưởng đến một sự hồi phục hoàn toàn. Và cho dù có trở lại với đời sống thực, thì di chứng hẳn là chuyện tất yếu. Anh Quân ngồi nhìn chăm chăm vào mặt con, mắt anh đỏ hoe, ngân ngấn. Đang là một đứa trẻ thông minh, hoạt bát, luôn là học sinh giỏi qua các lớp, giờ này nằm đây với bao dự đoán u ám về tương lai. Khả năng nào thì cũng là một nỗi đau khôn cùng cho mẹ cha cả. Những người bạn vẫn tiếp tục hiến những giọt máu quý báu. Lúc này, mới thấy rõ sự quý giá của một sinh mạng, trong khi những tai nạn, những quả bom khủng bố hàng ngày đã vật xuống mặt đất những xác người như lá rụng. Ôi, chuyện sống chết như đầu hôm sớm mai vậy. Nào ai biết được cái ngày khép lại ánh mặt trời trong hơi thở mình là khi nào, và một trong hàng vạn nguyên nhân dẫn đến, nguyên nhân nào sẽ là lưỡi hái? - Hay là đưa cháu đi Sài Gòn xem, may ra… - Làm sao đưa đi được hả anh? Chỉ cần rút cái ống thở ra là nó xong rồi. Thôi, con người có số phận cả, cứ để cháu nó được đến đâu hay đến đó. Chắc cũng không còn mấy nữa đâu. Anh Quân buồn bã nói với người bạn, vốn tỉnh lẻ thường không tốt lắm cả về chuyên môn lẫn thiết bị y tế. Nên thông thường người bệnh có vấn đề nghiêm trọng một chút là vội chuyển về thành phố lớn, nhưng trong trường hợp này đó là điều không thể. Cho dù nơi đó có tốt hơn, nhưng đứa bé sẽ không đủ sức chống chịu với một quãng đường dằn xóc đến 7,8 tiếng đồng hồ. Nên ngoài sự trông chờ, hy vọng vào một vận may của số mạng thì không thể làm gì hơn được nữa. - Anh Quân ơi! hình như nó có phản xạ rồi nè. Nghe Phúc gọi, anh Quân vội chạy vào, bé Ny hơi nhíu nhíu trán. Một tia hy vọng le lói, anh khấp khởi, cầm tay con gọi khẽ. Nhưng chỉ thế thôi, bé Ny không biểu hiện thêm được chút nào nữa. Khi nghe chồng nói, chị Nguyên trào dâng một niềm tin mãnh liệt. - Con bé sẽ qua khỏi, anh à, em tin thế, nó sẽ sống lại, sẽ khỏe mạnh như xưa, anh có tin không? Tuy không có một niềm tin tràn trề như chị, nhưng anh cũng đồng tình: - Anh tin, tin chứ, bé Ny sẽ khỏe lại mà. Vâng, chỉ cần một chút khởi sắc thôi, là một ngọn lửa lại được nhen lên, lại bập bùng ấm áp. Hôm sau, hôm sau nữa. Bác sĩ cũng ngạc nhiên khi bắt mạch: - Mạch đều hơn rồi. Khi cô y tá chọc tìm ven để lấy máu thì bé Ny khẽ nhăn mặt, co tay lại. - Ôi, nó phản xạ tốt hơn hôm qua rồi. Từng chút, từng chút dấu hiệu hồi sinh của cháu bé thu hút tất cả mọi sự chú ý. Những thân nhân bệnh cùng phòng cũng hồi hộp đón chờ từng cử chỉ của bé. Và rồi, cũng đến lúc bé Ny lờ đờ nhướng mắt. Chị Nguyên mừng quá, rối rít gọi con: - Con ơi! Bé Ny ơi, mở mắt ra nhìn mẹ này, con tỉnh lại đi con. Bé Ny lại nhắm mắt. Anh Quân trấn tĩnh vợ: - Em từ từ thôi, để con nó tỉnh hẳn đã. - Ôi, em mừng quá anh ơi, con nó sống rồi. Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn phước đức ông bà để lại. Con bé sống rồi. Chị nói cuống quýt, nước mắt nhạt nhòa, anh nắm chặt tay chị nhưng chưa vội lạc quan như chị, anh còn chờ sự khẳng định tốt hơn, bởi vẫn lơ lửng một tình huống… Mấy tiếng đồng hồ sau, bé Ny lại mở mắt, lần này cả anh lẫn chị đều im lặng nhìn chăm chăm vào mặt bé. Bé Ny chớp chớp rồi mở hẳn, chị hồi hộp cất tiếng gọi khẽ: - Bé Ny ơi! Bé Ny nhìn mẹ, trong mắt bé rõ một thần sắc, anh khấp khởi: - Ny ơi! Con thấy ba không? Bé Ny chớp chớp tỏ ý nhận ra, anh mừng quá, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt con: - Con gái của ba… Chị không kìm nổi nước mắt, nắm lấy tay chân con mà khóc. - Mấy người này hay ghê nha, nó cấp cứu cũng khóc, giờ nó tỉnh cũng khóc, né ra chút giùm tui cái coi. Bác sĩ Thanh nạt đùa, ông cũng không giấu được vẻ vui mừng. Còn gì nữa, một bệnh nhân ngắc ngoải mười mấy ngày nay, giờ bỗng có một tiến triển khả quan thế ai không mừng. Một món quà tuyệt bích cho người chiến thắng tử thần. Công sức của mấy mươi người với tất cả những khả năng có thể, giờ đã mở ra trước mắt một sự hồi đáp. Bé Ny đã thực sự tỉnh lại được hai ngày, nhưng bé còn rất yếu, vẫn chưa thể rời cái máy thở được, nhưng sắc mặt bé đã hồng lên đôi chút. Những tín hiệu trả lời những câu hỏi của mọi người, đã khẳng định bé không bị di chứng về não. Chân tay cử động nhẹ được, mắt nhìn tốt, chỉ còn nội tạng là chưa có điều kiện xác định. Có cảm tưởng bé vừa bị một vật lạ có hình thù quái dị, có sắc màu hư ảo, dẫn dụ bé đuổi theo, bé mải mê đuổi theo cho đến mút một con đường, thấy chung quanh là bóng tối ngập tràn, bé mới hoảng sợ vụt quay người chạy về với cha mẹ. Hoặc, trong lúc mải rong chơi ấy, bé mơ hồ nghe tiếng gọi của bao người thân thương của bé, và bé đang rón rén về bên cửa vì sợ bị mắng. Bởi bé sợ bị mắng, nên khi nhác thấy bóng mẹ cha, bé giật mình lùi lại. Sự lùi lại của bé xảy ra vào khoảng đầu đêm. Bé nhăn mặt, bé quơ tay, bé đập chân, bé thấy bóng áo trắng nào đi qua cũng như muốn gọi, nhưng mọi người đều không hiểu bé muốn nói gì. Thấy bé hâm hấp sốt, chị lại dấp khăn nóng đắp, bé cứ như có gì khó chịu, khổ sở lắm vậy. Chị luôn mồm xoa dịu con, vì nghĩ rằng bé nằm lâu ngày nên bức bối. Để rồi, sau một hồi quơ quạng, bé thả rũ chân tay, hàng loạt chỉ số trên những chiếc máy giảm tụt nhanh chóng, chị kêu thét lên, bấn loạn. Các y, bác sĩ chạy đến, mọi thăm khám đều không cho một dấu hiệu gì rõ rệt, chợt như bé cố gồng lên, tay như cào cào vào cổ, một bác sĩ chợt nhanh tay rút cái ống thở, thì ra dịch tràn vào ống thở cả một đoạn, làm bé tắc thở không biết tự lúc nào, và chút sức tàn đã giúp bé gắng gượng tự thở. Khi cái ống thở được thông và trở về cơ thể bé, bé từ từ thở lại bình thường, và ngủ một mạch cho đến sáng. Bấy giờ ba mẹ bé mới thấy hoàn hồn, khi ngỡ công sức của bao người, bao ngày vừa lấp loé đã tối sập. Trời ơi! Cái sinh mạng nhỏ bé này, sao mà lắm thử thách đến thế? Nhưng phải thấy rõ một điều, ngoài cái gọi là mạng lớn, phước lớn, thì bản năng sống sinh tồn của bé quả thật rất mạnh, bản năng ấy đã không chịu thua sự khốc liệt đấu tranh, và cuối cùng sự sống tuyệt vời đã thắng. Bé Ny đều đặn há cái miệng xinh xinh đón từng muỗng cháo từ tay mẹ. Chị Nguyên cảm thấy một niềm hạnh phúc dạt dào dâng trào mãi trong lồng ngực khi lại được làm cái việc mà chị đã làm cho con gái từ những ngày chưa xưa lắm ấy. Đã ăn được, đã ngủ được bình thường, bé Ny hồi phục thấy rõ. Những bữa ăn của bé được cải thiện nhanh chóng, cháo, cơm, bún, phở… cứ cái gì bé muốn ăn là gần như có ngay lập tức. Có khi chị đang giặt, nghe anh gọi điện báo bé thích ăn chè đậu ván, thế là hơn năm phút sau, bé đã ngon lành mút bịch chè với gương mặt rạng rỡ của ba mẹ. Chỉ sau một tuần rời khỏi chiếc máy thở, bé Ny đã bước xuống đất đi lại, da mặt hồng hào, đôi mắt lại to đen háo hức. Có người quen nói vui “Sau này phải làm Bộ trưởng cho bõ công mọi người nghe bé Ny”. Mọi vật dụng đã được xếp gọn vào những cái túi, anh Quân cúi lưng thấp xuống cạnh giường cho chị Nguyên đỡ bé Ny lên. Đứng dậy cõng xốc con, anh Quân cười rạng rỡ chào những vị thầy áo trắng, những người thân bệnh cùng phòng. Những tiếng chào hỉ hả, và cả những ánh mắt ghen tị, thèm muốn. Bất kỳ ai, nếu buộc phải ăn đứng ngủ ngồi ở cái chốn tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười đây, cùng chỉ có một ước muốn như gia đình bé Ny lúc này. Cho dù bao vất vả tốn kém, giây phút được bồng bế nhau ra khỏi cổng bệnh viện với nụ cười vui sướng là đủ quên hết cả. Một cuộc đời người ta thường rất nhiều khi phải bước đến nơi không muốn đến, vào rồi tất sẽ ra, khác nhau là ra trong trạng thái nào. - A, chị Ny về rồi. Sao chị đi lâu quá dzậy? Chị không ở nhà chơi với em, em buồn quá nè. - Chị mới về còn mệt, con để chị nghỉ rồi mấy hôm nữa chị chơi với con nghe. - Chị chơi với con, ăn sôcôla với con nữa, phải hông mẹ? - Ừ, con phải nhường cho chị ăn nhiều đó nha, không được giành hết của chị đâu đó. - Dạ, con nhường cho chị ăn nhiều rồi ba dắt con đi mua đồ mới, mua đồ chơi nữa hả ba? Chị Nguyên phì cười: - Nó không quên được chuyện quan trọng của nó mà. Được rồi, để chị Ny khoẻ rồi mẹ dắt cả hai chị em đi sắm đồ mới nha. Anh Quân đã xếp xong chỗ nằm cho con gái, quay ra bế bổng con trai lên hôn chùn chụt vào mặt: - Con trai ngoan của ba, ba mua đồ siêu nhân cho con nha, năm nay nhà mình ăn tết lớn thiệt lớn, con chịu hông? - Con chịu. Mẹ ơi! Ba nói nhà mình ăn tết lớn kìa mẹ. Mặt chị Nguyên đỏ hồng lên nụ cười hạnh phúc, nhìn mấy cha con rồi quay đi lén đưa tay áo lên quệt mắt. Trên tường, mấy tờ lịch mỏng đang lật bật. ĐÀM LAN ĐẸP NHƯ CỔ TÍCH Chốc chốc, con Tê Giác lại thúc giục: - Chủ nhân, đi thôi, kẻo trễ! Nó làm tôi thêm quýnh quáng. Bực quá, tôi quát: - Im, bộ ngươi tưởng hóa trang thành một ông già Noel dễ lắm hả? Nó nhướng cặp mắt ốc nhồi nhìn những miếng bông gòn dán vòng quanh cằm tôi rồi bật cười: - Trông giống cụ... non lắm! Mím môi, trợn mắt, tôi dứ nắm đấm: - Coi chừng ta đấm gãy sừng đó! Con vật càng cười to hơn. Nó lắc lư đầu khiến cho cái bị to kềnh chứa đầy đồ chơi đang được máng trên cái sừng phải bật lên những tiếng rổn rẻn. Tôi biết nó ngầm bảo: - Đừng giỡn! Bẻ sừng tê giác còn khó hơn nhổ một cây cổ thụ. Tôi dịu giọng: - Này, bạn thân yêu. Hãy chờ thêm tí nữa. Dù sao, ta không muốn bọn trẻ chê ta... xấu xí. Chớp chớp mắt, Tê Giác tỏ vẻ thông cảm: - Được, nhưng chủ nhân đừng quá lo lắng về dung nhan của mình. Thật ra, bọn trẻ chú ý đồ chơi ngài mang đến cho chúng hơn là bộ râu giả của ngài. - Có lý! Nhưng hình tượng ông già Noel đẹp đẽ lắm. Ta không thể làm bọn trẻ thất vọng. Tê Giác không thèm cãi cọ nữa, nó nằm bẹp xuống đất, lim dim mắt. Nỗi phấn chấn của tôi xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Dù biết trẻ em chờ đợi lòng tốt, sự quan tâm, chăm sóc của người lớn hơn là mong đợi một cụ già lọm khọm ăn mặc sặc sỡ. Nhưng tôi vẫn thích mang dáng dấp nhân ái truyền thống. Tôi mặc vội bộ quần áo đỏ viền trắng. Mang thắt lưng đen tuyền, chụp cái mũ hình chóp lên đầu rồi đến trước gương soi. Tôi suýt lăn ra cười. Trông tôi giống một đứa trẻ sắp hát tuồng hơn là một vị thánh chuẩn bị đi ban phát hạnh phúc. Chờ tôi trèo lên lưng, bấu chặt sừng Tê Giác, nó mới bay vút lên. Bầu trời đêm tuyệt đẹp. Ánh sao nhấp nhánh cài lên nền trời nhung đen thẫm. Gió lồng lộng. Tôi phải nằm rạp xuống sát lưng Tê Giác để bộ râu bông gòn không bị xé rách dần. Còn Tê Giác thật tinh nghịch. Đang bay vù vù, bỗng khựng lại, làm tôi thót cả ruột. Đúng lúc đó, nó lại bay vun vút tới trước, mặc cho tôi thét rùm trời. - Mi điên rồi hả? Có chịu giảm tốc độ không? Nó cười khùng khục, lắc đầu: - Thấy vậy, tôi vẫn còn chậm so với một chiếc mô tô đang chạy trên đường bộ. Thò tay quẹt mũi nó một cái, tôi cười: - Mi muốn đua tốc độ hả? Nếu vậy, làm ơn để ta xuống đất. Ta chưa muốn chết. Tê Giác bỗng kêu lên: - Ồ, chúng ta sẽ đến đâu, tới nhà ai trước? Coi chừng đã lạc đường. - Không sao, nếu lạc, mi hãy nhìn xuống đất. Hễ thấy nơi nào có tháp phát sóng đài truyền hình thì quay lại đó. Tìm về trung tâm thị xã bằng cách đó chính xác không thua nhắm hướng sao bắc đẩu. Bây giờ, hãy bay đến xóm nhà lá. Sợ Tê Giác thắc mắc, tôi vừa chỉ tay vừa giải thích: - Mi cứ bay đến vùng ngoại ô, nơi có ánh đèn thưa thớt. Dân xóm này rất nghèo. Họ chỉ lo chuyện ăn uống, chứ ít khi nghĩ đến việc mua đồ chơi cho con cái. Ta sẽ ưu tiên cho bọn trẻ ở đây. Con Tê Giác thật tuyệt. Nhanh như chớp, nó đến đúng nơi tôi cần đến. Cả hai lúng túng hết mấy giây vì không tìm thấy ống khói để chui xuống. Nhưng rồi mọi việc cũng được giải quyết nhanh gọn. Nhà bé Thủy ở đầu xóm. Vách lá nhà sau rách một lõm vừa đủ để tôi đút đầu vào quan sát. Tìm một chỗ đặt xoong nồi bằng nhựa cao cấp. Sáng mai, khi thức dậy, Thủy sẽ vui mừng biết bao khi thấy món đồ chơi hằng mơ ước đang nằm chễm chệ trên mặt bàn gỗ cũ kỹ. Thủy không còn dùng gáo dừa để giả làm nồi, dùng vỏ nghêu làm chén đựng những cọng mì sợi bằng dây tơ hồng, rắc lên vài cánh hoa cẩm tú. Vậy mà, năm sáu đứa con nít vây quanh, tranh nhau: - Chị Thủy, bán cho em một tô mì! Chính tôi, trong một dịp đi học nhóm, ngang qua, trông thấy cũng ghé lại, đòi mua mì. Nhà thằng Tí trống hoét. Vào dễ ợt. Hình như cửa không bao giờ khóa. Họ đâu có gì để mất. Tôi đặt lên bàn thờ Tí một hộp “Hoa đèn”. Chỉ cần nhấn nút, ba đóa hồng có cài đèn ở giữa nhụy bật sáng. Một điệu nhạc du dương cất lên, làm vui hẳn khung cảnh ảm đạm này. Lâu lắm rồi, từ ngày ba Tí mất, nhà nó vắng lặng lắm. Mẹ Tí phải đi phụ hồ. Một nghề đòi hỏi phải có mặt thường xuyên ở công trường. Tí ở nhà một mình buồn đứt ruột. Nhà Bé Bi ngộ ghê. Mái dột nát. Vách cũng trống trước, hở sau. Nhưng được tấn kỹ ở cửa ra vào. Ba mẹ Bé Bi sợ bé lén ra khỏi nhà lỡ lọt xuống ao gần đó thì khổ. Họ đâu ngờ nhốt Bé Bi như vậy chẳng khác nào bắt con cóc bỏ lên dĩa. Nó vẫn nhảy như thường. Bé Bi lôi cái ghế đẩu cho ngã nằm dài trên mặt đất. Bé lôi xềnh xệch tới bậc cửa, bấu chặt khung cửa, Bé Bi bước lên tấm ván chắn và nhảy ra ngoài. Hôm bọn tôi bắt gặp cảnh Bé Bi lăn như cuốn chiếu vừa tức cười vừa hoảng vía. Liều 1ĩnh kiểu này có bữa u đầu, vỡ trán. Tôi chọn hai chiếc vòng đeo tay có lục lạc cho Bé Bi đeo. Mỗi bước đi của bé sẽ vang lên tiếng nhạc. Bà hàng xóm sẽ nghe được và... can thiệp đúng lúc. Chúng tôi còn đến nhà những đứa trẻ con nhà khá giả ngoan ngoãn. Những món quà tặng chúng mang tính nghệ thuật chứ không thực dụng như quà tặng trẻ xóm nhà lá. Bé Thúy sẽ nhận được một cây sáo trúc. Thằng Trùm Tỉn một cây còi thể dục. Thúy Liễu sẽ nhận một hộp vải vụn, Liễu mặc sức thiết kế thời trang cho... búp bê... Tôi đang thao thao bất tuyệt với câu chuyện kể của mình thì Bảo cắt ngang: - Nói dóc vừa thôi ông. Từ hồi đó đến giờ tớ đã nghe nhiều người nói dóc rồi nhưng chưa ai nói dóc... bay bổng như cậu. Còn bày đặt xen lẫn giữa hiện đại và truyền thuyết nữa chứ. Hứ, người ta đang học bài, khi không rủ rê ra đây nghe nói dóc. Nhìn điệu bộ Bảo, tôi không khỏi bật cười. Mặt nó vênh lên, môi bĩu ra, hai mắt nhắm híp. Trang che miệng cười khúc khích: - Em thấy anh Phong kể chuyện cũng lạ lắm chứ bộ. Phải chi ông già Noel cũng tặng đồ chơi cho em. Thằng Bảo bỗng vỗ vỗ đùi đánh bốp: - Tại sao tụi mình không giả làm ông già Noel, đi tặng quà cho con nít xóm mình. - Trang mà giả làm bà già Noel thì giống hơn. - Tụi mình giả làm ông già Noel và một bà già Noel. Đồng ý không? Thằng Bảo lại thắc mắc: - Lấy quà ở đâu để tặng? Cả bọn ngớ ra mấy phút. Rồi cũng chính Bảo vỗ đùi đánh bốp: - Lấy từ trong thùng đồ chơi của bọn mình. Tôi nhớ đến thùng đồ chơi của tôi. Mỗi kỳ sinh nhật, ba mẹ ông bà đều tặng quà cho tôi. Món nào cũng đẹp và đắt tiền. Tôi quý chúng lắm. Không phải vì chúng đắt tiền mà vì tấm lòng của người tặng. Bây giờ, tôi sắp mang nó đến cho người khác, san sẻ niềm hạnh phúc bấy lâu tôi có. Ông bà, ba mẹ biết được chắc cũng không nỡ giận. Tôi bỗng thấy mình lớn hẳn ra, chững chạc và nhân ái như một ông già Noel. NGUYỄN THỊ MÂY MỤC LỤC Vài chi tiết về kỳ họp ngày 08.12.2018 ....... Vũ Thư Hữu . 01 Vài dòng về cuốn Đô Đốc Courbet… ..... Vũ Anh Tuấn . 04 Những suy nghĩ vẩn vơ (tập 1- tt) .. Lm. Giuse Ng.H.Triết . 06 Chánh Pháp & Tà Pháp (tt & hết) ..... Tâm Nguyện . 09 Về tác giả bài ca quen thuộc ............. Thúy Toàn .. 17 Mùa hoa Anh Đào ........................ Phạm Vũ . 21 Quê hương mình (tt & hết) ........ Nguyễn Văn Sâm .. 25 Những người đàn ông kỳ lạ nhất thế giới ......... H.Chúc st. . 34 Những điều khác biệt giữa Đông&Tây phương . Hoàng Kim Thư st . .. 38 Tìm hiểu nghĩa của từ Tết ........ Nguyễn Tấn Thái. .. 42 Heo & Lợn trong ca dao Việt Nam ......... Hà Mạnh Đoàn . 44 Kỷ lục vua chúa Việt Nam .......... Bùi Đẹp st. .. 56 Những ngày cuối năm (thơ) ........... Đàm Lan . 62 Hoa bất tử (thơ) ............. Phạm Thị Minh-Hưng .. 64 Không có mùa Xuân 1 (thơ) ........ Ngàn Phương .. 65 Một năm tròn (thơ) .......... Huỳnh Thiên Kim Bội .. 66 Gởi đến một cô dâu mới (thơ phỏng dịch) ........... Hoài Ly .. 69 Mùa Xuân vắng anh (thơ) .............. Hoài Ly .. 70 Chào thua (thơ) ............... Tâm Nguyện . 71 Mùa hoa Mai (thơ) ............ Thanh Châu .. 72 Thiện niệm (thơ) ............. Lang Nguyên .. 73 Chiều ấy (thơ) ............... Thanh Phong .. 74 Về với Chúa (thơ) ............ Thanh Vĩnh .. 75 Xuân đến Xuân đi (thơ) ....... Thanh Vĩnh .. 76 Be Lem của Chúa (thơ) ............ Lam Trần .. 76 Hướng dương đời ......... Nguyễn Tấn Thái. .. 78 Cây đàn mùa Xuân (thơ) ............. Lê Nguyên . 79 Quà Xuân (thơ) ................... Lê Nguyên . 80 Chúc Tết Kỷ Hợi 2019 (thơ) .............. Nhựt Thanh .. 80 Duyên tình (thơ) - Gợi nhớ (thơ) ..... Vũ Thùy Hương . 81 Tắm mưa (thơ) - Phát tâm (thơ) ......... Quang Bỉnh .. 82 Người không có… (thơ) ............... Lê Minh Chử .. 83 Cứ yêu hoài (thơ) - Hồi xuân (thơ) ........... Phùng Chí Tâm .. 84 Kiếp luân hồi (thơ họa thư) - Khoán thủ (thơ) .. Phước Hải .. 85 Mùa Xuân đến (thơ) .............. Vũ Đình Huy .. 86 Springtime is coming (thơ) ....... Vũ Anh Tuấn dịch .. 86 Tâm sự ngày Xuân (thơ) ............ Vũ Đình Huy .. 87 Unbosoming oneself in the Springtime (thơ) . Vũ Anh Tuấn dịch .. 88 Tàn vụn ...................... Lam Trần .. 89 Những bài học lớn về cuộc đời… ......... Đỗ Thiên Thư st. .. 91 Giải độc thanh lọc cơ thể ......... Phùng Chí Tâm st. .. 99 Nụ cười Xuân ...... Đào Minh Diệu Xuân st. 102 Chuẩn bị để trở thành một người già dễ mến ... Lệ Ngọc st. 105 Mả phát vua, chúa ............. Phạm Hi ếu Nghĩa 106 Con Lợn & Con Heo ............. Quan Thúy Mai st. 112 Những điều thú vị mà… chưa biết! ........ Kim Sơn st. 115 Phép màu ....................... Đàm Lan 122 Đẹp như cổ tích ........... Nguyễn Thị Mây 131 |